Khát Khao Gặp Chúa     

print

 Khát Khao Gặp Chúa

     CN 5 Chay B

Trong ba câu đầu của Phúc Âm Chúa nhật hôm nay (Ga 12,20-22), Thánh Gioan đã kể lại lời giới thiệu về Chúa Giêsu. Khi Người long trọng tiến vào Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua lần cuối cùng và cũng là chuyến từ giã thế gian để về cùng Cha, có những người Hylạp khi được nghe giới thiệu, họ đã muốn tìm gặp Người. Họ là dân ngoại có cảm tình với Do thái giáo “Họ lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa dịp Lễ Vượt Qua“. Những người dân ngoại này tìm gặp Chúa Giêsu không chỉ để trông thấy mà thôi, mà còn muốn gặp để chuyện trò đàm đạo với Người. Họ đang bước tới trên con đường đức tin.

Họ đến gần Philipphê và xin ông giới thiệu để gặp Chúa Giêsu. Philipphê đi nói với Anrê. Cả hai ông đến thưa với Chúa. Ở đây ta thấy tầm quan trọng của vai trò trung gian, của người giới thiệu, đến với Chúa cần có người giới thiệu, người dẫn đường.

Những người Hy lạp năn nỉ Tông đồ Philípphê: Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp Thầy Giêsu. Người Hy lạp ái mộ “muốn gặp Đức Giêsu”(Ga 12,21). Như thế họ đã có lòng khâm phục và muốn tin tưởng vào Chúa. “Trong Tin Mừng Gioan, gặp có nghĩa là tin. Đức Giêsu cho biết họ sẽ gặp Người nếu họ tin vào Người ngang qua cái chết” (Disciples in Mission 1999:22). Nghĩa là họ sẽ gặp Người trong vinh quang trên khổ giá. Bởi vậy thay vì trả lời trực tiếp, Đức Giêsu đã nói lên một sự thật. Giờ gặp Người là lúc Người bước vào vinh quang: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Nhưng vinh quang đó phải ngang qua khổ giá. Đúng hơn, chính trên khổ giá, chính lúc chương trình cứu độ được thực hiện, vinh quang Thiên Chúa tỏa sáng. Niềm tin của những người Hy lạp phải ngang qua thập giá mới đạt được. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu nói với các môn đệ về sự thật trên bước đường theo Người. (Lm. Giuse Đỗ Vân Lực).

Chúng ta có ao ước gặp Chúa Giêsu không?

Để trả lời, trước hết nên tự hỏi lòng mình: tôi có yêu mến Chúa Giêsu không? Nếu thực sự tôi yêu mến Chúa, tôi rất ước muốn, khao khát gặp gỡ Người, và tôi sẽ tìm mọi cách để gặp Người cho bằng được. Dĩ nhiên, tôi cũng biết rằng, không giống như khi Chúa Giêsu còn tại thế, lúc mà những ai ao ước trông thấy Người, có thể thấy bằng mắt phàm; còn bây giờ tôi chỉ có thể thấy Chúa bằng con mắt đức tin, gặp Chúa bằng đức tin. Và nếu tôi ao ước thấy Chúa, gặp gỡ Chúa bằng đức tin, thì tôi sẽ toại nguyện, vì Chúa đã dạy rõ ràng : ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho.

Thứ đến, Chúa luôn hiện diện cho chúng ta gặp Người, đặc biệt là trong Thánh lễ. Gặp gỡ Chúa khi dâng lễ mới là quan trọng. Chính vì thế mà khi Anrê và Philípphê đến thưa với Chúa Giêsu ước nguyện của mấy người Hy lạp, thì Chúa lại hướng các môn đệ đến Giờ Tử Nạn Phục Sinh của Người. Chúa bảo, đã đến giờ Con Người được Tôn vinh, rồi Người lại nói đến hạt lúa mì gieo xuống đất phải chết đi mới sinh nhiều hạt khác. Và bấy giờ Người mới mời gọi ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó!. Như vậy là Ý của Chúa Giêsu đã rõ. Người hướng tất cả những ai muốn gặp Người, trong số đó có chúng ta, đến Giờ Tử Nạn Phục Sinh. Nơi đó, lúc đó chúng ta sẽ gặp được Chúa. Điều đó không có nghĩa là phải đợi đến ngày lễ Phục Sinh, chúng ta mới gặp được Chúa. Chúng ta cùng nhau gặp Chúa ngay bây giờ khi cùng nhau cử hành Thánh lễ, và đón Chúa đến với chúng ta trong lòng Giáo Hội. Với đức tin, chúng ta gặp được Chúa trong mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh.

Chúa Giêsu đến trong Thánh lễ là Đấng đã chịu đóng đinh và chịu chết vì chúng ta, đã mặc lấy thân phận loài người như chúng ta, đã trải qua nhiều đau khổ, đã xin Thiên Chúa Cha cứu mình khỏi chết như lời thư gởi tín hữu Do Thái. Nhưng cuối cùng Người đã vâng phục Chúa Cha, sẵn sàng chịu chết. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã tôn vinh Người, cho Người sống lại từ cõi chết.Đó là mầu nhiệm Giáo Hội tuyên xưng và cử hành trong mỗi thánh lễ, là bí tích Giao ước mới và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với nhân loại nhờ Máu của Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá, làm cho chúng ta thành Dân riêng của Thiên Chúa. Thánh lễ là bí tích của sự gặp gỡ, là bí tích của tình bằng hữu giữa Thiên Chúa và chúng ta nhờ Chúa Giêsu. Mỗi lần đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, hãy nhớ câu nói của mấy người Hylạp: Chúng tôi muốn được gặp Thầy Giêsu. (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Philípphê và Anrê là những người đầu tiên chia sẻ kinh nghiệm và đưa những người khác đến với Chúa (1,35-46). Bổn phận người môn đệ phải chu toàn trong đời sống là làm trung gian để cho nhân loại có thể gặp gỡ Chúa Giêsu.Thế giới ngoại giáo chưa hề biết trực tiếp Chúa Giêsu, mà chỉ nhờ lời rao giảng của các tông đồ: người ngoại đã “thấy” Chúa Giêsu nhờ Tin Mừng được rao giảng cho họ. Nhưng giữa ước muốn được “thấy” Chúa Giêsu và việc “gặp” Người còn có cuộc Thương Khó-Chết-Phục Sinh của Chúa nữa. Chỉ khi đó họ mới bắt đầu những kinh nghiệm đầu tiên về niềm tin chân chính vào Đức Kitô hằng sống, là những kinh nghiệm không thể có được trước Phục Sinh.

Hôm nay, Giáo xứ chúng ta có nghi thức tiếp nhận các anh chị em Dự Tòng gia nhập vào Giáo hội. Đây là những lương dân thiện chí muốn trở nên Kitô hữu.Họ khao khát chân lý. Họ mong muốn tìm gặp Chúa Kitô và đón nhận tình yêu của Người. Sau những ngày tháng học hỏi về giáo lý, họ được tiếp nhận vào cộng đoàn và chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trong Đêm Vọng Phục Sinh để trở thành con cái Chúa.

Kính thưa anh chị em Dự Tòng.

Trở thành Kitô hữu không chỉ là gia nhập vào cộng đoàn giáo xứ,chấp nhận giáo lý của Chúa Giêsu và Giáo hội mà còn quan trọng hơn là gặp gỡ Thiên Chúa và khám phá ra tình yêu vô bờ bến của Ngài trong chính cuộc đời mỗi người.

Thật ra, mỗi Dự Tòng đã được Thiên Chúa yêu thương. Ngài hiện diện trong cuộc đời mỗi người từ lầu rồi, mặc dù anh chị em chưa bao giờ nghĩ tới để nhận ra Ngài. Anh chị em tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng thực sự Thiên Chúa tìm kiếm anh chị em trước. Nhờ Ngài mà cuộc tìm kiếm của anh chị em thành tựu và hôm nay chúng ta đang gặp gỡ Ngài.

Một cuộc gặp gỡ,một tình yêu có thể làm đảo lộn cả một cuộc đời. Khám phá ra tình yêu Thiên Chúa trong đời mình quả là một biến cố vô cùng quan trọng.Trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, kể từ nay cuộc đời anh chị em sẽ thay đổi dần.Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời anh chị em. Hãy đón nhận Ngài với lòng tri ân cảm tạ. Cùng với Ngài anh chị em hãy bắt đầu một cuộc sống mới. Đó là cách tốt nhất để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho anh chị em.

Kính thưa cộng đoàn.

Hôm nay giáo xứ chúng ta tiếp nhận các anh chị em Dự Tòng. Hạt giống đức tin đã ươm mầm và mọc lên. Biết bao công sức, bao nỗ lực của các hội đoàn, bao người đã dày công chăm sóc cho những hạt giống đức tin ấy để hôm nay Thiên Chúa cho mọc lên. 

Những Dự Tòng đây đến với Chúa, tin và gặp gỡ Ngài là nhờ lời giới thiệu và gương sống chứng tá của tất cả chúng ta.

Có biết bao người trở lại vì trước đây đã có những kỷ niệm đẹp về Đạo của Chúa. Có những người theo Đạo vì trước kia đã học trường Đạo. Có người khác theo Đạo vì đã có một ân nhân là người Công giáo. Cũng có những người cảm phục một tấm gương chứng tá của Phúc Âm. Có người lại nhận thấy đời sống người Kitô hữu trong gia đình, làng xóm tràn đầy tình bác ái.

Hôm nay giáo xứ chúng ta hân hoan thu hoạch một mùa lúa do công lao của biết bao người. Tạ ơn Chúa và tri ân những người truyền giáo âm thầm cho Giáo hội. Bổn phận giới thiệu Chúa cho người khác là một ân sủng Chúa ban.Khi giới thiệu Chúa cũng chính là lúc chúng ta thánh hoá bản thân mình.

Thiên Chúa là tình yêu.Vậy lời giới thiệu trung thực nhất phải là lời ca ngợi về một Thiên Chúa tình thương. Để nói về tình thương, chúng ta phải có kinh nghiệm về tình thương, ao ước và gặp gỡ Thiên Chúa tình thương. Cách chuyển thông chính xác nhất tình thương của Thiên Chúa là bản thân mỗi người yêu tha nhân với tấm lòng chân thành của mình.

Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả về Chúa Kitô rất ngắn ” Đây là Chiên Thiên Chúa.Đây Đấng xoá tội trần gian“. (Ga 1,29). Điều đó nhắn nhủ rằng: Để giới thiệu về Chúa chưa chắc đã cần nói nhiều.Vì nói nhiều chưa chắc đã là nói hay.Nói hay mà không đúng thì chỉ làm người nghe lạc lối. Để giới thiệu về Chúa cần nói đúng và sống điều mình rao giảng. Khuôn mặt đúng nhất của Chúa là tình yêu thương: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16) và tình yêu thương ấy là “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Chúng ta hãy là hạt lúa,đến mảnh đất nào thì gieo mầm xanh tình thương để mảnh đất ấy bừng lên sự sống xanh tươi, hứa hẹn một mùa gặt tốt đẹp.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An