“Làm Mọi Sự Vì Đức Ái”

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B

“LÀM MỌI SỰ VÌ ĐỨC ÁI” (1Cr 16, 14)

Lm. Giuse Nguyễn

“Chạy theo thành tích” là căn bệnh mà người ta đã và đang tìm cách để chữa trị cho tận căn, vì chạy theo thành tích sẽ làm mất đi chất lượng của mọi việc; người ta quan tâm đến số lượng mà quên đi hoặc bỏ qua chất lượng. Sự kiện nóng bỏng trên thế giới hiện giờ là ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Một số người nói ông này đắc cử nhờ “ăn to nói lớn”, nhờ những lời đanh thép gây chú ý… Đáp lại ông nói: “Tôi đã đổ máu ra cho cuộc tranh cử, thì chắc chắn tôi sẽ sống chết vì nước Mỹ và người dân nước Mỹ”. Và đó chính là cái chất nơi ông, hết mình, hết tình với công việc ông đang làm.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay cũng sẽ cho chúng ta đâu là điều Chúa cần? Số lượng hay chất lượng?

Sách Các Vua kể lại cho chúng ta câu chuyện vào thời đói kém, Thiên Chúa đã sai tiên tri Êlia đến một thành tên là Sarepta, ở đó có một bà góa sẽ nuôi ông không phải với sự giàu sang, nhưng với sự túng thiếu. Về vật chất thì bà không có, thậm chí còn không đủ cho hai mẹ con bà nữa; chỉ còn có một chút bột và một chút dầu thôi. Nhưng về tình người thì bà dư thừa vì bà biết san sẻ cho người khác trong cơn túng cực. Đó là “chất” của bà góa thành Sarepta. Hay nói cho dễ hơn chính là tấm lòng của bà. Chính nhờ tấm lòng này mà Thiên Chúa đã làm phép lạ cho hũ bột không cạn và bình dầu không vơi. Từ đó chúng ta kết luận: Thiên Chúa không cần lượng, nhưng cần chất.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta rất rõ ràng về việc Thiên Chúa cần số lượng hay chất lượng. Nếu cần số lượng thì Chúa Giêsu đã đề cao những người bỏ vào thùng thật nhiều tiền kia mà không cần biết đó là tiền gì và hoàn cảnh của người bố thí ra làm sao. Nếu cần số lượng thì Chúa Giêsu đã chê bai bà góa nghèo nàn chỉ bỏ có hai đồng tiền kẽm. Phản ứng của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Thiên Chúa cần chất lượng, hay nói cụ thể là cần tấm lòng. Chính vì cần chất lượng nên Chúa Giêsu biết những người bỏ nhiều tiền kia bỏ những cái dư thừa của mình, thậm chí bỏ những đồng tiền bất chính nữa. Họ bỏ mà họ không hề tiếc nuối vì mình có nhiều tiền quá, bỏ một mớ như vậy cũng không nhằm nhò gì. Chính vì cần chất lượng nên Chúa Giêsu biết bà góa kia bỏ từ cái thiếu thốn của mình, thậm chí là bỏ xong có thể nhịn đói hôm đó. Bà bỏ trong sự tiếc nuối vì mình chỉ còn hai đồng cuối cùng, nhưng vẫn cứ bỏ.

Từ phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy cái nhìn của Thiên Chúa khác với cái nhìn của con người. Con người chú trọng đến những cái bên ngoài, những cái gọi là thành tích nên “chạy theo thành tích”. Còn Thiên Chúa thì “Ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ”. Thiên Chúa cần phẩm chất hơn là số lượng. Vì vậy mà Ngài đánh giá con người cũng dựa trên phẩm chất, hay tấm lòng của họ.

Số lượng không quan trọng, quan trọng là tấm lòng của chúng ta, hay nói cách khác là “Làm mọi sự vì Đức Ái”. Người “làm mọi sự vì Đức Ái” sẽ dành trọn tâm huyết, sức lực, trí lực, tình yêu của mình cho công việc. Và đó là điều Chúa cần đến khi nói với anh thanh niên trong bài Tin mừng Chúa Nhật tuần trước: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12, 30); hay như thánh Augustinô đã nói: “Cứ yêu đi rồi làm!”

Chất lượng, tấm lòng, tình yêu của Kitô hữu xuất phát từ “Thiên Chúa là Tình Yêu” khi Ngài đã “Yêu đến cùng” mà dành tất cả cho nhân loại, một tình yêu mà không gì có thể diễn tả, chỉ cảm nghiệm và dùng hết sức mình để đáp trả.

Người đàn bà tội lỗi đã cảm nghiệm được Tình yêu đó nên dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho Chúa Giêsu, đến nỗi Ngài phải thốt lên: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Mt 7, 47).

Giakêu cũng cảm nhận được “tình yêu lạ lùng” đó khi chính bản thân ông là một con người tội lỗi mà lại được chính Thầy Giêsu nhìn đến, ghé thăm, và đồng bàn.

Tình yêu đáp lại tình yêu là thế đó! Khi cảm nhận được tình yêu, người ta sẽ sống có chất lượng hơn, vì mọi nổ lực là để đền đáp tình yêu.

Giáo hội đang nổ lực sống sự hiệp hành bằng việc “tham gia vào đời sống Giáo hội”. Đây không gì khác hơn là mời gọi mọi thành phần dân Chúa cảm nhận và sống tình yêu chân thành với Thiên Chúa và Giáo hội của Ngài. Vì yêu nên Thiên Chúa giáng trần và cứu độ, do đó tôi “tham gia vào đời sống Giáo hội” cũng vì yêu. Đây không phải là việc tôi làm “cho Chúa, cho Giáo hội”, nhưng trên hết là hiệp hành vì ơn cứu độ của tôi. Hay nói cách khác nếu không hiệp hành, không tham gia đời sống Giáo hội thì tôi không sống trong Tình yêu của Chúa, không đón nhận ơn cứu độ cho chính bản thân mình.

Lời Chúa hôm nay nhắc lại cho tôi điều cần thiết chính là tấm lòng, nghĩa là sống bằng tất cả tình yêu dành cho Chúa và mọi việc thì tôi mới được ơn cứu độ.

Từ đó mời gọi tôi tham gia vào đời sống Giáo hội bằng việc phụng vụ để thờ phượng Chúa một cách tích cực hơn. Từ nay thánh lễ và các việc đạo đức không phải là một cái gì đó gò bó, ép buộc tôi, nhưng chính là sự tham gia bằng tất cả tấm lòng của tôi để được sống trong Tình yêu của Chúa.

Từ nay việc tham gia vào mọi sinh hoạt Hội thánh, cụ thể là tại Giáo xứ, tại các cộng đoàn không còn là việc của riêng ai, nhưng là việc chung của mọi người vì Hội thánh đó chính là tôi; nếu tôi không hành động thì Hội thánh không còn sức sống.

Linh mục nhạc sĩ Thái Nguyên đã viết ca khúc Sống Cho Tình Yêu với những lời như sau: “Chúa gọi con vào đời, không phải để làm điều chi, nhưng là để sống tình yêu”. Nếu cảm nghiệm một cách sâu xa chúng ta sẽ thấy đó là chân lý của đời Kitô hữu chúng ta, vì quả thật Chúa cần tấm lòng, Chúa cần tình yêu. Nếu không có tấm lòng, nếu không có tình yêu thì mọi sự sẽ vô ích. Vì thế, mỗi ngày sống là nổ lực để “Sống cho Tình yêu”, để “Làm mọi sự vì Đức Ái”.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã sống trọn vẹn tiếng xin vâng bằng tất cả tình yêu của Mẹ. Xin cho chúng con biết “Nhờ Mẹ đến với Chúa” bằng những nổ lực trong đời sống hằng ngày với tất cả tình yêu của con. 

print