“Hãy sống giùm tôi!” – Lm. Giuse Nguyễn

print

CN XXIII TN B

“Hãy sống giùm tôi!”

Lm. Giuse Nguyễn

Mỗi khi nghe ca sĩ Khánh Ly cất giọng: “Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi!”, thì nhiều người trong chúng ta không khỏi xót xa, chạnh lòng. Xét về tính nghệ thuật và nhân văn, chúng ta sẽ cảm nhận được từ giai điệu ngọt ngào sâu lắng đó ý nghĩa rất cao đẹp. Có những con người van xin chúng ta “sống giùm” , “nói giùm” , “thở giùm” họ. Không phải sống giùm bằng trái tim, nói giùm bằng đôi môi, thở giùm bằng lỗ mũi; nhưng sống, nói, thở bằng cả tình yêu của chúng ta. Tuy nhiên, điều mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn gởi gắm ở đây không phải chỉ là lời mời gọi sống yêu thương, mà còn là một lời trách móc, một lời van xin: “Làm ơn hãy sống, hãy nói, hãy thở cho một lý tưởng cao đẹp, chứ đừng sống với những thứ thấp hèn!”. Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rõ hai điều đó: Thiên Chúa đã sống, đã nói, đã thở giùm con người bằng cả tình yêu thương. Từ đó Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy biết hướng đến một lý tưởng cao đẹp là tình yêu thương bằng cách sống cho,“sống giùm” người khác.

  1. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA:
  2. Bài Đọc I: Is 35, 4-7a

Tiên tri Isaia loan báo một viễn cảnh hòa bình, lúc mà người câm nói được, người điếc nghe được, người mù thấy được, và người què chạy nhảy như nai. Viễn cảnh này sẽ được thực hiện vào thời của Đức Giêsu. Viễn cảnh đó thể hiện tình yêu thương của Thiên Chúa, Ngài sẽ giải thoát con người khỏi mọi đau khổ, bất hạnh trong cuộc sống. Những ai muốn sống trong viễn cảnh này thì “hãy sống, hãy nói, hãy thở” bằng tình yêu. Lúc đó, chúng ta chúng ta sẽ sống trong vương quốc hòa bình.

  1. Bài Đọc II: Gc 2, 1-5

Thánh Giacôbê là một tông đồ luôn chỉ cho các tín hữu sống đức tin một cách cụ thể. Ví dụ Ngài nói: “Đức tin không việc làm là đức tin chết”; hoặc: “Anh hãy chỉ cho tôi thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để anh biết thế nào là tin”. Hôm nay ngài còn nói lên một thực tế trong đời sống của các kitô hữu sơ khai, đó là thái độ trọng phú khinh bần. Gặp người giàu thì đón tiếp vồn vã, thái độ quỵ lụy, luồn cúi… ; còn gặp người nghèo thì đón tiếp một cách miễn cưỡng, thái độ hống hách, khinh khi. Thánh Giacôbê không dạy kitô hữu của ngài loại trừ người giàu, hoặc chỉ đón tiếp người nghèo, nhưng Ngài muốn họ “đừng đối xử thiên tư”, hãy dùng tình yêu thương mà đối xử với tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo; nhưng phải đặc biệt ưu tiên cho những người nghèo, vì “Thiên Chúa chọn những kẻ nghèo khó để ban cho họ đức tin và thừa hưởng vương quốc mà Ngài đã hứa”.

  1. Tin Mừng: Mc 7, 31-37

Thánh Maccô tường thuật khi Đức Giêsu vào vùng thập tỉnh là vùng đất của dân ngoại, người ta đem đến cho Ngài một người vừa điếc vừa ngọng để xin Ngài chúc lành cho anh ta. Chẳng những Ngài chúc lành, mà còn kéo riêng anh ta ra bên ngoài để chữa cho anh ta được khỏi. Tất cả hành động của Đức Giêsu đều là yêu thương, nhưng Ngài luôn ưu ái cho những con người kém may mắn. Việc Ngài bước vào vùng đất của dân ngoại cũng đủ thấy được tình yêu thương đó.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng này sẽ thực thi viễn cảnh hòa bình mà tiên tri Isaia đã loan báo; sẽ bù đắp những bất toàn của con người, cụ thể là người điếc và ngọng trong bài Tin Mừng. Đồng thời mời gọi chúng ta, bằng cả cuộc đời của mình, hãy thốt lên: “Chúa hay thật, Chúa làm việc gì cũng tốt đẹp!”.

  1. NHÌN THIÊN CHÚA “SỐNG GIÙM” CON NGƯỜI
  2. Nhận ra quyền năng Chúa:

Trịnh Công Sơn van xin “Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi”. Thiên Chúa đã làm trước khi ông van xin. Con người sống được, hoạt động được… là do Thiên Chúa.

Việc Thiên Chúa “sống giùm” con người được thể hiện rõ ràng nơi Đức Giêsu Kitô, Ngài đã xuống thế làm người để “sống giùm” con người, nhất là những con người nghèo khổ, bệnh hoạn, tật nguyền. “Sống giùm” bằng cách “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc”… ; sống giùm bằng cách cho người điếc được nghe, người mù được thấy, người câm nói được, người què đi được… Nói tóm lại, Thiên Chúa “sống giùm” con người bằng tình yêu thương của Ngài, vì vậy không cần phải van xin vì Chúa đã cho, mà phải thay Trịnh Công Sơn để có một nhạc phẩm ca tụng quyền năng của Thiên Chúa.

Những đau khổ trong cuộc sống như bệnh tật, nghèo đói, buồn phiền, cám dỗ của thân xác… là do ma quỷ. Trước khi nghe lời ma quỷ để ăn trái cấm, tổ tông loài người không bị đau khổ vì những thứ đó. Nhưng từ khi nghe lời ma quỷ ăn trái cấm, thì tất cả những thứ đó xâm nhập vào trong con người khiến họ phải chiến đấu mỗi ngày. Tuy nhiên không vì thế mà Thiên Chúa chịu thua, đầu hàng để cho ma quỷ mặc sức cai trị con cái của Ngài. Mặc dù đau khổ, tội lỗi như dòng nước lũ cuồn cuộn cuốn trôi con người chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã cho Con của Ngài nhảy xuống đưa tay kéo chúng ta lên, khiến ma quỷ càng tức tối. Ý nghĩa của việc Thiên Chúa chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền là ở chỗ đó. Chúng ta nhận ra quyền năng của Thiên Chúa vượt trên mọi thế lực khác để cứu giúp chúng ta. Từ đó chúng ta hãy tin tưởng một mình Thiên Chúa, đưa tay ra cho Ngài cứu, đừng để cho dòng nước lũ lôi kéo chúng ta. Dòng nước lũ của những thần minh khác, của tiền bạc, của yếu đuối xác thịt, của dục vọng đam mê… Hãy để cho Thiên Chúa chữa lành chúng ta bằng chính quyền năng của Ngài! Kẻo như trong lời bài hát “Hãy sống giùm tôi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Thịt da này dành cho thù hận, cho bạo tàn của một lũ điên”. Nếu không đưa tay cho Thiên Chúa cứu giúp, chúng ta sẽ thuộc về “một lũ điên” là ma quỷ.

  1. Sống giùm người khác:

Khi chứng kiến quyền năng của Thiên Chúa, dân ngoại đã phải thán phục mà thốt lên: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả!” Vậy thì cuộc sống của chúng ta cũng phải làm sao để cho người khác thốt lên: “Cô đó, chú đó, anh đó, chị đó, em đó, người đó làm việc gì cũng tốt đẹp cả!” Sở dĩ Chúa Giêsu được người ta thán phục là bởi vì Ngài đã biết “sống giùm” người khác bằng chính quyền năng của Ngài. Khi chúng ta biết dùng khả năng của mình để “sống giùm” người khác, chúng ta cũng sẽ được thán phục. Mục đích của Đức Giêsu không phải để được người ta thán phục, mà để cho người ta nhận biết Thiên Chúa. Mọi hành động của chúng ta cũng không nhằm mục đích để người ta thán phục, nhưng qua đó người ta nhận biết Thiên Chúa của chúng ta.

Mẹ Têrêxa Calcutta, một nữ tu bé nhỏ nhưng đã biết “sống giùm” những con người nghèo khổ, bất hạnh, bị bỏ rơi. Cả thế giới phải thán phục: “Mẹ có một con tim vĩ đại!”. Chắc chắn mẹ không muốn người ta thán phục mẹ, mẹ chỉ làm vì một tình yêu cao cả thúc bách và để hướng người khác đến với tình yêu đó. Chính vì vậy mà người ta càng thán phục mẹ hơn. Hình ảnh người cha cõng cô con gái bại liệt đến trường đã khiến hàng triệu trái tim thổn thức. Người cha đó đã “sống giùm” cô con gái của mình, bằng cách trở thành đôi chân cho con từ 7 năm nay.

Những hình ảnh đó mời gọi chúng ta cũng hãy biết “sống giùm” người khác. Trước hết là những người trong gia đình. Các bạn trẻ hãy chia sẻ những nỗi lo toan với cha mẹ. Kiếm được đồng tiền chính đáng không phải là chuyện dễ, vì vậy các bạn bớt đòi hỏi cha mẹ một chút; đồng thời hãy biết làm việc, lao động tiếp giúp gia đình. Kế đến là “sống giùm” bà con lối xóm. Hãy quan tâm, chia sẻ với láng giềng nhất là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, hãy làm giùm người ta việc này việc kia. Sau cùng hãy biết “sống giùm” bạn bè của mình, nhất là những người bạn đang gặp khó khăn, nguy hiểm về vật chất cũng như về đời sống đức tin. Hãy “sống giùm” họ bằng cách chia sẻ, an ủi, nâng đỡ, nhắc nhở họ… Khi chúng ta biết “sống giùm” người khác như vậy là chúng ta đang sống cho lý tưởng cao cả là tình yêu thương.

Tóm lại, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa “sống giùm” bằng cách đưa tay ra cho Ngài nắm lấy; thể hiện qua việc gắn bó với Ngài nhiều hơn nữa trong cầu nguyện và phụng vụ. Đồng thời hãy biết “sống giùm” người khác bằng cách nắm lấy tay họ bằng cả tình yêu thương. Đó là hình ảnh của một gia đình tin yêu.