Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần Thánh

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần Thánh

Thứ Hai tuần Thánh.

Thứ ba Tuần Thánh.

Thứ Tư Tuần Thánh.

Thứ Năm Tuần Thánh.

Thứ Sáu Tuần Thánh.

Thứ Bảy Tuần Thánh, Vọng Phục Sinh, năm A.

NGÀY MAI TÁNG THẦY

Thứ Hai tuần Thánh

Lời Chúa: Ga 12, 1-11

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Ðức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Ðức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Ðức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giêsu nói: “Hãy để cô ấy yên hầu cô ấy giữ lại dầu thơm này cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” Một đám đông người Do thái biết Ðức Giêsu đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Ðức Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh Ladarô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái đã bỏ họ và tin vào Ðức Giêsu.

Suy niệm

Việc Đức Giêsu làm cho anh Ladarô hoàn sinh đưa đến hai thái độ.

Thượng Hội Đồng họp nhau lại và quyết định về cái chết của Đức Giêsu.

Còn chị Maria, trong bài Tin Mừng này, lại như muốn chuẩn bị cho cái chết ấy.

Trong bữa tiệc tại nhà của chị em Mácta, Maria, Ladarô, tại Bêtania,

Đức Giêsu được mời như một vị khách, có cả môn đệ của Ngài nữa.

Bữa ăn tối này là một cử chỉ diễn tả lòng kính trọng, yêu mến, và biết ơn

của cả gia đình đang vui sướng trước sự trở lại từ nấm mồ của người thân yêu.

Ladarô hẳn sẽ được ngồi gần Thầy Giêsu, Đấng thương mến anh (Ga 11,3),

Đấng trả lại cho anh sự sống.

Chính trong bữa ăn do chị Mácta phục vụ này,

cô Maria đã làm một điều đặc biệt và rất bất ngờ.

Cô đã xức lên chân Thầy Giêsu một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng,

khiến cả nhà sực nức mùi hương.

Chúng ta không hiểu tại sao cô xức chân Thầy thay vì đổ dầu thơm trên đầu.

Người ta không xức dầu thơm lên chân một người còn sống,

nhưng người ta có thể xức lên chân một người đã qua đời

để chuẩn bị cho việc mai táng người ấy.

Cô Maria không ngờ mình đã làm một hành vi có tính tiên tri về cái chết của Thầy,

như trước đây thượng tế Caipha đã vô tình nói tiên tri về cái chết ấy (Ga 11, 51).

Cô không ngờ việc xức dầu tối nay của mình là cử chỉ tượng trưng

cho việc liệm xác Thầy Giêsu sau này của ông Nicôđêmô

với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương (Ga 19, 39).

Nhìn cô Maria xức dầu, ta thấy cử chỉ trân trọng của cô đối với vị Thầy khả kính.

Cô chấp nhận sự phí phạm này, vì tình yêu của cô đối với Thầy,

hay đúng hơn, vì tình yêu quá lớn của Thầy đối với gia đình cô.

Cô xức dầu mà không so đo tính toán.

Lượng dầu quý giá được đổ ra chẳng là gì so với ân nghĩa của Thầy.

Nhưng có người thấy khó chịu, đó là Giuđa Ítcariốt, một môn đệ của Thầy.

Anh thấy tiếc vì lượng dầu thơm ấy thật đắt tiền,

có giá bằng lương gần một năm của một công nhân.

“Tại sao lại không bán dầu thơm ấy mà cho người nghèo?”

Thầy Giêsu bênh vực cho cô Maria khi nói lên ý nghĩa việc làm của cô.

Hành vi chuẩn bị mai táng phải được đặt trên hành vi bố thí giúp người nghèo.

Hơn nữa, “người nghèo thì lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”

Đức Giêsu ám chỉ cái chết sắp đến của mình.

Giuđa có vẻ không hiểu được thế nào là tình yêu.

Anh là người giữ tiền của cả nhóm, nhưng lại thường ăn cắp để dùng riêng. (c. 6).

Có thể đồng tiền đối với anh là quá lớn, lớn hơn cả tình yêu.

Anh phản bội Thầy mình cũng vì đồng tiền (Mt 26, 15).

Mong chúng ta biết dùng tiền bạc để diễn tả tình yêu như cô Maria.

Cầu nguyện

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,

đến với Người trong mọi sự,

và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người

và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. Amen.

(R. Tagore)

TRỜI ĐÃ TỐI

Thứ ba Tuần Thánh

Lời Chúa: Ga 13, 21-33.36-38

Khi ấy, Ðức Giêsu tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Ðức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Ðức Giêsu. Ông Simon Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” Ông này liền nghiêng mình vào ngực Ðức Giêsu và hỏi: “Lạy Thầy, ai vậy?” Ðức Giêsu trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simon Ítcariốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào y. Ðức Giêsu bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!” Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. Vì Giuđa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Ðức Giêsu nói với y: “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối. Khi Giuđa đi rồi, Ðức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bấy giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. Ông Simon Phêrô nói với Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?” Ðức Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” Ông Phêrô thưa: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” Ðức Giêsu đáp: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”

 

Suy niệm

Làm người ở đời ai chẳng có lúc xao xuyến.

Đức Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến

trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1.27).

Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33).

Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27).

Trong bữa tối này, Đức Giêsu không tránh khỏi xao xuyến

khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21).

Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, mà là đừng để nó làm chủ mình.

Trong bốn sách Tin Mừng, Thầy Giêsu không bao giờ nói rõ Giuđa là kẻ phản bội.

Thầy muốn giữ thể diện thậm chí cho kẻ sắp phản bội mình.

Vì thế nói chung các môn đệ không rõ ai là kẻ sẽ nộp Thầy (c. 22).

Ông Phêrô có lẽ nằm trên giường tiệc xa với Thầy,

nên đã làm hiệu cho anh môn đệ được Thầy thương, để nhờ anh hỏi xem là ai.

Thầy Giêsu đã không nói tên kẻ phản bội.

Ngài chỉ tế nhị dùng một dấu hiệu để cho anh môn đệ mình thương nhận ra.

Dấu hiệu đó là chấm một miếng bánh trao cho Giuđa.

Đây là một cử chỉ quý mến của chủ tiệc dành cho một vị khách đặc biệt.

Việc trao miếng bánh cho Giuđa cho thấy anh nằm gần với chủ tiệc là Thầy,

như thế Giuđa, người thủ quỹ kiêm quản lý, có một chỗ khá cao trong bữa tiệc.

Giuđa đã nhận miếng bánh ân tình của Thầy và anh có thể chọn lại.

Anh có dám từ bỏ kế hoạch phản bội của anh không?

Tiếc là không, cử chỉ ưu ái của Thầy chẳng làm anh thay đổi.

“Khi anh vừa ăn xong miếng bánh, thì Satan nhập vào anh” (c. 27).

Chúng ta ngạc nhiên khi Thầy Giêsu không hề phân biệt đối xử với Giuđa.

Thầy đã rửa chân cho anh và còn cho anh tham dự bí tích Thánh Thể (Mt 26, 27).

Khi biết lòng anh chai đá, Thầy lại hối thúc: “Anh làm gì thì làm mau đi” (c. 27).

Giuđa ra đi lúc trời đã tối.

Cũng trong bữa tiệc này, Thầy Giêsu nói về việc Phêrô sẽ chối Thầy ba lần.

Thầy chỉ nói sau khi Phêrô tuyên bố mình sẽ thí mạng để cứu Thầy (c. 37).

Phêrô tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình.

Anh coi thường cuộc chiến đấu ác liệt sắp tới nên đã dễ dàng ngã quỵ.

“Thầy đi đâu?”, tiếng Latinh là “Quo vadis?” (c. 36).

Ta lại thấy câu hỏi này của Phêrô trong một sách ngụy thư ở cuối thế kỷ thứ hai.

Lúc Phêrô chạy trốn khỏi sự bách hại ở Rôma,

anh lại gặp Thầy Giêsu và hỏi Thầy: “Thầy đi đâu vậy?”

Thầy trả lời Thầy đang vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa.

Phêrô hiểu ra nên trở lại Rôma để chết tử đạo ở đó.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

 

CHẲNG LẼ CON SAO?

Thứ Tư Tuần Thánh

Lời Chúa: Mt 26, 14-25

Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcariốt, đi gặp các thượng tế mà nói: “Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quý vị.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Ðức Giêsu. Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Ðức Giêsu: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: “Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy”. Các môn đệ làm y như Ðức Giêsu đã truyền, và dọn lễ Vượt Qua. Chiều đến, Ðức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Ðang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ buồn rầu quá sức, bắt đầu lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Ðã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người: thà người đó đừng sinh ra thì hơn!” Giuđa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Rápbi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh đó!”

Suy niệm

Các thượng tế muốn giết Đức Giêsu, nhưng không tìm được cơ hội.

Nay cơ hội đã đến với sự tiếp tay của chính người môn đệ Đức Giêsu.

Anh Giuđa đã đến gặp các thượng tế và đề nghị nộp Ngài cho họ.

Chúng ta mãi mãi không biết hết và biết rõ những động cơ nào

đã thúc đẩy Giuđa làm chuyện kinh khủng ấy.

Giuđa, người được gọi, được chọn, được tuyển lựa,

sau một đêm thức trắng cầu nguyện của Thầy Giêsu (Lc 6, 12).

Và anh đã đáp lại, đã bỏ gia đình, nghề nghiệp, để đi theo.

Giuđa đã rong ruổi theo Thầy ngay từ đầu, chia sẻ đói no, thành công thất bại…

Không yêu thì làm sao đi theo được lâu như thế.

Giuđa, người được tin cậy và giao giữ quỹ cho cả nhóm (Ga 12, 6).

Vì là người trong nhóm Mười Hai, thuộc nhóm môn đệ thân cận,

Giuđa đã được nghe hầu hết các bài giảng hay nhất,

được chứng kiến các phép lạ lớn lao nhất của Thầy Giêsu.

Giữa anh và Thầy Giêsu hẳn đã có một sự thân thiết nào đó.

Điều gì đã diễn ra nơi trái tim của Giuđa?

Điều gì đã khiến tất cả phút chốc bị đổ vỡ không sao hàn gắn?

Chắc không phải chỉ vì ba mươi đồng bạc, một số tiền.

Phải chăng vì Giuđa thất vọng và nóng ruột

khi thấy Thầy Giêsu quá hiền từ, cả trong lối sống lẫn lời giảng,

chẳng có vẻ gì là một Đấng Mêsia sắp giải phóng dân tộc khỏi quân Rôma?

Phải chăng khi Giuđa nộp Thầy cho các thượng tế,

anh định cài Thầy vào thế phải hành động quyết liệt hơn, phải tự giải thoát mình?

Dù gì đi nữa thì chuyện Giuđa làm là không thể biện minh được.

Anh đã can dự vào cái chết của Thầy Giêsu.

Không thể phong tặng anh hùng cho Giuđa

vì bảo rằng nhờ anh mà chúng ta có được ơn cứu độ.

Giuđa đã phạm tội nghiêm trọng đến nỗi Thầy Giêsu phải đau đớn nói:

“Khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn” (c.24).

Dầu vậy tội của Giuđa đã được Thiên Chúa dùng cho chương trình cứu độ.

Thiên Chúa là Đấng có thể biến điều dữ thành điều lành.

“Kẻ đã chấm chung một đĩa với Thầy là kẻ sẽ nộp Thầy” (c. 23).

Kẻ đồng bàn thân thiết với Thầy lại là người phản bội.

Ngay cả những môn đệ khác cũng hỏi Thầy Giêsu: “Có phải con không?”

Có phải con là người đang phản bội Thầy không?

Lúc nào chúng ta cũng có thể hỏi Chúa Giêsu cùng câu hỏi đó.

Dù mỗi ngày chúng ta cùng chia sẻ một bàn tiệc với Chúa trong Thánh Lễ,

chúng ta vẫn có thể rơi vào tội của Giuđa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con dám hành động

theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,

vì xác tín rằng

Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,

Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,

và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,

xin cho con dám liều theo Chúa

mà không tính toán thiệt hơn,

anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,

can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,

và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa

những hy sinh làm cho tim con rướm máu,

con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt

của người một lòng theo Chúa. Amen.

 

PHẢI RỬA CHÂN CHO NHAU

Thứ Năm Tuần Thánh

Lời Chúa: Ga 13, 1-15

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt, ý định nộp Đức Giêsu. Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Simôn Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.” Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”

Suy niệm

Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái.

Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi.

Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến

cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu:

Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể.

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy.

Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài.

Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.

Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.

Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.

Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ,

Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.

Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.

Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.

Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ,

thì bây giờ Thầy làm cho trò.

Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.

Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.

Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.

Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.

Trong cả hai biến cố Rửa chân và bí tích Thánh Thể,

Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực.

Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân,

hay tham dự bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài.

Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu.

Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó.

“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).

“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19).

Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể

sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Muốn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu,

cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10).

Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau

như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).

Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong Thầy:

“Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi,

và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.

Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.

Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.

Cầu nguyện

Lạy Thầy Giêsu,

khi Thầy rửa chân cho các môn đệ

chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.

Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng

khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,

khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.

Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.

Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.

Lạy Thầy Giêsu,

thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.

Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.

Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.

Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.

Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.

Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.

Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,

chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.

Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,

để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.

Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,

để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh. Amen.

 

THẾ LÀ ĐÃ HOÀN TẤT

Thứ Sáu Tuần Thánh

Lời Chúa: Ga 18,1 – 19,42

Khi ấy, Đức Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kítrôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào. Giuđa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ. Vậy, Giuđa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pharisêu; họ mang theo đèn đuốc và khí giới. Đức Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: “Các anh tìm ai?” Họ đáp: “Tìm Giêsu Nadarét.” Người nói: “Chính tôi đây.” Giuđa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ. Khi Người vừa nói: “Chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi một lần nữa: “Các anh tìm ai?” Họ đáp: “Tìm Giêsu Nadarét.” Đức Giêsu nói: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi.” Thế là ứng nghiệm lời Đức Giêsu đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai.” Ông Simôn Phêrô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Mankhô. Đức Giêsu nói với ông Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Do thái bắt Đức Giêsu và trói Người lại. Trước tiên, họ điệu Đức Giêsu đến ông Khanna là nhạc phụ ông Caipha. Ông Caipha làm thượng tế năm đó. Chính ông này đã đề nghị với người Do thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn. Ông Simôn Phêrô và một môn đệ khác đi theo Đức Giêsu. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giêsu vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. Còn ông Phêrô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phêrô vào. Người tớ gái giữ cổng nói với ông Phêrô: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao?” Ông liền đáp: “Đâu phải.” Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó; ông Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế tra hỏi Đức Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của Người. Đức Giêsu trả lời: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì.” Đức Giêsu vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói: “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?” Đức Giêsu đáp: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” Ông Khanna cho giải Người đến thượng tế Caipha, Người vẫn bị trói. Còn ông Simôn Phêrô thì vẫn đứng sưởi ở đó. Người ta nói với ông: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao?” Ông liền chối: “Đâu phải.” Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phêrô chém đứt tai, lên tiếng hỏi: “Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao?” Một lần nữa ông Phêrô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy. Vậy, người Do thái điệu Đức Giêsu từ nhà ông Caipha đến dinh tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. Vì thế, tổng trấn Philatô ra ngoài gặp họ và hỏi: “Các người tố cáo ông này về tội gì?” Họ đáp: “Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan.” Ông Philatô bảo họ: “Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người.” Người Do thái đáp: “Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả.” Thế là ứng nghiệm lời Đức Giêsu đã nói, khi ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào. Ông Philatô trở vào dinh, cho gọi Đức Giêsu và nói với Người: “Ông có phải là vua dân Do thái không?” Đức Giêsu đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Ông Philatô trả lời: “Tôi là người Do thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” Đức Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Ông Philatô nói với Người: “Sự thật là gì?” Nói thế rồi, ông lại ra gặp người Do thái và bảo họ: “Phần ta, ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy. Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, ta thường tha một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Do thái cho các người không?” Họ lại la lên rằng: “Đừng tha nó, nhưng xin tha Baraba! ” Mà Baraba là một tên cướp. Bấy giờ ông Philatô truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: “Kính chào Vua dân Do thái!”, rồi vả vào mặt Người. Ông Philatô lại ra ngoài và nói với người Do thái: “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy.” Vậy, Đức Giêsu bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Philatô nói với họ: “Đây là người!” Khi vừa thấy Đức Giêsu, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Philatô bảo họ: “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.” Người Do thái đáp lại: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa.” Nghe lời đó, ông Philatô càng sợ hơn nữa. Ông lại trở vào dinh và nói với Đức Giêsu: “Ông từ đâu mà đến?” Nhưng Đức Giêsu không trả lời. Ông Philatô mới nói với Người: “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?” Đức Giêsu đáp lại: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn.” Từ đó, ông Philatô tìm cách tha Người. Nhưng dân Do thái kêu lên rằng: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xêda. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda.” Khi nghe thấy thế, ông Philatô truyền dẫn Đức Giêsu ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên toà, ở nơi gọi là Nền Đá, tiếng Hípri là Gápbatha. Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Philatô nói với người Do thái: “Đây là vua các người!” Họ liền hô lớn: “Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Philatô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda.” Bấy giờ ông Philatô trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giêsu thì ở giữa. Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do thái.” Trong dân Do thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giêsu bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Hípri, Latinh và Hy lạp. Các thượng tế của người Do thái nói với ông Philatô: “Xin ngài đừng viết: “Vua dân Do thái”, nhưng viết: “Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do thái”.” Ông Philatô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy!” Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm. Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. Sau đó, Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. Hôm đó là ngày áp lễ, người Do thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu. Sau đó, ông Giôxếp, người Arimathê, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Đức Giêsu xuống. Ông Giôxếp này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do thái. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, ông Giôxếp đến hạ thi hài Người xuống. Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Đức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do thái. Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó.

Suy niệm

Vào Chúa nhật Lễ Lá chúng ta đã nghe đọc bài Thương Khó

trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm.

Vào thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta luôn nghe đọc bài Thương Khó theo Gioan.

Thánh Gioan kể lại cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu với những nét riêng của ông.

Chúng ta trân trọng cái nhìn bổ sung của thánh Gioan cho những Tin Mừng khác.

Trong cuộc Khổ Nạn, Đức Giêsu của Gioan tỏ ra là người chủ động.

Ngài biết trước các biến cố sắp xảy ra, và Ngài có quyền năng làm chủ mọi sự.

Chính Ngài tiến ra và hỏi các kẻ đến bắt Ngài: “Các anh tìm ai?”

Câu trả lời của Ngài đủ làm họ lùi lại và ngã xuống đất (18, 4-9).

Đức Giêsu bình an và uy nghiêm bước vào cuộc Khổ nạn,

vì Ngài đã chấp nhận chén đắng Cha trao (18, 11).

Khi bị vị thượng tế Khanna tra hỏi về giáo huấn,

chẳng chút sợ hãi, Ngài đã thẳng thắn từ chối trả lời (18, 19-21).

Khi bị vả mặt, Ngài cũng đòi kẻ xúc phạm Ngài phải nói rõ tại sao (18, 23).

Đức Giêsu bị đem tới dinh tổng trấn Philatô lúc trời đã sáng.

Philatô là người xét xử Đức Giêsu, nhưng có vẻ ông là người bị động.

Ông bị giằng co giữa một bên là Đức Giêsu đang ở trong dinh,

bên kia là đám đông và các nhà lãnh đạo Do thái giáo đang ở ngoài dinh.

Một bên là ông Giêsu mà ông không tìm thấy lý do nào để kết tội (18, 38; 19, 4. 6).

Bên kia là chức tổng trấn và chức “Bạn của Xêda” mà ông đang nắm giữ (19, 12).

Philatô không biết phải theo ai, chọn ai trong tình cảnh căng thẳng này.

Vì thế ông đã đi ra, đi vào cả thảy bảy lần (18, 18, 29. 33. 38; 19, 1. 4. 9. 13).

Đức Giêsu đã đối thoại khá dài với Philatô về Nước của Ngài (18, 36-37),

một nước không có trên bản đồ, không có quân đội, không dùng bạo lực.

Nước của Ngài gồm những người biết nghe sự thật và đứng về phía sự thật,

sự thật này được Ngài làm chứng và cất tiếng nói lên.

“Đây là Vua các người”, Philatô đã giới thiệu Đức Giêsu như thế (19, 14)

và ông đã cương quyết giữ lại tấm bảng treo trên thập giá mang dòng chữ:

“Giêsu Nadarét, Vua dân Do thái” (19, 19).

Đức Giêsu đã tự mình vác thập giá lên đồi Sọ và bị đóng đinh vào giữa trưa.

Chiên Thiên Chúa bị giết đúng vào lúc ở Đền Thờ người ta giết chiên Vượt qua.

Đức Giêsu không cô đơn trên thập giá vì có Mẹ và người môn đệ dấu yêu.

Suốt một đời Ngài đã sống cho sứ mạng Cha trao, nay Ngài biết nó đã hoàn tất.

Chủ động cả trong cái chết, Ngài “gục đầu xuống và trao Thần Khí” (19, 30).

Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu cho thấy tình yêu lớn nhất của Ngài (15, 13),

tình yêu trao hiến cả Máu và Nước từ trái tim bị đâm thâu (19, 34).

Nhưng thập giá cũng cho thấy tình yêu của Cha khi ban Con Một cho ta (3, 16).

Đức Giêsu Kitô đã trở về với Cha bằng con đường khó đi.

Người Kitô hữu cũng về với Thiên Chúa bằng con đường hẹp.

Ước gì chúng ta sống cuộc Khổ nạn của mình với sự bình an, can đảm của Giêsu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,

xin cho những người nghèo khổ được no đủ.

Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,

xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện

với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.

Vì Chúa bị kết án bất công,

xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.

Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,

xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.

Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,

xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.

Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,

xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.

Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,

xin cho đất nối lại với trời,

con người nối lại mối dây liên đới với nhau.

Vì Chúa đã Phục Sinh trong niềm vui òa vỡ,

xin cho chúng con biết đón lấy đời thường

với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.

 

CHÀO CHỊ EM!

Thứ Bảy Tuần Thánh, Vọng Phục Sinh, năm A

Lời Chúa: Mt 28, 1-10

Sau ngày sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà Maria khác, đi viếng mộ. Và kìa, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Phần các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Ðấy, tôi xin nói cho các bà hay”. Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Ðức Giêsu hay. Và kìa Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm chầm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Ðức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”

 

Suy niệm

Thật lạ lùng khi vào thời Đức Giêsu,

thời người ta không coi lời chứng của phụ nữ là có giá trị pháp lý,

Mátthêu lại kể cho chúng ta chuyện hai phụ nữ làm chứng về Chúa Phục Sinh.

Nếu chuyện ấy không có thật,

chẳng ai bịa đặt ra một chuyện vô bổ như thế.

Hai bà Maria này đã chứng kiến cái chết của Thầy Giêsu (Mt 27, 56),

đã dự việc chôn cất Thầy và biết rõ vị trí ngôi mộ (27, 61).

Suốt ngày sabát, trong đau đớn và nhớ nhung,

hai bà như sống trong một cuộc canh thức dài.

Họ chỉ mong cho chóng sáng để ra viếng mộ.

Các bà là những người đến mộ đầu tiên,

nên được diễm phúc chứng kiến những điều kỳ diệu.

Đất rung chuyển dữ dội, một thiên thần chói ngời từ trời xuống,

lăn tảng đá che cửa mộ ra và ngồi lên trên.

Quyền năng uy nghi của Thiên Chúa đè bẹp sức mạnh của tử thần.

Tảng đá nặng nề chẳng cầm giữ được Đấng bị đóng đinh.

Các bà đi tìm Đấng đã chết nơi nấm mộ.

Nhưng Đấng ấy đâu có ở đây, vì Đấng ấy đã trỗi dậy rồi (v. 6).

Thiên thần mời các bà đến xem chỗ Người nằm để kiểm chứng.

Quả thực, chẳng còn thân xác Người ở đó, ngôi mộ trống trơn.

Nhưng sự trống trơn này lại thật là một tin mừng.

Vì nếu Người còn nằm đó thì ai dám nói Người đã sống lại.

Ngôi mộ trở nên trống là do bàn tay quyền năng của Thiên Chúa Cha.

Cha đã nâng con trỗi dậy và cho con được Phục Sinh.

Đấng bị đóng đinh đã chết và đã nằm xuống.

Đấng nằm xuống đã được nâng dậy và sẽ đi gặp môn đệ ở Galilê (c. 7).

Lòng vui như mở hội, các bà vội vã chạy về báo tin cho các môn đệ.

Đang khi chạy về thì chính Đấng Phục Sinh hiện ra đón gặp họ.

Ngây ngất vì cuộc gặp gỡ quá đỗi bất ngờ,

các bà chỉ biết phủ phục dưới chân Người mà thờ lạy (c. 9).

Thầy Giêsu không dặn điều gì khác với vị thiên thần ngoài mộ.

Chỉ có điều Thầy vẫn gọi các môn đệ là anh em (c. 10),

dù họ đã bỏ rơi Thầy trong lúc Thầy cần đến họ nhất.

Rõ ràng Thầy Giêsu Phục Sinh muốn tha thứ và làm hòa với họ.

Các phụ nữ đã trở nên những chứng nhân đầu tiên của sự Phục Sinh.

Họ đã thấy ngôi mộ trống, hơn nữa, họ còn được gặp Đấng sống lại.

Nhờ họ mà có cuộc gặp gỡ giữa Thầy Giêsu và các môn đệ ở Galilê.

Giáo Hội hôm nay cần những người có kinh nghiệm gặp Chúa,

để loan báo Tin Mừng và giúp người khác gặp Chúa.

Lúc nào Giáo Hội cũng cần những Maria cháy bỏng một tình yêu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh

Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,

xin cho con biết sống

cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.

Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.

Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.

Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.

Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.

Vượt qua những thành kiến con có về người khác…

Chính vì Chúa đã Phục Sinh

nên con vui sướng và can đảm vượt qua,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa Phục Sinh

gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,

tin tưởng và niềm vui.

Ước gì ai gặp con

cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa. Amen.