Khôn Ngoan Hay Khờ Dại

Khôn Ngoan Hay Khờ Dại

Chúa Nhật 32 Thường Niên năm A : Mt 25, 1-13

Suy niệm

Ðoạn Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta: Chúa đến bất ngờ như chú rể đến lúc nửa đêm, nên phải luôn sống trong thái độ tỉnh thức để đón chờ. Trong ý nghĩa đó, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn về mười cô trinh nữ đi đón chú rể đến, nhưng chỉ có năm cô khôn ngoan mới hỉ hoan đón mừng chú rể với đèn sáng trong tay, và cùng với chú rể đi vào dự tiệc cưới. Khôn ngoan vì các cô đã chuẩn bị đầy đủ đèn dầu, trong tư thế sẵn sàng dù chàng rể có đến khuya. Còn năm cô khờ dại, mang đèn mà lại không mang dầu, lúc chàng rể đến mới hối hả lo toan. Trong tình thế cấp bách, họ đành phải vay mượn các chị em kia. Nhưng đã tới thời điểm quyết định, mỗi người phải tự đủ cho mình, không ai còn có thể giúp ai, nên van nài cũng vô ích: “Các chị nên ra hàng mua thì hơn”. Nhưng rất tiếc là không còn kịp nữa, thời gian đã hết hạn, chàng rể đã đến, những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”, và cửa đã đóng lại. 

Đèn là biểu tượng của đức tin vốn soi sáng cho đời sống chúng ta, trong khi dầu là biểu tượng của đức mến vốn nuôi dưỡng, làm cho ánh sáng của đức tin sinh hoa kết trái, là đời sống thánh thiện. Điều kiện sẵn sàng để gặp gỡ Chúa là đức tin, nhưng đức tin không có hành động là đức tin chết, nên đức tin phải được thể hiện qua đức ái. Đi lễ không đủ mà còn phải dấn thân phục vụ. Giữ đạo không đủ mà còn phải sống đạo và truyền đạo. Kinh kệ không đủ mà còn phải liên đới với mọi tình cảnh của con người. Như vậy, khôn ngoan hay khờ dại không phải là một diễn biến trong chốc lát, nhưng nó đã được hình thành từ một quan niệm sống, và đã trở thành một lối sống. Nói cách khác, khôn ngoan hay khờ dại là do mình đã lựa chọn một cách sống. Sai lầm hay thiếu sót đều có thể rút kinh nghiệm để bắt đầu lại, nhưng rất tiếc, có những cơ hội qua đi không bao giờ trở lại, đã mất là mất mãi muôn đời.  

Khờ dại ở đây không phải là không biết điều mình phải làm, nhưng biết mà đã không làm; biết điều mình phải chuẩn bị nhưng đã không chuẩn bị, đến lúc cần thì không có, đến lúc làm thì đã quá muộn màng. Năm cô quên mang dầu cho ta thấy một cuộc sống cạn cợt, hời hợt, thiếu ý thức về điều quan trọng nhất. Chỉ lo trang điểm và chú tâm vào những chi tiết phụ thuộc bên ngoài, nên chẳng lạ gì mà quên sót điều chính yếu. Không thể biện minh cho thái độ quá chểnh mảng của mình trước một biến cố lớn lao nhất trên đời. Các cô khờ dại sau khi mua được dầu, cũng đến xin chủ tiệc mở cửa, nhưng mọi sự đã được quyết định rồi, có van xin cũng vậy thôi: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!”. Buồn thay, cùng là những bạn bè thân tình với nhau, nhưng rồi chỉ trong phút chốc mà số mệnh đành rẽ lối, cũng chỉ vì tính ơ hờ, không lo điều phải lo.

Ta không thể vay mượn nhân cách và vốn liếng đạo đức của người khác. Nhất thiết phải có những điều mình tự tạo lấy, không thể dựa dẫm vào ai được. Cổ nhân có câu: “Tự trợ giả Thiên trợ”. Không tự giúp mình thì Trời không thể giúp. Theo nghĩa đó, ngày Chúa đến cũng không phải là điều bất ngờ. Bất ngờ là vì mình đã không có điều mình phải có, không sống điều mình phải sống, không làm điều mình phải làm, nhất là chỉ lo thể hiện những cái không cần thể hiện. Chúa đã trách Matta: “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá, chỉ có một điều cần mà thôi”. Albert Einstein cũng minh định rằng: “Tôi chỉ muốn biết ý muốn của Thượng Đế là gì, những thứ còn lại không quan trọng”.

Điều quan trọng là ta coi trọng cái gì? Coi trọng điều không quan trọng là khờ dại. Chính cái ta coi trọng sẽ định hướng mọi hành vi của ta, và cũng từ đó phát sinh một thái độ sống trong mọi tương quan, với Chúa cũng như với tha nhân. Điều quan trọng là ta cần nhớ lời Chúa Giêsu căn dặn:“Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. Chẳng ai có thể tỉnh thức nếu thiếu một tình yêu nồng cháy. Tình yêu đó làm cho tâm hồn ta phát sáng trong mọi tình trạng, như đèn vẫn sáng vì luôn có đầy dầu. Thực tế, có những ngọn đèn đã hết dầu từ lâu, nên ta cứ phải chăm chút cho ngọn đèn của đời mình.

Tuổi trẻ có nhiều dự định phải thực hiện, nhiều ước mơ phải hoàn thành. Có bao giờ tôi dừng lại đôi chút để thấy dầu đèn của đời mình còn hay hết? Đức tin và lòng mến của tôi còn phát sáng không, hay chỉ liu riu mập mờ? Chẳng ai biết ngày giờ Chúa đến, nhưng Chúa vẫn bên tôi trong từng biến cố, nơi từng con người, qua từng công việc. Và biết đâu hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của đời tôi.“Hãy suy nghĩ như mình sắp chết, nhưng hãy hành động như mình bất tử” (Blanchecotte).

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Nhiều khi con thấy mình sao khờ dại,
như năm cô con gái trong Tin Mừng,
lo mang đèn mà lại chẳng mang dầu,
để đón chờ Chúa đến giữa đêm thâu.

Tuổi trẻ dễ cạn cợt và hời hợt,
thường chỉ lo trau chuốt cái bên ngoài,
mà ít biết trau dồi cái bên trong.
đâu phải con Công mà lo đẹp bộ lông.

Con lo nhiều cho những điều phụ thuộc,
mà rồi dễ quên đi điều chính yếu,
cứ loay hoay theo lối sống người đời,
nên phải đi theo thời chạy theo “mốt”,
mà không lo điều thật tốt cho mình,
để khi bất thình lình giờ Chúa đến,
nhìn lại mình thấy trơ trọi trống không,
lúc nhận ra đã quá trễ tràng rồi.

Nhiều khi con sống quá lơ mơ:
lo có những cái không cần có,
lo biết những cái không cần biết,
lo làm những cái không cần làm.

Xin cho con lo được Chúa trước tiên,
lòng tin mến quan trọng hơn mọi chuyện,
sống thánh thiện lớn lao hơn mọi điều,
đó mới thật là những gì chính yếu.

Đừng mơ chi đến những việc cao siêu,
Đừng đặt nặng về những gì còn thiếu,
cuộc sống không quá nhiều như con tưởng,
chỉ cần sống với tất cả tình thương. Amen.

Lm. Thái Nguyên

print