Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần Bát Nhật Phục Sinh

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Các Bài Tin Mừng trong Tuần Bát nhật đều tường thuật những việc xảy ra sáng ngày Chúa Phục sinh và các cuộc hiện ra sau đó. Phụng vụ chọn trong 4 quyển Tin Mừng để trình bày 4 cái nhìn khác nhau, bổ túc cho nhau về sự kiện Chúa Giêsu chịu chết và sống lại.

 

Phục Sinh (Lễ ban ngày)

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

Chúa Nhật 2 Phục Sinh.

Phục Sinh (Lễ ban ngày)

Ga 20,1-9

A. Hạt giống…

Bằng cách viết rất súc tích với những ý tưởng sâu sắc chứa đựng trong những chi tiết được chọn lựa rất kỹ, Thánh Gioan muốn mô tả hành trình đức tin của 3 nhân vật trong bài tường thuật này : Maria Mađalêna, Phêrô và “người môn đệ kia” (tức tông đồ Gioan).

– Khi ấy là “sáng sớm khi trời còn tối” : họ vẫn còn ở trong đêm tối chưa hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu, nhưng đã là lúc sáng sớm rồi, bình minh sắp tỏa sáng.

– “Chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu” : “địa chỉ” của Chúa Giêsu là một điều được Tin Mừng Gioan lưu ý nhiều lần. Ngay từ đầu quyển Tin Mừng, hai môn đệ đầu tiên đã hỏi “Thưa Thầy, Thầy ở đâu ?” (1,38). Đến phần cuối quyển Tin Mừng, câu hỏi “Thầy ở đâu ?” lại được lặp lại. Các môn đệ Chúa Giêsu luôn muốn biết “địa chỉ” của Ngài.

– Cả 3 nhân vật trong chuyện này đều “chạy” : Mađalêna chạy tìm Simon Phêrô, ông này cùng với Gioan “cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn”. Họ “chạy” để làm chi ? Để tìm đến “địa chỉ” Chúa Giêsu. Đây là cuộc hành trình của đức tin.

– Thiên Chúa đã đặt sẵn những dấu chỉ giúp họ tìm, đó là ngôi mộ trống, những khăn vải liệm còn đó được xếp gọn gàng và những lời tiên báo của Thánh Kinh. Nhưng chỉ một mình “môn đệ kia” đã đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ ấy nên “đã thấy và đã tin”. Gioan đã tìm được “địa chỉ” của Chúa Giêsu. Thực ra, nhiều lần Chúa Giêsu đã ám chỉ đến “địa chỉ” này (“Thầy về cùng Cha Thầy” : xem Ga 7,33-34; 8,21; 13,33) nhưng các môn đệ vẫn chưa hiểu. Hôm nay Gioan đã hiểu : Chúa Giêsu đã sống lại và về cùng Thiên Chúa.

B… nảy mầm.

  1. Khi mọi sự quanh ta hầu như tối đen và chỉ có một tia sáng hy vọng còn le lói, thì ta làm gì : đứng đó mà than khóc, hay nhanh chân chạy tới nguồn ánh sáng ?
  2. Thế giới hôm nay cũng giống như một màn đêm tăm tối : nhiều người không có đức tin, không hy vọng, không yêu thương. Thế nhưng không hẳn tối đen hoàn toàn, vẫn còn một vài tia sáng của đức tin, của hy vọng và của yêu thương. Hãy lạc quan nhận ra những tia sáng đó, hãy chỉ cho mọi người thấy những tia sáng đó và hãy khuyến khích mọi người cùng ta chạy tới.
  3. Đoạn Tin Mừng này đã được cải biến thành một vở tuồng do một nhóm học sinh công giáo trình diễn. Vở tuồng như sau :

– Một học sinh chạy tới hỏi một nhóm bạn học sinh khác : “Chúa Giêsu đâu rồi ? Ai đã đem Chúa Giêsu đi đâu rồi ?”. Mọi người ngơ ngác, sau đó ai nấy đều lần lượt trả lời “Tôi không có ! Tôi không biết !”. Rồi cả nhóm cặm cụi tìm kiếm trong và quanh ngôi mộ của Ngài.

– Từ một góc sân khấu, một học sinh lên tiếng : “Đừng tìm ở đó vô ích. Chúa Giêsu đang ở với mẹ tôi ở nhà tôi đấy. Mỗi khi tôi giúp mẹ một tay thì khuôn mặt rạng rỡ của Chúa Giêsu hiện lên trong nụ cười của mẹ”.

– Từ một góc khác, một học sinh khác cũng lên tiếng : “Chúa Giêsu đang ở trong Nhà thờ đấy. Mỗi khi tôi dự lễ, tôi được nghe Ngài nói trong Tin Mừng và được ấp ủ Ngài trong lòng lúc rước lễ”.

– Từ góc thứ ba, học sinh thứ ba tiếp lời : “Chúa Giêsu ở trong lớp học. Mỗi khi tôi giúp chỉ bài cho một bạn chưa hiểu là tôi gặp Ngài”.

– Phía dưới sân khấu, nhiều khán giả dần dần cũng bị cuốn hút, mỗi người chỉ ra địa chỉ của Chúa Giêsu phục sinh mà họ khám phá được…. (Trích báo Our Family, Lent 1997, Canada).

  1. Trước vành móng ngựa, bị can đã tự thú tất cả tội lỗi của mình. Cuộc sống đã không cho phép anh dìm mình mãi trong tội lỗi nữa. Ôi, cũng không thể dửng dưng với cuộc sống còn đầy những ganh ghét và đố kỵ của mình. Chẳng lẽ khi cùng đường bí lối tôi mới dám đối diện với sự thật của chính mình, mới chỗi dậy mà về cùng Cha sao ?

Tôi như người ngủ mê cần chỗi dậy để được thấy vinh quang phục sinh của Người.

Lạy Chúa, xin chiếu tỏa vinh quang Chúa trên chúng con. (Epphata)

  1. “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối…” (Ga 20,1)

Tôi rời nhà sau cùng, tay cầm bó hoa mới hái trong nhà xứ. Trời vẫn còn mờ tối. Bên kia đường, cạnh thúng bắp luộc đang bốc khói, cô bé đang bó gối chờ khách hàng đầu tiên.

– Này em. Chúa phục sinh gởi cho em cái này.

Tôi chìa bó hoa ra trước.

Ngạc nhiên giây lát, cô bé mỉm cười :

– Hoa đẹp quá, đổi lại anh trái bắp được không ?

Ấn bó hoa vào tay cô bé, tôi vội vã bước đi.

Trời bắt đầu rạng sáng, sáng lên trên khuôn mặt của cô bé, và sáng lên con đường tôi đi.

Lạy Chúa, xin ánh sáng của niềm vui phục sinh luôn tỏa sáng trên mọi khuôn mặt và trên đường chúng con đi. (Hosanna)

 

Thứ Hai :

Mt 28,8-15

A. Hạt giống…

Thánh Mát-thêu thuật lại những chuyện xảy ra vào buổi sáng Phục sinh :

  1. (Các phụ nữ đến mồ, thấy mồ trống, gặp thiên thần. Thiên thần cho hay Chúa Giêsu đã sống lại và bảo các bà đi báo tin cho các môn đệ và bảo họ Chúa Giêsu chờ họ ở Galilê). Trong tâm trạng vừa sợ vừa vui mừng, các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ.

– Tâm trạng sợ : không phải là sợ hãi, mà là nỗi sợ tôn giáo, tâm trạng của người ý thức Thiên Chúa đang có mặt và hoạt động. Vậy, các bà “sợ” nghĩa là các bà ý thức Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại.

– Vui mừng : vì Thầy mình đã sống lại.

  1. Đang khi các bà chạy đi báo tin thì Chúa Giêsu hiện ra. Câu đầu tiên của Ngài là “Đừng sợ”. Rồi Ngài lặp lại lời thiên thần : hãy đi báo tin cho các môn đệ, bảo họ rằng Ngài chờ họ ở Galilê.

– “Đừng sợ” : Trong Thánh Kinh, từ Cựu Ước tới Tân Ước, khi hiện ra với loài người, Thiên Chúa (hay Thiên thần) đều nói “Đừng sợ” (x. St 15,1 26,24 46,3 Tl 6,23 Lc 1,12.30 2,10 Mt 14,27 v.v.). Nếu như “sợ” là tâm trạng của con người khi biết mình đang ở trước mặt Thiên Chúa vì thấy mình bất xứng, thì lời nói “đừng sợ” có nghĩa là Thiên Chúa tự ý xóa khoảng cách giữa Ngài với loài người ; hơn nữa, Thiên Chúa là Đấng đem lại cho loài người sự bình an và vui mừng.

– Khi nói về các môn đệ, Chúa Giêsu gọi họ là “anh em” : sự phục sinh của Chúa Giêsu đã nâng mối liên hệ giữa Ngài với các môn đệ lên một bậc : họ trở thành anh em của Ngài.

  1. Phản ứng của giới thượng tế và kỳ lão : đút tiền cho bọn lính canh để mua chuộc họ xuyên tạc sự thật về việc Chúa Giêsu sống lại.

B…. nẩy mầm.

  1. “Đừng sợ” : Từ nỗi “sợ hãi” trong lúc Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, các bà đã chuyển sang “kính sợ” khi nhận thấy quyền năng Thiên Chúa. Lòng “kính sợ” đi kèm với nỗi “vui mừng hớn hở”. Khi ta thực sự tin vào quyền năng Chúa, ta sẽ không còn “sợ hãi” bất cứ điều gì nữa, thậm chí cón có thể “vui mừng hớn hở” trong bất cứ tình huống nào, kể cả cái chết.

1b. Một cụ già còng lưng vì tuổi tác và vất vả đang gom củi trong rừng. Ông nghĩ về phận mình và cảm thấy chán chường. Ông ném bó củi xuống và than vãn : “Cuộc sống cơ cực quá, không thể chịu nổi nữa ! Ước gì thần chết rước tôi đi !”.

Vừa nói xong, thần chết xuất hiện với bộ xương trong chiếc áo đen đứng trước mặt ông và nói : “Ta nghe ngươi gọi, Ta có thể giúp ngươi điều chi ?”. Ông già kinh sợ, nói : “Ngài có thể giúp tôi đặt  bó củi này lên vai không ?” (Góp nhặt)

  1. Chúa Giêsu phục sinh đã gọi các môn đệ là “anh em” của Ngài : sự phục sinh của Chúa đã cứu chuộc tội lỗi của loài người, ban lại cho loài người quyền làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Tạ ơn Thiên Chúa và Chúa Giêsu.

2b. Một giáo viên cấp II đang vào sổ hai cậu học sinh mới chuyển trường. Cô thấy tên họ của chúng giống nhau, dáng người và quần áo như nhau nên hỏi : “Hai anh em sinh đôi phải không ?”

– Không.

Rồi cô đọc thấy ngày tháng năm sinh của chúng chỉ cách nhau sáu tháng. Cô lại hỏi : “Hai anh em họ phải không ?”

– Không, chúng em là anh em ruột.

– Ồ, cô nghĩ có sự lầm lẫn trong việc ghi ngày sinh của các em. Hai em về nói mẹ ghi ngày sinh của mình và sáng mai đưa cho cô nhé ?

– Tại sao vậy ?

– Bởi vì nếu hai em không sinh đôi mà lại là anh em ruột, thì Nam không thể lớn hơn Tâm có sáu tháng.

Hai cậu nhìn nhau. Rồi Nam quay lại, mỉm cười nói với cô giáo : “Nhưng em không phải là người lớn hơn, vì cô biết một trong hai chúng em là con nuôi. Nhưng chúng em không biết ai là con nuôi” (Góp nhặt).

  1. “Tin Mừng hôm nay đề cập tới 2 thái độ khác nhau trước biến cố phục sinh : một của các phụ nữ, một của nhóm lính canh. Đối diện với ngôi mộ trống, các phụ nữ nhận ra dấu chỉ của Tin Mừng phục sinh và khởi điểm cho niềm hy vọng, tuy âu lo, nhưng họ cũng vui mừng vội vã đi báo tin cho các môn đệ. Còn đối với nhóm lính canh, ngôi mộ trống đã không là khởi điểm của tìm kiếm và tin tưởng, mà còn khiến họ xa rời niềm tin, chỉ vì sợ hãi và vì chút lợi lộc… Kitô hữu là người đối diện với Tin Mừng phục sinh và được trao cho nhiệm vụ đi loan báo cho người khác tin vui này… Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước quyền lực trần thế hoặc vì một chút lợi lộc, họ đành tâm phản bội Tin Mừng, và do đó cho đến nay vẫn còn có những hiểu biết lệch lạc về Chúa Kitô và về Giáo Hội” (“Mỗi ngày một tin vui”)
  2. Vậy là đã qua ngày sinh nhật vui với nhiều lời chúc, hoa và quà. Tôi lại trở về với cuộc sống thường nhật. Hụt hẫng ! Cố níu kéo cảm giác hạnh phúc hôm qua. Nhưng đành bất lực !

… Có một niềm vui bên cạnh tôi chẳng bao giờ tan biến nhưng tôi nào hay biết : Chúa của tôi phục sinh. Một niềm vui trọng đại, một ân điển lớn lao, cho bạn và cho tôi.

Bởi lẽ :

Tình yêu đã chiến thắng ;

Sự thật đã lên ngôi.

Bạn và tôi hãy xoá đi hận thù, tranh chấp ; hãy xa lánh mọi điều dối gian, để thế giới và nhân loại được phục sinh nơi Người.

Ước gì niềm vui của đấng Phục Sinh tràn ngập hồn con, để con đem sinh khí cho người tuyệt vọng ; đem nụ cười cho kẻ khóc than ; làm tươi trẻ những tân hồn héo úa ; dọi ánh sáng vào nơi tối tăm ; đem niềm vui và hạnh phúc đến mọi người ; xây Thiên đàng ngay trần thế hôm nay. (Epphata, Ban mục vụ giới trẻ TP/HCM).

  1. (những mầm khác)

 

Thứ Ba :

Ga 20,11-18

A. Hạt giống…

Bài tường thuật của Gioan, cũng về những chuyện sáng ngày Phục sinh, đặc biệt về Maria Mađalêna :

  1. Khi thấy ngôi mộ trống, Maria Mađalêna “khóc” và “tìm” xác Chúa Giêsu.
  2. Hai Thiên thần hỏi lý do bà khóc. Hai vị chỉ hỏi chứ chưa nói Chúa Giêsu sống lại.
  3. Chính Chúa Giêsu hiện ra cho bà : ban đầu bà không nhận ra Ngài ; khi Ngài gọi tên bà thì bà liền nhận ra. Ngài giải thích ý nghĩa việc sống lại : “Ta về cùng Cha Ta cũng là Cha các con, về cùng Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các con”.
  4. Maria Mađalêna báo tin phục sinh cho các môn đệ

B…. nẩy mầm.

  1. Việc Chúa Giêsu phục sinh đã biến đổi hẳn ý nghĩa và tình cảm của con người (mà Maria Mađalêna là đại diện) trước cái chết : nếu không tin việc phục sinh, chúng ta đau buồn than khóc trước cái chết của một người thân và tiếc nuối đi tìm thân xác họ ; khi đã có niềm tin phục sinh, chúng ta sẽ không còn than khóc và sẽ không đi tìm người sống nơi kẻ chết nữa.

1b. Bà De Gaulle cho gọi một nhân viên mai táng đến, bảo tìm nơi an nghỉ cuối cùng cho người chồng quá cố. Người này thân hành chở bà đến một sườn đồi, trước mặt là một thung lũng tuyệt đẹp. Ông nói : “Đây là nơi an nghỉ rất xứng đáng với người chồng vĩ đại của bà, và cũng chỉ tốn 200.000 francs”. Trong lúc bà còn đang phân vân, ông ta nói tiếp : “Ông nhà thật đáng hưởng sự ưu đãi đó”. Bà đáp : “Nhưng ông chỉ cần nơi ấy 3 ngày thôi mà !” (Góp nhặt).

  1. Tình cảm của bà Maria đối với Chúa Giêsu rất đậm đà : khi không thấy xác Chúa, bà khóc và cả thế giới không còn ý nghĩa gì đối với bà nữa : bà không tìm gì khác ngoài xác Chúa, không nhận ra ai khác (các thiên thần, chính Chúa Giêsu mà bà tưởng là người giữ vườn). Rồi khi Chúa gọi tên, bà nhận ra Chúa và sau đó vui mừng chạy đi báo tin cho mọi người. Tóm lại đối với Maria, Chúa Giêsu là tất cả, mất Chúa là thế giới sụp đổ, gặp lại Chúa là gặp lại niềm vui.
  2. Dù Maria không còn thấy gì và không còn nhận ra ai nữa cả, nhưng khi Chúa Giêsu gọi tên bà thì tất cả bừng sáng trở lại. “Ta biết các chiên ta… Chiên ta biết tiếng ta…”. Chúa cũng biết đích danh mỗi người chúng ta và gọi đúng tên chúng ta. Phần chúng ta có nhận ra tiếng Ngài không ?

3b. Một sinh viên Cao đẳng sư phạm đến thực tập tại một trường nọ. Chỉ trong hai tuần, anh  nhớ tên tất cả học sinh trong lớp. Anh gọi từng em như một người bạn thân.

 Sau khi tốt nghiệp, anh lại được phân công về dạy tại trường đó. Lập tức, tất cả những học sinh thân yêu của anh tụ tập xung quanh. Anh chỉ và gọi đích danh từng em. Các em rất vui mừng.

Tất cả các em đều được gọi nhưng chỉ có một em mà anh không thể nhớ tên. Em xấu hổ bỏ chạy và khóc. Anh rất ngượng ngùng.

Tên người thật quan trọng. (Góp nhặt)

  1. Chúa Giêsu đã hỏi Maria : “Tại sao con khóc ?” và sau đó Ngài đã biến nỗi buồn của bà thành niềm vui. Nỗi buồn nào đang khiến tôi phải khóc thầm ? Hãy dâng cho Chúa và xin Ngài biến nó thành niềm vui.
  2. Vì yêu mến Chúa, đôi khi tôi cũng thấy buồn vì hình như không thấy Chúa : chung quanh tôi hình như không có chỗ cho Chúa ở, trong xã hội, trong những công việc và những con người. Xin cho thêm nhiều người biết Chúa, xin cho người ta biết dành chỗ cho Chúa trong việc làm và trong cuộc sống.
  3. “Đức Giêsu gọi bà : “Maria” Bà quay lại và nói :”Ráp bu-ni” nghĩa là lậy Thầy”. Đức Giêsu bảo : ” Thôi đừng giữ Thầy lại… nhưng hãy đi gặp anh em Thầy”

” Này các chị có nghe điện thoại reo không ? Sao tôi gọi mãi mà không ai nhấc máy lên nghe vậy ?” từ dưới sân lầu, giữa trời nắng gắt tiếng chị H, trực phòng khách, lanh lảnh vang lên. Thật ra, không phải chúng tôi không nghe, nhưng ai cũng ngại nhấc máy. Vì đã có nghe rồi thì sau đó phải “thông tin” lại cho người có liên quan hoặc phải đi gọi người dùm cho chị H.

Nhưng hôm nay, lời chị H đánh động tôi rất nhiều. Vì đối với Chúa, tôi cũng có thái độ như thế. Biết bao lần tôi dửng dưng trước những “cú phôn” Chúa đã gọi tôi. Tôi không muốn nghe vì ngại thi hành những “sứ điệp” Chúa sẽ truyền dạy tôi. Cũng có thể nhiều lần Chúa gọi tôi ở đầu dây bên kia, nhưng tôi lại bận nghe hoặc nói với người khác ở đầu dây bên này. Như thế làm sao tôi có thể nghe được “điện” của Chúa ?

Lạy Chúa, giữa thế giới đầy bận rộn và náo nhiệt này, xin cho con luôn biết lắng tai nghe tiếng Chúa. Xin hãy mở rộng đôi tay còn khép kín của con, để con mau mắn thi hành sứ “điệp” Chúa gửi đến cho con trong cuộc sống hằng ngày. Amen. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

 

Thứ Tư :

Lc 24,13-35

A. Hạt giống...

Sau Mát-thêu và Gioan, đến phiên thánh Luca tường thuật. Tin Mừng Lc được gọi là “Tin Mừng của người môn đệ”, nên Luca tường thuật tác động việc Chúa Giêsu chết và sống lại nơi các môn đệ.

  1. Có hai môn đệ, nhưng Luca chỉ nêu tên một người là Clêôpha, người kia không tên, có lẽ Lc muốn độc giả hiểu người vô danh ấy là bất cứ môn đệ nào, độc giả có thể coi mình chính là người môn đệ ấy và chia xẻ cảm nghiệm của người môn đệ ấy.
  2. Cái chết của Chúa Giêsu đã khiến người môn đệ hoang mang, bỏ cuộc hành trình theo Chúa để trở về quê.
  3. Nhưng Chúa Giêsu phục sinh không bỏ họ. Ngài vẫn đồng hành với họ dù họ không nhận ra Ngài.
  4. Chúa Giêsu dùng Thánh Kinh và việc “bẻ bánh” (bí tích Tạ ơn) để làm sống lại niềm tin nơi họ.

Ý chính của tường thuật này : Chúa Giêsu phục sinh vẫn đang sống, Ngài ở kề bên chúng ta, Ngài vẫn đồng hành với chúng ta. Hai nơi thuận tiện nhất để ta nhận ra Ngài là Thánh Kinh và Thánh lễ.

B…. nẩy mầm.

  1. Khi không nêu tên người môn đệ kia, Thánh Luca muốn ta hiểu rằng mỗi người chúng ta cũng có thể là người môn đệ ấy, nên cũng có thể chia xẻ cảm nghiệm của môn đệ ấy về Chúa Giêsu phục sinh : Chúa Giêsu phục sinh vẫn đang sống và đang đồng hành với chúng ta trong hành trình đời ta mặc dù con mắt xác thịt của ta không nhận ra Ngài. Những nơi ưu tiên ta có thể gặp thấy Ngài là Thánh Kinh và Thánh lễ.
  2. “Xin Chúa ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Một lời rất hay, ta có thể dùng làm lời cầu nguyện mỗi khi cảm thấy cảnh đời như màn đêm tăm tối đang phủ dần xuống chúng ta.
  3. Muốn đọc Thánh Kinh với một tâm hồn cháy bừng lên, ta hãy đọc với Chúa Giêsu Kitô.

3b. Một bà kia rất thường đọc Sách Thánh và đọc rất sốt sắng. Khi được hỏi tại sao thì bà dùng một thí dụ để giải thích  :

Hôm qua tôi nhận được một bức thư của một người tôi rất quý mến. Tôi đã đọc rất chăm chú và đọc đi đọc lại tới 5 lần. Không phải vì tôi không hiểu lời lẽ trong thư vốn đã quá rõ, nhưng vì tôi biết đó là những lời của một người rất thương tôi và tôi cũng rất thương người đó (United Presbyterian).

  1. “Để làm sống lại đức tin đã bị lung lay, người môn đệ cần có 3 yếu tố : Thánh Kinh, bí tích Thánh Thể, cộng đoàn sống đức tin… Khi đức tin của chúng ta bị lung lay, bị thử thách, chúng ta cần kiểm điểm lại xem chúng ta có thái độ nào đối với Lời Chúa, chúng ta sống bí tích Thánh Thể ra sao, chúng ta hiệp nhất với cộng đoàn tuyên xưng đức tin thế nào” (“Mỗi ngày một tin vui”).
  2. Tôi rất quý bạn bè. Chỉ mong sao bạn được hạnh phúc : Những gì có thể làm cho bạn vui hơn được một chút, là tôi nguyện cố gắng. Nhưng trước nỗi buồn chán, thất vọng của bạn, tôi thật lúng túng, vụng về có khi cũng “xìu” luôn.

Hôm nay, Thánh Luca cho thấy Chúa Giê-su Phục sinh là người bạn tuyệt vời.

Hai môn đệ trên đường Emmau cũng là những người bạn của Chúa. Họ đang chán chường, thất vọng, buông xuôi tất cả. Thế mà Chúa đã giúp họ vui mừng chỗi dậy, quay lại Giê-ru-sa-lem… Thất vọng thành hy vọng tràn trề.

Chúa Giê-su đã làm gì  ?

Ngài đến và cùng đi với họ. Gợi cho họ thổ lộ nỗi lòng và giải thích Kinh Thánh cho họ nghe, cảm thông, đồng bàn với họ. Chia sẻ cơm bánh với họ. Ngài đã đồng hành với ho trong vui mừng và hy vọng, ưu  sầu và lo lắng của họ.

Lạy Chúa, xin cho con là người bạn tốt lành của anh em, bằng cách đồng hành với họ trên mọi nẻo đường cuộc sống. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

 

Thứ Năm :

Lc 24,35-48

A. Hạt giống…

Thánh Luca tiếp tục tường thuật cuộc hiện ra thứ hai của Chúa Giêsu phục sinh, lần này là hiện ra cho các tông đồ ở Giêrusalem :

  1. Hai môn đệ Emmau vừa trở về báo tin cho các tông đồ hay Chúa Giêsu đã sống lại.
  2. Chúa Giêsu hiện ra :

– Ngài chứng minh cho các ông hiểu rằng sau khi sống lại, Ngài vẫn là một như trước (có tay chân xương thịt, biết ăn uống)

– Ngài cắt nghĩa bài học Thánh Kinh : Đức Kitô phải qua cái chết mới tới phục sinh.

– Ngài bảo các ông nhân danh Ngài “rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân”.

B…. nẩy mầm.

  1. “Chính Thầy đây. Hãy sờ xem : ma đâu có xương thịt như Thầy có đây” : Chúa Giêsu phục sinh đang sống và hiện diện bên cạnh tôi. Đây không phải chỉ là một kiểu nói, không phải chỉ là niềm tin, mà là sự thật. Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Tôi phải sống với niềm xác tín ấy.
  2. “Các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy” : không những tôi phải sống với niềm xác tín rằng tôi đang sống với Chúa phục sinh đang hiện diện bên cạnh, mà còn phải làm sao cho cách sống đó khiến người ta nhìn vào mà cũng tin như vậy.

2b. Một bề trên tu viện công giáo đến tìm một ẩn sĩ ấn giáo tại chân núi Hy mã lạp sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông :

 Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hàng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ.

Vị bề trên hỏi tu sĩ ấn giáo cho biết nguyên nhân nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng trên đây. Tu sĩ ấn giáo ôn tồn bảo : “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình.” Và ông giải thích : “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Ngài.”

Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy ? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu Thế.

 Vậy là từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế.  Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở  lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm  và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn. (Trích “Món quà giáng sinh”)

  1. “Bình an cho chúng con. Này Thầy đây, đừng sợ” : Trong khoảng thời gian vắng Chúa, các môn đệ rất hoang mang và sợ hãi. Nay Chúa đã trở lại và đang ở với họ, họ tìm lại được bình an. Xin Chúa luôn ở với con, để ban cho con được bình an giữa bao xáo trộn của cuộc đời.
  2. Chúa nói với họ : “Sao anh em lại hoảng hốt ? sao còn ngờ vực trong lòng ?”

Ở đời ai cũng sợ một điều gì đó. Hãy nói thật cho tôi biết  bạn sợ cái gì nhất ? Còn tôi, tôi sợ cuộc sống nhất, tôi sợ tất cả những gì thuộc về cuộc sống này.

Bạn thử nghĩ xem, làm sao tôi tránh được lo sợ khi quanh tôi giá trị con người được tính bằng nhan sắc, tiền bạc, gia thế. Còn lẽ phải, sự công bằng lúc nào cũng thuộc về tay kẻ mạnh. Còn tình yêu ư ? Tất cả chỉ là trò bịp bợm. nếu không nói là giải trí bản năng. Vị sự sinh tồn, vì hưởng thụ, vì lòng tham, vì ích kỷ… con người lao vào cấu xé lẫn nhau, làm khổ nhau.

Tôi sợ mình không đủ dũng cảm để đấu tranh dành lấy công bằng. Tôi sợ mình không đủ cao thượng để hy sinh nhường đường cho kẻ khác. Tôi sợ một ngày nào đó vì sự sinh tồn tôi phải bán tất cả để tìm lấy cho mình một chỗ đứng, khi đó tôi không còn là tôi nữa… Nỗi sợ hãi làm tôi không tin vào bất kỳ điều  gì, tôi không tin vào tình người  : tôi không tin người tốt sẽ được sống hạnh phúc.

Tôi không hiểu sống để làm gì, khi hiện tại tương lai đầy ấp nỗi sợ hãi. Tôi muốn thoát khỏi sự sợ hãi, tôi muốn được bình an… và trong cơn hoảng loạn, tôi đã nghĩ đến cái chết…tôi quên mất mình đang sống mùa phục sinh, Phục sinh của đức Kitô.

Lạy Chúa, xin cho con thoát khỏi sự sợ hãi, biết can đảm vượt qua mọi thử thách để được lớn lên, trưởng thành trong vòng tay của Ngài. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

 

Thứ Sáu :

Ga 21,1-14

A. Hạt giống…

Phần cuối của Tin Mừng Gioan (có lẽ không do Gioan viết, mà do các đồ đệ của Gioan), tường thuật cuộc hiện ra cho các tông đồ trên biển hồ Tibêria :

  1. Theo gợi ý của Phêrô, người số tông đồ khác trở lại nghề cũ là đi đánh cá.
  2. Khi đó xảy ra lại một tình huống giống y lần đầu tiên Phêrô gặp Chúa Giêsu và được Ngài gọi : các ông không đánh được cá, nhưng nhờ Chúa Giêsu nên sau đó đánh được rất nhiều cá (x. Lc 5,4-11)
  3. Các tông đồ nhận ra Chúa Giêsu : đầu tiên là Gioan, kế đến là các ông khác.
  4. Bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò nhận ra nhau.

B…. nẩy mầm.

  1. Trong những lần hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại, Chúa Giêsu không bao giờ nói nửa lời trách móc tội các ông đã bỏ trốn và chối Ngài ; cũng không có nửa lời ám chỉ, mà toàn là những lời dịu dàng, an ủi, khích lệ. Các ông cũng không một lời xin lỗi Chúa, thế mà Chúa vẫn tha. Tha thứ đâu cần phải nói ra bằng lời, ăn năn cũng đâu cần thốt ra bằng tiếng. Chúa đến với ta, ta ở bên cạnh Chúa, thế là đủ.
  2. Sự tha thứ của Chúa không diễn tả bằng lời, nhưng bằng thái độ : “Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ. Ngài cũng cho cá như thế”.
  3. “Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô : chính Chúa đó” : Gioan là người đầu tiên nhận ra Chúa. Ông nhận ra Chúa nhờ một kỷ niệm mà mẻ cá lạ giúp ông nhớ lại. Khi đã yêu thì từng chi tiết, từng biến cố đều khiến ta nhớ đến người mình yêu. Xin cho con yêu Chúa đủ để mỗi sự lành trong ngày đều khơi lên kỷ niệm của con về Chúa.
  4. Trong lòng Phêrô ngổn ngang nhiều tình cảm : mặc cảm phạm tội, hối hận, nhớ Chúa và mong gặp lại Ngài. Nhưng mạnh nhất là tình cảm mong nhớ Chúa. Bởi đó khi vừa nghe Gioan nói “Chúa đó”, bao nhiêu tình cảm khác biến đâu mất hết, chỉ còn mỗi tình cảm muốn gặp lại Chúa. Vì thế ông “liền khoác áo vào rồi nhảy xuống biển” bơi tới Chúa. Dù con có thế nào đi nữa, nhưng xin cho con luôn nhớ Chúa và quên đi tất cả khi gặp lại Chúa.

4b. Trong toán học, chúng ta đã biết tầm quan trọng của vị trí con số “không” trong tương quan với dấu chấm thập phân : số “một” càng bị nhiều số “không” ngăn cách nó xa dấu chấm thập phân thì giá trị của nó càng thấp. Thí dụ.000,000,1.

Tuy nhiên nếu số một đứng đầu thì sau đó càng có nhiều số “không” chừng nào thì giá trị của nó càng cao chừng nấy. Thí du 1,000.000.

Chúa chính là số một. Khi ta đặt Chúa hàng đầu trước những công việc của ta thì ta càng làm nhiều chừng nào, giá trị chúng càng cao chừng nấy. Ngược lại Chúa càng xa tâm trí ta chừng nào thì công việc ta làm càng ít giá trị chừng nấy. (Frank Mihalic).

  1. “Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhân ra đó chính là Đức Giêsu”

Mỗi ngày tôi học và làm việc theo một thời khóa biểu kín mít mà tôi tự đặt ra cho mình, tối về mệt quá tôi lăn ra ngủ. Tôi thường thấy mình rơi vào những khoảng trống, cảm thấy mình lạc lõng cô đơn và đâm ra chán nản. Thế rồi tôi được một vị “Kỹ sư tâm hồn” khuyên mỗi ngày nên dành cho Chúa một vài phút.

Từ đó mỗi tối trước khi ngủ, tôi đã dành ra ít phút để nhìn lại những ơn ban của một ngày sống và nhìn lại chính mình. Tôi thấy còn nhiều bóng tối phủ lấp tâm hồn tôi.

Thật hạnh phúc mỗi khi lên giường ngủ mà có thể mỉm cười với chính mình. Những giây phút tĩnh nguyện cuối ngày đã giúp tôi khám phá ra mầu nhiệm Chúa hiện diện và đồng hành với tôi trên khắp các nẻo đường.

Lạy Chúa, những bóng tối trong tâm hồn và những bận tâm khác đã khoả lấp làm con không  nhận ra được sự hiện diện sống động của Chúa. Một vài phút dành cho Chúa chẳng là gì so với 24 giờ của một ngày Chúa  đã ban cho con, thế mà con không biết ! Cảm ơn Chúa, cảm ơn người “Kỹ sư tâm hồn” đã mở mắt cho con. (Epphata)

  1. (những mầm khác)

 

Thứ Bảy :

Mc 16,9-15

A. Hạt giống…

Phần cuối của Tin Mừng Mc (cũng không do Mc viết, mà do ai đó viết thêm vào), ghi tóm lược 3 cuộc hiện ra chính của Chúa Giêsu sau khi sống lại :

– Hiện ra cho Maria Mađalêna

– Hiện ra cho hai môn đệ Emmau

– Hiện ra cho mười một tông đồ

Đoạn Tin Mừng này nhấn mạnh :

– Thái độ không tin của các tông đồ (không tin những lời Mađalêna nói, cũng không tin hai môn đệ Emmau)

– Chúa Giêsu khiển trách thái độ không tin ấy

– Sau khi làm cho các ông tin, Chúa Giêsu sai ông “đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn loài”.

B…. nẩy mầm.

  1. Sau khi khiển trách các môn đệ đã cứng lòng tin, rồi củng cố lại lòng tin đó, Chúa Giêsu mới sai các ông đi rao giảng. Rao giảng là chia xẻ niềm tin của mình cho người chưa tin hoặc đức tin còn yếu. Vì thế phải tin rồi mới rao giảng.
  2. Các môn đệ đã không tin mặc dù nghe các phụ nữ kể lại việc Chúa hiện ra cho các bà. Các ông vẫn không tin khi nghe thêm hai môn đệ Emmau thuật lại cuộc gặp gỡ của họ với Đấng phục sinh. Chỉ mãi đến lúc Chúa Giêsu đến thì các ông mới tin. Đức tin không do suy luận, không do có bằng chứng, nhưng đức tin là việc Chúa làm, do Chúa ban. Con cám ơn Chúa đã ban đức tin cho con. Con xin Chúa gìn giữ và củng cố đức tin của con.
  3. Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi :

– Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao  ?

– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.

  1. “Sau khi sống lại được Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala… Bà đi báo tin cho những kẻ từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc”

Tôi là Maria Mácđala. Mọi người sỉ vả, chê bai tôi. không ai dám đụng đến tôi vì sợ bị ô uế và lây nhiễm tội lỗi. Mọi cặp mắt khinh miệt đều hướng về tôi. Vậy mà khi gặp ngài, Ngài nhìn tôi với đôi mắt triù mến và đầy tình thương. Tôi không thể nào quên đôi mắt ấy, đôi mắt đã kéo tôi ra khỏi vũng bùn tội lỗi. Từ giây phút đó, tôi bước đi theo ngài, cùng với ngài rảo qua khắp các làng mạc, thành phố để rao giảng tin mừng.

Rồi ngài bị bắt, bị đem giết. Tôi bối rối, sợ hãi và tuyệt vọng.  Các môn đệ của ngài cũng đã bỏ chạy. Nhưng ngài vẫn chưa được yên, cả đến xác ngài cũng bị đánh cắp khi tôi ra viếng mồ sau khi ngài chết vài ngày. Ôi cuộc đời của ngài như thế này sao ? Vậy là chấm dứt, chấm dứt tất cả !

Trong cơn tuyệt vọng, Ngài gọi tôi “Maria”. Vâng, chính là ngài. Không phải là cái xác tôi đang tìm mà là một Giê-su đang sống, sống thực sự. Nhiệm vụ của tôi bây giờ là phải đi loan báo cho mọi người biết tin vui này. Tôi không có quyền giữ lại niềm vui và hạnh phúc cho riêng mình. Chúa muốn mọi người cũng được hạnh phúc như tôi, được chia sẻ niềm hanh phúc này.

Giê-su ơi, Ngài đã sống lại, xin phục sinh tâm hồn con và cho con biết đem niềm vui phục sinh đến cho mọi người. (Epphata)

  1. (những mầm khác

Chúa Nhật 2 Phục Sinh

Ga 20,19-31

A. Hạt giống…

Hai lần hiện ra cách nhau 8 ngày này nhằm những mục tiêu sau :

  1. Chúa Giêsu nâng đức tin của các môn đệ lên một bậc : từ mức độ thấp là tin dựa vào bằng chứng mà giác quan kiểm nghiệm được (câu 20 “Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài” ; câu 25, Tôma đòi điều kiện “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài…) lên mức độ cao là tin chỉ vì nghe bởi vì mình đã an tâm về uy tín của người nói cho mình nghe (câu 29 : “Phúc cho những ai không thấy mà tin”).
  2. Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ để rồi các ông lại ban bình an cho người khác qua việc tha tội. Sự bình an này là hoa trái của Thánh Thần, và đặt nền tảng trên việc tin vào Chúa Giêsu phục sinh.

B… nảy mầm.

  1. Một cuộc đối thoại giữa hai người yêu nhau :

– Em có bằng lòng lấy anh không  ?

– Bằng lòng.

– Chúng ta chỉ mới quen nhau mấy tháng. Em chỉ nghe anh nói thôi chứ chưa có dịp ”kiểm tra” lý lịch và quá khứ của anh. Sao em tin anh thế  ?

– Vì em yêu anh !

Tình yêu hỗ trợ cho niềm tin. (Góp nhặt)

  1. Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi :

– Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?

– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao. (Góp nhặt)

  1. “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.

“Xoảng…!” Cái bình vỡ. “Hư quá ! Mẹ đã bảo rồi”. Không phải một lần nhưng nhiều lần xảy ra như thế. Mặc dù đã được mẹ báo trước, nhưng tôi vẫn cứ muốn thử xem sao.

Lớn lên, tôi hiểu biết nhiều hơn nhưng cũng đa nghi hơn. Cái gì hơi khác thường là tôi đòi phải có bằng chứng rõ ràng. Với một công thức mới chưa được chứng minh, tôi không tài nào nhớ được. Và đôi khi, trong những giây phút trao lòng, tôi cũng đã hỏi : “Không biết có Chúa thật không ?”.

Cuộc sống càng phát triển, dường như con người chỉ muốn tin vào những cái có thể cân, đo, đong, đếm được mà thôi.

Nhưng thước đo nào đủ cho chiều cao thập tự. Cán cân nào đủ đo tình yêu của Người.

Lạy Chúa, xin cho con biết vững tin vào tình yêu cứu độ. (Epphata)

  1. “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói : Chúc anh em được bình an”. (Ga 20,19)

Vị bề trên bất chợt hỏi nhà truyền giáo : “Nếu dân vùng này chửi rủa, ném đá con, con nghĩ sao ?”. Ông thưa : “Con nghĩ họ tốt lành và thân thiện, vì họ không dùng vũ khí sắc bén để hại con”. Ngài lại hỏi tiếp : “Nếu họ giết con, con nghĩ sao ?” Nhà truyền giáo thưa : “Con vẫn nghĩ họ tốt lành, vì họ muốn giải thoát con khỏi thân xác hư nát này”.

Nhà truyền giáo rất thanh thản và bình an. Ông phó thác mọi sự cho Chúa như Đức Giêsu trên thập giá đã phó thác mọi sự cho Cha. Ông tin rằng tình yêu thì mạnh hơn thù hận, sự thật thì mạnh hơn gian dối. Và thập giá đối với ông là lời mời gọi “Can đảm lên, vì Ta đã thắng thế gian”.