Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 4 Phục Sinh

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 4 Phục Sinh

 

Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Ba tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Tư tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh.

 

TÔI ĐẾN ĐỂ CHIÊN ĐƯỢC SỐNG

Thứ Hai tuần 4 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 10, 1-10

 

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với người Do thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không biết tiếng người lạ.” Ðức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó,nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. Vậy Ðức Giêsu lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”

 

Suy niệm

Trong Tin Mừng Gioan,

Ðức Giêsu thường ví mình với điều cụ thể:

“Tôi là bánh, là Ánh Sáng, là Ðường…”

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài ví mình như Mục tử.

Người mục tử chân chính đi qua cửa mà vào chuồng chiên.

Anh gọi chiên của anh bằng một tiếng gọi riêng,

chiên nhận ra tiếng của anh và đi theo.

Còn mục tử giả hiệu thì trèo tường mà vào chuồng.

Chiên không theo anh ta, nhưng sợ hãi chạy trốn,

vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.

Ðức Giêsu gọi những mục tử giả hiệu là trộm cướp.

Họ chỉ đến để giết hại và phá hủy đàn chiên.

Còn Ngài đến để chiên được sống, và sống dồi dào.

Giữa chiên và Ngài có một mối dây thân thiết:

“Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi.”

Chiên đã trở thành điều vô cùng quý giá đối với Ngài,

đến nỗi Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho chúng.

Giáo Hội muốn đặc biệt dành Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh,

để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ.

Ðây là vấn đề sống còn của Giáo Hội.

Nhiều nơi trên thế giới đang thiếu linh mục trầm trọng,

nhiều nhà thờ phải giao cho giáo dân coi sóc.

Cũng có những dòng tu phải đóng cửa cơ sở của mình

vì không có lớp người trẻ kế tục.

Giáo Hội hôm nay cũng như mai ngày

vẫn cần đến sự hướng dẫn của các mục tử

để đoàn chiên được sống trong đồng cỏ xanh tươi.

Giáo Hội vẫn cần đến các tu sĩ sống đời thánh hiến,

để thế giới hiểu được thế nào là tình yêu,

thấy được những thực tại vô hình,

và vươn lên khỏi cái tự nhiên, bình thường, hợp lý.

Ðược làm Kitô hữu là một ơn gọi của Thiên Chúa.

Mọi Kitô hữu đều có nhiệm vụ làm chứng cho Tin Mừng,

nhưng một số người được mời gọi đặc biệt

để dấn thân cách trọn vẹn hơn cho Nước Chúa

và bắt chước Ðức Giêsu tận căn hơn.

Chúng ta băn khoăn trước câu hỏi

tại sao Giáo Hội hôm nay thiếu ơn gọi linh mục, tu sĩ.

Vì đời tu không hấp dẫn người trẻ?

Vì bầu khí của thời đại: thực dụng, hưởng thụ,

Mất cảm thức về đức tin, xa lạ với Thiên Chúa?

Hay vì chúng ta chưa có can đảm để cổ võ ơn gọi?

Trong sứ điệp năm 1996 về ơn gọi,

Chân phước – giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc đến việc phải chăm lo cho mảnh đất

nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm và lớn lên.

Mảnh đất đó là cộng đoàn giáo phận và giáo xứ.

Ngài đã phác họa những nét chính của cộng đoàn này như sau:

Một cộng đoàn biết lắng nghe Lời Chúa.

Khi đã quen nghe tiếng Chúa trong Thánh Kinh,

người trẻ sẽ dễ nghe được tiếng Chúa mời gọi

vang lên từ sâu thẳm của con tim mình.

Một cộng đoàn biết chuyên tâm cầu nguyện,

dành ưu tiên cho đời sống tâm linh,

coi trọng việc cầu nguyện riêng tư, lặng lẽ trước nhan Chúa.

Chỉ trong bầu khí trầm lặng của cầu nguyện,

người trẻ mới dám đáp lại tiếng Chúa kêu mời,

quên mình để phục vụ cho lợi ích của tha nhân.

Một cộng đoàn biết hăng say làm việc tông đồ,

khao khát làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa.

Từ đó những bạn trẻ quảng đại sẽ được thúc đẩy

dâng trọn đời mình để làm cho Chúa Kitô được nhận biết.

Một cộng đoàn quan tâm phục vụ người nghèo,

chọn đứng về phía những người khổ đau, túng thiếu.

Cộng đoàn này sẽ sản sinh những bạn trẻ

biết phục vụ vô vị lợi và hiến thân vô điều kiện.

Như thế ơn gọi chỉ nảy nở từ vùng đất màu mỡ.

Nó là hoa trái của một Giáo Hội đầy sức sống.

Một Giáo Hội mạnh mẽ sẽ cho nhiều ơn gọi.

Nhiều ơn gọi sẽ làm cho Giáo Hội mạnh hơn.

Giới trẻ hôm nay không thiếu lòng quảng đại,

không thiếu lý tưởng và những ước mơ cao cả.

Họ cần có ai đó giúp họ gặp được Ðức Giêsu,

say mê con người Ngài,

và chia sẻ nỗi bận tâm của Ngài về thế giới.

Họ cần có ai đó giúp họ nghe được tiếng kêu

của bao người đói khát chân lý và công lý,

giúp họ cảm nhận được bổn phận lớn lao

là xây dựng trái đất thành mái ấm yêu thương.

Giới trẻ cần những người thầy, người bạn

dám sống điều mình tin giữa muôn vàn khó khăn

và giúp họ đứng vững trước cơn lốc của cám dỗ.

Giáo Hội thiếu ơn gọi là do lỗi của mỗi người chúng ta.

Cần phải cầu nguyện

và cũng cần phải canh tân cuộc sống.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin ban cho chúng con những linh mục

có trái tim thuộc trọn về Chúa,

nên cũng thuộc trọn về con người.

Xin cho chúng con những linh mục

có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,

một trái tim đủ lớn

để chứa được mọi người và từng người,

nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.

Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,

có tình bạn thân thiết với Chúa

để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.

Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,

có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,

tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.

Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục

có trái tim của Chúa,

say mê Thiên Chúa và say mê con người,

hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên

và dẫn đưa chúng con

đến với Chúa là Nguồn Sống thật. Amen.

 

 

KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC CHÚNG

Thứ Ba tuần 4 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 10, 22-30

 

Khi ấy, ở Giêrusalem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đức Giêsu đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Salômôn. Người Do thái vây quanh Đức Giêsu và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” Đức Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.”

Suy niệm

 

Có những Kitô hữu theo đạo để mong tránh sóng gió của cuộc đời.

Nhưng đã có lần con thuyền chở Đức Giêsu và môn đệ gặp bão lớn,

nước tràn vào khiến thuyền gần chìm, làm môn đệ hốt hoảng.

Theo Chúa đâu phải để tránh bão, nhưng để vượt qua cơn bão.

Theo Chúa đâu phải để khỏi bị cám dỗ, nhưng để thắng cơn cám dỗ.

Cuộc sống của người Kitô hữu không tránh khỏi những khó khăn

mà những người không Kitô hữu phải đối mặt mỗi ngày.

Hơn nữa, người Kitô hữu còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Có những cơn bão ập đến bất ngờ chỉ vì họ là Kitô hữu.

Làm chiên trong đàn chiên của Đức Giêsu

không có nghĩa là được hưởng một sự êm ả dễ chịu.

Được ở trong ràn chiên của Chúa,

không có nghĩa là được yên ổn, chẳng bị ai quấy phá.

Đức Giêsu đã nói đến chuyện kẻ trộm, kẻ cướp, leo tường mà vào (c.10).

Chúng đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy đàn chiên (c. 10).

Khi được dẫn đi ăn nơi đồng cỏ, chiên còn phải đối đầu với sói dữ.

“Sói cướp lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (c. 12).

Đức Giêsu khẳng định mình không phải là người làm thuê,

nên khi sói đến, Ngài không bỏ chiên mà chạy.

Chiên là điều quý giá đối với Ngài đến độ Ngài dám nói nhiều lần:

“Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (cc. 11.15.17.18.).

Và thực sự Ngài đã làm điều đó trên thập giá.

Rõ ràng bảo vệ đoàn chiên là chuyện mấy chẳng dễ dàng.

Nếu Đức Giêsu, người mục tử nhân hậu mà bất khuất,

đã phải hy sinh mạng sống cho đoàn chiên,

thì hẳn cuộc chiến giằng co phải rất là ác liệt.

Kẻ thù của chiên chẳng phải là kẻ kém cỏi tầm thường.

Trong cuộc chiến để bảo vệ chiên, còn có sự hiện diện của Cha.

Chiên là của Cha và Cha đã giao chiên cho Đức Giêsu (c. 29).

Cha và Con cùng hợp tác để bảo vệ đoàn chiên,

không để ai cướp chiên ra khỏi vòng tay che chở của mình (cc. 28-29).

Cha và Con một lòng một ý trong nhiệm vụ này (c. 30).

Việc bảo vệ chiên còn kéo dài mãi đến tận thế.

Chúng ta làm gì để cộng tác với Chúa trong việc bảo vệ mình khỏi sói dữ?

Hãy tin vào Giêsu và nhận ra giọng nói của Giêsu để khỏi bị lừa.

Hãy theo sát sự dẫn đường của Giêsu, vị Mục tử đã chiến thắng cái chết.

Và hãy tin vào Chúa Cha, Đấng mạnh mẽ hơn tất cả (c. 29).

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.

Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,

lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn.

Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,

giữ được vị mặn của muối,

và sức tác động của men,

để đem đến cho thế gian

một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,

chỉ sợ mình bỏ sống đạo

vì bị quyến ru bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng

chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,

những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,

thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui

của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

 

 

KHÔNG TỰ MÌNH NÓI

Thứ Tư tuần 4 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 12, 44-50

 

Khi ấy, Ðức Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Ðấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Ðấng đã sai tôi. Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan tòa xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Ðấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi”.

 

Suy niệm

Tự do là điều con người trân trọng.

Bao người dám chết để đổi lấy một chút tự do.

Các bạn trẻ thèm được tự do, để được là mình.

Người ta vẫn hiểu người có tự do là người muốn làm gì thì làm,

muốn nói gì thì nói, không bị bất cứ ràng buộc nào.

Nếu thế thì Đức Giêsu có tự do không?

Đức Giêsu có tự do không khi trong bài Tin Mừng Ngài khẳng định:

“Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi,

truyền lệnh cho tôi phải nói gì, phải tuyên bố gì” (c. 49)?

“Những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (c.50).

Ngài có tự do không khi Ngài cũng chẳng tự mình làm bất cứ điều gì?

“Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi, Người không để tôi cô độc,

vì tôi luôn làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29).

Bao nhiêu lần trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu quả quyết

Ngài không tự mình nói gì, cũng không tự mình làm gì.

Ngài chỉ sống theo lệnh truyền của Cha (Ga 15, 10).

Lệnh truyền này không áp đặt Ngài từ bên ngoài,

nhưng chi phối sâu xa từ bên trong

toàn bộ hướng đi và những chọn lựa cụ thể của cuộc sống trần thế.

Đức Giêsu đã tự do đón lấy ý Cha, lệnh truyền của Cha.

Chính khi hoàn toàn để Cha chi phối, mà Ngài được tự do thật sự.

Chính khi đó Đức Giêsu trở thành sự hiện diện trong suốt của Cha.

“Ai thấy tôi là thấy Chúa Cha, Đấng đã sai tôi (Ga 12, 45; 14, 9).

Lời của Ngài là lời của Cha, việc Ngài làm là việc của Cha.

Chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa một cách nguyên tuyền nơi Đức Giêsu,

Đấng đã dâng hiến tất cả tự do để sống hoàn toàn tùy thuộc.

Chính khi hoàn toàn tùy thuộc mà Ngài được hoàn toàn tự do.

Người được sai là một với người sai mình.

“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30).

Hãy đến với Giêsu Ánh Sáng và ra khỏi những bóng tối (c.46).

Hãy nghe, đón nhận và tuân giữ lời của Giêsu (cc. 47-48).

Chỉ khi ở lại trong lời của Giêsu chúng ta mới gặp được sự thật

và sự thật sẽ cho chúng ta được tự do (Ga 8, 31-32).

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,

và trọn cả ý muốn của con,

cùng hết thảy những gì con có,

và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,

lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

Tất cả là của Chúa,

xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.

Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)

 

 

THẬT PHÚC CHO ANH EM

Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 13, 16-20

Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu nói với các ông: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

 

Suy niệm

Khi giảng cho các Giám mục Anh Giáo,

ông Jean Vanier có kể câu chuyện như sau xảy ra tại cộng đoàn của ông,

một cộng đoàn được lập tại nước Pháp để giúp những người cơ nhỡ.

Nhà ông có nhận nuôi anh Eric, 16 tuổi, vừa mù lại vừa điếc.

Anh không đi được, không muốn ăn, chỉ quậy phá và muốn chết.

Anh thật là mối kinh hoàng cho những ai phải chăm lo cho anh.

Làm sao để anh yêu cuộc sống này?

Làm sao để anh thấy mình được yêu và đáng quý,

bất chấp những khiếm khuyết của mình?

Tìm đâu thứ ngôn ngữ để một người vừa mù vừa điếc hiểu được điều ấy?

Ông Jean Vanier có nhiệm vụ tắm cho anh mỗi sáng.

Và ông đã tìm ra được thứ ngôn ngữ mà anh hiểu được, cảm được,

thứ ngôn ngữ của bàn tay, ngôn ngữ của thịt.

“Lời đã thành thịt, để thịt của chúng ta thành lời,” ông đã nói như thế.

Khi Thầy Giêsu chạm tay của mình vào chân các môn đệ để rửa

với sự trân trọng và yêu thương,

chắc họ đã cảm được thứ ngôn ngữ không lời đó.

Kinh nghiệm được Thầy rửa chân là kinh nghiệm chẳng thể nào quên.

Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm điều Thầy đã làm:

“Thầy đã nêu gương cho anh em,

để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).

Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị thế của họ,

vị thế của người tôi tớ, người được sai.

Vị thế này hẳn thấp hơn vị thế của Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16).

Bởi đó việc rửa chân cho nhau giữa các tôi tớ là một đòi buộc (c. 14).

“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,

thì thật phúc cho anh em!” (c. 17).

Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc.

Con người thường tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh.

Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ.

Nhiều Kitô hữu đã nếm được thứ hạnh phúc này,

trong đó có ông Jean Vanier, Mẹ Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne…

Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho những người cùng khổ.

Hôm nay, Đức Giêsu vẫn ở nơi những người cần được rửa vết thương,

vết thương thể chất và tinh thần.

Hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người đang cúi xuống,

âm thầm, nhẹ nhàng băng bó các vết thương của thế giới.

 

Cầu nguyện

Lạy Thầy Giêsu,

khi Thầy rửa chân cho các môn đệ

chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.

Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng

khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,

khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.

Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.

Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.

Lạy Thầy Giêsu,

thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.

Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.

Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.

Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.

Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.

Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.

Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,

chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.

Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,

để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.

Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,

để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh. Amen.

 

 

THẦY LÀ ĐƯỜNG

Thứ Sáu tuần 4 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 14, 1-6

 

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.” Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” Đức Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.

 

Suy niệm

 

Sách Công vụ Tông đồ có một lối nói đặc biệt để chỉ Kitô giáo.

Tôn giáo mới này được gọi Đường của Chúa (Cv 18, 25-26),

hay thường xuyên hơn, được gọi là Đường (Cv 19, 9. 23; 22, 4; 24, 14. 22).

Sách Công vụ cũng có lối nói đặc biệt để chỉ các Kitô hữu.

Họ được gọi là những người thuộc về Đường (Cv 9, 2),

và họ đã chịu bách hại vì theo con đường này, theo Đạo này.

Trong bài Tin Mừng hôm nay,

chúng ta nghe Đức Giêsu nói: “Chính Tôi là Đường” (c. 6).

Phải chăng vì thế Kitô giáo được sách Công vụ gọi là Đường của Chúa,

và các Kitô hữu đầu tiên được gọi là những người thuộc về Đường?

Đối với Kitô hữu, theo đạo chính là theo một Con Đường.

Con Đường ấy không phải chỉ là một số lễ nghi hay giáo lý phải giữ,

cũng không phải là những minh triết khôn ngoan phải theo.

Con Đường ấy hiện thân nơi một con người.

Theo đạo chính là theo Con Đường mang tên Giêsu,

là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu,

Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt.

Đức Giêsu không chỉ là người dẫn đường.

Chính Ngài là Đường, là Đạo.

Hơn thế nữa, Ngài là Con Đường duy nhất dẫn ta đến với Chúa Cha.

“Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (c. 6).

Phải qua Con Đường Giêsu chúng ta mới vào được thế giới của Thiên Chúa,

bởi lẽ chỉ Đấng từ trời xuống mới có thể đưa chúng ta lên trời.

Ngày nay người ta nói đến nhiều con đường khác để được cứu độ.

Nhưng con đường nào cũng phải đi qua Con Đường Giêsu.

Nơi Con Đường này chúng ta gặp được Sự Thật trọn vẹn về Thiên Chúa.

Nơi đây chúng ta gặp được Sự Sống viên mãn của chính Thiên Chúa.

Khi các môn đệ xao xuyến vì đến giờ chia tay,

Thầy Giêsu cho biết Ngài đi về với Cha để dọn chỗ cho họ (c. 2).

Chỗ ở vĩnh viễn của họ là nơi Thầy trò được ở với nhau mãi mãi.

“Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy,

để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 3; x. 12, 26; 17, 24).

Thiên đàng là nơi Thầy trò được ở bên nhau, không gì ngăn cách nổi.

Tình Thầy trò đã bắt đầu ở đời này và sẽ kéo dài đến vĩnh cửu.

Là người theo Đạo Giêsu, chúng ta biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu.

Chúng ta không đi loanh quanh cho đời mỏi mệt.

Chúng ta biết hạnh phúc đang chờ mình ở cuối đường.

Nhưng nếu chúng ta không có tình bạn thiết thân với Giêsu ở đời này

thì vào thiên đàng để làm gì?

 

Cầu nguyện

 

Con đã yêu Chúa quá muộn màng!

Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,

vừa luôn mới mẻ,

con đã yêu Chúa quá muộn màng!

Bấy giờ Chúa ở trong con

mà con thì ở ngoài,

con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.

Con thật hư hỏng,

khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.

Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con

mà con lại không ở với Chúa.

Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,

trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.

Chúa đã gọi con, đã gọi to

và phá tan sự điếc lác của con.

Chúa đã soi sáng

và xua đi sự mù lòa của con.

Chúa đã tỏa hương thơm ngát

để con được thưởng thức,

và giờ đây hối hả quay về với Chúa.

Con đã nếm thử Chúa

và giờ đây con đói khát Người.

Chúa đã chạm đến con,

nên giờ đây con nóng lòng

chạy đi tìm an bình nơi Chúa. Amen.

(Thánh Âu-Tinh)

 

 

LÀM NHỮNG VIỆC LỚN HƠN NỮA

Thứ Bảy tuần 4 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 14, 7-14

 

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” Ông Philípphê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”

 

Suy niệm

 

Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),

thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).

Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,

bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do thái

không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).

Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.

Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.

Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,

chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.

“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).

Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu

chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.

Theo quan niệm của người Do thái,

sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.

Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.

Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài:

“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).

Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.

Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.

“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,

chính Người làm những việc của mình” (c. 10).

Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.

Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.

“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.

Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa,

bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).

Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục Sinh, mùa của sự sống chiến thắng.

Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.

Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng Phục Sinh quyền năng như thế,

chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm:

trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).

Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay

là yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.

Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,

vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.

Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con biết con,

xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,

quên đi chính bản thân,

yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,

biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.

Ước gì con biết nhận từ Chúa

tất cả những gì xảy đến cho con

và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.

Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.

Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.

Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.

(Thánh Âu-Tinh)