Hướng dẫn mục vụ an táng dần đi vào đời sống xứ đạo

Hướng dẫn mục vụ an táng dần đi vào đời sống xứ đạo

 

Cùng với việc lễ lạt, tiệc mừng, hướng dẫn về mục vụ an táng của giáo phận Long Xuyên được phổ biến vào tháng 8.2024 đến nay đã có những hiệu ứng tích cực, dần đi vào đời sống xứ đạo ở nhiều nơi.

Một trong những thay đổi dễ nhận ra ở những xứ cư ngụ giữa cộng đồng địa phương vốn quen tập tục đám tang kéo dài, là đã rút ngắn thời gian ma chay, tiết giảm cỗ bàn.

 

Từng bước thay đổi hành vi, sinh hoạt

Bà Nguyễn Thị Thanh Vy, một giáo dân trong xứ Tân Bình ở kênh Đông Bình (xã Thạnh Đông B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, thuộc giáo hạt Tân Hiệp), cho biết: Họ đạo Tân Bình tọa lạc ở địa bàn hầu hết là “người miền Nam”, chỉ có số ít người Bắc di cư nên lâu nay vẫn quen tập tục đãi cỗ trong đám tang theo lối “khách đến viếng cứ đủ bàn là mời vào dùng bữa”. Vì vậy, tang chế diễn ra trong 3 hay 5 ngày đồng nghĩa với việc ăn uống hậu cần cũng phải song hành. Thường khách rải rác suốt ngày đêm nên bà con hàng xóm quy tụ vài chục người để phụ nấu nướng, phục vụ ăn uống, dọn rửa… Theo bà Vy, các xứ có đông người địa phương hầu như đều phục vụ bữa ăn liên tục như thế. Đời sống kinh tế khấm khá hơn xưa, hầu như đám tang có thêm dịch vụ ban nhạc, văn nghệ, kèn trống…

Nhưng từ khi có thư mục vụ của giáo phận, đám tang trong xứ đạo đã có sự điều chỉnh đáng kể, không còn cảnh hát hò xuyên đêm, bớt kèn trống, không thết đãi ngày này qua ngày khác. Rồi bà kể về một đám tang trong gia đình thông gia khá giả đã giản tiện trong khâu tổ chức, hoa viếng, nhạc kèn; sau thánh lễ an táng gia đình không “đãi tiệc” theo thông lệ vốn có ở địa phương. Tiền phúng điếu được nhà hiếu góp với giáo xứ chăm lo việc bác ái, từ thiện. “Hướng dẫn mục vụ an táng của giáo phận là một phương cách hay nhằm tránh tình trạng phô trương không cần thiết, đồng thời cũng giúp cho những gia đình khó khăn khi phải ‘chạy theo’ một tập tục ma chay hao tổn kéo dài”, Bà Vy nêu nhận xét.

Một trường hợp khác ở họ đạo Thánh Gia (kênh 1B), cũng hạt Tân Hiệp. Ở đây, mặc dù không thết đãi xuyên suốt như đám tang người địa phương, nhưng  xứ “rặt” người Bắc di cư này vẫn có truyền thống “khách đến viếng gặp bữa là dùng cơm”. Đám tang vẫn được tổ chức linh đình, hai ba chục bàn ăn mỗi bữa, thêm ban nhạc phục vụ, hoa viếng đa dạng…

Họ đạo An tôn ở kênh 1A gần đó cũng vậy, trong rất nhiều năm qua việc tang chế cũng theo phong trào hiện đại với hoa tươi, kèn trống, âm nhạc phục vụ tập trung vào ban đêm, về khuya…

Tuy nhiên, từ khi thư mục vụ giáo phận được phổ biến, tình trạng trên đã được cải thiện rõ rệt. Đơn cử như trong một đám tang ở khu giáo Tụy Hiền khoảng hơn tháng trước, đã không có vòng hoa, giản tiện tiệc tùng, kèn trống, đàn hát. Đây cũng là một trong những đám tang được thực hiện theo khuyến cáo của giáo phận.

Cũng như nhiều nơi ở hạt Tân Hiệp, cộng đoàn giáo dân hai xứ Mông Triệu và Đồng Phú (huyện Tân Hiệp), cũng thuộc tuyến kênh 2 đã có nhiều thay đổi trong mục vụ an táng từ vài năm trước đây, và nay tiếp tục cập nhật thêm những điểm mới theo hướng dẫn của giáo phận Long Xuyên. Theo đó, linh cữu thường chỉ quàn trong khoảng 3 ngày; việc ăn uống chỉ tổ chức trong dòng họ thân tộc; bà con tín hữu, các giới, hội đoàn luân phiên thăm viếng, đọc kinh cầu nguyện, chỉ trà nước mà không dùng bữa; hạn chế phúng điếu vòng hoa; giáo xứ miễn phí tiền xin lễ và ca đoàn cũng hát lễ an táng trong tinh thần phục vụ; sau thánh lễ an táng và chôn cất người quá cố thì ai về nhà nấy, không “dùng cơm gia đình” theo lời mời của gia chủ… Ông Nguyễn Quang Phụng, Chủ tịch HĐMV giáo xứ Đồng Phú chia sẻ: “Sự thay đổi nào cũng cần thời gian để các xứ đạo thích ứng để dần đi vào thực hiện. Hy vọng việc cải tiến sẽ từng bước tạo thói quen, nề nếp tốt đẹp, văn minh đều khắp ở các xứ đạo. Điều đó thực sự hữu ích cho các gia đình”.

 

Giáo dân, cộng đoàn đồng tình ủng hộ

Trong tinh thần cải tổ mục vụ an táng theo hướng dẫn của giáo phận, linh mục chánh xứ Đồng Công (ở tuyến kênh F2, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, thuộc hạt Vĩnh Thạnh) đã cho phổ biến các nội dung liên quan và thúc giục giáo dân thực hiện bằng việc làm cụ thể.

Xác nhận sự thay đổi bước đầu trong đời sống họ đạo, bà Đỗ Thị Thanh Tâm, ở họ Đồng Công kể: Theo truyền thống, đám tang ở xứ đạo trước giờ vẫn có tiệc tùng, ăn uống tại tang gia. Nhưng nay thì các thành viên trong HĐMV giáo xứ là những người đầu tiên đến thăm viếng, nguyện kinh rồi ra về, từ chối việc dùng bữa như thường khi. Bà con giáo dân cũng nhìn vào đó mà noi theo. Tương tự, việc tổ chức Đất Thánh từ lâu lắm đã có tình trạng mua kim tĩnh trước để “giành chỗ” và mạnh ai nấy xây dựng mộ phần với nhiều mẫu mã khác nhau. Vài năm gần đây, nơi an nghỉ của các tín hữu đã được chỉnh trang theo mẫu duy nhất và chôn cất theo thứ tự, không phân biệt giàu nghèo hay chức vị.

Ủng hộ việc đơn giản tang chế, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, giáo dân xứ Mong Thọ (xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, Kiên Giang, thuộc hạt Rạch Giá) hy vọng rằng sự thay đổi sẽ đem lợi ích cho cộng đoàn, trong đó có người nghèo. Nhớ lại đám tang của bà ngoại ở một xứ đạo thuộc giáo hạt Tân Hiệp hơn hai năm trước tốn kém chi phí khoảng 150 triệu đồng, phần nhiều là chi phí ăn uống, bàn tiệc, kèn trống, âm nhạc, bà Thúy thừa nhận sự việc đã khiến cho chồng bà là người ngoại giáo ái ngại về cách tổ chức theo thói quen nơi địa bàn cư ngụ. Trong khi xứ đạo nơi vợ chồng họ đang sinh sống, việc tang chế đơn giản không cầu kỳ, ít hoa hòe, tối giản chuyện kèn trống nên mọi thứ dường như nhẹ nhàng hơn cho cả người đến viếng cũng như với gia đình nhà hiếu. Bà nói: “Hướng dẫn mục vụ về an táng của giáo phận sẽ là kim chỉ nam trong đời sống ở các xứ đạo, nhằm mưu ích cho cộng đoàn Dân Chúa và trên hết là cho phần rỗi của những tín hữu được Chúa thương gọi về”. n

 

Với đám tang, khuyến khích không quàn thi hài quá 3 ngày; không đánh bài trong đám tang, nên tổ chức chia phiên đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố; không tổ chức trình diễn ca hát trong đám tang, để tạo bầu khí thánh thiêng có thể mở nhạc thánh ca nhưng nên tôn trọng hàng xóm đặc biệt vào lúc đêm khuya; không phúng điếu bằng vòng hoa, nên phúng qua hình thức thùng hiệp thông để gia đình lo chi phí hậu sự, xin lễ, làm việc bác ái; cộng đoàn dân Chúa đến viếng xác, đọc kinh cầu nguyện, tham dự thánh lễ an táng và chôn cất, nhưng không ăn uống… Đối với Đất Thánh, cần bảo vệ tính thánh thiêng, tránh sự tục hóa, tránh những lạm dụng làm ô uế nơi thánh và không được dùng đất thánh để kinh doanh trục lợi.

(trích “Hướng dẫn mục vụ về an táng và bữa tiệc áp dụng trong giáo phận Long Xuyên”

Đinh Vũ

https://www.cgvdt.vn/

print