Học Hỏi 5 Phút Chúa Nhật Năm Mục Vụ 2024 “Về Giáo Hội Tham Gia” : Bài 5-8

print

THAM GIA PHỤNG VỤ HỘI THÁNH

ˆˆˆ

GIÁO HUẤN 5

PHỤNG VỤ: NƠI GẶP GỠ CHÚA KITÔ

H. Làm thể nào để gặp gỡ Chúa Kitô trong phụng vụ?

T. Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Kitô trong phụng vụ qua năm hình thức hiện diện của Người: Một là trong thừa tác viên chức thánh; Hai là trong các bí tích; Ba là trong Lời Chúa; Bốn là trong hình Bánh và Rượu; Năm là trong cộng đoàn họp nhau cầu nguyện.

Giải thích.

Năm dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô trong phụng vụ để chúng ta có thể gặp gỡ Người.

Một là Người hiện diện trong linh mục cử hành. Qua bí tích Truyền Chức Thánh, Chúa Giêsu đã tuyển chọn một số người đại diện cử hành các bí tích, để qua các ngài, Chúa ban các ơn cần thiết cho người tín hữu.   

Hai là Người hiện diện trong bảy bí tích. Người dùng quyền năng của Lời Người và các dấu chỉ vật chất như nước, bánh, rượu, dầu… để thông ban ơn thánh, nếu ta thật lòng tin tưởng vào quyền năng của Người. Qua mệnh lệnh của Chúa “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy’, khi các linh mục cử hành Thánh lễ là chính Chúa cử hành. Qua mệnh lệnh “Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”, khi các linh mục tha tội chính là Chúa Kitô tha tội, và các bí tích khác cũng tương tự như thế, dẫu linh mục vẫn là những con người bất toàn…  

Ba là Người hiện diện trong Lời Chúa. Qua các thừa tác viên công bố Lời Chúa, Chúa tiếp tục nói với chúng ta. Điều này được xác định bởi câu “Đó là Lời Chúa” khi kết thúc bài đọc.  

Bốn là Người hiện diện thực sự trong hình Bánh Rượu của bí tích Thánh Thể. Dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần và Lời truyền phép trong Thánh lễ, ta xác tín Chúa Kitô hiện diện thực sự qua dấu chỉ bánh và rượu, để nuôi dưỡng linh hồn ta.

Năm là Người hiện diện trong cộng đoàn hợp nhất cùng nhau để tôn vinh Chúa qua lời kinh, tiếng hát, qua các cử chỉ đứng, quỳ, ngồi, cúi đầu. Cách đặc biệt, khi cộng đoàn hiệp nhất trong cầu nguyện, chính mỗi người đều ý thức mình là chi thể của Chúa Kitô là Đầu. Vì khi Hội Thánh họp nhau cử hành phụng vụ là chính Chúa Kitô Toàn Thể cử hành.

 

GIÁO HUẤN 6

CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN

TRONG THỪA TÁC VIÊN CHỨC THÁNH

H. Chúa Kitô hiện diện thế nào trong thừa tác viên có chức thánh khi cử hành phụng vụ ?

T. Chúa Kitô hiện diện trong các thừa tác viên chức thánh với tư cách là Đầu của Thân Thể, là Mục Tử của đoàn chiên, là Thượng Tế của hy lễ cứu chuộc, và là Thầy dạy chân lý.

Giải thích

Qua việc đặt tay và lời nguyện phong chức, giám mục, linh mục và phó tế, trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô, và thi hành phận vụ riêng của mình trong phụng vụ với tư cách là Đức Kitô là Đầu.

Các giám mục và linh mục, với chức tư tế thừa tác, có nhiệm vụ đại diện cho Đức Kitô, rao giảng Lời Chúa. Nhất là trong Thánh lễ, các ngài thay thế Chúa Kitô, công bố mầu nhiệm của Chúa, kết hợp những ước nguyện của tín hữu vào hy tế của Chúa Kitô, mà dâng lên Thiên Chúa Cha.

Các phó tế được nhận nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa, phụ giúp các giám mục và linh mục trong việc cử hành mầu nhiệm thánh, nhất là Thánh lễ, trao Mình Thánh Chúa, chứng hôn, rửa tội, công bố và rao giảng Tin Mừng, chủ tọa lễ nghi an táng, và nhất là dấn thân vào việc bác ái.

Như vậy, các thừa tác viên chức thánh, vì được đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô Thượng Tế, các ngài cần cử hành phụng vụ cách nghiêm trang, sốt sắng qua việc chuẩn bị cách cẩn thận. Đặc biệt khi cử hành Thánh lễ, các ngài cần phải trang nghiêm, khiêm tốn phục vụ Thiên Chúa và cộng đoàn, qua thái độ, cử chỉ cũng như cung cách đọc các lời nguyện, dâng hy lễ và giảng dạy lời Chúa, phải giúp các tín hữu nhận thấy sự hiện diện sống động của Chúa Kitô…

 

GIÁO HUẤN 7

CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN TRONG CỘNG ĐOÀN PHỤNG VỤ

 

H. Chúa Kitô hiện diện trong cộng đoàn phụng vụ thế nào ?

T. Chúa Kitô hiện diện trong cộng đoàn cử hành phụng vụ như lời Người đã hứa : “ Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa”.

Giải thích

Bí tích Rửa tội làm cho các Kitô hữu kết hợp với Chúa Kitô thành một Thân Thể. Như vậy, khi Hội Thánh họp nhau cử hành phụng vụ là Hội Thánh làm cho Chúa Kitô hiện diện trong sự hiệp nhất giữa Đầu và các Chi thể. Mà theo bản chất, các hoạt động của phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của toàn Thân thể Chúa Kitô.

Khi cử hành, Hội Thánh luôn ý thức về sự hiện diện của Chúa Kitô trong mọi thành phần tham dự. Điều này được thể hiện qua lời chào của linh mục chủ sự và câu đáp lại của cộng đoàn: “Chúa ở cùng anh chị em – và ở cùng cha”. Câu đối đáp này được lập lại nhiều lần trong phụng vụ, đặc biệt là trong Thánh lễ…

Chúa Kitô cũng hiện diện giữa cộng đoàn khi họ họp lại “nhân danh Người”, qua việc cộng đoàn lắng nghe Lời Người và chiêm ngắm phép lạ Thánh Thể của Người. Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể chính là cách hiện diện mới mẻ của Chúa Kitô Phục Sinh. Giống như Người đồng hành với hai môn đệ trên đường trở về làng Em-mau, Người giải nghĩa Lời Chúa, bẻ bánh trao cho các ông, chính cử chỉ này giúp các ông nhận ra Người, thì ngày nay, khi Hội Thánh cử hành Thánh lễ, Chúa Kitô vẫn tiếp tục nói với cộng đoàn qua Lời của Người, “hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các người vửa nghe”, chính Người tiếp tục bẻ bánh trao cho từng người “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy”.  

 

GIÁO HUẤN 8

CHÚA KITÔ HIỆN DIỆN
TRONG CÁC BÍ TÍCH

H. Bí tích là gì ?

T. Bí tích là dấu chỉ bên ngoài Chúa Giêsu đã lập và truyền cho Hội Thánh cử hành, để diễn tả và thông ban cho người tín hữu ân sủng bên trong, là sự sống thần linh.

Giải thích

Khi thiết lập các bí tích, Chúa Giêsu đã dùng các dấu chỉ vật chất và lời quyền năng của Người, để khi Hội Thánh cử hành, Chúa sẽ ban ơn cho linh hồn người tín hữu. Do đó, người tham dự cử hành phụng vụ bí tích cần chăm chú theo dõi các cử chỉ, lời nói và biểu tượng vật chất được sử dụng, để hiểu rõ được giá trị thiêng liêng và hiệu quả của bí tích mình lãnh nhận.

Sau đây là ý nghĩa thiêng liêng của một số dấu chỉ bề ngoài được sử dụng trong các bí tích:

Dấu Thánh Giá là dấu ấn của Chúa Kitô được vẽ lên trên những ai thuộc về Người. Đây là dấu chỉ cứu chuộc mà Chúa Kitô mang lại cho người tín hữu nhờ thập giá của Người.

Nước trong bí tích rửa tội, được làm phép qua lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần, để những ai được thanh tẩy, thì được “sinh ra bởi nước và Thánh Thần”.

Dầu Thánh được sử dụng biểu thị ý nghĩa thiêng liêng khác nhau theo từng loại. Dầu Dự tòng để củng cố mối tương quan giữa người dự tòng với Chúa Kitô khi họ tiến tới các bí tích. Dầu Thánh là dấu chỉ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Kitô hữu được xức dầu Thánh Thần, được tháp nhập vào Chúa Kitô, Đấng đã được xức dầu làm Tư tế, Tiên tri và Vương đế. Dầu Bệnh Nhân xức lên trán và tay người bệnh ban ơn chữa lành thiêng liêng, và thêm sức cho họ đối diện với đau đớn thể lý.

Áo trắng biểu hiện sự mặc lấy Chúa Kitô của người chịu phép Rửa. Nến sáng thắp từ nến phục sinh biểu hiện ánh sáng của Chúa Kitô chiếu dọi người tân tòng. 

Lời thú tội và lời tha tội là dấu chỉ bên ngoài, cho thấy lòng ăn năn thống hối thật lòng của hối nhân, và sự nhân từ vô biên ban ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Sự tự do ưng thuận và lời hứa trung thành là dấu chỉ bên ngoài của khế ước hôn nhân công giáo và có giá trị suốt đời giữa người nam và người nữ.

Việc đặt tay trong lời nguyện phong chức dấu chỉ bên ngoài xin Thiên Chúa ban ơn Thánh Thần, để các tiến chức chu toàn thừa tác vụ sắp lãnh nhận.