Làm cho Giáo hội phát triển nhờ biết lắng nghe
Tông huấn Đức Kitô đang sống ghi lại rằng: “Chúng ta cần để cho tiếng nói của người trẻ được lắng nghe: ‘Việc lắng nghe giúp người ta có thể trao đổi các ân ban trong một bối cảnh thấu cảm nhau… Đồng thời, nó tạo điều kiện để việc rao giảng Tin Mừng có thể chạm đến trái tim người ta một cách thực sự, mạnh mẽ và sinh hoa trái’.” Chúng ta đang trong tiến trình của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới – “Hiệp thông – tham gia – sứ vụ.” Việc lắng nghe tiếng nói của người trẻ để có thể thấu cảm cùng nhau tiến đến sự “Hiệp thông – tham gia – sứ vụ” thực thụ là rất cần thiết.
Đức Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả đã chia sẻ: Trong sứ vụ được giao phó cho ngài, ngài thường phải kiên nhẫn lắng nghe, suy xét, phân định và cầu nguyện. Để hiệp thông – tham gia – sứ vụ một cách sâu sắc, chúng ta cần phải học lắng nghe. Lắng nghe là một cách thế mà Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả đã đóng góp và làm cho Giáo hội phát triển. Chiêm ngắm và cùng với ngài cầu nguyện, chúng ta xin ngài dạy chúng ta biết cách lắng nghe để tham gia vào sứ vụ của Hội thánh càng ngày càng trọn vẹn hơn.
[1]Thánh Grêgôriô Cả sinh vào khoảng năm 540 tại thành Rôma, trong một dòng họ đạo đức thánh thiện. Thân phụ ngài là thượng nghị sĩ Rôma, thân mẫu ngài là thánh nữ Xêlia và hai người cô là thánh Tarsila và thánh Êmiliana. Ngay khi còn rất trẻ, ngài đã lãnh chức vụ Thị trưởng thành phố. Sau khi thân phụ qua đời, Grêgôriô đã sử dụng căn nhà to lớn của cha để lại làm thành một tu viện. Suốt nhiều năm, Grêgôriô đã sống đời tu sĩ ẩn danh một cách tốt lành và thánh thiện. Ngài đã thành lập sáu tu viện khác trên các lãnh địa của mình ở Sicilê. Năm 39 tuổi ngài được thụ phong phó tế rồi được làm Sứ thần tại Constantinople.
Năm 590, Đức Thánh cha Pêlagiô II qua đời vì dịch hạch, Đức Grêgôriô được chọn lên kế vị. Lúc bấy giờ thành phố đang bị tàn phá bởi dịch hạch, nạn đói đe dọa, lũ lụt tràn về. Đức Giáo hoàng Grêgôriô đã tổ chức các cuộc rước kiệu, những buổi cầu nguyện trọng thể, đồng thời đảm trách việc tiếp tế lương thực cho thành phố. Tất cả những nỗ lực về đời sống vật chất cũng như tinh thần của ngài đã làm giảm bớt gánh nặng của cơn dịch hạch.
Thánh Grêgôriô Cả đã phục vụ Giáo hội trong vai trò kế vị thánh Phêrô mười bốn năm. Thánh nhân là một trong những vị giáo hoàng vĩ đại nhất của Giáo hội Công giáo. Ngài là bậc thầy về giảng thuyết, ngài cũng viết rất nhiều tác phẩm, là người sâu sắc trong đường tâm linh, là con người của hoạt động phục vụ, nhà lãnh đạo tài ba và nhà chính trị sắc xảo. Ngài đã tự coi mình chỉ là tôi tớ của mọi người, vì thế ngài chọn tước hiệu “tôi tớ của các tôi tớ Chúa” mà từ đó về sau các Đức Giáo hoàng đều đã sử dụng tước hiệu này.
Thánh Grêgôriô Cả yêu thương những người nghèo khổ và những người vô gia cư. Ngài cũng nhạy cảm trước những bất công mà con người phải gánh chịu. Ngài phục hồi trật tự, kỷ luật trong Hội thánh; ngài can thiệp vào giáo phái Donatus; ngài chống lại lạc giáo Arius; ngài chống lại hoàng đế Manrice không chấp thuận cho các quân nhân và công chức thụ phong linh mục. Ngài có lòng nhiệt thành truyền giáo, đã phát triển Kitô giáo sang Anh quốc. Ngài viết: “Đấng tạo dựng và cứu chuộc loài người vẫn có khả năng ban cho tôi cả đời sống cao quý lẫn tài nói năng thuyết phục, bởi lẽ vì yêu mến Người mà tôi không quản ngại nói về Người.”[2]
Những năm cuối đời của thánh Grêgôriô Cả tuy sức khỏe yếu nhưng ngài vẫn tiếp tục giáo huấn dân chúng bằng những bài giảng được ngài dọn một cách công phu, cẩn thận và sâu sắc. Ngài về trời ngày 12/03/604.
[3]Lạy Chúa Thánh Thần là Ánh sáng Chân lý vẹn toàn, Chúa ban những ân huệ thích hợp cho từng thời đại, và dùng nhiều cách thế kỳ diệu để hướng dẫn Hội thánh, này chúng con đang chung lời cầu nguyện cho các Giám mục và những người tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới.
Xin Chúa làm nên cuộc Hiện Xuống mới trong đời sống Hội thánh, xin tuôn tràn trên các mục tử ơn khôn ngoan và thông hiểu, gìn giữ các ngài luôn hiệp thông với nhau trong Chúa, để các ngài cùng nhau tìm hiểu những điều đẹp ý Chúa, và hướng dẫn đoàn Dân Chúa thực thi những điều Chúa truyền dạy. Amen.
Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P