“Mặt Nạ Da Người”.

print

“Mặt Nạ Da Người”.

 Khi dạy môn “Tâm Lý Chiều Sâu”, có một chủng sinh  trong bài làm của mình đã viết cho tôi như sau:

“Trong một kiếp người không biết bao nhiêu chiếc mặt nạ được dùng khi đối nhân xử thế. Những chiếc mặt nạ này được làm bằng những chất liệu vô cùng phong phú. Có chiếc bằng nhựa, có cái bằng gỗ… và  mỗi cái đều có những tác dụng khác nhau nhưng nói chung là để che đậy lại tình trạng hiện tại của mình. Tôi cũng có mặt nạ, một cái duy nhất nhưng mặt nạ này lại được làm bằng da người. Ẩn sau nó là cả một thế giới sợ hãi, nhút nhát và kiêu hãnh. Vậy, mặt nạ đó là gì? Nó che đậy những gì từ trong hố thẳm sâu của cái tôi của tôi? …

Trong chủng viện này, tôi tựa như một chai bia “Sàigòn special”. Không phải là chất lượng hay vẻ đẹp của nó nhưng là chiều cao. Các anh em đồng môn gọi tôi là Giakêu. Một nửa trong số đó, tôi không nhận ra thái độ của họ, số còn lại thì bình thường nhưng tôi biết họ nghĩ gì. Vì thế, tôi rất mặc cảm về chiều cao của mình. Để chống lại và bù đắp cho sự kém cỏi này, tôi tự khoác lên cho mình chiếc áo được làm bằng lông nhím, nó luôn sẵn sàng sù lên để phòng vệ, đồng thời mang một chiếc mặt nạ giả tạo bằng da người  thực sự. Tất cả chỉ để phòng vệ.

Với chiếc mặt nạ này không ai có thể biết được tôi thích ai, ghét ai ngay cả những người bạn thân nhất vì những người nào tôi không thể yêu thương được thì tôi không bao giờ ghét ra mặt, tôi vẫn chơi như thường nhưng từ trong cõi lòng thì người đó không tồn tại, không có một gram nào trong mắt tôi. Đó là những người đã hơn một lần lấy khuyết điểm của tôi ra đùa dù vô tình hay hữu ý. Tình hình này kéo dài trong một khoảng thời gian cho đến khi tôi khám phá ra điều gì đã làm cho tôi nên như vậy. Đó chính là nhờ bộ môn tâm lý chiều sâu. Do vậy tôi mới biết được tại sao tôi có chiếc mặt nạ đó nhưng thật là khó gỡ bỏ và cho dù tôi có gỡ bỏ được thì làm sao có thể xóa bỏ được mặc cảm là một chú lùn, và cho dù có thể xóa bỏ được mặc cảm là một chú lùn thì hình dáng của tôi vẫn vậy, không cao hơn một tí nào. Tôi như vậy vì không dám nhìn thẳng vào sự thực nhưng bậy giờ thì mọi sự đã khác. tôi hài lòng với những  gì mình đang có và tự nhủ mình vẫn  may mắn hơn biết bao ngươi. Suốt 7 năm tại chủng viện là 7 lần được mời làm tông đồ để được rửa chân trong thánh lễ tiệc ly. Lúc đầu còn thấy nhục nhục vì nghĩ là mình lùn nên anh em muốn mượn dịp để sỉ nhục mình nhưng theo dòng thời gian, tôi thấy tôi thật sai lầm vì nghĩ rằng ai ai cũng muốn “chơi” mình. Tôi đã quá phòng vệ đến nỗi thấy ai ai cũng là kẻ thù. Sau thời gian dài dũng cảm nhìn lại chính mình và thái độ của mình, tôi càng phòng vệ thì càng yếu sức, càng chống lại thì càng mệt mỏi vì thế tôi nhận ra rằng càng trốn tránh thì tôi vô tình tiếp thêm sức mạnh cho những yếu đuối. Vấn đề bây giờ là tôi phải nhìn thẳng vào sự thực, sự thực nằm ngay trong cõi thâm sâu của tâm hồn để thấy tôi cần gì và muốn gì. Để làm được điều này tôi cần có thời gian.

Bây giờ, tôi biết tôi sống với chiếc mặt nạ bằng da người thật dối trá biết bao và không tốt chút nào nhưng cũng thật khó khi cởi nó ra vì khi đó tôi phải đối mặt với chính tôi và với những người được trời thương cho cao ráo. Cuối cùng tôi biết rằng không thể cứ trong tình trạng như vậy mãi được nên tôi tin rằng, với cố gắng của mình, tôi sẽ thành công.”

***

Đọc bài làm này, tôi xin có mấy điều chia sẻ về đời sống cộng đoàn:

– Tu sĩ thường sống trong 1 cộng đoàn. Hãy nhìn xem trình độ sống vui hài hòa trong cộng đoàn của chúng ta hiện nay ra sao?

– Hãy dùng kinh nghiệm gia đình ruột thịt để quy chiếu và giúp chúng ta điều chỉnh cách sống cộng đoàn đời tu.

– Gia đình ruột thịt là nơi ta có sẵn những kỷ niệm êm đẹp; chúng ta cảm nghiệm được nơi tổ ấm này chúng ta đã được yêu thương, đón nhận, đùm bọc, thông cảm vô điều kiện; chung lưng đấu cật để đối phó khi cần, và nhất là nơi ta đã từng được tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm.

– Trong gia đình ruột thịt, người ta thương nhau, hiểu nhau, nhường nhịn, chấp nhận, chịu đựng, hy sinh, trao ban, thông cảm, nhớ đến nhau.

– Nếu đúng cộng đoàn là 1 gia đình, thì tôi phải sống ra sao?

– Nếu trong cộng đoàn gia đình hội dòng, mà đa số là những người có con tim nhỏ mọn, chuyên xét đoán, bắt lỗi, chê trách người khác; thì phải nói rằng mặt bằng cơ bản của hội dòng này thấp; và tự động mỗi người phải đề phòng người khác; vì thấy ai ai cũng có thể là kẻ thù tiềm ẩn.

– Voltaire đã chê: “Tu sĩ là những người sống chung với nhau. Khi sống họ không thương nhau, khi chết họ không khóc nhau”.

– “Ai là người anh chị em, là thân thiết với tôi?” (Bài TM, thứ 7, tuần 27).

– Cộng đoàn là tổ ấm hay là chỉ là quán trọ?

– Phải chăng Cộng đoàn chỉ là đống gạch, không có chất xi măng là Lời Chúa, là bác ái yêu thương để gắn kết, để xây nên ngôi nhà, tổ ấm, đền thánh?

– Chính Lời Chúa, đời sống nội tâm là mối liên kết, là động lực, để chống lưng, nương tựa vào nhau.

– Cộng đoàn phải là nhà mình; nơi mình sống như ở nhà, được chấp nhận 100 %, dù có những sai lỗi khuyết điểm.

– Cộng đoàn là nơi mình dám sống thật tự nhiên, sống con người thật của mình, không phải đeo mặt nạ, không cần phải che chắn, phải đề phòng; dám ăn nói thoải mái… dám “Sống như ở nhà mình”.

– Đời tu là Hành trình của con tim, tình yêu rộng mở, “Tu sĩ đi đến đâu cũng là nhà mình” ; “mình làm dâu trăm họ”.

– Một hình ảnh trái chiều, càng tu chất tu càng mỏng:

Chiếc Bình vôi:

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại… (Lê Đạt)

 – Đừng chỉ lo trau dồi thêm kỹ năng, tài nghệ, vì chúng chỉ như chiếc áo khoác thêm bên ngoài; hãy lo trao dồi phong cách, củng cố con tim, có tâm hồn yêu thương rộng mở.

– Hãy tự vấn, mọi người trong cộng đoàn là người thân, hay chỉ là những địch thủ tiềm ẩn; và ta phải tình táo đề phòng.

– Dĩ nhiên trong thực tế, khi sống trong cộng đoàn vẫn cần lưu tâm tới những nét bề ngoài, mà tối thiểu ta cần có: lịch sự, tế nhị, tôn trọng nhau; nhưng nếu đi quá đậm về bề ngoài; sẽ mất nét chân tình yêu thương, gia đình.

Ước gì ta hãy sống chân thành với nhau như một gia đình để rồi khỏi phải mang những chiếc “Mặt Nạ Da Ngưởi” trong cộng đoàn.

Lm Matthêu Hoàng Đình Ninh