Huấn dụ của Đức Thánh Cha: Hồi niệm, hoà giải, và chữa lành
Gia An, S.J. – Vatican News Tiếng Việt
Sau thời gian tạm hoãn trong dịp mùa tháng 7, hôm qua, thứ Tư ngày 3 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu lại buổi tiếp kiến chung tại thính phòng Phaolo VI ở Roma, với sự hiện diện của đông đảo khách hành hương.
Bài huấn dụ trong buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha là một suy tư phản tỉnh về những bài học và kinh nghiệm quý giá được rút ra từ chuyến tông du của Ngài đến Canada, từ ngày 24 đến 30 tháng 7 vừa qua. Dưới ánh sáng của đoạn Tin Mừng Luca chương 24, câu 13 đến 15, cuộc tông du được tóm lại với ba bước là hồi niệm, sám hối, và chữa lành. Đức Thánh Cha nhìn chuyến tông du này như một trang sử mới trong hành trình bước đi cùng nhau giữa Giáo Hội Công Giáo và những người dân bản địa Canada. Đồng thời, ước mong kinh nghiệm của các sắc dân bản địa tại Canada trở nên như tấm gương cho tất cả các cộng đồng bản địa ở nhiều nơi khác, để họ góp phần xây dựng một cộng đồng nhân loại đầy tình huynh đệ.
Sau đây là phần Lời Chúa và bài huấn dụ của Đức Thánh Cha.
Trong cùng ngày hôm ấy có hai người trong số các môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmaus, cách Giê-ru-sa-lem độ mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những gì mới xảy ra. Đang khi họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ.
Chào anh chị em rất thân mến
Hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy tư về chuyến tông du của tôi đến Canada trong những ngày qua. Đây là một chuyến tông du rất khác so với những chuyến đi khác. Mục đích chính của chuyến đi này là gặp gỡ những người dân bản địa để tôi có thể bày tỏ với họ sự gần gũi của tôi, cũng như sự đau đớn vì những điều tệ bạc mà các Kitô hữu, trong đó có cả những người Công Giáo, đã làm với người dân bản địa Canada trong quá khứ. Những người này đã từng chung tay cộng tác với các chính sách đồng hoá người bản địa và dẹp bỏ những cơ cấu chính quyền của họ.
Theo nghĩa này, một trang sử mới, một trang sử quan trọng, vừa được mở ra tại Canada, về chuyến hành trình đã có từ rất lâu giữa Giáo Hội và những người dân bản địa Canada. Chuyến viếng thăm của tôi có khẩu hiệu là: “Bước đi cùng nhau”. Đây là một hành trình hoà giải và chữa lành. Hành trình này đòi hỏi một sự hiểu biết về những gì đã xảy ra trong lịch sử, việc lắng nghe những người còn sống sót, việc tự vấn lương tâm, và trên tất cả là việc đối thoại và thay đổi não trạng. Một mặt, đã có nhiều thành viên trong Giáo Hội, cả nam lẫn nữ, đã là những người kiên quyết và can đảm bảo đứng về phía những người thổ dân, bảo vệ phẩm giá của họ, đóng góp cho kho tàng kiến thức, ngôn ngữ và văn hoá của họ. Một mặt khác, thật đáng tiếc là không thiếu những người đã dự phần vào các chương trình mà ngày nay chúng ta nhận thấy là không thể chấp nhận được vì đi ngược lại với Tin Mừng.
Do đó, đây là một cuộc hành hương sám hối. Đã có rất nhiều giây phút vui tươi, nhưng trọn vẹn hành trình này mang ý nghĩa và cung giọng của bầu khí suy gẫm, sám hối, và hoà giải. Bốn tháng trước đây, tại Vatican, tôi đã tiếp kiến một nhóm người đặc biệt, là những đại diện của các sắc dân bản địa Canada. Thế nhưng ước muốn của tôi, cũng là ước muốn của chính họ, là có thể gặp gỡ nhau tại nơi vùng đất ấy, vùng đất mà chính tổ tiên họ đã sinh sống. Và chính Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những gì vừa xảy ra. Chúng ta trước hết hãy tạ ơn Chúa.
Có ba chặng đường chính trong chuyến hành hương này. Chặng đầu tiên là ở Edmonton, phần phía Tây của Canada. Chặng thứ hai là ở Québec, phần phía Đông. Và chặng thứ ba là Iqaluit ở phương Bắc.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên diễn ra tại Masqwacis, nghĩa là Đồi Gấu. Các thủ lãnh và thành viên của những nhóm người bản địa chính đã từ khắp mọi nơi trên đất nước đến họp nhau tại đây. Cùng nhau chúng tôi đã có một cuộc hồi niệm: về những ký ức tốt đẹp trong lịch sử hàng ngàn năm của những dân tộc này, trong sự hài hoà với miền đất của họ; sau đó là những ký ức đau thương về những lạm dụng mà họ đã phải gánh chịu, cả những ký ức về các trường nội trú đến từ chính sách đồng hoá văn hoá. Giữa âm vọng của những hồi chiêng trống, chúng tôi đã dành ra những giây phút thinh lặng và cầu nguyện, xin cho việc hồi niệm về những ký ức này có thể mở ra một con đường mới, không còn theo kiểu kẻ thống trị và người bị trị nữa, nhưng là trong tình anh chị em với nhau.
Sau hồi niệm, bước tiếp theo trong hành trình của chúng tôi là hoà giải. Hoà giải không phải là một thoả hiệp giữa chúng tôi. Bởi lẽ thoả hiệp nói cho cùng cũng chỉ là một kiểu ảo tưởng được dàn dựng. Đúng hơn, chúng tôi để cho mình được hoà giải nhờ Đức Kitô, Đấng là nguồn mạch bình an của chúng ta (Eph 2,14). Chúng tôi đã thực hiện điều này bằng cách dùng hình ảnh của một cái cây: là biểu tượng trung tâm của sự sống trong văn hoá của những người dân bản địa. Ý nghĩa mới mẻ và trọn vẹn của một cái cây là nơi Thập Giá của Đức Kitô. Ngang qua Thập Giá, Thiên Chúa hoà giải mọi sự (Col 1,20). Trên Cây Thập Giá, đau khổ được chuyển hoá thành tình yêu, cái chết thành sự sống, sự tuyệt vọng thành niềm hy vọng, nỗi niềm bị bỏ rơi thành niềm hiệp thông, chia rẽ ngăn cách trở thành hợp nhất.
Cộng đồng bản địa của những người đã đón nhận và sống theo Tin Mừng đã giúp chúng tôi phục hồi chiều kích hoàn vũ của mầu nhiệp Kitô giáo, đặc biệt là của Mầu Nhiệm Thập Giá và Thánh Thể. Chính chung quanh trung tâm này mà cộng đoàn Giáo Hội được thành hình, được mời gọi trở nên một căn lều rộng mở và đón tiếp mọi người, một căn lều của hoà giải và hoà bình.
Sau hồi niệm và hoà giải là chữa lành. Bước thứ ba này chúng tôi đã thực hiện trên hành trình dọc bờ hồ thánh Anna, vào chính ngày Lễ Thánh Gioan Kim và Thánh Anna. Bờ hồ là nơi chốn quen thuộc trong cuộc đời Đức Giêsu: Người đã dành nhiều thời gian trong cuộc đời mình tại Bờ Hồ Galilê, trong đời sống sứ vụ công khai cùng với các môn đệ đầu tiên của mình là những người chài lưới. Tại đó Người đã rao giảng và chữa lành nhiều bện tật (Mc 3,7-12). Tất cả chúng ta đều có thể kín múc từ Đức Kitô, nguồn nước Hằng Sống, nguồn Ân Sủng có thể chữa lành mọi vết thương của chúng ta. Người chính là nhập thể của sự gần gũi, lòng thương xót, và sự dịu hiền của Thiên Chúa Cha. Chúng tôi mang đến dâng lên Người mọi bi kịch và đau khổ mà những người bản địa Canada cũng như toàn thế giới đã phải gánh chịu. Chúng tôi mang đến mọi thương tổn của những người nghèo và những người bị loại bỏ trong xã hội chúng ta. Cả những vết thương trong lòng các cộng đoàn Kitô hữu, những vết thương luôn cần được chính Thiên Chúa chữa lành.
Chuyến hành trình hồi niệm, hoà giải, và chữa lành mang lại niềm hy vọng cho Giáo Hội, tại Canada và tại mọi nơi khác. Giống như hai môn đệ trên đường Emmaus sau khi được bước đi cùng với Đức Giêsu Phục Sinh: Với Người và nhờ Người, họ đã bước qua từ thất bại đến hy vọng (Lc 24,13-35). Đã biết bao lần trong suốt dòng lịch sử các môn đệ của Đức Giêsu đã từng đi lại chặng hành trình Emmaus này! Đã biết bao lần, các Kitô hữu sau khi trải qua niềm đau Thập Giá gây ra do tội của chính mình, đã tìm lại được hy vọng nhờ vào sự thành tín của Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta. Người luôn ở cạnh bên mỗi bước chân mệt mỏi và u buồn của chúng ta. Người nâng đỡ chúng ta bằng Lời của Người. Người trao ban chính mình Người cho chúng ta, là Bánh dưỡng nuôi sự sống đời đời.
Như tôi đã nói ngay từ đầu, việc bước đi cùng với những người dân bản địa chính là điều quan trọng nhất trong chuyến tông du lần này. Trên tinh thần bước đi cùng nhau, đã có những cuộc gặp gỡ giữa giới chức chính quyền quốc gia và các Giáo Hội địa phương. Trước sự hiện diện của chính quyền, những vị lãnh đạo của người dân bản địa, và những phái đoàn ngoại giao, tôi đã tái bày tỏ ước muốn của Toà Thánh và của các Cộng Đoàn Công Giáo địa phương trong việc cổ võ văn hoá của người bản địa, cùng với những hành trình thiêng liêng thích hợp, cùng với việc lưu tâm đến những phong tục tập quán và ngôn ngữ của người dân bản địa. Đồng thời, tôi cũng chỉ ra rằng ngày nay óc thực dân vẫn còn hiện diện dưới nhiều dạng thức khác nhau làm đe doạ các truyền thống, lịch sử và mối liên hệ tôn giáo giữa các sắc dân, đồng hoá mọi khác biệt, chỉ tập trung vào hiện tại mà quên mất nhiệm vụ phải hướng về những người nghèo khó và dễ bị tổn thương nhất. Cần phải phục hồi lại sự quân bình và hài hoà giữa đời sống hiện đại và những văn hoá của tổ tiên, giữa trào lưu tục hoá và những giá trị tâm linh.
Nhiệm vụ này kêu mời trực tiếp sứ mạng của Giáo Hội. Bởi sứ mạng của Giáo Hội là được sai vào giữa lòng thế giới để làm chứng và gieo những hạt giống về tình huynh đệ đại đồng, tôn trọng và cổ võ cả những chiều kích địa phương với tất cả sự phong phú và đa dạng. (cfr Enc. Fratelli tutti, 142-153). “Một sự cởi mở lành mạnh không bao giờ mang đến mâu thuẫn với căn tính của chính mình. Thế giới này phát triển và được đổ đầy bởi những điều mới mẻ đẹp đẽ nhờ vào sự kết hợp hội nhất giữa những văn hoá cởi mở, chứ không phải bởi sự áp đặt văn hoá” (n148).
Theo cách ấy, tôi đã khích lệ các mục tử, những người sống đời thánh hiến và các giáo dân trong Giáo Hội tại Canada hãy bước theo mẫu gương của Thánh François de Laval, vị Giám mục tiên khởi của Québec: trong việc phục vụ Tin Mừng và phục vụ những người nghèo khổ để trở nên những chứng tá dựng xây niềm hy vọng.
Và như một dấu chỉ của hy vọng, cuộc gặp gỡ cuối cùng đã diễn ra trên mảnh dất của những người Inuit, giữa các bạn trẻ và những người cao niên. Tại Canada, đây cũng là một sự kết hợp quan trọng, một dấu chỉ của thời đại: Người trẻ và những người cao niên bước vào đối thoại để có thể bước đi cùng nhau trong lịch sử giữa tính hồi niệm và tính ngôn sứ.
Cầu mong sự dũng cảm và những hành động vì hoà bình của các sắc dân bản đại tại Canada trở nên một tấm gương cho tất cả các cộng đồng bản địa ở nhiều nơi khác, để họ không khép mình lại nhưng mở ra và đóng góp phần không thể thiếu của họ làm cho nhân loại này mang tính huynh đệ hơn, một nhân loại biết yêu thương các thụ tạo và Đấng Tạo Hoá.