Lên Đồi Với Chúa

print

Lên Đồi Với Chúa

dongten.net

  1. Viết Cho Kẻ Bán Chúa.
  2. Người Đầy Tớ Của Vị Thượng Tế.
  3. Gửi Cho Người Chối Chúa.
  4. Thư Philatô Gửi Giêsu.
  5. Hồi Ký Của Simon Kyrênê.
  6. Viên Đại Đội Trưởng.
  7. Gioan – Yêu Đến Tận Cùng.
  8. Maria – Mẫu Gương Theo Chúa Đến Cùng.
  9. Đức Giêsu – Một Thiên Chúa Ẩn Mình.

 

1.       Viết Cho Kẻ Bán Chúa

Anh Giuđa thân mến,

Câu tục ngữ “gieo gió thì gặt bão” thường được dùng để nói rằng những ai làm điều ác thì ắt có ngày phải chịu hậu quả ê chề. Tuy không dám xét đoán, nhưng tôi thấy cái chết của anh quả thực rơi vào cơn bão bi thương ấy. Sau khi bán Thầy Giêsu, thay vì hối hận ăn năn, anh đã thả trôi cuộc đời theo cơn giông tố đến chỗ tự vẫn trong vô vọng. Anh chết trong tức tưởi của kẻ mang tiếng là phản Thầy bán Chúa. Tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, tôi bỗng nhớ đến anh, và thấy sức mạnh kinh hoàng của sự dữ là nguyên cớ gây cho con người biết bao khổ đau và chết chóc.

 

Còn nhớ buổi sáng trên bờ hồ năm xưa, anh sung sướng reo mừng khi nghe Thầy Giêsu gọi chọn anh vào hàng ngũ các tông đồ. Ai ai cũng chăm chú hướng mắt vào anh với chút ngỡ ngàng: “Tại sao Thầy Giêsu lại chọn anh ta?” Hay họ hoài nghi lòng dạ anh không mấy thanh sạch, tâm địa của anh còn nhiều hoen ố!? Nhưng dù sao Thầy đã ưu ái gọi chọn anh tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời. Anh có một vị trí trong ánh mắt của Thầy và khi được Thầy “bảo lãnh”, anh cũng được người đời nhìn với một ánh mắt khác. Anh biết đấy, Thầy Giêsu không chấp nhất quá khứ của ai, cho dù có xấu xa đến dường nào; Người chỉ nhìn về tương lai với ước mong họ sẽ nên người môn đệ tốt lành thánh đức. Bởi lẽ “không thánh nhân nào không có quá khứ, không tội nhân nào không có tương lai” (thánh Augustinô).

Trong nhóm, anh làm thủ quỹ. Công việc ấy là dịp tốt để anh phục vụ Thầy Giêsu và anh em của mình. Nhưng uy lực của đồng tiền đã khiến anh lạc lối. Thay vì để tiền bạc trở nên đầy tớ tốt phục vụ cho sứ mạng, anh lại để nó trở nên ông chủ tồi lèo lái anh vào con đường tội lỗi. Một tuần trước Lễ Vượt Qua, chị Maria xức dầu thơm lên chân Thầy Giêsu, anh đã tiếc rẻ và càm ràm trách móc. Anh đề cao vị thế của đồng tiền lên trên tất cả mà quên đi những giá trị cao quý khác. Hóa ra, đồng tiền có sức quyến rũ mãnh liệt đến nỗi anh bất chấp luân thường đạo lý, mặc kệ tình nghĩa thâm giao.

Thực ra tiền bạc chỉ là biểu hiện bên ngoài để phản ánh thời điểm Satan nhập vào anh. Từ đó, anh tự cô lập mình khỏi nhóm, phớt lờ cảnh báo và hướng dẫn của Thầy. Anh lén lút gặp các thượng tế để ngả giá bán Thầy. Ba mươi đồng bạc để đổi lấy một mạng người! Từ lúc đó, “Anh cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu.”[1] Anh nhớ lại xem, Thầy Giêsu đã nhiều lần nhắc anh hãy tỉnh thức kẻo sa trước cám dỗ. Người dùng tình thương và lòng kiên nhẫn để đợi anh trở về. Tiếc thay lời Thầy không còn hấp dẫn với anh, bởi lúc nào lòng anh cũng ngập tràn ý đồ nộp Thầy bán Chúa!

Còn nhớ đêm cuối cùng Thầy trò hàn huyên tâm sự, đích thân Thầy rửa chân cho cả anh nữa. Vậy mà anh lại cấu kết với nhóm Quân Dữ để lên kế hoạch bắt Thầy. Sức mạnh của Ma Quỷ lúc này càng gia tăng gấp bội, vì có anh cộng tác làm nội gián cho nó. Thù trong giặc ngoài đã đưa một Người vô tội đến cái chết đau thương trên thập giá!

Còn nhớ ánh mắt nhòa lệ của Thầy Giêsu khi phải thốt lên: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.“[2] Lúc ấy anh nghĩ gì: sợ hay đau? Chắc là đau lắm khi nghe Thầy nói thêm: “Khốn cho người nào nộp Con Người: thà người đó đừng sinh ra thì hơn!“[3] Anh đừng tưởng Thầy căm ghét rồi nguyền rủa anh. Thực ra bất kỳ ai chống lại Thiên Chúa đã tự chuốc lấy án phạt khốn cùng rồi. Tuy lòng anh đầy lo lắng và sợ hãi trước lời trách cứ của Thầy, nhưng anh vẫn cho phép sự dữ chiếm hết tâm trí mình.    

Còn nhớ trong vườn Cây Dầu đêm ấy, anh là kẻ chỉ điểm khéo léo và thâm độc. Khéo léo vì anh biết được chỗ của Thầy thường xuyên lui tới; và thâm độc vì anh đã dùng nụ hôn phản bội để nộp Thầy. “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!”[4] Nụ hôn ấy càng khoét sâu vào nỗi đau của người Thầy vốn hết mực yêu thương anh!

Còn nữa, lời hối hận thú tội muộn màng khi anh lớn tiếng với các thượng tế và kỳ mục: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.“[5] Giá như lúc ấy anh trở về với anh em hay hối lỗi van nài xin Chúa thứ tha, cuộc đời anh sẽ khác, khác nhiều lắm! Đàng này anh lui ra và đi thắt cổ[6]. Sự Dữ đã hạ bệ được anh!

Hồi tưởng lại hành trình anh đi theo và nộp Thầy bán Chúa như thế, tôi có dịp nhắc nhớ mình phải cẩn trọng nhiều hơn. Cẩn trọng vì không khéo mình cũng nộp Chúa khi bất tín nơi Người, lạnh lùng với tha nhân; cẩn trọng kẻo tội lỗi kéo lê tôi đến chỗ chẳng cần Chúa nữa hay dửng dưng trước lời dạy của Người. Từ đó, tôi biết điểm tựa chắc nhất cho mình là tình yêu và sức mạnh của Thầy Chí Thánh, cùng lòng quảng đại bước theo con đường Người mời gọi. “Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.”[7] Có như thế, tôi hy vọng không đi lại vết xe đổ thê lương của anh. Anh biết đấy, gương xấu của anh chẳng ai ưa thích, không ai chấp nhận. Để không là kẻ bán Chúa, ước mong mỗi ngày tôi hiểu Chúa hơn, yêu Chúa hơn và đi theo Người sát hơn.

Chắc là nhiều người cũng muốn viết cho anh những dòng tâm sự, gửi đến anh ý kiến của mình, nhất là trong mùa Chay này, anh nhỉ?

Thân chào anh, kẻ bán Chúa!

[1] Mt 26, 14-16.

[2] Mt 26, 21.

[3] Mt 26, 25.

[4] Mt 26, 48.

[5]  Mt 27, 3.

[6]  Mt 27, 5.

[7]  Ga 17, 33.

 

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

 

2.       Người Đầy Tớ Của Vị Thượng Tế

(Lc 22,50-51)[1]

Tôi làm việc cho một vị thượng tế trong đền thờ của dân Do-thái: đầy tớ. Phục dịch ông chủ đã khá lâu, tôi được liệt vào danh sách những đầy tớ trung thành, hiểu ông và làm ông hài lòng.

Dạo nọ, gần đến ngày lễ Bánh Không Men, cũng gọi là lễ Vượt Qua, ông chủ tôi trở nên bận bịu hơn. Ông dễ bực bội, gương mặt ông căng thẳng hơn ngày thường rất nhiều, nhất là khi có ai đó nhắc đến cái tên ‘Giêsu’ đang “nổi đình nổi đám” trước mặt dân chúng. “Tay đó” là kẻ chuyên phá luật vì ỷ lại vào chút tài lẻ trong việc ăn nói và chữa bệnh cho người khác, ông chủ tôi nói vậy. Mà quả thực, theo tôi thấy, ông Giêsu kia cũng “không phải dạng vừa đâu”, tuy chỉ là con của một người thợ mộc thôi, nhưng nhiều lần ông ta đã khiến ông chủ tôi phải ngậm miệng không đối đáp lại được lời nào, dù trước đó, ông chủ cùng với mấy ông bạn kinh sư đã trưng Lề Luật ra để “phủ đầu”.

Lạ lắm, từ lúc cái ông Giêsu kia xuất hiện, dân chúng – mà nhất là những kẻ nghèo hèn đầu đường xó chợ và phường tội lỗi bặm trợn – ngày càng tung hô và đón nhận ông ta, lại còn xem ông ta là Vua Mới của họ; trong khi đó, ông chủ tôi (và một số người bạn khác của ông trong giới thượng tế và kinh sư) thì lại tìm thấy nơi ông ta đủ điều để buộc tội. Do đám đông dân chúng lúc nào cũng vây quanh và ủng hộ ông ta, nên ông chủ tôi chưa thể ra tay bắt được.

Vừa hay, trong đám mười mấy người đi theo ông Giêsu kia có một kẻ tên là Giuđa, y tìm đến với ông chủ tôi và có ý trao nộp ông Giêsu. Tất nhiên, ông chủ tôi phải trả cho y một món tiền, kể ra thì không nhỏ đâu, đủ để tậu một miếng đất đấy, mà đất đai thời nay đắt đỏ lắm! Y hẹn vào một dịp tối trời sẽ dẫn người của ông chủ tôi đến bắt ông Giêsu kia. Chuyện này phải làm ban đêm, càng tối càng tốt, nếu không dân chúng mà biết được thì hỏng việc. Ông chủ tôi đắc ý lắm.

Thời cơ đã đến, hôm đó trời tối mịt, ông chủ tôi, cùng với các thượng tế khác, đi chung với lãnh binh Đền Thời và kỳ mục đến núi Ôliu, nơi ông Giêsu đang ở với đám môn đệ của mình; tất nhiên, Giuđa là kẻ dẫn đầu vì y biết đường và biết chỗ cụ thể; tôi cũng đi theo với ông chủ. Kỳ này ông Giêsu kia chết chắc!

Lúc chúng tôi đến, có vẻ ông Giêsu và các môn đệ của mình đang nói gì đó với nhau. Thực ra thì do tối trời, chúng tôi cũng chẳng nhận ra mặt mũi ai là thầy ai là trò. Ngay lập tức, Giuđa tiến lại gần một người và hôn người đó. À, thì ra Giêsu là đây. Tôi tiến lại gần hơn để mục kích sự việc rõ hơn. Mấy người khác trong nhóm họ, khi nghe thầy mình bảo “Giuđa ơi! Anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” thì hỏi thầy có dùng gươm chém được không. Chưa kịp nghe ông Giêsu trả lời gì thì một người tuốt gươm ra và vung lên.

Trời! Nãy giờ tôi đang đứng cạnh đó nghe ngóng mọi sự, né đâu kịp. Ánh gươm vụt sáng lên trong đêm, tôi chỉ cảm thấy có tiếng gió vụt ngang má phải trước khi nhận ra tai phải của mình đã đứt lìa, máu tuôn thành vệt. Bàng hoàng và đau đớn, tôi kêu rú lên rồi ôm tai quỵ xuống. Trong cơn đau, tôi hơi nghiêng đầu lên, đưa mắt cầu cứu ông chủ tôi đang đứng gần đó, nhưng… mặt ông chủ lạnh như những đồng tiền ông đã ném cho tên Giuđa kia! Những người khác cũng chẳng mảy may đoái hoài gì đến tôi. Phút chốc tôi nhận ra mình thật cô đơn và lạc loài. Đâu có ai thèm để tâm đến tôi. Ngày trước còn được việc, ông chủ còn để ý, giờ lâm cảnh khó khăn tai vạ này, tôi bị bỏ mặc không thương tiếc. Lề luật mà ông chủ tôi vẫn tự hào và lấy làm chuẩn mực để sống có phải đã dạy người ta sự lạnh lùng này chăng? Giờ tôi mới nhận ra, dù ở lâu trong Lề Luật nhưng trong tim của ông chủ tôi không hề có lấy một sự thương cảm nào dành cho người khác, vậy mà tôi cứ tưởng…

Trong khoảnh khắc đau đớn chua cay ấy, khoảnh khắc của những đổ vỡ và thất vọng lớn lao trong tôi, bất ngờ có một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên chỗ vết thương nơi tôi đang lấy tay che lại. Sự ấm áp từ bàn tay ấy thuyết phục bàn tay tôi buông rời không che vết thương nữa, nhưng để cho bàn tay kia đụng chạm vào vết thương đang tươm máu của tôi. Ngước nhìn lên, tôi thấy ông Giêsu đang ở trước mặt, tay của ông, chính tay của ông, đang đặt lên chỗ tai bị thương của tôi. Tôi thấy mình rơi trọn vào ánh mắt của ông. Ánh mắt đó không hề là của một kẻ lạnh lùng chuyên phá luật Đền Thờ, càng không phải là của một kẻ ba hoa lợi khẩu chuyên đi sách động dân chúng. Trong ánh mắt đó, tôi nhận thấy mình được đón nhận, được yêu thương dù tôi chỉ là một đứa đầy tớ của một trong những vị thượng tế đang chống đối Người, mà tôi cũng đang ở trong hàng ngũ những kẻ chống đối Người đấy thôi.

Phút chốc tôi nhận ra, trong khi bàn tay của tôi, một bàn tay chẳng cao sang và sạch sẽ gì khi chuyên đi rửa chân cho ông chủ tôi, không thể làm gì cho vết thương của mình, thì bàn tay của Người, bàn tay cho tôi sự ấm áp của tình thương và sự đón nhận, đã chữa lành vết thương của tôi! Tai của tôi lành rồi! Phép lạ đã đến với tôi! Phép lạ từ Người! Nếu trước đó tôi đã nghe thấy biết bao điều buộc tội Người, thì giờ đây, điều tôi nghe thấy là tình thương và quyền năng của Thiên Chúa nơi Người. Tôi nghe thấy lòng mình bừng lên một niềm tin tưởng nhưng cũng trỗi dậy một sự nuối tiếc và hối hận. Tôi hối hận vì trước đây chỉ nghe những lời ông chủ tôi buộc tội Người và đã không can đảm đi nghe Người giảng một lần, để Lời của Người đụng chạm vào lòng tôi như đã đụng chạm vào lòng của những người khác. Tôi nuối tiếc vì đã nghĩ Người là một “tay lang băm”, như lời ông chủ tôi hay nói, mà không can đảm tìm đến với Người để được Người đụng chạm như Người đã đụng chạm và chữa lành bao người khác. Càng hối tiếc, tôi càng thấy tin tưởng. Ánh mắt Người nhìn tôi, tay Người chạm đến và chữa lành tôi; điều đó thắp lên trong tôi một niềm tin. Tôi tin Người!

Đêm đó tôi đã thấy nhiều cái đụng chạm: cái đụng chạm của nụ hôn Giuđa để nộp Người, cái đụng chạm từ những bàn tay của giới giáo quyền trong dân để bắt Người, cái đụng chạm của lưỡi gươm sắt lạnh trên da thịt tôi và đã lấy đi tai phải của tôi,… Nhưng chỉ có sự đụng chạm từ Người mới quý giá: cánh tay Người đặt trên vết thương của tôi và chữa lành tôi, ánh mắt Người ôm trọn tôi vào tình thương và sự đón nhận. Tôi không còn muốn làm đầy tớ cho một vị thượng tế gian trần nào nữa, tôi muốn làđầy tớ của Người!

Trong bóng đêm, người ta đưa Người đi…

Nguyễn Phúc Hoàng Dũng, S.J.

[1] Dù bốn thánh sử đều đề cập đến người đầy tớ này, nhưng bài viết chỉ chọn dựa trên bản văn Luca, đặc biệt là đoạn 22,50-51.

 

3.       Gửi Cho Người Chối Chúa

Bác Phêrô kính mến,

Cháu là người luôn ngưỡng mộ và quý mến bác. Ngưỡng mộ vì lòng nhiệt thành đi theo Thầy Giêsu nơi bác; và quý mến vì tinh thần hối lỗi chân thành của bác. Bác đúng là mẫu người lý tưởng để có thể bước theo Giêsu đến hết cuộc đời. Con đường thập giá luôn đòi người theo lòng nhiệt thành để quyết tâm vượt khổ và sự khiêm tốn để hoán cải không ngừng trước sự công phá của Satan. Còn nhớ trong sân của vị thượng tế đêm đó, nếu không hối hận sau ba lần chối Thầy thì cuộc đời của bác chắc không khác gì kẻ bán Chúa. Trước cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, cháu muốn gửi đến bác đôi dòng tâm sự. Ước mong với tấm gương của bác, cháu quyết tâm làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

Có được môn đệ mạnh mẽ và hăng hay là niềm an ủi cho người thầy. Chắc Thầy Giêsu vui lắm khi nghe bác khẳng khái: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã“. Trong vai trò niên trưởng, bác hiên ngang đứng mũi chịu sào để bảo vệ cho Thầy, vì đêm nay “đàn chiên sẽ tan tác.” Thầy Giêsu tinh tế và trìu mến biết bao khi nhắc khéo bác: “Nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần“. Là người hùng, bác đời nào chối thầy phản Chúa! Và anh em của bác cũng hết mực trung thành với Thầy.

Nhưng tinh thần thì hăng hái nhưng xác thịt lại yếu đuối vô cùng! Cuộc khổ nạn của Thầy vừa bắt đầu, anh em của bác vội “chạy mất dép”, chỉ còn bác với Gioan theo Thầy xa xa. Chen lấn giữa đoàn người, bác nghĩ thầm: “Chẳng ai nhận ra mình đâu!” Rồi nhờ quen biết, bác mạnh dạn tiến vào trong sân để có thể nhìn Thầy dễ hơn. Tâm trí hoảng sợ, lòng dạ rối bời, bầu không khí lúc ấy càng khiến bác hoang mang hơn. Trong tâm thế ấy, bác đã phũ phàng chối Thầy của mình.

Bất ngờ một người tớ gái đến hỏi: “Cả bác nữa, bác cũng đã theo ông Giêsu, người Galilê đó chứ gì?” Một câu hỏi xã giao hay cắt cớ, thưa bác? Đối với người khác, đó là một câu chào để tạo mối tương quan; nhưng với bác trong hoàn cảnh này, lời chấp nhận sẽ là mối nguy hại cho bác. Khổ nỗi cô bé ấy hỏi lớn quá khiến nhiều người nghe được, nên bác đã chối Thầy lần thứ nhất trước mặt mọi người: “Tôi không biết cô nói gì!” Vậy mà mấy ngày trước bác thề sống chết với Thầy! Đúng là “có gặp hoạn nạn mới biết chân tình!” Tương quan gắn bó thân thiết ba năm trời với Thầy, giờ bắt đầu bị rạn nứt. Thử hỏi ai đủ can đảm để chấp nhận lời quy gán nguy hiểm ấy? Bởi lẽ, người nào liên lụy tới Giêsu lúc này, sẽ khó lòng thoát khỏi vòng lao lý? Nên sau lời chối này, bác chủ động đi ra cổng để khỏi bị những ánh mắt nghi kỵ xét dò.

Nhưng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”. Bác lại bị một tớ gái khác hỏi hóc búa hơn: “Bác này cũng theo ông Giêsu người Nadarét đấy.” Hóc búa vì ai ai cũng biết danh xưng và nguồn gốc của “tên tội nhân” trong kia. Nhớ lại ngày xưa, bác quyết tâm từ bỏ mọi sự để bước theo “Giêsu –người Nadarét đấy”; vậy mà giờ đây “theo ông Giêsu” lại là nỗi ám ảnh đáng sợ với bác dường nào! Tận thâm tâm, chắc bác không muốn chối Thầy phản Chúa. Điều đáng tiếc là bác công khai thề không biết Thầy trước bàn dân thiên hạ: “Tôi không biết người ấy“. Bác ơi, không biết Giêsu nghĩa là đi vào cõi chết (Ga 3,16); chối từ Giêsu nghĩa là loại bỏ một mối tương quan sống còn của kiếp người.

Người đời có thể thông cảm với bác trong hai lần chối trước, nhưng “quá tam ba bận” thì họ tin rằng bác đã xác tín xa Thầy. Xui xẻo cho bác là đám đông muốn thách thức niềm tin của bác với Thầy Giêsu. Họ nhìn chằm chằm vào bác và lớn tiếng: “Ðúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay”. Lúc này bác không thể thoát khỏi tài nhận diện của họ. Bởi lẽ ba năm vừa rồi bác nổi tiếng như cồn khi theo Giêsu. Do đó, họ đã xác định được gốc tích của bác. Đúng là một khi bị dồn vào bước đường cùng, người ta sẽ trở thành một con hổ hung giữ để kháng cự bằng mọi giá. Bác đã thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi không biết người ấy”. Mọi sự đã quá rõ! Bác đã ruồng bỏ Thầy Giêsu. Tương quan thầy trò bị bác đơn phương cắt đứt. Ai có thể nối lại mối dây thầy-trò của bác với Người?

Cảm ơn chú gà đã cất lên tiếng gáy hệt như một hồi chuông báo hiệu cho bác đã đi sai đường. Đúng hơn, tạ ơn “ánh mắt tinh tế và trìu mến” của Thầy Giêsu đã kéo bác trở về. Ánh mắt ấy có sức mạnh lạ kỳ giúp bác sực nhớ lời Thầy đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Bác ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. Bác khóc như một em bé hối lỗi vì không nghe lời cha mẹ. Giọt nước mắt của bác tuôn chảy, gột rửa hết những vẩn đục trong tâm hồn, hết những “lời độc địa” vừa rồi. Và nhờ đó, sau này bác đã nên một vị tông đồ vĩ đại, một Giáo Hoàng tiên khởi và một trụ cột tuyệt vời giúp Thầy Giêsu xây dựng Hội Thánh của Người.

Kính lạy thánh Phêrô,

Câu chuyện chối Thầy của ngài cũng là vấn đề nổi cộm của thời đại chúng cháu hôm nay. Người ta không chỉ chối Chúa bằng học thuyết, bằng lời nói, bằng hành động mà còn bằng cả sự dửng dưng tôn giáo đáng sợ! Ước gì nhờ ánh mắt nhân từ của Thầy Chí Thánh, chúng cháu cũng nhận được sức mạnh, có được tình yêu để can đảm nói cho mọi người: “Tôi là môn đệ của Chúa Giêsu, tôi muốn làm chứng cho Người…”

Gửi đến ngài đôi dòng tâm sự…

Thủ Đức, mùa Chay 2015

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

 

4.       Thư Philatô Gửi Giêsu

        

Gửi Ông Giêsu,

Lịch sử vẫn thường cho rằng Philatô tôi đây là một kẻ tham lam và tàn bạo, thích đàn áp và bóc lột. Tôi biết có nhiều người Do Thái thời đó ghét tôi lắm, thậm chí phẫn nộ, vì tôi khinh bỉ những tập tục của họ. Rồi khối người ngày nay vẫn cho tôi là kẻ trốn trách trách nhiệm khiến Ông – Chúa của họ – phải chết. Họ không chịu hiểu cho tôi: sở dĩ tôi rửa tay là vì không muốn liên can đến những vấn đề mà tôi cho là chuyện nội bộ Do Thái giáo. Dẫu sao, tôi biết Ông là người hiểu rõ tôi nhất, vì chúng ta đã gặp gỡ nhau mặt đối mặt, và vì bây giờ Ông đã về Vương Quốc của Ông.

Còn nhớ, giới lãnh đạo Do Thái trao nộp Ông cho tôi vào sáng ngày Thứ Sáu tuần lễ Vượt Qua, họ cáo buộc Ông tự xưng mình là vua. Tôi xét thấy Ông không có tội gì đáng phải chết; nhưng khi những kẻ vu cáo kết tội là Ông gây xáo trộn trong cả miền Giuđêa và Galilê, tôi đã phải cho áp giải Ông đến Hêrôđê, vì tôi đã mệt mỏi với những vụ lùm xùm nổi loạn. Con cáo già này lại không xét hỏi Ông mà đem trả lại cho Tôi. Tôi muốn tha cho Ông, tuy nhiên, tôi đành chịu nhượng bộ trước áp lực mạnh mẽ của giới lãnh đạo Do Thái khi họ “chụp mũ” rằng, nếu làm thế, tôi không phải là bạn của Xê-da. Người đời lại thêm cớ xét đoán tôi là con người nhu nhược, thoả hiệp, thiếu lập trường.

Dẫu sao, tên tuổi tôi đã gắn liền với biến cố Thương Khó của Ông. Người Kitô-hữu nhắc đến tên tôi mỗi khi họ đọc Kinh Tin Kính. Tại sao nhỉ? Bởi tôi đóng một vai trò thật quá quan trọng phải không? Đó là làm chứng cho sự thật lịch sử về Ông. Ông Giêsu Nadazeth đã chết vào cái thời Philatô tôi đây làm tổng trấn.

Tôi cũng còn giữ một vai trò khác nữa: làm nổi bật mẫu gương “chứng nhân trung thực” nơi Ông. Có một trò hề trớ trêu trong phiên tòa này. Những kẻ tố cáo không quan tâm mấy đến việc xét xử, liệu xem bị cáo có tội hay vô tội; bọn họ chỉ tìm cách giết Ông cho bằng được. Tôi đâu có phải con nít để không nhận ra rằng họ đang tự biến mình thành kẻ làm điều ác chứ đâu phải người mà họ đang vu cáo. Dễ thấy mà, họ tự cho mình là trung thành với Thiên Chúa, họ không vào trong dinh của Tôi để có thể dự lễ Vượt Qua. Họ tùng phục Thiên Chúa đến mức ai nói phạm thượng thì phải chết, vì Dân Thiên Chúa chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa. Rồi rốt cuộc họ lại tuyên bố Xê-da là vua của họ. Haha, hóa ra những kẻ giữ luật, tránh bị nhiễm uế qua hình thức bên ngoài, lại lộ ra thái độ bên trong là xa rời và phản nghịch Thiên Chúa.

Ông biết không, thoạt đầu tôi không muốn liên lụy đến vụ xét xử Ông đâu. Nên tôi nói với những kẻ tố cáo rằng “Các người cứ đem Ông ấy đi và xét xử Ông ấy theo luật của các người”. Tôi không nghĩ Ông là kẻ nguy hiểm về an ninh chính trị, nên đã tìm nhiều cách tha Ông. Bằng chứng là ba lần tôi khẳng định Ông vô tội. Thế mà phiên tòa vẫn chưa chịu kết thúc, chắc Ông cảm nhận được những mâu thuẫn và bất công trong đó. Tôi biết chứ.

Tôi đã tuyên bố không tìm thấy điều gì để kết tội Ông, nhưng lại đặt Ông ngang hàng với Ba-ra-ba vốn là tên tử tội ghê gớm nhất mà tôi đang cầm giữ. Tôi đã cho bọn lính đánh đòn Ông cách thê lương, với hy vọng khiến đám dân to mồm khát máu kia động lòng trắc ẩn. Tôi đã để quân lính nhục mạ Ông đủ điều rồi lại oang oang tuyên bố Ông vô tội. Tôi tuyên bố rằng tôi có quyền tha hay đóng đinh Ông, nhưng tôi lại không thi hành quyền ấy, mà chỉ làm theo đòi hỏi của những kẻ tố cáo Ông mà thôi. Và cuối cùng, tôi đã trao Ông cho họ đem đi đóng đinh.

Đến đây con người thật của tôi bị vạch trần. Để bảo vệ quyền lợi của mình, tôi đành thí bỏ Ông. Tôi không dám xét xử Ông theo sự thật, và không dám đứng về phía sự thật, mặc dầu đã có lúc tôi muốn biết sự thật là gì. Động thái ấy đã trở thành lựa chọn của tôi. Đã là người thì phải chọn lựa, Ông biết mà!

Cũng trong phiên tòa ấy, căn tính của Ông dần dần được vén mở cho tôi và những ai về sau đọc lại sách Tin Mừng. Thoạt đầu ông bị tố cáo là tên tội phạm. Dần dần, Ông lại là Con Thiên Chúa. Cuối cùng, Ông là vua dân Do-thái. Khi nói về nguồn gốc quyền bính, Ông xét xử những kẻ tố cáo, và xét xử cả tôi nữa, khi Ông nói rằng Philatô tôi đây không có quyền gì nếu không phải do Ơn Trên ban cho, và đám người kia thì có tội lớn hơn tôi. Một ván bài lật ngửa! Ai mà ngờ được, Ông đã thực thi vương quyền của Ông trong thế gian, ngay chính lúc ông bị thế gian tước hết mọi quyền hành. Người bị tố cáo, bị kết tội, hóa ra lại trở thành vị thẩm phán đích thực. Tôi thấy hổ thẹn với chiếc ghế quan tòa của mình.

Tôi đã hỏi Ông có phải là vua dân Do-thái không? Lúc đó tôi hoang mang hơn là đang xét hỏi. Tôi không thể hiểu nổi người đang đứng trước mặt mình là ai. Tôi không biết phải ăn nói với những kẻ tổ cáo Ông thế nào về tội trạng. Lương tâm tôi bối rối. Còn Ông lại hết sức ung dung, bình thản và thẳng thắn. Tôi đang bị sự thật tra xét hơn là người tra xét sự thật. Tôi đang tự tra xét mình ơn là tra xét Ông. Ông đã chất vấn tôi: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Và chỉ sau khi chính miệng tôi khẳng định, ông không bị bất cứ ảnh hưởng nào: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi”, ông mới bày tỏ cho tôi về Nước của Ông: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái.” Rồi Ông khẳng định: “Tôi là Vua”. “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Giêsu ơi, ông đã đưa tôi đi từ hoang mang này đến hoang mang khác. Tôi buột miệng hỏi lại Ông: “Sự thật là gì”. Có cái gì đó cứ khắc khoải trong tôi ở tận vô thức.

Ông thấy đấy, kẻ không có sự thật như tôi, dù có tự phong cho mình quyền xét xử, vẫn phải khiếp sợ trước Sự Thật. Đứng trước Nguồn Bình An mà không chịu đón nhận, tôi trở nên trống rỗng. Đứng trước Nguồn Tình Yêu mà không mở ra, tôi trở thành kẻ thất bại. Đứng trước Công Lý mà không bênh vực, tôi đâm ra bạt nhược. Đứng trước Lẽ Sống mà không muốn tuân theo, tôi sống vật vờ đến vô hồn.

Tôi biết chứ, nhưng tôi cũng là một con người. Tôi đã không vượt qua được giới hạn của bản thân khi chỉ dựa vào sức mình hoặc thế lực người đời. Tôi là người vừa muốn đi tìm sự thật, thậm chí sự thật nơi một Vương Quốc không thuộc về thế gian này, vừa sợ mất ghế, mất quyền, mất địa vị, mất trắng ngay tại thế gian này. Tôi là kẻ sống hai mặt, và chắc không khác mấy nhiều người trong đám dân Do Thái đang nháo nhào phía dưới, dù tôi với họ không cùng hàng ngũ. Nghĩ mà đau lòng, ngày Ông vào Giêrusalem, người người hỉ hoan đón tiếp và tung hô. Ấy vậy, chỉ một tuần sau thôi, cũng chính đám đông đó, từng người trong số đó, hét to hơn ai hết: “Hãy thả Barabas. Hãy đóng đinh Giêsu vào thập giá.” Không một ai lên tiếng bênh vực Ông ngày ấy, mà chỉ toàn những chứng gian, những kẻ tò mò hay hèn nhát trốn biệt tăm biệt tích. Vậy mà Ông đã đối xử với bọn họ và với tôi thế nào? Sách Tin Mừng đều ghi rõ.

Giêsu ơi, tôi có tội không? Và nếu có, tội tôi có được tha hay không? Chắc chỉ có Ông biết và có thể tha tội cho tôi. Tôi viết thư này thay mặt cho những Philatô của thời hiện đại, và cho cả những người ngoài miệng rêu rao tin Ông mà không sống theo sự thật.

Nguyễn Anh Huy, S.J.

Người viết đã tham khảo từ các nguồn sau:

  1. GB Nguyễn Duy Hành, “Sự thật trong vụ án Philatô xét xử Chúa Giêsu” tại trang web Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn. http://vinhson.org/Su-That-Trong-Vu-An-Philato-xet-xu-Chua-Giesu-78a, truy cập ngày 25-03-2015.
  2. Lm. JB Nguyễn Duy Hùng, “Chúa Giêsu và quan Philatô” tại trang web Công Giáo Việt Nam. http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=68&ia=10660, truy cập ngày 25-03-2015.
  3. Trần Duy Nhiên, “Hãy trả lời cho chính bạn” tại trang web Suy Niệm Hằng Ngày. http://www.suyniemhangngay.org/sn/0903_HayTraLoiChoChinhBan_TDN.php, truy cập ngày 25-03-2015.
  4. Felipe Gómez, “Kinh Tin Kính” tại trang web Hợp Tuyển Thần Học. http://www.htth.org/so/so38_39/38g_duoi_thoi_phongXio_philato.htm, truy cập ngày 25-03-2015.

 

5.       Hồi Ký Của Simon Kyrênê

       

Có lẽ chẳng  bao giờ tôi có thể tin rằng, chỉ một buổi chiều thôi mà cuộc đời của tôi đã chuyển sang một trang mới. Chẳng bao giờ tôi có thể tưởng tượng rằng, người làm biến đổi đời mình lại là một phạm nhân sắp phải chịu chết. Ấy vậy mà sự việc dường như không tưởng ấy lại xảy ra cho tôi vào một buổi chiều lễ Vượt qua, với một người tử tù mang tên Giêsu.

Khoảnh khắc ấy đến thật bất ngờ. Không bất ngờ sao được khi một kẻ vốn thờ ơ với tôn giáo như tôi lại bỏ đồng về nhà sớm để chuẩn bị cho lễ Vượt qua. Không bất ngờ sao được khi một người vốn dửng dưng với thế sự, hững hờ với phận người như tôi lại cố chen chân để xem cho biết những kẻ tử tội chiều nay là ai. Nói chung cũng chẳng phải tôi sốt sắng đạo đức hoặc xót thương người đau khổ cho bằng, thấy các nhà nông khác về sớm dọn lễ thì mình cũng phải về, thấy bà con ùa nhau chen chúc thì mình cũng xin một chút bon chen xem sao. Nhưng oái oan thay, vừa chen được vào thì người tử tù Giêsu lại gục ngã ngay trước mặt tôi, thân bị đòn roi tả tơi chẳng còn vác nổi cây thập giá nữa. Thế là tránh vỏ dưa lại gặp ngay vỏ dừa, đã cố né rắc rối thì lại bị rắc rối bám chặc vào người. Mặc cho tôi có viện mọi lý do để từ chối, thì những tên lính Rôma hung tợn vẫn cứ ép buộc tôi phải vác đỡ thập giá cho người tử tù này. Dẫu cho tôi có than van cầu xin đủ điều, thì chúng vẫn cứ đặt thập giá lên vai tôi. Thôi thì để tránh phiền phức, cực chẳng đã tôi mới phải ghé vai vác lấy cái thứ vừa ô nhục vừa chết chóc này.

Nghĩ lại cũng lạ, hai đầu thập giá, một bên muốn buông xuôi cho rãnh nợ, bên kia lại tha thiết ôm lấy. Một bên chán nản muốn trốn chạy, bên kia vẫn kiên trì lê từng bước. Một bên mồ hôi thấm đẫm chưa hết áo, bên kia máu đã nhuộm đỏ cả người. Vì sao Người không một lời than trách cho những đòn roi vô tâm? Vì sao người cố ôm lấy thập giá để tiến bước dù đôi chân đã gục lên quỵ xuống nhiều lần? Vì sao khi những mũi đinh đã đâm thâu xương thịt, đôi mắt Ngài vẫn hiền lành, miệng Ngài vẫn cứ cầu xin Cha tha tội cho những kẻ đang hả hê cười nhạo và tra tấn Ngài?

Những câu hỏi đó vẫn cứ lởn vởn trong đầu tôi như muốn tìm lối thoát. Nếu có một Thiên Chúa quyền năng đã dẫn toàn dân vượt qua biển Đỏ ráo chân, thì Thiên Chúa đó cũng sẽ đưa dân Ngài đi qua biển khổ cuộc đời này. Nếu có một Thiên Chúa làm chủ sự sống và cái chết, đã cứu những người Do Thái khỏi phơi xác bên Ai Cập, thì Thiên Chúa đó sẽ đưa con người vào sự sống đích thực mai hậu. Nếu có một Thiên Chúa yêu thương thì Ngài sẽ lắng nghe, sẽ xoa dịu và tha thứ mọi tội lỗi nơi cõi lòng của con người yếu đuối.

Và rồi, chính lúc những môn đệ nhát đảm của thầy Giêsu dám trở về để loan báo sự sống lại của Chúa, chính lúc Tin mừng Phục sinh được loan đi khắp thành phố Giêrusalem, thì cũng là lúc, một Thiên Chúa quyền năng, hằng sống và đầy tình yêu mà muôn dân mong đợi, giờ đây đã xuất hiện rõ ràng với tôi. Đó là chính Đức Giêsu Kitô, một Thiên Chúa làm người. Đó là người đã cùng tôi vác thập giá, đã chết và đã sống lại vinh quang.

Chiều hôm nay khi ngồi nhìn hai người con trai là Alexandrô và Ruphô. Cả hai được chịu phép rửa và trở nên những Kitô hữu nhiệt thành, mắt tôi lại chan chứa hai dòng lệ hạnh phúc. Không hạnh phúc sao được khi chính Chúa đã đến, đã đụng chạm cuộc đời vô cảm, tội lỗi của tôi và còn mời gọi tôi vác thánh giá theo Ngài. Thánh giá đó chắc chắn sẽ làm tôi đổ mồ hôi, mệt mỏi và cả đau đớn. Thế nhưng ở đầu bên kia, một Chúa Giêsu vẫn đang kiên trì tiến bước cùng tôi.

(Bài viết được phóng tác từ Tin Mừng theo các thánh Mátthêu 27,32 ; Máccô 15,21-22 ; Luca 23,26)

Phạm Khánh Linh, S.J.

 

6.       Viên Đại Đội Trưởng

Những ngày đó, tình hình dân Do-thái trở nên phức tạp. Người ta kháo nhau đủ điều về một ông tên Giê-su là người của Thiên Chúa; giới giáo quyền trong dân thì luôn buộc tội ông này phá luật đền thờ. Những ngày đó, chúng tôi được lệnh phải sẵn sàng trước một cuộc bạo động. Theo những gì thu nhận được cho tới giờ, ông Giê-su không phải là một người của phường Quá khích, ông giảng dạy công khai và được dân chúng mến mộ, nhóm của ông độc lập với những thành phần khác trong dân.

 

Thực lòng mà nói, dù không quan tâm lắm đến vấn đề tôn giáo, tôi vẫn khá ấn tượng về con người tên Giê-su này. Dạo nọ, ông đã vào Đền Thờ và mạnh mẽ đuổi hết phường buôn bán đang hoạt động ở đó. Nói gì thì nói, ông cũng không chống đối việc nộp thuế cho Xê-da. Nhưng điều mà tôi ấn tượng nhất vẫn là việc ông dám thách thức giới giáo quyền đập bỏ Đền thờ đi và ông sẽ xây lại trong vòng ba ngày! Dù vậy, tôi vẫn phải tuân lệnh theo dõi mọi động tĩnh của ông ta; mọi sự phải được đảm bảo nằm trong tầm kiểm soát của Rô-ma.

 

Sáng sớm hôm đó, toàn thể Thượng Hội Đồng của dân Do-thái giải ông Giê-su đến cho quan tổng trấn của chúng tôi. Trong mắt chúng tôi, ông Giê-su này kỳ thực chưa phải là mối đe dọa cho an ninh ở đây. Chúng tôi thừa biết, ông ta bị bắt đến đây chỉ bởi lòng ghen tỵ của các thượng tế. Ông ta quá nổi tiếng và được lòng dân chúng mà! Quan tổng trấn, sau khi thẩm vấn ông Giê-su, tuy không thấy ông này có tội gì nhưng muốn làm vừa lòng đám đông, nên đã truyền đánh đòn ông Giê-su rồi rồi sau đó đưa ông đi đóng đinh. Dù gì, chúng tôi vẫn không lấy làm hãnh diện khi phải xử như vậy với một người vô tội, nhưng…

 

Trong dinh tổng trấn, quân lính đã đánh đập và nhạo báng ông Giê-su thậm tệ, nhưng ông này đã chẳng nói gì, chỉ im lặng và kiên nhẫn chịu đựng. Ông ta bị điên rồi sao? Đâu ai dám đùa giỡn với mạng sống mình như vậy! Hay là có một điều gì đó đằng sau những chuyện này? Ông Giê-su kia thật khó hiểu!

 

Sau khi đưa ông Giê-su lên đồi Gôn-gô-tha, chúng tôi đóng đinh ông vào thập giá. Dù đã quen với việc thi hành loại án phạt này, nhưng đây là lần đầu tôi cảm thấy một điều gì đó trong chuyện này, đặc biệt là mỗi khi nhìn vào ông Giê-su kia. Ông Giê-su, thực sự ông là AI vậy? Người ta đang chế giễu ông kìa. Chúng tôi viết trong bản án là “Vua người Do-thái”, những người có mặt ở đó cũng nhạo báng ông như vậy, họ bảo ông hãy xuống thập giá đi vì ông có thể xây lại đền thờ trong ba ngày. Ừ, ông Giê-su, hãy xuống thập giá đi! Việc gì ông phải chịu đau đớn vô nghĩa như vậy nếu thực sự ông là người có quyền phép, thực sự là người của Thần Minh. Sao ông quá đỗi hiền lành vậy? Hiền lành đến nhu nhược! Sao ông cứ để người ta chế giễu mình, cứ để mình phải đau khổ, phải chết nhục nhã và vô lý như vậy? Ông Giê-su, tôi biết ông còn tỉnh táo mà, vì trước đó ông đâu chịu uống rượu pha với mộc dược; Ông can đảm lắm, nhưng… đó có phải là một sự can đảm mù quáng không? Ông Giê-su, ông Giê-su!

 

“Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”, ông Giê-su đã kêu lên thống thiết như vậy vào giờ thứ chín. Khi đó bóng tối bao phủ khắp mặt đất. Có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển thấm đầy giấm rồi đưa lên cho ông. Sau đó ông kêu lên một tiếng nữa rồi tắt thở.

 

Trước mặt tôi là một người vô tội nhưng lại chết như một kẻ phạm nhân. Người dân của ông đã chối bỏ ông. Thiên Chúa của ông dường như cũng đã chối bỏ ông. Bây giờ, ông biết không ông Giê-su, ông đã để lại trong tôi một sự thắc mắc lớn lao. Tôi thắc mắc về sự công chính, về sự thật, và nhất là về chính ông, ông Giê-su! Thiên Chúa của ông là Thiên Chúa nào vậy sao tôi thấy ông yêu thương cả những kẻ nhục mạ, hành hạ và đóng đinh ông? Thế giới này đã quá đỗi dư thừa bạo lực và thù hận, ghen ghét và chia rẽ, loạn lạc và thất tín, vị lợi và tranh chấp, nhưng lại quá thiếu những người như ông. Thế giới này cần ông hơn là cần chúng tôi, những kẻ đã làm cho thế giới xấu xí và bạo lực hơn.

 

Ông Giê-su ơi, trong cái chết của ông, tôi không thấy ông hèn yếu chút nào, ông thực sự rất mạnh mẽ và can đảm. Sự im lặng của ông trước những lời tố cáo không hề chứng tỏ ông có tội, nhưng ngược lại, nó cho thấy ông là người công chính, vì ông có sức mạnh để thắng được những điều đó. Những gì xấu xa và gian trá không làm ông lung lay, cũng không nhuộm đen trái tim ông, không tước bỏ sự can đảm và khảng khái của ông. Trong khi bao người lấy bạo lực để chống lại bạo lực, thì ông kiên cường với sự im lặng, với bất bạo động. Nơi ông, tôi thấy hòa bình thật sự!

 

Thập giá là hình phạt nhục nhã và nhơ uế mà chúng tôi dành cho những tội phạm, nhưng ông đã can đảm bước lên đó để chỉ cho chúng tôi thấy sự thật về quyền bính thế gian, về tình thương vô vị lợi và về cả sự bí nhiệm nơi Thiên Chúa của ông. Tôi đã tự hào về quyền lực của mình, nhưng đứng trước ông, điều đó giờ chẳng có nghĩa lý gì. Trong tiếng kêu thống thiết của ông, dường như tôi thấy một vị Thiên Chúa im lặng, im lặng như ông khi đứng trước sự bách hại của chúng tôi, một sự im lặng không phải của nỗi bất lực, nhưng là của quyền năng thắng vượt trên cái ác. Cái chết vốn là điểm tận cùng của chúng tôi, vậy mà với ông, nó không là chung cục, mà là một điểm khởi, điểm khởi cho những gì mới mẻ và tươi sáng trong lòng chúng tôi.

 

Nhìn lên ông, tôi thấy mình được thêm sức mạnh để đối diện với thực tế đời mình. Nơi ông, tôi thấy hiện diện một vị Thiên Chúa thực sự, Đấng mà ông gọi là Cha. “Quả thật, ông là Con Thiên Chúa!”

 

Phạm Đình Ngọc S.J.

 

7.       Gioan – Yêu Đến Tận Cùng

Miên man buồn trong tâm tình mùa chay. Đôi khi con cảm thấy vui nhẹ, vì Chúa không chỉ chết mà đã sống lại. Con nên buồn hay vui? Nhận thấy tội lỗi và giới hạn, con nào dám vui! Chúa đã cứu con, chẳng lẽ con buồn! Bối rối. Tia sáng lóe lên trong tâm trí: nhờ thánh Gioan tông đồ chỉ dẫn.

– Con chào thánh Gioan.

Chào con. Con gọi ta là bác Gioan cho thân thiện. Ta hiểu tâm trạng của con. Chúng ta nói chuyện một cách hài hước nhé!

– Vâng. Bác theo Chúa đến tận chân thập giá. Bác là người được Chúa thương mến nữa. Bác thật tốt lành và hạnh phúc!

Lời con khen đúng một phần, mà phần này là do Chúa huấn luyện, chứ bác dở lắm. Ai mà Chúa chẳng thương. Anh trộm đáng chết, Chúa vẫn thương. “Người môn đệ Chúa thương mến” là điều bác muốn nhẩm đi nhắc lại để ca ngợi tình thương Chúa, vì sức mạnh này mà bác theo Chúa đến cùng.

– Ồ, đúng là con hẹp hòi, cứ nghĩ là Chúa chỉ thương một số người. Bác “dở” nghĩa là sao? Con thấy bác thương Chúa hơn các môn đệ kia.

Không nên so sánh thế, Chúa mới biết được. “Cái dở” của bác là có căn cứ đấy. Khi bác muốn theo Chúa, Chúa hỏi: các anh tìm gì? Bác vững lòng: con không tìm gì, con tìm Thầy.[i] Thế mà sau đó, bác toàn tìm những cái không đâu, mấy khi tìm Thầy! Cho tới dưới chân thập giá, bác mới thực sự hiểu tìm Thầy thì tìm ở đâu.

– Những cái không đâu là gì ạ?

Đó là lòng ghen tỵ. Khi có người lấy danh Chúa để trừ quỷ, bác ngăn cản họ, vì họ không trong nhóm môn đệ. Cứ tưởng được Chúa khen, ai dè, Chúa bảo: đừng ngăn cản họ.[ii] Đó là ham danh tiếng chức quyền. Mẹ bác tới xin với Chúa,[iii] mà đúng hơn là chính bác và anh Giacôbê trực tiếp xin[iv]: ngồi bên phải và bên trái Chúa trong vinh quang. Bác bị “lố” khi Chúa nói: anh em không biết anh em xin gì, vị trí ngồi là do Chúa Cha quyết định. Chúa còn hỏi: có uống nổi chén Thầy sắp uống không? Bác đáp tỉnh bơ: uống nổi. Dưới chân thập giá, bác mới hiểu: anh em chạy hết, mình bác ở đó, không ai có sức uống nổi. Nhìn bên phải bên trái Chúa là hai kẻ trộm, bác thấy mình không khá hơn họ. Có điều là bác được tình thương vô tận của Chúa cứu và biến đổi, giống như Chúa thương anh trộm lành.[v]

– Bác làm con nản quá! Nhưng con thích lòng thành của bác.

Chúa nói: hãy có lòng thương xót, hãy bao dung, nhưng bác đâu chịu, với bác, “bao dung là bung dao”. Khi vào một làng để chuẩn bị cho Chúa ghé thăm làng đó, họ không chịu vì kỳ thị vùng miền, bác bực mình, nói với Chúa: Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? Chúa không thể hiền lành hơn được nữa, mới mắng cho bác một trận.[vi]

– Bác dữ thật! Thế mà bác có thể trở thành tông đồ của tình yêu Chúa! Bằng cách nào mà Chúa có thể làm cho bác thành khôn ngoan và dễ thương đến thế?

Kể cho con một chút về bữa tiệc ly. Con thử hình dung: sư phụ ngồi giữa đồ đệ trong bữa ăn cuối cùng. Sư phụ biết mình sắp kết thúc cuộc đời trong tủi nhục, mà học trò còn quá non dại. Một trò bán thầy, một trò chối thầy, tất cả bỏ chạy… Trái tim người thầy sẽ tan nát thế nào! Con thử hình dung về bữa cơm gia đình thời nay, dễ gì có sự ấm cúng. Cha mẹ nào thấy trước cảnh con cái tan tác ngay sau bữa ăn. Tâm hồn con người, ai chịu cho thấu!

– Xúc động quá! Làm sao bác cảm nhận được sự chuyển động trong trái tim Chúa?

Tựa vào lòng Chúa, bác lắng nghe nhịp đập thổn thức trong trái tim Người, từ đó, bác nhìn anh em, nhìn lại cõi lòng mình. Bác thấy Giuđa ra đi trong đêm tối, thấy Phêrô quá dựa vào sức mình, thấy anh em khác hoặc khẳng định hoặc vu vơ… Bản thân bác quá chênh vênh trong những con sóng ấy.[vii]

– Nếu thế, chắc là Chúa vẫn được an ủi, vì ít nhất còn một môn đệ như bác.

Không đâu. Nơi vườn Dầu, Chúa chọn ba người để cầu nguyện trong đêm cuối cùng. Thế mà, tụi bác ngủ gục hết. Tụi bác không thức nổi với Thầy cho dù chỉ một đêm, cho dù chỉ một giờ. Tụi bác để Thầy hoàn toàn cô đơn, chỉ còn Chúa Cha ở với Thầy.[viii]

– Con người tệ thật, con cứ ngỡ con người tốt lành lắm!

Con người có tốt nhưng rất giới hạn. Con người có yêu nhưng rất mau cạn. Chỉ có Chúa mới yêu đến cùng, đến thập giá, đến phục sinh, đến mãi mãi.[ix]

– Dường như bác biết rõ con hơn con? Hai ngàn năm rồi, bác vẫn nhớ như in, còn giải thích cho con hiểu nữa!

Bác biết những gì bác biết thôi. Đây là cái biết của con tim, của Con Tim vị Chúa làm Người và chết trên thập giá. Chúa Giêsu vẫn sống, và bác cũng thế, nên mọi sự hết sức mới mẻ.

– Từ đầu tới giờ, bác cứ nhắc đi nhắc lại về thập giá, thế nghĩa là sao?

Tình Yêu Thiên Chúa gắn liền thập giá. Bác đang đứng dưới chân thập giá Thầy Giêsu, bên cạnh có Mẹ Maria. Hai bên Chúa là anh trộm lành và tên trộm dữ. Xa xa là một nhóm người tin vào Chúa. Xung quanh là đám đông đang cười chê. Có anh lính tuyên xưng tin nhận Chúa. Có anh lính lấy đòng đâm thủng trái tim Chúa. Máu và nước tuôn chảy…[x] Trong cuộc đời, khi gặp thập giá, nếu đi với Chúa con sẽ phục sinh, nếu từ chối Chúa con sẽ đi vào hư vô, nếu tìm kiếm Chúa con sẽ gặp Ngài…

– Khúc này cao sâu quá!!! Bác nói chuyện hay thật, làm con quên mất chưa hỏi thăm Mẹ Maria.

Không sao đâu, Mẹ đang mỉm cười chúc lành cho con đấy!

– Nếu con ước mơ Chúa nói với con như nói với bác, nói với Mẹ ngày xưa, có được không?

Ồ, được chứ. Ngày xưa Chúa muốn nói: “Này là Mẹ của các con. Này là các con của Mẹ”, nhưng vì chỉ còn một mình bác, nên Chúa đành dùng danh từ số ít thôi.

– Trên thập giá mà Chúa còn hài hước! Cả bác nữa, bác đang buồn mà vẫn đoán được Chúa muốn nói gì. Thật tuyệt vời! Con cám ơn Chúa, Mẹ Maria và bác Gioan.

Vinh Sơn Vũ Tứ Quyết, SJ

[i] x. Ga 1,35-39.

[ii] x. Mc 9,38-40.

[iii] x. Mt 20, 20-23.

[iv] x. Mc 10,35-40.

[v] x. Lc 23,33-49

[vi] x. Lc 9,52-56.

[vii] x. Ga 13,21-30.

[viii] x. Mc 14,32-42; Mt 26,36-46; Lc 22,39-46.

[ix] x. Ga 13,1.

[x] x. Ga 19,23-37; Lc 23,33-49.

 

8.       Maria – Mẫu Gương Theo Chúa Đến Cùng

       

 Chiều hôm ấy, một buổi chiều tang tóc thê lương, dưới chân cây thập giá, có một người phụ nữ đứng lặng im nguyện cầu. Người đang bị treo trên thập giá kia, với thân hình rách nát vì đòn roi tàn bạo, chính là Đấng mà Mẹ kính yêu trên hết mọi sự và cũng là người con mà Mẹ dứt ruột sinh ra. Hẳn là chẳng thể nào Mẹ có thể ngờ được con mình sẽ kết thúc cuộc đời theo cách thức đó và chính mình lại phải chịu một nỗi đau kinh khiếp như thế này. Đức Giêsu và Mẹ có một mối tương quan vô cùng gắn bó. Tương quan ấy vừa là Tạo Hóa với thụ tạo, vừa là đứa con trai ngoan với mẹ hiền yêu dấu. Mẹ chính là người sinh Đức Giêsu vào trần đời. Mẹ là người đã cho Giêsu một thân xác. Nhưng Mẹ cũng ý thức rằng người con này của Mẹ mang một thân phận trỗi vượt hơn Mẹ. Bởi thế, dù là mẹ, nhưng Maria luôn nhìn về Giêsu như một mẫu mực để noi theo. Mẹ luôn ở bên Giêsu, cận kề với Giêsu, hiểu Giêsu và bước theo Giêsu trên tất cả mọi nẻo đường Người bước.

Nhớ lại ngày truyền tin, viễn cảnh mà Thiên Sứ vạch ra cho mẹ về người con mà Mẹ sẽ thụ thai thật uy phong lẫm liệt. Đó là Đấng mà muôn dân trông chờ cả bao thế hệ nay. Đấng ấy vượt trên tất cả mọi thụ tạo hữu hình và lẫn vô hình, vì đó là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa Tối Cao. Đấng ấy sẽ cai trị muôn dân, sẽ giải phóng dân Thiên Chúa thoát khỏi ách nô lệ. Là Mẹ của một người cao vượt như thế, tâm trạng của Mẹ như lẫn lộn tất cả mọi cảm xúc buồn vui. Biết bao nhiêu câu hỏi chợt bừng dậy trong đầu. Mẹ hạnh phúc vì được Chúa chọn để cộng tác vào công trình cứu độ. Mẹ vui vì giờ cứu rỗi đã gần đến. Mẹ là người đầu tiên được mặc khải cho biết về giờ thi ân của Thiên Chúa. Đấng mà muôn loài ngóng trông, Đấng mà cả vũ hoàn vẫn luôn chờ đợi, Đấng mà cả triều thần Thiên Quốc cũng phải quỳ xuống tôn thờ, giờ đây đang dần dần nhập thể trong cung lòng Mẹ. Thật tuyệt vời xiết bao!

Nhưng dường như tất cả những gì xảy đến với Mẹ đều không “huy hoàng” tráng lệ như lời tiên báo. Chúa của Mẹ là một Thiên Chúa tự hạ, nên Mẹ cũng chia sẻ cùng một sự khiêm nhường ấy. Một Đấng Cứu Thế sẽ lãnh đạo dân tiến về vùng đất hứa mà lại chấp nhận làm con của một đôi vợ chồng nghèo, muốn sinh ra trong một hang bò lừa nhỏ bé hôi tanh sao? Chúa đã muốn thế và Mẹ cũng noi gương Chúa. Mẹ lúc nào cũng cảm thấy an vui dù đời sống có khi gặp phải biết bao thiếu thốn hay buồn phiền. Mẹ hiểu rằng đó là con đường mà Chúa muốn đi, con đường trút bỏ tất cả, nên Mẹ cũng xin vâng để cùng con mình đi xuống cái cùng tận nhất của một kiếp lưu vong, bị bỏ rơi, bị khinh thường, bị đuổi giết. Rồi cả một khoảng thời gian dài hơn ba mươi năm âm thầm nơi ngôi làng Nazaret. Ở lứa tuổi này, người ta đã thành gia lập thất, có cuộc sống ổn định, còn Giêsu của Mẹ vẫn là một anh chàng thợ mộc nối nghiệp cha. Đâu rồi kế hoạch giải phóng dân tộc? Đâu rồi những sách lược, những mưu kế điều binh khiển tướng? Hơn ba mươi năm, đây đâu phải là một khoảng thời gian ngắn! Nhìn tới nhìn lui, Mẹ chẳng thấy Giêsu có gì nổi trội hay khác thường so với những thanh niên khác. Nhưng Mẹ chẳng giục giã Giêsu, Mẹ không nhắc nhở Giêsu về bổn phận giải phóng dân tộc của Người. Mẹ chỉ biết im lặng, chiêm ngắm Giêsu và vâng nghe theo những gì Chúa thực hiện cách nhiệm mầu nơi con trai của mình.

Rồi giờ đây, trên đồi vắng cô đơn, mẹ thấm thía thế nào là tư cách một người môn đệ, một tớ nữ đích thực của Chúa. Ruột gan mẹ như muốn xé toạt làm nhiều mảnh, nước mắt Mẹ chảy tràn như muốn cạn khô. Một Quân Vương ư? Một Đấng Thánh ư? Có vinh quang gì đâu! Trước mặt Mẹ là hình ảnh một người thanh niên không còn hình thù nguyên vẹn bị người ta xâu xé. Mẹ chẳng hiểu tại sao việc Giêsu chịu chết kinh khủng như thế này lại là cách để cứu độ nhân trần. Chính ngay tại đây, Mẹ trở thành người giáo dân đầu tiên dự thánh lễ đầu tiên và vĩ đại nhất của lịch sử. Vị chủ tế là chính Đức Giêsu và của lễ dâng lên Chúa Cha cũng chính là Đức Giêsu. Mẹ thông phần vào của lễ ấy bằng tất cả nỗi đau đớn, sự vâng phục và niềm tin yêu của một người tớ nữ. Cũng chính tại nơi này, lại một lần nữa Mẹ cất lên bài ca “xin vâng” với trọn vẹn thể xác và linh hồn mình. Trước nỗi đau đớn khôn cùng khi nhìn thấy người con yêu vô tội của mình bị hành hình mà Mẹ không thế làm gì được, Mẹ không oán trách đời, không quyền rủa thế gian, không gáo thét lên đổ lỗi cho số phận. Trái lại, như bao lần khác, Mẹ tin vào ý định của Chúa, tin vào chọn lựa của Giêsu, tin vào con đường mà con Mẹ đang bước đi, để rồi Mẹ cũng hân hoan bước theo đến tận cùng của con đường thập giá ấy.

Có mấy ai trong chúng ta sống được tinh thần người môn đệ của Chúa như Mẹ? Có bao nhiêu người trong chúng ta luôn sẵn sàng thưa tiếng “xin vâng” như Mẹ? Khi Chúa ban cho ta điều này điều kia tốt đẹp, ta không ngớt lời ca ngợi Chúa, tán dương Chúa, tung hô Chúa và tuyên bố là mình yêu Chúa thật nhiều. Còn khi Ngài mời gọi ta vác cây thập giá đi lên đồi cùng với Ngài, ta chần chừ, ngập ngừng, và có ý thoái lui, không dám bước tới. Bởi thế, ta chỉ có thể là một người môn đệ “nửa vời”, theo Chúa “từ đàng xa”, chứ không bao giờ kết hiệp trọn vẹn với Chúa trong từng thập giá mà Chúa gửi đến cho mình. Chiêm ngắm Mẹ trên đồi Canvê, chúng ta được mời gọi hãy noi gương Mẹ, bước đi theo Chúa và bước theo đến cùng, đến tận điểm cuối của chặng đường thương khó, vì nơi ấy chính là cửa ngõ dẫn ta đi vào chốn ngập tràn hạnh phúc thiên thu. Phải, ngay tại tâm điểm của thương đau là cánh cổng của Thiên Đàng. Nếu bạn muốn vào Thiên Đàng, hãy cùng Giêsu, cùng Mẹ tiến vào tâm điểm ấy.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

9.       Đức Giêsu – Một Thiên Chúa Ẩn Mình

 

Đức Giêsu thực sự là một mẫu mực cho lối sống và cung cách hành xử của chúng ta. Nhìn vào Ngài và chiêm ngắm đời sống của Ngài, chúng ta có thể tìm thấy được những bài học quý giá, những khuôn vàng thước ngọc, những chỉ dẫn khôn ngoan giúp tìm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu Đức Giêsu chỉ như thế thôi thì Ngài cũng chẳng hơn gì các bậc thánh hiền, các triết gia hay những bậc vĩ nhân trong lịch sử. Những nhân vật này cũng có một đời sống rất tốt lành, nêu gương sáng cho người đương thời và được các bậc hậu thế muôn đời kính ngưỡng. Những giáo lý họ truyền dạy cũng có một giá trị vô cùng thâm thúy, chất chứa một nền minh triết khôn ngoan, trường tồn với nhân gian qua bao đời. Phải chăng Đức Giêsu cũng chỉ là một trong số các nhân vật vĩ đại này? Ngài có điều gì đó khác họ, hay thậm chí là hơn họ không?

Trên bình diện lý trí, ta chỉ có thể nhìn về Giêsu như một con người, với những lề lối sinh hoạt, những tư tưởng và đời sống đạo đức. Nhưng Đức Giêsu vừa giống cũng vừa khác với chúng ta. Giống ở chỗ, tất cả đều là con người đúng nghĩa. Còn khác ở chỗ, Đức Giêsu mang trong mình bản tính Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa thật, một Thiên Chúa mặc lấy xác phàm. Chỉ có đức tin mới giúp chúng ta thấy được điều này. Dưới cái nhìn đức tin, Đức Giêsu trở thành một nhân vật có một không hai trong lịch sử, độc nhất vô nhị và trỗi vượt lên trên tất cả. Với chúng ta, Thiên Chúa cũng hiện diện trong tâm hồn theo một cách thức thiêng liêng. Còn với Đức Giêsu, Thiên Chúa không “hiện diện” theo một cách thức như vậy mà chính Ngài là Thiên Chúa. Giữa ta và Thiên Chúa có một sự phân biệt vì ta không phải là Thiên Chúa. Còn giữa Ngài và Thiên Chúa không có sự phân biệt nào cả. Bản tính Thiên Chúa thấm đẫm vào từng thớ thịt và dòng máu của Ngài. Chính điều đó làm cho Ngài trở nên phi thường và cái chết của Ngài có khả năng cứu độ mọi loài mà không một ai khác dưới gầm trời này có thể làm được.

Các bậc thầy khác có thể sống một đời sống tốt lành nhờ ngộ ra con đường chân lý. Họ trở nên thanh thoát và chỉ vẽ cho người khác cách thức tìm đến bình an. Nhưng tự cổ chí kim cho đến nay, không một ai trong số họ tuyên bố cách mạnh mẽ và cương quyết rằng họ là con của Vị Thiên Chúa Tối Cao. Chẳng ai khẳng định với người khác rằng họ là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chẳng ai khuyên người khác hãy ăn thịt và uống máu mình để có sự sống đời đời. Chẳng ai dám hứa với người khác là sẽ cho họ được vào Nước Trời với mình. Chẳng ai dám gọi Đấng Tuyệt Đối là Cha. Chẳng ai có thể tự mình thực thi vô số dấu lạ, rồi có khả năng truyền cho các môn đệ của mình những quyền năng như thế. Cũng không ai dám nói với người khác là mình có toàn quyền trên trời dưới đất, mọi tà thần khác cũng phải quy phục. Và đặc biệt hơn cả, chẳng ai trong số các bậc hiền triết sống lại từ cõi chết.

Người ta có điêu ngoa hay dùng thủ thuật lừa dối người khác để làm cho mình trở nên phi thường. Nhưng việc sống lại từ cõi chết thì điều xưa nay chưa người nào làm nỗi. Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết, không phải là một kiểu sống lại như Lazarô (x. Ga 11,1-44) hay như con trai bà góa thành Nain (x. Lc 7,11-17), nhưng Ngài đã đi vào trong sự sống thần linh của Thiên Chúa, một sự sống vượt trên cái chết nên sẽ không bao giờ chết nữa. Câu chuyện phục sinh của Ngài đã làm cho bao người kinh hoàng và điều đó chứng minh cho người ta thấy thân phận Thiên Chúa của Ngài, vốn đã “ẩn mình” trong suốt những năm qua. Thật khó có thể nghĩ rằng chính các tông đồ đã “bịa” ra câu chuyện Phục Sinh. Các ông lúc đấy đang sợ hãi, phải trốn chui trốn nhũi. Các ông cũng không phải là những người mưu mẹo và tinh khôn để có thể nghĩ ra câu chuyện phục sinh với những tình tiết hết sức logic, thu hút và thuyết phục người ta. Cũng chẳng ai “bịa” ra câu chuyện hoang đường rồi hân hoan vui mừng chịu chết vì nó. Tất cả các ông đều sẵn sàng lấy giá máu để làm chứng cho điều này, chứ không phải chỉ một hay hai người. Giới cầm quyền thời ấy hẳn là cũng muốn đối đầu với các ông, chứng minh câu chuyện phục sinh mà các ông loan truyền trong dân chúng là sai, nhưng họ không hiểu tại sao không tìm thấy xác Đức Giêsu. Và trước bao dấu lạ cùng sự biến đổi khác thường của các ông, họ không thể làm gì hơn.

Hẳn là sẽ có rất nhiều người cho rằng chuyện Đức Giêsu phục sinh là một chuyện ngớ ngẩn. Cũng chẳng thể trách họ được vì có ai trong chúng ta tự mình trải nghiệm hay chứng kiến kinh nghiệm có một không hai này đâu. Nhưng gom hết tất cả những gì ta biết về cuộc đời của Đức Giêsu, cộng với những gì Ngài truyền dạy và tiên báo, rồi cả những phép lạ Ngài làm, ta được mời gọi để tin vào một vị Thiên Chúa từ trời cao đã hạ giới xuống thế, sống một kiếp con người, và ở giữa chúng ta. Ta cảm phục vị Thiên Chúa ấy vì sự khiêm nhường của Ngài khi nhìn đến khoảng thời gian Ngài âm thầm sống trong một gia đình nhỏ bé, bình thường và giản dị như một con người, không có gì khác thường, không có gì nổi trội. Ta càng thấy cảm phục Ngài hơn khi chiêm ngắm lại cuộc thương khó đầy thương đau của Ngài. Vào khoảnh khắc bị bao kẻ thù tấn công tứ phía, vào lúc dường như bị tất cả mọi sự xấu bủa vây, Ngài – vị Thiên Chúa Tối Cao – vẫn lặng im cho người ta hành hạ, để mặc người ta muốn làm gì mình thì làm, không một lời chửi bới, không một phản ứng chống cự. Chính nơi cây thập tự ấy, ta thấy Thiên Chúa như ẩn đi tất cả những vinh quang và quyền năng vô biên của mình, để cùng im lặng với con người, cùng chịu đau nỗi đau của nhân thế.

Thiên Chúa luôn thích sự ẩn mình. Ngài vẫn còn ẩn mình rất nhiều trong thế giới này, đặc biệt nơi những biến cố đau thương, nơi những tình huống mà “chúng ta không tài nào hiểu nỗi”. Thiên Chúa ở đâu, trong những trận động đất, sóng thần cướp đi mạng sống của bao người vô tội? Thiên Chúa ở đâu ở, trong những cuộc chiến đấu tranh giành quyền lực, đất đai, tài nguyên? Thiên Chúa ở đâu, trong những trận dịch bệnh khủng khiếp? Thiên Chúa ở đâu, trong những vụ mưu sát, những cuộc khủng bố, những vụ đánh bom mang danh chính nghĩa và công lý? Thiên Chúa ở đâu, khi người lành thì chết thảm, còn kẻ ác cứ ung dung tự tại, ngông nghênh làm điều dữ? … Lý trí chẳng thể nào trả lời cho chúng ta biết được. Còn đức tin thì nói với chúng ta rằng Thiên Chúa ở ngay đó, ngay nơi tâm điểm của những điều tai ác đó, đang bị người ta lôi đi, bị người ta hành hạ, bị người ta chặt đầu, bị người ta giết chết. Thiên Chúa chẳng “trốn” ở đâu cả, và cũng chẳng phải Ngài cố tình không thấy gì cả, càng không phải vì Ngài chẳng thể làm được gì nên mới lặng im. Ngài không thể lấy đi tự do của kẻ ác, vì kẻ ác cũng là con cái Ngài, nhưng điều quan trọng hơn cả, là Ngài muốn ở kề bên những ai đang gặp cảnh bần cùng, khốn khổ và chịu nhiều thiệt thòi. Ngài ở đấy, chịu đau với họ và chịu chết cùng với họ.

Khi thập giá qua đi, chỉ sau một khoảnh khắc nhỏ, Thiên Chúa sẽ phô bày vinh quang bất diệt của mình cho những ai có lòng tin. Ai dính chặt cuộc đời mình với Đức Giêsu, cùng đi với Ngài và để cho Ngài đi cùng mình lên đồi Canvê, người ấy cũng sẽ cùng Ngài sống sự phục sinh của Thiên Chúa. Ngài sẽ kéo người ấy lên với mình, Ngài sẽ nâng người ấy dậy và đưa về cõi vinh phúc thiên thu. Thiên Chúa ẩn mình, không phải vì Thiên Chúa bất lực, nhưng vì Ngài quá nhân từ và quá quyền năng. Người nào có thể im lặng được khi chịu thiệt thòi, người ấy phải rất mạnh mẽ và đầy lòng từ bi. Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa như thế. Bởi vậy, khi chiêm ngắm Đức Giêsu, ta tìm thấy con đường khôn ngoan và những tư tưởng thanh tẩy tâm hồn, nhưng ta cũng được mời gọi để chiêm ngắm hình ảnh một Thiên Chúa ẩn mình nơi chính con người Ngài. Đi vào sâu trong Giêsu, ta sẽ bắt gặp được điểm hội tụ của trời và đất, của thiên đàng và thế gian, của Thiên Chúa và con người. Tất cả đều có nơi ấy, một cái tên thôi: Giêsu.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ