Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

print

Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Chúa Nhật 05.06.22

vo ha

Tín đồ bình dân Công Giáo Việt Nam đã thường có thói quen tốt lành nầy, là đọc hoặc hát kinh Cầu Chúa Thánh Thần mỗi khi bắt đầu việc đạo đức như kinh hôm kinh mai, sinh hoạt tinh thần tại nhà thờ hay tại tư gia, như trong lễ Thành hôn hay Vu Qui truyền thống của con cháu trong gia đình…

Nhưng  phần đông  đọc hay hát kinh trên bằng môi bằng miệng, có khi như thói quen lâu đời truyền lại cách máy móc, mà lòng trí thì ở đâu đâu. Do vậy, với không ít người Công Giáo, Thánh Thần là Ngôi Vị Thiên Chúa bị bỏ quên, ít được chủ tâm chú ý, cùng  được tôn thờ cách xứng đáng. Trong khi Thánh Thần lại là chính nguồn năng lượng như “nguyên tử lực”  của mọi sinh hoạt tinh thần  trong Kitô Giáo.

Chúa Nhật nầy 05.06.22 với Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống kết thúc mùa Phục Sinh. Phụng Vụ thánh của Giáo hội Công Giáo dành riêng để vinh danh vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong việc tiếp tục và hoàn tất chương trình cứu rỗi nhân loại mà Thiên Chúa đã vẽ lộ đồ từ ngàn năm trước .

Kính nguyện Chúa Thánh Thần, cực Thánh Ngôi Ba Thiên Chúa. Theo kinh Tin Kính của Công Đồng Nicê năm 325 “Người bởi Chúa Cha và Chúa con mà ra, Người cùng được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”. 

Thêm nữa, đức tin Kitô giáo dạy Chúa Thánh Thần là một Ngôi Vị cùng một bản thể và quyền năng trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Người còn được tôn thờ qua nhiều danh hiệu khác: Thần Khí, Đấng An Ủi, Cố Vấn Tối Cao, Thần Linh Sáng Tạo, Đấng Thánh Hóa, Đấng Phù Trợ …

Vậy ta cùng đọc chính những dòng Lời Chúa bên dưới cùng xin Thánh Thần là Tác Giả Chính của Thánh Kinh thêm soi sáng những lẽ huyền nhiệm của Đạo Thánh Chúa.

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 1-11“Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: “Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!” [Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: “Thế này nghĩa là gì?” Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: “Họ đầy rượu rồi”

 BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13 “Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến,

Không ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa” mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Đấng làm mọi sự trong mọi người.

Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích. Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

PHÚC ÂM: Ga 20, 19-23 “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con!

 Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Đôi Dòng Ghi Chú Và Tâm Tình

Bài đọc I, Sách Tông Đồ Công Vụ của Thánh Luca tường thuật  Thánh Thần hiện xuống qua hai dấu chỉ tiếng gió và hình lưỡi lửa đậu trên những người tụ họp một nơi vào ngày Lễ Ngũ Tuần. 

Lễ Ngũ Tuần là để kỷ niệm hai sự kiện lớn trong lịch sử Cựu Ước. Một là đánh dấu kết thúc thu hoạch mùa màng cho sự sống còn (Xh 23: 16). Hai là khi Do Thái có vương triều và thủ đô,  Lễ Ngũ Tuần cũng để tưởng nhớ Lễ Vượt Qua và Giao Ước Si-nai Thiên Chúa ban hành lề luật và ký kết giao ước với dân. Thời Tân Ưóc, Thiên Chúa cũng dùng ngày Lễ Ngũ Tuần, để gởi Thánh Thần cho các Tông Đồ và những người tụ họp, đại diện nhân loại, khai sáng Giáo Hội là nước Chúa, cũng là dân mới của Người.

Kế đến là Lưỡi Lửa: Lưỡi dùng để nói thành lời. Và lời hay ngôn ngữ là món quà đặc biệt Thiên Chúa ban cho loài người để truyền thừa và giao tế.

 Lửa mang đặc tính soi sáng tâm trí khỏi sai lầm mà nhận ra chân lý là Thiên Chúa cùng với Lời của Người. Lửa còn mang đặc tính nóng  sốt hun đúc tâm hồn con người mộ mến  Thiên Chúa.  Xin đốt lòng chúng con trở nên yêu mến Chúa.

 “Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư?” cho thấy dân Giuđê miền Nam Do Thái và Thủ Đô Giêrusalem tự cho mình cao cả về kiến thức đạo và đời.

Họ coi thấp người những nơi khác. Nhưng Thánh Thần đã thực hiện việc kỳ diệu nơi những Tông Đồ tầm thường qua phép lạ chuyển đổi chỉ một ngôn ngữ từ tiếng Aram của dân chài cá – coi như đạo Chúa duy nhất – thành hàng chục ngôn ngữ của những người hiện diện – trong dị biệt –  để loan báo những kỳ công của Thiên Chúa.

Sự kiện trên nầy cho thấy Thánh Thần sẽ thu nhận mọi người vào Giáo Hội Chúa kể cả kẻ ngoại đạo Rôma thuộc  giai cấp thống trị. Còn con,   có ỷ mình là “đạo dòng” trong, chỉ theo chủ nghĩa loại trừ  “người ngoại” mà conthường coi rẽ?

Câu kết cắt ngang của bài đọc I  “Họ đầy rượu rồi” (họ say bứ rồi, họ say khước rồi, họ xỉn rượu rồi) làm cho người thời nay  khó hiểu? 

Xin thưa, trước những phép lạ kỳ diệu của Thánh Thần vẫn có kẻ cố tình đánh lạc hướng từ lành thành dữ. Nhưng đọc thêm câu 15  thì thấy “Những người nầy không  say rượu như anh em nghĩ vì mới giờ thứ ba” là 9:00 sáng.

Lý do, Do Thái là xứ khô cằn núi đồi sỏi đá, nên sinh hoạt vui chơi ăn uống – không như nhiều nước ngày nay nhậu bất cứ lúc nào – chủ yếu ban chiều khi mặt trời gần lặn. Nên thắc mắc trên thật là có ác ý với các tông đồ hôm ấy!

Mừng lễ Chúa Thánh Thần năm nay, con có được Ngài hiện diện tác động cách nào ít nhiều?  Có giúp con thay đổi cách sống từ xấu ra tốt hơn không?

Qua Bài Phúc Âm,

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ Nhất trong tuần:  từ nay, ngày thứ Nhất được gọi là Chúa Nhật để kỷ niệm mầu nhiệm Phục Sinh. Nên con dân mới của Chúa tập hợp lại tôn thờ Chúa trong Thánh Lễ,  đưa mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu năm xưa về với hiện tại mọi nơi mọi thời.

Chúa Giêsu  xuất hiện và ban bình an trong tình trạng các cửa đều đóng kín. Đây là bình an thật trong tâm hồn dù trong gian khó,  khi có Chúa ở cùng, giúp thêm can đảm làm chứng cho Chúa trong giai đoạn mới.

Chúa Giêsu với những dấu thương tích trên mình, là bằng chứng sự hi sinh vô bờ bến khi đến trần gian.  Người  lại sai các môn đệ tiếp tục sứ mệnh  của Người. Cùng lúc Người   trao Thánh Linh, bằng cách thổi hơi, với quyền tha tội cho các Tông đồ, để hổ trợ các ông chu toàn sứ mệnh.

Mở lại Thánh Kinh, ngay câu đầu của Sách Khởi Nguyên “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, bóng tối bao trùm vực thẩm, và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”.

Theo nhiều nhà chú giải, Thần Khí còn là hơi thở, là sự sống của Thiên Chúa bay lượn, để biến đống hổn mang chi sơ, thành vũ trụ xinh đẹp. Rồi mới liệt kê chi tiết: ngày thứ nhất Thiên Chúa đựng nên ánh sáng, các ngày kế tuần tự dựng các thứ khác. Và ngày thứ sáu, quan trọng nhất, dựng nên con người cũng thổi hơi sự sống –  Thần Khí – cho Ađam (St 1: 1-21).

Bài Phúc Âm trên còn  nói lên yếu tố quan trọng nhất là Chúa Giêsu đã trao Thánh Thần và bình an cho các môn đệ trong căn nhà đóng kín cửa vì sợ người Do Thái. Coi như đây là giai đoạn sơ bộ, Chúa thiết lập nền tảng cần thiết cho việc “thành sự”  của Hội Thánh. Rồi phải chờ đến Lễ Ngũ Tuần, Thần Khí Chúa  lại đến qua làn gió mạnh và lưỡi lửa, coi như dấu ấn ơn Chúa Thánh Thần,  làm cho  Hội Thánh nầy thành “hợp pháp”. Từ đó, kết quả là các Tông Đồ trở nên can đảm công khai ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa trước nhiều người Do Thái nói hàng chục ngôn ngữ từ những phương trời chung quanh tề tựu về Giêrusalem dịp Lễ Ngũ Tuần năm đó.

Trở lại  bài đọc 2 hôm nay, dạy những giáo huấn đặc biệt của Thánh Phaolô.

Trước hết, tài năng mình có được, là món quà của Thánh Thần ban cho. Nên khiêm tốn mà dùng đặc sủng nầy, để phục vụ nhau, mà thánh hóa chính mình, cùng giúp  những người nhờ duyên lành gặp được, nên thánh chung với mình.

 Xin lập lại, “Thánh” với mình trước tiên, nhắm mục tiêu nhỏ mọn khiêm tốn, là tu sửa, tốt dần lên.

 Hai là chấp nhận giới hạn của mình mà chung vui,  khi thấy Thánh Thần ban cho người khác những tài năng cao trọng hơn mình. Vì tất cả đều nằm chung trong guồng máy phục vụ mà Thánh Thần là nguồn gốc mọi ơn sủng.

Ba là “Tri túc tiện túc” ở đây là nhận biết Chúa dẫn mình trên đường ơn gọi nầy, mà có khi mình không cố ý lựa chọn, như Tiên Tri Ôsê, Giona. Nhưng chấp nhận đó là thánh ý huyền diệu của Chúa, để cùng nhau xây dựng nước Chúa tại những nơi mình sinh sống.

Xin thánh Thần tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa và đốt lên lửa tình yêu trong tâm hồn chúng con.

Xin Dâng lời cầu.

Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha gởi Thánh Thần đến để nhắc nhớ cho các tông đồ những điều Chúa Giêsu đã giảng dạy.

Xin đổ đầy  Thánh Thần trên những vị mục tử  tinh thần, để giúp Hội Thánh Chúa vượt qua những khó khăn phiền phức trong thế giới hôm nay.

Xin Chúa Thánh Thần chuyển đổi những quyền lực trần thế thành  công cụ bình an,  cho nhân loại thoát khỏi mọi đao binh chinh chiến.

Xin Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con, giúp chúng con hoàn thành sứ mệnh “tự giác” từng bước, để rồi cũng “giác tha” theo luật bác ái yêu thương của Chúa.

 Xin Thánh Thần Chúa là nguồn tình yêu, cải tạo lại bộ mặt trái đất đầy bạo lực hận thù, thành nhân ái yêu thương,

Xin Thánh Thần Chúa giúp cho mỗi người trong họ đạo chúng con, thực hành ít nhiều giới luật yêu thương mà Chúa  răn dạy  cho mọi người.

Xin Thánh Thần Chúa đổ đầy lòng trí chúng con, biến đổi chúng con nên những tông đồ nhiệt thành của nước Chúa.   Amen.