Ngày 10-08 : Thánh Laurensô

print

Thánh LAURENSÔ 

Phó Tế Tử Đạo (+258)
 
 

 

Thánh Laurensô là vị thánh tử đạo Rôma được biết đến nhiều nhất. Từ thế kỷ thứ IV, một mình ngài ngoài các thánh tông đồ, được kính nhớ với thánh lễ vọng. Sách nghi thức Đức Giáo Hoàng Lêô thế kỷ VI có không dưới 14 lễ kính ngài. Trời Trung Cổ đã có ít là 34 thánh đường ở Rôma dâng kính thánh nhân. Ngài là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Rôma.

 
Tại sao thánh Laurensô được tôn kính cách đặc biệt như vậy ? Thật khó mà trả lời được. Nhưng nếu bản tường thuật về cuộc tử đạo của ngài là đúng sự thật, câu trả lời ấy sẽ rõ rệt. Sau đây là tóm lược bản tường thuật ấy :
 
 
Là Tổng phó tế của thánh Xixtô, Laurensô gặp Đức Giáo Hoàng đang bị bắt giữ và trách ngài đã không cho mình được chia sẻ triều thiên tử đạo với ngài. Đức Giáo Hoàng hứa rằng trong vài ngày nữa, Laurensô sẽ được lãnh phúc tử đạo, đau đớn hơn nhiều. Ngài còn truyền cho vị Tổng phó tế của mình hãy phân phát tài sản Giáo hội cho người nghèo. Khi những lời này tới tai Hoàng đế Đêciô, ông truyền bắt giam Laurensô. Thánh nhân cải hóa được viên gác ngục Hippolytô. Bị điệu tới trước viên tổng trấn Valrianô, ngài được lệnh phải nhượng lại các tài sản của Giáo hội. Được dành cho ba ngày để thâu thập của cải, ngài đã mang tất cả tài sản phân phát cho kẻ nghèo. Hết hạn ngài dẫn họ tới trình với tổng trấn Valêrianô, như là tài sản của Giáo hội. Viên tổng trấn nổi giận, buộc thánh nhân phải dâng lễ tiến các thần minh. 
 
 
Từ khước, thánh nhân phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ. Trên giường chết lạ lùng này, ngài còn chế nhạo Dêciô, người đích thân ngồi ghế chánh án rằng :  
– Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà ăn.
 
 
Bản tường thuật khó tin nổi. Tác giả đã lẫn lộn hai vị hoàng đế Dêciô và Valêrianô khi coi ông này là tổng trấn dưới quyền ông kia. Hơn nữa, Đức Xixtô không bị xử mà bị chặt đầu khi bị giam. 
 
 
Một cách tổng quát, người ta công nhận rằng : thánh Laurensô là một trong bảy vị phó tế của Đức Xixtô và chịu tử đạo vào năm 158. Nhưng nếu ngài chỉ bị chặt đầu như các bạn thì chắc không đủ lý do để được tôn kính đặc biệt như vậy. 
 
 
Trích : Theo Vết Chân Người, Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý
 
***
 
Thánh Laurensô Phó tế tử đạo
* LỊCH SỬ
 
Chúng ta đã thấy, ngày 7.8 Đức Giáo Hoàng Sixtus II bị chặt đầu trong hang toại đạo đang khi dâng thánh lễ, và cùng với ngài người ta cũng chặt đầu thêm 4 thầy phó tế đang vây quanh ngài, trừ Lô-ren-xô.
 
Thầy phó tế này là người quản lý tài sản của Giáo Hội Rôma. Người ta cho thời hạn 4 ngày để đem nộp tất cả cho nhà Nước.
 
Theo truyền thuyết, sau thời hạn 4 ngày, Lô-ren-xô đến toà án cùng với một đám đông dân nghèo của thành phố La Mã, ngài nói với quan toà : “Này, đây là tài sản của Hội Thánh ; hãy nói với hoàng đế, ráng gìn giữ cho cẩn thận, vì chúng tôi không còn có mặt ở đây để gìn giữ nữa.” Người ta bắt trói ngài, quăng lên giường sắt, thiêu lửa riu riu, nhưng nhờ ơn của Chúa ngài không cảm thấy gì cả. Sau một thời gian dài, ngài nói với lý hình : “Lưng của tôi chín rồi ; phải lật qua bụng thôi ! Nếu như hoàng đế muốn có một miếng thịt chín để ăn cho ngon !” Và ngài đã chết trong khi cầu nguyện.
 
Hạnh các Thánh Tử Đạo tường trình cuộc tử đạo của Lô-ren-xô thật phấn khởi, đượm chút mỉa mai với nét vui tươi của thánh nhân. Chính nét vui tươi can đảm này làm cho Giáo Hội Rôma tin tưởng vào Đức Kitô và phấn khởi lạc quan, không còn sợ những thói dã man của hoàng đế, đồng thời cũng thấy trước ngày tàn của ngoại giáo ; nên tất cả giáo dân ở Rôma rất kính trọng Thánh Lô-ren-xô. Đại thánh đường được xây dựng ngay trên mộ ngài ở đường Tiburtina là một trong 7 đại giáo đường ở Rôma.
 
Từ thế kỷ thứ IV thánh lễ này được mừng long trọng ngang hàng với lễ thánh Phê rô và Phaolô. Cùng với hai Thánh Tông Đồ này, Thánh Lô-ren-xô được xem như thánh quan thầy của thành phố Rôma. Ngay ở thời Trung cổ, có tất cả 34 thánh đường mang tên ngài trong thành phố này ; và cả Âu Châu gần như nơi nào cũng có Xương Thánh hay di tích giường sắt tử hình của Thánh Lô-ren-xô.
 
Ngày nay thánh Lô-ren-xô được xem như Thánh quan thầy của người nghèo, vì ngài đã chăm sóc và tôn trọng họ như “kho tàng của Hội Thánh”. Ngài cũng là thánh quan thầy của các quản thủ thư viện, của phòng cháy chữa cháy, của những nghề đụng tới lửa, chỉ vì ngài bị thiêu trên giường sắt nung đỏ.
 
 
(Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)