Khái Quát Về Sách Huấn Ca

Khái Quát Về Sách Huấn Ca

Phêrô Nguyễn Đình Đền

Lời Dẫn

Sách Huấn Ca nằm trong các sách giáo huấn về khôn ngoan, sau Thánh vịnh sách này được dùng nhiều trong phụng vụ. Điều này hẳn là vì, tuy thuộc về Cựu Ước, nhưng Huấn Ca vẫn là một cuốn sách thiêng liêng, rất thích hợp cho kitô hữu. Vì nó là những lời giáo huấn khích lệ mọi người nên tập mọi nhân đức và xa lánh mọi nết xấu. Một trong những tấm gương quí giá nhất ở đời này là thánh Augustinô: mãi cuối đời thánh nhân còn viết rằng sách của Ben-xi-ra đã giúp ngài trong đời sống thiêng liêng hơn bất cứ sách nào khác.

Vì vậy con chọn sách Huấn Ca bởi vì nội dung cuốn sách đề cập đến tất cả các mặt đời sống, lối dùng văn triết với nhiều châm ngôn để dạy khôn, nhắc lại những điều dạy bảo cổ truyền của các nhà khôn ngoan. đọc và suy nghĩ con thấy nó rất phù hợp với hoàn cảnh xã hội ngày nay. Như lời cha C. Spicq nói rằng: “Ai hiểu được bài ca tụng các thánh này của ông Ben–xi–ra thì cũng chuẩn bị cách cơ bản để hiểu sách thánh”.

 

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Sau thời gian lưu đày đến thời Israel phục hưng, tức là cuối thế kỷ thứ sáu. Trong năm thế kỷ còn lại cho đến thời Tân Ước, các thư tịch Cựu Ước được hình thành như ta có ngày nay. Nhưng về biến cố bên ngoài văn chương thời này không còn để lại cho ta mấy tí, khác với những hồ sơ phong phú của những năm thế kỷ trước. Điều này cũng lạ, với những bao nhiêu biến động trong thế giới xung quanh những đế quốc bao la dồn dập những thăng trầm. Đế quốc Ba-tư sụp đổ Alexandre đại đế trinh Đông kích Tây, đem quân mã đến ấn Độ nhưng đế quốc của ông tan rã ngay sau khi ông chết, rồi các tướng lãnh của ông tranh hùng tranh bá, mãi đến khi Rô-ma vào cuộc và chiếm lấy gia tài thiên hạ. Nước Giuđa tí tẹo dạt bên này dạt bên kia, không còn làm chủ được vận mạng của mình. Và trí não dân Do thái cũng dửng dưng với thời cuộc ấy. Thời cuộc ấy không làm cho lòng tin của họ phải đặt lại vấn đề: hiểu sao về đường lối của Thiên Chúa đối với loài người.

Duy chỉ có một lần, mà biến cố đã kích động thâm sâu đến lòng tin của họ. ấy là vào năm 198 tcn đất Palestine đổi chủ từ ông vua Pơ-tô-lê-mê  (Ai cập) sang tay ông vua Hy lạp tức nhà Seleucô bá chủ Syri hiệu là Antiôkhô Êpiphanê (175-163), ông này nảy ra mưu đồ thống nhất giang sơn bằng văn hoá Hy lạp, để làm cho xong công việc đồng hoá những dân khác biệt trong đế quốc. Ông nhất định áp dụng chương trình ấy cho cả người Do-thái, họ cũng phải tuân theo luật lệ của nhà nước về một tôn giáo hỗn hợp. Người Do-thái từ trước đến giờ không hề có thái độ câu nệ đối với văn hoá Hy lạp, họ nói tiếng Hy lạp, họ cũng học hỏi nhiều tục lệ Hy lạp như những thành phần khác của đế quốc Syri. Nhưng bây giờ họ đã kháng cự, vì lệnh nhà vua đã động tới chính sự trung thành của họ đối với đạo. Chính quyền đàn áp và xui lên dấy loạn: một cuộc khởi nghĩa vừa là tôn giáo, vừa thuộc quốc gia, dưới sự lãnh đạo của một gia đình, với sự điều khiển của vị anh hùng Yuđa Macabê. Nhờ tài cán của ông và sự khôn khéo của những kẻ kế tiếp ông người Do thái đã giành được quyền độc lập chính trị ,giai đoạn lịch sử này đã được thuật lại trong các sách Macabê, và đã in sâu đậm trên các trước tác viết vào thời này. Đó là biến cố có lẽ là độc nhất thời sau lưu đày đã gợi lên được ý nghĩa thiêng liêng cao cả sánh được với lịch sử thời các tiên tri.

Nhưng tầm quan trọng thời sau lưu đày không cốt ở các biến cố bên ngoài , mà chính là nơi nỗ lực gầy dựng sinh hoạt bên trong của cộng đoàn Dothái. Đây là thời giáo huấn của các tiên tri được đề cập đến dân chúng, chứ không còn đóng kín trong một nhóm môn đệ. Cộng đoàn Dothái luôn luôn cố gắng đặt tất cả trật tự xã hội trên nền tảng là luật Thiên Chúa, làm sao cho luật ấy ăn sâu vào lòng người ta.

Cùng với lề luật và phụng vụ, còn có việc đào tạo về tôn giáo, giáo dục con người sống trong giao ước. Khu vực văn trương này được tiêu biểu nơi các sách mệnh danh là các sách khôn ngoan: như sách  Cách ngôn, sách Huấn ca, tàng trữ lại những châm ngôn của các hiền nhân và những lời khuyên răn đạo nghĩa. Lời lẽ muốn nói với hạng bình dân.

 

II. TÁC GIẢ – THỜI GIAN SÁNG TÁC – CHỦ ĐÍCH CỦA SÁCH HUẤN CA

Là ông Giêsu, con ông Xi ra (Hc 50, 29; 50, 27 ghi lại ) sự thật theo bản  Dothái thì thân phụ tác giả chính là ông Elêazar, còn Xi-ra là ông nội. Nhưng trường hợp mà người ta biết ông nhiều hơn thì dùng tên ông liền với tên con thay tên bố. Có lẽ đúng hơn Xi-ra là tên họ gia đình chứ không phải là tên gọi của ông nội, vì thế nay ta gọi tác giả là Xi-raide (thuộc gia đình Xi-ra).

Ben-xi-ra chắc phải là một nhà trí thức có địa vị trong xã hội vì ông được may mắn theo học từ thiếu thời. Cháu ông người viết lời phi lộ, cho thấy ông là người ham đọc luật, các ngôn sứ và các tác phẩm khác của các tiền nhân; do đó mà ông có được một tầm hiểu biết sâu rộng và rất uyên thâm. Rất có thể ông hành nghề thông luật tại Giêrusalem, cứ xem cách ông trình bày lề luật, lòng kính sợ Chúa, đức khôn ngoan cổ truyền, và nhất là những chi tiết tỉ mỉ về phụng vụ trong đền thờ cùng những cuộc hành lễ của Thượng tế Si-mê-on thì đủ hiểu, thêm vào đó những kinh nghiệm khi viễn du xứ ngoại (Hc 34,11-12) học hỏi nhiều bởi triết học Hylạp.

Với tài nguyên văn hoá đó tác giả đã viết sách, hẳn lúc ấy tác giả đã là một vị lão thành đầy kinh nghiệm tri thức và đức hậu được hết mọi người quý chuộng. Ông không muốn đưa cuộc đời phong phú như vậy xuống mồ mà không để lại cho hậu thế một gia sản tinh thần, hầu tiếp tục truyền thông cho người khác sự khôn ngoan mà Thiên Chúa của Israel đã ban cho.

– Hai sự kiện có thể giúp xác định khá sát tác giả viết sách kỳ nào:

1/ Trong lời phi lộ người cháu của ông nói tới việc xuống Ai-cập.

2/ Và cuối sách nhắc tới thượng tế Simêon II (225-203) con của thượng tế Omias II.

Ở đây chúng có những chỉ dẫn thiết yếu về thời gian ra đời của tác phẩm lẫn gốc bản dịch. Dịch giả nói rõ năm ông đến Ai cập cũng là lúc ông bắt đầu công việc dịch thuật hai ông vua Aicập mang tên E-ve-ghét (ân nhân): vua Pơ-tô-lê-mai III (247-222) và Pơ-tô-lê-mai VII (Physcon 145-117). Dù có một số ý kiến ngược, người ta nhận đó là thời vua Pơ-tô-lê-mai VII. Vậy người cháu đã có thể bắt đầu công việc dịch vào năm 132 TCN và đã dịch xong sau khi vua ấy từ trần vào năm 117 TCN.

Tác phẩm của ông nội phải được xếp vào quãng 50 năm trước đó, tức quãng năm 180 TCN. Hai điều cần được lưu ý về thời gian này là Ben-xi-ra không biết tới cuộc khởi nghĩa Macabê (167-164), vì không chỗ nào trong sách ám chỉ tới. Lời cầu nguyện (Hc 36,1-22) cho Isael được giải phóng và phục hưng có thể được đặt đúng vào thời Sê-lêu-cô IV (187-175) khi Hê-li-ô-đô-rô định cướp kho báu của đền thờ Giê-ru-sa-lem (2Mcb 30) mặt khác, Ben-xi-ra kết thúc bài ca tụng các bậc tiền bối với hình ảnh thượng tế Si-mon, con ông Ô-ni-a, thế mà bản văn này lại cho ta cảm tưởng rằng bản thân tác giả đã biết vị thượng tế ấy, nhưng ông này chết rồi khi tác giả viết ra lời ca tụng ông. Thượng tế Si-mê-on chính thực thì giữ chức vụ từ năm 200 đến 187 TCN, ông là người trùng tu đền thờ và tường thành Giê-ru-sa-lem. Bản Hylạp Hc 50, 2-4 ghi: “Xin ơn của Thiên Chúa ở với ông Si-mon mãi mãi. Xin người thực hiện nơi ông Giao Ước của Pin-khát, đừng bao giờ rút lại giao ước ấy với ông cũng như với dòng dõi ông, bao lâu các tầng trời còn tồn tại”. Bản văn này chắc chắn phải có trước năm 172, khi xảy ra vụ lừa gạt của Gia-son khiến dòng họ tư tế Sa-đốc tiêu tan. Suy diễn từ những sự kiện vừa nêu trên, chúng ta có thể nắm chắc tác giả Ben-xi-ra đã cho ra đời tác phẩm của ông trong thời chuyển tiếp từ biến cố năm 198 đến sự kiện năm 174.

Chủ đích của tác giả: ông vốn là người có tinh thần cởi mở, ông Ben-xi-ra không ngần ngại tiếp thu những gì là tinh hoa đích thực của nền  văn hoá mới. Tuy nhiên hơn ai hết, ông cũng rất ưu tư về tiền đồ Do-thái giáo và muốn đối phó với nguy cơ Hylạp một cách lâu bền và hữu hiệu. Để bảo vệ gia sản tôn giáo và văn hoá của dân tộc, không gì bằng trình bày trong một tác phẩm, quan điểm đúng đắn về Thiên Chúa về thế giới và về ơn gọi của Israel, cho mọi người xác tín rằng với bộ luật mạc khải hàm chứa sự khôn ngoan đích thực, dân Do-thái chẳng có gì phải thèm khát chạy theo một nền văn minh ngoại giáo. Đó là mục tiêu ông Ben-xi-ra nhắm khi viết sách Huấn Ca. Là một con người bảo thủ, nhưng tác giả cũng rất sáng suốt với tầm nhìn xa trông rộng, ông hiểu rõ dân tộc ông đang sống trong thời đại nào, và muốn bảo toàn điều cốt yếu phải nắm vững tình thế ra sao. Trong huấn ca, ông tổng hợp đạo lý cổ truyền với sự khôn ngoan chung của nhân loại mà ông đã đào sâu nhờ kinh nghiệm riêng. Huấn ca là một tác phẩm cần thiết cho những người Do-thái muốn giữ nguyên căn tính riêng của mình giữa một thế giới mau lẹ. Họ có thể tìm thấy ở đây một cẩm nang đời sống thực hành giúp họ trung thành với Thiên Chúa,  với dân tộc. Dù có bị sức  ép mạnh từ bên ngoài, cộng thêm sự suy thoái của một số người từ bên trong Do-thái giáo, người dân của Chúa cũng không được phép đầu hàng trước trào lưu Hylạp hoá. Quả thực tác phẩm là một cuốn sách dạy luân lý thực hành mọi nhân đức, phi bác mọi nết xấu, dạy các xử sự ngay từ những vấn đề kinh tế và chính trị cho tới những chi tiết về lịch sử và vệ sinh nữa.

 

Người cháu của tác giả dịch sách này ra tiếng Hylạp cho những người Do-thái sỗng ngoài quê hương, giữa những người ngoại giáo, hầu giúp họ duy trì đức tin của tiền bối, mà tác giả ca ngợi hết lời trước khi kết thúc sách.

 

III. NỘI DUNG

A. Giới thiệu

Các sách giáo huấn thời xưa không bao giờ quy chiếu với lịch sử, ta còn thấy Danh của Thiên Chúa Israel họa hoằn mới xuất hiện, hoặc hoàn toàn không xuất hiện trong một vài tập châm ngôn trong phần lớn là các cuộc đối thoại của ông Gióp, hay trong Giảng Viên. Hình ảnh duy nhất của lịch sử dân tộc là vua Sa-lô-mon đại đế, người thầy của mọi hiền nhân. Cả các điều luật của bộ To-ral cũng thế, chẳng hề được nhắc tới lý do là vì các hiền nhân muốn ngỏ lời với mọi người.

Thế mà ông Ben-xi-ra không những hay dùng thánh danh của Thiên Chúa Giao Ước, Đấng mà ông kêu gọi phải kính sợ và yêu mến . Vì từ Người xuất phát mọi sự khôn ngoan, mà hơn nữa ông còn có công “đưa lịch sử vào lãnh vực suy tư theo lẽ khôn ngoan” (A. Dubarle). Xem ra đây là những cách ông Ben-xi-ra thích ứng với nền văn hoá Hylạp. Nếu ông đã biết lấy ngôn ngữ của nền văn hoá này làm của mình, nếu ông đã tiếp thu những cái mới mẻ không chối cãi được mà nền văn hoá đã du nhập vào đời sống của dân cư Giê-ru-sa-lem (trong các cuộc hành trình, lương y, yến tiệc, văn học mới, …).Thì đó là ông đòi cho Israel hầu như được độc quyền nắm giữ đức khôn ngoan: đối với ông, việc Thiên Chúa mạc khải trong lịch sử là một sự biểu lộ hoàn hảo nhất về đức khôn ngoan  “tất cả những điều ấy đều có trong sách Giao Ước của Thiên Chúa tối cao, trong lề luật ông Môsê đã truyền, để các cộng đồng Giacóp nhận làm gia nghiệp” (Hc 24,23).

Từ những biến cố của các thời tổ phụ, ông Ben-xi-ra công nhận đã có một lề luật được ban cho người phàm (Hc16,11-14). Hơn thế nữa, luật ấy được người cháu nội của tác giả nhìn nhận như một luật sống: “sống phù hợp hơn với lề luật, điều chỉnh nếp sống của mình sao cho phù hợp với lề luật” (Hc14,35). Luật ấy được minh họa trong lịch sử bởi các bậc tiền bối lời khuyên như của Huấn Ca cho thấy luật sống đã được tỏ ra trong sự khôn ngoan và lòng đạo đức của các tiền nhân (Hc 55,22-24).

Đền thờ nơi đức khôn ngoan cư ngụ, trung tâm quy tụ tất cả cơ cấu của vũ trụ, chính là nguồn suối tưới gội và tràn ngập vũ trụ, như nước từ lề luật tuôn ra xưa làm cho sa mạc và biển chết phì nhiêu (x Ed. 47). Nhờ các kênh đào và các bậc hiền nhân, những dòng nước bắt nguồn từ đức khôn ngoan mang lại ánh sáng và hiểu biết cho tất cả nhân loại từ Ađam sinh linh tiên khởi (Hc 49,16) do chính tay Thiên Chúa nặn nên, cho đến thế hệ trong tương lai (Hc 24,33).

B. Sứ điệp

Tác giả ca tụng đức khôn ngoan trong một vài đoạn, còn ngoài ra toàn là những luật lệ luân lý rất hữu ích và thiết thực về mọi nhân đức, liên hệ tới mọi hoàn cảnh và mọi tầng lớp xã hội. Do đó, đây quả là cuốn sách dạy về khổ chế tâm linh.

Tuy nhiên, tác giả viết nhiều vấn đề mà không chú trọng tới một thứ tự nào nhất định, nhiều lần còn nhắc lại y hệt như đã viết trước. Vì thế rất khó phân chia sách này thành những phần nhất định: sau đây cũng chỉ là một trong những lối phân chia.

  1. Phần I: Bản chất của đức khôn ngoan, những giới luật và ân huệ của nó (Hc1,1-23;37).

Sự cao quý của đức khôn ngoan, lòng kính sợ Thiên Chúa sự tin tưởng vào Người. Đức hiếu thảo, can đảm, khiêm nhu, thương xót “tất cả sự khôn ngoan đều xuất phát từ Đức Chúa, và sự khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời nơi mọi phàm nhân, theo lòng quảng đại của Người và Người đã rộng ban khôn ngoan cho những ai yêu mến Người” (Hc1,1.10).

Khôn ngoan bất khả cập đối với người phàm trong vũ trụ tạo thành, chỉ có Đấng mà duy Người  mới khôn ngoan, mạc khải được đức ấy “gốc rễ khôn ngoan đã được mạc khải cho ai? và những công trình kỳ diệu của khôn ngoan, ai nào biết rõ?” (Hc 1,6).

Những ích lợi của đức khôn ngoan, tính liều lĩnh, lòng chân thành, việc biết giữ lời ăn tiếng nói, tính kiêu ngạo, những mối tình thân hữu: “Ai yêu khôn ngoan là yêu sự sống, ai sớm tìm kiếm khôn ngoan sẽ tràn trề hoan lạc” (Hc 4.22), (x Hc 4,12-16; 17).

Những  đòi hỏi và lợi ích của khôn ngoan, những tội phải tránh, nghĩa vụ gia đình và xã hội, phải sáng xuất đối với phụ nữ và một vài hạng người, trong khi thi hành đến điều thiện, đối với bạn bè cũng như đối với kẻ thù nghịch, hãm dẹp tính kiêu ngạo lòng tin Thiên Chúa xếp đặt mọi sự gồm tất cả sự giàu sang “Con ơi từ khi thiếu thời, hãy hấp thụ giáo huấn, thì tới khi tóc bạc, con sẽ được khôn ngoan” (Hc 6,18). “Phúc thay kẻ nghiền ngẫm khôn ngoan, và biết dùng trí khôn mà suy luận” (Hc 14,20).

Cần mẫn đi tìm khôn ngoan, những người con gian ác, tội không do Thiên Chúa, Thiên Chúa trừng phạt tội. Người nhìn thấy tất cả “người thiếu hiểu biết thì nghĩ những điều như thế, kẻ điên dại và lầm lạc nghĩ toàn chuyện ngu si” (Hc16,23). Đức khôn ngoan trong việc tạo dựng,Thiên Chúa dựng nên con người ban luật cho Israel. Tha thứ cho ai sám hối và tin cậy ở Người, khôn ngoan thật và khôn ngoan giả, sự dùng lời ăn tiếng nói cho phải đạo, những tình thân hữu, nhân đức và khuyết điểm “Người đời sau sẽ biết rằng: không gì cao quý bằng kính sợ Đức Chúa và chẳng có chi ngọt ngào bằng tuân giữ những lệnh Đức Chúa truyền” (23,27).

Huấn Ca nhấn mạnh Đức Chúa là độc nhất và siêu việt, khôn ngoan là ưu phẩm của Thiên Chúa đó là điểm nổi bật trong vũ trụ Người đã tạo thành, là ân huệ được ban tặng cho nhân loại  và còn nhiều lần được nhân cách hoá trong các sách Giáo huấn. Nhưng ở đây khôn ngoan vẫn chỉ là một thọ tạo, không thể đồng hoá với Thiên Chúa. Lòng kính sợ Thiên Chúa là thái độ tổng hợp của người Do-thái đối với Thiên Chúa cụ thể đó là lòng mộ đạo, xây dựng trên tình yêu và sự tuân phục, đây là điểm thần học nổi bật rất đáng kể trong Huấn ca, liên quan chặt chẽ với đức khôn ngoan, khôn ngoan đồng hoá với việc giữ luật “Khôn ngoan nào cũng là kính sợ Đức Chúa trong mọi khôn ngoan đều có việc thi hành lề luật” (Hc19,20).

Yêu thương và tuân phục không tương phản với nhau nhưng hoà hợp, yêu không tìm lợi tuy nhiên có đợi trông phần thưởng chỉ là chuyện phụ, đây là thái độ phụ của Huấn Ca, nhưng không phải không có trong tư tưởng của người Do-thái.

Ở Huấn Ca 15, 1-10 đức khôn ngoan được liên kết với lòng kính sợ Đức Chúa. Nhưng chính đức khôn ngoan nuôi dưỡng con cái mình và những kẻ yêu mến đức khôn ngoan làm cho họ được hưởng niềm vui, lời  ca tụng và danh thơm tiếng tốt muôn đời. Lời ca tụng là hoa quả tất yếu của khôn ngoan.

Tóm lại phần này tác giả muốn chúng ta đối với Thiên Chúa phải có niềm tin tưởng, phụng thờ, chú trọng tới các lễ nghi tôn giáo, nhưng cũng đòi hỏi những cái đó phải là phản ảnh lòng thành của mỗi người chúng ta.

 

  1. Phần II: Sự cao trọng của đức khôn ngoan, những đòi hỏi của nó trong xã hội.

Tán dương đức khôn ngoan: sự cao cả và sức hấp dẫn của nó, khôn ngoan với lề luật, tuổi già. Giao tế với xã hội, người đàn bà tốt xấu, tình bằng hữu và những chuyện kín đáo, công việc thương xót, nguy hiểm của sự giàu sang, tiết độ trong yến tiệc, tránh sự giả hình “kẻ ưa thích châm chọc bạn bè khác nào con ngựa giống, nó vẫn hí… dù người cưỡi là ai” (Hc 33,6).

Đức khôn ngoan tạo nên những cái tương phản trong thiên nhiên, công việc của Ben-xi-ra viết ra đó là người cha trong gia đình, luật lệ, sự khôn ngoan, kinh nghiệm, lòng kính sợ Chúa là những nguồn mạch giúp hoạt động. Những của lễ, sự phục hưng của israel, khôn khéo trong việc chọn vợ và chọn bạn hữu, cả những việc về sức khoẻ, thày lang, những người quá cố, người công nhân và ông thư ký “hãy tán dương danh Chúa ngợi khen chúc tụng Người, hãy đàn ca mà dâng lời cảm tạ” (Hc 39,15).

Bài ca tụng đức khôn ngoan trong thiên nhiên với những cái khốn khó của đời người. Lòng kính sợ Chúa cùng với sự ăn năn và sự chết. Con cái những người công chính và những kẻ gian ác. Những gì làm xấu hổ, những gì không. “Mọi việc Đức Chúa làm đều hoàn toàn tốt đẹp, mỗi mệnh lệnh Người ban sẽ được thi hành đúng thời đúng lúc. Không có lý do gì để hỏi: chuyện gì thế ? và sao lại sảy ra? vì đến thời đến buổi mọi chuyện sẽ có lời giải đáp “(Hc 39,16).

Tóm lại phần này tác giả muốn nhắn nhủ với bản thân chúng ta phải tránh tội lạc quan, khôn khéo dè dặt trong mọi cách sinh hoạt hàng ngày. Bởi đức khôn ngoan là cái gì cao quí nhất mà người ta theo đuổi.

 

  1. Phần III: Đức khôn ngoan trong thiên nhiên và trong Israel

Ca tụng đức khôn ngoan, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, những hiện tượng trên trời và những công trình của Thiên Chúa thì vượt quá sức khen tụng “Người ra lệnh truyền, tuyết liền xa xuống. Người phóng những tia chớp làm phán quyết của Người ” (Hc 43,13).

 

Tán dương những nhân vật nổi tiếng của Israel: các tổ phụ, các vị lãnh đạo, các vị tư tế, các tiên tri. Đặc biệt là thượng tế Si-mê-on khi hành lễ. Ngoài ra còn đề cập đến những nòi giống đáng ghét. “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ ”(Hc 44,1). “ Phúc ai nghiền  ngẫm những lời này! Ai ghi vào tâm khảm, ắt sẽ được khôn ngoan ”(Hc 50,18).

Tóm lại trong sách Huấn Ca đề cập đến rất nhiều khía cạnh của đời sống:

– Với Thiên Chúa phải tin tưởng phụng thờ. Tác giả rất chú trọng đến các lễ nghi tôn giáo, nhưng luôn đòi hỏi những cái đó là phải phản ảnh lòng thành kính của con người, (x Hc 34,18 ; 35,13 ).

– Với chúng ta: phải tránh tội lạc quan, khôn khéo, dè dặt, … Đức khôn ngoan là cái  gì cao quí nhất mà người ta có thể theo đuổi (x Hc1;14,20;15,10). ở chương 24 là đỉnh cao của Huấn Ca trình bày đạo lý tổng hợp về đức khôn  ngoan đảm nhận vai trò riêng của mình trong cuộc tạo dựng vũ trụ và trong lịch sử cứu độ. Gợi lại rất nhiều trong sách Cựu Ước, tác giả muốn giải thích ý nghĩa của quá khứ. Chắc chắn Ga 1,1-18 đã lấy hứng từ bản văn nổi tiếng này để nói về Lời Thiên Chúa và thần học ki tô giáo đã mượn công thức từ đây để trình bày về Thiên Chúa Ba Ngôi. Cũng như diễn từ khác của đức khôn ngoan (x Cn 1,20-33; 8,1-39 ;9,1-6) và các lời ca tụng đức ấy (x G 28; Br 3,9; 4,4) ở đây chỉ là những kiểu nói thơ phú nhân cách hoá một ưu phẩm Thiên Chúa, ưu phẩm xuất hiện rõ nét nhất trong luật Mô-sê. Do đó mà trong dân Do-thái giáo muộn thời người ta đi tới ý niệm cho rằng lề luật đã có trước từ muôn thủa thì cũng chẳng lạ.

– Với người khác: Huấn Ca có rất nhiều lời khuyên dạy phải thương giúp người túng thiếu (x Hc 3,30; 4,10; 7,32-36; 29,8-13). Về tình bạn, tác giả nói: đó là một điều rất có ích, nhưng ta cũng phải dè dặt. Về gia đình, tác giả cũng nói nhiều đến cha mẹ, con cái, vợ chồng, trong xã hội tác giả khuyên kính trọng quyền bính, cư xử khôn ngoan lịch sự, giữ lời nói…trong cuộc sống hàng ngày.

 

IV. THẦN HỌC TRONG HUẤN CA

– Huấn Ca là một tác phẩm khôn ngoan, tiếp nối một truyền thống lâu đời của Israel nói chung, và cách riêng chịu ảnh hưởng của sách Gióp và Châm Ngôn.

– Với bản chất đức khôn ngoan, thì chương 24 cho thấy đức khôn ngoan tự nói về mình là mình xuất phát từ miệng Đấng tối cao, nghĩa là Huấn Ca cũng không nói gì mới so với các sách khác.

– Về vận mạng của con người và vấn đề thưởng phạt, tác giả Huấn Ca cũng không đi xa hơn các vị tiền bối của ông. Ông đề cao hạnh phúc của hiền nhân, nhưng ông bị ám ảnh bởi tư tưởng cái chết và biết rằng tất cả đều tuỳ thuộc vào đấy: “Trong ngày mệnh chung, trả cho con người theo lối họ đã sống, đối với Đức Chúa thật là dễ dàng” có thể nói: Ông linh cảm đạo lý về “những sự sau hết” (x. Hc 1,13; 7,36; 28,6; 41,9). Nhưng ông chưa biết Thiên Chúa sẽ thưởng phạt người  ta thế nào có lẽ  trong sự tù túng về tư tưởng như thế, ông đã nhấn mạnh đến cái chết nghiệt ngã với cung cách có phần quá đáng ở một vài chỗ (Hc 40,1-11).

– Thiết tưởng phần đóng góp tích cực của ông Ben-xi-ra ở đây là ông đồng hoá đức khôn ngoan với lề luật Môsê. Như thế ông hội nhập hai trào lưu khôn ngoan và pháp luật lại với nhau.

– Hơn nữa, đối với ông tuân thủ luật pháp là thi hành cặn kẽ các chi tiết  phụng tự. Từ đây người công chính và bậc khôn ngoan cũng chỉ là một. Đó là kẻ kính sợ Đức Chúa và thực thi mọi điều Chúa muốn. Nói cách khác, họ học hỏi lề luật và tìm kiếm khôn ngoan từ đây sẽ chỉ là một công tác duy nhất. Các đức tính và vai trò của đức khôn ngoan  được tác giả quy về cho luật Môsê về nguồn gốc thần linh, việc tham gia tạo dựng, được nhân cách hoá. Có thể rằng quan niệm này của tác giả về mối tương quan khôn ngoan lề luật là câu trả lời độc đáo cho những thắc mắc cho phong trào Hylạp hoá đặt ra cho Israel lúc ấy.

– Một điểm khác biệt nữa so với các bậc khôn ngoan tiền bối là tác giả Huấn Ca suy nghĩ về lịch sử thánh trong tương quan với đức khôn ngoan. Ông chưng lại những khuôn mặt vĩ đại nhất của Cựu Ước, từ Khanốc đến Nơ-khe-mi-a ông không ngần ngại lên án nghiêm khắc một số các vị ấy theo kiểu Đệ Nhị Luật, kể cả vua Salômôn, người khôn ngoan bậc nhất. Dù sao thì nói chung, ông cũng hãnh diện về quá khứ của dân tộc ông, nhất là thích thú nói về các bậc thánh nhân và gợi lại những kỳ công Thiên Chúa đã dùng các ngài mà thực hiện. Trong số các vĩ nhân đó, ông đặc biệt lưu ý tới các ông Aharon và Pinkhát, vì ông rất coi trọng chức tư  tế. Tuy nhiên, việc gợi lại quá khứ huy hoàng không khỏi  không gây một cảm giác buồn và lo lắng cho hiện tại của dân tộc. Cho  nên khi nói tới các thủ lãnh và ngôn sứ nhỏ, ông cầu mong “ước chi từ nơi an nghỉ, xương cốt các ngài lại nở hoa!”.

– Ôn lại lịch sử thánh và đề cao ý niệm Giao Ước, nhưng niềm hy vọng cánh chung của ông Ben-xi-a rất là nghèo chỉ giới hạn vào đời này, trong lãnh vực chính trị dân tộc mà thôi. Đành rằng trong lời cầu nguyện ở chương 36,1-17 ông nhắc lại cho Thiên Chúa nhớ đến các lời hứa của Người mà thương đến Sion và quy tụ các chi tộc của Giacóp lại, và ông tin tưởng rằng ơn giải  thoát sẽ đến, nhưng xem  ra sự giải thoát này đối với ông cũng chỉ là lui lại cho việc trung thành với lề luật chứ không phải công trình của một vị Messia cứu tinh cho dòng họ Đavít. Điều này quả là lạ, bởi vì vào thời tác giả Huấn Ca, các tư tưởng về Đấng thiên sai phải đã  được khai triển rộng rãi tại Israel rồi.

Dầu sao thì ông Ben-xi-ra cũng là đại diện xuất sắc cho các người đạo đức (các “Kha-xa-din” trong 1Mcb 2,42; 7,13; 2Mcb14,6) những người sau đó ít lâu sẽ bảo vệ đức tin của họ chống lại vua Antiôkhô IV cho đến cùng và sẽ duy trì  được trong dân Israel những nhóm người  trung thành với Thiên Chúa, làm thành thửa đất tốt cho lời Đức Kitô trổ sinh sau này.

 

V. BÀI HỌC

Đối với chúng ta ngày nay, các sách Giáo Huấn của Cựu Ước vẫn rất quan trọng. Những lời giáo huấn vẫn soi sáng chúng ta vì nó là lời Chúa, sách Giáo Huấn vẫn giúp chúng ta hiểu Tân Ước, hiểu mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, vì các tác giả sách Tân Ước cũng đã tìm hiểu mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô nhờ ánh sáng từ các sách này. Đồng thời  các sách Giáo Huấn cũng dạy chúng ta suy nghĩ về thế giới, về con người, về cuộc sống hôm nay dưới ánh sáng của đức khôn ngoan là chính lời Thiên Chúa đã làm người, cắm lều ở giữa chúng ta và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Đối với sách Huấn Ca còn một ít khuyết điểm vì mạc khải thời đó chưa tới chỗ hoàn toàn ( ví dụ: chưa có quan niệm về cuộc sống mai sau) nhưng giáo huấn của Huấn Ca khá đầy đủ thực tế, vì thế ngày xưa Giáo Hội quen dùng để dạy người dự tòng. Tác giả vừa nghiêm nghị vừa lạc quan, và đã tìm thấy một thế quân bình giữa tự nhiên và siêu nhiên, một sự hoà hợp giữa lòng đạo đức tin tưởng nơi Thiên Chúa và sự tín nhiệm vào khả năng tự nhiên của con người.

Qua sách Huấn Ca cho ta thấy được giá trị của đức khôn ngoan “tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa” (Hc1,1) ở Huấn Ca đức khôn ngoan được liên kết với lòng kính sợ Đức Chúa.  Huấn Ca còn cho ta thấy một điểm nổi bật nữa là nói về người phụ nữ, mà con người biết trước tiên chính là mẹ của mình và chúng ta phải tôn kính như người cha vì cả hai thay mặt Thiên Chúa “cha con, con hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau” (Hc7,27). Ngoài ra còn cho thấy những lời giáo dục  các thiếu nữ và nỗi lòng lo lắng của cha mẹ (x Hc 42,9-10) với người vợ tác giả trình bày rất rõ nhiều khía cạnh đó là lanh lẹ, kín đáo, đoan trang, thanh khiết, coi sóc gia đình, là những ưu điểm làm cho chồng được hạnh phúc. Tác giả còn đề cập đến ngoại tình và đĩ điếm cũng là một tệ nạn không kém phần nguy hại vì nó làm băng hoại đời sống luân lý phá vỡ đời sống hạnh phúc gia đình, cộng đồng và xã hôi, tác giả còn đề cập đến những sự hiểm ác của đàn bà “tôi thà ở chung với sư tử hay rắn rết, còn hơn chung sống với người đàn bà xấu xa” (Hc 25,16).

Qua giáo huấn trên đây ông Ben-xi-ra muốn ngỏ lời với người sẽ làm chồng làm cha trong gia đình. Trong bối cảnh xã hội Do-thái và văn hoá Hylạp bấy giờ, ông kêu gọi người trẻ phải có vị thế trong xã hội nhờ một người bạn đời hoàn hảo anh phải đón nhận viên ngọc quý này như một hồng ân Thiên Chúa ban cho những ai kính sợ Người (x Hc 26,3.14) tuy nhiên, tác giả cũng biết con người yếu đuối và tình dục lại phũ phàng ông đưa ra những lời khuyên thật khôn ngoan, những lời ăn sâu trong truyền thống Kinh Thánh và trong kinh nghiệm sống, cho dù ông có phần nào quên đi tính hỗ tương của tình yêu hôn nhân trong Tân Ước sau này.

Đối với chúng ta: là những người theo Chúa trên con đường muốn trở thành đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nên giáo huấn về khôn ngoan trong Huấn Ca, giúp chúng ta phần nào học tập được sự khôn ngoan để áp dụng trong đời sống tu trì, biết khôn khéo vận dụng trong lời nói để rao giảng Tin Mừng, biết khôn ngoan để tránh xa tội lỗi, khôn ngoan sẽ mang lại những thành quả tốt đẹp cho ai chịu khó trau rồi để áp dụng trong việc sửa dạy và cho cả những ai theo Chúa không bỏ cuộc trong thử thách và không rút lui trước chướng ngại, khó khăn, dù điều kiện xã hội và hoàn cảnh ở bất cứ nơi đâu là gì đi nữa, thì sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã truyền tải qua chúng ta, để chúng ta sử dụng bằng cách thế như thế nào đó để biến đổi và ngấm sâu vào đời sống chúng ta, giúp chúng ta thành công trên hành trình theo Chúa Kitô. Qua sách Huấn Ca còn có những điều con chưa hiểu hết  nhưng qua những gì mà con học được trên lớp và bài làm này, giúp cho phần nào con hiểu thêm Kinh Thánh Cựu Ước nói chung, sách Huấn Ca nói riêng và nhất là về sự khôn ngoan, các kinh nghiệm trong cuộc sống để con áp dụng trong đời sống tu trì hầu đem lại những kết quả tốt đẹp trên con đường theo Chúa Kitô.

Nguồn tin: Học Viện Đaminh

print