Nghèo đói – Nói với chính mình + Giám Mục Gb. Bùi Tuần

print

Nghèo đói

Có lúc tôi có cảm tưởng như nghèo đói là một luật lệ của thân phận gia đình tôi.
Từ nhỏ cho tới bây giờ, tôi chưa bao giờ được thấy gia đình sung túc. May mà chưa có ai phải chết đói. Nhưng không chết đói không có nghĩa là đã đủ ăn. Mà dù có lúc nói được là đủ ăn, thì thứ đủ ăn đó cũng chỉ là thứ đủ ăn của kẻ nghèo, nghĩa là ăn đủ no chứ không ăn đủ sức. Đủ cơm ăn nhưng không đủ áo mặc, đủ gạo ăn nhưng không đủ nhà ở, đủ đồ ăn nhưng không đủ tiền mua thuốc và cho trẻ em đi học.

Thú vật chỉ cần no là đủ.
Con người no mà vẫn có thể nghèo thê thảm.
Con thú no là đã đạt được kiếp thú.
Con người no nhưng nghèo túng vẫn không thể sống cho ra kiếp người. Phương chi lại vừa đói vừa nghèo.
Kẻ nghèo thường phải mất mát nhiều quá, mất sự kính nể, mất bạn bè, có khi mất cả nhân phẩm, niềm tin và hy vọng.

Nhìn sang các gia đình chung quanh, tôi thấy cũng hơn kém như thế. Thì ra cảnh nghèo là một thứ quê hương chung của đa số đồng bào tôi.
Muốn an ủi mình và những kẻ cùng trong thân phận nghèo, có lúc tôi muốn lượm lặt tất cả những lời người ta đã nói tốt về cảnh nghèo, để đúc nên một bài ca tán tụng thân phận nghèo đói.
Nhưng tôi không làm được. Vì cảnh nghèo đói hầu như chẳng được ai tán thưởng. Cũng có ít người tỏ vẻ muốn khen, nhưng khổ nỗi là họ lại chẳng bao giờ đã muốn, đã dám và đã thực sự phải sống nghèo. Vì thế, lời họ khen đã trở thành mỉa mai và mang màu đạo đức giả tạo.

Còn Chúa Giêsu thì có bao giờ Ngài đã khuyến khích cảnh nghèo đói đâu. Trái lại Ngài tỏ ý muốn mọi người được sống đầy đủ. Chẳng thế mà Ngài đã dạy ta “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”. Lương thực hằng ngày ở đây được hiểu về tất cả những sự cần ích cho cuộc sống vật chất và tinh thần.
Nên Chúa có lần đã nói: “Phúc cho kẻ nghèo khó trong tinh thần”, thì đó không phải là sự cổ võ cảnh nghèo đói, nhưng chỉ là một lời khuyên nhủ mọi người, dù nghèo dù giàu, nên có tinh thần dứt bỏ với của cải.

Mặc dầu Chúa không xuống thế vì mục đích giải quyết vấn đề cơm áo cho nhân loại, nhưng không vì thế mà Chúa không quan tâm đến thân phận kẻ nghèo. Trong số hơn 40 phép lạ được kể trong Phúc Âm, có bao nhiêu phép lạ Chúa đã làm cho kẻ nghèo và vì kẻ nghèo.

Đạo Chúa dạy tôi phải làm theo Chúa và giữ luật Chúa. Bổn phận đối với kẻ nghèo thì Chúa đã nêu lên nhiều gương đáng sợ, và ra nhiều luật quyết liệt. Như gương người giàu có và người ăn mày tên Ladarô. Như gương Chúa sẽ đối xử với người ta trong ngày phán xét căn cứ vào thái độ đối với kẻ nghèo. Như luật đã ghi trong kinh Mười bốn mối thương xót.

Nghĩ tới đây, tôi thấy lương tâm tôi áy náy vô cùng.
Bao lần tôi đã không quan tâm đến cảnh nghèo của người khác. Bao lần tôi đã vô tâm xài phí tiền bạc bên cạnh những người đói khổ. Bao lần tôi đã nhẫn tâm khinh miệt hắt hủi những kẻ rách rưới, nghèo nàn, bao lần tôi đã lên mặt đạo đức giả, gán cho kẻ nghèo những ý nghĩ xấu, chỉ vì họ quá nghèo đến nài van tôi giúp đỡ.

Lạy Chúa, con đã gặp kẻ nghèo hay con đã gặp Chúa? Có phải họ, hay là Chúa đó? Đúng là con đã gặp họ, nhưng cũng đúng là con đã gặp Chúa. Vì Chúa kể việc con làm cho kẻ nghèo như việc con làm cho chính Chúa. Đến ngày phán xét, Chúa sẽ tính tất cả, lúc đó, con biết ăn nói làm sao đây? Lạy Chúa, nếu Chúa căn cứ vào thái độ của con đối với kẻ nghèo để đánh giá con, thì con khó thấy có hy vọng được chọn.
Lạy Chúa, xin giúp con biết thành tâm xét kỹ lại thái độ của con đối với kẻ nghèo