Mừng Ngân Khánh Linh Mục Cha Phêrô Nguyễn Minh Văn

print

Mừng Ngân Khánh Linh Mục

Cha Phêrô Nguyễn Minh Văn

Hôm nay vào lúc 9h30, ngày 17/4/2021 cộng đoàn Họ đạo Trà Rằm, hạt Trà Lồng, hân hoan mừng lễ kỷ niệm 25 năm Linh mục của Cha Pr.  Nguyễn Minh Văn. Cùng hiệp thông với Cha Phêrô Văn trong thánh lễ Tạ ơn hôm nay có sự hiện diện gần 60 cha trong và ngoài giáo phận. Đồng thời, có sự hiện diện đông đảo của bà con giáo dân các Họ đạo mà Cha đã từng phục vụ. Cũng như quý thân nhân, ân nhân của Cha Phêrô đã về cùng hiệp thông và chia sẻ với Cha.

Với 66 năm cuộc đời, 53 năm hành trình tận hiến, 25 năm trong đời Linh mục, cha đã cống hiến trọn tấm lòng của người mục tử cho đoàn chiên.  

25 năm đời người Linh mục với biết bao thăng trầm của cuộc sống, 25 năm Linh mục cũng là mốc thời gian quan trọng để tạ ơn những ân huệ cao vời mà Chúa đã thương ban, để tri ân Giáo hội, Giáo phận qua các bậc tiền nhân, thân nhân, ân nhân, đồng thời hướng về hiện tại với niềm vui và bình an, hướng tới tương lai với niềm tin và xác tín rằng, ân sủng của Thiên Chúa sẽ kiện toàn những khao khát cho đời thánh hiến.

Suốt 25 năm qua, Cha sở Phêrô đã giữ vững vai trò người linh mục được Chúa sai đi, vượt qua những gian nan thử thách của đời mục vụ. Cuộc đời dâng hiến và phục vụ đoàn chiên Chúa lắm lúc khiến người Linh mục đã phải gieo trong lệ sầu, nhưng ngày hôm nay Cha đã gặt hái được niềm hân hoan. 25 năm đã trôi qua nhưng những dấu ấn và bước ngoặt quan trọng ấy vẫn còn đọng lại trong tâm trí Cha, ghi dấu chặng đường ơn gọi trong ân sủng của Thiên Chúa. Đó như một hành trình của những hy sinh cùng với nỗi ưu tư, khắc khoải của một đời người linh mục. Mặc dù 25 năm không phải là một thời gian dài đối với đời người, nhưng đó là thời gian không ngắn so với đời người linh mục sống đời thánh hiến cho Thiên Chúa và cho đàn chiên. Trải qua chặng đường 25 năm Linh mục, người linh mục của Chúa vẫn đóng vai trò là một vị mục tử nhân lành, luôn trung thành sống hết tình cho Thiên Chúa và hết mình cho đoàn chiên.

MVTT/Hạt Trà Lồng

Bài Giảng Thánh Lễ của Cha Vinc. Võ Văn Thọ (Nhạc sĩ Thái Nguyên)

“Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Đó là câu trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay, và cũng chính là câu cha Phêrô Nguyễn Minh Văn cũng đã chọn để làm kim chỉ nam cho đời linh mục của mình.

“Ở lại trong nhau” là ngôn ngữ của tình yêu, đã đạt tới sự hợp nhất. Yêu nhau nên người ta khao khát ở lại trong nhau, nên một với nhau, để sống trọn vẹn cho nhau. Chắc chắn vì đã được đánh động bởi lời mời gọi tha thiết này của Chúa Giêsu, nên cha Phêrô đã chọn để sống sứ vụ linh mục của mình. Thế nhưng tình yêu là một tiến trình trải nghiệm gian nan nhất, có khi rơi vào tình trạng khổ sở và cay đắng nhất. Nhìn ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta hiểu điều đó, muốn yêu thương phải chấp nhận đau thương. Chúng ta không gặp tình yêu trong tình trạng đã tốt đẹp và có sẵn để mà hưởng, nhưng phải tu tập và làm tăng trưởng mãi để ngày càng có thể nếm cảm hạnh phúc sâu xa hơn với Chúa, cũng là cách thế tốt nhất để minh chứng cho tình yêu Chúa. 

Thật vậy, hành trình 25 năm Linh mục là một chặng đường dài với biết bao gian nan thử thách và lao nhọc. Điều này rất đặc biệt với cha Phêrô, một con người từng trải qua bao cảnh đời trôi nổi, nhưng vẫn trì chí trên con đường dâng hiến, chẳng khác nào như “đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt” để yêu hơn và sẵn sàng dâng hiến nhiều hơn. Để có tâm tình tạ ơn Chúa một cách sâu xa cùng với cha Phêrô, chúng ta cùng nhau nhìn về dĩ vãng của cha đôi chút, không phải để thấy những gì cha đã làm cho Chúa mà là những gì Chúa đã làm nơi cha.    

Cha đã viết lên trang nhật ký như sau: Quê tôi ở Mỹ Phước, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn, ruộng lúa thì nhiều chứ chữ nghĩa không được bao nhiêu. Ngay từ chín mười tuổi đã phải thức sớm ra đồng chăn trâu, đã tập điều khiển cho trâu cày bừa. Lầm than cực nhọc nhưng tôi vui vì thấy mình đã biết giúp đỡ cha mẹ. Đến năm 11 tuổi tôi học hết lớp ba trường làng, thì có người bạn rủ tôi xuống Trà Lồng học tiếp. Được cha mẹ đồng ý, tôi đã khăn gói lên đường cùng bạn xuống Trà Lồng học lớp bốn năm 1966. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng thì người bạn này bị bệnh nặng và qua đời. Bấy giờ tôi chới với, hụt hẫng giữa xứ lạ quê người, tưởng phải bỏ cuộc. Nhưng may nhờ  học trường bà phước, được các soeur động viên nâng đỡ và còn gợi ý đi tu, nên tôi phải ráng học. Mỗi sáng thứ hai đầu tuần, tôi được bà chị thứ hai chèo xuồng đưa tôi xuống Trà Lồng học rồi chiều thứ bảy lại đón về. Tôi phải ở trọ, nhiều khi tự nấu ăn, rất vất vả. Mới 11 tuổi mà phải xa nhà sống tự lập, bị ăn hiếp và bị trêu chọc đủ điều. Hết năm học này tôi đã làm đơn xin đi tu, tôi thi tuyển vào tiểu Chủng viện Á Thánh Quí Cái Răng, nhưng đã thi rớt năm đó. Không nản chí, tôi tiếp tục học lại lớp năm rồi đi thi lại, và đã đậu năm 68, vừa tròn 12 tuổi, cũng là kết thúc giai đoạn thời thơ ấu.

Bây giờ thì tôi xin chen vào tâm sự của tôi một chút. Sở dĩ cha Văn nhờ tôi chia sẻ hôm nay là vì hai anh em đồng lớp, đồng tuổi, có nhiều cái đồng tình, đồng cảm, và nhất là đồng cảnh. Năm 11 tuổi tôi cũng từng đi chăn trâu, học hết trường làng nên sau đó phải đi học trọ rất xa, cũng được bà phước gợi ý đi tu. Năm 68 là năm Mậu thân, giặc giã khắp nơi, cũng là năm tôi thi tuyển vào Chủng viện cùng với cha Văn, có 41 người được tuyển chọn, năm sau tuyển thêm cho đủ số một lớp là 60.

Sau đó khoảng hơn một tháng thì tựu trường, cha Phêrô ghi trong nhật ký như sau: Ngày tựu trường cũng lại được bà chị hai dẫn đi tới Chủng viện. Mọi sự đều mới, tôi vừa vui vừa buồn vừa nhớ nhà muốn khóc, nhất là sau những lúc ngủ trưa thức dậy, đứng bên cửa sổ mà nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều, chỉ muốn về nhà sống cuộc sống bình thường, chí thú với việc chăn trâu và cắm câu mà thôi.

Bản thân tôi cũng như cha Văn, lúc đi thì háo hức, nhưng được vài ngày thì chán, may nhờ có vui chơi đá banh vào mỗi chiều nên cũng quen dần. Nhất là năm sau đó được học võ Teawondo và Judo mỗi chiều. Tôi và cha Văn lại mê võ như điếu đổ, nên học cả hai môn. Học võ mỗi ngày cao cấp hơn nên phải song đấu liên tục, ai cũng ngán cha Văn, vì xương khớp ngài cứng khừ. Có lẽ nhờ ở nhà quê chú bé này luôn dang nắng ngoài đồng, tắm nước phèn và ăn nhiều nước mắm, nên quá rắn rỏi, đồng thời với nước da ngăm ngăm, nên chúng tôi đặt cho anh chàng này là “Năm Đen”.  

Thế rồi ngày tháng tu trì tiếp diễn. Vì nằm trong thời chiến nên lớp chúng tôi có nhiều biến cố gay go, bất ổn, rất khó khăn và căng thẳng, không thể kể ra đây. Sau năm 75, lớp chúng tôi được tuyển chọn lại còn khoảng 15 người, và đổ dồn về ở Trà Cú. Đó là những năm lao động làm đủ thứ như làm đáy, chài lưới, làm ruộng, trồng mía, trồng rau cải, nuôi heo, gà, dê. Năm đó chúng tôi khoảng 20 tuổi, thầy Văn lúc đó lại trở về với những nghề quen thuộc của ngày xưa, tuy nhiên đã là thư sinh lâu rồi, nên chúng tôi phải chịu nhiều vất vả và thiếu thốn. Sau đó vài năm, chúng tôi được thuyên chuyển mỗi người một nơi, ai cũng xất bất xang bang, chịu nhiều cơ cực, nhất là những năm thời bao cấp.

Theo dòng thời gian, lớp chúng tôi 60 chủng sinh cho đến ngày làm linh mục chỉ còn 6 người, mà lại chịu chức đến 5 lượt. Trước nhất là cha Trịnh và cha Nam, tiếp đó là cha Điệp, đến cha Văn hôm nay, rồi đến tôi và tiếp là cha Ghi. Chúng tôi chịu chức cũng xấp xỉ trên dưới 40 tuổi, là những con người gan lì trong ơn gọi, đã được dùi mài trong thời gian lâu dài, qua những hoàn cảnh ngặt nghèo. Đúng là “thép đã tôi thế đấy”: tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn người Nga: Nikolai Ostrovsky, nói về ý chí lớn lao của những con người làm cách mạng, nhưng đây không phải là cách mạng xã hội mà là cách mạng bản thân để phụng sự Chúa.

Và như vậy, hôm nay cha Phêrô đã vượt qua một chặng đường dài gồm 7 năm Tiểu chủng sinh, 21 năm làm thầy, và 25 năm linh mục. Cả thảy là 53 năm dâng hiến, kể thêm 13 năm đầu đời mà Chúa chuẩn bị cho cha nữa là 65 năm. Cha đã lần lượt thuyên chuyển qua các họ đạo và ghi nhiều dấu ấn tại đó như: Trà Cú, Tân Lộc, Đường Láng, Đại hải, Bắc Hải và nay là Trà Rằm.

Chúng tôi đã sống chung với nhau từ 12 tuổi, có nhiều thay đổi nơi một con người, nhưng với cha Phêrô đây, ngài vẫn giữ được khuôn mặt dễ thương, với khí chất cương nghị và mạnh mẽ của con nhà Võ; với tính chất đơn sơ, chân thành, khiêm tốn của một nhà tu, nhưng đặc biệt là với trái tim đầy nhiệt huyết trong đời sống sứ vụ, say mê với việc truyền giáo. Ngài không tài ba, giỏi giang, làm nên những công trình lớn lao như bao người khác, nhưng phải chăng Chúa thích chọn và làm nên một con người như thế để thực hiện chương trình của Chúa: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại”. Có biết bao hoa trái mà Chúa đã làm ra nơi cha, nhưng có lẽ điều đó không quan trọng cho bằng cha nhận ra mình là người được Chúa yêu, để rồi suốt đời cha sống trong tâm tình đáp trả và cảm tạ, đó mới chính là niềm vui lớn nhất của đời tận hiến.

Những ngày còn lại của cuộc đời linh mục, trước mắt, chắc cha phải tiếp tục chiến đấu với bệnh tật, để phục vụ và dâng hiến nhiều hơn nữa. Mỗi giai đoạn có những thử thách riêng, nhưng với khao khát “ở lại trong tình yêu của Thầy”, chắc chắn cha sẽ sống cuộc đời dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và tha nhân, như một mục tử tốt lành. Đó cũng là điều mà chúng ta tiếp tục trợ lực và cầu nguyện cho cha, cách riêng trong thánh lễ này.