Hiện Tình Xã Hội & Giáo Hội Ngày Nay

print

Hiện Tình Xã Hội & Giáo Hội Ngày Nay

Theo sách Sáng thế, sau khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật và con người, mọi sự đều tốt đẹp (St 1,1-26). Tuy nhiên, sau khi bà E-và phạm tội thì mọi sự không còn tốt đẹp nữa. Có thể nói, kể từ đó cho đến thời đại chúng ta và mãi tương lai mọi việc đều có hai mặt của nó. Từ một sản phẩm làm ra, như đôi dép chúng ta đi hay chiếc áo chúng ta mặc cũng luôn có hai mặt.

Ngay trong tự điển Tiếng Việt hay hay các tự điển khác cũng có những từ đối lập nhau như: Tốt xấu, thiện ác, phải trái, thật giả, đẹp xấu v.v. Theo triết lý cũng khẳng định: trong cái tốt có cái xấu và trong cái xấu có cái tốt. Cũng vậy, mọi dân tộc và từng đất nước trên thế giới đều tương tự như thế. Điều quan trọng là xã hội quan tâm đến vấn đề nào nhiều? Vì đề tài khá rộng, tôi xin giới hạn và chia sẻ đôi điều về hiện trạng của xã hội Việt Nam cũng như những tác động đến Giáo hội.

Nhìn vào thực tế của xã hội của chúng ta vẫn có cả hai mặt: tích cực và tiêu cực. Lướt qua các trang mạng, hay báo chí và phương tiện truyền thông thì xem chừng tiêu cực nhiều hơn tích cực, cụ thể như: Về giáo dục, y tế, thương mại, du lịch, giải trí, xây dựng, giao thông… và có thể nói tiêu cực xảy ra ở mọi lãnh vực và ngành nghề. Vấn nạn đặt ra, tại sao? Có nhiều lý do. Riêng cá nhân tôi, nguyên nhân sâu xa là cơ chế, hệ thống giáo dục và đường lối mà nhà hữu trách đã chọn. Ngoài ra, do chủ nghĩa thực dụng “lên ngôi” nên con người ai cũng muốn quy về mình, đề cao bản thân nhưng ngại dấn thân…

Về khía cạnh tâm lý, ngày nay người ta thích nghe điều xấu hơn điều tốt; vì nghi nghe điều xấu, tự trong thâm tâm mình thấy tốt hơn điều chúng ta đang nghe. Ngược lại, không thích nghe điều tốt vì khi nghe chúng ta cảm thấy mình không bằng nên tránh xa. Từ đó, người ta ngại chia sẻ hay nói ra những điều tích cực trước đám đông hay trên phương tiện truyền thông, và như thế từ từ nó ảnh hưởng đến nhân cách sống của con người và xã hội. Có phóng viên chia sẻ: nếu viết một bài về nhân cách sống, hay đạo đức con người thì ít đọc giả xem. Ngược lại nếu viết những bài phóng sự “hot” thì có rất nhiều người xem. Mà nhà đài, nhà báo thì cần nhiều đọc giả xem mới có lợi nhuận. Vì vậy, họ chạy theo thị hiếu của xã hội và vô tình hướng xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đến tiêu cực nhiều hơn tích cực…

Ngoài ra, thế hệ trẻ ngày nay có hiểu biết, nhận thức tốt nhưng vì sự hy sinh, ngại dấn thân, sợ bị làm phiền, lo bị thiệt thòi nên họ ngại nói về điều tốt cũng như làm việc tốt. Họ thích được khen được ca tụng nhưng họ sợ bị “đụng”. Vì vậy, các bài suy niệm, chia sẻ Lời Chúa, hay giáo dục nhân bản… trên trang Web Giáo phận, không có mấy bạn trẻ vào xem.

Một chút kinh nghiệm của bản thân, nhiều lần tôi giúp bồi dưỡng hay tĩnh tâm cho giới trẻ trong ngoài họ đạo vào dịp mùa vọng, mùa chay; Khi đặt câu hỏi về xã hội hay những tin “hot” thì các bạn biết. Ngược lại, nếu hỏi về thông điệp của Đức Giáo Hoàng hay tin tức của Giáo hội thì hầu hết các bạn không biết. Trên phương tiện truyền thông Facebook, Zalo hay Twiter cũng vậy, nếu ai đó đăng những câu chuyện về gương tốt hay triết lý sống thì không mấy người vào xem. Tuy nhiên, nếu có tin tức thời sự liên quan đến người nổi tiếng hay thần tượng, thậm chí cả tệ nạn xã hội khác thì có rất nhiều bạn trẻ vào xem và câu like…

Đứng trước hiện trạng của xã hội và Giáo hội ngày nay, chúng ta sẽ làm gì? Chắc chắn mỗi người, từng xã hội sẽ có phương pháp riêng. Tuy nhiên, là những người hữu trách trong môi trường giáo dục và đào tạo, chúng ta cần học theo gương của các bậc Thánh hiền, cách riêng là Chúa Giêsu vì Ngài là Đấng mô phạm mọi thời đại.

Tuy chúng ta đang sống trong xã hội nhưng đừng hoàn toàn chạy theo xã hội “cách này hay cách khác” nhưng hãy luôn sống sự thật vì Chúa Giêsu là đường, là sự thật và sẽ dấn chúng ta đến sự sống đích thực (Ga 14,6). Tuy xã hội thích chạy theo đám đông nhưng chúng ta đừng vội tin vào họ; Vì khi Chúa bị treo trên thập giá, đám đông từng chửi bới, vu khống, nhưng Chúa Giê-su vô tội; vì thế Ngài không những yêu thương mà còn muốn cứu lấy họ nên cầu nguyện rằng: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Tuy xã hội thường vội vàng kết án lẫn nhau dù chưa rõ ràng, nhưng chúng ta hãy lắng nghe cụ thể và hỏi rõ đôi bên rồi hãy phán quyết như Chúa Giêsu đã từng chứng kiến các Tông đồ cải nhau dọc đường nhưng khi về tới nhà mới hỏi: Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Sau khi hỏi rõ, Ngài mới khuyên dạy các ông qua gương của một em nhỏ (Mc 9,30-37).

Hiện tình xã hội ngày nay

Tích cực tiêu cực đổi thay hằng ngày

Ước gì tích cực nối dài

Tiêu cực ngắn lại tương lai tuyệt vời.

 

Giê-su Con Chúa sáng ngời

Để ta học hỏi muôn nơi diệu kỳ

Tâm hồn lòng trí khắc ghi

Chân thành đạo đức không gì vượt qua.

 

Các Thánh mẫu gương chúng ta

Hiểu lầm vu khống miễn là bình an

Nguyện xin Thánh sủng thương ban

Giáo hội tích cực thẳng hàng tiến lên.

Lm. Biển Xanh.