Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu nhiệm Vui (1): Từ một lời mời gọi
Tin Mừng theo Thánh Luca
Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Lc 1,26-38)
Suy niệm:
Ngoại trừ Thiên Chúa là Đấng vô cùng vô hạn, bất cứ cái gì, sự kiện gì cũng có một khởi đầu của nó. Nơi mỗi giai đoạn của công trình cứu độ, Thiên Chúa mời gọi những con người khác nhau để cộng tác với mình. Cuộc sống của Maria, một cô thiếu nữa nơi ngôi làng nhỏ bé Nazaret chắc là sẽ trôi đi bình thường, nếu không có một biến cố đặc biệt xảy ra vào ngày hôm ấy.
Chẳng biết khi ấy Maria đang làm, nhưng bỗng dưng có một tiếng nói vọng đến, gửi lời chào đến mình. Nghe lời chào có chút khác lạ, Maria có chút bối rối và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vị Sứ Thần vội vàng trấn an rồi giải thích cho cô hiểu mọi chuyện. Maria lắng nghe tường tận lời giải thích rồi hỏi xem mình nên làm gì. Sứ Thần giải đáp cho thắc mắc ấy của cô rồi từ biệt cô ra đi, sau khi nghe được lời đáp đầy tín thác, đầy mến yêu và khiêm nhường từ cô.
Kể từ lúc ấy, Maria nhận lấy một sứ mạng trọng đại. Cô được bước vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Cô sẽ là người mang Chúa trong lòng rồi sinh Chúa ra cho thế giới để Người thực thi công cuộc cứu thế của mình. Bằng cách nào, cô không biết; như thế nào, cô cũng chẳng hay. Cô như một thiếu nữ “ngơ ngác” khi đảm nhận một công việc mới mà trước đây cô chưa từng làm. Chẳng người nào có thể chỉ cho cô biết mình phải làm mẹ của Đấng Cứu Thế ra sao. Chẳng có sách vở nào dạy cho người ta biết cách cưu mang Con Thiên Chúa vào lòng.
Chắc là Maria cũng có chút lắng lo vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Liệu rằng cưu mang một Đấng Cứu Thế thì có khác với việc cưu mang một đứa bé bình thường không? Đấng Cứu Thế này lại khác hẳn với bao anh hùng khác trong lịch sử, vì theo như lời Sứ Thần nói, đây sẽ là một người rất “cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Hơn nữa, như lời Sứ Thần nói, chuyện Mẹ mang thai không phải bởi người đàn ông, nhưng là do Thánh Thần, vì “quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa.” Những lời này nghĩa là sao? Một thiếu nữ bình thường sao có thể cưu mang một con người vĩ đại như thế? Chúa đang làm điều gì vậy? Kế hoạch của Ngài là sao?…
Có nhiều điều Maria chưa biết vào khoảng thời gian ấy, nhưng cô biết chắc một điều là từ nay, cuộc đời của mình sẽ hướng sang một ngả rẽ khác. Có một kế hoạch vừa mới khởi đầu, và cô sẽ tham gia vào kế hoạch ấy bằng tiếng “xin vâng” của mình. Cô phải bỏ lại đằng sau tất cả mọi kế hoạch và dự tính. Cô đã đón nhận một cái gì đó “mới” cho cuộc đời, và chính cái “mới” này sẽ biến đổi cô toàn diện. Tuy có chút lắng lo, nhưng chắc là Maria cũng bừng dậy một niềm vui lớn lao trong lòng. Ít ra, cô biết mình không nằm ngoài ánh nhìn của Thiên Chúa, cô biết là Thiên Chúa vẫn luôn dõi mắt và chăm lo cho con người, cô biết là giờ cứu độ mà Thiên Chúa hứa với tổ tiên từ xa xưa nay sắp được thực thi và hơn hết, cô vui vì chính mình lại được chọn để trở nên một phần không thể thiếu trong kế hoạch ấy.
Đã biết bao nhiêu thế hệ trôi qua, trong khi người ta cứ đi tìm kiếm thần này thần nọ và bỏ rơi Thiên Chúa của mình, thì Thiên Chúa vẫn khắc cốt ghi tâm những gì mình đã cam kết. Trong khi người ta dần mất đi niềm tin vào Chúa, và tưởng Ngài đã quên mình thì Thiên Chúa vẫn đang âm thầm sắp xếp và thực thi lời hứa của mình. Thiên Chúa luôn là một Thiên Chúa trung tín, nhưng cũng là một Thiên Chúa thật tuyệt vời biết bao. Ngài muốn con người cộng tác với mình chứ không gạt con người sang một bên. Ngài không chê con người bất tài yếu kém, nhưng muốn dùng những bất tài và yếu kém ấy để làm nên điều vĩ đại. Maria thì có gì hơn những phụ nữ khác mà lại được chọn? Điều này chỉ có Chúa biết. Hẳn là Maria cũng không nghĩ là mình đã làm cái gì đó xứng đáng để được Chúa “chấm điểm”. Tất cả đều là quà tặng nhưng không và tiếng gọi yêu thương vô vị lợi của Thiên Chúa.
Nếu như Mẹ Maria khởi đầu ơn gọi dâng mình cho Chúa qua một cuộc truyền tin, thì mỗi người tu sĩ cũng có một kinh nghiệm tương tự như vậy. Ai đi tu, dù bảy tám chục năm, mà chưa hề cảm nhận được một lời mời gọi thì người ấy chẳng thực sự tu. Người ấy chỉ sống một cuộc đời theo sự đưa đẩy của dòng đời mà thôi, chứ chẳng phải là một sự dâng hiến. Dâng hiến là dâng hiến cho ai, nếu không nghe được lời người ấy gọi? Người ta chỉ có thể dâng hiến khi thấy mình được thôi thúc để làm việc ấy, bởi một người nào đấy mà ta mến yêu. Khoảnh khắc đầu tiên mà ta nghe được lời mời gọi thường mang đến cho ta một sự ngỡ ngàng, có đôi khi là lo lắng. Nhưng trên hết, ta thấy vui là bởi vì để được một ai đó mời gọi cộng tác, ta phải có một giá trị gì đó rất tuyệt vời trong mắt họ.
Cũng hệt như mẹ, ta tự hỏi về chính mình. Liệu có phải ta xứng đáng, liệu có phải ta tài năng và nhân đức trỗi vượt? Liệu có phải vì ta hơn những người khác? Chúa gọi và chọn ta, chẳng phải vì điều gì trong những điều ấy cả. Chúa có thể dựng nên cả tỷ người giỏi hơn ta mọi đàng, có thể làm được nhiều việc mà ta chẳng làm nổi. Ngài gọi ta, đó là bởi vì Ngài yêu thương ta theo một cách thức khác hẳn. Và ta có quyền gật đầu đồng ý hay đưa tay chối từ. Nếu ta gật đầu, cũng có nghĩa là đời ta được mở ra một trang sử khác. Quá khứ của ta tạm dừng nơi đây, cả tương lai mà ta hoạch định cũng đành đưa vào ký ức. Ta trao phó mọi sự cho Chúa, để mặc cho Ngài định liệu đời ta. Ngài sẽ khôn ngoan dàn xếp để ta luôn được bình an và tự do mà thực thi sứ mạng của mình. Chắc chắn là ta sẽ gặp rất nhiều thử thách và gian nan, nhưng đó là cái mà bất cứ người môn đệ nào cũng phải trải qua để được kết hiệp trọn vẹn với Chúa.
Sống trong đời tu, ta vẫn hay có chút lo sợ về ngày mai. Nhiều bạn trẻ không dám mạnh dạn chọn đời tu là bởi vì họ không biết mình có thể đảm nhận được cuộc sống này không. Họ thấy tương lai mình bập bềnh và cứ luôn mờ mờ tối tối, bởi lẽ, họ chẳng thấy có cái gì rõ ràng để bám víu. Thế nhưng, điều quan trọng không phải là tính toán xem mình nên làm cái gì trong đời tu để có chỗ đứng và không bị loại trừ, nhưng là xác định xem mình có nghe được một tiếng gọi từ Chúa để kết hiệp với Ngài và đưa vào dòng đời bằng một sự hy sinh và trao hiến trọn vẹn không. Điểm ban đầu rất quan trọng đối với đời tu, vì nó sẽ giúp người tu sĩ luôn xác tín về hành trình của mình. Chính nó cũng là điểm bám giúp ta không chơi vơi, chao đảo khi những phong sương thách đố của đời tu ập xuống. Maria biết là mình được mời gọi nhờ cảm thấy cơ thể mình dần dần trở nên khác như lời Sứ Thần nói. Chúng ta cũng sẽ biết là mình có ơn gọi hay không nhờ những lần trò chuyện với Chúa và thấy mình được thay đổi theo một cách thức rất lạ kỳ, thấy có một sự sống thần linh tồn tại trong người và mời gọi mình sống cho sứ mạng phổ quát. Chúng ta có một khởi đầu cho ơn gọi dâng hiến, nhưng lúc nào ta cũng được mời gọi để làm mới lại cái khởi đầu ấy, bởi theo Chúa không phải theo một lần là xong, nhưng là bước theo từng giây từng phút.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ