Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần Thánh

print

Hạt Giống Nẩy Mầm Tuần Thánh

CHÚA NHẬT LỄ LÁ.

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm (Lễ tối) :

Thứ Sáu : Bài thương khó theo TM Gioan:

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Lc 19,28-40

A. Hạt giống…

Trong đoạn này, Luca gói ghém 3 ý tưởng chính :

  1. Đức Giêsu đích thân thu xếp cuộc vào thành Giêrusalem, Ngài căn dặn các môn đệ từng chi tiết nhỏ như đi vào làng, tìm gặp một con lừa đã cột sẵn ở một chỗ, cách trả lời với người chủ lừa v.v. Điều này chứng tỏ Ngài coi việc vào thành là quan trọng.
  2. Quan trọng thế nào ? Vì qua cuộc vào thành lần này, Ngài sẽ tỏ cho mọi người biết Ngài là vua. Ý nghĩa này thể hiện qua các chi tiết đám rước long trọng (lưng lừa và con đường được lót áo, dân chúng tung hô, lời hoan hô “Chúc tụng Đức Vua”) v.v.
  3. Thế nhưng một số người thuộc nhóm Pharisêu vẫn không công nhận vương quyền Ngài và còn đề nghị Ngài quở trách các môn đệ đã tung hô Ngài. Nhưng Đức Giêsu đáp “Họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên”, nghĩa là dù một số người không công nhận Ngài là vua thì thực chất Ngài cũng vẫn là vua.

B… nảy mầm.

  1. Theo Tin Mừng Luca, tất cả mọi việc làm của Đức Giêsu đều hướng về việc tiến vào Giêrusalem hôm nay. Vào thành này, Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và giết chết. Nhưng bởi vì đó là sứ mạng của Ngài nên Ngài không ngại và còn vui mừng khi việc này sắp được thực hiện. Ngài quan tâm đến nỗi đích thân thu xếp từng chi tiết nhỏ.

Ước gì chúng ta cũng không bao giờ quên sứ mạng của mình và làm mọi việc để cho sứ mạng ấy được hoàn thành, cho dù hoàn thành bằng cái giá là những đau thương khổ sở.

  1. Đức Giêsu là vua, nhưng không giống những ông vua trần thế thích chiến tranh, ưa thống trị, mà là một vị vua khiêm tốn và hiền lành cỡi trên lưng một con lừa nhỏ.

Đức Giêsu là vua đang “cai trị” chúng ta, không bằng uy quyền và kỷ luật sắt, mà bằng tình thương. Lẽ ra chúng ta phải vì thế mà kính mến Ngài, nhưng chúng ta lại vì thế mà coi thường Ngài !

  1. Bắt đầu Tuần Thánh, Giáo Hội trình bày Đức Giêsu là vua. Chúng ta phải luôn nhớ điều căn bản này khi theo dõi những diễn biến trong cuộc chịu nạn của Ngài : dù Ngài bị bắt, bị đánh đòn, bị nhục mạ và bị giết chết, Ngài vẫn là vua và mãi mãi là vua. Bởi vì một vị vua đích thực phải là người yêu thương chăm lo cho dân mình, cho dù phải hy sinh bất cứ điều gì.
  2. Một ông vua nọ muốn nhìn thấy Chúa. Ông đe dọa tất cả các Linh mục và các nhà thông thái là nếu không chỉ cho ông thấy Chúa, họ sẽ bị trừng phạt nặng nề.

Trong lúc các vị suy nghĩ tìm cách, thì một người chăn cừu dẫn vua đến bãi cỏ, chỉ lên mặt trời và nói : “Hãy chăm chú nhìn”. Vua cố gắng cách cực khổ rồi gục đầu xuống và hét lên : “Ngươi muốn cho Ta mù phải không ?”

– Tâu bệ hạ, mặt trời chỉ là một tạo vật của Chúa, một hình ảnh mờ nhạt của Người. Nếu ngài không thể nhìn vào mặt trời, làm sao ngài có thể nhìn vào Chúa. (Góp nhặt).

Thứ Hai :

Is 42,1-7 ; Ga 12,1-11

A. Hạt giống…

* Trong 3 ngày đầu Tuần Thánh, các Bài đọc thứ nhất đều trích từ sách Isaia, viết về Người Tôi Tớ Thiên Chúa, chịu đau khổ một cách nhẫn nhục để chuộc tội cho loài người. Còn các bài Tin Mừng thì thuật những việc xảy ra trong những ngày cuối cùng trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc chịu nạn.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật việc Chúa Giêsu được xức dầu ở Bêtania, “6 ngày trước Lễ Vượt qua” tức là 6 ngày trước khi Ngài chết. 3 vai đáng chú ý :

– Maria :  việc cô lấy một cân dầu thơm hảo hạng xức chân Chúa Giêsu và lấy tóc mình mà lau biểu lộ lòng yêu mến (không tiếc tiền của) và sự kính trọng (lấy tóc lau chân) đối với Ngài. Phần Chúa Giêsu thì còn coi việc làm này có ý nghĩa cử hành trước nghi thức mai táng Ngài.

Giuđa : lời hắn chỉ trích Maria phí của biểu lộ lòng tham tiền của hắn. Đối với Giuđa lúc này, tiền còn quý hơn tình nghĩa đối với Chúa Giêsu. Chính vì thế nên thánh Gioan là một người vốn tế nhị mà hôm nay còn nói “Y nói thề không phải vì lo cho người nghèo mà vì y là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung”.

Các thượng tế : họ “quyết định giết luôn cả Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người do thái đã bỏ họ và tin vào Chúa Giêsu”. Rõ ràng họ đang bị tính ganh ghét xui khiến. Nếu họ có nói lý do giết Chúa Giêsu là gì đi nữa thì việc họ muốn giết Ladarô rõ ràng là vì uy tín Chúa Giêsu vượt hơn uy tín của họ.

 

B…. nẩy mầm.

  1. Giá tiền của bình dầu thơm mà Maria đã đổ ra hết xức chân Chúa Giêsu là 300 đồng, bằng lương 300 ngày công, nghĩa là gần suốt một năm. Mà gia đình Bêtania không khá giả gì. Maria đã yêu mến Chúa Giêsu “bằng mọi giá”, chẳng tiếc bất cứ thứ gì cả. Trước đây, Maria cũng đã làm hài lòng Chúa khi bỏ hết mọi việc đề ngồi bên chân Ngài và lắng nghe lời Ngài (Lc 10,38-42). Lòng yêu mến Chúa của Maria không phải là tinh cảm suông, cũng không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà còn bằng thái độ không tiếc bất cứ thừ gì với Chúa, nhất là tiền bạc và thời giờ.
  2. Một bình dầu thơm được đánh giá 2 cách khác nhau : Maria dùng nó như phương tiện phục vụ Chúa, Giuđa coi đó là một giá trị vật chất đáng thèm muốn.
  3. Giuđa nói “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo”. Nhiều khi người nghèo bị lấy làm chiêu bài để che đậy lòng tham, để tô vẻ bộ mặt đạo đức của kẻ giả hình.
  4. “Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh, còn Thầy thì anh em không có mãi đâu”. Phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân đều là hai việc tốt. Tuy nhiên Chúa dạy ta 2 điều : a/ Phải biết cân nhắc khi nào thì ưu tiên cho việc nào ; b/ Đừng viện cớ phục vụ tha nhân để bỏ bổn phận phục vụ Chúa.
  5. Các thượng tế quyết định giết luôn Ladarô, đó là thái độ “giận cá chém thớt”, một thái độ mà nhiều khi, nếu không để ý, chúng ta cũng dễ mắc phải.
  6. George Horace Lorimer, chủ bút tờ Saturday Evening Post trong nhiều năm, có lần viết : “Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiên không mua được còn tốt hơn.”

  Có thể kể những thứ sau đây tiền không mua được :

  Tiền không mua được tình bạn chân thực.

  Tiền không mua được lương tâm trong sạch.

  Tiền không mua được niềm vui mạnh khoẻ. (Góp nhặt)

  1. Đến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó. Tiền của ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên trời, nếu nó không đổi thành việc lành. Đó là ý nghiã Lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có : cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời (Góp nhặt).
  2. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Ba :

Is 49,1-6 ; Ga 13,21-33.36-38

A. Hạt giống...

Đoạn Tin Mừng này là một phần của bữa tiệc ly. Có 3 chi tiết đáng lưu ý :

  1. Chúa Giêsu cố gắng đánh thức lương tâm của Giuđa : Ngài nói rằng Ngài đã biết kẻ đang mưu phản Ngài, Giuđa nghe nhưng không xao xuyến ; Ngài thân ái chấm miếng bánh trao cho hắn, hắn nhận lấy một cách dửng dưng ; Ngài bảo hắn muốn làm gì thì cứ làm đi, hắn dựa vào câu đó để ra đi thực hiện âm mưu đen tối.
  2. Giây phút Giuđa ra đi là tiếng chuông báo hiệu cuộc thương khó bắt đầu. Chúa Giêsu coi đó là tiếng chuông mở đầu giờ Ngài được tôn vinh. Không phải đau khổ tự nó là tôn vinh, mà vì qua đau khổ Chúa Giêsu thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thực hiện ý muốn Chúa Cha.
  3. Chúa Giêsu báo trước việc Phêrô chối thầy. Phêrô nói rất hăng “Con liều mạng sống con vì Thầy”. Nhưng lời nói của ông không đi đôi với việc làm “Con liều mạng sống vì Thầy ư ? Thầy nói thật cho con biết : trước khi gà gáy, con đã chối Thầy 3 lần”.

B…. nẩy mầm.

  1. Không phải Chúa muốn Giuđa phạm tội, cũng không phải Ngài thờ ơ bỏ mặc hắn chìm sâu trong tội. Ngài đã nhiều lần nhiều cách đánh thức lương tâm hắn. Ngài chỉ làm được đến thế thôi, vì Ngài phải tôn trọng tự do của hắn. Cách Chúa đối xử với những người tội lỗi cũng thế.

        1a. Người da đỏ giải thích lương tâm như sau  : Đó là một khối 3 góc ở trong tim ta. Khi ta làm gì tốt thì nó nằm yên. Khi ta làm gì xấu, nó quay và đâm các góc nhọn vào ta. Nếu ta cứ làm điều xấu, các góc nhọn của nó mòn dần và không làm ta cảm thấy gì nữa cả. (Weapons and Workers).

2. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thi hành ý muốn Chúa Cha. Do tình yêu, người ta cũng lấy làm vinh dự được chiều ý người mình yêu. Thánh Phaolô nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”. Các tông đồ sau khi bị bắt nhốt trong tù và bị đánh đòn, đã “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Nếu ta không lấy làm vinh dự làm theo ý Chúa và chịu khổ vì Chúa, đó là dấu ta chưa yêu Chúa.

3. Cũng như Phêrô, tôi rất dễ nói những lời hăng hái bày tỏ lòng mến Chúa. Thí dụ lúc cầu nguyện, trong những cuộc tĩnh tâm v.v. Nhưng thực tế là tôi đã chối Chúa không chỉ 3 lần.

4. (những mầm khác)

……………………………………………………………

 

Thứ Tư :

Is 50,4-9a ; Mt 26,14-25

 

A. Hạt giống…

Đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy tấm lòng của Chúa Giêsu trước việc Giuđa phản bội :

– Ngài đau buồn : “Kẻ giơ tay cùng chấm dĩa với Thầy, đó chính là kẻ nộp Thầy”. “Cùng chấm dĩa” là hình ảnh của người rất thân trong nhà. Thực ra không phải một mình Giuđa cùng chấm dĩa, mà tất cả 12 môn đệ. Nhưng bị bán đứng bởi chính người thân là một điều rất đau lòng.

– Ngài tiếc xót : “Khốn cho kẻ nộp Con Người. Thà kẻ đó đừng sinh ra còn hơn”. Các nhà chú giải bảo đừng dựa vào câu này để nghĩ Chúa Giêsu nguyền rủa Giuđa. Thực ra Ngài đang nói theo giọng điệu của những bài ai ca. Chúa Giêsu than tiếc vì môn đệ mình đã ngoan cố đi vào con đường tội lỗi.

– Ngài vẫn tôn trọng : vừa trả lời thẳng cho Giuđa biết hắn là kẻ phản bội, vừa kín đáo không nói lớn kẻo người khác biết lòng dạ hắn.

B…. nẩy mầm.

  1. Ta hãy suy gẫm về con đường của Giuđa : hắn được Chúa yêu thương gọi làm môn đệ, chọn làm tông đồ ; hắn còn được Chúa tín nhiệm giao giữ tiền ; nhưng đồng tiền đã dần dần khống chế hắn (xem bài Tin Mừng ngày Thứ Hai : “y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” Ga 12,6) ; Chúa Giêsu đã nhiều lần tế nhị đánh thức lương tâm hắn nhưng hắn cũng không hồi tâm. Cuối cùng hắn đã ra đi, lao mình vào đêm tối.

Không ai phạm tội trọng trong một sớm một chiều. Phạm tội là cả một quá trình từ nhẹ tới nặng, do để mình bị khống chế bởi những giá trị thế gian, do bưng tai bịt mắt trước những tiếng nhắc nhở âm thầm của Chúa.

2. Tự do là một món quà vô cùng quý giá Chúa ban, nhưng đồng thời cũng là một trách nhiệm nặng nề và một con dao hai lưỡi nguy hiểm. Xin giúp con biết xử dụng tự do.

3. Chúa rất thương Giuđa và Chúa cũng toàn năng, nhưng Chúa không thể ngăn cản Giuđa phạm tội. Bởi thế, nếu tôi chỉ cầu nguyện “Xin Chúa gìn giữ con khỏi phạm tội” thì chưa đủ. Thánh Augustinô, người được mệnh danh là “Tiến sĩ dạy về ơn sủng” đã viết “Khi tạo dựng con Chúa không cần hỏi ý con. Khi muốn thánh hóa con, Chúa cần con góp sức con”.

4. Một thanh niên kia có thói quen ngủ rất say, luôn cần có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm ở một chỗ xa nhà. Mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên anh quên vặn đồng hồ trước khi ngủ nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai, anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh đưa tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ. Và anh bị đuổi việc. Khi anh trở về gia đình, mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ. Anh đáp :

– Chiếc đồng hồ đó hoàn toàn vô dụng đối với con.

– Nó vô dụng là vì con không chịu dùng nó. Mẹ anh đáp.

Bao nhiêu ơn Chúa ban cho ta cũng đều vô dụng nếu ta không xử dụng đến (Góp nhặt)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

Thứ Năm (Lễ tối) :

Ga 13,1-15

A. Hạt giống…

Chỉ một mình Thánh Gioan ghi lại cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Nhưng Ga không chỉ tường thuật, mà còn chen vào nhiều chi tiết rất có ý nghĩa :

– “Ngài yêu thương họ đến cùng” : đây là hành động biểu lộ tình thương.

– “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu” : việc làm này có nhiều ý nghĩa sâu sắc.

– “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy” : việc làm này có “phần” trong mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu.

– “Nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì…” : đây là cung cách của người làm lớn.

– “Các con cũng phải rửa chân cho nhau” : việc làm này hàm chứa một lệnh truyền.

B…. nẩy mầm.

  1. Ta hãy cảm nhận tình thương của Chúa Giêsu. “Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình… thì đã yêu thương đến cùng”. Cũng giống như một người mẹ sắp đi xa, còn làm gì được cho con cái thì tận dụng thời gian còn lại để làm, như quét căn phòng, vá chiếc áo, để sẵn thuốc uống bên cạnh giường con… và lặp đi lặp lại những lời dặn dò…
  2. “Tuy chúng con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu” : ngay trong hàng ngũ các tông đồ Chúa mà cũng có người không sạch. Huống chi trong tập thể của chúng ta. Thái độ đối với người không sạch ấy phải thế nào ? Chúa Giêsu không dạy lên án, khai trừ, nhưng dạy phải rửa. Dòng nước tẩy rửa thì nhẹ nhàng, êm ái chứ không gay gắt, nặng nề…
  3. Khi tay chân ta dơ, ta làm gì ? Ta không chặt bỏ nhưng rửa cho sạch. Bởi vì phần dơ đó là chi thể của ta. Cũng thế, ta sẽ không “chặt bỏ” nhưng nhẹ nhàng “rửa sạch” một người sai lỗi trong tập thể của ta nếu ta biết coi họ là tay chân, là chi thể của ta.
  4. Cha Doncoeur, khi giải thích một bức hoạ nhỏ trong tập Thánh vịnh của Chantilly, đã diễn tả rất đúng ý nghĩa của hoạt cảnh này : “Hai tay (của Đức Kitô) đã khéo léo hành sự là lau chân Phêrô với chiếc khăn thắt ở ngang lưng. Ngài đứng, hơi nghiêng xuống như một người đầy tớ, vai trò Ngài muốn đóng lấy lúc bấy giờ. Điều quan trọng không phải là rửa chân, nhưng là phục vụ các môn đệ và phá đổ nơi họ cái tâm thức huênh hoang tự phụ vẫn chưa nhường bước chịu thua. Chúng ta hiểu tại sao mắt của họ như nói lên một nỗi bối rối, bởi lẽ trong họ một tấn kịch đang diễn ra” (Le Christ dans l’art francais, I, Paris, Plon, 1939, trang 104). Chúng ta sẽ không thể hiểu được cuộc khổ nạn trong Tin Mừng của Ga nếu không hình dung ra tấn kịch này và nếu không nhớ tới sự đảo lộn đang diễn ra trong tâm hồn của Ga cũng như của Phêrô, gây nên bởi câu nói của Đức Giêsu : “Nếu Thầy không rửa chân cho con, thì con không có phần nào với Thầy”.

Trong hoạt cảnh Đức Giêsu đã hạ giáng, đã bước xuống chỗ thấp nhất này, tất cả đều trái ngược hẳn với ý nghĩ mà xưa nay các ông vẫn có về Đấng Messia, đến nỗi khiến các ông cảm thấy như bị thách đố. Cách đây không lâu, Ga đã chẳng mưu tính với anh mình là Giacôbê để vận động cho hai người được cái vinh dự ngồi hai bên Đức Giêsu trong ngày Ngài được vinh quang hay sao ? Thế mà bây giờ Đấng là “Chúa và Thầy” của các ông đang ăn mặc như một người nô lệ và đang phục vụ dưới chân các ông ! Tệ hơn nữa Ngài còn lấy đó làm quy luật cho các môn đệ : “Thầy đã nêu gương cho anh em, để theo như Thầy đã làm cho anh em thế nào thì anh em cũng làm như vậy”. (13,15). Có lẽ, cũng như Phêrô, “sau này” Ga mới hiểu được điều đó (13,7). Nhưng trong một bài học đã được ghi khắc bằng những nét giống như lửa vào trong tâm hồn tự cao tự đại này : “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Để giải cứu con người, Thiên Chúa đã hạ mình đến mức đó. Từ đây tất cả mọi sự đều thay đổi ý nghĩa : tự hạ trở thành “nâng cao”. Bước xuống chỗ thấp nhất là leo lên chỗ cao nhất. Tự huỷ của một tên nô lệ chính là sự siêu tôn của Con Người (“Tìm hiểu Tin Mừng theo Thánh Gioan. trang 177-178)

  1. (những mầm khác)

……………………………………………………………

 

Thứ Sáu : Bài thương khó theo TM Gioan :

Ga 18,1–19,42

A. Hạt giống…

Thánh Gioan có một cái nhìn đặc biệt đối với cuộc chịu nạn của Chúa Giêsu. Thập giá không chỉ là con đường dẫn tới vinh quang, mà thập giá chính là vinh quang :

– Đó là GIỜ mà từ lâu Chúa Giêsu hằng nghĩ tới và chuẩn bị, là thời điểm vinh quang mà vận động viên marathon chạy về tới đích đoạt chiếc cúp vàng.

– Do đó Ga cho thấy Chúa Giêsu bước vào cuộc thụ nạn một cách đầy ý thức và chủ động. Ga luôn lặp đi lặp lại nhũng chữ “Ngài biết”. Chúa Giêsu biết trước những gì sắp xảy đến. Ngài luôn làm chủ những diễn biến.

– Trên thập giá, Chúa Giêsu trờ thành VUA và lấy lại Vinh Quang Ngài vốn có nơi Chúa Cha.

– Từ Thập giá, Ngài

  . Kéo mọi người lên với Ngài

  . Sinh ra Hội Thánh

  . ban cho Hội Thánh một người mẹ là Đức Maria

  . tuôn tràn Thánh Linh xuống cho Hội Thánh

Bởi đó, khi chúng ta cùng Gioan đi theo những chặng đường thập giá Chúa Giêsu, tâm tình chúng ta phải có là Lạc quan và Biết ơn.

B…. nẩy mầm.

Chính vì Chúa Giêsu luôn ý thức và chủ động trong mọi diễn biến của cuộc chịu nạn mà cuộc chịu nạn này mới có giá trị. Những đau khổ của chúng ta cũng thế.

  1. Đối với Chúa Giêsu, thập giá là vinh quang. Thánh Phaolô cũng nói “Vinh dự của chúng ta là Thập giá Đức Kitô”. Xin Chúa giúp chúng con cũng có thể nói được như thế.
  2. Khi George Nixon Briggs làm Thống đốc bang Massachusetts, có ba người bạn của ông đi viếng Thánh Địa. Họ leo lên đỉnh núi Gôngôta, bẻ một nhánh cây làm gậy. Khi trở về, họ tặng vị Thống đốc cây gậy đó và nói : “Chúng tôi muốn ngài biết cho rằng, khi đứng trên đỉnh đồi Can vê, chúng tôi đã nghĩ tới ngài. ”Thống đốc hết lòng cám ơn họ, ưu ái nhận quà tặng và nói thêm : “Nhưng thưa các bạn, tôi còn nghĩ xa hơn : ở đó, có một Đấng khác cũng đã nghĩ đến tôi.” (Góp nhặt)
  3. Có lần một nhà truyền giáo hỏi lớp giáo lí Thánh Kinh : nếu các bạn thấy một nhóm gồm 12 người đàn ông rất giống nhau, trong đó có đức Kitô, làm sao các bạn nhận ra Ngài ? Nhiều người bảo không biết. Nhưng một em bé nói : “Nhờ những dấu đanh trên tay Ngài”. (Góp nhặt)
  4. (những mầm khác)

……………………………………………………………