Lịch sự – Giám Mục Gb. Bùi Tuần

print

Lịch sự

Nói Với Chính Mình
+ Giám Mục Gb. Bùi Tuần

 

Có những con đường tự hình thành. Nó không được phác họa theo một họa đồ, một chương trình. Nó không được kiến thiết do một kỹ sư, một tổ chức. Nó thành hình dần dần. Ban đầu một số người đi theo lối đó. Rồi nhiều người cũng đi theo lối đó. Đi nhiều thành đường.

Hồi xưa phần lớn đường sá được thành hình theo cách đó. Bây giờ những đường như thế vẫn còn thấy ở các xóm ngõ, nhất là tại miền quê. Khi xã hội tiến triển và nhu cầu liên lạc gia tăng, nhiều đường mòn được xã hội chỉnh trang, mở rộng và đặt vào một hệ thống. Thế rồi hệ thống đường sá trở thành một thứ luật cho sự di chuyển.

Lịch sự cũng giống như đường đi. Nó thành hình dần dần. Ban đầu còn thô sơ, sau trở thành những hình thức tinh tế tuỳ theo tiến triển của văn minh. Nó là những thái độ khởi sự từ những hành vi tự phát và hồn nhiên. Dần dần những hành vi đó được tinh luyện và phổ biến. Rồi trở thành tục lệ. Tục lệ cũng có giá trị như một thứ luật.

Lịch sự hiện nay là một hệ thống những hình thức được xã hội thoả thuận chấp nhận như những con đường liên lạc giữa người với người, tùy theo tính chất những tương quan.

Vì lịch sự là những hình thức đã được xã hội thoả thuận, nên tôi tự buộc mình giữ những hình thức đó. Những hình thức đó là những con đường liên lạc. Nếu không theo đường đó, tôi sẽ khó tới được tha nhân. Thí dụ: chào hỏi lễ phép là một hình thức, nhưng nếu tôi muốn thoát ly mọi hình thức lịch sự để không chịu chào người trên của tôi, hay chào một cách xấc xược, thì giữa tôi và vị đó sẽ ít còn đường liên lạc hay chỉ có liên lạc mà không liên kết.

Vì lịch sự là những hình thức kính trọng bề ngoài diễn tả một thái độ bên trong, nên tôi không thể khước từ những hình thức đó. Con người có hồn, nhưng cũng có xác. Con người là con người xã hội. Bên trong không đủ phải có bên ngoài. Nội tâm của tôi, ai biết được. Kính trọng, biết ơn, yêu mến là những tâm tình phải chứng minh. Chứng minh ít nhất cũng bằng một thái độ đọc được ý nghĩa.

Vì lịch sự là đặc điểm của con người có giáo dục, nên tôi không coi thường. Không ai bảo cái máy vô lễ. Không ai trách con vật thất lễ, vì chúng không có ý thức, không có ý chí tự do để lựa chọn thái độ. Còn tôi là người. Giáo dục đưa tôi từ chỗ là người đến chỗ làm người và nên người. Nếu tôi vô lễ, người ta có quyền cho tôi thiếu giáo dục, hoặc vô giáo dục. Đó không phải là một lời khen.

Vì lịch sự là bông hoa thơm đẹp của giống người, nên tôi không nên thiếu sót. Bông hồng cài áo làm đẹp cho người mặc. Nhưng tôi phải mua, phải kiếm mới có. Còn bông hoa lịch sự tôi có thể tự làm lấy ngay tại mình tôi. Một cử chỉ nhã nhặn, một lời chào lịch thiệp, một câu cám ơn chân thành, một thái độ trọng kính, một cách ăn nói đi đứng đoan trang, tất cả đều là những bông hoa làm đẹp cho người có nó. Không đẹp vì nhan sắc, không đẹp vì áo quần, nhưng đẹp vì lịch sự, thì vẫn là một thứ đẹp đáng mến đáng kính. Có sắc đẹp nhưng không có lịch sự, thì chỉ là một thứ đẹp để coi, nhưng không để kính.

Khi tôi giữ lịch sự, tôi phải chân thành. Ngoài sao, trong vậy. Nhưng nếu trường hợp bên trong tôi không ưa thích, tôi có nên có thái độ trong sao ngoài vậy không? Có lúc tôi muốn lựa chọn thái độ đó, vì tôi cho thế là thành thực. Nhưng nghĩ lại tôi thấy không được. Lịch sự cũng như các lễ nghi. Nó gồm những dấu bề ngoài. Vấn đề đặt ra cho tôi chỉ là có phải giữ lịch sự và những dấu đó không. Một khi tôi thấy phải giữ, thì tôi phải điều chỉnh nội tâm của tôi sao cho ăn hợp với các dấu bề ngoài đó. Sự thành thật tôi phải có ở đây là làm sao thái độ bên trong tâm hồn tôi cũng đẹp như thái độ lịch sự bên ngoài. Lịch sự phải thành thực. Nhưng thành thực cũng phải lịch sự.

Khi tôi giữ lịch sự rất cần tinh thần bác ái. Lịch sự là một cách đối xử dựa trên sự tôn trọng và yêu mến tha nhân. Sẽ không có lịch sự, nếu không biết để ý làm vui lòng người khác. Nhiều lúc việc đó đòi hỏi phải tự chế, hy sinh. Lịch sự là một thứ kỷ luật. Lịch sự là một sự cho đi. Có tinh thần bác ái, lịch sự sẽ trở thành một khía cạnh của nhân đức thương yêu.

Đừng cho lịch sự là không quan trọng. Có những người đáng lẽ đã thành công, nếu biết ăn ở lịch sự hơn chút nữa. Có những người tài thông giỏi, lương thiện, nhưng chẳng được mấy ai ưa, chỉ vì thiếu lịch sự. Có những thất bại lớn chỉ vì một thất lễ nhỏ. Được cảm tình hay bị ác cảm, một phần cũng do lịch sự, hay không lịch sự.

Càng lớn càng cần lịch sự. Nhưng không mấy ai dám giảng lịch sự cho người lớn. Hình như đó là một thái độ lịch sự. Nhưng đó cũng là một đợi chờ tự giác.

Tôi có hay tự xét và tự sửa không?