HOÀN CỐT KHỈ
Đất nước Hy Lạp có một câu chuyện ngụ ngôn đại loại rằng: “Có một vị quân vương nuôi vài con khỉ trong cung điện. Ông ta luyện cho chúng cách nhảy múa, và mặc cho chúng những bộ quần áo tuyệt đẹp, đeo cho chúng những chiếc mặt nạ hình mặt người. Khi lũ khỉ nhảy múa trông rất giống như người thật, ung dung, uyển chuyển. Một ngày kia, trong buổi yến tiệc, vị quân vương để lũ khỉ nhảy múa cho các triều thần thưởng thức. Diễn xuất điêu luyện của lũ khỉ đã nhận được nhiều tràng vỗ tay khen ngợi. Nhưng trong số các triều thần, có một vị đã cố ý làm rơi một trái chuối trên sàn nhà. Những con khỉ thấy vậy đã tháo lớp mặt nạ, lao vào để tranh nhau trái chuối. Kết quả là cuộc trình diễn công phu của lũ khỉ đã trở thành trò chế giễu cho mọi người”.
Quý vị và các bạn thân mến !
Khỉ thích ăn chuối. Bản tính này không thể thay đổi cho dù khỉ có được học nhảy múa, mặc quần áo và đeo mặt nạ giống con người. Vì thế, khi nhìn thấy chuối, khỉ sẽ bộc lộ bản chất thật sự của mình, nó sẵn sàng trút bỏ những gì không thuộc về nó là chiếc mặt nạ người để tranh nhau những quả chuối. Cũng vậy, lúc bình thường, trong các mối quan hệ xã hội, con người cũng luôn giữ cho mình một chiếc mặt nạ, một vẻ bề ngoài tốt nhất có thể trong giao tiếp. Với một người thực sự hiền lành, biết giữ cốt cách đạo đức trong mọi tình huống thì những biểu hiện tốt đẹp bên ngoài là phản ánh chính nội tâm của họ. Tâm sinh tướng là thế. Tuy nhiên, với những kẻ giả hình “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao” thì cho dù họ cải trang với các loại mặt nạ quân tử, lương thiện hay chân tu đi nữa thì khi gặp thử thách, cám dỗ hoặc đối diện với những đòi hỏi, ham muốn của bản thân, một cách vô thức họ sẽ hiện rõ bộ mặt thật của mình. Triết gia cổ đại Aristotle từng nói: “Chúng ta bản chất là những gì chúng ta thường xuyên làm”. Vì thế, tốt hay xấu, lương thiện hay bất lương không thể biểu hiện qua lớp mặt nạ bên ngoài, những gì thể hiện trong thoáng chốc nhưng là những hành động được thực hiện trong một quá trình lâu dài.
Kinh Thánh chép rằng Chúa Giêsu đã so sách cách sống đạo hình thức của những người Biệt Phái với những nấm mồ tô vôi: “Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp” (Mt 23,27) . Bởi lẽ bọn giả hình này đã dùng chiếc mặt nạ “người công chính” để che dậy sự thối nát của tính tham lam, độc ác, thiếu bác ái với những người thấp cổ bé họng, với các bà góa và người nghèo.
Thật ra, lời trách mắng của Chúa Giêsu cũng vẫn còn nguyên giá trị giúp mỗi người trong chúng ta tự nhìn nhận lại bản thân. Chúng ta cũng thích tự trang điểm cho mình những giá trị giả: Chúng là những vật ngoài thân như áo quần, tiền tài, vật chất, là việc tự khẳng định mình với những bằng cấp giả, học vị giả, tự huyển hoặc về giá trị bản thân với lối sống ảo, phô trương. Tất cả che đậy một tâm hồn rỗng tếch, một trái tim vô cảm và một cuộc sống vô nghĩa. Vì thế, tất cả chiếc mặt nạ này sẽ rớt xuống khi chúng ta phải đối diện với khó khăn, thử thách hay đứng trước một sự chọn lựa.
Là người Ki-tô hữu, nếu việc siêng năng tham dự thánh lễ, tham gia các việc tông đồ đạo đức, giữ luật đạo chỉ là những chiếc mặt nạ thì sớm muộn gì chiếc mặt nạ ấy cũng sẽ rớt xuống nếu chúng ta nhìn thấy có kẻ hơn mình mà chúng ta sanh lòng ganh ghét, nhìn thấy kẻ nghèo khó hay người đau khổ mà chúng ta lại bỏ rơi, nhìn thấy những lợi lộc khi kiếm tiền cách bất chính mà chúng ta vẫn không dám nói không…Và khi chiếc mặt nạ Ki-tô hữu rơi xuống thì sự thối nát của thói giả hình và sự bất trung với luật yêu thương sẽ lộ ra như “xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp” bên trong nấm mồ.
Lạy Chúa, xin cho những gì chúng con thể hiện ra bên ngoài và nội tâm của chúng con là một. Tất cả đều có một mục đích, một ý hướng chúng con muốn nhắm tới là mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình con vậy. Amen.
Bình Minh