Lời kinh gia đình

print

Lời kinh gia đình

 

Câu chuyện tử đạo của gia đình Ulma

Gia đình thánh Ulma nằm ở phía đông nam Ba Lan, đặc trưng bởi nhiều ngôi làng nhỏ và làm nông nghiệp. Thị trấn Markowa không giàu của cải nhưng nuôi dưỡng một xã hội đầy yêu thương, cùng chung sống hòa hợp với người Do Thái như bạn bè, hàng xóm và đôi khi là họ hàng. Cho nên, họ cho phép người Do Thái hòa nhập vào cơ cấu xã hội của mình, bằng chứng là những bức ảnh, tài liệu và hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng Ulma. Lịch sử đó đã để lại một di sản không thể xóa nhòa, được viết bằng máu của nhiều gia đình Ba Lan, những người đã phải trả cái giá đắt nhất khi đứng về phía người Do Thái, bằng cách giấu họ trên gác xếp, hầm rượu hoặc những địa điểm bí mật khác.

Ở Markowa, trong số 120 cư dân Do Thái trong Thế chiến thứ II, 21 người đã sống sót sau các cuộc tiêu diệt, nhờ sự chia sẻ đùm bọc này. Lòng dũng cảm của nhiều người Ba Lan đã bất chấp luật pháp kinh hoàng của Đức Quốc xã áp đặt vào tháng 10 năm 1941, theo đó bất kỳ ai giúp đỡ người Do Thái sẽ phải đối mặt với án tử.

Sau một trong những vụ thảm sát lớn nhất vào cuối năm 1942, gia đình ông Goldman và Szall đã tìm nơi ẩn náu trong gia đình người Ba Lan tại Ulma. Và kết quả là Đức quốc xã đã phát hiện nơi họ ẩn nấp, quân lính đã bắn chết 8 người Do Thái trước khi sát hại cả gia đình Ulma.

Vào Chúa Nhật ngày 10/9/2023 vừa qua, thị trấn Markowa dường như là trung tâm điểm của thế giới, khi cả Giáo hội hoàn vũ hướng về và hiệp thông tôn vinh 9 người dân của thị trấn: ông Józef 44 tuổi, một nông dân, một nhiếp ảnh gia nghiệp dư, bà Wiktoria 31 tuổi; và 7 người con, đứa nhỏ nhất là bé thai nhi 7 tháng tuổi, đã chào đời vào thời điểm người mẹ tử đạo.

Đây là một Thánh lễ chưa từng có trước đây khi Giáo hội tôn phong chân phước cho cả một gia đình. Trong bài giảng, Đức Hồng y Semeraro nhận xét rằng ông bà Jozef và Wiktoria, tuy khác nhau về tính cách nhưng có một quan điểm chung, khi họ rèn luyện trái tim và con cái họ bằng cách suy niệm, cầu nguyện và đón nhận Lời Chúa hàng ngày.

Kính thưa quý vị và các bạn,

Có lẽ lịch sử giáo hội chúng ta ngoại trừ gia đình Thánh gia thì chưa có một gia đình nào mà tất cả mọi thành viên đều được phong thánh như gia đình chân phước Ulma gồm 9 thành viên. Qua đó, thông điệp đầu tiên mà Giáo Hội muốn gửi đến các gia đình, tiếp tục sống niềm hy vọng, không ngừng thánh hóa bản thân và gia đình để nên thánh trong chính bậc sống của mình. Vì tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh và có khả năng trở thành Thánh. Nhờ siêng năng cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa hằng ngày mà gia đình Ulma đã đáp lại lời mời gọi của Chúa cách can đảm.

Một yếu tố khác nảy sinh từ  thực tế của thông điệp của gia đình Ulma, khi gia đình thánh luôn hướng tới những người đang cần sự giúp đỡ, và đã không từ chối một nhu cầu cấp bách nào. Mỗi gia đình công giáo chúng ta cũng được mời gọi hướng đến cuộc chiến tranh xâm lược giữa Nga và Ukraine để cầu nguyện và tích cực cổ võ cho việc kiến tạo hòa bình trong thế giới hôm nay.

Thông điệp thứ ba gia đình thánh muốn gửi đến chúng ta, chính là tiếng nói ngây thơ của vị thánh nhỏ nhằm lay chuyển lương tâm của một xã hội đang lan tràn nạn phá thai, trợ tử và coi thường sự sống như một gánh nặng chứ không phải như một món quà. Nơi gia đình Ulma một lần nữa khuyến khích chúng ta phản ứng lại nền văn hóa vứt bỏ đó theo như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxico.

Ước mong mỗi gia đình chúng ta được thánh hóa nhờ cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày. Noi theo mẫu gương chuyên cần cầu nguyện của Chúa Giêsu và mẫu gương của các gia đình thánh, xin cho mỗi gia đình chúng ta cho dù đang sống giữa một xã hội đầy biến động, một xã hội mà con người bị choáng ngợp bởi các thông tin và tràn ngập các trò giải trí nhưng chúng ta luôn trung thành với giờ kinh gia đình dù chỉ là những giây phút ngắn ngủi thôi. Vì chính giờ  kinh chung của gia đình là cơ hội để mọi người thánh hóa sinh hoạt hằng ngày, hay tạ ơn vì các hồng ân lãnh mà chúng ta đã lãnh nhận đồng thời dâng niềm vui, nỗi buồn, dâng mồ hôi nước mắt, những thành công, thất bại trong ngày như hy tế để xin Chúa đón nhận, thanh tẩy, đỡ nâng và chúc lành.

Đây cũng là cơ hội để vun xới tình gia đình: hiệp thông với những người thân yêu đã khuất, những người vắng mặt; cầu nguyện cho những nhu cầu của nhau; xin lỗi và tha thứ cho nhau, thông cảm, giúp nhau mỗi ngày một hoàn thiện hơn. Và đây cũng là cơ hội thuận tiện để cha mẹ dạy dỗ, hướng dẫn con cái về mặt nhân bản cũng như về mặt đức tin. Việc giáo dục của cha mẹ không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính gương sống.

Để nhờ ơn Chúa trợ giúp, các gia đình có thể giải quyết những bế tắc trong cuộc sống khi cha mẹ bất lực trong việc giáo dục con cái hay vợ chồng không chung thủy, bất đồng trong cuộc sống dẫn đến nguy cơ đổ vỡ. Và nhờ ơn Chúa mỗi thành viên có thể ngồi lại bên nhau, được Lời Chúa soi sáng và nhận ra những yếu đuối sai phạm của mình nhờ đó được Lời Chúa uốn nắn và được thánh hóa.

Lạy Chúa, giờ đây chúng con cùng dâng lên Chúa lời kinh mà Ngài đã dạy chúng con để cầu nguyện cho gia đình và các thành viên trong gia đình chúng con: “Lạy cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại cha mau đến, xin cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” Amen.

Bích Liễu