Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh

KHAO KHÁT CHÚA

Cầu nguyện bằng thánh vịnh[1]

Giới thiệu:

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

                                  Linh mục Mỹ Sơn giáo phận Long Xuyên

Bài một

CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH

Các thánh vịnh

Phát xuất từ kinh nghiệm hằng ngày của một dân tộc, các thánh vịnh diễn tả tình bạn giữa Thiên Chúa và con người bằng những lời đơn sơ và thắm thiết.

Các thánh vịnh là những lời cầu nguyện, là sự hướng lòng lên Chúa, được dân Chúa hát lên. Đó là những lời cầu nguyện được cất lên thành bài ca, nên nó không chỉ đơn giản được thốt ra từ đôi môi, mà còn từ toàn thể con người với mọi cảm xúc và trí tưởng tượng. Để nhận ra sứ điệp của chúng, các thánh vịnh phải được hát lên, ít ra trong nội tâm. Nếu nghe hát thánh vịnh trong những hội đường ở Palestine, bạn có thể nắm bắt được sức mạnh và sức mạnh của bản văn thánh vịnh. Mỗi từ, mỗi hình ảnh, mỗi biểu tượng phải được tập trung suy gẫm, vì mỗi cái đều diễn tả sự phong phú của riêng nó. Nói rằng thánh vịnh nói với tôi điều này điều nọ, không đủ đâu, điều quan trọng là thánh vịnh nói với tôi cách nào, nó làm tôi rung cảm ra sao; như thế, thánh vịnh là một lời cầu nguyện được đón nhận với sức mạnh của thi ca từ đó nó phát xuất ra.

Trong thánh vịnh, chúng ta thường gặp thấy kẻ thù và bạn hữu, sự sống và cái chết, sức khoẻ và bệnh tật, nỗi đau và niềm vui. Ngôn từ của thánh vịnh có sự cứng rắn của đá, thi ca của thánh vịnh như những tảng đá được đẽo gọt bằng những nhát búa. Chúng ta còn đọc thánh vịnh bởi vì qua thánh vịnh, Thiên Chúa nói với chúng ta và làm cho chúng ta nói lên; Người dạy chúng ta nói với Người qua các thánh vịnh; Thiên Chúa nói với Thiên Chúa. Trong truyền thống Kitô giáo, chính Đức Giêsu Kitô đã nhờ thánh vịnh mà nói với Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô đặt vào môi miệng Hội Thánh những lời đích đáng, Người đặt vào môi miệng những người khổ đau, ở mọi thời, những lời mà chính Thiên Chúa đã linh ứng cho Người và những lời mà Thiên Chúa làm nảy sinh trong lịch sử cứu độ.

Đó là những lời cầu nguyện của con tim, được Thiên Chúa là Đấng biết rõ tâm hồn con người tạo ra. Sách thánh vịnh là như vậy, 150 thánh vịnh làm thành một quyển sách rất nhỏ.

Các thánh vịnh nói một chút về mọi vấn đề: từ sự than vãn cá nhân đến những bài ca chiến thắng, hoặc ca tụng đức vua, hoặc tuyên dương vinh quang Thiên Chúa, hoặc diễn tả những giây phút mừng vui.

Mọi khía cạnh văn hoá, tôn giáo, dân sự, xã hội của Israel đều có trong các thánh vịnh.

Còn ngày nay các thánh vịnh nói gì với chúng ta? Tôi tin rằng các thánh vịnh chứa đựng ít nhất 3 bí mật:

– Khả năng giúp chúng ta đọc được công trình của Thiên Chúa trong thế giới, xét như là một điễn tả sự gần gũi và tình bạn của Thiên Chúa với các tạo vật của Người.

– Khả năng đọc được tâm hồn con người trong chiều sâu của nó, để dẫn đưa mọi niềm vui và mọi khó khăn đến tin tưởng và niềm hy vọng của những người tin vào Thiên Chúa.

– Khả năng đọc thông suốt lịch sử của một dân tộc để qua đó khám phá ra chương trình của Thiên Chúa được thực hiện, Người là Đấng kêu gọi mọi người đến với ơn cứu độ, đến với hạnh phúc.

Vài khó khăn khi cầu nguyện bằng thánh vịnh

Từ ba ngàn năm nay, cầu nguyện từ thánh vịnh đã là lời cầu riêng của người Do thái và người Kitô hữu, các tín hữu bình dân, tu sĩ và thánh nhân.  Vì vậy, điều quan trọng là tự hỏi: ngày nay, chúng ta còn có thể cầu nguyện bằng thánh vịnh không? Bởi vì thánh vịnh vốn vẫn thuộc về truyền thống do thái và kitô giáo từ lâu đời.

Có thể có nhiều phản bác, như:

– Các thánh vịnh rất khác với chúng ta về ngôn từ, những ám chỉ lịch sử, não trạng, văn hoá. Rất đúng và gần như là một phép lạ khi sử dụng những lời cầu nguyện đã được viết ra cách đây cả 3 ngàn năm: sự sử dụng quen thuộc như vậy chưa từng thấy trong bất cứ bản văn cổ nào khác. Chúng ta lấy các thánh vịnh làm lời cầu nguyện của chúng ta vì đó là những lời cầu nguyện của Thiên Chúa, và đồng thời cũng là lời cầu nguyện đích thực, sâu xa của con người vì các thánh vịnh gợi lên những tình cảm và những thái độ nền tảng của con người: đau khổ và niềâm vui luôn hoà quyện với nhau. Đau khổ và niềm vui không bao giờ biến mất khỏi trái đất: như vậy, chúng ta luôn luôn có thể cầu nguyện bằng các thánh vịnh.

– Các thánh vịnh thường có vẻ nghèo nàn. Đúng, vì đó là những bài thi ca cổ, và như vậy chỉ nói lên điều cốt yếu, hơi trúc trắc, nhưng không kỳ cục và tàn lụi. Tuy nhiên, chính nhờ sự mộc mạc mà các thánh vịnh đáp ứng được sự mộc mạc, chân thành của trái tim con người.

Các thánh vịnh có chút gì đó giống như những đường mòn trên núi, rất giản đơn nếu người ta cất bước trong tuyết, và chúng sẽ dẫn đến đỉnh. Đó là những đường mòn dẫn lên đỉnh nơi gặp gỡ Chúa.

Làm thế nào đọc các thánh vịnh cách hiểu biết và tập trung chú ý

Để đọc các thánh vịnh cách hiểu biết, ít ra phải nghiên cứu các thánh vịnh chút ít, đồng thời xem xét rất nhiều đoạn thánh vịnh được Tân ước trích dẫn. Các thánh vịnh, cùng với sách Xuất hành và sách ngôn sứ Isaia là những sách được trích dẫn nhiều nhất. Và khi Tân ước đề cập đến thì cũng giải thích, điều đó giúp chúng ta hiểu các thánh vịnh hơn.

Đó không đơn thuần là những lời cầu nguyện còn giữ được sự phong phú qua các thế kỷ, nhưng là những lời cầu nguyện của dân Thiên chúa đang lên đường hôm nay, và chúng nói với chúng ta những gì chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa, và những gì chúng ta phải khát khao và hy vọng.

Tuy nhiên, cũng phải thú thực rằng khi đọc các thánh vịnh trong phụng vụ giờ kinh, chúng ta không luôn nhất thiết cảm thấy sốt sắng. Có thể vì chúng ta mệt mỏi, hoặc có thể, vì cầu nguyện mỗi ngày, nên chúng ta không còn nếm được hương vị của các thánh vịnh. Lúc đó, chúng ta nên theo hướng dẫn của thánh I-nha-xi-ô. Ngài đưa ra nhiều cách thế cầu nguyện (xem cuốn “Linh thao” (exercices spirituels), số 249-260).

Tôi phân biệt 3 thời điểm, áp dụng cho mọi lời cầu nguyện thành tiếng:

– Trong cuộc sống, có những giờ phút căng thẳng đặc biệt về đời sống thiêng liêng, hoặc giờ phút đầy thống khổ, lúc đó, như Chúa Giêsu trên thập giá, mỗi từ của thánh vịnh chứa đựng một ý nghĩa cứu độ sâu xa, nuôi dưỡng và nâng đỡ chúng ta. Khi đọc thánh vịnh, chúng ta có thể ngừng lại lâu giờ khi gặp một từ nào đó đánh động chúng ta, khi nó diễn tả tâm trạng của chúng ta, ước mong được tha thứ, nâng đỡ, hy vọng, khi nó diễn tả niềm vui của chúng ta và làm chúng ta cảm thấy hết sức sốt sắng.

– Cũng có những giờ phút tĩnh lặng, lúc đó, khi đọc thánh vịnh, chúng ta không cảm thấy nhu cầu phải hiểu sâu xa ý nghĩa của mỗi câu. Tâm trí chúng ta, lòng chúng ta được bao bọc, có thể nói như vậy, bởi những từ và chúng ta cảm nghiệm một sự sốt sắng vừa mạnh mẽ vừa bình thản.

– Giờ phút hay cách thế thứ ba của cầu nguyện từ từ hé lộ cho tôi. Cách nay đã nhiều năm, khi ấy, tôi là khách trong một tuần lễ của tu viện hy lạp chính thống trên núi Athos và, dĩ nhiên, tôi tham dự các giờø cầu nguyện của các tu sĩ.

Chúng tôi thức vào lúc 2 giờ sáng và, sau khi mỗi người cầu nguyện riêng một tiếng đồng hồ trong phòng của mình, chúng tôi xuống cung thánh để đọc thánh vịnh, cho tới 6 hoặc 7 giờ. Chúng tôi đọc thánh vịnh rất nhanh, tôi không hiểu sao lại đọc nhanh như vậy, giống như khi người ta cầu nguyện ở hội đường.

Thoạt đầu, tôi cảm thấy bối rối, nhưng kế đó, khi tìm hiểu để biết rõ hơn linh đạo của các Giáo hội Đông phương, tôi hiểu ra giá trị của cách cầu nguyện này.

Đối với những người Đông phương, chỉ cần thốt lên lời của Thiên Chúa cũng đủ để thanh tẩy miệng lưỡi và con tim.

Như vậy, tôi nhớ lại có những giờ phút, có những trường hợp, nhất là khi chúng ta bận rộn ngàn muôn công chuyện, muốn bỏ không đọc kinh nguyện, lúc ấy, chúng ta nên biết rằng chỉ cần đọc thánh vịnh lên thôi cũng đủ để thanh tẩy miệng lưỡi và tâm hồn chúng ta.

Đàng khác, đó là điều thường xảy ra khi chúng ta lần hột: chúng ta không chú ý tới mỗi lời của kinh Kính Mừng Maria, nhưng chính sự lập đi lập lại thanh tẩy tâm hồn, và đem lại cho chúng ta sự yên tĩnh và bình an.

Như mảnh đất, trong đó những bông hoa cầu nguyện lớn lên nhờ bàn tay của Thiên Chúa, chúng ta hiến dâng mảnh đất và đó cũng là một cách thế cầu nguyện sốt sắng.

Như vậy, có nhiều dịp và nhiều cách thế cầu nguyện khác nhau, và Chúa sẽ khơi gợi cách thế và giây phút thích hợp nhất với thái độ nội tâm hoặc tâm trạng mà chúng ta đang có.

(còn tiếp)


[1] Chuyển ý từ Carlo Maria Martini, “Le désir de Dieu, Prier les psaumes”, Cerf, Paris, 2004. Nhóm dịch thuật.

print