Mừng đón Chúa Giêsu Giáng Sinh Ngày 25 tháng 12 năm 2020
vo ha
Hằng năm, tính từ Chúa Nhật I tháng cuối của năm Dương Lịch, người tin Chúa Giêsu Kitô khắp nơi trên mặt đất, dành ra thời gian 4 tuần lễ, gọi là mùa Hi Vọng hay mùa Vọng, để dọn dẹp rác rưới tinh thần là tội lỗi và tính hư tật xấu, cùng trang hoàn tâm hồn với những việc lành phước đức, hầu chuẩn bị mừng Lễ Chúa Giáng Sinh ngày 25 tháng 12. Và hôm nay ngày trọng đại, mà nhân loại chờ đợi từ bao ngàn xưa, đã đến.
Bên dưới, cũng xin có cái nhìn tổng quát đôi chút lý do tại sao Chúa Giêsu giáng thế làm người qua lịch sử tôn giáo và thế giới.
Ngày nay hầu như ai cũng biết Đạo Thiên Chúa hay Kitô Giáo là một trong ba Tôn Giáo lớn của nhân loại. Tổng cộng các chi phái có chừng 1600 triệu tín đồ. Tôn giáo nầy có nguồn gốc từ xứ Do Thái, đã lập quốc với vương triều đầu tiên Sao-lê, rồi Da-vit từ 3000 năm trước. Những biến cố lớn của dân tộc nầy trước Công nguyên, hầu như gắn liền với lịch sử Thiên Chúa Giáo như bóng với hình, được ghi lại trong Thánh Kinh phần Cựu Ước.
Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa dựng nên trời đất, muôn vật, gồm luôn con người tinh khôn hơn mọi loài, nên được trao quyền làm chủ trên trời dưới đất. Trong đó, quyền cao quí nhất là tự do, nên có thể làm điều thiện hảo cũng như điều ác độc (Sách Sáng, ch 1-2).
Vì con người kiêu ngạo muốn bằng Thiên Chúa, nên phạm tội chống lại Ngài cách nào đó. Thánh Kinh đã minh hoạ tai nạn sai phạm nầy thành câu chuyện cụ thể, giúp cho con người đơn sơ chất phác thời xa xưa, được dễ hiểu.
Đó là ma quỉ, biến hoá thành hình dạng con rắn, cám dỗ bà thuỷ tổ nhân loại tên Evà ăn trái cây mà Chúa cấm để thử lòng con người. Bà ăn xong, hái một trái mang về cho ông chồng cũng nguyên tổ nhân loại tên Ađam. Mới đầu, ông cũng do dự, sợ trái lệnh Chúa, nhưng rồi nghe lời ngọt ngào của người nữ mà Chúa cho làm vợ ông. Ông cũng ham bằng Thiên Chúa, nên đã liều mình mà cả lòng cùng ăn luôn một thể (Sáng Thế, ch 3).
Vì con người biết hối hận, ăn năn tội lỗi của mình, nên Thiên Chúa sẽ cho Đấng Cứu Chuộc đến trần gian, đền thay tội nguyên tổ và mọi tội lỗi gian ác mà lỗi phạn của Adam và Eva là nguồn gốc (ST. 3:15, 1 Gioan 4: 9-10). Xin đọc nguyên bản của Thánh Luca, tường thuật Chúa Giáng sinh sau đây. Và biến cố nầy cũng có lưu dấu trong lịch sử thế giới, thời Đế Quốc Roma.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. 2, 1-14
Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Ðavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Ðavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.
Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán. Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình.
Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”.
Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Đôi hàng ghi chú và tâm tình.
Thời gian chờ đợi Chúa đến sau khi Ông Bà Nguyên Tổ phạm tội kéo dài không biết bao lâu trên thực tế. Rồi khi tới thời kỳ đã định, theo Thánh Kinh và sách sử Do Thái, Thiên Chúa đã chọn Araham từ thành Urs (Irắc hiện nay) di cư qua xứ Palestin, làm thủy tổ một dân riêng, để chuẩn bị cho Đấng Cứu thế giáng trần 2000 năm sau. Người đã đầu thai vào một gia đình nghèo khó, có người mẹ là Maria và ông Bõ nuôi Giuse, đang sinh sống tại làng Nagiaret, miền Bắc Do Thái thời đó.
Dựa và Bài Phúc Âm trên, vào Năm thứ nhất Công Nguyên (thực tế, khoảng năm thứ 6 trước công nguyên vì có sự tính toán lộn khi làm Lịch) Hoàng Đế Cêsarê Augustô ra lệnh kiểm tra dân số toàn thể Đế Quốc La Mã (Roma). Xứ Do Thái lúc đó đang bị Roma cai trị, nên dân chúng phải vâng lệnh vua. Do đó hai ông bà Giuse và Maria đang mang thai Vị Cứu Thế, phải lên đường, thường thì đi bộ hoặc ngồi lưng lừa chừng 150 km, về nguyên quán là làng Bêlem, cách Giêrusalem chừng 9 km phía nam. Vì hàng quán nhà trọ nơi đây không còn chổ cho đôi vợ chồng nghèo khó, nên cả hai phải tìm ra hang đá ngoài đồng dùng làm chổ trú chân cho thú vật ban đêm.
Ngay chính thời điểm đó, một Hài Nhi đã được sinh ra tại hang bò lừa nầy. Và bà Mẹ đã dùng khăn đội đầu quấn con lại, đặt hài nhi sơ sinh vào trong chiếc máng đựng thức ăn cho thú vật. Em bé phải nhờ bò lừa thở hơi thêm ấm.
Hài nhi nầy đã được Thiên Chúa đặt tên là Giêsu, nên được trao cho những sứ mệnh đặc biệt.
Người Kitô Giáo bắt đầu mừng lễ Chúa Giáng Sinh đầu tiên ngày 25 tháng 12 năm 336 thời Constantin, là Hoàng Đế Roma tiên khởi cho Kitô Giáo tự do hành đạo năm 313. Dân Roma trước đó có lễ hội Thần Mithra Mặt Trời vào ngày nầy, thời điểm trái đất chuyển trục khiến ngày bắt đầu dài hơn đêm tại Bắc Bán Cầu.
Hoàng Đế Constantin thay ngày Thờ Thần Mặt Trời bằng Lễ Chúa Giáng Sinh, để tôn vinh Chúa Giêsu, đúng là Mặt Trời công chính. Nhưng cũng có nguồn sách sử khác cho rằng Giáo Hoàng Libêrô ký sắc lệnh chính thức Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh ngày 25 tháng 12 năm 354.
Khắp thế giới hiện nay, vào mùa Lễ Chúa Giáng Sinh nầy, mọi người Kitô giáo hoặc không, đa số coi như dịp tốt để tụ họp gia đình và bạn bè ăn mừng, nhất là trẽ con, trao đổi và nhận những món quà thân thương trân quí kỷ niệm cho nhau.
Theo thông lệ xã giao, ngay từ đầu tháng 12 hằng năm, người người, nhà nhà thường gởi cho nhau những cánh thiệp Giáng Sinh cầu chúc An Bình ngày Lể Chúa Giáng Trần cùng thịnh vượng trong năm mới Dương Lịch. Món quà Bình An đó có nguồn gốc từ trong Thánh Kinh Kitô giáo, do Thiên Thần tung hô Ngôi hai Giáng Trần tại Hang Đá Bê Lem : Vinh Danh Thiên Chúa Trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện Tâm (Phúc Âm Luca 2: 1-14).
Giáng sinh là Lễ của vui mừng tràn đầy ánh sáng và âm thanh. Hàng tỉ ngọn đèn mừng Chúa Giáng sinh lấp lánh cả mùa Giáng Sinh trên khắp thế giới, hoà cùng hàng ngàn bản nhạc du dương trầm bỏng đủ thể loại. Những bài thánh ca tại nhà tờ hay bản nhạc tình đời quì bên hang đá, mang lại nguồn vui an lành, thánh thiện, thâm sâu tận cung lòng con người bao thế hệ.
Đặc biệt hai Bài Thánh ca Lễ Giáng Sinh không thể thiếu trong đêm thánh thiêng nầy. Tại Âu mỹ, bài Holy Night có từ 1834, được Nhạc Sĩ Hùng Lân chuyển lời thành Đêm Thánh Vô Cùng. Giây Phút tưng bừng …
Tại Việt Nam bài “Hang Bêlem” của Nhạc Sư Phaxicô Hải Linh tên thật Trần Văn Trị (1920-1988) sáng tác tại Nam Định 1945 lúc 25 tuổi. Trong những giờ phút linh thiêng nầy, xin cố lắng đọng tâm hồn, cùng đưa tâm tình vào bài hát, cùng nhau cầu nguyện và hát ca Thiên Chúa Ngôi Hai giáng trần:
Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời
Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa
Trông hang Bê-lem ánh sáng tỏa lang tưng bừng
Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng
(ĐK) Đàn hát réo rắt tiếng hát xướng ca dư âm vang xa
Đây Chúa thiên tòa giáng sinh vì ta
Người hỡi hãy kịp bước tới đến xem nơi hang Bê-lem
Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn
Ngày nay Thiên Chúa giáng sinh ra chốn gian trần
Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than
Nơi hang Bê-lem chiên lừa thở hơi
Tan giá đêm đông ấm thân con người
Tóm lại. Quỳ hoặc đúng bên hang đá hôm nay, chiêm ngưỡng hình tượng Chúa Hài Đồng, tưởng tượng lại một đêm năm xưa, Em Bé Giêsu đã giáng trần trong khó nghèo, rồi đã trở nên một Danh Nhân rất quan trọng phân chia lịch sử con người làm hai, đàng trước và phía sau Sinh Nhật của Ngài, còn gọi là Năm Công nguyên.
Xin giúp chúng con thuộc được ít nhiều bài học khiêm tốn và khó nghèo của Chúa. Khó nghèo ở đây là chỉ cần những gì phải có, để sống mà phục vụ như Chúa đã làm gương cho chúng con mọi thời (Mc. 10: 45).
Ngoài ra, Lễ Chúa Giáng Sinh còn là thời điểm đặc biệt người Kitô giáo dành riêng, mừng kính mầu nhiệm Ngôi Thứ Hai Thiên Chúa giáng trần làm người, mở đầu công cuộc cứu độ nhân loại, sáng lập tôn giáo mới, với dân thánh mới, còn gọi là nước trời mới (Kh. 21:2-5).
Xin chúc mọi người dương thế, thân tâm an lạc Mùa Lễ Noel Mừng Chúa Giáng Sinh 2020 nầy và hi vọng thêm tươi sáng hơn trong năm mới 2021.