Lời Sống Hằng Ngày Thường Niên – Tuần XXIII TN – Dòng Ngôi Lời

print

Thường Niên – Tuần XXIII – Năm B

 

Chúa Nhật – Ngày 09 – Tháng 9.

Thứ Hai – Ngày 10 – Tháng 9.

Thứ Ba – Ngày 11 – Tháng 9.

Thứ Tư – Ngày 12 – Tháng 9.

Thứ Năm – Ngày 13 – Tháng 9.

Thứ Sáu – Ngày 14 – Tháng 9.

Thứ Bảy – Ngày 15 – Tháng 9.

 

 

Chúa Nhật – Ngày 09 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Bài đọc 1 : Is 35,4-7a

Bài đọc 2 : Gc 2,1-5

Tin Mừng : Mc 7,31-37

Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói : Épphatha, nghĩa là : hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

CÂM ĐIẾC TRONG TÂM HỒN

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa một người vừa câm vừa điếc. Nếu như điếc không thể nghe được bất cứ âm thanh nào từ bên ngoài, thì câm hay ngọng lại bất lực trong việc diễn tả cho người khác hiểu mình đang nghĩ gì, muốn nói điều gì. Như vậy, người vừa câm vừa điếc gặp khó khăn trong việc sống chung với người khác, bởi tự thân đã khiến người đó khó hiểu thế giới bên ngoài, và thế giới bên ngoài cũng khó hiểu người đó. Khi Chúa chữa lành, chính là trả lại, phục hồi lại cho anh cuộc sống như bao người.

Qua phép lạ chữa lành cho anh, Chúa Giêsu không chỉ bày tỏ tình thương đối với anh, mà qua đó, Ngài cũng thể hiện vai trò Thiên Sai của Ngài. Quả vậy, Đấng Thiên Sai đến sẽ giải phóng con người và thiết lập vương quốc của Người trên trần gian này. Vương quốc ấy, không chỉ là dân riêng Do Thái nữa, nhưng là toàn thể nhân loại. Phép lạ này diễn ra ở Tyrô, tức là vùng đất của dân ngoại đã nói lên điều đó. Như thế, Người không phân biệt ai, nhưng là muốn cho tất cả được cứu độ.

Ngày nay, nhiều lúc chúng ta cũng bị điếc, bị câm. Chúng ta điếc khi chúng ta không lắng nghe lời Chúa dạy, không lắng nghe tiếng kêu thống khổ của anh em mình. Chúng ta bị câm khi chúng ta không mở miệng tuyên xưng đức tin của mình, không mở miệng làm chứng cho Chúa trong môi trường sống của mình. Vậy nên, hơn bao giờ hết, chúng ta cũng cần được Chúa chữa lành.

Lạy Chúa, xin thương chữa lành căn bệnh câm điếc trong tâm hồn mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn biết mở tai để lắng nghe Lời Chúa dạy, mở tai để nghe được nỗi thống khổ của anh em mình. Xin Chúa mở miệng lưỡi của chúng con để chúng con luôn ca ngợi tình thương Chúa, để chúng con làm chứng cho Chúa trong cuộc sống của mỗi người chúng con.

Phó tế Phêrô Hán Duy Hạp, SVD

Thứ Hai – Ngày 10 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Bài đọc : 1 Cr 5,1-8

Tin Mừng : Lc 6,6-11

Một ngày sabát, Đức Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày sabát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giêsu nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không.

SỐNG TINH THẦN LUẬT MỚI

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu vào hội đường để giảng dạy và Ngài lại chữa bệnh trong ngày sabát. Công việc tưởng chừng như một thói quen hàng ngày của Chúa Giêsu, là giảng dạy và chữa bệnh, nhưng lại có một điểm khác đó là việc Ngài làm vào ngày sabát.

Ngày sabát đối với người Do Thái là ngày nghỉ ngơi và không được làm bất cứ việc tay chân nào. Nhưng Chúa Giêsu lại chữa bệnh vào ngày sabát, như vậy Ngài làm trái với luật Do Thái và điều đương nhiên là sẽ bị lên án. Phải chăng Chúa Giêsu không biết điều đó và Ngài cũng chẳng hiểu gì về luật Do Thái? Chắc chắn không phải như vậy, nhưng Ngài muốn dạy chúng ta một bài học.

Trong cuộc sống thường ngày, đôi khi chúng ta quá dựa vào những quy tắc, những lề luật nhưng không phải để áp dụng cho bản thân được thăng tiến, nhưng lại là để đo lường và đánh giá người khác. Những người Pharisêu xưa kia cũng vậy. Họ rình xem để bắt lỗi Chúa Giêsu. Thế nhưng Chúa đã cho chúng ta thấy đôi khi đừng quá dựa vào lề luật để rồi quên đi hay bỏ qua sự công bình, bác ái hay thiếu quan tâm đến những người đau khổ, bất hạnh. Ngài mở cho chúng ta một con đường mới mẻ trong việc giữ lề luật, dạy cho chúng ta phải sống thật với chính mình và theo những gì mình chân nhận dưới ánh sáng Tin Mừng chứ không sống trong sự cứng nhắc của lề luật hay theo thói đời, cũng chẳng vì để lấy lòng ai.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống vì anh em mình, vì những gì là cao quý và tốt đẹp nhất mà luật Chúa đã dạy. Xin giúp con mỗi ngày sống tốt hơn và hoàn thiện bản thân hơn. Amen.

Tu sĩ Phêrô Trần Nhật Trường, SVD

Thứ Ba – Ngày 11 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Bài đọc : 1 Cr 6,1-11

Tin Mừng : Lc 6,12-19

Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Simôn mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Quá Khích, Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội. Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

ƠN THÁNH

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu tuyển chọn mười hai tông đồ để làm trụ cột cho Hội Thánh. Trước khi chọn, Tin Mừng Luca thuật lại việc Đức Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm. Ngài cầu nguyện cho những người mà Ngài muốn tuyến chọn vì Ngài biết tự sức của họ thì không thể nào làm được. Chỉ nhờ ơn thánh, họ mới có thể được biến đổi từ những con người bình thường thành những con người nhiệt thành và là trụ cột cho Giáo Hội.

Con người cậy vào sức riêng của mình và con người đã thất bại. Tổ tiên chúng ta đã cậy vào sức riêng và đã thất bại trước sự cám dỗ bất tuân. Trong số mười hai tông đồ Chúa chọn, đã có những người cậy vào sức riêng của mình và cũng đã thất bại. Cụ thể là Phêrô chối Chúa, Giuđa phản bội Chúa…

Ơn thánh được kín múc qua đời sống cầu nguyện rất cần cho con người. Vì tự sức mình con người chẳng làm gì được. Chính Đức Giêsu đã khắng định “không có Thầy các con không làm gì được”

(Ga 15,5). Chính nhờ ơn thánh mà sau này các tông đồ trở nên nhiệt thành, sắc bén trong suốt hành trình làm chứng nhân cho Chúa Kitô giữa trần gian.

Mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa tuyến chọn vào dân thánh của Người trong thân phận yếu đuối. Những yếu đuối đó sẽ không còn trở ngại khi chúng ta sẵn sàng kết hiệp với Chúa và kín múc ơn thánh của Người trong đời sống cầu nguyện.

Lạy Chúa, qua đời sống cầu nguyện, xin cho con biết sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa, và sống chan hòa với anh chị em mình hơn. Nhờ đời sống cầu nguyện, xin cho con nhận được nhiều ơn thánh để dám dấn thân làm chứng nhân Tin Mừng ở giữa trần gian.

Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD

Thứ Tư – Ngày 12 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Bài đọc : 1 Cr 7,25-31

Tin Mừng : Lc 6,20-26

Khi ấy, Đức Giêsu dừng lại ở một chỗ đất bằng. Nơi đây có đông đảo dân chúng tìm đến với Người. Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

NGHÈO KHÓ TRONG TÂM HỒN

Xã hội mỗi ngày một phát triển, nhưng sự chênh lệch giàu nghèo lại càng gia tăng. Người nghèo vẫn nghèo, người giàu lại càng giàu. Không ai muốn mình phải sống trong nghèo khổ cả. Vì thế, người nghèo tìm cách để vươn lên; còn người giàu lại muốn giàu thêm để củng cổ và bảo vệ địa vị của mình.

Thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng, “phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó… và khốn cho các ngươi là kẻ giàu có…” Khi nói như thế, Chúa Giêsu không có ý nói rằng, những người sống vất vưởng, đói rách bần cùng là có phúc và những người sống trong giàu sang phú quý là bất hạnh. Ngài muốn nhắc nhở các môn đệ về bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của cuộc sống, nên đừng quá bám víu vào của cải vật chất mà hãy sống tinh thần nghèo khó trong tâm hồn. Sống nghèo khó trong tâm hồn sẽ giúp con người sống có lòng tin, lòng cậy và lòng mến. Khi có lòng tin, lòng cậy và lòng mến, con người sẽ đặt Chúa vào tâm điểm của đời mình, không cậy dựa vào điều gì khác ngoài Chúa và sẵn sàng phục vụ Chúa trong tha nhân. Đó chính là tinh thần đích thực mà Chúa muốn những ai theo Chúa hãy sống theo để đạt được hạnh phúc muôn đời bên Chúa.

Lạy Chúa, con người ngày nay quá bám víu vào của cải vật chất và coi đó như phương tiện tốt nhất để đem đến hạnh phúc và cứu cánh của đời mình. Xin cho chúng con luôn biết xác tín rằng, Chúa mới chính là hạnh phúc, là cứu cánh của cuộc đời chúng con, để chúng con luôn biết sống theo những điều Chúa dạy và trọn niềm tin, cậy, mến nơi Chúa.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Đinh Duy Thiên, SVD

Thứ Năm – Ngày 13 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Thánh Gioan Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : 1 Cr 8,1b-7,11-13

Tin Mừng : Lc 6,27-38

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: […] Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng. Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác. […]

ANH EM HÃY CHO ĐI

Con người đang sống trong thời đại của công nghệ và kỹ thuật số. Mọi thứ đều được lập trình và mọi việc luôn được giải quyết cách nhanh chóng nhất có thể. Nhịp sống vội vàng và toan tính đang dần bào mòn những giá trị về tinh thần, làm cho sợi dây liên kết giữa người với người ngày càng nhạt nhòa. Vì vậy, việc thực hiện theo lời mời gọi của Đức Giêsu “hãy cho đi” là phương cách tốt để cứu vãn tình trạng này.

Cho là sự san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng tại sao lại phải cho đi? Hành động này thể hiện sâu sắc tinh thần đồng loại, tình tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Cho đi yêu thương thì tình yêu đó sẽ được nhân rộng ra; cho niềm vui để hương thơm của niềm vui trìu mến được lan tỏa khắp muôn nơi. Thực vậy, thật là hạnh phúc khi được sắm vai người cho, bởi lẽ “cho thì có phúc hơn là nhận”(Cv 20,35). Dòng sông Giođan nhận nước từ nguồn, nó chia sẻ nguồn nước xuống hạ nguồn. Điều đó làm cho động thực vật tự do sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái, đông đảo dân chúng sinh sống. Trái ngược là biển Chết; nó nhận nước cho đầy ắp rồi khư khư giữ lại cho riêng nó, nên trở thành môi trường chết không loài nào có thể sinh sống được.

Và tôi phải cho như thế nào mới phải lẽ? Tục ngữ có câu “của cho không bằng cách cho”. Cho ai một thứ gì đó thực sự là một nghĩa cử cao đẹp đáng được hoan nghênh. Nhưng bạn nghĩ thế nào khi bạn nhìn thấy ai đó tươi cười trao cho người khác một món đồ? Với tôi, đó là một hình ảnh tuyệt vời. Hành động cho cùng với lễ vật là đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng không phải cho suông mà với cả tấc lòng, cho phải dùng tâm. Tức là hiểu và thấy rõ việc mình đang làm, cho với  lòng hoan hỷ vui tươi.

Thế giới này sẽ tốt đẹp biết mấy nếu như mỗi người chúng ta biết san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau một cách vô vụ lợi.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ghi nhớ và thực hiện lời khuyên của Ngài là “hãy cho đi”.

Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD

Thứ Sáu – Ngày 14 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

SUY TÔN THÁNH GIÁ. Lễ kính (Đ)

Bài đọc : Ds 21,4b-9; Pl 2,6-11

Tin Mừng : Ga 3,13-17

Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”

THẬP GIÁ TÌNH YÊU

Từ xa xưa, thập giá là dụng cụ được dùng để hành hình các tội nhân. Nó là biểu tượng của thất bại và đau thương, của tủi nhục và thấp hèn. Nhưng đối với người Công Giáo, nó lại mang dấu chỉ của tình yêu và khải hoàn, vì trên thập giá kia là nơi Đấng Cứu Độ tựa vào.

Thật vậy, cây thập giá phản ánh sự đau thương tột cùng của kiếp người. Phận người từ lúc sinh ra đến lúc chết đi luôn bị biển khổ vây quanh, như lời Đức Phật “đời là bể khổ”. Đời người vui được bao nhiêu giây phút với sinh, lão, bệnh, tử. Vậy nên ít ai dám nói đời là cõi phúc cả.

Với con người, thập giá là tận cùng sự đau khổ nhưng với Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Ngài dùng thập giá để cứu độ con người với việc để Con của Ngài chịu chết trên đó. Đức Kitô giáng thế mang lấy thân phận con người. Ngài sống giữa thế gian và thông phần những cơ cực, đau thương của con người. Tất cả chỉ vì tình yêu Chúa dành cho nhân loại. Và Đức Kitô đã lột tả hết tình yêu của Ngài khi tự hiến trên thập giá. Ngài bóc chiếc bánh cuộc đời để cho ta thấy tình yêu là nhân bánh bên trong.

Kiếp nhân sinh với bao thăng trầm, gánh nặng và buồn thương ngày ngày đè lên đôi vai. Chúng ta cần lắm một điểm tựa, để nơi đó tâm ta được thanh nhàn, hồn ta được bình an. Thập giá, nơi Đấng Cứu Thế chịu chết, chính là nơi ta tìm về. Để được chung phần vinh quang với Ngôi Lời, chúng ta phải chấp nhận vác thập giá hàng ngày, phải có niềm tin vững vàng vào thập giá Đức Kitô, thập giá giúp ta vượt biển khổ trần gian. Như lời thánh Augustinô quả quyết: “Thập giá là chiếc tàu, không ai có thể vượt biển trần gian nếu không được chở bằng thập giá Chúa Kitô”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có đủ kiên nhẫn và niềm tin mãnh liệt vào thập giá Ngài trên hành trình tiến về quê trời.

Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD

Thứ Bảy – Ngày 15 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Đức Mẹ Sầu Bi. Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : Dt 5,7-9

Tin Mừng : Ga 19,25-27

Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

NÀY LÀ MẸ CON

Ngày 25.10.1495, Đức Alexandre VI chấp thuận Hội Đức Mẹ Sầu Bi được thành lập tại Bỉ năm 1490. Hội này cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi qua bảy sự thương khó của Đức Mẹ. Năm 1814, Đức Pio VII cho mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi vào ngày 15.9 trong cả Giáo Hội.

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi cũng được gọi là lễ kính Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ: 1) Lời tiên báo của ông Simeon (Lc 2,34-35); 2)Trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-15); 3) Ba ngày đi tìm Chúa nơi đền thờ (Lc 2,41-52); 4) Chúa Giêsu vác thập giá; 5) Chúa Giêsu chịu đóng đinh; 6) Hạ xác Chúa khỏi thập giá; và 7) Táng xác Chúa Giêsu trong mộ.

“Mừng kính bảy sự thương khó của Đức Mẹ ngay sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa, thì như ‘tiếng vọng của cuộc khổ nạn Chúa trong lòng Đức Mẹ.’ Đứng dưới chân thánh giá, Đức Maria chịu đau khổ dữ dằn với con độc nhất của Mẹ, hợp lòng Mẹ với hiến tế của Con mà lấy tình thương thuận dâng của lễ sinh ra bởi xác thể Mẹ làm hiến tế” (Công Đồng Vatican II).

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay được đặt trong khung cảnh Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, muốn dạy mỗi người chúng ta về ý nghĩa và giá trị đau khổ của Mẹ cùng thông hiệp với đau khổ của Chúa Giêsu. Ngoài việc cùng thông phần đau khổ với con mình, Mẹ còn là nguồn ai ủi lớn nhất trong cơn đau tột cùng và hấp hối của Chúa Giêsu. Trong đau đớn phó dâng linh hồn cho Chúa Cha, Đức Giêsu đã trao Giáo Hội cho Mẹ: “này là Con Bà” và trối Mẹ cho Giáo Hội: “này là Mẹ Con.”

Lạy Chúa, dưới chân thánh giá Mẹ đã trở nên Mẹ của Giáo Hội, xin Mẹ luôn che chở gìn giữ Giáo Hội và mỗi người con của Mẹ trên đường lữ hành đức tin.

Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD