HGNM Tuần 31 Mùa Thường Niên
CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN
A. Hạt giống…
- Mở đầu câu chuyện, ông Dakêu được mô tả là kẻ tội lỗi : thu thuế (lại còn “đứng đầu những người thu thuế”) và lo thu tích của cải (“và là người giàu có”). Cuối câu chuyện, ông thay đổi hẳn : “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” ; phân phát tài sản cho người nghèo (là điều Chúa Giêsu thường khuyên làm. x.Lc 12,33-34 ; 16,1-8 ; 16,9-13 v.v.) ; đền bù những thiệt hại đã gây cho người khác.
- Có hai nhân tố tạo nên sự thay đổi đó :
– một là những cố gắng của chính Dakêu : “tìm cách xem” mặt Chúa Giêsu, “chạy tới phía trước”, “leo lên một cây sung để xem Chúa Giêsu”.
– hai là lòng nhân từ của Chúa Giêsu : Ngài “nhìn lên” ông, Ngài gọi ông “xuống mau đi”, Ngài đưa đề nghị đến nhà ông. “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Chúa Giêsu tự giới thiệu là “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.
B… nảy mầm.
- Ơn cứu độ là kết quả sự hợp tác của hai phía : con người (Dakêu “tìm cách xem” mặt Chúa, “chạy tới phía trước”, “leo lên cây sung”) và Thiên Chúa (Chúa Giêsu “nhìn lên”, gọi Dakêu, và đến “trọ nhà” ông).
- Dakêu là hình ảnh :
– của những người giàu : giàu tiền nhưng nghèo đạo đức thì trong lòng vẫn còn thiếu thốn và trống trải. Dakêu đi tìm Chúa Giêsu để lấp đầy khoảng trống thiếu thốn trong lòng mình.
– của người môn đệ : Tin Mừng Luca thường ghi lại những lời Chúa Giêsu khuyên môn đệ hãy bán tài sản để mua Nước Trời, hãy đem tài sản phân phát cho người nghèo rồi theo Ngài. Dakêu đã làm đúng như vậy.
– của người hoán cải : trước khi hoán cải, Dakêu thu gom tiền bạc, làm hại người khác, ích kỷ. Sau khi hoán cải, ông không tiếc tiền, dùng tiền một cách quảng đại để đền bù thiệt hại mình đã gây ra cho người khác, lại còn bố thí cho người nghèo. Khi hoán cải, người ta trở nên quảng đại, vì người ta biết rằng những gì mình cho người khác chẳng đáng là gì so với những gì Chúa ban cho mình.
- “Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta chìa khóa của sự bình an, đó là hãy sống quảng đại. Thiên Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng ta, nhưng chúng ta chỉ cảm nhận được sự hiện diện đó nếu chúng ta ra khỏi chính mình để sống quảng đại với người khác”. (trích “Mỗi ngày một tin vui”)
- Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Dakêu chắc không phải tình cờ. Một trong những ý định khiến Chúa Giêsu đi ngang qua Giêrikhô là để tìm cứu Dakêu, như lời Ngài nói “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Ơn cứu độ luôn sẵn đó. Chỉ cần kẻ “hư mất” chịu khó tìm đến Chúa để lãnh nhận thôi.
- Telemachus là một ẩn sĩ. Một hôm Chúa thúc đẩy ông rời rừng để đi đến thành Rôma. Rôma là thủ đô Kitô giáo, nhưng ở đó vẫn còn tồn tại một tục lệ dã man là những trận giác đấu đã làm chết biết bao nhiêu mạng người. Tệ hơn nữa là khán giả rất thích cảnh giết người dã man đó. Telemachus nghĩ : “Khi nào người ta còn thích tàn sát lẫn nhau thì người ta chưa sống xứng đáng là con Chúa”. Nghĩ thế rồi Telemachus đi vào một đấu trường. Ông chạy vào giữa những lực sĩ giác đấu để khuyên họ ngừng tay. Nhưng không ai nghe, họ còn đẩy ông ra. Dù vậy ông vẫn cứ xông vào tiếp tục khuyên can. Viên quan cai quản đấu trường cho rằng Telemachus cố tình phá hoại cuộc vui nên rút gươm hạ sát ông. Khi Telemachus ngã xuống, người ta mới biết là đã giết lầm một vị thánh. Người ta hối hận. Và từ đó đế quốc Rôma bãi bỏ tục giác đấu. Bằng cái chết của mình, Telemachus đã giúp cho Rôma hoán cải.
Việc hoán cải một tập thể phải bắt đầu từ một con người. Muốn hoán cải một gia đình thì một người nào đó trong gia đình phải khởi sự hoán cải trước. Muốn hoán cải một cộng đoàn thì phải có ai đó trong cộng đoàn khởi sự trước. (Barclay)
- “Ông Dakêu đứng lên thưa với Chúa rằng : Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. (Lc 19,8)
Ngồi học bài mà tôi không thể yên được vì thỉnh thoảng tiếng la ó cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam trong Cúp Châu Á lại rộn lên. Bầu khí gia đình tôi vui hẳn lên. Ai cũng xôn xao phấn khởi trước những bàn thắng của đội nhà. Đến lớp, các bạn tôi dường như gần gũi nhau hơn và nói về thắng lợi của đội tuyển Việt Nam như là thắng lợi của chính mình. Niềm vui khiến người ta gần gũi nhau hơn.
Niềm vui của một Dakêu được gặp Chúa, được Con Thiên Chúa “đụng chạm” đến đã cho ông sức mạnh phá đổ mọi hàng rào ngăn cách giữa mình với anh em.
Giêsu ơi, xin Lời Chúa và Thánh Thể mà con được diễm phúc lãnh nhận trở nên niềm vui, nguồn hạnh phúc cho con, để con trở nên đẹp hơn và xích lại gần anh em con hơn. (Hosanna)
Thứ Hai :
A. Hạt giống…
Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dùng việc mời khách dự tiệc để dạy bài học phục vụ vô vị lợi :
- “Hãy mời những người nghèo, người què, người cà thọt và người đui” : ba hạng người sau chỉ là giải thích cho chữ “người nghèo”. Chúa Giêsu dùng ba hạng đó để diễn tả những người nghèo nhất, vì ba hạng này bị khinh miệt nhất và không được phép tham dự những lễ nghi trong Đền thờ (2Sm 5,8 ; Lv 21,18).
- “Họ không có gì đáp lễ”: người đời thường cư xử với nhau theo tiêu chuẩn có qua có lại, do đó họ thường mời những kẻ mà sau này sẽ đền ơn họ bằng cách này hay cách khác. Nhưng Chúa Giêsu khuyên hãy mời những kẻ không có gì đáp lại và cũng không có khả năng đáp lại. Khi đó chính Thiên Chúa sẽ thay họ mà thưởng công cho kẻ đã mời (“ông sẽđược đáp lễ : thể thụ động, ngụ ý Thiên Chúa là kẻ chủ động).
B…. nẩy mầm.
- Mời dự tiệc tượng trưng cho sựcho. Nhưng giá trị của sự cho tùy vàocho ai và tại sao cho. Người đời thường chỉ cho những ai có thể cho lại mình. Như thế động cơ của sự cho là để được cho lại (do ut das). Cho như thế không có giá trị bao nhiêu vì thực chất là cho mình chứ không phải cho người. Vả lại dù người ta có cho lại mình thì chỉ cho theo sự tính toán của người ta (cũng như mình đã tính toán đối với họ), và chỉ cho những cái trong khả năng hạn chế của loài người. Chúa Giêsu dạy môn đệ Ngài một cách cho có giá trị cao hơn nhiều :cho những kẻ không có khả năng cho lại, và động cơ chỉ là vì thương nên muốn chia sẻ. Đó mới là cho thực nên mới có giá trị. Vả lại vì người nhận không có khả năng cho lại nên Thiên Chúa sẽ thay họ cho lại ta, và cái Chúa cho thì dĩ nhiên quý hơn cái ta đã cho gấp bội.
- Ăn chung với nhau còn biểu lộ sựthông hiệp, liên đới. Chúa Giêsu là kẻ muốn thông hiệp liên đới với tất cả mọi người, do đó Ngài không ngại ăn chung với một thủ lãnh biệt phái mặc dù hai bên khác quan điểm với nhau (x. đoạn phía trước : 14,1-6). Ngài cũng không ngại ăn chung với những người tội lỗi (x. Mt 9,10-13). Trong đoạn Tin Mừng này, người thủ lãnh biệt phái đã khá cởi mở khi mời Chúa Giêsu đến ăn chung với mình. Chúa Giêsu khuyến khích ông tiến thêm một bước nữa là hãy hiệp thông liên đới với những người mà địa vị xã hội thấp kém hơn ông bằng cách mời họ cùng ăn uống với ông.
- “Phần thưởngai cũng muốn có. Nhưng phần thưởng đến từ đâu và lúc nào, đấy mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta hãy suy tính xem phần thưởng tạm bợ trong thời gian có hơn được phần thưởng vĩnh cửu không ? Phần thưởng của anh em có hơn được của Thiên Chúa không ? Phần Chúa, Chúa nhắn : “Hãy tìm của Nước Trời trước” (Mt 6,33) (Trích “TMCGK ngày trong tuần” ).
- “ Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặc, đui mù. Họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc“ (Lc 14, 13-14)
Có một nỗi đau quặn thắt trong tôi, khi tôi được tin một người thân sắp bị mù. Có một tình thương len lõi trong tôi mỗi khi tôi nhìn thấy những người nghèo khó, tàn tật. Nhưng dường như đó chỉ là cảm xúc pha lẫn thương hại. Chưa một lần nào tôi nghĩ đến chuyện phải là một cái gì đó cho họ.
Lời Chúa hôm nay, mở ra cho tôi một tình yêu mới : “Yêu như Chúa yêu”, nghĩa là dám dấn thân cho tình yêu và nhất là không chỉ yêu những người danh giá địa vị, mà cả những người nghèo khó, tàn tật. Tôi nguyện đến với họ để chia sẻ với họ những gì tôi có, cả niềm vui và hy vọng nữa.
Lạy Chúa ! Xin cho con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những người nghèo khó, tàn tật, để con có thể đến với những người anh em đó dễ dàng hơn. (Hosanna)
Thứ Ba :
A. Hạt giống…
Hình ảnh đặc biệt của đoạn Tin Mừng này là bữa tiệc. Trong Thánh Kinh, bữa tiệc là hình ảnh về hạnh phúc Thiên Chúa ban (x. Is 25,6 55,1-3 Xh 24,11 Kh 19).
Khi ấy Chúa Giêsu đang ngồi ăn chung với nhiều người khác trong một bữa tiệc do một thủ lãnh biệt phái đãi (x. Lc 14,1-14). Bữa tiệc ấy khiến một trong những thực khách liên tưởng tới bữa tiệc thiên quốc nên nói “Phúc cho ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu dùng một dụ ngôn để trả lời cho người ấy. Đại khái, Ngài cũng đồng ý với người đó rằng được hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa là một hạnh phúc lớn. Nhưng Ngài đặt vấn đề : thực ra anh có sẵn lòng nhận lời mời vào Nước ấy không ?
Trong dụ ngôn, ông chủ đã mời rất nhiều người đến dự tiệc, nhưng tất cả đều nhất loạt xin kiếu. Hai người đầu còn nói lời cáo lỗi (“cho tôi xin kiếu”), người thứ ba chẳng buồn nói một lời lịch sự. Nghĩa là tất cả mọi người đều không tha thiết với hạnh phúc Nước Thiên Chúa. Hai người đầu coi hạnh phúc ấy nhẹ hơn tiền của (đất, bò). Người thứ ba coi trọng hạnh phúc hôn nhân hơn.
Vì loạt người được mời lần đầu (chỉ dân do thái) đã từ chối dự tiệc, ông chủ mời loạt người khác. Đó là những người “nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt”. Họ tượng trưng cho lương dân. Như thế, dân do thái dù được Thiên Chúa ưu tiên mời vào Nước Trời nhưng đã từ chối. Thế nhưng sự từ chối của họ chẳng những không làm hỏng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, trái lại còn thúc đẩy nhanh việc Thiên Chúa thành lập Nước Thiên Chúa, một dân mới đã được mời vào thế chỗ cho dân do thái.
B…. nẩy mầm.
- “Mọi sự đã sẵn sàng” (Omnia parata sunt) : Hạnh phúc Nước Trời đã được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn tất cả cho ta, cũng như cỗ bàn được ông chủ trong dụ ngôn này chuẩn bị chu đáo (giáo huấn Tin Mừng, Giáo Hội, bí tích, ơn Chúa v.v.). Nhưng tại sao nhiều người không đến dự tiệc ? Vì họ không muốn từ bỏ những thứ đang quyến rũ họ : một thửa đất mới mua (tài sản), năm cặp bò mới tậu (việc làm ăn), một người vợ mới cưới (hạnh phúc nhân loại). Những người đó không sai vì coi trọng những thứ vừa kể, nhưng sai vì coi chúng trọng hơnNước Trời. Chúa Giêsu đã dạy “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài. Tất cả những thứ kia Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,33)
- Lý do khiến loạt khách mời thứ nhất từ chối đến dự tiệc là vì họ đang có những thứ họ ham thích. Còn lý do khiến loạt khách thứ hai đáp lời mau mắn (x. dụ ngôn song song được ghi trong Mt 22,1-10 : “phòng tiệc cưới đã đầy thực khách”) là vì họ đang không có gì cả, nói cho rõ hơn, họnghèo. Nghèo là tâm thế rất thích hợp để đón nhận Nước Trời.
- Triết gia Socrates sống rất giản dị. Một ngày kia ông ngắm nghía rất kỹ những món hàng đắt tiền được bày bán ngoài chợ. Thấy thế một người lấy làm lạ nên hỏi. Ông giải thích : “Tôi ngạc nhiên vì không hiểu tại sao người ta lại bán quá nhiều thứ mà tôi không cần đến như thế” (Clifton Fadiman).
- “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. Người thứ nhất nói : tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm ; người thứ hai nói : tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây… ; người khác nói : tôi mới cưới vợ nên không thể đến được” (Lc 14,16-20)
Có câu chuyện về những người nằm chết khát trên một chiếc bè lênh đênh ngoài khơi bờ biển Brazil. Họ không hề hay biết nước biển ngay chỗ bè họ trôi là nước ngọt. Thật vậy, dòng chảy của con sông mạnh đến nỗi tống ra biển xa đến hai dậm và nước ngay chỗ họ vẫn là nước sông. Nhưng họ không hề hay biết…
Đời là một bữa tiệc lớn. Tất cả những niềm vui – nỗi buồn, cái thật – cái giả, ánh sáng – bóng tối… đều cống hiến cho bữa tiệc ấy. Nhưng con người như bị thôi miên, cứ chọn cái buồn, cái giả, cứ chạy theo bóng tối… nên rất nhiều người đang chết đói trên bàn tiệc, trong đó có bạn và tôi…
Lạy Chúa, con đã phải nếm sự đau khổ vì cứ mê muội bám víu vào các tạo vật. Xin cho con được ơn thức tỉnh thật sự. (Hosanna)
Thứ Tư :
A. Hạt giống…
- Khung cảnh : Khi ấy “Có rất nhiều người đi đường với Chúa Giêsu” : họ đang cùng với Chúa Giêsu “tiến lên Giêrusalem”. Nhưng có lẽ họ cho rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Để xóa tan hiểu lầm này, Chúa Giêsu nói những lời tiếp theo.
- Đại ý Chúa Giêsu nói : Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (“đi theo” Ngài) thì phải yêu mến Ngài hơn (diễn tả theo kiểu đặc biệt sêmít là “ghét”) tất cả những gì mình tha thiết nhất, chẳng hạn cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình nữa.
- Sau đó Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn : Một người xây tháp trước khi xây phải tính toán kỹ để chọn lựa quyết định có nên xây hay không. Một ông vua trước khi đi giao chiến cũng phải tính toán kỹ để chọn lựa có nên giao chiến hay không. Cũng thế, nếu biết theo Chúa Giêsu phải chấp nhận từ bỏ tất cả, thì trước khi theo phải tính toán cho kỹ.
B…. nẩy mầm.
- Đây là những lời rất thẳng thắn và chân thành Chúa Giêsu nói rõ với “rất đông người” đang đi theo Ngài. Người ta theo đạo Chúa vì rất nhiều lý do và nhiều động cơ. Chúa Giêsu thấy cần nói thẳng với mọi người rằng theo Ngài thì phảitừ bỏ(bỏ hết những gì mình tha thiết nhất, kể cả mạng sống), và lại còn phải vác thập giá. Dĩ nhiên, sự từ bỏ và vác thập giá không phải luôn là hiện thực, nhưng có theo Chúa trong tâm thế sẵn sàng chấp nhận như vậy khi hoàn cảnh xảy đến thì mới xứng đáng làm môn đệ Ngài. Trên thực tế, có nhiều người muốn theo Chúa nhưng không muốn từ bỏ và không muốn vác thập giá.
- Có người thờ thập giá nhưng không vác thập giá. Có người quý chuộng thập giá Chúa Giêsu nhưng không quý chuộng thập giá mình. Những người đó không xứng đáng là môn đệ Chúa Giêsu.
- “Hãy vác thập giáhằng ngày” : “Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế : chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi !” (John Newton).
- “Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được” (Lc 14,27)
Có người đàn ông kia là một kitô hữu. vợ con ông đều chết cả, tài sản bị tiêu tan, địa vị cũng không còn, chỉ còn duy nhất một đức tin mong manh. Một hôm, ông đến gần một người thợ đang xây nhà thờ, thấy người kia đang đẽo gọt một miếng đá nhỏ để tạo ra một tam giác đứng, ông nhìn hồi lâu rồi hỏi :
– Anh đang làm gì vậy ?
– Bác nhìn lên đỉnh Tháp nhà thờ xem. Ở đó có một chỗ trống. Tôi đang đẽo miếng đá nhỏ này để đặt nó vào đó.
Ông gật gù ngẫm nghĩ, và cảm thấy như thể Chúa nói với mình : “Ta đang đẽo gọt con để con thích hợp với chỗ trống trong công trình của Ta…”,và ông rời chỗ ấy ra đi, tràn nước mắt hạnh phúc.
Lạy Chúa, mấy hôm nay con đang chán nản vì những thử thách nặng nề. Xin cho con đôi vai đủ lớn và đôi chân đủ mạnh để con vác thập giá đi theo Chúa. (Hosanna)
Thứ Năm :
A. Hạt giống…
Khung cảnh : thầy Chúa Giêsu gần gũi với những người tội lỗi đến gần, nhóm pharisêu và kinh sư trách Ngài. Chúa Giêsu đã dùng những dụ ngôn để trả lời cho họ. Tất cả những dụ ngôn này đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài xót xa khi một người lầm đường rơi vào tội lỗi. Do đó Ngài tha thiết tìm cứu người tội lỗi. Khi cứu được một người tội lỗi, Ngài rất vui mừng.
B…. nẩy mầm.
- Thật cảm động thái độ ân cần của người chăn chiên đối với con chiên đi lạc : chỉ vì một con chiên nhỏ trong bầy 100 con mà đành bỏ mọi việc để chỉ làm một việc là đi tìm nó, tìm thấy rồi thì vác nó trên vai, mời bạn bè và hàng xóm đến chung vui. Thái độ của người đàn bà mất tiền cũng thế : chỉ một đồng quan mà tìm rất cực khổ và kỹ lưỡng : thắp đèn, quét nhà, moi móc, và cũng mời bạn bè hàng xóm chung vui khi tìm thấy. Nhưng cảm động hơn nữa là cảnh trên thiên đàng : “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Chúng ta hãy im lặng. Không cần suy nghĩ, chỉ chiêm ngưỡng, cảm xúc và cảm tạ tình thương vô biên của Chúa đối với tội nhân.
- “… hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn” : Những kẻ thấy mình “không cần phải sám hối ăn năn” là những người nghĩ rằng mình “công chính”, nhưng thực ra họ không phải là người “công chính” thật. 99 người như thế không đáng là gì cả so với chỉ một người biết mình tội lỗi nên ăn năn sám hối.
- “Một trong những hiện tượng tiêu cực rất phổ biến, đó là… ở đâu và thời nào tâm lý con người cũng giống nhau : ai cũng tự đặt mình vào tư thế quan tòa để xét xử, kết án người khác. Chúa Giêsu cảm thông tha thứ mọi yếu hèn của con người. Ngài đồng bàn với người tội lỗi, thể hiện tình bạn với họ. Nhưng chỉ có một thái độ Ngài không thể dung tha, đó là thái độ của những người tự cho mình thánh thiện tẩy chay và kết án người khác. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ như thế, vì đó là tước quyền Thiên Chúa : chỉ một mình Ngài mới có quyền xét xử” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
- “Xin chung vui với tôi vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất”. (Lc 15, 6)
Vui với tôi bạn nhé, tôi lại tìm thấy được tình yêu. Đôi mắt tôi không còn nhìn anh em với những thành kiến hẹp hòi. Lời nói tôi thôi làm bạn đau đớn. Tai tôi biết lắng nghe bạn trân trọng, cảm thông. Bàn tay tôi trong tay bạn, ấm nóng yêu thương nhiệt thành. Và tôi đến với bạn với cả tấm lòng của kẻ nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương. Người đặt tình yêu của mình trong hình ảnh bạn và trong mắt tôi.
Tạ ơn Chúa đã cho con hạnh phúc của người tìm lại được tình yêu bị lãng quên. Xin Cha cho con luôn biết gìn giữ, trân trọng tình yêu của người. (Hosanna)
Thứ Sáu :
A. Hạt giống…
- Phong tục do thái : đối với dân Do Thái, quản gia không phải chỉ là một trong những người làm mướn ăn lương của chủ, mà là một nhân vật rất có thế lực. Quản gia là người thay mặt chủ để lo những chuyện tài sản trong nhà. Do đó có quyền thu xếp tài sản của chủ cách nào tùy ý miễn sao có lợi cho chủ thôi. BJ nói quản gia không có lương, nên thường tìm thu nhập thêm bằng cách kê thêm số của cho vay. Thí dụ cho vay 100 kê thành 120.
- Chúa Giêsu nói người quản gia trong dụ ngôn này là “bất lương”. Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh còn bàn cãi nhau về sự “bất lương” này (ăn gian tiền của chủ ? cho vay ăn lời cắt cổ ? hay là sửa đổi giấy nợ ?…).
- Nhưng điều Chúa Giêsu muốn ta noi gương nơi người quản gia này là cách xử dụng tiền của : Người quản gia này là “con cái thế gian”, thế mà còn biết sử dụng của cải một cách khôn khéo bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai. “Con cái của sự sáng” phải noi gương đó, phải biết dùng của cải thế gian mà mua sắm của cải trên trời.
B…. nẩy mầm.
- Mặc dù người quản lý trong dụ ngôn này không tốt cho lắm, nhưng Chúa Giêsu đã rất khéo khi lấy hình ảnh người quản lý làm dụ ngôn. Chúa muốn nhắc rằng đối với tiền bạc của cải mà chúng ta đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, chính Thiên Chúa mới là chủ. Đã là quản lý thì phải xử dụng của cải của chủtheo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng mình. Rất nhiều người tưởng lầm mình là chủ của những tiền bạc trong túi mình.
- Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện, ông hỏi người chủ quán :
– Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu ?
– Chỉ một đồng thôi.
– Còn tô lớn kia ?
– Cũng chỉ một đồng thôi.
Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo :
– Ở đây chỉ xài loại tiền-cho-đi thôi. Ông có không ?
Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói :
– Đó chỉ là thứ tiền-lấy-vào. Ở đây không xài được.
– Thế tiền-cho-đi là tiền gì ?
– Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền-cho-đi.
Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền-cho-đi cả. Thế là ông phải nhịn đói.
Bao nhiêu đồng tiền cho đi là bấy nhiêu đồng tiền để dành cho đời sau vậy.
- “Con cái đời này khôn ngoan hơn con cái ánh sáng khi xử sự với đồng loại.” (Lc 16, 8b)
Ở đời, “biết mình biết người trăm trận trăm thắng.” Người quản gia bất lương trong dụ ngôn xưa, hơn ai hết, biết rõ thực trạng tội lỗi của mình, và biết chắc nguy cơ bị sa thải là không tránh khỏi. Điều hơn người là y dám nhìn thẳng vào sự thật và dùng hết khả năng còn lại của mình để đổi lấy tình thân hữu, dự phòng cho tương lai. Y đã thành công do biết nhìn xa trông rộng.
Ở đây Thiên Chúa không có ý định ủng hộ những hành động mưu lợi bản thân, mà qua đó Ngài muốn nhắc nhở chúng ta về một chân lý : dự phòng cho tương lai. Đời này đã có thể an tâm, còn dự phòng cho cuộc sống đời sau, hẳn hạnh phúc hơn nhiều.
Lạy Chúa, xin cho con biết dùng cuộc sống đời này để mua lấy cuộc sống đích thực nơi quê trời. (Hosanna)
Thứ Bảy :
A. Hạt giống…
Những điểm đáng chú ý trong lời Chúa Giêsu dạy về tiền của :
– Ngài đánh giá tiền của là “gian dối”.
– Ngài khuyên dùng tiền của đời này để mua lấy những giá trị đời sau.
– Phải coi tiền của là đấy tớ phục vụ mình, chứ đừng coi chúng là ông chủ mà mình phải làm nô lệ.
– Chính những người được coi là đạo đức như biệt phái mà cũng mang tính tham lam.
B…. nẩy mầm.
- “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” : Qua câu này, chính Chúa Giêsu cho biết ; a/ Tiền của có thể biến người sở hữu nó trở thành nô lệ cho nó ; b/ tiền của có thể được người ta tôn lên ngang hàng với Thiên Chúa, thậm chí cao hơn Thiên Chúa nữa !
- Tôi thử xét lại liên hệ của tôi với tiền của xem tôi đang làm chủ nó hay làm nô lệ nó :
– Tôi vẫn còn làm chủ nó : khi tôi dám đem nó đi cho người khác, dám đưa nó cho người khác mượn, dám bỏ nó, khi tôi mất nó mà không đến nỗi như mất hồn…
– Tôi đã thành nô lệ nó khi ngày đêm tôi nghĩ tới nó, khi tôi trọng nó hơn tất cả mọi người khác, khi tôi sợ mất nó, khi vì nó mà tôi dám làm điều xấu…
- Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm ông sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nọ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi :
– Ngài có định mua gì về không ?
– Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.
Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng : “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.
Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng :
– Nhà Ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho Ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý Ngài.
Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên :
– Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước (Góp nhặt)