Nhân đọc “Kim chỉ nam về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ: Nguyên tắc và định hướng”

print

Nhân đọc “Kim chỉ nam về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ:

Nguyên tắc và định hướng”

Tác giả: Antôn Uông Đại Bằng

WHĐ (30.6.2021) – Trong các văn kiện của Công đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium là văn kiện trình bày huấn giáo về Phụng vụ thánh, đồng thời đề cập đến lòng đạo đức bình dân.

Phụng vụ thánh chính là “việc cử hành các mầu nhiệm thánh, trước hết là việc chúc tụng quyền uy tối thượng của Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi, và đấy là cách diễn đạt mà chính Thiên Chúa mong muốn. Qua việc cử hành này, với tư cách cá nhân hay cộng đoàn, con người trình diện trước Thiên Chúa để cảm tạ Ngài, với ý thức rằng họ không thể nào tìm được sự viên mãn nếu không chúc tụng Ngài và không chu toàn thánh ý Ngài, trong công cuộc liên lỉ tìm kiếm Triều Đại đã bắt đầu hiện thực, nhưng sẽ hoàn tất viên mãn vào ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu” (x. Sứ điệp của Đức Gioan Phaolô II gửi Hội nghị khoáng đại bộ Phụng Tự & Kỷ luật Bí tích ngày 21/9/2001). Cho nên Phụng vụ thánh được xem là việc thực thi chức năng tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, và việc phụng tự công cộng toàn vẹn cũng được thực thi bởi Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là bởi Đầu cùng với các chi thể, và vì thế tất cả các cử hành Phụng vụ đều là hành vi linh thánh trổi vượt, không một hành vi nào khác của Giáo hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp (x. SC 7).

Tuy nhiên, Công đồng cũng xác nhận: “Đời sống thiêng liêng không chỉ hạn hẹp trong việc tham dự Phụng vụ thánh (x. SC 12) mà cũng còn được nuôi dưỡng bằng những việc đạo đức của dân Chúa mà, nếu thích hợp với các lề luật và quy tắc của Giáo hội, vẫn luôn được Giáo hội khuyến khích, nhất là khi thực hành theo chỉ thị của Tòa thánh. Những thực hành mang tính thánh thiêng của các Giáo hội địa phương cũng được đặc biệt tôn trọng, khi được thi hành theo các chỉ thị của giám mục, hợp với tập tục hoặc những bản văn đã được chính thức phê chuẩn (x. SC 13). Tất cả những tâm tình yêu mến Thiên Chúa làm phát sinh ra những việc đạo đức như thế được gọi là lòng đạo đức bình dân – cụm từ này, nếu không được giải thích cặn kẽ có thể đưa đến những cách hiểu sai lạc, vì trong ngôn ngữ thông thường, hạn từ “bình dân” nhiều khi hàm chứa một tính cách tầm thường, thấp kém, có thể bị khinh thường, bị coi như ít giá trị – như trong các cụm từ: tâm lý bình dân, quán ăn bình dân, hàng hóa bình dân, giá cả bình dân v. v…

Lòng đạo đức bình dân, trong ngôn ngữ của Giáo hội chính là lòng đạo đức của một quần chúng Kitô giáo trong một quy mô nào đó. Theo Đức Gioan Phaolô II, cũng trong sứ điệp nói trên, “lòng đạo đức bình dân chính là cách biểu lộ đức tin nhờ những yếu tố văn hóa của môi trường cụ thể, qua việc diễn tả và khơi gợi một cách mạnh mẽ và hữu hiệu tình cảm của những ai cùng sống trong môi trường đó. Lòng đạo đức bình dân được diễn tả qua những hình thức đa dạng và tiềm tàng, bắt nguồn từ chính đức tin khi là thành khẩn và do đó, cần phải được khuyến khích. Trong những biểu hiện chân chính nhất, lòng đạo đức này không đối nghịch với đặc tính trung tâm của Phụng vụ thánh”.

Chính vì thế, năm 2001, tức là ba mươi sáu năm sau khi Công đồng kết thúc, để thực thi Hiến chế Sacrosanctum Concilium trong việc cổ võ việc đào sâu đời sống Phụng vụ trong Giáo hội, bộ Phụng vụ và Kỷ luật Bí tích đã tổ chức một Hội nghị khoáng đại từ ngày 26 đến 28 tháng 9 mà chủ đề trung tâm lại là “Lòng Đạo Đức Bình Dân”. Chính trong Hội nghị này, những yêu cầu và đề nghị của các chủ chăn gửi về bộ trong nhiều năm trước về các cử hành phụng tự, đã được nghiên cứu, đúc kết và được Đức Gioan Phaolô II phê chuẩn ngày 17 tháng 12 năm 2001, dưới tựa đề: “Chỉ nam về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ. Nguyên tắc và định hướng”.

Nội dung tổng quát cuốn sách như sau:

Nhập Đề

Phần I : Những đặc tính chính yếu được xác định do lịch sử, huấn quyền và thần học.

Chương I: Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân dưới ánh sáng của lịch sử.

Chương II: Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân trong Huấn quyền Giáo hội.

Chương III: Nguyên tắc thần học để lượng giá và canh tân lòng đạo đức bình dân.

Phần II : Những định hướng nhằm tạo sự hài hòa giữa lòng đạo đức bình dân với phụng vụ.

Chương IV: Năm phụng vụ và lòng đạo đức bình dân.

Chương V: Sự sùng kính đối với Mẹ Thánh của Chúa.

Chương VI: Việc tôn kính các thánh và các chân phúc.

Chương VII: Chuyển cầu cho những người quá cố.

Chương VIII: Các Đền thánh và các cuộc Hành hương.

Kết Luận.

Nhận thấy tầm quan trọng và lợi ích lớn lao của bộ đôi sinh tử của đời sống Kitô hữu – lòng đạo đức bình dân và phụng vụ – đã được trình bày trong cuốn sách quý giá này, trong khuôn khổ hạn hẹp của số báo này, chúng tôi chỉ xin lược qua phần Nhập đề và chương I của cuốn sách, để những ai chưa có cơ hội tiếp cận cuốn sách có thể tăng thêm nhận thức cần thiết và bổ ích về vấn đề, và có thể nhân đó tham khảo theo nhu cầu, hoặc học hỏi, khai thác toàn bộ cuốn sách này.

Phần Nhập đề với hai mươi mốt tiểu mục, giới thiệu tuy tổng quát nhưng không kém kỹ lưỡng nội dung cuốn sách để người đọc có thể dễ dàng nắm ngay được toàn bộ vấn đề sẽ được trình bày.

Trước hết, ta thấy mục đích của cuốn sách là nhằm bảo đảm cho việc tăng trưởng và phát huy của phụng vụ, đồng thời cũng muốn làm sao cho mọi người không thờ ơ đối với các hình thức đạo đức khác của dân Chúa. Nhất là từ sau Công đồng Vatican II, tình trạng lòng đạo đức bình dân của Kitô hữu mang nhiều hình thức khác nhau tùy theo đất nước và các truyền thống bản địa, do đó thái độ Giáo hội mong muốn chúng ta phải có là: (1) bảo vệ những mặt phong phú của lòng đạo đức bình dân vốn biểu hiện cho cảm thức đạo đức sâu sắc và chín chắn của tín hữu trong một không gian và một thời điểm nhất định; (2) tinh luyện những điều hàm hồ và cảnh giác đối với những nguy cơ của chủ nghĩa hỗn tạp; (3) đề kháng và phản ứng đối với thứ văn hóa kỹ thuật thực dụng và chủ nghĩa vụ lợi kinh tế.

Để nhắc lại tương quan giữa phụng vụ và những việc đạo đức đã được đề cập trong Hiến chế về phụng vụ thánh cùng với việc Tòa thánh và các Hội đồng Giám mục đã nghiên cứu sâu rộng về lòng đạo đức bình dân, cuốn sách nhắc lại lời của Đức Gioan Phaolô II trong Tông thư Vicesimus Quintus Annus: “Lòng đạo đức bình dân không thể bị làm ngơ, hoặc đối xử một cách dửng dưng hay khinh miệt, vì nó rất giàu giá trị, và tự thân, nó đã diễn tả nền tảng tín ngưỡng của con người trước Thiên Chúa. Nhưng lòng đạo đức đó cần phải được Tin Mừng hóa không ngừng để cho đức tin linh hứng cho nó được diễn tả bằng một hành vi ngày càng có suy nghĩ và chân thực hơn. Các “việc đạo đức” của dân Chúa, cũng như những hình thức sùng mộ khác, đều được đón nhận và cổ vũ, miễn là chúng không thay thế và không lẫn lộn với những cử hành phụng vụ. Muốn làm công tác mục vụ về lãnh vực phụng vụ cho đúng đắn thì cần phải dựa trên những kho tàng phong phú của lòng đạo đức bình dân, tinh luyện chúng và quy hướng chúng về phụng vụ như của lễ của các dân tộc”.

Cuốn sách cũng nhằm mục đích giúp các vị giám mục “khai triển và tôn vinh các kinh nguyện và việc đạo đức của dân Chúa cho hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn của Giáo hội” bên cạnh phụng vụ.

Và để tránh những lấn cấn, lẫn lộn do sự hàm hồ của ngôn từ, cuốn Chỉ Nam cũng cung cấp ngay những định nghĩa của các thuật ngữ nòng cốt mà Giáo Hội quen dùng, như:

– Các việc đạo đức: thuật ngữ chỉ các biểu hiện chung hay riêng của lòng đạo đức Kitô giáo, dù không nằm trong phụng vụ, nhưng vẫn hài hòa với phụng vụ, lấy cảm hứng từ phụng vụ, và phải dẫn đưa dân Chúa đến phụng vụ. Một số việc đạo đức này được thực thi theo lệnh của Tòa thánh; một số khác theo lệnh của các giám mục. Nhiều biểu hiện gắn liền với truyền thống phụng tự của các Giáo hội địa phương và những gia đình tu trì. Những biểu hiện này luôn quy chiếu vào mạc khải chung và có một nền tảng trong Giáo hội, liên quan đến những thực tại về ân sủng được mạc khải trong Đức Giêsu Kitô, phù hợp với những “luật lệ và quy tắc của Giáo Hội”, được cử hành theo những phong tục hay những sách được Giáo hội phê chuẩn.

– Các việc sùng mộ: thuật ngữ chỉ những việc thực hành bên ngoài (kinh nguyện, bài ca, việc tôn trọng một số thời gian hay một số nơi đặc biệt, những phù hiệu, những ảnh đeo, những tập quán và những quy tắc) do đức tin khơi dậy từ nội tâm, chú trọng đặc biệt đến một mối tương quan nào đó giữa các tín hữu và Ba Ngôi Thiên Chúa, hoặc Đức Trinh Nữ Maria, hoặc các thánh, được xem là đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.

– Lòng đạo đức bình dân: cụm từ chỉ định những biểu hiện phụng tự mang tính cách cá nhân hay cộng đồng, trong khuôn khổ đức tin Kitô giáo, không theo các thể thức phụng vụ, mang những sắc thái đặc thù thuộc tinh hoa của một dân tộc hay sắc tộc, là “một kho tàng đích thực của dân Chúa”, “biểu lộ một sự khát khao Thiên Chúa mà chỉ có những kẻ đơn sơ và khó nghèo mới biết được, làm cho người ta có khả năng quảng đại và hy sinh đến mức độ anh hùng khi cần phải chứng tỏ đức tin, chứa đựng một cảm thức bén nhạy về những thuộc tính thâm sâu của Thiên Chúa: tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện trìu mến và liên lỉ, dẫn tới những thái độ nội tâm hiếm thấy ở nơi nào khác với cùng mức độ như vậy: kiên nhẫn, ý thức về thập giá trong đời sống hàng ngày, sự từ bỏ, sự cởi mở đón nhận những việc sùng mộ khác”.

– Khuynh hướng tín ngưỡng bình dân: cụm từ chỉ định một cảm nghiệm phổ quát trong lòng mỗi người, cũng như trong nền văn hóa của mỗi dân tộc, đặc biệt trong khuôn khổ những biểu hiện có tính tập thể của họ, luôn luôn có một chiều kích tín ngưỡng nào đó. Trên thực tế, mỗi dân tộc đều cố gắng diễn tả cách nhìn toàn diện của mình đối với Siêu Việt Thể, cũng như quan niệm của mình về tự nhiên, về xã hội và về lịch sử, qua trung gian những lễ nghi phụng tự, và như thế, họ thực hiện một nỗ lực tổng hợp đặc biệt mang chiều kích vừa nhân bản vừa thiêng liêng rất cao cả.

Kế đó, là những nguyên tắc chung rất quan trọng được triển khai trong cuốn Kim Chỉ Nam này:

– Vị trí tột đỉnh của phụng vụ: Vào một vài thời kỳ, đức tin đã được nâng đỡ bởi những hình thức và thực hành đạo đức thường được xem là những biến cố đặc biệt không thể tách rời khỏi những cử hành phụng vụ. Nhưng, quả thực “mọi cử hành phụng vụ, với tính cách là hoạt động của Chúa Kitô linh mục và của Nhiệm Thể Ngài là Giáo hội, đều là hành động thánh thiêng tuyệt hảo. Không có một hành động nào của Giáo hội đạt được hiệu quả ngang hàng và ngang cấp với phụng vụ”. Tuy nhiên, cũng cần phải vượt qua điều hàm hồ cho rằng phụng vụ không thể là “bình dân”. Công đồng đã đưa ra những canh tân để cổ võ sự tham gia của giáo dân vào việc cử hành phụng vụ bằng cách tạo thuận lợi cho những phương tiện và yếu tố – như bài ca, sự tham gia tích cực, những thừa tác vụ ủy thác cho giáo dân… Nếu các bí tích là không thể thiếu được để sống hiệp nhất với Chúa Kitô, thì những hình thức khác nhau của lòng đạo đức bình dân lại mang tính chất tùy nghi. Cần phải khẳng định dứt khoát tính ưu tiên tuyệt đối của kinh nguyện phụng vụ và năm phụng vụ so với mọi thực hành đạo đức khác. Tính ưu tiên này không bao giờ đồng nghĩa với việc loại trừ, chống đối và đẩy ra ngoài lề, đối với lòng đạo đức bình dân.

– Nâng cao giá trị và đổi mới lòng đạo đức bình dân: Tính chất tùy nghi của những việc đạo đức không bao giờ hàm nghĩa sự thiếu hiểu biết hay khinh dể những việc ấy. Trái lại, cần phải nâng cao giá trị những mặt phong phú của lòng đạo đức bình dân, với những tiềm năng và phẩm chất của đời sống Kitô hữu mà lòng đạo đức ấy có thể khơi dậy… Việc nâng cao giá trị này cần phải đi đôi với công việc thanh lọc, để chúng được hài hòa với mầu nhiệm Kitô… Lòng đạo đức bình dân cần phải làm cho xuất hiện những yếu tố sau: Sự linh hứng từ Kinh Thánh; Sự linh hứng từ phụng vụ; Sự linh hứng từ đại kết; Sự linh hứng mang tính nhân chủng học.

– Phân biệt nhưng vẫn hài hòa giữa lòng đạo đức bình dân với phụng vụ: Sự khác biệt khách quan giữa một đàng là việc đạo đức và thực hành sùng mộ và một đàng là phụng vụ cần phải thể hiện rõ ràng trong cách diễn đạt của phụng tự Kitô giáo, không thể có sự lẫn lộn với nhau, những việc đạo đức và sùng mộ có một vị trí riêng bên ngoài Thánh lễ và các bí tích khác. Cần phải tránh những hiện tượng chồng chéo lên nhau. Cần phải xác định tính ưu tiên của ngày Chúa nhật, các ngày lễ trọng, các Mùa và ngày theo phụng vụ.

– Ngôn ngữ của lòng đạo đức bình dân: Ngôn ngữ bằng lời cũng như bằng cử chỉ của lòng đạo đức bình dân, dù phải duy trì lối diễn tả đơn sơ và tự phát, vẫn cần phải được chăm sóc để chúng biểu lộ chân lý đức tin và sự cao cả của các mầu nhiệm Kitô giáo.

– Cử chỉ: đặc trưng của lòng đạo đức bình dân là lối diễn tả đa dạng và phong phú của thân thể: những cử điệu và biểu tượng, chẳng hạn sự hôn kính hay chạm tay vào ảnh tượng hay thánh tích, rước kiệu, hành hương, đi một chặng đường bằng chân không hay bằng đầu gối, dâng của lễ, mặc y trang đặc biệt, quỳ gối hay sấp mình, đeo ảnh hay mang phù hiệu… tất cả nhằm biểu lộ những tình cảm yêu mến thiêng liêng, và lòng mong muốn sống một đời sống Kitô chân thực. Thiếu chiều kích nội tâm này, những cử chỉ đó có nguy cơ trở nên những thói quen rỗng tuếch, có thể thoái hóa thành dị đoan.

– Những bản kinh và lời nguyện: mặc dù được thể hiện trong một ngôn ngữ kém nghiêm ngặt so với kinh nguyện Phụng Vụ, nhưng cũng phải lấy cảm hứng từ Kinh Thánh, Phụng Vụ hay các Giáo Phụ và Huấn Quyền, phải phù hợp với đức tin của Giáo Hội.

– Bài ca, âm nhạc và vũ điệu: các bài ca là sự diễn tả tự nhiên tâm hồn của một dân tộc và giữ một vị trí đặc biệt trong khuôn khổ lòng đạo đức bình dân. Việc chăm lo gìn giữ các bài ca truyền thống phải được liên kết với tinh thần của Kinh Thánh và Giáo hội. Cần thiết phải duyệt lại thường xuyên những bài ca hiện thời hoặc soạn ra những ca khúc mới. Nhiều dân tộc lại có thói quen kèm theo ca khúc việc vỗ tay, lắc lư thân mình hay múa may tay chân để thể hiện tình cảm nội tâm, là một phần của truyền thống dân tộc. Những cách thức này có thể chấp nhận được với điều kiện làm thành một thứ kinh nguyện chung thực sự, chứ không chỉ là một màn trình diễn.

– Ảnh tượng: một biểu hiện khác rất quan trọng của lòng đạo đức bình dân chính là việc sử dụng những ảnh tượng thánh. Cần phải nhắc lại nguyên tắc liên quan đến việc sử dụng trong Phụng Vụ các ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Mẹ và các thánh, điều mà truyền thống đã khẳng định và Giáo hội đang bảo vệ, khi ý thức rằng “vinh dự dâng lên ảnh tượng chính là dâng lên Đấng mà ảnh tượng ấy biểu trưng”. Các giám mục cũng như các vị cai quản các đền thánh cần phải đảm bảo sao cho các ảnh tượng thánh, vốn được làm ra dưới nhiều hình thức khác nhau, không thoái hóa thành một thứ gì tầm thường hay lệch lạc.

– Các nơi chốn: Ngoài thánh đường ra, lòng đạo đức bình dân còn có một số nơi chốn đặc biệt là các đền thánh mà nét đặc trưng là những hình thức và các việc thực hành đặc biệt nói lên lòng sùng mộ diễn ra tại đó, và việc đáng chú ý hơn là cả những cuộc hành hương. Bên cạnh những nơi thờ phượng đó, còn có những nơi khác, không kém quan trọng, đó là nhà ở, những nơi ta sống và làm việc, và trong một số hoàn cảnh, những đường phố và quảng trường, cũng có thể trở thành những nơi để thể hiện đức tin.

– Các thời điểm: Sự luân chuyển giữa ngày và đêm, sự nối tiếp các tháng trong năm, và sự thay đổi giữa các mùa, đều đi kèm với những biểu hiện khác nhau của lòng đạo đức bình dân. Lòng đạo đức bình dân cũng gắn liền với những ngày đặc biệt, trong đó những biến cố vui buồn của cá nhân, gia đình hay cộng đoàn, được họp mừng hay tưởng nhớ. Nhất là ngày “lễ hội” với những ngày chuẩn bị, để làm nổi bật những nỗ lực diễn tả lòng đạo đức vốn từng góp phần làm nên truyền thống đặc biệt của một cộng đoàn.

– Trách nhiệm và quyền hạn: Những biểu hiện của lòng đạo đức bình dân được đặt trong tầm trách nhiệm của Đấng Bản Quyền sở tại: quy chế hóa và khuyến khích những biểu hiện ấy trong khuôn khổ chức năng của ngài, đó là thăng tiến đời sống đạo đức nơi các tín hữu, tinh luyện các biểu hiện ấy khi cần thiết, và Tin Mừng hóa các biểu hiện ấy. Ngài cũng chăm sóc để chúng không thay thế và không lẫn lộn với những cử hành phụng vụ, thẩm duyệt những bản kinh và các lời nguyện sử dụng trong các việc đạo đức công khai và trong khuôn khổ thực hành lòng sùng mộ.

Theo quy định của Tông hiến Pastor Bonus, bộ Phụng Tự cũng được quyền giúp các giám mục trong việc xác định những bản kinh hay các việc đạo đức của dân Chúa, hầu đề ra những quy định cho những trường hợp vượt quá lãnh thổ của các Giáo hội địa phương, và để đưa ra những biện pháp bổ túc, nếu cần thiết.

Chương I: Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân dưới ánh sáng của lịch sử.

Có thể nói tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân đã có ngay từ đầu, và luôn luôn có tính thời sự. Ta hãy xem tương quan ấy đã được sống như thế nào qua lịch sử, và trên nền tảng đó, có thể tìm được những cách thức giải quyết một số vấn nạn trong thời đại hôm nay.

Những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo

Thời các Tông đồ và hậu Tông đồ có một sự tương nhập sâu xa giữa nhiều lối diễn tả phụng tự khác nhau, mà ngày nay được gọi một cách trân trọng là “phụng vụ” và “lòng đạo đức bình dân”. Trong những cộng đoàn Kitô cổ xưa nhất, chỉ có một thực tại được quan tâm: đó là Chúa Kitô, với lời ban sự sống của Người, giới luật yêu thương của Người, và những hành vi phụng tự mà Người truyền phải thực hiện để tưởng nhớ đến Người. Phần còn lại – những ngày, tháng, mùa, năm, các ngày lễ, những ngày trăng mới, của ăn và thức uống… đều là thứ yếu. Những lời nguyện, kinh nguyện, những dấu chỉ và cử điệu liên quan đến lòng đạo đức cá nhân, xuất phát từ truyền thống Do Thái, phù hợp với gương sáng của Chúa Giêsu và các Tông đồ. Khi những sáng kiến này của các Kitô hữu tiên khởi lặp đi lặp lại bên ngoài bối cảnh phụng vụ, thì đã ít nhiều trở thành các kinh nguyện tắt, nhờ đó họ bày tỏ lòng sùng mộ tập trung vào Chúa Kitô. Những hình thức đạo đức này sẽ trở nên khuôn mẫu cho vô vàn lời kinh mà tín hữu mọi thời dâng lên Chúa Kitô, đã thấm nhập vào phụng vụ. Cũng thế, việc tôn kính các vị tử đạo, lòng sùng kính đối với Đức Mẹ phát xuất từ tập tục dân gian liên quan đến việc tưởng nhớ người quá cố.

Giáo hội tỏ ra nghiêm túc khi đòi hỏi những tâm tình cá nhân cần phải có nơi các tín hữu, đặt ra những điều kiện không thể thiếu hầu cho việc cử hành các mầu nhiệm thánh được xứng đáng. Tuy nhiên, Giáo hội không ngần ngại tháp nhập vào các nghi lễ phụng vụ những lối diễn tả của lòng đạo đức cá nhân, gia đình và cộng đoàn. Vào thời này, phụng vụ và lòng đạo đức bình dân không đối lập với nhau cả trên bình diện tín lý lẫn mục vụ: cả hai góp phần một cách hài hòa vào việc cử hành mầu nhiệm duy nhất của Đức Kitô cũng như vào việc nâng đỡ đời sống siêu nhiên và luân lý của môn đệ Chúa (x. 23).

Chỉ từ thế kỷ thứ IV trở đi, Giáo hội mới đặt vấn đề về tương quan giữa những cách diễn tả phụng vụ và lòng đạo đức bình dân trong những điều kiện, chẳng những hội tụ một cách tự phát, mà còn cố ý thích nghi và hội nhập văn hóa. Các Giáo hội địa phương đã sẵn sàng quy nhập vào phụng vụ những hình thức phụng tự trang trọng mang tính cách lễ hội vốn được dân chúng yêu chuộng, những hình thức có thể xuất phát từ thế giới ngoại giáo nhưng không trái với chân lý của Tin Mừng hay tính chính thống của việc phụng tự đích thực Kitô giáo (x. 24).

Trong các thế kỷ thứ IV và V, cảm thức về sự thiêng thánh ngày càng ghi dấu rõ rệt vào các thời điểm và nơi chốn. Chính các Giáo hội địa phương, vốn từng quy chiếu về các biến cố của Tin Mừng liên quan đến “ngày của Chúa”, đến các cuộc họp mừng Vượt Qua, và đến những thời điểm dành cho chay tịnh (x. Mc 2, 18-22), nên đã thiết lập thêm những ngày nhất định để mừng một số mầu nhiệm của Chúa Kitô, đặc biệt các lễ Hiển Linh, Giáng Sinh và Thăng Thiên, rồi những ngày kính nhớ các vị tử đạo – vào dịp kỷ niệm hằng năm ngày an nghỉ của các ngài, để cử hành một số bí tích hay những cuộc khấn hứa trọng thể. Việc thánh hóa một nơi chốn bắt nguồn từ việc triệu tập cộng đoàn đến chỗ đó để cử hành các mầu nhiệm thánh và ngợi khen Thiên Chúa, thế là nơi ấy được hoàn toàn dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa (x. 25).

Đây chính là thời kỳ khởi đầu cho một tiến trình của việc hình thành và, sau này, của việc phân hóa thành những hệ phụng vụ khác nhau, và cần phải ghi nhận sự hiện diện của nhiều yếu tố có nguồn gốc dân gian trong các hệ phụng vụ này. Các giám mục và thượng hội đồng miền thường can thiệp vào việc tổ chức phụng tự bằng cách ban hành những quy tắc, kiểm tra tính chính xác về giáo lý trong các kinh nguyện và thẩm định trình tự các nghi thức. Những can thiệp này góp phần ấn định các hình thức phụng vụ (x. 26).

Triều đại thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả được coi là mẫu mực cho sự phong phú trong tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân, nhờ sự thực hiện những nghi thức phụng vụ vừa đáp ứng cảm xúc của dân chúng vừa bắt rễ vững chắc vào chính việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Ngài tránh cho các dân tộc mới đón nhận Tin Mừng khỏi phải hy sinh truyền thống văn hóa riêng của họ, và làm cho phụng vụ giàu thêm nhờ những cách diễn đạt phụng tự mới mà chính đáng. Ngài củng cố sự thống nhất của phụng tự Kitô giáo bằng cách đặt trọng tâm của phụng tự vào việc cử hành biến cố Phục Sinh (x. 27).

Thời Trung cổ

Trong thời gian dài từ thế kỷ thứ VII đến giữa thế kỷ XV, việc tách biệt giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân được khẳng định vào giai đoạn đầu, rồi tiếp tục tăng dần trong giai đoạn hai, cho đến khi có một sự phân đôi thực sự trong các thể thức cử hành: bên cạnh phụng vụ được cử hành bằng tiếng La tinh, ta thấy phát triển lòng đạo đức bình dân mang tính cộng đồng diễn tả bằng ngôn ngữ bản địa. Trong số các nguyên nhân gây ra tình trạng nhị nguyên trong thời kỳ này, có những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

– Ý tưởng cho rằng phụng vụ thuộc thẩm quyền của giáo sĩ, giáo dân chỉ như khán giả mà thôi.

– Có sự phân biệt rõ nét giữa giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân – làm nảy sinh những hình thức và phong cách cầu nguyện khác nhau.

– Sự thiếu hiểu biết về Thánh Kinh không chỉ về phía giáo dân, mà ngay cả phía giáo sĩ và tu sĩ khiến không thấu hiểu được cơ cấu và ngôn ngữ biểu trưng của phụng vụ.

– Giáo dân hiếm được nghe giảng, hầu như không được học giáo lý khai tâm, và thiếu căn bản giáo lý, khiến họ không hiểu được các nghi lễ phụng vụ để tham gia tích cực vào, do đó họ sử dụng những hình thức và thời điểm phụng tự khác để thay thế.

– Việc thu nhận những hình thức và cấu trúc có nguồn gốc dân gian có thể xem như một sự trả đũa vô thức đối với một thứ phụng vụ đã xa lìa quần chúng, đồng thời lại trở nên khó hiểu đối với nhiều người (x. 29-30).

Trong thời Trung cổ, xuất hiện nhiều phong trào và hội đoàn mà nếp sống và hoạt động ảnh hưởng đến việc thiết lập các tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân. Nhiều hội dòng mới mẻ sống đời sống tông đồ và theo khuôn khổ Tin Mừng, dấn thân vào việc rao giảng, chọn những hình thức cử hành phụng tự đơn giản hơn những cử hành trong các tu viện, và cũng gần gũi với dân chúng và cách diễn tả của họ hơn, góp phần tạo nên một số việc đạo đức, truyền đạt được đặc sủng của họ đến các tín hữu… (x. 31)

Nhiều biểu hiện của lòng đạo đức bình dân phát sinh từ đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay, chẳng hạn như:

– Việc trình diễn các mầu nhiệm trong năm Phụng Vụ: Giáng Sinh, Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh.

– Những cách thức tôn thờ Thánh Thể, việc lần hạt Mân Côi (có khuynh hướng thay thế việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh), những việc đạo đức nhằm tôn vinh sự Thương Khó của Chúa.

– Việc gia tăng các hình thức tôn sùng mang tính đại chúng đối với Đức Mẹ và các thánh, việc hành hương Thánh địa Palestina và mồ các thánh Tông đồ và Tử đạo, việc tôn kính hài cốt các thánh, việc đọc kinh cầu, việc chuyển cầu cho người quá cố.

– Việc phát triển các nghi thức chúc lành.

– Việc thiết lập một số “mùa thánh” có nguồn gốc dân gian bên lề năm phụng vụ, những tuần tam nhật, thất nhật, bát nhật, cửu nhật, và các tháng dành cho các sự tôn sùng đặc biệt (x. 32).

Trong thời kỳ này, tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân vừa có tính thường trực vừa có tính phức tạp: một mặt, phụng vụ khơi gợi một số biểu hiện của lòng đạo đức bình dân; mặt khác, những hình thức đạo đức bình dân cũng được đưa vào phụng vụ – hiện tượng xảy ra nhiều nhất đối với những nghi thức phong chức, khấn hứa, thánh hiến nơi thánh, thiết lập một số lễ và nghi thức chúc phúc. Tuy nhiên, cũng vẫn còn có một hiện tượng nhị nguyên trong những tương quan này đến mức trở thành khủng hoảng vào cuối thời Trung cổ: có những yếu tố phụ lại trở nên quá quan trọng và lấn át những yếu tố chính trong phụng vụ; trong lãnh vực lòng đạo đức bình dân, có những sai lệch làm biến dạng cách biểu hiện của phụng tự Kitô giáo (x. 33).

Thời Cận đại

Vào hậu bán thế kỷ XV, lòng sùng mộ tân tiến (devotio moderna), mà nhiều bậc thầy linh đạo đã làm sáng tỏ, được thịnh hành nơi giáo sĩ và giáo dân trí thức, tạo điều kiện cho một số việc đạo đức phát triển, chủ yếu quy về nhân tính của Chúa Kitô – nghĩa là về những mầu nhiệm thời thơ ấu, thời ẩn dật, sự Thương Khó và cuộc Tử nạn của Người. Tuy nhiên, vì dành ưu tiên cho việc suy niệm và việc nâng cao giá trị của tính chủ quan, lại kết hợp với tinh thần khổ hạnh, đề cao nhiệm vụ phải hoàn thành, nên không giúp được bao nhiêu cho người thời đại thăng tiến trên đường thiêng liêng (x. 34).

Nhưng đáng chú ý nhất là tác phẩm “Gương Chúa Giêsu” đã gây một ảnh hưởng tốt lành lạ lùng khiến rất nhiều môn đệ Chúa đạt đến sự trọn lành Kitô giáo. Tác phẩm hướng người tín hữu về một lối đạo đức mang tính chất khá cá nhân, nhấn mạnh đến sự từ bỏ thế gian, vị trí dành cho các tính chất cộng đoàn và Giáo hội trong việc cầu nguyện, cũng như cho các yếu tố của đời sống tâm linh theo phụng vụ thì khá hạn chế (x. 35).

Từ đầu thế kỷ XVI, bắt đầu có những vị trong Giáo hội cảm thấy cần phải có những cải cách trong Giáo hội, nhằm phục hồi sức sống cho phụng vụ và mở cửa kho tàng Phụng Vụ cho toàn thể dân Chúa: đặc biệt phải hướng dẫn các giáo sĩ và tu sĩ về Kinh Thánh, đón nhận ngôn ngữ bản xứ trong việc cử hành các mầu nhiệm thánh, tổ chức lại các sách về phụng vụ, loại bỏ những yếu tố sai luật và biến dạng trong một số biểu hiện lệch lạc của lòng đạo đức bình dân, và nhu cầu phải dạy cho các tín hữu giá trị của phụng vụ (x. 37).

Chính vào thời này khởi sự một cuộc khủng hoảng do việc xuất hiện của anh em Tin Lành, mà những thành viên tiên phong của họ nêu lên nhiều vấn nạn về các điểm của tín lý Công giáo đối với các bí tích và phụng tự của Giáo hội, bao gồm cả lòng đạo đức bình dân. Công đồng Triđentinô (1545-1563) đã được triệu tập để đương đầu với việc truyền bá của phong trào Tin Lành trong dân Chúa và nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Phụng Vụ và lòng đạo đức bình dân dưới hai khía cạnh tín lý và phụng tự. Nhưng cuối cùng Công đồng cũng chỉ đề cập chủ yếu đến những vấn đề thuộc phụng vụ và bí tích về phương diện tín lý mà thôi. Công Đồng vạch rõ những sai lệch và lên án những lạm dụng, bảo vệ đức tin và truyền thống phụng vụ của Giáo hội, và rất chú tâm đến việc giáo dục phụng vụ cho giáo dân (x. 38).

Do tác động của Công đồng Triđentinô, nhiều miền của Giáo hội đã họp thượng hội đồng để tìm cách giúp tín hữu tham gia tích cực vào phụng vụ. Các vị Giáo hoàng cũng thực hiện một công cuộc cải cách phụng vụ lớn: lịch và sách phụng vụ được duyệt lại, bộ Phụng Tự được thành lập (1588), đặc biệt cho ra đời cuốn Giáo lý dành cho giáo xứ giúp huấn luyện mục vụ và phụng vụ (39).

Nhờ Công đồng này, nhiều nghi lễ được đổi mới dựa vào tiêu chuẩn do các Giáo phụ, việc kiểm soát nội dung giáo lý các kinh nguyện được hình thành, sự thống nhất các nghi thức phụng tự Rôma được khôi phục. Tuy nhiên, phụng vụ vẫn còn có vẻ là của hàng giáo phẩm, và tính nhị nguyên giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân vẫn tồn tại (x. 40).

Vào thời hậu Công đồng Triđentinô, tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân xuất hiện một khía cạnh khác lạ: phụng vụ trở thành đơn điệu, cố định, còn lòng đạo đức bình dân lại phát triển như chưa từng có. Cải cách Công giáo khuyến khích sáng tạo và phổ biến những việc đạo đức, mà trên thực tế, trở thành một phương tiện quan trọng bảo vệ đức tin và nuôi dưỡng lòng đạo đức của tín hữu. Chẳng hạn, các hội đoàn tôn sùng mầu nhiệm Thương Khó Chúa, tôn kính Đức Mẹ và các thánh quy tụ được đông đảo tín hữu và nhằm ba mục đích: đền tội, huấn luyện giáo dân và làm việc bác ái. Những “kỳ giảng đại phúc” khởi sự từ thời này, góp phần phổ biến các việc đạo đức. Hiện tượng này cho thấy có sự đồng tồn tại của phụng vụ và lòng đạo đức bình dân, cho dù đôi khi xem ra có sự mất quân bình. Các “tuần đại phúc” chủ yếu nhằm đưa tín hữu đến với bí tích Hòa giải và Thánh thể, lại dựa nhiều vào các việc đạo đức. Những việc đạo đức thường được ghi chép lại trong các sách kinh, sau đó được Giáo hội phê chuẩn và trở nên những sách thủ bản thực dụng cho phụng tự.

Vào thời cải cách Công giáo này, tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân không chỉ là đối lập nhau về phương diện tĩnh và động, nhưng còn tồn tại như hai thực tại bất bình thường (x. 41).

Vào thời kỳ của chủ nghĩa thiên cảm, sự khác biệt lại rõ nét hơn giữa “tôn giáo của những nhà học thức” có khuynh hướng đến gần phụng vụ hơn, và “tôn giáo của những kẻ đơn sơ” vốn gần với lòng đạo đức bình dân. Những “nhà học thức” muốn chứng tỏ mình giữ đạo một cách sáng suốt và khẳng định ý muốn tách biệt khỏi những hình thức của lòng đạo đức bình dân mà họ coi là đầy những dị đoan và cuồng tín.

Lúc bấy giờ, phụng vụ chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố, đặc biệt là tính chất quý tộc, phương pháp bách khoa, tinh thần phê bình và nghiên cứu, và tính chất khổ hạnh của một số phong trào vẫn thôi thúc trở về với phụng vụ tinh tuyền của những thế kỷ đầu Kitô giáo, cho nên, một sự quan tâm mới đối với phụng vụ được những suy tư mang tính mục vụ, liên quan đến cả giáo sĩ lẫn giáo dân, làm cho sinh động, như thấy tại Pháp từ thế kỷ XVII trở đi. Giáo hội không quên quan tâm đến lòng đạo đức bình dân trong nhiều lãnh vực mục vụ của mình, và cổ võ một loại công tác tông đồ có khuynh hướng làm cho phụng vụ và lòng đạo đức bình dân hội nhập vào nhau. Chẳng hạn, đưa việc rao giảng vào trong mùa Chay và các Chúa nhật để dạy giáo lý cho người trưởng thành, hoán cải các tâm hồn và tập tục của tín hữu, đưa họ đến với bí tích Hòa giải, trở lại với Thánh lễ Chúa nhật, nhắc nhở bí tích Xức dầu bệnh nhân và Của Ăn Đàng.

Lòng đạo đức bình dân trước đây tỏ ra hữu hiệu để ngăn chặn những tác động tiêu cực của Tin Lành, nay lại có khả năng cưỡng lại những tư tưởng phá hoại của chủ nghĩa duy lý và sửa chữa những hệ quả tai hại của thuyết Jansenius. Tất cả có tác dụng là làm phong phú thêm lòng đạo đức bình dân: một số khía cạnh của mầu nhiệm đức tin cũng được nhấn mạnh một cách mới mẻ, chẳng hạn lòng sùng mộ đối với Thánh Tâm Chúa, làm những tuần cửu nhật thứ sáu đầu tháng.

Vào thế kỷ XVIII, cần phải ghi nhận đặc biệt hoạt động của Louis Antoine Muratori, là người biết kết hợp học thức với yêu cầu thích nghi với những hoàn cảnh mục vụ mới với cuốn sách “Về các quy tắc sùng mộ của Kitô hữu”, đề xuất một lòng đạo đức có khả năng rút lấy chất sống từ phụng vụ và Kinh Thánh, đồng thời vẫn tách lìa khỏi mọi khuynh hướng dị đoan và ma thuật. Cũng cần phải nhắc đến công trình do Đức Bênêđictô XIV thực hiện: cho phép sử dụng Kinh Thánh bằng ngôn ngữ bản xứ (x. 42).

Thời Hiện đại

Vào thế kỷ XIX, sau Cách mạng Pháp, có một sự đổi mới rất ý nghĩa về phụng vụ. Cuộc phục hưng này được chuẩn bị bằng sự phát triển mạnh mẽ về Giáo hội học, qua đó Giáo hội được trình bày như là Dân Thiên Chúa và là cộng đoàn được quy tụ để cử hành phụng tự. Bên cạnh sự thức dậy của nền Giáo hội học, còn phải kể đến sự nở rộ của các công trình nghiên cứu Kinh Thánh và các Giáo phụ. Và cũng cần ghi nhận công trình của linh mục Prosper Guéranger với quan niệm của ngài về Phụng Vụ được thấm nhuần tình yêu đối với Giáo hội và truyền thống, sự tôn kính đối với phụng vụ Rôma mà ngài coi là yếu tố không thể thiếu đối với tính chất thống nhất của Giáo hội, và ngài muốn biến phụng vụ thành một cách diễn tả phụng tự được nội tâm hóa và mang tính tích cực của toàn thể Dân Chúa (44).

Thế kỷ XIX còn mang nét đặc biệt ở chỗ lòng đạo đức bình dân được phát triển một cách tự lập. Chẳng hạn, việc phục hưng những bài ca phụng vụ đi đôi với việc sáng tác những bài ca bình dân mới, việc xuất hiện các sách lễ song ngữ để giáo dân sử dụng cùng với rất nhiều sách đạo đức, việc tạo những điều kiện thuận lợi cho sự nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao giá trị cho chiều kích bình dân, kể cả trong lãnh vực phụng tự.

Một hiện tượng có tầm quan trọng rất lớn: những hình thức phụng tự được đề xướng tại địa phương do sáng kiến dân chúng, và qui về các biến cố phi thường – phép lạ, sự hiện ra – lần lượt được công nhận, cổ võ, bảo vệ bởi Giáo quyền, và được đưa vào phụng vụ (x. 45).

Vào đầu thế kỷ XX, thánh Giáo hoàng Piô X muốn đưa tín hữu tới gần phụng vụ hơn, ngài muốn “bình dân hóa” phụng vụ. Ngài nhấn mạnh rằng tín hữu chỉ có thể có được “tinh thần Kitô hữu đích thực” khi hướng về “nguồn mạch đầu tiên và không thể thiếu, ấy là tích cực tham dự vào các mầu nhiệm thánh và vào kinh nguyện chung của toàn thể Giáo Hội”. Như thế, ngài khẳng định về tính ưu việt khách quan của phụng vụ trên mọi hình thức đạo đức khác, và ngài cấm mọi sự lẫn lộn giữa lòng đạo đức bình dân với phụng vụ.

Như thế, phong trào phụng vụ được khai sinh và phát triển, và chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống Giáo hội trong thế kỷ XX này, được các Đức Giáo hoàng xem là một biểu hiện của Chúa Thánh Thần. Mục đích tối hậu phong trào này là làm sao cho giáo dân hiểu biết và yêu mến việc cử hành các mầu nhiệm thánh, và giúp họ ý thức rằng họ cùng thuộc về một dân tư tế.

Do từng phải chứng kiến những lạm dụng hay do có những việc đạo đức cử hành chồng chéo lên phụng vụ hoặc ý muốn thay thế chính phụng vụ bằng những lối diễn tả phụng tự có nguồn gốc dân gian, nhiều người muốn dứt khoát trút bỏ mọi hình thức diễn tả lòng đạo đức bình dân đi. Nhưng họ quên rằng các biểu hiện ấy thường thường đều được Giáo hội phê chuẩn và khuyến khích, và những việc đạo đức đó đã nâng đỡ đời sống thiêng liêng của biết bao tín hữu, mang lại những hoa trái thánh thiện khôn sánh, đồng thời góp phần giữ gìn đức tin và truyền bá sứ điệp Kitô giáo.

Hiến chế Sacrosanctum Concilium đã xác định những tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân, bằng cách công bố vị trí ưu việt không thể bàn cãi của phụng vụ Thánh và sự lệ thuộc của các việc đạo đức đối với phụng vụ, đồng thời giá trị và tính hợp pháp của các việc đạo đức ấy (46).

Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân: cách đặt vấn đề hiện nay

Hành trình lịch sử mà ta vừa duyệt lại cho thấy vấn đề tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân không chỉ đặt ra cho thời hiện đại mà thôi: xuyên qua các thế kỷ, vấn đề này thường xuyên xuất hiện, dưới những tên gọi và hình thức khác nhau, và đã có nhiều lối giải quyết. Cần phải rút ra từ kinh nghiệm lịch sử những phương hướng đáp ứng những đòi hỏi mục vụ vốn xuất hiện thường xuyên và cấp bách (47).

Những hướng dẫn của lịch sử: nguyên nhân của sự mất quân bình

Lịch sử cho thấy tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân thoái hóa khi ý thức về các giá trị nòng cốt của phụng vụ giảm thiểu nơi các tín hữu. Có ba nguyên nhân của sự thoái hóa đó:

1) Ý thức không đủ hay giảm thiểu về ý nghĩa của mầu nhiệm Phục Sinh và vai trò trung tâm của việc cử hành đó trong lịch sử cứu độ, mà phụng vụ đang hiện tại hóa.

2) Sự suy yếu về cảm thức chức tư tế chung, qua đó các tín hữu có đủ tư cách “dâng hy lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô” (1Pr 2, 5; x. Rm 12, 1) và tham gia trọn vẹn vào việc phụng tự của Giáo hội.

3) Sự kém hiểu biết về ngôn ngữ riêng của phụng vụ khiến không nắm bắt được phần lớn ý nghĩa sâu xa của cử hành (x. 48).

Mỗi một yếu tố trên, mà có khi gặp cả ba yếu tố cùng một nơi, làm nảy sinh sự mất quân bình trong tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân, vừa gây tai hại cho phụng vụ, vừa làm cho lòng đạo đức bình dân nghèo nàn đi. Những khó khăn ấy cần phải được vượt qua nhờ việc dạy giáo lý và mục vụ đúng đắn và bền bỉ.

Đàng khác, những thành phần khác nhau của việc canh tân phụng vụ, sự phát triển cảm thức phụng vụ nơi các tín hữu, sẽ giúp cho lòng đạo đức bình dân tìm ra một chiều kích mới đối với phụng vụ. Cần phải nêu lên sự kiện tích cực này, rất phù hợp với khuynh hướng sâu xa nhất của lòng đạo đức Kitô giáo (49).

Dưới ánh sáng của Hiến chế Phụng vụ.

Ở thời đại chúng ta, tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân được xem xét trước hết dưới ánh sáng của các chỉ dẫn trong Hiến chế Sacrosanctum Concilium; các chỉ dẫn ấy tìm cách xác định những tương quan hài hòa giữa hai lối diễn tả lòng đạo đức từ định đề kép này: lòng đạo đức bình dân thì khách quan lệ thuộc vào phụng vụ, đồng thời tìm thấy trong phụng vụ mục đích của mình.

Cần phải tránh lối đặt vấn đề về tương quan này như hai vế đối lập, hoặc tương đương hoặc thay thế nhau. Khi ý thức về tầm quan trọng hàng đầu của phụng vụ và biểu hiện đúng đắn nhất, ta cũng không được làm mờ đi bản chất sâu xa của lòng đạo đức bình dân, hoặc coi thường hay xem như dư thừa, hoặc xem những biểu hiện của lòng đạo đức ấy như có hại cho đời sống phụng tự của Giáo hội.

Khi thiếu hiểu biết về lòng đạo đức bình dân, hoặc có những phản ứng thù địch đối với lòng đạo đức ấy, người ta sẽ đánh giá không đúng một số yếu tố tạo thành đời sống Giáo hội. Những thái độ đó đem lại hậu quả như sau:

1) Không lưu ý rằng chính lòng đạo đức bình dân cũng là một thực tại của Giáo Hội, do Chúa Thánh Thần khởi xướng và duy trì.

2) Bỏ qua tầm quan trọng của hoa trái ân sủng và sự thánh thiện mà lòng đạo đức bình dân đã sản sinh và còn tiếp tục sản sinh trong toàn thể Giáo hội.

3) Biểu hiện một sự tìm kiếm hão huyền một thứ “Phụng Vụ tinh tuyền” không bao giờ có.

4) Có khuynh hướng lẫn lộn tình cảm vốn là yếu tố xác định những cách biểu hiện khác nhau của lòng đạo đức theo phụng vụ và lòng đạo đức bình dân, với sự suy thoái của nó, nghĩa là khuynh hướng chỉ nặng về tình cảm (50).

Tương quan giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân cũng có thể là ngược lại, đó là nâng cao quá mức giá trị của lòng đạo đức này đến mức tác hại cho phụng vụ. Nhưng, đây cũng có thể là hệ quả của một sự chọn lựa lý thuyết làm nảy sinh một hoàn cảnh mục vụ lệch lạc: trường hợp này, phụng vụ không còn là “tột đỉnh mà Giáo hội qui hướng về, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo hội”, mà lại là một biểu hiện phụng tự xa lạ với sự hiểu biết và cảm thức của dân chúng, và như thế, nó sẽ bị xem thường và trở thành thứ yếu, hoặc chỉ dành cho những nhóm người đặc biệt (51).

Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân là hai cách biểu lộ chân chính của phụng tự Kitô giáo, dù cho hai bên không tương đương nhau. Trên thực tế, Hiến chế về phụng vụ thánh cho thấy: thay vì đưa hai cách biểu lộ này vào thế đối lập hay trong tương quan có thể thay thế nhau, cần phải hòa hợp chúng với nhau: “những việc đạo đức của dân Chúa cần phải được điều chỉnh cho hòa hợp với phụng vụ, để một cách nào những việc đạo đức ấy xuất phát từ phụng vụ, và đưa dân Chúa vào phụng vụ, bởi vì từ bản chất, phụng vụ cao hơn các việc đạo đức khác rất nhiều”.

Như thế, phụng vụ và lòng đạo đức bình dân là hai cách biểu hiện phụng tự cần có một mối tương giao phong phú, dù cho phụng vụ luôn phải được xem là điểm quy chiếu cho phép “hướng dẫn một cách sáng suốt và cẩn trọng những mong muốn nồng nhiệt được cầu nguyện và sống theo đặc sủng”, là những điều được biểu lộ trong lòng đạo đức bình dân. Về phần mình, với những giá trị biểu trưng và biểu cảm, lòng đạo đức bình dân có thể giúp phụng vụ chu toàn công việc hội nhập văn hóa, và cũng có thể cung cấp cho phụng vụ những yếu tố khích lệ nhằm gia tăng sức năng động và sáng tạo một cách hữu hiệu (58).

Tầm quan trọng của huấn luyện

Dưới ánh sáng của những điều vừa trình bày, việc huấn luyện cho giáo sĩ cũng như giáo dân, rõ ràng là một phương tiện thích hợp để giải quyết những nguyên nhân gây mất quân bình hoặc gây căng thẳng giữa phụng vụ và lòng đạo đức bình dân. Ngoài nhu cầu phải huấn luyện về phụng vụ, còn cần phải có sự huấn luyện về lòng đạo đức bình dân nhằm tạo nên một linh đạo hài hòa và có phẩm chất.

Thực ra, bởi lẽ “đời sống thiêng liêng không đóng khung trong việc tham dự phụng vụ mà thôi”, nên nếu ta chỉ giới hạn vào việc huấn luyện phụng vụ thì chưa đủ để đảm bảo cho sự tăng trưởng thiêng liêng đúng đắn của người tín hữu theo mọi chiều kích.

Cuối cùng, hành vi phụng vụ, và đặc biệt là việc tham dự bí tích Thánh thể, không thể đem lại kết quả trong một cuộc sống thiếu vắng cầu nguyện cá nhân, và không có những giá trị được chuyển giao qua những hình thức sùng mộ truyền thống của dân Chúa. Thời đại chúng ta tập thói quen hướng về những hành vi “đạo” xuất phát từ phương Đông, và đã được áp dụng nhiều cách ở trên những lục địa khác. Đấy là dấu chỉ cho thấy một sự truy tìm thiêng liêng của những người thời nay, một cuộc tìm kiếm đụng đến chính ý nghĩa của cuộc sống, và đặc biệt khi đối diện với đau khổ và nhằm mục đích chia sẻ. Các thế hệ hậu Công đồng – theo cách khác nhau tùy theo đất nước – không có kinh nghiệm về những hình thức sùng mộ mà các thế hệ trước đã biết: muốn cho đời sống thiêng liêng của tín hữu có thể triển nở một cách thực sự nơi từng cá nhân, thì cần phải lồng trọn vẹn vào chương trình giáo lý và huấn luyện cái di sản do lòng đạo đức bình dân tạo nên, và đặc biệt là những việc linh thao mà Huấn quyền khuyến khích (59).

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 76 (Tháng 5 & 6 năm 2013)