Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái Phúc Âm Matthêu: Chương 8-9

print

Học Kinh Thánh của Cha Carôlô Hồ Bạc Xái Phúc Âm Matthêu: Chương 8-9

 

BÀI 16: PHẦN TƯỜNG THUẬT CỦA TỔNG THỂ I: 10 PHÉP LẠ (chương 8-9)

BÀI 17: 3 PHÉP LẠ CHỮA BỆNH-ĐỨC GIÊSU LÀ NGƯỜI TÔI TỚ (8,1-17)

BÀI 18: 3 PHÉP LẠ BIỂU LỘ QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC GIÊSU MỜI GỌI THEO NGÀI (8,18-9,13)

BÀI 19: 4 PHÉP LẠ CUỐI ĐỨC GIÊSU ĐÒI NGƯỜI TA CHỌN 9,18-38.

 

BÀI 16: PHẦN TƯỜNG THUẬT CỦA TỔNG THỂ I: 10 PHÉP LẠ (chương 8-9)

  1. Tổng quan

1/  Hai chương 8-9 hợp thành phần tường thuật, cân đối với phần diễn từ (hai chương 5-7) theo cái khung quen thuộc của Mt là mỗi tổng thể đều gồm một phần diễn từ và tiếp theo là một phần tường thuật. Cái khung này chứng minh Đức Giêsu không nói suông, mà  nói và làm. Chình Ngài nêu gương về điều Ngài dạy các môn đệ ở 7,21: không chỉ nói mà phải làm nữa.

2/ Xét chung tổng thể 1 (5-9), nếu như Mt muốn trình bày Đức Giêsu là một ông Thầy đầy uy quyền công bố Luật Mới của Nước Trời, thì cả hai phần của tổng thể này đều chứng minh điều đó: Phần diễn từ cho thấy Đức Giêsu nói như một người có uy quyền, phần tường thuật cho thấy những việc làm của Ngài cũng đầy uy quyền.

  1. Phép lạ, từ ngữ và ý nghĩa

1/ Chúng ta ngày nay thường nghĩ rằng “phép lạ” là một sự can thiệp bất thường làm xáo trộn quy luật tự nhiên, khiến xảy ra một hiện tượng lạ lùng. Vì nghĩ như vậy cho nên người thời nay ít chấp nhận và ít công nhận phép lạ.

            Nhưng người do thái quan niệm khác. Theo họ, phép lạ không phải là một sự can thiệp bất thường của Thiên Chúa mà là một sự can thiệp thường xuyên, bởi vì Ngài chẳng những là Đấng Sáng tạo mà còn là Đấng Điều khiển trật tự vũ trụ (người do thái không biết đến những nguyên nhân đệ nhị, họ chỉ biết có nguyên nhân đệ nhất. Mà nguyên nhân đệ nhất là Thiên Chúa)

            Những sự can thiệp thường xuyên như thế cũng chẳng làm xáo trộn trật tự thiên nhiên, ngược lại còn dẫn dắt cho thiên nhiên đi đúng đường Ngài đã vạch ra. Thỉnh thoảng Thiên Chúa cho người ta thấy một vài việc có vẻ bất thường, đó là nhằm cho người ta nhận rõ ra sự hiện diện và quyền năng của Ngài đang hoạt động. Bởi quan niệm như vậy, cho nên khi nói về những hiện tượng có vẻ bất thường, Thánh kinh không thích dùng từ “phép lạ” mà thường dùng từ “hành vi quyền năng” (tiếng hy lạp là dunameis). Mt cũng dùng từ dunameis này.

2/ Khi Thiên Chúa thực hiện một “hành vi quyền năng” là qua đó Ngài muốn nói lên một ý nghĩa gì đó. Do đó khi chúng ta đọc một bài tường thuật “phép lạ”, điều ta phải chú ý không phải là khía cạnh lạ thường, mà là ý nghĩa mà hành vi quyền năng muốn mặc khải ra.

  1. Các phép lạ được thuật trong Mt 8-9

1- Ý NGHĨA CHUNG:

     Như đã nói phía trước, ý nghĩa chung của những phép lạ này là chứng minh rằng Đức Giêsu là một Đấng uy quyền, chẳng những trong lời nói mà còn trong hành động.

2- 10 PHÉP LẠ, 3 LOẠI VỚI 3 Ý NGHĨA

     Ngoài ý nghĩa chung vừa nói, các phép lạ trong hai chương này còn có them một số ý nghĩa nữa mà Mt đã khéo trình bày qua cách xếp chúng thành 3 loại.

            Trước tiên chúng ta nhận thấy rằng trong phần tường thuật của tổng thể I này, Mt đã gom góp nhiều phép lạ (mà có thể Đức Giêsu đã làm ở nhiều hoàn cảnh và thời điểm khác nhau). Trong hai chương này có nhiều phép lạ nhất, ngoài ra trong các chương khác thì phép lạ chỉ còn rải rác thôi. Có tất cả 10 phép lạ trong hai chương này:

            1/ Chữa người phong cùi 8,1-4

            2/ Chữa người đầy tớ của viên đại đội trưởng 8,5-13.

            3/ Chữa nhạc mẫu của Phêrô 8,14-15 (và 16-17).

            4/ Làm cho bão táp yên lặng 8,23-27.

            5/ Chữa hai người bị quỷ ám tại Gadara 8,28-34.

            6/ Chữa người bất toại 9,1-8.

            7/ Chữa bà băng huyết.

            8/ Và cho con gái ông Giairô sống lại 9,18-26.

            9/ Chữa hai người mù 9,27-31.

            10/ Chữa người quỷ ám bị câm 9,32-34.

     10 phép lạ này có thể được xếp vào 3 nhóm, mỗi nhóm mang một ý nghĩa:

     (a) Ba phép lạ đầu (8,1-17) Đức Giêsu là Người Tôi Tớ Đau Khổ

            – Đối tượng của 3 phép lạ chữa bệnh đầu là những người bị dân do thái chê bỏ: một người cùi (do đó Đức Giêsu bảo anh phải đi trình với tư tế), một người ngoại (do đó người ngoại này nói “Tôi chẳng đáng Ngài đến nhà tôi”) và một người đàn bà.

            – Sau trình thuật về 3 phép lạ này, Mt đã trích dẫn một câu của Isaia (Is 53,4. Câu này năm trong Bài ca về Người Tôi Tớ Đau Khổ)

                        * Nguyên văn trong Isaia:

                        Chính các tội lỗi chúng tôi Ngài đã mang.

                        Chính các đau khổ chúng tôi Ngài đã vác.

                        * Khi trích dẫn Mt có thay đổi chút ít về từ ngữ:

                                    Những tàn tật chúng ta Ngài gánh nhận

                                    Ngài mang lấy bệnh hoạn chúng ta.

     Ta thấy Mt đã đổi tội lỗi thành tàn tật, đau khổ thành bệnh hoạn. Ngụ ý của Mt: Đức Giêsu chính là Người Tôi Tớ Đau Khổ mà Isaia đã tiên báo, Ngài chữa lành bệnh hoạn phần xác là hậu quả do tội lỗi gây ra.

(b) Ba phép lạ tiếp theo (8,18—9,13): Đức Giêsu mời gọi theo Ngài.

       – Trước khi tường thuật các phép lạ, Mt chen vào một bài tường thuật về hai người muốn đi theo Đức Giêsu (8,18-22).

       – Sau khi thuật 3 phép lạ, Mt lại chen vào tường thuật việc Đức Giêsu gọi Matthêu đi theo Ngài (9,9-13).

       Kết thúc tường thuật 3 phép lạ này là câu tuyên bố “Ta không đến kêu gọi các người công chính, nhưng kêu mời những kẻ bất lương” (9,13)

       – Đối tượng của 3 phép lạ này quả là hững đối thủ đáng gờm”: bão táp, quỷ ám, tội lỗi. Nhưng Đức Giêsu đã vượt thắng tất cả; Bão táp yên lặng, quỷ bị trục xuất và Đức Giêsu tha tội. Như thế, 3 phép lạ này cho thấy Đức Giêsu là người có uy quyền thượng đẳng. Mà cũng chính dựa vào uy quyền thượng đẳng nàymà Ngài mới cất lời kêu gọi người ta hãy bỏ hết mọi sự để theo Ngài.

(c) Bốn phép lạ cuối (9,14-34): Đức Giêsu đòi người ta phải chọn lựa.

       – Khởi đầu cho loạt trình thuật này là trình thuật về vấn đề cũ và mới (9,14-17): là luật cũ của do thái giáo, mới là luật mới của Đức Giêsu. Và bởi vì “chẳng ai dùng vải mới để vá áo cũ… cũng như chẳng ai đổ rượu mới vào bầu cũ” (16-17), nghĩa là cũ và mới không thể dung hợp với nhau được, cho nên phải dứt khoát chọn lựa hoặc theo cũ, hoặc theo mới.

       – Các tường thuật phép lạ này đều chi thấy hai thái độ, hai lập trường: một số người tin Đức Giêsu, và một số khác không tin:

                   * Sau khi Đức Giêsu chữa bà loạn huyết và cứu sống con gái ông Giairô, thì “dân chúng chế diễu Ngài”

                   * Khi chữa hai người bị quỷ ám, Đức Giêsu hỏi: “Các anh có tin không?”

                   * Sau khi Đức Giêsu chữa người bị quỷ ám câm, biệt phái nói Ngài nhờ sức quỷ vương.

 

BÀI 17: 3 PHÉP LẠ CHỮA BỆNH-ĐỨC GIÊSU LÀ NGƯỜI TÔI TỚ (8,1-17)

 Chữa người phong hủi (8,1-4)

c 2 –“Người phong hủi: Ngày xưa người ta chưa hiểu bệnh phong theo nghĩa chúng ta hiểu ngày nay (một bệnh do vi trùng Hansen). Họ coi tất cả những chứng da liễu cách chung đều là bệnh phong. Người mắc bệnh này sẽ bị coi là ô uế và phải bị khai trừ khỏi xã hội loài người (Lv 13-14).

     – Thái độ của người phong hủi có hai nét đặc biệt: Anh bái lạy Đức Giêsu và gọi Ngài là Chúa (Kyrios).

     – “Nếu Ngài muốn”: đức tin của anh này rất mạnh. Anh tin rằng chỉ cần Đức Giêsu muốn là anh sẽ khỏi.

     – “Ngài có thể làm cho tôi được sạch”: động từ “làm cho sạch” xuất hiện 3 lần trong tường thuật này. Người do thái cho rằng bệnh cùi là hình phạt Thiên Chúa gởi đến kẻ nhơ uế. Kẻ bị cùi bị liệt vào hạng nhơ uế cho nên không được tham gia những sinh hoạt xã hội với các người khác, đặc biệt là tham gia các nghi lễ phụng tự. Khi khỏi bệnh, người đó phải qua một nghi lễ tẩy uế đê chứng thực mình đã sạch (Lv 14,1-32)

– c 3 – Thái độ của Đức Giêsu rất ưu ái: Ngài không ngại sự ô uế của anh. Ngài không sợ bị lây ô uế. Ngài”giơ tay đụng vào anh”.

         – “Tôi muốn, anh sạch đi”: Đức Giêsu cố tình dùng lại những chữ mà người cùi đã dùng. Anh nói “Nếu Ngài muốn”, Ngài đáp “Tôi muốn”. Nghĩa là Ngài đáp ứng người ta theo mức độ tin của người ta.

c 4 – Một mặt, Đức Giêsu cấm “đừng nói với ai cả”, mặt khác Ngài truyền “Hãy đi trình diện tư tế”. Đức Giêsu không muốn phô trương lớn chuyện về việc này cho quần chúng, nhưng muốn các tư tế biết chuyện này, để họ hiểu Ngài chính là Messia Tôi Tớ mà Thiên Chúa gởi đến đúng như lời hứa xưa. Một lý do nữa là Ngài muốn cho anh cùi này được hội nhập lại vào xã hội.

            Phép lạ này chứng minh Đức Giêsu là Người Tôi Tớ mà Isaia đã tiên báo. Kẻ đầu tiên mà Người Tôi Tớ cứu thoát là một kẻ bị loại ra ngoài xã hội do một chứng bệnh nan y.

  1. Chữa đầy tớ một đại đội trưởng (8,5-13)

     Claude Tassin đề nghị đọc tường thuật này như xem một đoạn phim gồm 5 cảnh

cc 5-7 Giới thiệu hai nhân vật chính là Đức Giêsu và viên đại đội trưởng. Hai nhân vật trao đổi ngắn gọn với nhau nhưng đủ để giải quyết xong xuôi sự việc. Đại đội trưởng thưa: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm”; Đức Giêsu đáp: “Chính tôi sẽ đến chữa nó”

cc 8-9 Cận cánh viên đại đội trưởng: ông lên tiếng và bộc bạch niềm tin sâu xa. Ông không muốn làm phiền Đức Giêsu và xin Ngài hành động từ xa. Ông lập luận rằng: Tuy ông có quyền nên có thể ra lệnh cho binh sĩ động tay (làm) động chân (đi), nhưng quyền của ông có giới hạn. Lập luận này khiến hiểu ngầm rằng quyền năng của Đức Giêsu vô hạn.

c 10 Cận cảnh Đức Giêsu: Ngài nói với những kẻ đang theo Ngài rằng: Ngài kinh ngạc vì lòng tin của viên đại đội trưởng. Ông là một người ngoại thế mà rất tin tưởng nơi Ngài trong khi chưa có người do thái nào tỏ ra tin tưởng Ngài như thế.

c 11-12 Ống kính chiếu sát cái nhìn của Đức Giêsu. Ngài hướng về một chân trời xa thẳm: vào thời cuối cùng, Thiên Chúa sẽ kêu mời nhân loại. Từ mọi nơi, dân ngoại sẽ tuôn về, bước vào Nước Trời đang khi những kẻ thừa tự đương nhiên của Nước Trời là dân do thái lại bị loại khỏi đó, bởi vì họ đã không tin vào vị sứ giả của Thiên Chúa. Người ta sẽ được xét xử dựa vào niềm tin chứ không phải vào gốc gác từ đâu đến.

c 13 Ống kính quay lại cảnh chung hai nhân vật> Viên đại đội trưởng tuyên xưng quyền năng của Đức Giêsu, quyền năng mà Ngài đã công bố ở Bài giảng trên núi. Niềm tin ấy khiến ông nhận được phép lạ ông xin “vào chính lúc ấy” và lại là một phép lạ đặc biệt được thực hiện từ xa.

            Như thế, sau một người cùi, kẻ mạt hạng trong Do thái giáo, bây giờ đến lượt một người ngoại đạo được nhận vào Nước Chúa.

III. Chữa nhạc mẫu của Phêrô (8,14-15)

1/ So sánh với Mc 1,29-31 và Lc 4,38-39: bài tường thuật này của Mt gồm ít nhân vật hơn:

     – Mt không nói đến các môn đệ cùng đi với Đức Giêsu, mà chỉ kể một mình Ngài.

     – Mt không nói nhà của Phêrô và Anrê mà chỉ kể tên một mình Phêrô.

     Như thế Mt tập trung chú ý vào hai nhân vật chính:

(a) Đức Giêsu, mà văn mạch đã cho thấy là Người Tôi Tớ

(b) Phêrô, đại diện cho GH.

            Từ đó ý nghĩa của phép lạ này là: Người Tôi Tớ đã đến trong GH để chữa lành khổ đau của

           loài người.

2/ Về nhạc mẫu của Phêrô, có hai chi tiết rất ý nghĩa:

– Bà “chỗi dậy”: đây cũng là động từ được dùng để nói về việc phục sinh.

– và “phục vụ Ngài”: phục vụ Chúa là công việc chính của GH.

            Ta thấy được ý nghĩa thứ hai của Mt: nhờ hoạt động của Người Tôi Tớ. loài người đã được

            phục sinh và lo phục vụ Chúa trong GH.

3/ Qua tường thuật này, Mt cũng quảng diễn tiếp ý nghĩa đã được nói qua hai phép lạ trước: Đức Giêsu đã lần lượt đón nhận vào Nước Trời một người bị xã hội ruống bỏ (người cùi), một người ngoại viên đại đội trưởng), và một phụ nữ, thuộc hạng bị xã hội do thái coi là hạng thứ yếu

ĐỨC GIÊSU LÀ NGƯỜI TÔI TỚ( 8,16-17)

            Hai câu này đúc kết ý nghĩa của loạt 3 phép lạ đầu (đều là phép lạ chữa bệnh): Đức Giêsu chính là Người Tôi Tớ mà Isaia đã tiên báo.

            Nhưng đáng chú ý là Mt đã sửa đổi vài chữ trong lời tiên tri của Isaia: Isaia nói với Người Tôi Tớ “mang vào” thân Ngài những đau khổ của loài người (nghĩa là Ngài chịu khổ thay cho loài người), còn chữ mà Mt dùng lại có nghĩa là “cất đi”; Đức Giêsu còn hơn Người Tôi Tớ mà Isaia tiên báo.

 

BÀI 18: 3 PHÉP LẠ BIỂU LỘ QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC GIÊSU MỜI GỌI THEO NGÀI (8,18-9,13)

            Loạt phép lạ này được Mt dàn dựng rât khéo để làm nổi bật ý nghĩa Đức Giêsu mời gọi người ta đi theo Ngài. Ý nghĩa này được gián tiếp trình bày qua tường thuật mở đầu về hai người xin đi theo Ngài, và tường thuật kết thúc về việc Mt đi theo Ngài.

HAI NGƯỜI XIN ĐI THEO ĐỨC GIÊSU (8,18-22)

c 18 Khung cảnh: những phép lạ trước đã khiến đông người bám quanh Đức Giêsu. Nhưng Ngài không muốn ở lại vui hưởng bầu khí biết ơn đó. Ngài ra lệnh “sang bờ bên kia”. Đó là miền Thập Tỉnh, vùng của dân ngoại. Rời một nơi chẳng những quen thuộc mà còn thân thương đẻ đến một nơi khác, xa lạ và có lẽ còn thù nghịch nữa, đây quả là một sự từ bỏ to lớn.

     Trong khung cảnh như thế, có hai người xin đi theo Đức Giêsu.

c 19-20 Người thứ nhất là một kinh sư. Có lẽ qua việc nghiên cứu Thánh Kinh và quan sát Đức Giêsu, anh đã xác nhận Đức Giêsu chính là một Rabbi, một bậc “Thầy” đáng cho anh đi theo. Do đó anh rất nhiệt tình “THưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo”. Nhưng Đức Giêsu đoán rằng có lẽ anh chưa hiểu rõ con đường đi theo Ngài. Theo Ngài không phải để sẽ trở thành một Rabbi với địa vị thoải mái là chủ sự các buổi họp ở hội đường, trái lại nếu muốn theo Ngài thì phải chấp nhận một lối sống từ bỏ, từ bỏ tất cả mọi tiện nghi, kể cả tiện nghi tối thiểu là có một mái ấm và một chỗ tựa đầu. Hình ảnh Ngài dùng là một lối sống còn thiếu thốn hơn cả lối sống của loài chim, loài chồn.

c 21-22 Người thứ hai chỉ ngỏ ý sẽ đi theo nhưng chưa theo ngay bây giờ. Anh muốn chu toàn đạo hiếu trước (chôn cất cha mình). Khi đã xong xuôi rồi mới theo. Qua câu trả lời, Đức Giêsu nói việc đi theo Ngài quan trọng hơn mọi việc khác, bởi vì người theo Ngài thì đã là người của Nước Trời, phải ưu tiên lo việc Nước Trời, còn việc thế gian (chôn cất) thì cứ để cho người thế gian (kẻ chết) lo

     – Về cái chết của cha người thứ hai này, một số nhà Thánh Kinh giải thích rằng thực ra cha anh vẫn còn mạnh khỏe. Anh xin được ở nhà lo cho cha cho tới khi cha anh chết, anh chôn cất xong xuôi rồi mới đi theo Đức Giêsu. Như thế sự trì hoãn của anh có thể rất lâu. Nhưng cũng có thể cha anh vừa chết, mà theo tục lệ thì phải chôn cất người chết trong vòng 24 giờ. Nếu vậy thì anh không xin trì hoãn lâu, và hơn nữa sự trì hoãn này cũng có lý do chính đáng. Nếu hiểu theo trường hợp thứ hai này thì đòi hỏi của Đức Giêsu về sự từ bỏ càng có tính triệt để hơn.

     * Ta thấy người thứ nhất rất là hồ hởi thì Đức Giêsu ghìm nhiệt tình của anh xuống, còn người thứ hai ngập ngừng thì Ngài lại khích lệ dấn bước. Hai thái độ này không mâu thuẫn những nhất quán: nhắc kẻ bốc đồng suy nghĩ kỹ về khía cạnh từ bỏ, và thúc giục kẻ chần chờ hãy nhanh chóng từ bỏ.

     * Mt không viết tiếp hai người này rốt cuộc có đi theo Đức Giêsu không, vì chi tiết này không quan trọng. Quan trọng là câu chuyện của họ khơi lên trong độc giả câu hỏi mà chính độc giả phải tự trả lời: họ có sẵn sàng từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu không?

     Và để độc giả có thêm cơ sở để chọn lựa. Mt trình bày 3 phép lạ của Đức Giêsu chứng tỏ Ngài là một Đấng rất quyền phép, do đó rất đáng được người ta đi theo, dù với cái giá là phải từ bỏ mọi sự.

PHÉP LẠ IV: DẸP YÊN BIỂN ĐỘNG (8,23-27)

     Phép lạ này chứng minh Đức Giêsu có uy quyền trên sức mạnh của sự dữ.

– Trong tường thuật này, Mt không đơn giản nhìn cơn biển động như một sự xáo trộn trật tự thiên nhiên, mà còn nhìn đó là sự hoành hành của sức mạnh sự dữ:

            (a) người do thái vẫn coi biển cả là sào huyệt của ma quỷ, do đó biển động là dấu hiệu ma quỷ hoành hành.

            (b) Mt cũng nghĩ như thế cho nên từ ngữ ông dùng để chỉ biển động là “cơn seismos”, một từ rất đặc biệt của Mt.

            (c) Mt còn dùng hai động từ “ngủ” và “thức” là những động từ có liên hệ đến việc Ngài chết và sống lại: quyền lức sự dữ đã hoành hành đến nỗi khiến Đức Giêsu phải chết, nhưng sau đó Ngài đã sống lại và từ đó hoàn toàn bá chủ sức mạnh gian tà.

– Tưởng cũng nên để ý tời lời Đức Giêsu nói với các môn đệ “Hỡi những kẻ hèn tin”: Trong Tân Ước chữ “tin” có nghĩa là tin tưởng kèm theo phó thác vào Chúa Quan Phòng. Như thế Đức Giêsu muốn kẻ theo Ngài chẳng những phải tin mà còn phải phó thác, cho dù đang ở trong hoàn cảnh rất khó khan nguy hiểm.

– Các môn đệ đã ý thức quyền năng đặc biệt ấy của Ngài nên đã nói “Người này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh”

PHÉP LẠ V: CHỮA HAI NGƯỜI BỊ QUỶ ÁM (8,28-34)

     Phép lạ này chứng minh sức mạnh của Đức Giêsu trên ma quỷ.

c 28 – “Miền Gadara”: rất khó xác định được địa danh này trên bản đồ (bản dịch của Nhóm CGKPV nói đây là một thị trấn trong vùng đông nam hồ Galilê, cách bờ hồ mấy cây số, thuộc miền Thập Tỉnh). Nhưng ta có thể biết chắc một điều là nó thuộc miền dân ngoại.

        “Có hai người bị quỷ ám”: Mc và Lc nói chỉ có một người. Mt nói hai người có lẽ để đáp ứng đòi hỏi của Luật về giá trị của sự làm chứng: phải có từ hai người trở lên thì lời chứng mới có giá trị.

        – “Từ trong đám mồ mả”: chi tiết này muốn nói họ rất ô uế.

        – “Ra đón Ngài”: Ma quỷ đã chờ sẵn Đức Giêsu

c 29 – “Hỡi Con Thiên Chúa”: người ta không biết Đức Giêsu là Đấng Messia, nhưng ma quỷ

                                                    biết.

        “Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?”: người ta tin rằng Thiên Chúa cho ma quỷ được tạm thời tự do hành động trong một thời gian. Nhưng khi tới lúc đã định thì chúng sẽ bị xét xử và không vòn được hoạt động nữa (Hênóc 15-16). Ở đây ma quỷ “khiếu nại” vì chưa tới lúc đó.

c 30-31 – Nhưng chúng biết lời khiếu nại ấy sẽ không được chấp thuận, nên chúng nài xin được có một chỗ khác để náu thân. Theo quan niệm thời đó, ma quỷ phải có nơi náu thân (Mt 12,43). Nơi náu thân mà chúng xin là đàn heo, vốn là vật ô uế rất thích hợp với chúng.

c 32 – Đức Giêsu chấp thuận lời xin này. Quỷ liền nhập vào đàn heo, và cả đàn heo lao xuống biển chết hết. Chi tiết này khiến nhiều người thắc mắc. Nhưng ta có thể hiểu như sau:

            (a) ơn giải thoát 2 con người khỏi nô lệ tội lỗi quý hơn mạng sống của đàn heo rất nhiều.

            (b) chính Đức Giêsu muốn như thế để những người chứng kiến phải thắc mắc tự hỏi Ngài

                  là ai?

c 33-34 Dân thành đã thắc mắc. Tuy nhiên thắc mắc ấy không dẫn họ tới niềm tin vào Đức Giêsu được, vì họ tiếc của. Họ thà xin Ngài rời khỏi vùng của họ.

PHÉP LẠ VI: CHỮA NGƯỜI BẠI LIỆT (9,1-9)

c 1 – Đức Giêsu “trở về thành của mình”, tức thành Capharnaum. Ngài đã chon thành này để làm nơi Ngài “thắp lên ánh sáng chiếu soi những kẻ còn trong bóng tối tăm” (Mt 4,12.16)

c 2 So với Mc 2,1-12 và Lc 5,17-26 thì Mt đã giản lược hết mọi chi tiết thứ yếu, chỉ giữ lại 2 chi tiết quan trọng nhất mà thôi, đó là đức tin của các thân nhân người bệnh và quyền tha tội của Đức Giêsu.

Đức tin của các thân nhân thể hiện trong việc họ “mang” người bệnh đến với Ngài. Động từ này được Mt dùng tất cả 15 lần.

“Con đã được tha tội rròi”: tha tội có nghĩa là đânhs đổ quyền lực của tội lỗi và sự thống trị của ma quỷ. Đây là một trong những dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến (Mt 4,1-11)

c 3 – “Các kinh sư nghĩ bụng rằng ông này nói phạm thượng”: con người có quyền (và bổn phận) phải tha thứ cho nhau về những lỗi xúc phạm tới nhau (trong kinh Lạy Cha ở Mt 6,9-13. Mt phân biệt “tội” là việc xúc phạm tới Thiên Chúa, còn “lỗi” là việc xúc phạm tới người khác). Nhưng tha tội là độc quyền của Thiên Chúa.

c 45 – Câu hỏi của Đức Giêsu không phải là lời mời người ta chiêm ngưỡng quyền năng của Ngài hoặc đưa ra bằng chứng về thiên tính của Ngài, mà là nhằm thách đố họ chấp nhận hay gạt bỏ lời tuyên bố của Ngài rằng Nước Thiên Chúa đã thực sự đến rồi. Thực vậy, chữa bệnh và tha tội là 2 dấu chỉ về việc phục hồi trật tự thế giới đã bị ma quỷ làm xáo trộn.

c 6“Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội”: Theo sách Đanien, Con Người là một nhân vật thiên giới, được Thiên Chúa ban cho quyền xét xử vũ trụ. Còn Đức Giêsu thì cho biết them rằng ngay ở cõi trần này, Con Người đã được Thiên Chúa ban cho quyền tha tội rồi.

c 7-8 Phản ứng của mọi người là “sợ hãi” (nỗi sợ thánh) và tôn vinh Thiên Chúa vì “đã ban cho loài người quyền năng như thế”. Ta hãy chú ý chữ “loài người” ở số nhiều (dịch sát: những người). Chi tiết này ngụ ý quyền đó Thiên Chúa không chỉ ban cho một mình Đức Giêsu mà còn ban cho GH của Ngài nữa.

Kết luận: Ở 7,29, tác giả đã nói Đức Giêsu là Đấng uy quyền trong cả lời nói lẫn hành động. Ở đây, tác giả đưa ra một bằng chứng rõ ràng về quyền năng ấy thể hiện trong hành động chữa bệnh và tha tội cho một người bất toại.

 

KÊU GỌI MATTHÊU: 9,9-13

     Tường thuật này nằm cuối phân đoạn 3 phép lạ chứng tỏ quyền năng của Đức Giêsu và kêu gọi người ta đi theo Ngài. Việc Mt đi theo Đức Giêsu là kết quả của lời kêu gọi đó.

c 9: Kêu gọi Mt

“Trạm thu thuế”: Capharnaum là một thành phố biên giới và trên bờ hồ Galilê. Vì thế trạm này nhằm thu thuế các tàu bè từ Syria đến và các hải sản.

“Tên là Matthêu”: Lc và Mc gọi ông là Lêvi. Về cái tên Matthêu này, có hai giả thuyết: (a) ông có hai tên, như thói quen của nhiều người do thái. (b) Tên Matthêu là do Đức Giêsu đặt cho sau khi gọi ông, có nghĩa là “hồng ân Thiên Chúa”

“Anh hãy theo tôi”: Đức Giêsu đã gọi một số người đi theo làm môn đệ Ngài (Mt 4,18-22). Điều đặc biệt hôm nay là Ngài gọi một người thu thuế. Người do thái coi hạng người này là tội lỗi công khai vì 3 lý do: (a) Họ làm tay sai cho đế quốc Rôma xâm lược; (b) Họ thường gian lận; (c) do nghề nghiệp, họ thường đụng tới những đồng tiền rôma trên có khắc những hình ảnh và câu viết ngoại đạo.

“Ông đứng dậy đi theo Ngài”: “Đứng dậy đi theo” là kiểu nói thông dụng trong Cựu Ước, chỉ một thái độ đáp ứng nhanh chóng và dứt khoát.

c 10: Bữa tiệc mừng

     Theo Mc thì bữa ăn này thực ra là một bữa tiệc lớn, và do Mt khoản đãi để bày tỏ niềm vui dược Đức Giêsu gọi làm môn đệ. Những người thu thuế và tội lỗi khác cũng chia sẻ niềm vui ấy vì thấy Đức Giêsu đã quan tâm tới hạng người như họ.

11-13: Cuộc tranh luận

– Những người pharisêu đã phản đối việc Đức Giêsu đã cùng ăn với những kẻ thu thuế và tội lỗi, vì theo họ việc ăn cùng bàn biểu lộ sự hiệp thông.

– Để trả lời họ. Đức Giêsu mở đầu bằng trích một câu châm ngôn “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”. Câu này ngụ ý gài là vị lương y tinh thần của nhân loại, là vị Messia phải đến để chữa tật nguyền của chúng ta, là vị mục tử săn sóc những con chiên đau ốm và bị thương (Is 61,1 tt Êd 34,16t)

– Tiếp đó Ngài dùng một công thức quen thuộc của giới Rabbi “Hãy về học cho biết”, nghĩa là Ngài sắp cho họ một bài học.

– rồi Ngài trích một đoạn của Hôsê (Hs 6,6) “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”, ngụ ý trách kiểu đạo đức của biệt phái chỉ là hình thức bề ngoài mà không có lòng nhân từ bên trong.

– Và Đức Giêsu kết luận “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi”. Câu kết này vừa lấy lại ý chính của những câu trước vừa ngụ ý mỉa mai: nhiều khi kẻ cho rằng mình chẳng cần thầy thuốc lại là kẻ cần thầy thuốc nhất.

* Câu trả lời của Đức Giêsu là chìa khóa của cả Tân Ước (sau này thánh Phaolô sẽ triển khai thành một đề tài thần học): Điều được đòi hỏi trước hết nơi một người muốn vào Nước Trời là Đức tin chứ không phải là sự hoán cải cách sống (tuy cũng cần nhưng không đòi phải có trước); việc vào Nước Trời là một ơn ban chứ không phải là phần thưởng cho một cuộc sống đạo đức trước đó.

 

TRANH LUẬN VỀ VIỆC ĂN CHAY (9, 14-17)

     Sau tường thuật Đức Giêsu gọi Mt và bữa tiệc mừng do Mt khoản đãi, tác giả chen vào một cuộc tranh luận về vấn đề ăn chay.

c 14 “Bấy giờ” Trong bữa tiệc đó, hoặc ngay sau bữa tiệc: ”Tại sao chúng tôi và các người pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”. Có lẽ bữa tiệc được tổ chức đúng vào thời gian người do thái ăn chay hằng năm (Mc 2,18) cho nên mới gây thắc mắc. Luật Lêvi 16,19-31 buộc ăn chay mỗi năm một lần vào ngày lễ Đền Tội. Ngoài ra thỉnh thoảng người ta ăn chay them trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, chẳng hạn để cầu mưa. Những người đạo đức, chẳng hạn nhòm Gioan Tẩy Giả còn tự ý ăn chay thêm nhiều ngày nữa. Nhóm pharisêu ăn chay mỗi tuần 2 ngày. Như thế, việc Đức Giêsu và các môn đệ Ngài không ăn chay không phảo là lỗi luật.

– Khi trả lời Đức Giêsu không chỉ muốn nói về việc ăn chay, mà còn muốn đưa người ta đến vấn đề rộng lớn hơn, đó là tâm tình và thái độ phải có khi sống trong thời gian Ngài đang tại thế. Đây là thời gian tiệc cưới, thời gian vui mừng, thời kỳ trăng mật. cho nên điều quan trọng trong thời gian này không phải là thắc mắc nhau về vấn đề này nọ, mà là mở rộng cõi lòng để hòa mình vào hoàn cảnh mới. Đón nhận Tin Mừng quan trọng hơn mọi xét nét chi li về luật lệ.

– Ngài cũng nhắc lại một lý do ban ý nghĩa cho việc ăn chay: trong thời Cựu Ước, ăn chay là để chờ đón Đấng Messia. Bây giờ Đấng Messia đang đến thì lý do đó không còn tồn tại nữa.

– Ngài cũng tiên báo sẽ tới lúc Ngài chịu nạn chịu chết và ra đi (“chàng rể bị đem đi”), khi đó các môn đệ sẽ ăn chay để chờ ngày Ngài trở lại.

c 16-17 Vấn đề ăn chay có liên quan tới vấn đề khác quan trọng hơn là cũ và mới. “Cũ” là Cựu Ước và “mới” là Tân Ước. Đã sống trong thời Tân Ước thì phải có tinh thần của Tân Ước. Nói cách khác, phải thay đổi não trạng để đi vào thời đại Messia. Đó là ý nghĩa câu ngạn ngữ mà Ngài trích dẫn: “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ… Rượu mới phải đổ vào bầu mới”. Thế nhưng tuy Đức Giêsu đến khai mở thời kỳ mới, nhưng Ngài không muốn hủy bỏ những gì thuộc Cưu Ước, trái lại Ngài muốn “giữ được cả hai”. Bằng cách nào? Bằng cách dung ánh sang Tin Mừng để giải thích Cựu Ước.

 

NHẬN ĐỊNH VỀ 3 PHÉP LẠ GIỮA

            Đối tượng của 3 phép lạ này quả là những “đói thủ đáng gờm”: bão táp, quỷ ám và tội lỗi. Nhưng Đức Giêsu đã vượt thắng tất cả: bão táp yên lặng, quỷ bị trục xuất và Đức Giêsu tha tội. Như thế, 3 phép lạ này cho thấy Đức Giêsu là người có uy quyền thượng đẳng. Mà cũng chính dựa vào uy quyền thượng đẳng này mà Ngài mới cất lời kêu gọi người ta hãy bỏ hết mọi sự mà theo Ngài.

 

BÀI 19: 4 PHÉP LẠ CUỐI ĐỨC GIÊSU ĐÒI NGƯỜI TA CHỌN 9,18-38

 

PHÉP LẠ VI VÀ VII: Chữa người phụ nữ loạn huyết và cứu sống con gái một viên kỳ mục (9,18-26)

            Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều ghi chuyện này, nhưng Mt ghi ngắn gọn nhất: chỉ trong 9 câu (Mc 22 câu; Lc 16 câu)

c 18I –“Một kỳ mục”: Lc 8,40-56 và Mc 5,21-43 cho biết rõ ông này tên là Giaia.

     – “Con gái tôi vừa chết”: Trong khi Lc và Mc nói cô này chỉ hấp hối, thì Mt nói cô đã chết. Như thế càng cho thấy rõ quyền năng của Đức Giêsu: Ngài chiến thắng cả cái chết.

     – “Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu là nó sẽ sống lại”: Dù con gái mình chết rồi nhưng vị kỳ mục tin rằng Đức Giêsu có thể làm cho nó sống lại. Thật là một đức tin mạnh mẽ. Chính đức tin mạnh mẽ này khiến cho ông đáng được hưởng phép lạ.

c 20 – “Một người đàn bà bị băng huyết”: bệnh này khiến người mang nó bị coi là ô uế, và người nào bị người này đụng tới thì cũng lây ô uế. Hơn nữa, người do thái coi máu là biểu hiện của sự sống. Bà này bị mất mau nghĩa là đang mất dần sự sống. Như thế phép lạ này có liên hệ với phép lạ cứu sống con gái vị kỳ mục.

     “đã 12 năm”: thời đó người ta coi bệnh bang huyết là bất trị. Bà này lại mang chứng bệnh này rất lâu. Như vậy càng tôn uy quyền của Đức Giêsu hơn.

     – “sờ vào tua áo Ngài”: áo biểu thị người mặc áo. Sờ tua áo cũng là sờ vào người mặc áo. Luật cấm người ô uế sờ vào người khác, mà bà này dám sờ vào tua áo Đức Giêsu, chứng tỏ bà rất tin tưởng. Một đức tin thúc đẩy bà dám làm một điều mà luật cấm.

c 22 “Lòng tin của con đã cứu chữa con”: Mt không dùng động từ “chữa lành” (chữa bệnh) mà dùng động từ “cứu chữa” (liên hệ đến ơn cứu độ)/ Trong đoạn này động từ “cứu chữa” được dùng tới 3 lần, bởi vì đối với người do thái bệnh này thuộc loại bất trị, chỉ có ơn trên mới cứu được thôi. Câu này của Đức Giêsu xác nhận nguyên do của việc khỏi bệnh: đó là nhờ đức tin.

c 23-24 –“phường kèn, đám đông xôn xao”: những dấu hiệu rõ rang rằng bệnh nhân đã chết.

            – Vậy mà Đức Giêsu bảo “Con bé có chết đâu. Nó ngủ thôi”. Bởi thế người ta mới cười nhạo Ngài. Nhưng Đức Giêsu có lý: đối với Ngài và những kẻ có lòng tin, chết chỉ là một giấc ngủ.

C 25 – “Ngài cầm lấy tay con bé. Nó liền chỗi dậy”: phép lạ xảy ra sau một cử chỉ rất đơn giản (cũng như phép lạ chữa người phụ nữ lọan hyết xảy ra chỉ do việc bà sờ vào tua áo Đức Giêsu).

     Qua tường thuật này, Mt muốn trình bày Đức Giêsu đến khai mở triều đại Nước Thiên Chúa, trong đó mọi bệnh tật và chêt chóc đều bị khắc phục để người ta sống an vui theo lời các ngôn sứ đã nói trước (Is 39,18-24 25,5-10). Thế nhưng sức khỏe chỉ được phục hồi cho ai có lòng tin: long tin của con đã cứu chữa con (c 22) (chú thích của nhóm CGKPV)

 

PHÉP LẠ VIII: CHỮA HAI NGƯỜI MÙ (9,27-31)

c 27 – “Đang khi Đức Giêsu rời khỏi nơi đó”: chuyện này tiếp liền chuyện trước, khi Đức Giêsu rời khỏi nhà kỳ mục

     – “Lạy con vua Đavít”: theo lời sấm của các ngôn sứ, Đấng Messia là người thuộc miêu duệ Đavít (Gr 23,5   33,14; Ed 34,23; Hs 3,5; Is 11,1). Thời Đức Giêsu dân chúng tin rằng Đấng Messia ấy sắp đến. Hai người mù kêu Đức Giêsu bằng tước hiệu này chứng tỏ họ tin Ngào là Messia.

     “xin tỏ lòng thương xót”: lòng thương xót chính là đối tượng của sứ mạng Đức Giêsu (9,13). Như thế, hai người mù đã kêu gọi đúng chỗ.

c 28 – “Khi Đức Giêsu về tới nhà”: mặc dù hai người mù kêu xin, nhưng Đức Giêsu không dừng lại. Ngài tiếp tục đi về nhà Ngài đang trọ (một căn nhà Ngài thường trọ ở Capharnaum), để cho họ phải đi theo. Lý do thứ nhất là Ngài không muốn làm phép lạ ở nơi công cộng, kẻo dân chúng hiểu lầm Ngài là một Messia chuyên làm phép lạ. Cũng vì lý do này nên sau khi làm phép lạ, Ngài nghiêm cấm không cho hai người này nói ra (c 30). Lý do thứ hai để thử lòng tin của họ. Cũng vì lý do thứ hai này, trước khi làm phép lạ Ngài hỏi: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” (c 28), và khi sờ vào mắt họ Ngài còn nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy”. (c 29)

     “Mắt họ liền mở ra”: Is 35,5 đã nói trước là Đấng Messia sẽ làm cho mắt kẻ mù được mở ra

 

PHÉP LẠ IX: CHỮA NGƯỜI BỊ QUỶ CÂM ÁM (9,32-34)

c 32 “Một người bị quỷ câm ám”:  thời ấy người ta vẫn cho kẻ câm là bị quỷ ám.

c 33a “Người câm nói được”: Lời tiên tri của Isaia “mắt kẻ mù sẽ được mở ra” được tiếp nối bởi “miệng kẻ câm sẽ reo hò mừng rỡ” (Is 35,5-6)

     Chuyện này có lẽ muốn làm nổi bật sự đối lập giữa thái độ của dân chúng và thái độ của nhóm pharisêu trước phép lạ Đức Giêsu làm. Người dân bình thường chất phác cũng còn công nhận trong quá trình lịch sử dân tộc chưa hề có vị ngôn sứ nào thực hiện một phép lạ như Đức Giêsu vừa làm, nghĩa là dân chúng nhìn nhận Ngài là Messia; trong khi đó thì những người gọi là mẫu mực, là lãnh đạo tinh thần của dân lại phủ nhận sự việc, hay đúng hơn: sự việc quá hiển nhiên không thể chối cãi được, thì họ giải thích sai lệch đi. Ác tâm của họ còn cho thấy họ là những đối thủ công khai của Chúa. (CGKPV)

 

ĐỨC GIÊSU THƯƠNG DÂN CHÚNG LẦM THAN (9,35-38)

     Với 4 câu này, Mt muốn kết thúc phần kể về các phép lạ của các chương 8-9, đồng thời dẫn vào diễn từ thừa sai của chương 10

     Đoạn này có hai hình ảnh:

– Hình ảnh “bầy chiên không người chăn dắt” (c.36) khiến ta liên tưởng tới Êdêkien 34, theo đó Thiên Chúa trách các mục tử Israel vô trách nhiệm và đã bỏ bê đàn chiên Ngài giao cho họ, đồng thời hứa sẽ cho xuất hiện một Vị Mục Tử lý tưởng để chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Khi gợi lại Êd 34, Mt muốn nói Đức Giêsu chính là Vị Mục Tử lý tưởng đó.

– Hình ảnh đồng lúa chin ngụ ý thời sau đã đến: qua cuộc chung thẩm, Thiên Chúa sẽ làm cho Nước Thiên Chúa xuất hiện (Am 9,13-15; Tv 125,5-6; Gc 4,13; Gr 5,17; Mt 13,28-29; Kh 14,15-16).

            Ý thức về tình trạng dân chúng và về sự nghiệp thiết lập Triều đại Thiên Chúa, Đức Giêsu lo chuẩn bị một nhóm môn đệ thay thế các mục tử bất lực để cộng tác vào công cuộc Ngài đang thực hiện, Ngài đặc biệt lưu ý tới chuyện cần phải có thêm “thợ gặt” trong đồng lúa của Thiên Chúa. Qua sự việc này, Đức Giêsu còn cho thấy trách nhiệm của mọi người môn đệ là phải cầu nguyện cho nhu cầu đó. Lời Chúa còn hàm ý rằng người ta được sai đi trực tiếp cộng tác vào công việc rao giảng Tin Mừng là một hồng ân của Thiên Chúa (CGKPV)