Mồng Hai Tết Tân Sửu
Ký ức gia đình trong tôi
Nếu có một nơi bình yên nhất trên thế gian này, nơi đó sẽ chẳng phải đâu khác ngoài gia đình. Khi chúng ta còn bé thơ, gia đình là mái ấm bảo vệ, che chở, yêu thương và nuôi dưỡng.Khi trưởng thành, gia đình lại trở thành hậu phương, ủng hộ, cổ vũ, tiếp lửa cho chúng ta mạnh dạn và hăng hái bước vào đời. Và rồi khi vất vả bôn ba trong chốn chợ đời, sẽ có lúc chúng ta cảm thấy nhớ nhà, và thèm về với mái ấm gia đình. Nơi đó luôn cho ta cảm giác bình yên, hạnh phúc và ước gì được quay trở lại nơi mái nhà xưa.
Đây có thể là tâm trạng của nhạc sĩ Trần Tiến, khi ông hoài niệm về mái ấm gia đình xưa. Ông đã phác họa lại từ trong ký ức sâu thẳm của mình hình ảnh một gia đình nghèo khó nhưng đầm ấm tình gia đình. Ở đó có hình ảnh của cha từ chinh chiến trở về, nên mang tâm trạng u buồn vì chí lớn không thành. Ở đó có người mẹ âm thầm chịu đựng vất vả may vá thêu thùa. Ở đó có anh, có chị hát ru em những bài ca cổ nhưng đầy nhân văn. Cảm nhận về tình cảm gia đình đầm ấm nên ông đã viết ca khúc “Mẹ tôi” với ca từ như sau:
Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con
Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa
Ngày xưa cha ngồi uống rượu -mẹ ngồi đan áo, ngoài hiên.
Mùa đông cây bàng lá đổ.
Quả thực, với khung cảnh nhà quê với người cha còn mang nhiều tâm trạng, ngày đó nhà nghèo, trời lạnh mẹ phải tự đan áo len cho từng đứa con mặc khi mùa đông về.
Và cái ngày đó, cha mẹ vất vả đi làm thâu đêm suốt sáng nên việc chăm sóc đám trẻ phải nhờ bàn tay của những ngừơi chị lo cho đàn em. Hình ảnh đó thật bình yên lạ thường.
Ngày xưa chị hát vu vơ những câu ca cổ cho em nằm mơ
Ngày xưa mẹ đắp cho con tấm khăn quàng cổ ấm hơi mẹ tôi
Ngày xưa bên giường cha nằm -mẹ ngồi xa vắng.
Nhìn cha, thương cha chí lớn không thành.
Tác giả khi chọn câu đầu tiên của bài hát “Mẹ ơi con đã già rồi” khiến chúng ta liên tưởng tới một người mẹ già lắm rồi, không còn nghe rõ con nói, nên con phải gào thét thật to, nhưng xem ra vô vọng, vì mẹ đã không còn khả năng để nghe con nói, và rồi cao trào của âm thanh mỗi lúc một to thêm:
” Biển sóng thét gào một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa
Trời gió mây ngàn một ngày khóc mẹ trăng tàn sao rơi”.
Và một mai khi khôn lớn, ta có thể tự mình dấn thân bước vào cuộc sống và đối diện với bao gian khó cuộc đời.
Thế nhưng ta nào biết được rằng dưới mái hiên xưa, cha mẹ vẫn mỏi mòn ngóng đợi tin tức của con.
Dẫu cho bao mùa trăng lúc tròn lúc khuyết
Dẫu cho con nước lớn nước sồng
Rồi có một lúc trong một thoáng suy tư ta lại bồi hồi nhớ về mẹ cha, nhớ về kỷ niệm xưa cũ nơi quê nhà. Để rồi ta muốn tìm lại cánh đồng, với gió nồng cho ta giấc ngủ ban trưa, tiếng chim níu lo ngày mới và không gian dậy thơm mùi hương lúa.
Rồi một ngày nào đó ta trở về, ta cứ tưởng rằng với sự thành đạt hiện giờ ta có thể bù đắp lại công ơn nuôi dưỡng của mẹ cha. Có thể cùng gia đình hạnh phúc đoàn tụ sau bao năm xa cách.
Thế nhưng, ta nào biết được rằng: cha mẹ đã già theo năm tháng, yếu đau triền miên, hay người đã nằm yên trong cát bụi cuộc đời.
Lúc này, người con mới ngậm ngùi nói rằng:
Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình.
Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ.
Trèo lên dãy núi thiên thai ối a mẹ ngồi trông áng mây vàng
Mẹ ơi! Hãy dắt con theo ối a để con mãi mãi bên mẹ.
Trèo lên dãy núi thiên thai ối a mẹ tôi về đâu?
Ngàn năm mây trắng bay theo ối a mẹ ơi -mẹ-mẹ về đâu?
Vâng, kính thưa quý vị, Mẹ mất đi cũng là định luật của con người, nhưng con vẫn nhớ rằng : Dù cho phú quý vinh quang … Vinh quang không bằng có mẹ …
Hôm nay ngày Mồng Hai Tết Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy dành trọn ngày này để tỏ lòng hiếu kính với ông bà cha mẹ. Vì trong đời một người, không ai có công lao với mình bằng cha mẹ. Và càng không có ai dám hy sinh một đời vì chúng ta ngoài cha mẹ. Ơn sinh thành, công dưỡng dục của cha mẹ thật lớn lao đến nỗi việc hiếu kính tổ tiên đã trở thành đạo của cả dân tộc Việt Nam:
“Tu đâu cho bằng tu nhà- Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.
Lòng hiếu thảo, đạo làm con ấy được Thiên Chúa quy định trong giới răn thứ tư: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ ngươi”. Đây là giới răn duy nhất trong 10 giới răn nhận được lời chúc phúc nếu tuân giữ một cách trọn vẹn sẽ được sống lâu trên mặt đất. “Hãy thảo kính cha mẹ ngươi thì ngươi sẽ được sống lâu trên mặt đất”.
Ước gì chúng ta hãy biết sống hiếu thuận với những người trong gia đình. Đừng để những nỗi đau cho người thân bằng thói lười biếng, trốn tránh trách nhiệm. Hãy sống một cuộc sống để nếu một mai ta không còn nữa, kẻ ở lại nhớ về ta trong nỗi nhớ xót thương hơn là cay đắng, quặn đau.Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền