Hạt Giống Nẩy Mầm  Tuần 7 Phục Sinh

print

Hạt Giống Nẩy Mầm  Tuần 7 Phục Sinh

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

Thứ Hai :

Ga 16,29-33

A. Hạt giống…

Đề tài giáo lý thứ 14 : về cuộc sống của người môn đệ giữa thế gian.

Chúa Giêsu báo trước rằng khi Ngài chịu nạn thì các môn đệ sẽ bỏ Ngài : ” Nầy đã đến giờ, và đến giờ rồi, các con sẽ mỗi người một ngã, bỏ mặc Thầy một mình”

Chúa Giêsu còn tiên báo xa hơn về cuộc sống của môn đệ sau khi Ngài ra đi : “Giữa thế gian, các con sẽ đau khổ. Nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian”

Lúc ấy, mặt trời đã lên cao, ánh mắt của nó chiếu qua tấm che trần màu đỏ tía, khiến cho nhà hát ngập màu máu. Cát nhuốm màu lửa đỏ, và trong thứ ánh sáng ấy, nét kinh hoàng hiện lên khuôn mặt khán giả cũng như bãi đấu trường mà lát nữa đây sẽ tràn ngập nỗi đau đớn của những con người bị hành hình và nỗi điên cuồng của những dã thú. Cửa hầm mở, đoàn người gói trong những tấm da thú bị đẩy ra. Toàn nhà hát vang lên tiếng rì rầm : “Bọn  Thiên Chúa giáo ! Bọn Thiên Chúa giáo !”… Đây là cảnh tượng cuộc hành hình những Kitô hữu tiên khởi thời Néron năm 64.

Lịch sử Giáo Hội mở ra với những cuộc bách hại. Và trải qua 2000 năm, bị nghi ngờ, bị thù ghét và bách hại luôn là số phận của người Kitô hữu. Tại sao ? Lời Chúa Giê-su hôm nay là câu trả lời quý giá cho tôi.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu rằng là Kitô hữu nghĩa là tham dự vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa. Xin cho con luôn biết can đảm đối diện với thập giá. (Epphata)

  1. Nếu chỉ tin có phần đầu của Lời Chúa thì chúng ta sẽ lo sợ lắm. Chúng ta phải tin luôn phần sau của Lời Chúa nữa “Thầy đã chiến thắng thế gian”. Chắc chắn như thế, Chúa Giêsu đã bị biết bao gian nan khốn khó cùng một lúc đổ dồn lại tấn công Ngài, bao nhiêu kẻ thù liên minh lại để làm hại Ngài, đến nỗi Ngài phải bị chết, chết rất là đau đớn rất là nhục nhã. Có thể nói khi Ngài chết là Ngài gánh chịu tất cả mọi thứ gian nan khốn khó. Bởi vậy khi Ngài sống lại thì không phải Ngài chỉ chiến thắng một sự gian nan khốn khó nhưng là tất cả mọi gian nan khốn khó. Chiến thắng ấy không phải chỉ của riêng Ngài mà còn là bảo đảm cho chiến thắng của tất cả những ai theo Ngài.
  2. Nhưng để có thể đón nhận những gian nan khốn khó sẽ đến và để có thể vững tin vào chiến thắng, chúng ta phải “can đảm lên”. Xin Chúa ban cho con thêm can đảm.
  3. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Ba :

Ga 17,1-11a

A. Hạt giống…

Bài giáo lý thứ 15 : Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trước lúc ra đi.

– Chúa Giêsu cầu cho chính mình : “lạy Cha, xin hãy tôn vinh con”

– Cầu cho những kẻ Chúa Cha giao cho Ngài : “Con cầu xin cho chúng… bởi vì chúng là của Cha… Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian”

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ vẫn còn ở trong thế gian” : Khi nói câu này, hình như Chúa Giêsu tội nghiệp cho chúng ta. Có thể quảng diễn ý Chúa Giêsu một cách đơn sơ như thế này : Lạy Cha, phần con thì đã khoẻ rồi vì đã thoát khỏi thế gian, nhưng những môn đệ của con thì thật tội nghiệp vì còn phải ở lại thế gian, cái thế gian đã méo mó chứ không còn tốt đẹp như hồi Cha mới dựng nên, cái thế gian đầy dãy sự xấu sự ác sự khổ, cái thế gian có muôn vàn cạm bẫy, cái thế gian chẳng có giá trị nào vĩnh cửu… Thật là tội nghiệp cho chúng. Vậy xin Cha hãy gìn giữ chúng.

Chúa Giêsu biết rõ ở trong thế gian là thế nào và thoát khỏi thế gian là thế nào nên Ngài mới cầu nguyên như vậy. Còn chúng ta, chúng ta chỉ biết có thế gian này cho nên chúng ta quyến luyến nó, chúng ta sợ phải mất nó, khi nghĩ đến ngày chúng ta lìa xa thế gian thì chúng ta sợ hãi lo âu.

  1. “Năm sự mừng, thứ hai Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời”. Đúng vậy, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta hiểu thực chất của những giá trị thế gian, để ngày càng ái mộ những sự trên trời hơn.
  2. Sau khi trình bày với Chúa Cha về hoàn cảnh tội nghiệp của chúng ta còn phải ở lại thế gian, Chúa Giêsu thưa tiếp : “Xin cho chúng hiệp nhất nên một”. Khi người ta ở trong một tình thế nguy hiểm thì người ta phải đoàn kết lại với nhau. Chúa Giêsu biết chúng ta phải gặp nhiều thứ nguy hiểm ở thế gian nên Ngài xin Chúa Cha giúp chúng ta đoàn kết hiệp nhất. Chúng ta đang phải đối phó nhiều thứ nguy hiểm lắm : nguy hiểm do ma quỷ quấy phá, nguy hiểm do những kẻ thù của Giáo Hội, nguy hiểm do những cám dỗ và cạm bẫy của người đời. Khi chúng ta không đoàn kết hiệp nhất với nhau thì chẳng những chúng ta không giúp gì được cho nhau để thoát khỏi những nguy hiểm ấy, trái lại chúng ta còn làm khổ thêm cho nhau, làm yếu sức nhau, làm cho nhau dễ sa ngã hơn nữa. Những sự bất hòa, chia rẻ, thiếu bác ái đã làm cho biết bao người phải chán nản không còn hăng say chu toàn nhiệm vụ, không còn nhiệt tình đi theo lý tưởng, không còn đủ sức đón nhận hy sinh…
  3. “Lạy Cha chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”

Trên một bãi biển…

– Chú ơi ! Chú ngồi ghế của cháu, cháu lấy rẻ thôi. Anh thanh niên lên tiếng :

– Nó còn bé, mới học lớp 4. Chú đừng nghe nó.

Quay sang thằng bé, anh sừng sộ :

– Này, con nít mà bày đặt. Mày muốn gì ?

– Chú ơi, chú đừng sợ, chú đừng sợ, có ba cháu ở trong nhà mà… Anh thanh niên nghe thế liền bỏ đi.

Quả thật, danh của cha đã bảo vệ thằng bé khi nó đặt trọn niềm tin nơi cha.

Trong cộc sống hàng ngày, cám dỗ bủa vây tứ phía, nhưng mấy khi tôi chạy đến cùng Cha ?

Lạy Cha, xin cho chúng con luôn biết chạy đến với Cha mọi lúc trong cuộc sống.  (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Tư :

Ga 17,11b-19

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện cho môn đệ mình :

Đây là phần thứ hai của Kinh nguyện Tư tế. Trong phần thứ nhất mà chúng ta đọc ngày hôm qua (17,1-11a), Chúa Giêsu cầu nguyện cho chính bản thân Ngài, xin Chúa Cha tôn vinh Ngài. Sang phần thứ hai, phần của hôm nay, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài. Phải hiểu chữ “môn đệ” ở đây theo nghĩa hẹp, nghĩa là không phải tất cả những kẻ tin Ngài, mà là một nhóm cán bộ nồng cốt của Ngài, tức nhóm 12 và nhóm 72. Môn đệ của Chúa Giêsu hôm nay là các Giám mục, Linh mục và tu sĩ.

Chúa Giêsu cầu cho những người này :

– “Xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho con, để chúng được nên một”

– “để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng”

– “Xin gìn giữ chúng khỏi sự dữ”

– “Xin hãy thánh hóa chúng trong sự thật”

 

B…. nẩy mầm.

  1. Chúa Giêsu biết các môn đệ của mình ở trong một hoàn cảnh rất đặc biệt và tế nhị :

– Họ phải sống giữa thế gian. Mà thế gian này là một thế gian thù nghịch với Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa Giêsu ; thế gian này đã ghét Chúa Giêsu nên cũng ghét các môn đệ của Ngài ; thế gian này còn rất xảo quyệt, luôn tìm cách quyến rũ để các môn đệ Chúa Giêsu đi lệch con đường của Chúa Giêsu mà ngã sang phía thế gian.

– Ở trong một thế gian như thế, người môn đệ thường xuyên đứng trước 2 cám dỗ : một là cám dỗ trốn tránh, xa lánh thế gian ; hai là cám dỗ thỏa hiệp với thế gian. Nhưng xa lánh thì làm sao chu toàn sứ mạng thánh hóa thế gian ; còn thỏa hiệp với thế gian thì đánh mất căn tính của mình và cũng đánh mất sứ mạng của mình.

– Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã cầu xin cho các môn đệ mình 2 điều : một là sự hiệp nhất, hai là thánh hiến. Đây chính là 2 điều quan trọng để chúng ta tuy sống giữa thế gian mà không thưộc về thế gian.

a/ Điều thứ nhất, hiệp nhất : Kinh nghiệm cho thấy Linh mục tu sĩ nào không thân thiết với anh chị em cùng lý tưởng với mình, không gắn bó với Giáo Hội và với cộng đoàn của mình, thì Linh mục tu sĩ ấy dễ sa ngã hơn.

b/ Điều thứ hai, thánh hiến : Chỉ một mình Thiên Chúa là đấng Thánh. Thánh hiến ai là làm cho người đó hoàn toàn thưộc về Chúa. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha lấy Lời Chúa mà làm cho các môn đệ thuộc về Chúa một cách trọn vẹn. Ai đã trọn vẹn thuộc về Chúa thì cho dù người đó có sống giữa bao nguy hiểm quyến rũ của thế gian thì cũng không hề hấn gì. Người ấy như sen trong bùn, như ánh sáng chiếu trong đêm tối, như men vùi trong thúng bột. Người ấy vừa luôn trung thành với Chúa của mình, vừa chu toàn sứ mạng thánh hoá thế gian.

  1. “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần”

Khi đọc câu Lời Chúa này, tôi nhớ lại kinh nghiệm của một anh trong nhóm. Vì không thể từ chối, anh đành phải đi tới một nhà hàng không được “trong ánh sáng” cho lắm. Mỗi người vào bàn và một người đều có một cô “phục vụ” bên cạnh. Thoạt đầu, anh muốn tránh né ; nhưng vì nghĩ rằng thái độ có thể làm cho cô ấy tủi, nên anh cố gắng làm một điều gì đó tốt hơn. sau khi hỏi thăm về gia cảnh của cô, anh mới hỏi : “Tại sao cô phải làm nghề này ?” Cô gái thinh lặng môt lát rồi bật khóc. Mọi người nhìn anh khiến anh phải lúng túng… Trước khi anh ra về, cô nói nhỏ : “Có lẽ em sẽ không tiếp tục sống nghề này được ! “.

Lắm khi tôi xa lánh những người “xấu”, Những cái “phàm tục”, trong khi Chúa Giê-su đã không xin cha cất tôi khỏi thế gian. Lắm khi tôi lại mải mê tìm kiếm “danh, lợi, thú”, và vì sợ mất, tôi đã không dám sống như lời Chúa đòi hỏi.

Lạy Chúa, xin giúp con sống thanh thoát. để nhờ được tự do trong Chúa, con tích cực xây dựng cuộc sống trần gian theo như Chúa muốn. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Năm :

Ga 17,20-26

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu cầu cho những tín hữu đã nghe lời rao giảng của các môn đệ mà tin vào Ngài :

– “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con”

– “để cả chúng cũng nên một trong Ta”

– “Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đấy với Con”

– “để tình Cha yêu Con ở trong chúng và Con cũng ở trong chúng nữa”

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Để cả chúng cũng nên một trong ta” : “nên một” là một điều hét sức quan trọng, nên khi cầu nguyện cho bất cứ thành phần nào trong Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng cầu xin cho họ được điều ấy.

Lạy Cha, xin giữ chúng con trong tình hiệp nhất

Không phải thứ hiệp nhất rẻ tiền : cố nhịn nói, cố tránh va chạm để người ngoài nhìn vào không biết chúng con đang chia rẻ

Mà là sự hiệp nhất dám chấp nhận những dị biệt và những lời góp ý thẳng thắn

Một sự hiệp nhất được thúc đẩy bởi ước muốn duy nhất trong lòng mọi người là sống theo chân lý của Cha.

  1. Nhạc trưởng Michael Costa đang diễn tập với một ban đại hợp xướng với cả trăm nhạc cụ và nhạc công. Bỗng có tiếng sáo ré lên. Chắc người thổi sáo sợ rằng nhạc trưởng không nghe thấy tiếng sáo của mình. Nhạc trưởng cáu kỉnh quát : “Tiếng sáo nào kì vậy ?” Và phải tập lại từ đầu. (Góp nhặt)
  2. “Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đấy với Con” : Chúa Giêsu ở đâu ? Ở trong tình yêu Chúa Cha ; ở trong sự thật ; ở trong thánh ý Chúa Cha ; ở trên thập giá… và ở trên thiên đàng.
  3. “Chính Cha đã sai con và yêu thương họ như đã yêu thương con”

Mỗi lần nói đến cuộc đời Chúa Giê-su, tôi rất dễ lời cảm tạ, ngợi khen, tri ân trước những hy sinh lớn lao của Ngài. Và tôi thường lý luận nông cạn rằng vì Chúa Giê-su được Chúa Cha thương đặc biệt nên Người có thể làm mọi sự.

Nhưng hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giê-su lại khẳng định với tôi rằng Chúa Cha đã yêu thương tôi như đã yêu thương Chúa Giê-su.

Như vậy, Giê-su Nadarét ngày nào cũng như tôi hôm nay, cũng được Chúa Cha yêu thương bằng một tình Cha thật gần gũi. Nhưng khác một điều Ngài đã nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, dù trong những lúc đau thương nhất của cuộc sống. Còn tôi, cũng tin vào Tình Yêu của Thiên Chúa, những không mấy xác tín rằng Chúa Cha đã yêu thương tôi  như đã yêu thương Chúa Giê-su.

Cha ơi, xin cho con cảm nghiệm được Cha yêu con và học biết nơi Đức Kitô cách đáp lại trọn vẹn tình Cha. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Sáu :

Ga 21,15-19

A.Hạt giống…

Bài giáo lý thứ 16 : Cuộc nói chuyện giữa Chúa Giêsu với các tông đồ bên bờ hồ Tibêria.

– Về thân phận của Phêrô : “Con có yêu mến Thầy không ?… Hãy chăn dắt chiên của Thầy”

 

B…. nẩy mầm.

  1. “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy”

Alexandre đại đế, khi còn nhỏ là một cậu bé thông minh. Một hôm cha cậu mua phải một con ngựa khó tính, không ai dạy nổi. Thế mà Alexandre đã thuần phục con ngựa ấy cách dễ dàng. Có người hỏi cậu về bí quyết khắc phục con ngựa ấy, cậu trả lời : “Chẳng có gì lạ. Tôi xét kỹ và thấy con ngựa này rất sợ cái bóng của nó. Vì thề, chỉ cần quay nó hướng về mặt trời để nó đừng thấy cái bóng của nó nữa”.

Ông Phêrô cũng rất sợ quá khứ của mình ; nhưng khi ông hướng về Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, sợ hãi như tan biến đi, nhường chỗ cho tín thác xâm chiếm cả tâm hồn ông.

Lạy Chúa, Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa biết con hơn con biết con và Chúa yêu con hơn con yêu con. Con tín thác đời con cho Chúa. (Epphata)

  1. “Người hỏi lần thứ ba : “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không ?… Hãy chăn sóc chiên của Thầy”

Ngày ấy, trong vườn Cây Dầu, Phêrô đã rút gươm như để bênh vực Đức Giêsu, nhưng sau đó ông đã tỏ ra hèn nhát và đã phản bội Thầy mình. Lúc ấy, Đức Giêsu quay lại nhìn Phêrô, một cái nhìn trìu mến, cảm thông cho nỗi khiếp nhược của ông, làm oà vỡ trong ông niềm xót xa, ân hận. Ông đã hiểu trọn nghĩa hai chữ yêu thương.

Và hôm nay, một lần nữa, trong ánh sáng Phục Sinh. Chúa Giê-su lại hỏi Phêrô, hỏi các môn đệ và hỏi chính tôi về một điều, một điều Người đã định nghĩa bằng trọn cuộc sống, đó là TÌNH YÊU

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu ; yêu Chúa và yêu mọi người, yêu như Chúa yêu vì Ngài chính là Tình Yêu. (Epphata)

  1. Socrate gặp chàng trai trẻ Xenophon lần đầu. Thoạt tiên, ông hỏi chàng có biết ở đâu bán cái này, cái nọ, và ở đâu người ta chế ra vật này, vật kia. Xenophon chỉ cho Socrate những thông tin cần thiết. Rồi Socrate hỏi :

– Anh có biết người ta chế tạo điều lành và nhân đức ở đâu không ?

– Không.

– Vậy anh hãy theo Ta.

Đó cũng là câu của Chúa Giêsu : “Hãy theo Ta.” (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)

                                                        

Thứ Bảy :

Ga 21,20-25

A. Hạt giống…

Tiếp bài nói chuyện bên bờ hồ : Về thân phận của Thánh Gioan “Người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến… cũng là người nằm sát ngực Chúa… Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến… Chính môn đệ này đã làm chứng…”

 

B…. nẩy mầm.

Thánh Gioan tông đồ có nhiều nét đáng nêu gương cho chúng ta :

  1. “Khi ấy Phêrô quay lại thì thấy người môn đệ Chúa Giêsu thương mến đi theo sau”. trong ngôn ngữ Tin Mừng, “đi theo” nghĩa là làm môn đệ. Ngay từ đầu Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Gioan còn tiếp tục đi theo Chúa Giêsu trên tất cả các nẻo đường Ngài đi, kể cả đường thập giá. Rồi khi Chúa Giêsu đã đặt Phêrô thay thế mình, Gioan lại tiếp tục đi theo Phêrô. Thánh Gioan đúng là hình mẫu của người môn đệ trung thành.
  2. “Ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Chúa Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi”. Gioan chẳng những là người trung thành đi theo, mà còn là người hiểu biết Chúa Giêsu nhiều nhất và sâu nhất, vì Gioan “nghiêng mình vào ngực Chúa”, vì Gioan thường “hỏi” nghĩa là thường suy gẫm về Chúa.
  3. “Nếu Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến…”. Ý Chúa Giêsu không nói là Gioan sẽ sống mãi không chết, nhưng Chúa muốn Gioan “ở lại”. Phải hiểu chữ “ở lại” này theo nghĩa của Tin Mừng thứ tư : ở lại là tồn tại mãi trong tình yêu mến, trong sự thân thiết. Dù sau này Gioan sẽ chết đi nhưng Chúa Giêsu muốn hình mẫu của Gioan như một môn đệ trung thành đi theo Thầy, như một môn đệ thường suy gẫm về Thầy tiếp tục tồn tại mãi trong Giáo Hội.
  4. “Chính người môn đệ này làm chứng về những điều đó”. Nghĩa là vì Chúa muốn hình mẫu của Gioan còn tồn tại mãi trong Giáo Hội như một cách làm chứng, cho nên Gioan đã làm chứng bằng cách viết lại những cảm nghiệm, những suy gẫm của mình về Chúa Giêsu. Và Gioan còn cho biết “Tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các điều được viết ra”. Có lẽ không phải thế giới không đủ chỗ chứa những sách mà Gioan nếu muốn sẽ viết ra. Không đủ chỗ chứa là đối với những cảm nghiệm và những suy gẫm rất sâu sắc của Gioan về mầu nhiệm Chúa Giêsu và về những điều Chúa Giêsu dạy.

Chúng ta hãy noi gương Gioan, trung thành “đi theo” Chúa Giêsu, biết “nghiêng mình vào ngực Chúa Giêsu”, biết “hỏi” Chúa Giêsu, để có như thế chúng ta mới có thể “làm chứng” về Ngài.

  1. (những mầm khác)