Nhật Ký Đời Cha Là Món Nợ Trăm Năm

Nhật Ký Đời Cha Là Món Nợ Trăm Năm

—-+—-

notramnam-phongtran

***

Hôm tiễn đưa nghĩa phụ về nghỉ hưu, bao nhiêu kỷ niệm với cha đổ về như máu về tim.

“Ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng” (Nhật Ký Đời Tôi). Nghĩ về quá khứ, tôi chạnh lòng vì kỷ niệm và công ơn cha đã dành cho tôi, cho họ đạo Bắc Hải và Trà Rằm quá nhiều. Tôi chạnh lòng vì không ai có thể trả hết món nợ trăm năm ấy.

Chạnh lòng không chỉ riêng tôi, mà chính cha đây cũng chạnh lòng khi nghĩ về quá khứ với món nợ trăm năm của đời linh mục.

4 món nợ:

  • Nợ người nghèo và khổ đau: ngài đã dành 26 năm linh mục sống với người nghèo để tìm đủ mọi cách giúp họ tận tâm. Với những người đau khổ bệnh tật ngài đã đi đến tận giường để nâng đỡ.
  • Nợ cha mẹ: một sự sống làm người và dâng cho Chúa. Ngài đã phụng dưỡng cha mẹ cho đến cuối đời với tâm tình hiếu thảo.
  • Nợ Chúa và Giáo hội: sự dạy dỗ, chức thánh trao ban để thi hành. Đời tu đều lãnh nhận từ Giáo hội, từ tay giáo dân giúp đỡ: từng bó rau, miếng thịt, trái cà, con cá…. Từ tâm áo che thân đến áo lễ… Nơ miếng cơm, manh áo và nợ yêu thương.
  • Nợ đời mình: nỗ lực tôi luyện chiến đấu để bản thân được tốt hơn trong lời khấn vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh. Nợ một thân xác muốn mạnh khỏe, nhưng phải yếu đau vì miệt mài cho sứ vụ, có những lúc quên mình, gượng đau để chăm chút cho dân Chúa.

Món nợ trăm năm, cha không thể trả bằng trái tim vàng, mà phải trả bằng trái tim tình yêu. Thứ tình yêu như Chúa đã yêu. “Thầy truyền cho anh em là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,17).

Đúng vậy, chỉ có yêu thương: cha mới “trả nợ” cho người nghèo, người khổ đau, trả hiếu, trả ơn Giáo hội, “trả nợ” cho những lời khấn hứa của mình. Ngài đã trả, đang trả và còn trả cho đến kh giã từ cuộc đời.

Chiều hôm trước ngày từ biệt họ đạo, tôi thấy ngài đã trả nợ một người già:

Biết cha đi hưu, cụ bà 85 tuổi chống gậy vô thăm cha, nước mắt rơi thành dòng và ôm ghì lấy cha. Đôi chân cha tuy yếu nhiều, vụng về cố gượng đỡ bà. Hình ảnh đẹp trước khi rời xứ đạo.

Khi bà ba về, cha ngồi khụyu trên giường và nói: “cha thấy thương bà ba này quá”.

Chính tình yêu thương đã làm cho đôi tay và đôi chân ngài mạnh mẽ hơn rất nhiều để nâng đỡ người phụ nữ già, đau yêu hơn mình; tay ngài đã ôm lấy, ủi an bà.

“Cha thấy thương bà ba này quá” là câu nói đẹp nhất cuối cuộc đời linh mục tại họ đạo. Tôi tin Chúa đã nghe thấu và lời đó có giá trị trước mặt Chúa gấp trăm lời nói khác. Tiếng nói từ trái tim của Đức Ái Mục Tử.

Thời gian sẽ làm tôi quên đôi điều về cha, những câu nói: “Cha thấy thương bà ba này quá” là một lời nhắc cho tôi và cho những ai đang còn nợ tình thương.

Để khi sống bất cứ nơi đâu, nếu ai đó nói được rằng: tôi thấy thương gia đình, thương vợ, thương chồng, thương con tôi quá. Tôi thấy thương cha mẹ tôi quá… Tôi thấy thương anh chị em trong hoàn cảnh… này quá.

Nói và làm được như thế, món nợ trăm năm sẽ vơi, “nhật ký đời tôi ghi thêm một lần thương”.

Hiên Vắng 9.07.2022

print