Khí cụ cứu độ
Hôm nay chúng ta cùng chiêm ngắm một khí cụ mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại đó là biểu tượng của Thánh Giá. Thánh giá là một trong những biểu tượng tôn giáo được sử dụng rộng rãi nhất thế giới cho đến hiện nay. Chúng ta có thể bắt gặp biểu tượng này ở mọi nơi. Không chỉ trong các nhà thờ hay thánh đường, mà còn lan rộng ra các lãnh vực khác như phim ảnh, trang trí, trang sức, mỹ thuật, sách báo….
Thánh Giá mang một giá trị cao cả khi gắn liền với cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Thánh Giá chúng ta tôn thờ gồm hai thanh thẳng đan chéo vuông góc với hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh trên đó. Trước khi Chúa Giêsu chịu khổ hình, cây gỗ treo Ngài lên chỉ được gọi là cây thập giá. Đây là một công cụ của sự trừng phạt và là một biểu tượng của sự kinh dị, dùng để xử tử những người phản nghịch, dị giáo, nô lệ và những người không có quyền công dân của Đế quốc La Mã.
Theo Bách khoa toàn thư của người Do Thái, Thánh giá được sử dụng sớm nhất từ thế kỷ II. Khi đó, việc đánh dấu một Thánh giá trên trán và ngực đã được coi như một lá bùa chống lại quyền lực của ma quỷ. Tuy nhiên, sau khi Hoàng đế của Đế quốc La Mã Constantine ban hành đạo luật Milan vào năm 313, Thánh Giá được sử dụng như một biểu tượng của những người theo đạo Công Giáo. Đến thế kỷ VII, Thánh giá đã được chính thức treo lên trong các nhà thờ. Hiện nay, có nhiều loại Thánh giá được sử dụng như Thánh giá Hy Lạp (có hình như dấu +), Thánh giá Latin (có thanh đứng dài và thanh ngang ngắn hơn), Thánh giá chữ T (giống chữ T)… Trong đó, Thánh giá Latin được công nhận rộng rãi nhất và được sử dụng trong nhiều thế kỷ như là một biểu tượng của đạo Thiên Chúa.
Mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá hôm nay chúng ta cùng lắng nghe câu chuyện “cây Thánh Giá làm phép lạ” để cùng tạ ơn và củng cố thêm cho đức tin của mỗi chúng ta. “Cây thánh giá phép lạ, được dân thành Rome gọi là “Miraculous Crucifix”, được lưu giữ trong nhà thờ Thánh Marcellus (San Marcello al Corso) trên đường Corso, thủ đô nước Ý. Ðược làm bằng gỗ vào thế kỷ 15, cây thánh giá là vật duy nhất còn sót lại trong cơn hỏa hoạn san bằng toàn bộ nhà thờ vào năm 1519. Vụ cháy đã thiêu rụi mọi thứ, nhưng vào sáng hôm sau, trong lúc đống đổ nát vẫn còn nghi ngút khói, mọi người lại tìm thấy cây thánh giá trong tình trạng còn nguyên vẹn không hề hấn gì. Một cây đèn dầu nhỏ vẫn còn cháy le lói dưới chân thập giá.
Cảnh tượng này gợi lên sự xúc động ở những người chứng kiến, và một số tín hữu bắt đầu tụ tập tại đây vào mỗi chiều thứ Sáu, cùng cầu nguyện, suy tôn thánh giá. Ba năm sau trận hỏa hoạn ở nhà thờ Thánh Marcellus, dịch hạch tràn đến Rome. Trong cơn tuyệt vọng, các tín hữu nảy ra sáng kiến tổ chức cuộc rước “cây thánh giá phép lạ”.
Trong lúc nhiều người ngã bệnh và con số tử vong gia tăng, cây thánh giá được rước khắp thành Rome hướng về Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phêrô. Cuộc rước được thực hiện trong 16 ngày. Trong quá trình này, dịch bệnh có dấu hiệu lui dần, và mỗi khu nhà đều luôn muốn lưu giữ cây thánh giá lâu hơn trong lúc rước. Cuối cùng, khi cây thánh giá quay lại nhà thờ Thánh Marcellus, dịch bệnh chấm dứt.
Thánh Giá giờ đây có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi Kitô hữu chúng ta. Khi chúng ta làm dấu Thánh Giá, Thánh Giá trở thành dấu chỉ thuộc về, biểu tượng Thánh Giá muốn nói lên sự hiện diện của Đức Kitô và cũng chính là sự thuộc về Đức Kitô. Cho nên khi chúng ta chọn Thánh Giá là lúc chúng ta tuyên xưng từ bỏ tà thần để bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh, bước vào con đường hẹp mà Chúa đã đi. Bên cạnh đó Thánh Giá còn mang dấu chỉ chữa lành không chỉ phần xác nhưng còn là dấu chỉ của nguồn ơn cứu độ, chính Chúa Giêsu đã chọn và bước lên để hiến dâng mạng sống Ngài cho chúng ta, để từ nơi ấy chảy ra mạch nước sự sống, cứu sống mỗi người chúng ta khỏi cái chết đời đời. Thánh giá còn mang ý nghĩa như là khí cụ Chúa Giêsu dùng để chiến thắng sự dữ, chiến thắng ma quỷ, thay cho mọi khí cụ mà chúng ta xem là lợi hại và hiện đại hơn. Nơi Thánh Giá chúng ta còn tìm thấy sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Giêsu với Chúa Cha, nơi Ngài là mẫu gương tuyệt vời để chúng ta luôn biết chọn thánh ý Chúa trong cuộc đời. Và cuối cùng Thánh giá là dấu chỉ tình yêu, một tình yêu đến cùng, khi Người treo thân trên đó và một tình yêu không điều kiện, một tình yêu vô vị lợi của Thiên Chúa dành cho loài người.
Thánh Giá giờ đây trở thành niềm hy vọng của mỗi Kitô hữu chúng ta, để dầu có trải qua những đau khổ, biến cố bi thương trong cuộc sống thì chúng ta dám can đảm chọn Chúa, chọn ý Chúa để bước theo, chúng ta tin chắc rằng phía trước của con đường chiến thắng vinh quang đang đợi chúng ta, đó chính là chiến thắng của Đức Kitô.
Lạy Chúa Kitô thập giá, chiêm ngắm thánh giá của Ngài, chúng con thật thẹn thùng xấu hổ vì tội phản nghịch, bất tuân, ích kỷ, tự mãn, vô ơn… nhưng Chúa đã chẳng bỏ rơi chúng con một phút giây nào, Chúa luôn ở đó không ngừng yêu thương và gọi mời chúng con trở về bên Chúa. Chúng con xin cảm tạ Chúa, chúng con xin tôn thờ Ngài mãi mãi và xin Chúa thương xót chúng con. Amen.
Bích Liễu