Lời Tri Ân Của Chúng Ta

Lời Tri Ân Của Chúng Ta

Chuyện kể rằng có ba người bạn ở chung một căn nhà trọ rủ nhau đi ra phố. Nhìn thấy bầu trời bắt đầu chuyển ra hơi âm u, một người bèn nhanh chân trở vào nhà lấy theo một cái ô. Người thứ hai cũng trở vào nhà nhưng không lấy cái ô mà lại mang theo cái gậy. Người thứ ba thì cứ ung dung đi tay không, chẳng buồn trở vào nhà để lấy ô hay gậy. Trên đường đi, người cầm ô bắt đầu chế nhạo người cầm gậy rằng:

– Ồ, tôi thật sự không biết anh nghĩ gì mà thấy trời sắp mưa, lại mang theo cái gậy nhỉ? Phải mang ô như tôi thì mới phù hợp chứ!

Người cầm gậy bực bội trả lời:

– Ồ, trời mà mưa thì đường sẽ trơn trượt. Anh mang theo ô che cho khỏi ướt, mà lỡ may trượt ngã thì cũng chết toi. Không mang theo gậy để đi cho vững như tôi mà còn lớn lối.

Khiêu khích nhau xong, cả hai người quay sang người thứ ba và chế nhạo:

– Còn anh! Chẳng mang ô cũng chẳng mang gậy, trời mà mưa thì có mà chết.

Anh này chỉ mỉm cười, vừa đi vừa huýt sáo.

Đi được một hồi thì quả nhiên, trời đổ mưa. Cả ba người lập tức co chân, mỗi người chạy một hướng. Khi trời tạnh mưa, cả ba người trở về và gặp nhau ở cửa. Điều đáng ngạc nhiên là người cầm ô thì cả người ướt sũng, người cầm gậy thì chân đi cà nhắc, còn người không mang theo gì thì lại bình an vô sự.

Thì ra, khi trời mưa, người có ô thì mở ô ra và hiên ngang đi dưới mưa nên bị nước bắn vào ướt sũng. Người có gậy để chống bước đi nhanh, chẳng may đến chỗ đường trơn bị trượt ngã, phải đi cà nhắc. Người đi tay không, thì khi trời đổ mưa, đã chạy vội vào hiên nhà trú mưa, sau đó thấy đường trơn thì cẩn thận đi chậm rãi. Do vậy, anh này không bị ướt và cũng chẳng bị ngã mà bình yên vô sự về đến nhà.

Quý vị và các bạn thân mến,

Mỗi người đều là một cá thể riêng biệt với lối suy nghĩ, cách nhìn nhận về sự vật, sự việc khác nhau. Và do đó, trong cùng một hoàn cảnh, mỗi người cũng có thể có những hành động khác nhau. Cùng gặp một hiện tượng là trời sắp mưa, nhưng ba người bạn trong câu chuyện trên đây đã có ba cách suy nghĩ khác nhau. Họ đã có quyết định khác nhau, và nhận lấy cả ba kết quả không hề giống nhau. Có lẽ đây là lẽ thường tình, chẳng có gì đáng bàn luận, nhưng điều đáng nói ở đây là thái độ so sánh rồi đề cao hành động của mình và lên tiếng phê bình hành động của người khác.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận rằng ít nhiều gì mình cũng có những lần so sánh mình với người khác. Khi còn ngồi dưới mái nhà trường, chúng ta cũng có lần so sánh số điểm của mình với bạn khác. Khi lớn lên, có việc làm ổn định, chúng ta cũng so sánh đồng lương mà mình kiếm được với số tiền lương của người này người kia. Và ngay cả trong gia đình, chúng ta cũng cân đong đo đếm và có sự so sánh những gì mình có với các thành viên khác trong nhà. Thái độ so sánh đó đã trở thành một học thuyết tâm lý xã hội được nghiên cứu và đề xuất bởi nhà tâm lí xã hội học Leon Festinger, vào năm 1954. Theo Leon Festinger, để tự đánh giá bản thân, con người thường so sánh vẻ bề ngoài, những khả năng, ý kiến, thái độ, và địa vị, tài sản của mình với một hoặc một nhóm người. Việc so sánh này có ý nghĩa tích cực và có cả ý nghĩa tiêu cực. Về mặt tích cực thì việc so sánh giúp con người nhận biết bản thân mình như thế nào và thúc đẩy bản thân nỗ lực hơn để đạt được những giá trị tốt đẹp hơn và có ý nghĩa cao hơn. Trái lại, mặt tiêu cực của việc so sánh này sẽ khiến nhiều người cảm thấy tự ti, mặc cảm và chán nản, buông xuôi. Tỷ phú Bill Gates từng phát biểu rằng: “Đừng so sánh mình với bất kỳ ai trong thế giới này. Nếu bạn làm như vậy có nghĩa là bạn đang sỉ nhục chính bản thân mình”. Thật vậy, nếu cứ so sánh với người khác thì có lúc chúng ta sẽ tự hào, tự đắc về mình và khinh thường người khác, khi thấy họ thua kém mình, và lúc khác thì lại thấy ganh tỵ với những người vượt trội hơn mình và gặp áp lực nặng nề với bản thân. Thái độ so sánh như vậy khiến chúng ta khó lòng mà yêu thương tha nhân, và điều này đi ngược lại đức ái Kitô giáo. Ước gì mỗi người chúng ta biết chuyên chăm thực hành lời Chúa dạy, là yêu thương anh chị em như chính mình và không tìm hư danh, cũng không khiêu khích nhau hay ganh tỵ nhau (Gl 5, 26). Nhờ đó, chúng ta luôn có cái nhìn tích cực đối với tha nhân và sống hòa hợp được với tất cả mọi người.

Lạy Chúa, tình thương thật sự thôi thúc chúng con luôn muốn những điều tốt lành, sự thành công và hạnh phúc cho người mình yêu thương. Xin Chúa ban ơn giúp chúng con đừng luôn so sánh mình với người khác để luôn có thể cùng nhau cất lời cảm tạ Chúa về những ơn lành mà Chúa ban tặng cho từng người chúng con. Amen.

Duy An  

print