Nếu Đức Mẹ Hiện Ra Ở Việt Nam???

print

Góp ý của Đức Cha trong buổi hội thảo tĩnh tâm

Linh mục – Tu sĩ Trà lồng 08/05/2024

Nếu Đức Mẹ Hiện Ra Ở Việt Nam???

 Tổng kết những lần hiện ra  của Đức Mẹ, có lẽ hai nơi hiện ra nổi tiểng nhất là Fa ti ma và Lộ Đức. Tại Lộ Đức, khi Đức Mẹ hiện ra với cô bé chăn cừu 14 tuổi là Béc na đết, Đức Mẹ đã kêu mời mọi người hành hương đến Lộ Đức và trao cho Béc na đết sứ mạng kêu gọi mọi người cầu nguyện và đền tội. Khi hiện ra với ba trẻ chăn cừu Lu xi a, Phan xi cô và Gia xin ta, Đức Mẹ đã trao cho ba trẻ sứ điệp phải công bố cho thế giới bao gồm ba nội dung:

  • Lần chuỗi Mân côi.
  • Cải thiện đời sống.
  • Tôn sùng Mẫu tâm.

Ba nội dung này đã được khắp thế giới thực hiện, đặc biệt ở Việt nam trong tháng 5, tháng kính Đức Mẹ và tháng 10, tháng Mân côi.

Tuy nhiên, khắp đó đây, đặc biệt trong giáo phận Cần thơ chỉ có hai nội dung được thực hiện là việc lần chuỗi Mân côi và tôn sùng Mẫu tâm. Còn nội dung thứ ba thì còn nhiều chuyện phải bàn. Trong buổi tĩnh tâm linh mục của hạt Trà Lồng Đức Cha đã có một gợi ý: Nếu Đức Mẹ hiện ra ở Việt Nam, Đức Mẹ sẽ yêu cầu người Ki tô hữu làm gì? Dưới đây là một số đề nghị xuất phát từ buổi hội thảo tĩnh tâm:

  1. Một dì phước cho biết mỗi ngày dì thường lần hai chuỗi: một cầu cho người giáo dân biết vâng nghe lời chủ chăn, còn một thì cầu cho các bệnh nhân.
  2. Một ý kiến khác đề nghị mỗi khi lần chuỗi, cần xin Đức Mẹ được ơn hoán cải. Ơn hoán cải nhằm hai đối tượng: cá nhân linh mục, tu sĩ và các tội nhân. Đến đây vấn đề thảo luận có vẻ đi sát vào thực tế:
  3. Nơi cá nhân linh mục cần có những hoán cải nào? Thưa, cần hoán cải theo gương Đức Mẹ: Mẹ là một con người khiêm tồn “Này tôi là tôi tớ Chúa”, Mẹ luôn sẵn sàng thi hành ý muốn của Thiên Chúa; Mẹ còn là người luôn biết kính sợ Chúa “Xin hãy thành sự nơi tôi như lời sứ thần truyền”.
  4. Còn nơi người giáo dân thì cần có những hoán cải nào? Một đề nghị được đưa ra đó là cần hoàn cải để biết rộng lượng chia sẻ những gì mình có. Một thí dụ cụ thể được đưa ra: Một họ đạo giàu có ở cạnh một họ đạo nghèo. Họ giàu thì có ba cái chuông, họ nghèo thì không có cái nào. Khi họ nghèo xây được ngôi nhà thờ mới, xin họ giàu chia sẻ thì giáo dân nhất định không cho.
  5. Một đề nghị khác nhắm tới đối tượng là người giáo dân. Nhiều khi trong những sinh hoạt của họ đạo vẫn còn nhiều bất công xảy ra. Một thí dụ được đưa ra: Cha sở tổ chức một buổi tĩnh tâm mùa Chay. Sau buổi tĩnh tâm, cha tuyên bố có một ít bắp nấu làm quà cho bà con, mỗi người lấy một trái để làm quà. Tuy nhiên, chuyện xảy ra là những người đi  đầu thì lại lấy nhiều, kẻ đi sau thì không còn gì. Thế là xảy ra xung đột, phên bình, nói xấu, chia rẽ vì tật sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến  mình mà không nghĩ đến người khác.
  6. Một góp ý khác là nên cầu cho sự hoán cải trong sinh hoạt  thường ngày của người giáo dân, đặc biệt chú trọng đến hai tật xấu: chửi thề nói tục và  lỗi đức công bằng, đặc biệt trong giới buôn bán.

Kết thúc buổi hội thảo, Đức Cha đưa ra hai mẫu gương về sự quảng đại, sẵn sàng chia sẻ những gì mình có:

  1. Theo quy định của Tòa thánh, mỗi giáo phận khi quyên góp đồng tiền thánh Phê rô, thì phải gởi về cho Tòa thánh. Tuy nhiên, nếu giáo phận có nhu cầu, có thể giữ số tiền đó lại để phục vụ cho công ích giáo phận. Giáo phận Cần thơ tuy nghéo, nhưng Đức cha quyết định gởi đi tất cả chứ không giữ lại gì cả.
  2. Theo nhu cầu của Đại Chủng viện, hàng năm Tòa thánh có gởi môt só tiền để chi cho các sinh hoạt của Đại Chủng viện. Tuy nhiên, khi thấy nhiều nơi có nhu cầu cần sự giúp đỡ của Tòa thánh, các Đức Cha đã quyết định không xin Tòa thánh nữa, ba giáo phần sẽ cùng đóng góp để giúp cho nhu cầu của Chủng viện.

Kết thúc buổi hội thảo, các anh em linh mục và chị em tu sĩ đã ra đi khỏi phòng hội với một quyết tâm mới cho nhu cầu của bản thân cũng như người giáo dân trong mọi họ đạo: Cùng với việc lần chuỗi Mân côi, tôn sùng trái tim Mẹ, sẽ nỗ lực thực hiện việc hoán cải đời sống để nên chứng nhân cho Chúa Ki tô giữa lòng thế giới hôm nay./.