Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần I  Mùa Chay

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần I  Mùa Chay

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

 

Thứ Hai :

Lv 19,1-2.11-18 – Mt 25,31-46

A. Hạt giống…

Bài đọc I trích sách Lêvi dạy cách đối xử với tha nhân, gồm trong hai điều chính : a/ Công bình : đừng trộm cắp, đừng nói dối, đừng phỉnh gạt, đừng nhục mạ, đừng hà hiếp, đừng giam tiền công phải trả cho thợ, đừng nguyền rủa, đừng gièm pha… b/ Bác ái : “Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình”. Nhìn chung, ta thấy lời dạy của Cựu Ước có tính tiêu cực (“đừng, đừng và đừng”), và chưa được rộng (“Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình”)

Lời dạy của Chúa Giêsu tích cực hơn (cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới áo mặc, thăm viếng kẻ đau yếu và ngồi tù), và cũng rộng rãi hơn (hãy đối xử bác ái với bất cứ ai bé mọn). Chúa con bảo Ngài sẽ coi những việc bác ái ta làm cho những kẻ bé mọn như làm cho chính Chúa.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Coi tha nhân là chính Chúa. Điều này tương đối dễ nếu ta gặp một người tốt và dễ thương. Còn khi ta gặp một người khó chịu và xấu tính, ta hãy nhớ : a/ người đó cũng là tác phẩm do Chúa tạo nên ; b/ người đó cũng là giá máu Chúa đã đổ ra để cứu chuộc ; c/ người đó cũng là đối tượng Chúa mời hưởng hạnh phúc muôn đời. Bởi thế nếu không thề yêu thương người đó vì chính người đó thì ít ra hãy phấn đấu yêu thương họ như chính Chúa yêu thương họ.
  2. Bà Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare chủ trương sống tinh thần Tin Mừng, chia xẻ một kinh nghiệm sống như sau : coi những kẻ đang đau khổ là hình ảnh Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trên Thập giá. Cũng như Chúa Giêsu bị bỏ rơi rất cần người ủi an giúp đỡ, ta cũng hãy giúp đỡ ủi an những kẻ đau khổ ấy.
  3. Từ khi chọn con đường nhập thể, Chúa đã muốn chúng ta tìm Ngài trong tha nhân, yêu Ngài qua tha nhân và giúp đỡ Ngài cũng qua tha nhân.
  4. Một đêm trăng nọ, nhìn qua cửa sổ, một tu sĩ già bỗng nhìn thấy một thiên thần đang ngồi viết trên một cuốn sách vàng. Lòng tràn ngập hân hoan, vị tu sĩ rón rén đến gần và lên tiếng hỏi :

– Ngài đang viết gì trong quyển sách này thế  ?

– Ta đang ghi danh những ai yêu mến Thiên Chúa.

Vừa lo lắng vừa hồi hộp, vị tu sĩ mới hỏi xem tên mình có trong sách không. Thiên thần giở từng trang, chăm chú đọc từng hàng nhưng không thấy tên ông. Thế nhưng điều đó không làm vị tu sĩ thất vọng. Ông nói với thiên thần

– Xin Ngài vui lòng ghi tên tôi như một thầy dòng lúc nào cũng yêu mến tha nhân.

Thiên thần chiều ý ông. Thế là tên ông được ghi vào sổ vàng.

Sau khi vị tu sĩ già qua đời, xem lại nhật ký của ông, người ta thấy dòng chữ đầu tiên trong nhật ký chính là câu trích dẫn thư 1 Ga 4,20 “Nếu ai nói mình yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối, vì kẻ không yêu mến người anh em nó thấy đó tất không thể yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy”. Tiếp theo lời trích dẫn vị tu sĩ ghi chú : “Tôi đi tìm kiếm linh hồn tôi, nhưng tôi không thấy ; tôi đi tìm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vượt thoát khỏi tôi ; tôi đi tìm người anh em, tôi đã gặp được Thiên Chúa và linh hồn tôi” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Ba :

Is 55,10-11 – Mt 6,7-15

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng ghi lại Lời kinh Lạy Cha do chính Chúa Giêsu dạy. “Anh em hãy cầu nguyện như thế này…”. Sau đó Chúa Giêsu liệt kê 7 điều nên xin khi cầu nguyện.

Bài đọc I trích sách Isaia nhấn mạnh đến việc thực hiện ý muốn của Thiên Chúa.

Như thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy ta điều quan trọng nhất khi cầu nguyện : cầu nguyện để biết ý Chúa và để có thể thực hiện ý Chúa.

B…. nẩy mầm.

  1. Thường trong khi cầu nguyện ta cố nói cho Chúa biết ý của ta và ta xin Thiên Chúa giúp ta đạt được ý đó. Lời Chúa hôm nay cho biết cách cầu nguyện đó hoàn toàn ngược. Đúng ra cầu nguyện phải là xin cho ta được biết ý Chúa, và xin giúp ta thực hiện ý Ngài. Chúa biết mọi sự, cho nên dù ta không nói thì Ngài cũng đã biết ý ta. Phần ta thì không biết ý Chúa nên phải xin Ngài chỉ cho ta biết.
  2. “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải nhiều lời như dân ngoại ; họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì trước khi anh em cầu xin”. Chúng ta phải tập cầu nguyện bằng thinh lặng và lắng nghe.
  3. Sau khi nghe bài giảng của một nhà truyền giáo, một cô gái giơ tay hỏi : “Thưa Ngài, xin cho biết cách nào vừa sống theo đường lối Chúa vừa vẫn theo đường lối riêng của mình ?”. Nhà truyền giáo bí không trả lời nổi. Có lẽ đó cũng là câu chúng ta thường tự hỏi. Mà cứ hỏi như thế thì sẽ không bao giờ trả lời được, bởi vì làm thế nào có thể đi đường của Chúa mà vẫn giữ lại con đường ý riêng mình cho được ! (Christian Youth)
  4. Nhiều người nghĩ rằng sống theo ý Chúa thật là khó. Thực ra điều này thoải mái và dễ chịu như nằm trên một chiếc gối bông, bởi vì ta không thể chọn được thứ gì tốt cho bằng thứ Chúa đã chọn sẵn cho ta, không thể nhắm tới thứ gì hay cho bằng thứ Chúa đã nhắm sẵn cho ta, sống theo ý Chúa thì ta không còn gì phải lo, và không có gì an toàn hơn được. (Gospel Herald).
  5. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Tư :

Gn 3,1-10 – Lc 11,29-32

A. Hạt giống…

Cả hai bài đọc Cựu Ước và Tân Ước đều nhắc tới “dấu chỉ Giôna” :

– Ngày xưa ngôn sứ Giôna đã kêu gọi dân thành Ninivê tội lỗi lo ăn năn sám hối. Mọi người trong thành, từ vua quan đến dân chúng lớn nhỏ, đều đáp lại lời kêu gọi ấy. Chúa thấy lòng thành của họ nên đã tha thứ và không phạt họ.

– Khi nhắc lại chuyện Giôna, Chúa Giêsu  cảnh cáo những người do thái thời Ngài : “Dân thành Ninivê sẽ chổi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng ; mà đây thì còn có Đấng hơn ông Giôna nữa”.

Như thế, Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta sám hối.

B…. nẩy mầm.

  1. Sám hối gồm 4 điều : 1/ biết mình có tội ; 2/ buồn ; 3/ tin vào tình thương tha thứ của Chúa ; 4/ quay về với tình thương ấy. Thiếu 1 trong những điều trên thì không phải là sám hối thật.
  2. Trong chuyện Giôna, hình ảnh dân thành Ninivê tội lỗi lại dễ thương hơn hình ảnh Giôna ngôn sứ. Ông không muốn tuân theo lệnh Chúa. Ông chỉ muốn dân Ninivê bị phạt. Khi dân thành này sám hối và được tha thì ông giận Chúa. Chúa g dùng tấm gương của họ để kêu gọi Giôna sám hối. Thật lạ lùng : người giảng sám hối lại sám hối sau người nghe giảng. Là những người giảng cho người ta sám hối trong Mùa Chay này, Linh mục tu sĩ chúng ta nghĩ sao về chuyện này ?
  3. Người cha rất đau khổ vì đứa con trai theo bạn bè phung phá hết tiền của. Cùng đường, chàng ta viết thư thống thiết xin lỗi cha và ngỏ ý xin cha thương xót. Người cha gửi cho cậu bức điện tín, chỉ có một chữ ”Về” và kí tên cũng chỉ một chữ ”Cha”

Tin Mừng của Chúa cũng là bức điện tín gửi cho thế giới tội lỗi này, với một chữ  viết ”Về” và một chữ kí ”Cha” (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Năm :

Et 14,1.3-5.12-14 – Mt 7,7-12

A. Hạt giống…

Bài đọc Cựu Ước trích lời cầu xin của Bà Ét-te. Chúng ta hãy nhớ lại hoàn cảnh lúc đó : Dân do thái đang sống kiếp lưu đày bên Babylon. Tướng Aman không thích dân do thái nên xúi dục vua Babylon ra chiếu chỉ tàn sát người do thái trong khắp đế quốc. Khi đó người ta nghĩ không ai ngoài bà Ét-te có thể cứu họ. Ét-te là người do thái nhưng được làm hoàng hậu trong cung điện. Phần bà Ét-te thì thấy công việc quá khó khăn và nguy hiểm, nên bà chạy đến Chúa kêu xin Ngài giúp. Kết quả là tình thế đảo ngược hoàn toàn : vua rút lại chiếu chỉ, dân do thái khỏi bị tàn sát, ngược lại Aman người muốn hại họ thì bị giết trên chính cột hành hình mà ông dựng lên để giết người do thái.

Bài Tin Mừng hôm nay có hai ý :

– Chúa Giêsu dạy phải tin tưởng khi cầu xin, bởi vì “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (gương bà Ét-te minh hoạ cho ý này).

– “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng hãy làm cho người ta” (Tướng Aman là một hình ảnh minh hoạ ngược cho ý này : ông muốn hại người do thái, rốt cuộc chính ông bị hại).

B…. nẩy mầm.

  1. Theo ánh sáng của bài đọc Cựu Ước (chuyện bà Ét-te), sự cầu xin mà Chúa Giêsu khuyến khích ta làm chính là cầu xin được giải thoát khỏi mưu mô nguy hiểm của kẻ thù. Kẻ thù của chúng ta ngày nay là ma quỷ, mưu mô nguy hiểm nó giăng sẵn để hại ta là tội lỗi. Nếu ta xin Chúa cứu ta khỏi tội, thì chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời.
  2. Điều thứ hai Lời Chúa dạy ta hôm nay là “Tất cả những gì chúng con muốn người ta làm cho mình thì chúng con cũng hãy làm cho người ta”.
  3. Những câu tương tự với lời Chúa Giêsu dạy :

– Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (Khổng Tử)

– Những gì anh không thích thì đừng làm cho người khác. Đó là tóm tắt tất cả lề luật (Rabbi Hillel)

– Đừng làm lại những điều người khác làm cho ngươi nổi giận (Aristote)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Sáu :

Ed 18,21-28 – Mt 5,20-26

A. Hạt giống…

Lời Chúa hôm nay dạy về sự Công chính :

– Bài trích sách Êdêkien : Công chính không phải là một chiếc cúp vàng hễ ta cố gắng đoạt được một lần thì có thể giữ mãi. Công chính là điều ta phải phấn đấu vươn tới trong suốt cả đời sống. Bởi đó, một kẻ từng gian ác nhưng biết ăn năn hoán cải thì sẽ trở thành công chính ; ngược lại, kẻ đã từng được coi là công chính nhưng bỏ đường công chính thì sẽ không còn là công chính nữa, nó phải chết.

– Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu kêu gọi môn đệ Ngài phải công chính hơn các kinh sư và biệt phái (nghĩa là đừng bao giờ tự mãn vì đạo đức của mình). Một phương diện cụ thể của đức công chính mới là tương giao : phải coi mọi người là anh em của mình (chữ “anh em” được lặp đi lặp lại nhiều lần nhất trong đoạn này). Trên cơ sở tình huynh đệ ấy, đừng mắng chửi, cũng đừng nuôi giận hờn lâu.

B…. nẩy mầm.

  1. Lời Chúa trong sách Êdêkien rất an ủi : Chúa không chấp nhất chuyện quá khứ. Cho dù trong quá khứ ta đã từng lỗi phạm nhiều, nhưng nếu hôm nay ta quay về thì Chúa vẫn coi ta là công chính. Lời đó cũng cảnh cáo : cho dù trong quá khứ ta là công chính, nhưng nếu hôm nay ta không duy trì sự công chính ấy thì Chúa sẽ kể ta là bất chính.
  2. “Ai giận anh em mình thì bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Ai chũi anh em mình là quân phản đạo thì bị lửa hoả ngục thiêu đốt”. Những lời này Chúa Giêsu nói theo giọng cường điệu, cho nên sự thật không đúng sát như thế. Tuy nhiên việc Chúa phải cường điệu khi dạy ta đừng giận, đừng mắng, đừng chửi cũng đáng ta lưu ý.
  3. “Hãy để của lễ trên bàn thờ, đi làm hoà với anh em mình trước”. Lời này có nghĩa là việc làm hoà còn quý hơn mọi của lễ.
  4. Hai người Ailen là hàng xóm với nhau, nhưng cãi nhau suốt. Một người bị bịnh nặng. Bà vợ đón cha và nói : “Thưa cha, anh Pat và Mike cãi nhau luôn. Giờ anh gần chết. Cha có cách nào giúp họ làm hoà với nhau không ?”

Sau nhiều lần thuyết phục, Pat đồng ý cho gọi Mike đến làm hoà. Sau ít phút đợi chờ bên giường, Mike nói : “Thôi, mình huề nghe Pat. Chuyện gì đã qua cho qua luôn” .

Pat miễn cưỡng đồng ý. Mike ra về. Nhưng khi Mike ra đến cửa, Pat nhỏm dậy, giơ  nắm đấm nói : “Tao chỉ  huề nếu như tao chết thôi à nghe !” (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Bảy :

Đnl 25,16-19 ; Mt 5,43-48

A. Hạt giống…

  1. Bài đọc Cựu Ước khuyên tín hữu tuân giữ lề luật và huấn lệnh Chúa. Lý do là : “Ngài sẽ làm cho ngươi được vinh quang, thanh danh và huy hoàng hơn mọi dân tộc Ngài đã tạo dựng, để ngươi trở thành dân thánh của Chúa là Thiên Chúa ngươi”.
  2. Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu dạy môn đệ một cách sống cao hơn : “Các ngươi đã nghe dạy hãy yêu thương thân nhân và hãy thù ghét địch thù. Còn ta, Ta bảo các ngươi hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho kẻ ghét các ngươi, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các ngươi”. Lý do cũng cao hơn : “Các ngươi hãy nên hoàn hảo như Cha các ngươi trên trời là Đấng hoàn hảo”.

B…. nẩy mầm.

  1. Kitô hữu là con của Chúa Cha nên phải cố gắng có tấm lòng yêu thương bao la như Chúa Cha, “Ngài khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương”. Biên giới của tình thương là không biên giới. Chính thiên nhiên cũng nhắc chúng ta cố gắng bắt chước tình thương không biên giới và không phân biệt của Cha trên trời.
  2. Chúa Giêsu kể ra 3 mức độ đối xử với kẻ không yêu thương mình : 1/ Yêu thương ; 2/ Làm ơn ; 3/ Cầu nguyện. Nếu như tôi chưa thể yêu thương thì hãy cố gắng lấy ơn để báo oán. Nếu vẫn chưa thể thì ít ra là cầu nguyện cho họ.
  3. Người không tôn giáo chủ trương phân biệt rõ bạn và thù và cư xử “ân oán phân minh”. Phật giáo đã nhận ra sự bế tắc của cách đối xử đó : lấy oán báo oán, oán oán chất chồng. Chúa Giêsu dạy tích cực hơn nữa : hãy yêu thương kẻ thù ghét mình. Chỉ có yêu thương tha thứ mới tiêu diệt được kẻ thù.
  4. Con người là kẻ thù của chính mình. Đời nước Tề, có một người nằm mơ thấy có người đem gươm vào nhà ông mắng chửi rồi giận dữ bỏ đi. Ông ta giật mình tỉnh dậy… nhưng không tài nào ngủ lại được nữa. Sáng hôm sau ông nói với một người bạn : Từ thuở nhỏ tới giờ, tôi vốn là người trí dũng. Đến nay 80 tuổi tôi chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm qua có người đến làm nhục tôi. Tôi cảm thấy bứt rứt và cố tìm cho gặp được người đó, bằng không tôi phải chết mất.

 Thế là ngay sáng hôm ấy, ông cùng người bạn đi tìm kẻ thù đã khiêu khích mình. 5 ngày trôi qua nhưng ông vẫn chưa tìm được kẻ thù. Tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, hậm hực vì không tìm được kẻ thù, ông ta về nhà mất ăn mất ngủ mà chết.

 Cicéron diễn giả Lamã đã nói ”Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình”. Đúng thế, con người tự tạo cho mình kẻ thù rồi tự  tiêu diệt chính mình.  (Trích ”Món quà giáng sinh”)

  1. Ngày nọ, Đức giám mục John Selwyn thấy một cậu con trai người bản địa cư xử thô bạo với các trẻ khác, ngài gọi cậu lại khiển trách. Chẳng những không chịu nghe, cậu ta còn vung tay đánh vào mặt vị giám mục. Mọi người thấy vậy đứng chết trân. Nhưng vị giám mục không cho họ làm gì. Rồi ngài quay lưng và lặng lẽ bỏ đi.

Nhiều năm sau, một nhà truyền giáo được mời đến với một bệnh nhân. Ông sắp chết và xin được Rửa tội. Khi nhà truyền giáo hỏi anh muốn lấy tên thánh là gì. Anh đáp : “Xin đặt là John Selwyn, vì chính ngài đã dậy cho tôi biết đức Kitô là ai khi tôi đánh ngài.” (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)