Mát-Thêu, Vị Tông Đồ Được Cứu Vớt
( Mt 9, 13 )
Ông ngồi trong trạm của mình dựng bên đường. Trạm của ông nằm ở khu ngoại ô thành phố Ca-phác-na-um, một trong những trạm chạy từ Đa-mát đến Ít-ra-en. Ngoài những khoản thuế tùy thân của những người trong vùng, những khách hàng đi ngang qua cũng phải dừng lại đóng thuế hàng hóa trước khi tiếp tục chuyến đi…
Giờ này đã sắp đến giờ đóng cửa. Ông sắp xếp lại giấy tờ, đếm tiền bạc, kiểm lại các biên lai, làm kết toán số tiền thu được. Ông nghĩ: “Chà không đến nỗi tệ, công việc càng ngày càng khá, cứ đà này chỉ vài năm nữa là…”
Ông thường nghĩ ngợi về đồng tiền: “Có tiền mua tiên cũng được”. Có tiền mọi người sẽ kính trọng ông, và ông quyết định phải kiếm cho được nhiều tiền. Đấy là vấn đề quan trọng. Ông không cần giàu sụ nhưng ông muốn làm ra tiền, có đủ tiền để sống thoải mái, đủ để xin về hưu sớm và hưởng thụ cuộc đời…
Ông đủ khôn ngoan để thực hiện ý định của mình.
Ông có một trí thông minh đặc biệt về mặt tính toán.
Lúc bé, ông đã tỏ ra thông minh…
Người ông gầy ốm,
Ông không phải là một thể tháo gia
Ông không có sức mạnh thể chất…
Trán ông khá cao,
dấu hiệu của “sự khôn ngoan và hiểu biết”
Ông biết rằng ông thông minh,
đủ thông minh để kiếm ra tiền.
Vì thế, ông xin được làm người thu thuế. Sao lại không nhỉ ?
Đấy là một công việc không nặng nhọc mà lại dễ kiếm tiền.
Ông đã nghe rằng những người thu thuế là
những người không tim,
những kẻ đói tiền,
những kẻ vô luân…
Nhưng ông nghĩ: sự thật đâu đến nỗi,
Dù sao họ cũng là người Do-thái, đa số là người Do-thái.
Đâu phải vì họ làm việc cho chính quyền Rô-ma trong việc thu thuế mà họ trở thành hạng người vứt đi…
Dĩ nhiên, dân chúng tố cáo rằng: những người Pu-bli-ca-nô, ( thu thuế ) đã đánh thuế quá nặng… Nhưng ai biết được chính quyền lấy bao nhiêu, còn họ giữ lại bao nhiêu ? Có thể có người lấy từ 20 tới 25%. Ông thì ông quyết giữ lại 15%. Điều hiển nhiên là ai ai cũng kiếm kế sinh nhai, dù cho người đó làm việc cho Rô-ma…
Xét cho cùng,
Ông là một con cháu đích thực của Áp-ra-ham,
Ông hãnh diện về nguồn gốc Do-thái,
Ông không bao giờ phủ nhận điều đó,
dù ông làm việc cho Rô-ma…
Ông đau lòng những lần lên Đền Thờ dự lễ. Từ ngày ông trở thành Pu-bli-ca-nô, họ vẫn cho phép ông đến dự lễ ở Đền Thờ… Nhưng họ đã lạnh nhạt với ông,
Ông hiểu điều đó, ông cảm thấy điều đó,
Và ông thôi không dự lễ nơi Đền Thờ Do-thái nữa…
Vả lại, ông cũng bận rộn, bận vì công việc làm ăn.
Sau này khi giải nghệ, ông sẽ trở lại Đền Thờ…
Lúc bấy giờ, ông sẽ cầu nguyện và thờ phượng Chúa,
Giờ đây, ông ngồi cộng sổ, quyết toán,
Ông sắp sửa đóng cửa trạm thuế.
Ông không thấy tinh thần thoải mái.
Ông có cảm giác mọi người qua lại mắng nhiếc ông: “Quân ăn cướp, quân lưu manh…” Có người còn nói thẳng mặt ông hôm nọ: “Quân bóc lột !” Ông trả lời: “Tôi làm nhiệm vụ của tôi, nếu không phải tôi, thì cũng có người khác thu thuế…”
Ông muốn cho tinh thần thoải mái, nhưng không được.
Ông luôn luôn bứt rứt, không ai hiểu ông.
Ông thao thức hằng đêm,
Những tiếng nguyền rủa đồn về trong hành lang ký ức:
“Quân đốn mạt,
Quân ăn cướp,
Quân bóc lột,
Quân lưu manh…”
Dân chúng xỉ vả ông, chòm xóm lẩn tránh ông,
Những người đạo đức lạnh nhạt với ông,
họ coi ông như một cô gái giang hồ,
họ buộc tội ông là:
“Đứa hợp tác với Rô-ma,
Đứa phản bội dân tộc Ít-ra-en…”
Ông không cho mình là kẻ phản bội dân tộc,
Ông không bao giờ muốn phản bội dân tộc…
Ông thấy mình không còn một người bạn thân nào,
Nghĩa là bạn ông chỉ là những người Pu-bli-ca-nô như ông…
Nhưng ngay những người Pu-bli-ca-nô cũng không là bạn thân đúng nghĩa, ông cảm thấy như vậy. Ngày nào ông còn tiền thì họ còn chấp nhận ông. Nếu chẳng may ông mất hết, ông nghĩ rằng không một ai trong số đó sẽ còn thân thiện với ông…
Họ có vẻ ích kỷ, tất cả những gì họ làm đều vụ lợi…
Còn ông, ông có kiến thức hơn họ,
ông đã học tiếng Hy Lạp,
ông đã học văn chương,
nhưng ông không thể bàn về văn học với họ…
Câu chuyện của họ chỉ toàn xoay quanh tiền bạc và du hí,
dĩ nhiên, nhưng nhất là tiền bạc…
Đầu óc ông rối bời. Ông nghĩ rằng nếu không cố gắng tập trung tư tưởng để cộng những con số này, chắc hẳn cuộc đời vô vị sẽ cứ trải dài trước mặt ông…
Thế rồi, ông thấy Đức Giê-su đến. Người bước đi trên đường với một vài người bạn. Ông đã thấy Người một vài lần rồi, đó là người thợ mộc ở Na-da-rét vẫn đến đóng tiền thuế đều đặn mỗi năm. Người đóng tiền, nhìn ông lặng lẽ, rồi ra đi và năm sau trở lại với số tiền để đóng…
Giờ đây, Đức Giê-su đang đi về phía trạm của ông. Ông đã nghe nói rằng Người đã rời bỏ nhà mình để đến xin chịu phép rửa ở sông Gio-đan. Người đến cư ngụ tại Ca-phác-na-um… Có bao nhiêu lời bàn tán về Người. Người đã chữa những kẻ phong hủi và đuổi quỷ trừ ma. Dân chúng đi theo Người và nghe Người giảng…
Ông cũng nghe được câu này: “Con-Loài-Người có quyền tha tội dưới đất.” ( Mt 9, 6 ) .
Con-Loài-Người ư ?
Có quyền tha tội ư ?
Ông suy tư mãi về điều này…
Ông là kẻ có tội, ông biết chứ,
Cuộc đời đói tiền của ông,
Triết lý “Có tiền mua tiên cũng được” của ông…
Cuộc đời và quan niệm ông rõ ràng là sai lầm.
Ông vẫn tiếp tục công việc của mình,
Nhưng không thể quên những lời đã nghe:
“Con-Loài-Người có quyền tha tội dưới đất.”
Thế rồi, ông cảm được,
ông không cần ngước mắt lên nhìn,
ông biết rằng Con Loài Người đang đứng trước mặt…
Rồi cuối cùng, ông cũng phải ngẩng đầu lên…
Và cặp mắt đã nhìn ông bao lần,
giờ đây đang nhìn thẳng vào ông,
xuyên lòng ông,
xuyên qua cả sổ sách ông,
xuyên qua mọi tính toán của ông…
xuyên suốt cuộc đời trống rỗng của ông.
Giờ phút này, ông bỗng cảm thấy mình dơ bẩn,
bên trong chỉ toàn là cặn bã, rác rến…
Con người ấy,
Người sắp gọi ông bằng cái tên mọi người thường gọi chăng ? Ông bồn chồn bất an,
ông chờ đợi những tiếng nguyền rủa…
Nhưng không…
Thay vì vậy, Người mỉm cười và bảo: “Hãy theo Thầy” ( Mt 9, 9 )
Theo Người ư ? Người muốn tôi theo Người ư ?
Tôi, một người Pu-bli-ca-nô ?
một người bóc lột ?
một quân ăn cướp ?
Người tin tôi đến thế sao ?
Người muốn chọn tôi làm môn đệ ư ?
Mát-thêu không còn tin vào điều mình nghe nữa…
Và rồi thoáng chốc, ông thấy phấn khởi tràn đầy.
ông không còn thấy mình dơ bẩn nữa,
ông được rửa sạch, tha thứ, bình an.
“Con Loài Người có quyền tha tội dướt đất.”
Đúng rồi ! Ông xếp giấy tờ lại, rời bàn làm việc, đóng cửa trạm thuế.
Và thế là người Pu-bli-ca-nô này,
người thu thuế này,
người bị loại trừ khỏi xã hội này,
đã thức tỉnh và quyết định thay đổi trọn cuộc sống…
Từ một Mát-thêu thu thuế,
ông đã trở thành tông đồ Chúa Giê-su.
Đối với người đời, Chúa Giê-su chọn một người Pu-bli-ca-nô làm Tông Đồ là một hành động điên rồ…
Mọi người đều liệt hạng thu thuế
ngang hàng với kẻ buôn phấn bán hương,
Những người thu thuế là những kẻ bất lương,
những người tham lam, ham mê tiền bạc…
Họ không thể đến Đền Thờ một cách thoải mái,
không có quyền làm chứng nơi công nghị…
Đâu phải Đức Giê-su không biết chuyện ấy.
Người biết Mát-thêu sẽ làm bạn với ai, sẽ sống với ai
và cộng đoàn nhỏ sẽ ảnh hưởng tới ông như thế nào.
Người biết cao vọng, mục đích và ước mơ của Mát-thêu…
Khi có một thầy ký lục đầy kiến thức tôn giáo đến xin theo thì Chúa Giê-su tỏ ra ngăn cản: “Con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng Con Loài Người không có chỗ gối đầu.” ( Mt 8,20 ) Thế mà, đối với Mát-thêu, không có mảy may dấu hiệu từ khước. Ngược lại, Chúa Giê-su thật tích cực kêu gọi: “Hãy theo Thầy !”
Cái dĩ vãng bê bối của Mát-thêu không quan trọng gì đối với Chúa. Điều Người chú ý, chính là khả năng phát triển tương lai:
Mát-thêu thông minh, sáng suốt, ngăn nắp.
Mát-thêu có một mục đích để tiến lên, và,
Mát-thêu đã đạt được mục đích.
Mát-thêu thấy đời mình trống rỗng khi chạy theo bạc tiền…
Mát-thêu muốn tiến lên…
Dưới khía cạnh con người,
chọn Mát-thêu là một hành động dại dột,
Dưới khía cạnh Thiên Chúa,
chọn Mát-thêu là một hành động tuyệt vời.
Bằng cớ đâu ?
Bằng cớ chính là Phúc Âm theo thánh Mát-thêu.
Cuốn sách được xếp đứng đầu tiên trong bộ Tân Ước là tác phẩm của Mát-thêu, dưới ngòi bút điêu luyện của ông, một ngòi bút sẵn sàng phục vụ…
Kể từ ngày được gọi, bất cứ lúc nào Chúa rao giảng, Chúa dạy dỗ, đều có Mát-thêu bên cạnh.
Ngòi bút xưa kia chỉ để cộng những con số chết, nay chỉ ghi chép những Lời Hằng Sống. Đầu óc mạch lạc của ông được dùng để chuyển đạt lại cho hậu thế những của ăn tâm hồn.
Chúng ta cũng nên để ý điểm này: suốt cuốn Phúc Âm ông viết, ông không bao giờ nhắc đến mình cả. Ông nhắc đến Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, nhưng không hề nói về mình…
Khiêm nhường là dấu hiệu của một cuộc trở lại chân chính. Chỉ có một dịp nhỏ có liên quan đến ông nhưng ông lại khiêm nhường không ghi tên mình… Khi so sánh với Lu-ca và Mác-cô, chúng ta mới biết tên thật của ông là Lê-vi. Trong Phúc Âm của ông, ông là “Mát-thêu, người-thu-thuế”.
Sau giây phút gặp gỡ, ông mời Chúa Giê-su về nhà dùng bữa. Những người mang danh đạo đức đã chỉ trích Chúa Giê-su. Và Người đã trả lời họ: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà là kêu gọi những kẻ tội lỗi…” Và có lẽ Mát-thêu đã vui mừng hiểu rằng Chúa muốn nói đến chính ông: “Con Loài Người có quyền tha tội… Ta đến để cứu vớt kẻ có tội…”
Mát-thêu đã được cứu vớt,
cứu vớt khỏi tội lỗi,
cứu vớt khỏi cuộc đời trống rỗng của ông,
cứu vớt khỏi cuộc đời chạy theo bạc tiền,
cứu vớt khỏi cái triết lý “có tiền mua tiên” của ông,
cứu vớt khỏi cuộc đời vô vị ông đã chọn và đã chán ngán…
Ông đã tìm được viên ngọc,
Ông đã cảm nghiệm được ân sủng và tình yêu tràn ngập đời ông…
Còn chúng ta ?
Chúng ta có cần được cứu vớt chăng ?
cứu vớt khỏi đời sống tội lỗi,
cứu vớt khỏi đời sống vị kỷ,
cứu vớt khỏi một triết lý nghèo nàn và khô cằn,
cứu vớt khỏi một cuộc sống trống rỗng, vô nghĩa, không mục đích.
cứu vớt khỏi một cuộc đời thiếu vắng Thiên Chúa ?
Nếu Chúa Giê-su đã muốn gọi một người bết bát như Mát-thêu,
thì các bạn và tôi, chúng ta có quyền hy vọng…
Nếu Chúa đã mở cửa cho một người như Mát-thêu,
thì Chúa cũng mở cửa cho mọi người…
Mà quả thật, Người đã đến để kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn…
Mát-thêu đã nói lên điều đó với tất cả tâm can mình: “Con Loài Người có quyền tha tội dưới đất…” Và Mát-thêu biết điều đó là sự thật.
Ông đã có kinh nghiệm,
Ông đã được cứu vớt,
Ông biết rằng mỗi một người chúng ta
cũng có thể có được kinh nghiệm đó.
Và khi ông chép lại Phúc Âm,
Hẳn ông rất muốn viết bằng mực đỏ đoạn văn sau đây:
“Nếu một người có 100 con chiên, mà một con bị lạc, há người ấy không bỏ 99 con trên núi mà đi tìm con chiên lạc kia sao ? Mà nếu tìm được, thì quả thật, Thầy bảo anh em: Người ấy mừng rỡ vì nó hơn là 99 con không bị lạc… Cũng vậy, Cha anh em, Đấng ngự trên Trời không hề có ý để mặc một người nào đó trong những kẻ nhỏ nhất này phải hư đi…” ( Mt 18, 12 – 24 )
Vâng, không một người nào,
Dù cho người ấy là Mát-thêu đi nữa,
Dù cho người ấy là bạn hay là tôi đi nữa…
Giáo Hội tiên khởi cho chúng ta biết rằng: sau khi Chúa Giê-su sống lại, thánh Mát-thêu đã rao giảng cho dân Do-thái. Chúng ta có thể tin được điều này.
Dù lịch sử ít cho chúng ta dữ kiện, nhưng Phúc Âm theo thánh Mát-thêu cũng đủ cho chúng ta thấy rõ như vậy.
Thánh Mát-thêu giới thiệu Chúa Giê-su như Đấng Thiên sai: Đấng Mê-si-a, Đấng được hứa đến để cứu thoát dân Do-thái. Người là con của Áp-ra-ham, con của Đa-vít, Con-Loài-Người, Đấng đã nghiệm đúng lời các Ngôn Sứ trong Cựu Ước. Ông trích dẫn Cựu Ước thường xuyên, từ Mô-sê đến các Ngôn Sứ. Ta có thể đếm được 51 lần trích dẫn trong 28 chương của ông.
Đức Giê-su là Vua dân Do-thái…
Ba Vua phương Đông đến thờ lạy Người…
Phi-la-tô xác nhận vương quyền cúa Người:
“Đây là Giê-su Vua dân Do-thái.”
Đối với Mát-thêu, Đức Giê-su là Đấng Thiên sai đến để cứu dân Do-thái, đến để kêu gọi mọi người ăn năn vì Nước Trời đã gần.
Theo truyền thống, Mát-thêu chọn dân tộc mình làm cánh đồng truyền giáo và, với nhiệt tình của một người hối cải, ông trình bày Đấng Mê-si-a như Đấng đến để cứu vớt kẻ tội lỗi thấp hèn…
Mát-thêu đã chịu tử đạo ở Ê-thi-ô-pi-a, một vùng đất châu Phi