Lời Chúa Mỗi Ngày Tuần 11 TN 2
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Lễ Mình Máu Thánh Chúa, Năm A..
Thứ Năm Tuần 11 TN2, Năm Chẵn.
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Năm A..
Thứ Bảy Tuần 11 TN2, Năm Chẵn.
Lễ Mình Máu Thánh Chúa, Năm A
Bài đọc: Deut 8:2-3, 14b-16a; 1 Cor 10:16-17; Jn 6:51-59.
1/ Bài đọc I: 2 Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không.
3 Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra.
14 Anh em đừng kiêu ngạo mà quên ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.
15 Người đã dẫn anh em đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh em uống.
16 Trong sa mạc, Người đã cho anh em ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh em chưa từng biết.
2/ Bài đọc II: 16 Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?
17 Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.
3/ Phúc Âm: 51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”
53 Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.
54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,
55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.
56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.
57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.
58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
59 Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ích lợi của việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh Đức Kitô
Tuần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu mầu nhiệm khó hiểu nhất trong Đạo Công Giáo, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi; tuần này, chúng ta cùng nhau học hỏi mầu nhiệm khó thứ hai, mầu nhiệm Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Những người Do-thái đương thời với Chúa Giêsu hỏi nhau: “Làm sao ông này có thể lấy thịt ông cho chúng ta ăn được?” Có hiểu hay không, bí-tích Thánh Thể vẫn là một thực tại, có nguồn gốc từ biến cố Thiên Chúa nuôi dân bằng manna suốt 40 năm trường trong sa mạc, và được mặc khải cách rõ ràng trong chương 6 của Tin Mừng Gioan. Giống như lần trước, chúng ta sẽ tập trung trong những lợi ích mà bí-tích Thánh Thể mang lại cho con người.
Trong bài đọc I, Sách Đệ Nhị Luật cho chúng ta hiểu lợi ích của manna là để con người có sức mạnh vượt qua những thử thách của Thiên Chúa suốt 40 năm trường trong sa mạc trước khi vào Đất Hứa. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự hiệp nhất với Đức Kitô và với nhau là hiệu quả của bí-tích Thánh Thể, vì mỗi khi người tín hữu lãnh nhận Mình và Máu Thánh của Đức Kitô, họ trở nên một thân thể với Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự sống thần linh được ban cho những ai ăn thịt và uống máu Ngài. Hơn nữa, bí-tích Thánh Thể còn là Bánh mang lại sự sống trường sinh mà con người ở mọi nơi và mọi thời luôn khao khát nó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Manna trong Sách Xuất Hành là hình bóng của Bí-tích Thánh Thể.
1.1/ Manna là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết: Biến cố Xuất Hành là một biến cố lớn và không thể quên của người Do-thái. Các nhà lãnh đạo và các ngôn sứ không ngừng nhắc nhở dân chúng nhớ lại biến cố Vượt Qua, như tác giả Sách Đệ Nhị Luật nhắc nhở dân chúng về mục đích của biến cố này: “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt 40 năm trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không.”
Sau khi thoát khỏi Ai-cập, dân Israel hết lương thực và phải chịu đói khát. Họ kêu lên Thiên Chúa, và Ngài “đã cho anh em ăn manna là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết.” Manna là bánh bởi trời Thiên Chúa cho rơi xuống trên mặt đất mỗi sáng. Người Do-thái chưa từng biết đến manna trên mặt đất này. Trong tiếng Do-thái, manna đến từ “manhu,” có nghĩa là “Cái gì vậy?” Đây là câu hỏi khi người Do-thái đi lượm manna lần đầu tiên.
1.2/ Manna là của ăn đàng của dân Do-thái suốt 40 năm trong sa mạc: Thánh Vịnh 78:25, bản Do-thái gọi manna là Bánh của những người mạnh; trong khi bản Bảy Mươi gọi là Bánh của các thiên thần. Bản dịch Do-thái chính xác hơn, vì manna là Bánh ban sức mạnh cho người Do-thái, để họ có sức chịu đựng bao nhiêu thử thách xảy đến cho họ trong sa mạc trong suốt 40 năm trường. Chỉ khi dân Do-thái đặt chân tới đồng bằng Jericho, vào đúng ngày Lễ Vượt Qua, manna mới chấm dứt, và dân Do-thái bắt đầu dùng các thức ăn địa phương (Jos 5:12).
Khi còn lang thang trong sa mạc, ông Moses đã truyền cho dân chúng gom một bình đầy manna đặt trong Hòm Chứng Ước, cùng với cây gậy của Aaron và hai bia đá có khắc Thập Giới (Heb 9:4), để kỷ niệm biến cố Thiên Chúa đã làm mưa từ trời cho dân có bánh ăn trong sa mạc. Manna được giữ trong nơi Cực Thánh, như chúng ta giữ Mình Thánh Chúa ngày nay, để người Do-thái luôn cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ.
+ Khi người Do-thái nghĩ ông Moses đã làm cho cha ông họ có manna ăn trong sa mạc, Chúa Giêsu đã sửa sai họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Moses đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Jn 6:31-32). Sau cùng, manna cũng được nhắc trong mặc khải cho hội thánh tại Pergamum, một trong 7 Hội Thánh trong Sách Khải Huyền: “Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh: Ai thắng, Ta sẽ ban cho manna đã được giấu kỹ; Ta cũng sẽ ban cho nó một viên sỏi trắng, trên sỏi đó có khắc một tên mới; chẳng ai biết được tên ấy, ngoài kẻ lãnh nhận” (Rev 2:17). Tác giả Sách Khải Huyền nối việc ăn manna với những người chiến thắng.
2/ Bài đọc II: Bí-tích Thánh Thể là nguồn mạch hiệp nhất.
2.1/ Thánh Thể là Bánh hiệp nhất mọi người với Đức Kitô: Thánh Phaolô chất vấn các tín hữu Cotintô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” Truyền thống của các nước miền Cận Đông tin: Khi con người dâng lễ vật cho bất cứ thần nào, chính thần ấy nhập vào lễ vật họ dâng; và khi họ ăn phần dâng cúng được các tư tế trả lại cho họ, các thần sẽ vào trong thân thể họ và làm cho họ được khỏe mạnh, thông minh và nhân đức như các thần. Cũng vậy, khi người Kitô hữu nhận lãnh Mình Máu Thánh Chúa, họ trở nên một phần của thân thể Đức Kitô. Tương tự, một gia đình hay một cộng đoàn cùng lãnh nhận Mình Thánh Chúa, tất cả đều trở nên những phần tử của thân thể Đức Kitô. Tất cả đều dự phần vào cuộc sống thần linh của Thiên Chúa.
2.2/ Thánh Thể là Bánh hiệp nhất mọi người với nhau: Không phải các tín hữu chỉ thông hiệp với Đức Kitô, nhưng họ còn thông hiệp với nhau, “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” Theo thần học về thân thể của Đức Kitô, mỗi người chúng ta trở nên những chi thể của một thân thể là Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu. Vì thế, mỗi người không còn giữ và làm theo ý riêng mình nữa; nhưng tất cả đều cùng chung một ý muốn và làm theo thánh ý của Đức Kitô, và như thế, họ cùng hiệp nhất với nhau. Nếu đã cùng hiệp nhất trong một thân thể của Chúa, các tín hữu không thể làm bất cứ điều gì chia cắt thân thể của Đức Kitô.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống thần linh và sự sống đời đời cho con người.
3.1/ Phân tích từ ngữ Hy-lạp: Lời tuyên bố của Chúa Giêsu sau đây cần được nghiên cứu từng từ ngữ và cách cấu trúc: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
+ Cụm từ “ego eimi” theo sau bởi một thành ngữ xảy ra 7 lần trong Gioan, và túc từ theo sau đều mặc khải một sứ vụ đặc biệt của Đức Kitô như: Ta là Bánh Hằng Sống; Mục Tử Tốt Lành; Cửa Chuồng Chiên; Cây Nho; Sự Sống Lại và Sự Sống; Ánh Sáng Thế Gian; Đường, Sự Thật, và là Sự Sống.
+ Túc từ “o arton o zon” có thể mang nhiều nghĩa khác nhau tùy theo cách dịch:
(1) Có thể dịch là “bánh hằng sống hay bánh trường sinh,” có nghĩa bánh không bao giờ hư nát. Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa Chúa là Bánh Hằng Sống.
(2) Hay có thể dịch là “bánh mang sự sống thần linh.” Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa, Ngài là bánh mang sự sống thần linh cho con người như trong (Jn 6:33).
(3) Hay cũng có thể dịch là “bánh đang sống.” Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, có nghĩa Ngài là Bánh đang sống.
Theo văn mạch và nội dung, nghĩa thứ (2) có lẽ thích hợp hơn cả; mặc dù hai nghĩa kia vẫn đúng với Chúa Giêsu.
+ Cụm từ: “từ trời xuống” nhắc nhở cho con người biến cố Thiên Chúa cho manna rơi xuống từ trời làm lương thực cho con cái Israel suốt 40 năm trong sa mạc. Manna là hình ảnh báo trước của bí-tích Thánh Thể. Bánh mang lại sự sống đời đời có thực và có nguồn gốc từ trời.
+ Bánh Hằng Sống chính là thịt (sárk) của Chúa Giêsu. Ngay từ đầu Tin Mừng, Gioan đã dùng danh từ này để nói về mầu nhiệm Nhập Thể: Và Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm (sárk) và đã cư ngụ giữa chúng ta.
+ Phản ứng của người Do-thái: Điều họ tranh luận ở đây không phải về nguồn gốc của Chúa Giêsu, nhưng là thịt của Ngài: Làm sao một người đang sống có thể lấy thịt của mình cho kẻ khác ăn? Trừ phi người đó phải chết! Điều khó khăn nữa là người Do-thái không có thói quen ăn thịt người.
3.2/ Sự cần thiết của bí-tích Thánh Thể: Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.”
+ Công thức “amen amen = thật, tôi bảo thật” báo hiệu trước một chân lý sẽ được mặc khải trong Tin Mừng Gioan. Chân lý Chúa Giêsu mặc khải ở đây là “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” Nếu Chúa Giêsu không mặc khải chân lý cho con người, sẽ không có ai biết được.
+ Hai động từ ăn (esthio) và uống (pino) mà Gioan dùng ở đây là hai động từ căn bản dùng trong việc ăn uống của con người: như ăn bánh và uống nước.
+ Chúa Giêsu phân biệt hai sự sống: thể lý (psyche) và thần linh (zon). Nếu không ăn thịt và uống máu Chúa, con người vẫn có sự sống thể lý; nhưng không có sự sống thần linh.
+ Sự sống muôn đời (zon aivonion): Sự sống thần linh sẽ dẫn con người đến sự sống muôn đời: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” Như Chúa Giêsu khi mang thân xác con người, mặc dù con người vẫn phải chết cách thể lý, nhưng sẽ được sống lại vinh hiển, và sẽ không bao giờ phải chết nữa.
+ Thịt và Máu Chúa là lương thực nuôi sống con người: “vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” Hai danh từ dùng để so sánh: của ăn (brosis) và của uống (posis) là hai danh từ dùng để chỉ lương thực căn bản của con người.
+ Sự sống thần linh là sự sống của chính Thiên Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” Chúa Giêsu và người rước Chúa trở nên một, như thánh Phaolô tuyên bố: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi; mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.”
+ Sự sống thần linh giúp con người hiểu biết sự khôn ngoan và các mầu nhiệm của Thiên Chúa mà trí khôn con người không hiểu thấu được. Sự khôn ngoan có được là do Thánh Thần của Đức Kitô hướng dẫn con người. Sự sống thần linh giúp cho con người có sức mạnh để đáp ứng lời mời gọi nên trọn lành của Đức Kitô mà sức riêng con người không thể làm được. Ví dụ, con người có được tình yêu nguyên thủy của Thiên Chúa để yêu thương kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho người ghét mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Như manna rơi xuống từ trời để nuôi dưỡng và tăng sinh lực cho dân Do-thái suốt 40 năm trường trong sa mạc, Chúa Giêsu trong bí-tích Thánh Thể cũng là Bánh từ trời xuống để nuôi dưỡng và tăng sinh lực cho chúng ta trong suốt cuộc đời trên dương gian.
– Bí-tích Thánh Thể là căn nguyên của sự hiệp nhất. Nếu mỗi người trong gia đình, trong cộng đoàn, giáo xứ hay Giáo Hội năng lãnh nhận Bí-tích Thánh Thể, tất cả sẽ hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau.
– Bí-tích Thánh Thể làm chúng ta được tham dự cuộc sống thần linh với Thiên Chúa ngay từ đời này, và chuẩn bị cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa ở đời sau.
Thứ Hai Tuần 11 TN2
Bài đọc: 1 Kgs 21:1-16; Mt 5:38-42.
1/ Bài đọc I: 1 Sau những sự việc đó, thì xảy ra chuyện ông Na-vốt người Gít-rơ-en có một vườn nho bên cạnh cung điện vua Ahab, vua Sa-ma-ri.
2 Vua Ahab nói với ông Na-vốt rằng: “Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta, để ta làm vườn rau, vì nó ở ngay sát cạnh nhà ta. Để bù lại, ta sẽ cho ngươi một vườn nho tốt hơn, hay là, nếu ngươi muốn, giá bao nhiêu, ta sẽ trả bằng bạc.”
3 Nhưng ông Na-vốt thưa với vua Ahab: “Xin ĐỨC CHÚA đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài!”
4 Vua Ahab trở về nhà buồn rầu và bực bội vì lời ông Na-vốt, người Gít-rơ-en đã nói với vua: “Tôi sẽ không nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho vua.” Vua nằm trên giường, quay mặt đi, và không chịu ăn uống gì. 5 Hoàng hậu I-de-ven đi vào, nói với vua: “Tại sao tâm thần vua buồn rầu, và vua không chịu ăn uống gì như vậy?”
6 Vua trả lời: “Tôi đã nói chuyện với Na-vốt người Gít-rơ-en và bảo nó: Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta mà lấy tiền, hoặc, nếu ngươi muốn, ta sẽ đổi cho một vườn nho khác. Nhưng nó lại nói: “Tôi không nhượng vườn nho của tôi cho vua được.”
7 Bấy giờ hoàng hậu I-de-ven nói với vua: “Vua cai trị Ít-ra-en hay thật! Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên! Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Na-vốt người Gít-rơ-en.
8 Bấy giờ, bà nhân danh vua Ahab viết thơ, rồi dùng con dấu của vua mà đóng ấn, và gửi cho các kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành với ông Na-vốt.
9 Trong thơ bà viết rằng: “Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh và đặt Na-vốt ngồi ở hàng đầu dân chúng. 10 Hãy đặt hai đứa vô lại ngồi đối diện với nó, để chúng tố cáo nó: “Ông đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua. Và hãy đem nó ra ngoài ném đá cho chết.”
11 Dân chúng, kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành làm theo lệnh bà I-de-ven như trong thơ bà đã viết gửi cho họ. 12 Họ công bố thời kỳ chay tịnh và đặt ông Na-vốt ngồi ở hàng đầu dân chúng.
13 Rồi có hai kẻ vô lại đi vào, ngồi đối diện với ông. Những kẻ vô lại ấy tố cáo ông Na-vốt trước mặt dân rằng: “Na-vốt đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua.” Họ liền đưa ông ra ngoài thành và ném đá ông. Ông đã chết. 14 Họ sai người đi nói với bà I-de-ven: “Na-vốt đã bị ném đá chết.”
15 Khi bà I-de-ven nghe biết ông Na-vốt đã bị ném đá chết, thì nói với vua Ahab: “Xin vua đứng dậy và chiếm đoạt vườn nho của Na-vốt, người Gít-rơ-en, kẻ đã từ chối không chịu nhượng cho ngài để lấy tiền, vì Na-vốt không còn sống nữa, nó chết rồi.”
16 Khi nghe biết ông Na-vốt đã chết, vua Ahab đứng dậy, xuống chiếm đoạt vườn nho của ông Na-vốt, người Gít-rơ-en.
2/ Phúc Âm: 38 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.
39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.
40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.
41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.
42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người Kitô hữu sẵn sàng chịu thiệt thòi vì danh Đức Kitô.
Chống cự lại kẻ thù bằng cách chửi rủa, đánh đập, báo thù… không bao giờ là giải pháp tốt đẹp của những người mang danh Kitô hữu; nhưng vẫn có những người tín hữu nhân danh công lý để chửi rủa, công kích, và đòi dùng bạo lực.
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta hiểu tại sao Thiên Chúa dạy chúng ta phải cư xử khác với người xưa và những người vô đạo. Trong bài đọc I, Sách Các Vua tường thuật một câu truyện bất công. Vua Ahab muốn có vườn nho của Naboth để bành trướng đất đai của mình, nên đã đồng lõa với kế hoạch gian ác của bà hoàng hậu Jezebel vợ mình, để Naboth bị hai kẻ gian ác tố cáo Naboth đã phạm thượng nói xấu Thiên Chúa và vua. Hậu quả là Naboth bị ném đá chết và vườn nho thuộc vua Ahab và nhà vua không phải trả đồng nào. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu phân biệt hai cách đối xử của người xưa và của môn đệ Chúa: Người môn đệ Đức Kitô không được chống cự người ác, không được trả thù, không được kiện cáo; nhưng luôn phải rộng lượng tha thứ và cho đi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Xin Đức Chúa đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài!”
1.1/ Vua Ahab muốn vườn nho của Naboth vì nhà vua muốn khuếch trương cung điện của mình: Nhà Vua nói với ông Naboth rằng: “Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta, để ta làm vườn rau, vì nó ở ngay sát cạnh nhà ta. Để bù lại, ta sẽ cho ngươi một vườn nho tốt hơn, hay là, nếu ngươi muốn, giá bao nhiêu, ta sẽ trả bằng bạc.” Nhưng ông Naboth thưa với vua Ahab: “Xin Đức Chúa đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài!”
Nhượng gia sản hay bán đất đai của tổ tiên là xóa tên của tổ tiên trong quốc gia, một điều ô nhục cho con cháu (Num 27:4). Ông Naboth nhân danh Thiên Chúa nhắc cho vua Ahab để đừng bắt ông phải làm chuyện đó. Vua Ahab biết Lề Luật ngăn cấm việc tịch thu gia sản tổ tiên của hàng xóm (Deut 19:14; Num 27:7-11; Jer 32:6-9); ngay cả nhà vua cũng không được quyền đó, nên thương lượng với Naboth để mua; nhưng Naboth không bằng lòng. Vua Ahab trở về nhà buồn rầu và bực bội vì lời ông Naboth.
1.2/ Kế hoạch chiếm vườn nho của hoàng hậu Jezebel: Hoàng hậu Jezebel con của vua Sidon. Bà thờ thần Baal; vì thế, bà không quan tâm đến Lề Luật như vua Ahab. Là người gian manh, nên mục đích của bà là chiếm được vườn nho, cho dù có phải đổ máu người ngay lành. Bà đã phác họa ngay một kế hoạch gian ác trong đầu nên nói với nhà vua: “Vua cai trị Israel hay thật! Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên! Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Naboth người Jezreelite.”
Vua Ahab đoán biết những gì vợ làm nhưng không ngăn cản, vì ông đang muốn có vườn nho của Naboth. Nhà vua nghĩ ông không trực tiếp ra tay nên không phạm tội với Thiên Chúa và chịu tai tiếng trước dân chúng. Đây là kế hoạch: bà nhân danh vua Ahab viết thơ, rồi dùng con dấu của vua mà đóng ấn, và gửi cho các kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành với ông Naboth. Trong thơ bà viết rằng: “Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh và đặt Naboth ngồi ở hàng đầu dân chúng. Hãy đặt hai đứa vô lại ngồi đối diện với nó, để chúng tố cáo nó: “Ông đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua. Và hãy đem nó ra ngoài ném đá cho chết.”
Để có màu sắc tôn giáo thành thật, Bà truyền công bố thời kỳ chay tịnh để đánh lạc hướng dân chúng. Thời kỳ chay tịnh thường được làm để tỏ lòng ăn năn vì đã xúc phạm đến Đức Chúa (x/c Joel 1:14; 1 Sam 7:6). Các nhà lãnh đạo địa phương có thể biết kế hoạch gian tà của bà; nhưng phải khuất phục trước quyền hành và làm theo sắc chỉ của vua Ahab, vì họ biết nếu họ chống lại thế lực nhà vua chỉ chuốc thêm thiệt hại vào thân. Bà dùng hai kẻ gian ác để tố cáo ông Naboth. Hai kẻ vô lại không khó kiếm trong bất cứ thời đại nào. Đây là những kẻ không biết xấu hổ khi gian dối. Người ta chỉ cần cho chúng tiền là chúng sẽ làm bất cứ điều gì. Khi nghe biết ông Naboth đã chết, vua Ahab đứng dậy, xuống chiếm đoạt vườn nho của ông Naboth.
2/ Phúc Âm: Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
2.1/ Đừng chống lại kẻ gian ác: Chúa Giêsu dạy các môn đệ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.”
Luật “mắt đền mắt răng đền răng là Luật Talionis, đây là luật xưa nhất trên thế giới, được tìm thấy trong Bộ Luật Hammurabi, khỏang 2250 BC. Luật này cũng được tìm thấy trong Cựu Ước ít là 3 lần (Exo 21:23-25; Lev 24:19-20, Deut 19:21). Mấy điều quan trọng về Luật này cần lưu ý:
(1) Nó ngăn cấm việc gia tăng báo thù; vì nếu cứ để hai bên báo thù liên tục, cái chết sẽ xảy ra không những cho cá nhân mà còn cho bộ tộc.
(2) Nó được thi hành bởi các quan án, chứ không để cá nhân hay gia đình định liệu.
(3) Nó không được thi hành theo nghĩa đen: hư mắt phải đền mắt, hư răng phải đền răng; nhưng được tính bằng số tiền mà nạn nhân được bồi thường.
(4) Nó không phải là tất cả Luật của Cựu Ước, vì vẫn còn những luật yêu thương và tha thứ (x/c Lev 19:18; Pro 25:2; Lam 3:30).
Điều Chúa Giêsu dạy các môn đệ họ không được báo thù dưới bất cứ hình thức nào. Trước tiên, đây là lời dạy rất khôn ngoan, vì chống lại kẻ gian ác sẽ mất mạng sống; vì thế, tục ngữ Việt Nam khuyên hãy để “của đi thay người.” Thứ đến, việc báo thù chỉ gia tăng sự hận thù; nhưng hành động tha thứ sẽ dập tắt hận thù và có tiềm năng để biến kẻ thù thành bạn. Sau cùng, người môn đệ Đức Kitô tin Thiên Chúa vẫn đang quan phòng thế gian. Ngài không để cho kẻ gian ác mặc sức tung hoành và người ngay lành phải chịu đựng quá mức.
Chúa Giêsu cũng ngăn cấm cả việc kiện cáo khi Ngài nói: “Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.” Giống như lý luận ở trên, mang nhau ra kiện cáo ở tòa đời là việc làm rất tốn kém tiền cho luật sư, mất nhiều thời gian và công sức; mà vẫn chưa chắc đã được xét xử công bằng hay không. Thứ đến, của cải trần gian không phải là mục đích của cuộc đời. Ai cần hơn, cứ để cho họ dùng. Sau cùng, người tín hữu tin Chúa là cha nhân lành, Ngài sẽ không để cho con cái trung thành giữ Luật Ngài phải chết đói.
2.2/ Người môn đệ phải sẵn sàng giúp đỡ tha nhân: Ngoài ra, người Kitô hữu còn phải sẵn sàng và vui lòng giúp đỡ mọi người: “Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.” Chúa Giêsu có ý muốn nói người môn đệ không dừng ở chỗ chu toàn bổn phận, mà còn vui lòng làm nhiều hơn những gì bị đòi hỏi. Người Kitô hữu cũng không tiếc nuối của cải đời này: “Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Người Kitô hữu phải sống khác với những người đạo khác để họ nhận ra tính bác ái và sự hoàn thiện của đạo và tin tưởng vào Chúa của chúng ta.
– Chúng ta đừng quá tiếc nuối của cải vật chất. Hãy dùng như của cải chóng qua và đừng từ chối tha nhân khi họ cần đến.
Thứ Ba Tuần 11 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 1 Kgs 21:17-29; Mt 5:43-48.
1/ Bài đọc I: 17 Có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Ê-li-a, người Tít-be, rằng:
18 “Ngươi hãy đứng dậy, xuống gặp A-kháp, vua Ít-ra-en, ở Sa-ma-ri. Này, nó đang ở trong vườn nho của Na-vốt, vì nó đã xuống chiếm đoạt vườn nho ấy.
19 Ngươi hãy nói với nó rằng: “ĐỨC CHÚA phán thế này: Ngươi đã giết hại, lại còn chiếm đoạt nữa ư? -ngươi hãy nói với nó-, ĐỨC CHÚA phán thế này: Tại chính nơi chó đã liếm máu Na-vốt, thì chó cũng sẽ liếm máu ngươi”.”
20 Vua A-kháp nói với ông Ê-li-a: “Hỡi kẻ thù của ta, ngươi đã bắt được ta.” Ông đáp: “Tôi đã bắt được ngài làm điều dữ trái mắt ĐỨC CHÚA.
21 Này, Ta sẽ giáng tai hoạ xuống trên ngươi: Ta sẽ xoá sạch hậu duệ ngươi, Ta sẽ tiêu diệt các đàn ông con trai của A-kháp trong Ít-ra-en, đang bị ràng buộc hay được tự do.
22 Ta sẽ làm cho nhà ngươi nên như nhà Gia-róp-am, con của Nơ-vát, và như nhà Ba-sa con của A-khi-gia, vì ngươi đã chọc giận Ta và đã làm cho Ít-ra-en phạm tội.”
23 ĐỨC CHÚA cũng tuyên án phạt I-de-ven rằng: “Chó sẽ ăn thịt I-de-ven trong cánh đồng Gít-rơ-en.
24 Kẻ nào thuộc về A-kháp mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim trời rỉa thây.”
25 Thật, không hề có ai như vua A-kháp, đã liều lĩnh làm điều dữ trái mắt ĐỨC CHÚA, vì bị hoàng hậu I-de-ven xúi giục.
26 Vua sẽ làm chuyện rất ghê tởm là đi theo các tượng thần, như dân E-mô-ri, những kẻ ĐỨC CHÚA đã đuổi khuất mắt con cái Ít-ra-en.
27 Khi nghe những lời ấy, vua A-kháp xé áo mình ra, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não.
28 Bấy giờ có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Ê-li-a, người Tít-be, rằng:
29 “Ngươi có thấy A-kháp đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không? Vì nó đã hạ mình trước mặt Ta, nên Ta sẽ không giáng hoạ trong buổi sinh thời của nó, nhưng đến đời con nó, Ta sẽ giáng hoạ xuống nhà nó.”
2/ Phúc Âm: 43 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.
44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.
46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?
47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?
48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy yêu thương, tha thứ, cầu nguyện, và làm ơn cho kẻ thù!
Nhiều người cho những điều Chúa Giêsu dạy các môn đệ hôm nay là quá khả năng con người có thể làm được. Không chống lại, không kiện cáo đã khó mà Chúa Giêsu còn đòi phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện, và làm ơn cho kẻ thù của mình nữa! Chắc chắn Chúa Giêsu không đòi các tín hữu phải làm những chuyện không thể; khi đòi họ phải làm điều gì, Ngài sẽ cung cấp lý do và nhất là ơn thánh cần thiết để làm chuyện đó.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta hai lý do chính không cần phải báo thù. Trong bài đọc I, Thiên Chúa là người sửa phạt những kẻ làm điều gian ác. Ngài sai Elijah tới để tuyên án phạt cho vua Ahab và hoàng hậu Jezebel. Hoàng hậu sẽ bị chó ăn thịt trong cánh đồng Jezreel, hậu duệ nhà Ahab sẽ bị xóa sạch, và ai thuộc về Ahab “chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim trời rỉa thây.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi các môn đệ trở nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành bằng việc yêu thương, tha thứ, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Việc báo thù người ác là việc của Thiên Chúa
1.1/ Thiên Chúa sẽ trả lại cho mỗi người tùy việc họ làm.
Trong trình thuật hôm qua, hẳn mọi người chúng ta rất bất bình với vua Ahab, và nhất là với hoàng hậu Jezebel. Trong trình thuật hôm nay, chúng ta sẽ thấy rõ án công thẳng của Thiên Chúa, vì không một việc gì dù kín nhiệm đến đâu đi nữa mà Thiên Chúa không biết.
Thiên Chúa sai ngôn sứ Elijah đến gặp vua Ahab và tuyên án cho vua rằng: “Đức Chúa phán thế này: Ngươi đã giết hại, lại còn chiếm đoạt nữa ư? … Đức Chúa phán thế này: Tại chính nơi chó đã liếm máu Naboth, thì chó cũng sẽ liếm máu ngươi… Này, Ta sẽ giáng tai hoạ xuống trên ngươi: Ta sẽ xoá sạch hậu duệ ngươi, Ta sẽ tiêu diệt các đàn ông con trai của Ahab trong Israel, đang bị ràng buộc hay được tự do.”
Riêng đối với hoàng hậu Jezebel, người chủ mưu trong kế hoạch giết và chiếm vườn nho của Naboth: “Chó sẽ ăn thịt Jezebel trong cánh đồng Jezreel. Kẻ nào thuộc về Ahab mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim trời rỉa thây.” Lời tuyên án “chó sẽ ăn thịt Jezebel trong cánh đồng Jezreel” thành sự thật trong 2 Kings 9:35-36; và lời tuyên án “kẻ nào thuộc về Ahab mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim trời rỉa thây” được thi hành trong 2 Kings 9:25-26.
1.2/ Vua Ahab ăn năn hối cải:
Thật ra, vua Ahab là người biết kính sợ Thiên Chúa; nhưng là một ông vua nhu nhược, không có đức tin vững chắc nên đã nghe lời xúi giục của hoàng hậu Jezebel để làm những điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa. Điều này phải là mẫu gương cho các tín hữu: Đừng dại dột lấy vợ ngoại đạo, vì các bà sẽ bắt các ông cũng tôn thờ thần tượng của các bà; và vì không biết hay không tin nơi những điều dạy tốt lành của Thiên Chúa, các bà sẽ hành động theo bản năng và sự xúi giục của ma quỉ.
Khi nghe những lời tuyên án của ngôn sứ Elijah, “vua Ahab xé áo mình ra, khoác áo vải gai bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với vải gai và bước đi thiểu não.” Đức Chúa động lòng thương xót, Ngài phán với ông Elijah, người Tishbite, rằng: “Ngươi có thấy Ahab đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không? Vì nó đã hạ mình trước mặt Ta, nên Ta sẽ không giáng hoạ trong buổi sinh thời của nó, nhưng đến đời con nó, Ta sẽ giáng hoạ xuống nhà nó.”
Giống như trường hợp của vua David, Đức Chúa nhân nhượng cho vua Ahab trong khi ông còn sống; nhưng sẽ thi hành trong đời con cháu. Tội không bao giờ chỉ là tội của cá nhân; nhưng luôn ảnh hưởng trên gia đình và xã hội.
2/ Phúc Âm: Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
2.1/ Luật người xưa dạy: ”Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.” Luật Đức Kitô: ”Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”
(1) Phân tích từ ngữ: Trước tiên, chúng ta cần phân biệt: có ba động từ yêu trong Hy-lạp: erein, philein, agapan. Động từ yêu dùng ở đây là “agapan;” động từ này chỉ được dùng trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Đức Kitô không đòi chúng ta yêu kẻ thù với tình yêu tự nhiên dành cho người yêu, hay dành cho những người trong gia đình (erein, philein). Nếu Chúa đòi như thế, Ngài bắt chúng ta đi ngược lại tự nhiên. Điều khác biệt giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tự nhiên là ở chỗ khi yêu cách tự nhiên, con người dùng trái tim; nhưng khi yêu kẻ thù với tình yêu Thiên Chúa, con người phải dùng tới ý muốn của mình, nó là một thỏa thuận giữa trí tuệ và lòng muốn.
(2) Thứ đến, con người chỉ có thể yêu kẻ thù khi con người đã được thấm nhuần đạo lý và tình yêu của Đức Kitô: Theo Gioan, tình yêu này phát xuất từ Thiên Chúa và được thông ban cho con người qua Đức Kitô. Chúa Giêsu luôn đòi các môn đệ phải ở lại trong tình yêu này qua việc giữ các giới răn, trước khi truyền cho các ông phải “yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
(3) Sau cùng, con người phải sống theo lời dạy của Đức Kitô: Để có thể yêu kẻ thù, con người cần cầu nguyện cho họ. Khi con người có thể cầu nguyện cho họ, Chúa sẽ giúp con người có thể tha thứ hoàn toàn cho kẻ thù. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Noi gương Đức Kitô, thánh Stephanô, vị tử đạo tiên khởi, cũng cầu nguyện cho những người ném đá mình: ”Lạy Chúa! Xin đừng chấp họ tội này.” Và còn biết bao gương của các vị tử đạo khác nữa; điều này chứng minh đời hỏi của Đức Kitô không vượt quá giới hạn của con người.
2.2/ Những lý do tại sao phải yêu kẻ thù: Chúa Giêsu đưa ra 4 lý do:
(1) Để trở nên con cái của Thiên Chúa: Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Điều làm con người nên giống Thiên Chúa nhất là yêu thương. ”Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.”
(2) Người môn đệ phải khác với người thường: ”Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?”
(3) Người có đạo phải khác với người vô đạo: ”Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”
(4) Để trở nên hoàn thiện: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Hoàn thiện là mục đích của Thiên Chúa khi dựng nên con người, như Sách Sáng Thế viết: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (Gen 1:27).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta là những con cái của Thiên Chúa, và có bổn phận sống theo tiêu chuẩn của những công dân Nước Trời; chứ không được bằng lòng với những tiêu chuẩn của trần thế. Một trong những tiêu chuẩn làm chúng ta giống Thiên Chúa là yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù.
Thứ Tư Tuần 11 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 2 Kgs 2:1, 6-14; Mt 6:1-6, 16-18.
1/ Bài đọc I: 1 Vào thời Đức Chúa đem ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc, ông Ê-li-a và ông Ê-li-sa rời Ghin-gan.
6 Ông Ê-li-a bảo: “Xin anh ở lại đây, vì Đức Chúa sai thầy đến sông Gio-đan.” Nhưng ông thưa: “Có Đức Chúa hằng sống và có thầy đang sống đây, con xin thề sẽ không bỏ thầy! ” Rồi cả hai ông cùng đi.
7 Năm mươi anh em ngôn sứ cũng đi, đứng ở đằng xa, phía trước hai ông, còn hai ông thì đứng bên bờ sông Gio-đan.
8 Ông Ê-li-a lấy áo choàng của mình, cuộn lại mà đập xuống nước. Nước rẽ ra hai bên. Hai ông đã đi qua ráo chân.
9 Vậy, khi đã đi qua, ông Ê-li-a nói với ông Ê-li-sa: “Anh cứ xin đi: thầy có thể làm gì cho anh trước khi thầy được đem đi, rời xa anh? ” Ông Ê-li-sa nói: “Xin cho con được hai phần thần khí của thầy! “
10 Ông Ê-li-a đáp: “Anh xin một điều khó đấy! Nếu anh thấy thầy khi thầy được đem đi, rời xa anh, thì sẽ được như thế; bằng không, thì không được.”
11 Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc.
12 Thấy thế, ông Ê-li-sa kêu lên: “Cha ơi! Cha ơi! Hỡi chiến xa và chiến mã của Ít-ra-en! ” Rồi ông không thấy thầy mình nữa. Ông túm lấy áo mình và xé ra làm hai mảnh.
13 Ông lượm lấy áo choàng của ông Ê-li-a rơi xuống. Ông trở về và đứng bên bờ sông Gio-đan.
14 Ông lấy áo choàng của ông Ê-li-a đã rơi xuống mà đập xuống nước và nói: “Đức Chúa, Thiên Chúa của ông Ê-li-a ở đâu? ” Ông đập xuống nước, nước rẽ ra hai bên, và ông Ê-li-sa đi qua.
2/ Phúc Âm: 1 “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.
2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.
3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,
4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.
6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
16 “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.
17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,
18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Muốn sự khen tặng của người đời hay phần thưởng của Thiên Chúa?
Nhiều tín hữu thích được người ta khen tặng các việc mình làm như ủng hộ một số tiền lớn vào nhà thờ hay trở thành người bảo trợ cho chương trình từ thiện. Thiên Chúa muốn con người làm việc lành cách thành tâm, kín đáo, bằng cách làm phúc đừng cho tay trai biết việc tay phải làm. Người tín hữu chỉ được chọn một trong hai: hoặc được người khác khen hoặc được Thiên Chúa trả công; chứ không thể chọn cả hai.
Các bài đọc hôm nay nêu bật việc phải có ý hướng tốt lành trong khi xử dụng quà tặng Thiên Chúa ban. Trong bài đọc I, Elishah xin cho được gấp đôi thần khí của thầy mình là Elijah.
Nếu Elishah dùng quà tặng đó cho sứ vụ ngôn sứ, đó là điều tốt và Thiên Chúa sẽ ban; nhưng nếu Elishah dùng quà tặng đó để được người khác khen tặng hay để hại người khác, chắc chắn ông sẽ không được Thiên Chúa ban. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ khi cho đi, cầu nguyện và ăn chay, các ông phải làm với ý hướng tốt lành thì mới mong được hưởng phần thưởng Thiên Chúa ban; nếu không, các ông chỉ được hưởng những lời khen tặng của người thế gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngôn sứ được ban những quà tặng để chu toàn nhiệm vụ.
1.1/ Elishah xin cho được gấp hai phần thần khí của Elijah.
Đến giờ Đức Chúa gọi Elijah về và trao sứ vụ ngôn sứ lại cho môn đệ là Elishah. Elijah là một ngôn sứ được Đức Chúa cho quyền làm rất nhiều phép lạ: truyền đóng cửa trời không cho mưa, hóa bột và dầu olive ra nhiều cho bà góa thành Zarephath, truyền lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ, cho mưa rơi… Mục đích của uy quyền Chúa ban là để giúp cho con người nhận ra lỗi lầm của họ và ăn năn trở lại với Đức Chúa, chứ không phải để dọa nạt hay để giương oai với người khác.
Môn đệ Elishah có linh tính thầy mình sắp được Đức Chúa gọi về, nên ông bám sát thầy mình và nài xin cho được thần khí gấp hai lần của Elijah. Ông Elijah đáp: “Anh xin một điều khó đấy! Nếu anh thấy thầy khi thầy được đem đi, rời xa anh, thì sẽ được như thế; bằng không, thì không được.” Các ông còn đang vừa đi vừa nói, thì này một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra. Và ông Elijah lên trời trong cơn gió lốc.” Ông túm lấy áo mình và xé ra làm hai mảnh để tỏ sự buồn rầu khi phải xa thầy.
1.2/ Elishah cũng được Đức Chúa ban cho uy quyền làm phép lạ.
Elishah thấy thầy mình được cuốn đi trong cơn gió lốc với một một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa. Đó là lý do mà truyền thống Do-thái vẫn tin ngôn sứ Elijah không chết. Họ vẫn để hai chiếc ghế một cho ngôn sứ Elijah và một cho ông Moses mỗi năm vào ngày Lễ Xá Tội (Day of Atonement). Họ tin hai ông sẽ trở lại trước ngày Đấng Messiah tới.
Ngôn sứ Elijah cố ý để lại chiếc áo choàng cho Elishah. Ông lượm lấy áo choàng của ông Elijah rơi xuống. Ông trở về và đứng bên bờ sông Jordan. Ông lấy áo choàng của ông Elijah đã rơi xuống mà đập xuống nước và nói: “Đức Chúa, Thiên Chúa của ông Elijah ở đâu?” Ông đập xuống nước, nước rẽ ra hai bên, và ông Elishah đi qua. Ông Elishah biết mình đã có thần khí của thầy, ông có uy quyền làm phép lạ như thầy mình.
2/ Phúc Âm: Làm việc lành với các ý hướng ngay lành
Có những việc tự bản chất rất tốt như việc rao giảng Tin Mừng, giúp đỡ người nghèo, cầu nguyện và ăn chay; nhưng các kinh sư và biệt phái cũng biến chúng thành xấu vì sự giả hình của họ. Chúa Giêsu đề phòng các môn đệ cách tổng quát mọi việc lành trước khi đi vào ba lãnh vực chính của đời sống Kitô hữu là giúp đỡ người nghèo, cầu nguyện và ăn chay. Khi chúng ta làm việc lành, đối tượng chúng ta nhắm tới là Thiên Chúa, chứ không phải là bất cứ ai khác; nên đừng làm để được tiếng khen của người đời, nhưng là để được Thiên Chúa thấu suốt và ban thưởng cho chúng ta.
2.1/ Giúp đỡ người nghèo: là dùng những gì mình có để san sẻ cho những người thiếu thốn. Cha của Tobia khuyên ông như sau: “Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo. Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ. Tuỳ con có bao nhiêu, hãy cho bấy nhiêu; có nhiều thì cho nhiều, có ít thì đừng ngại cho ít” (Tob 4:7-8).
Nhưng có những người cho vì miễn cưỡng, để phô trương sự giàu có, hay để được tiếng khen. Chúa Giêsu đề phòng cho các môn đệ: “Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” Chúng ta không thể hiểu theo nghĩa đen câu “không cho tay trái biết việc tay phải làm” vì đó là điều không thể xảy ra, nhưng Chúa chỉ có ý nói đừng phô trương cho người khác thấy việc mình làm.
2.2/ Cầu nguyện: là để nâng tâm hồn lên tới Chúa để nói chuyện, bàn thảo, hay xin ơn. Hành động cầu nguyện ám chỉ những gì xảy ra giữa hai người: Thiên Chúa và người cầu nguyện, không có sự hiện diện của người thứ ba. Khi một người có mục đích cầu nguyện để được người khác thấy và khen, làm sao họ có thể tập trung vào Thiên Chúa; vì thế, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
Khi nói những điều này, Chúa không ngăn cấm việc cầu nguyện chung; vì Ngài đã từng vào các hội đường để cầu nguyện chung. Điều Chúa Giêsu muốn nói hôm nay chỉ liên quan đến việc cầu nguyện riêng: đừng đứng ở nơi công cộng cầu nguyện với mục đích cho người khác thấy.
2.3/ Ăn chay: là cố ý sống không có lương thực trong một thời gian cho mục đích tôn giáo như để ăn năn đền tội và xin Thiên Chúa tha thứ (Jon 3:5; Joe 1:14, 2:15), để xin Thánh Thần soi sáng cho biết việc phải làm (Acts 13:2); để cầu xin Thiên Chúa điều gì (2 Sam 12:16). Để việc ăn chay có hiệu quả, nhiều khi nó phải đi kèm theo với việc cầu nguyện và làm việc bác ái (Isa 58:7); nếu không, Thiên Chúa sẽ không nhận lời (Isa 58:6).
Ăn chay để người khác thấy bằng cách rầu rĩ, ủ dột chỉ là cách thức của bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Chúa dạy các môn đệ: “Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Ý hướng của chúng ta khi làm các việc đạo đức là tiêu chuẩn để được Chúa thưởng công. Nếu chúng ta làm vì để được tiếng khen của người đời, Chúa không cần phải thưởng công nữa.
– Đừng bao giờ cầu xin những ơn lành Thiên Chúa ban cho để xử dụng với mục đích trần tục.
Thứ Năm Tuần 11 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Sir 48:1-15; Mt 6:7-15.
1/ Bài đọc I: 1 Rồi ông Ê-li-a xuất hiện, ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa,
lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng. 2 Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân,
và do lòng nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm bớt.
3 Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời, và ba lần cũng cho lửa đổ xuống.
4 Thưa ông Ê-li-a, ông đã làm bao việc lạ lùng, ông thật là vinh quang hiển hách!
Ai có thể tự hào được nên giống như ông? 5 Ông dùng lời của Đấng Tối Cao mà làm cho một kẻ chết chỗi dậy, thoát khỏi tay tử thần và cõi âm ty.
6 Ông đã đẩy các vua vào cõi chết, và xô người quyền thế xuống khỏi giường.
7 Tại núi Xi-nai, ông đã nghe lời khiển trách, trên núi Khô-rếp, ông đã nghe án trừng phạt. 8 Ông đã xức dầu tấn phong các vua để họ cầm quyền xét xử,
và xức dầu cho các ngôn sứ để họ nối nghiệp ông.
9 Ông đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc,
trên chiếc xe do ngựa đỏ như lửa kéo đi.
10 Trong những lời khiển trách vào thời sẽ đến, ông đã được nêu danh,
để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên,
để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc Gia-cóp.
11 Phúc cho ai được nhìn thấy ông, và cho kẻ được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa,
vì cả chúng tôi, chắc chắn cũng sẽ được sống.
12 Khi ông Ê-li-a được ẩn trong cơn lốc, thì ông Ê-li-sa được đầy thần khí của người.
Suốt đời ông Ê-li-sa, không thủ lãnh nào có thể làm ông lung lạc,
cũng chẳng ai khuất phục được ông.
13 Đối với ông, chẳng có gì là quá sức, ngay cả khi ông đã qua đời,
thân xác ông vẫn còn giữ năng lực của một ngôn sứ.
14 Lúc sinh thời, ông đã làm nhiều dấu lạ, sau khi chết, ông vẫn còn thực hiện những điềm thiêng. 15 Dù đã xảy ra những điều ấy, dân vẫn không chịu sám hối ăn năn,
cũng chẳng màng lìa xa tội lỗi, đến nỗi phải đi lưu đày biệt xứ, phải tản mác khắp nơi.
2/ Phúc Âm: 7 “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. 9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
10 triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
12 xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;
13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.
15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy học biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa.
Đọc lịch sử Cựu Ước, chúng ta có thể rút ra một kiểu sống của dân Do-thái trong mối tương quan của họ với Thiên Chúa như sau: Khi thiếu thốn, cơ cực, họ cầu nguyện với Thiên Chúa để được Ngài thương xót. Sau khi được Thiên Chúa ơn, họ lại quay sang thờ các thần ngoại và làm những điều ghê tởm trước mắt Thiên Chúa. Vì tình thương, Thiên Chúa gởi các ngôn sứ tới để tố tội và kêu gọi họ quay về với Thiên Chúa để được hưởng lòng thương xót. Ai biết ăn năn quay về, Ngài sẽ tha thứ lỗi lầm. Ai ngoan cố, Ngài sẽ để họ sẽ chết trong tội.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật chủ đề con người phải luôn luôn sống tốt lành trong mối tương quan với Thiên Chúa và với nhau. Nếu con người biết làm như thế, Thiên Chúa sẽ cung cấp mọi sự cần thiết và sẽ bảo vệ họ khỏi mọi nguy hiểm trong cuộc đời. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca nhắc lại những việc vĩ đại hai ngôn sứ Elijah và Elishah đã làm khi hai ông vâng lệnh Thiên Chúa kêu gọi dân trở về. Những người nào làm theo lời chỉ dẫn của hai ông đã được Thiên Chúa chúc lành và ban ơn; những người cãi lệnh đã bị Thiên Chúa trừng phạt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết cách cầu nguyện cách đúng đắn: Thay vì lải nhải xin hết ơn này đến ơn kia, họ hãy tập trung trong việc “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người nào làm theo ý Thiên Chúa sẽ được Ngài chúc lành và ban ơn.
1.1/ Cuộc đời sự nghiệp của ngôn sứ Elijah
Ngôn sứ Elijah bực mình khi thấy vua và con cái Israel bỏ Thiên Chúa, Đấng chúc lành và bảo vệ họ để chạy theo thần Baal, thứ thần chẳng làm được một sự gì cho con người cả.
– Để giúp dân chúng nhận ra những gì Thiên Chúa vẫn đang làm cho họ, ông truyền lệnh đóng cửa trời để mưa và sương không rơi xuống nữa. Dân chúng phải chịu đói khát và nhận ra uy quyền của Thiên Chúa.
– Để giúp con cái Israel nhận ra đâu là Chúa thật, ông truyền gom tất cả các ngôn sứ của Baal, vua quan cũng như dân chúng trên núi Carmen để tổ chức một cuộc thi dâng lễ vật. Các ngôn sứ Baal đã thất bại nặng nề trong khi của lễ của Elijah được Thiên Chúa cho lửa từ trời xuống thiêu rụi.
Vì ông luôn trung thành với Thiên Chúa, Ngài luôn quan tâm đến nhu cầu của ông: Ngài chỉ cho ông khe nước và sai quạ nuôi ông trong khi cả xứ bị hạn hán. Khi ông kêu cầu Ngài chứng tỏ cho dân chúng thấy đâu là Thiên Chúa thật, Ngài đã khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi lễ vật của ông. Nói tóm, Ngài không từ chối ông một điều gì khi ông kêu cầu danh Ngài. Sau cùng, khi đã hoàn tất sứ vụ, Ngài đã không để ông phải chết; nhưng dùng cỗ xe ngựa đỏ để cất giấu ông đi một nơi.
Truyền thống Do-thái tin ngôn sứ Elijah sẽ trở lại trước khi Đấng Thiên Sai tới để ông dọn đường cho Ngài, để ông “làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi tộc Jacob.” Khi các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về sự phải đến của ông, Ngài ám chỉ cho các môn đệ biết Gioan Tẩy Giả chính là ngôn sứ Elijah (Mt 11:14; Mk 9:13).
1.2/ Cuộc đời sự nghiệp của ngôn sứ Elishah
Ông dứt khoát theo Chúa khi Elijah quăng áo choàng trên ông bằng cách giết đôi bò làm lễ vật hy sinh và phá cày làm củi thiêu bò. Ý thức được khó khăn trong sứ vụ ngôn sứ, ông đã xin cho được gấp hai thần khí của thầy. Khi ông Elijah được ẩn trong cơn lốc, thì ông Elishah được đầy thần khí của người.
Suốt đời ông Elishah, không thủ lãnh nào có thể làm ông lung lạc, cũng chẳng ai khuất phục được ông. Đối với ông, chẳng có gì là quá sức vì Thiên Chúa luôn ở với ông. Ngay cả khi ông đã qua đời, thân xác ông vẫn còn giữ năng lực của một ngôn sứ. Lúc sinh thời, ông đã làm nhiều dấu lạ, sau khi chết, ông vẫn còn thực hiện những điềm thiêng.
2/ Phúc Âm: Cha anh em trên trời đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
2.1/ Trước hết và trên hết, hãy lo xin cho những gì thuộc về Chúa được phát triển.
Trong mối tương quan giữa con người, chúng ta không thích những ai lợi dụng lòng tốt của chúng ta để lúc nào cũng xin xỏ. Người Việt Nam chúng ta có câu: “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Nếu không ném được hòn chì, ít nhất cũng phải ném lại hòn đất chứ. Ai có thể mặt dày mặt dạn cứ đi ăn của người được.
Trong mối tương quan với Thiên Chúa còn hơn thế. Ngài là Cha và chúng ta là con. Bổn phận của con trước hết là phải làm cho danh Cha cả sáng bằng cách làm cho nhiều người biết đến Thiên Chúa qua những việc lành chúng ta làm. Tiếp đến, chúng ta cầu xin cho Nước Chúa được trị đến bằng cách cầu nguyện cho mỗi ngày càng nhiều người biết đến Cha mình. Sau cùng, chúng ta phải xin cho tất cả mọi tạo vật nhận ra ý Chúa và thi hành; hay ít nhất chính chúng ta phải tìm ra ý Chúa và mau mắn thi hành.
2.2/ Sau đó, hãy lo xin cho biết sống cuộc đời đẹp ý Thiên Chúa.
Sau khi quan tâm đến việc của Cha, mới nên xin Cha nhìn đến các việc của con. Có 4 lời cầu Chúa Giêsu dạy chúng ta nên chú trọng tới và kêu xin. Thứ nhất, chỉ “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” thôi. Chúng ta đừng dại dột xin cho có dư, vì “no cơm rửng mỡ.” Thứ đến, chúng ta “xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” Nếu chúng ta có can đảm xin Thiên Chúa tha tội thì cũng phải có can đảm để tha thứ các lầm lỗi của anh chị em mình. Nếu không, “Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” Tiếp đến, mọi người chúng ta cần ý thức: chúng ta đang phải chiến đấu với ba thù hàng giây hàng phút. Ba thù đây là XÁC THỊT – THẾ GIAN – VÀ MA QUỈ. Kẻ thù nào cũng nặng ký cả. Và nếu không có ơn thánh, chúng ta không thể nào thắng vượt được. Vì vậy, chúng ta hãy thường xuyên đọc kinh Lạy Cha và “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” Sau cùng, sự dữ vẫn rình chờ chúng ta hằng giây hằng phút trong thế gian như bệnh tật, chiến tranh, thiên tai… , chúng ta cần xin Thiên Chúa “cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ” nếu đẹp ý Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Tiên vàn chúng ta hãy lo sao cho danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được trị đến, ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Khi đã làm như thế, Thiên Chúa chắc chắn sẽ không từ chối chúng ta một điều gì khi chúng ta kêu xin Ngài.
– Chúng ta đừng bao giờ nghĩ mình có thể lợi dụng Thiên Chúa để xin ơn, sau đó dùng những quà tặng Ngài ban để làm theo ý chúng ta.
– Đừng đọc kinh Lạy Cha một đàng, nhưng lại nghĩ tưởng một nẻo. Hãy để Thiên Chúa trong sự quan phòng của Ngài lấp đầy những thiếu thốn của chúng ta.
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Năm A
Bài đọc: Deut 7:6-11; 1 Jn 4:7-16; Mt 11:25-30.
1/ Bài đọc I: 6 Thật vậy, anh em là một dân thánh hiến cho ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em. ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. 7 ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân.
8 Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà ĐỨC CHÚA đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập. 9 Anh em phải biết rằng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người. 10 Còn ai thù ghét Người, thì Người nhằm chính bản thân nó mà trả đũa, khiến nó phải chết; với kẻ thù ghét Người, Người không trì hoãn, Người nhằm chính bản thân nó mà trả đũa. 11 Vậy anh em phải tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định mà hôm nay tôi truyền cho anh em đem ra thực hành.
2/ Bài đọc II: 7 Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.
8 Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.
9 Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này:
Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.
10 Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.
11 Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.
12 Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.
13 Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta. 14 Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian. 15 Hễ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy
và người ấy ở lại trong Thiên Chúa.
16 Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó.
Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.
3/ Phúc Âm: 25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.
26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. 27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. 28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa được diễn tả tuyệt vời qua Đức Kitô.
Tình yêu có lẽ là một đề tài được nói đến nhiều nhất trong cuộc sống con người. Điều này không lạ vì tình yêu là động lực chi phối mọi hoạt động của con người. Nhưng khi phải định nghĩa tình yêu là gì, thì mọi người đều lúng túng. Thi sĩ Xuân Diệu định nghĩa “yêu là chết trong lòng một ít.” Định nghĩa này chắc chắn bị nhiều người bác bỏ, nhất là những người đau đớn vì bị tình phụ. Văn sĩ Antoine de Saint-Exupéry định nghĩa “yêu không phải là ngồi nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng.” Định nghĩa này cũng không ổn, vì làm sao kiếm được người nhìn cùng một hướng như mình trong hết mọi sự. Thánh Gioan trong Thư thứ nhất có lẽ cho một định nghĩa sâu sắc và tuyệt vời nhất: “Thiên Chúa là tình yêu.” Tuy nhiên, định nghĩa này có tính cách thần học và cần được diễn giảng cách rõ ràng hơn.
Các bài đọc trong ngày Lễ Thánh Tâm giúp chúng ta hiểu tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua những biểu lộ rất cụ thể trong lịch sử, và nhất là qua Đức Kitô. Trong bài đọc I, tác giả Sách Thứ Luật nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa đã yêu và chọn lựa dân tộc Israel làm dân riêng của Ngài trước khi họ biết và đáp trả lại. Ngài đã làm giao ước với các tổ phụ để bảo vệ họ và Ngài đã trung thành với giao ước đó suốt đời. Trong bài đọc II, thánh Gioan cũng nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa đã yêu thương con người trước vì Ngài là tình yêu. Thiên Chúa yêu con người đến độ Ngài sẵn sàng hy sinh Người Con Một để đền tội cho con người; hy sinh Người Con Một là hy sinh chính Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu biết mọi con người đều phải vất vả và gồng gánh nặng nề, nên Ngài kêu gọi tất cả hãy đến với Ngài để được Ngài dạy dỗ và cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người.
1.1/ Thiên Chúa đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. Để hiểu những lời này, chúng ta cần phải trở về với Sách Sáng Thế, khi Thiên Chúa chọn Abraham và làm giao ước với ông (Gen 17:5-10). Theo giao ước này, Ngài sẽ cho ông một dòng dõi và sẽ ban Đất Hứa là đất Canaan cho dòng dõi của Abraham cư ngụ. Phần Abraham và dòng dõi của ông, họ phải cắt bì và tuân giữ mọi điều Thiên Chúa truyền dạy. Tác giả Sách Thứ Luật xác quyết lý do duy nhất Thiên Chúa làm những điều này là vì Ngài yêu thương anh em, chứ không phải bất cứ một lý do nào khác: “Thật vậy, anh em là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân.” Điều này hiển nhiên, vì khi Thiên Chúa làm giao ước này, dân tộc Israel chưa có mặt trong cuộc đời, và Abraham chưa có Isaac, người con sẽ sinh ra một dòng dõi.
Thế rồi theo thời gian, dòng dõi Abraham được sinh ra và tăng trưởng qua Isaac và Israel cùng với các con của ông. Vì Giuse, con của Israel, làm quan Tể Tướng bên Ai-cập, ông đã đem cha và các anh em sang định cư bên Ai-cập. Họ đã gia tăng dân số rất nhanh, nhưng bị người Ai-cập đối xử rất dã man và tìm đủ mọi cách để triệt sản. Họ kêu cầu lên Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã dùng ông Moses và Aaron để đưa dân ra khỏi Ai-cập, vào sa mạc để được thanh luyện và gần gũi Thiên Chúa, trước khi tiến vào Đất Hứa. Tác giả Sách Thứ Luật vắn tắt tiến trình này như sau: “Chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharao, vua Ai-cập.”
1.2/ Thiên Chúa của anh em là Thiên Chúa trung thành: Giao ước được ký kết giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel. Theo truyền thống con người, nếu một bên vi phạm bất cứ điều nào đã ký kết, giao ước sẽ trở nên vô hiệu. Đọc lại lịch sử của dân tộc Israel, một người sẽ nhận thấy Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Ngài đã hứa; phản bội luôn đến từ phía dân tộc Israel. Tác giả Sách Thứ Luật cũng xác quyết điều này: “Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người.”
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa là tình yêu.
2.1/ Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước: Tác giả Thư Gioan thứ nhất dạy chúng ta nhiều điều quan trọng về tình yêu:
(1) Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vì yêu thương con người, và nếu Ngài ghét bỏ điều gì, điều đó sẽ không có mặt trong cuộc đời. Mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa: tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ, anh em, bạn hữu…
(2) Ai yêu thương, người ấy được Thiên Chúa sinh ra: Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh (selem) và đức tính (demut) của Ngài (Gen 1:26; 5:1-3). Con người giống Thiên Chúa nhất ở đức tính con người biết yêu thương. Thánh Gioan xác tín: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.”
(3) Cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa: Ngài đã biểu lộ bằng nhiều cách trong vũ trụ và trong lịch sử; nhưng theo thánh Gioan, cách biểu lộ tuyệt vời nhất là Ngài đã hy sinh cho chúng ta Người Con Một: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.”
(4) Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Thiên Chúa là Người đi bước trước. Ngài yêu thương con người khi họ chẳng có gì đáng yêu cả, khi họ vẫn còn là các tội nhân: “Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.”
2.2/ Chúng ta cũng phải yêu thương nhau: Như đã nói trên, điều làm cho con người giống Thiên Chúa nhất là họ biết yêu thương: họ biết yêu thương đáp trả tình yêu Thiên Chúa và biết yêu thương nhau. Thánh Gioan truyền cho các tín hữu của Ngài: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.” Tính hỗ tương của tình yêu còn được nhấn mạnh hơn nữa trong Tin Mừng Gioan: “Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Jn 15:9). “Như Thầy yêu mến anh em thế nào, anh em cũng phải yêu mến nhau như vậy” (Jn 13:34).
Có nhiều loại tình yêu khác nhau trong cuộc đời như tình yêu lãng mạn giữa trai gái, tình yêu chung thủy giữa vợ chồng, tình yêu huynh đệ giữa anh em hay những người chung chí hướng, tình yêu thương xót khi gặp người đau khổ… Đức Giáo Hoàng Benedict trong Thông Điệp Deus Caritas Est, # 10-11, cho rằng tất cả tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, nhưng tất cả tình yêu này đều bất toàn so với tình yêu của chính Thiên Chúa, vì cách nào đó chúng vẫn còn tính vị kỷ. Tình yêu hoàn hảo nhất mà con người cần đạt đến là tình yêu của Thiên Chúa, vì với tình yêu này, con người có thể yêu thương tha nhân như chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Với tình yêu này, con người có thể đáp ứng những đòi hỏi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthew, chương 5, là yêu thương ngay cả kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta…
3/ Phúc Âm: Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan và thông thái (sophos, sunetos) với kẻ bé mọn (nêpios), để nói với khán giả: họ cần có thái độ của trẻ thơ là tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Một thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản họ nhận ra những gì Ngài muốn mặc khải cho họ.
3.1/ Kiến thức về Thiên Chúa: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”
(1) Chúa Giêsu là người biết về Chúa Cha rõ ràng hơn ai hết: Động từ Hy-lạp dùng ở đây là “epiginôskô,” biết như một con người hay sự vật là. Con người hiểu biết về Thiên Chúa với nhiều cấp độ khác nhau; nhưng chỉ có Chúa Giêsu hiểu biết Thiên Chúa trong cấp độ hoàn hảo nhất. Điều này không ngạc nhiên, vì Chúa Giêsu là chính Lời hay tư tưởng của Thiên Chúa. Ngài và Cha Ngài là một.
(2) Con người biết Thiên Chúa qua mặc khải của Chúa Giêsu: Nếu Thiên Chúa không chọn để mặc khải cho con người, con người không bao giờ có thể biết Thiên Chúa. Đức Kitô chính là mặc khải của Thiên Chúa; Ngài đến để mặc khải cho con người biết về Chúa Cha, như Ngài đã tuyên bố với các môn đệ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha.” Hơn nữa, để con người có thể hiểu những mặc khải này, họ cần được Thánh Thần do Chúa Cha sai tới để hướng dẫn và thúc đẩy từ bên trong.
3.2/ Hai điều quan trọng chúng ta cần học hỏi cùng Chúa Giêsu: Người môn đệ tuy vẫn phải mang ách và mang gánh nặng; nhưng họ không mang chúng theo cách của thế gian, mà mang chúng theo cách của Đức Kitô. Để biết mang ách và gánh đúng cách, họ cần phải học với Đức Kitô. Hai nhân đức quan trọng họ cần học nơi Ngài:
(1) Hiền lành: Đây là mối thứ hai trong Bài Giảng Trên Núi. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có quyền tiêu diệt những ai nói những lời xúc phạm, đánh đòn, và giết chết Ngài; nhưng Ngài đã không làm những chuyện đó. Ngài chọn con đường tha thứ: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Ngài hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa. Ngài dạy phải thương yêu, cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù. Con người cũng thường có khuynh hướng yêu thích những ai hiền lành, nhã nhặn, và tha thứ.
(2) Khiêm nhường: là nhân đức diệt trừ tính kiêu ngạo, tội đầu tiên trong bảy mối tội đầu. Không ai thích người kiêu ngạo và tâm lý chung chẳng ai thích người hay “nổ.” Khiêm nhường là biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người khiêm nhường biết mọi sự mình có được là do Thiên Chúa ban, nên họ không huyênh hoang lên mặt với người khác; nhưng biết dùng tài năng để mở mang Nước Chúa và phục vụ anh em. Người kiêu ngạo đánh cắp công ơn Thiên Chúa và luôn bất an vì sợ người khác hơn họ. Họ bất an khi không nhận được những gì họ muốn và khó chịu với mọi người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa trước khi chúng ta có thể đáp trả lại tình yêu của Ngài.
– Tình yêu phải được diễn tả bằng hành động. Chúa Cha biểu lộ tình yêu của Ngài bằng cách hy sinh Người Con Một cho con người. Đức Kitô biểu lộ tình yêu bằng cách hy sinh chết trên trên Thập Giá cho con người. Chúng ta cũng phải biểu lộ tình yêu bằng cách hy sinh cho nhau.
Thứ Bảy Tuần 11 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 2 Chr 24:17-25; Mt 6:24-34.
1/ Bài đọc I: 17 Sau khi ông Giơ-hô-gia-đa qua đời, các thủ lãnh Giu-đa đến bái yết nhà vua và lúc ấy nhà vua nghe theo họ.
18 Họ đã bỏ Đền Thờ của ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa tổ tiên họ, mà phụng sự các cột thờ và các ngẫu tượng. Vì tội ấy ĐỨC CHÚA đã giáng cơn thịnh nộ xuống Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.
19 Người đã sai các ngôn sứ đến với họ, để đưa họ quay về với ĐỨC CHÚA. Các vị ấy đã khuyến cáo, nhưng họ không thèm để tai.
20 Ông Da-ca-ri-a, con tư tế Giơ-hô-gia-đa, được đầy thần khí Thiên Chúa, đứng trên cao, đối diện với dân và nói: “Thiên Chúa phán thế này: “Tại sao các ngươi vi phạm lệnh truyền của ĐỨC CHÚA, mà chuốc lấy thất bại? Vì các ngươi đã lìa bỏ ĐỨC CHÚA, nên ĐỨC CHÚA cũng lìa bỏ các ngươi.”
21 Họ liền toa rập chống lại ông và, theo lệnh vua, họ ném đá giết ông trong sân Đền Thờ ĐỨC CHÚA.
22 Vua Giô-át không nhớ đến tình nghĩa mà ông Giơ-hô-gia-đa, thân phụ ông Da-ca-ri-a, đã dành cho mình, nên mới sát hại ông này. Lúc gần chết, ông Da-ca-ri-a kêu lên: “Xin ĐỨC CHÚA nhìn xem và báo oán cho con.”
23 Đầu năm sau, quân đội A-ram tiến đánh vua Giô-át. Chúng xâm nhập Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, tàn sát tất cả các thủ lãnh trong dân và gửi tất cả chiến lợi phẩm về cho vua Đa-mát.
24 Thực ra, lực lượng A-ram chỉ đến với một số ít người, nhưng ĐỨC CHÚA đã trao một lực lượng rất đông đảo vào tay chúng, chỉ vì dân Ít-ra-en đã lìa bỏ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của tổ tiên mình.
25 Khi chúng rút lui, bỏ vua lại trong cơn đau trầm trọng, các thuộc hạ của vua đã toa rập với nhau chống lại vua, trả thù cho máu người con của tư tế Giô-hô-gia-đa. Họ giết vua ngay trên giường. Vua đã chết và được mai táng trong Thành Đa-vít, nhưng không được chôn nơi phần mộ hoàng gia.
2/ Phúc Âm: 24 “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được. 25 “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? 26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?
27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?
28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi;
29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!
31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?
32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. 33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. 34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Không ai có thể làm tôi hai chủ được.
Thiên Chúa truyền cho con người phải giữ điều răn quan trọng nhất: “Phải thờ phượng và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.” Nhưng nhiều tín hữu vẫn nghĩ họ có thể du di, để vừa thờ Thiên Chúa vừa cầu tài “ông địa.” Nhiều tín hữu đưa những lý do để không tham dự thánh lễ chủ nhật: “Chúa thông cảm” vì con phải vất vả kiếm tiền nuôi con! Nếu con không làm, họ sẽ đuổi! Nếu con không mở tiệm, khách hàng sẽ bỏ đi!
Các bài đọc hôm nay nêu bật những lý do người tín hữu “không thể làm tôi hai chủ được.”
Trong bài đọc I, vua Joash sau một thời gian cai trị đất nước thịnh vượng và bình an, bắt đầu trở chứng nghe theo một số nịnh thần để thờ thần Baal và giết ngôn sứ do Chúa gửi tới cảnh cáo. Hậu quả là đất nước bị Thiên Chúa để cho rơi vào tay Syrians và vua phải chết trên giường bệnh. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: người tín hữu không thể làm tôi hai chủ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Quyết định sai lầm của vua Joash và hậu quả nhà vua phải lãnh nhận
1.1/ Vua Joash lại đi theo con đường của cha mình: Trình thuật kể: “Sau khi thượng tế Jehoiada qua đời, các thủ lãnh Judah đến bái yết nhà vua và lúc ấy nhà vua nghe theo họ. Họ đã bỏ Đền Thờ của Đức Chúa là Thiên Chúa tổ tiên họ, mà phụng sự các cột thờ và các ngẫu tượng. Vì tội ấy Đức Chúa đã giáng cơn thịnh nộ xuống Judah và Jerusalem.
Thiên Chúa ban cho vua Joash có cơ hội trở về: Người đã sai các ngôn sứ đến với họ, để đưa họ quay về với Đức Chúa. Các vị ấy đã khuyến cáo, nhưng họ không thèm để tai. Có ông Zechariah, con tư tế Jehoiada, được đầy thần khí Thiên Chúa, đứng trên cao, đối diện với dân và nói: Thiên Chúa phán thế này: “Tại sao các ngươi vi phạm lệnh truyền của Đức Chúa, mà chuốc lấy thất bại? Vì các ngươi đã lìa bỏ Đức Chúa, nên Đức Chúa cũng lìa bỏ các ngươi.” Họ liền toa rập chống lại ông và, theo lệnh vua, họ ném đá giết ông trong sân Đền Thờ Đức Chúa.
Lấy ân báo oán: Vua Joash không nhớ đến tình nghĩa mà ông Jehoiada, thân phụ ông Zechariah, đã dành cho mình, nên mới sát hại ông này. Lúc gần chết, ông Zechariah kêu lên: “Xin Đức Chúa nhìn xem và báo oán cho con.”
1.2/ “Xin Đức Chúa nhìn xem và báo oán cho con.” Vì tội bất trung và còn giết ngôn sứ Thiên Chúa sai đến, Đức Chúa trao Israel vào tay quân đội Syrians. Thực ra, lực lượng Syrians chỉ đến với một số ít người, nhưng Đức Chúa đã trao một lực lượng rất đông đảo vào tay chúng, chỉ vì dân Israel đã lìa bỏ Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên mình. Riêng vua Joash đang “trong cơn đau trầm trọng, các thuộc hạ của vua đã toa rập với nhau chống lại vua, trả thù cho máu người con của tư tế Jehoiada. Họ giết vua ngay trên giường. Vua đã chết và được mai táng trong Thành David, nhưng không được chôn nơi phần mộ hoàng gia.”
2/ Phúc Âm: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.
2.1/ Không ai có thể làm tôi hai chủ: “vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.”
+ Phát triển từ ngữ mamonas: Nó đến từ động từ có nghĩa “tin cậy;” và danh từ mamon là của cải mà một người tin cậy giao cho ngân hàng giữ hay chứa đựng nó trong một hộp an toàn. Sau một thời gian mamon không còn có nghĩa “được tin cậy giao cho,” nhưng là cái mà con người đặt niềm tin tưởng vào. Khi Mamon được viết hoa, nó có nghĩa như là một thần. Lịch sử của chữ thay đổi từ chỗ sở hữu tài sản: những gì con người cần có để xử dụng như phương tiện để sống, đến chỗ con người tin tưởng vào tài sản đó, coi nó như một vị thần, thần tài hay thần tiền.
Nói cho cùng, tất cả của cải trong thế giới này là của Thiên Chúa ban cho mọi người được hưởng dùng. Con người không phải là chủ nhân mà chỉ là người quản lý, và phải trả lời với Thiên Chúa hai câu hỏi quan trọng này:
(1) Chúng ta kiếm tiền bằng cách nào? Có nhiều cách kiếm tiền khác nhau; nhưng chúng ta có thể xếp loại vào hai cách chính: Cách hợp pháp và cách bất hợp pháp. Cách hợp pháp là khi chúng ta kiếm tiền bằng sức lao động hay sức cố gắng của mình. Cách bất hợp pháp là khi chúng ta kiếm tiền bằng cách ăn gian, nói dối hay lường gạt.
(2) Chúng ta xử dụng tiền làm sao? Như đã nói ở trên, chúng ta chỉ là người quản lý các tài sản của Thiên Chúa, và nhiệm vụ của người quản lý là biết cách chi tiêu phân phát. Có nhiều cách xử dụng tiền bạc:
+ không xử dụng: giữ tiền cho chắc bụng, để lâu lâu lấy ra đếm cho thích, để biết mình giầu.
+ xử dụng cách hoang phí: trong việc tiêu xài, cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút sách
+ xử dụng vào các việc phi nhân: buôn bán người.
+ xử dụng để sinh lợi ích cho tha nhân: nuôi dưỡng con cái, học hành, ủng hộ vào những chương trình làm thăng hoa đời sống con người.
Nói tóm, con người là sở hữu của Thiên Chúa. Họ chỉ được quyền tôn thờ một mình Thiên Chúa, và phải biết dùng những của Chúa ban như phương tiện để sinh sống mà thôi.
2.2/ Không được lo lắng! Phải biết tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cho con người 7 lý do để đừng lo lắng:
(1) Đấng cho sự sống cũng sẽ cho những gì cần thiết để bảo toàn sự sống: “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?”
(2) Lo lắng làm buồn lòng Thiên Chúa: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?”
(3) Lo lắng được gì đâu? “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?”
(4) Lo lắng đe dọa niềm tin: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học. Chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Solomon, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!”
(5) Có những điều đáng làm và phải làm hơn: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.”
(6) Lo lắng tìm vật chất là của Dân Ngoại: “Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.”
(7) Con người chỉ biết có giây phút hiện tại, quá khứ đã qua, và tương lai không ai biết: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Bổn phận của chúng ta là phải thờ phượng Thiên Chúa hết lòng và trên hết mọi sự. Chúng ta không được phép thờ bất cứ một thần tượng nào khác. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn cho chúng ta tự do để chọn. Chọn đường nào chúng ta sẽ lãnh hậu quả của đường đó.