Những Cái Bẫy Của Giáo Dân

print

Những Cái Bẫy Của Giáo Dân

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 245)

 

Bạn thân mến,

Khi nói: Người giáo dân dám “giăng bẫy” các linh mục, thì  chắc là nhiều người không đồng tình, ít ra ở Việt Nam hôm nay.

Bởi người Giáo dân Việt Nam xưa nay, vẫn rất yêu kính các linh mục, và còn yêu kính một cách rất đặc biệt nữa.

Thế nhưng, khi suy nghĩ cho kỹ về những cách yêu kính  và những cách cư xử quá tốt của người giáo dân đối với các linh mục, nhiều khi đã trở thành những cái bẫy thật sự cho các linh mục, mà người giáo dân không hề hay biết.

Tuy, chỉ là vô tình thôi và cũng rất chân thành thôi, nhưng có khi nó đã gây nên tai hại cho các linh mục không phải là ít.

Rất nhiều linh mục đã từng bị sập vào những cái bẫy thật ngọt ngào, thật êm ái, thật dễ chịu đó.

Kẻ giăng bẫy thì rất nhiệt tình, chỉ vì lòng yêu mến, hiếu kính, rất đơn sơ, rất chân tình.

Còn kẻ bị lọt bẫy thì cũng cảm thấy là bình thường. Có khi còn cảm thấy thoải mái, dễ chịu, và cũng rất hài lòng nữa, mà không hề có một chút áy náy, hay nghĩ ngợi nào:

 

Này nhé:

Ở ngoài đời, để có được mãnh bằng tốt nghiệp Đại Học và để có thể hành nghề, thì một vị Bác sĩ cần phải mất 7 năm học, và còn phải mất nhiều thời gian nữa để đi kiến tập, thực tập.

Và một khi đã ôm được một mãnh bằng chuyên môn rồi, thì vị ấy cũng chỉ  tốt nghiệp có một khoa chuyên biệt đó thôi.

Còn nếu, muốn học thêm một khoa nào khác nữa, thì đương sự phải tốn mất thêm nhiều năm nữa.

Đó là chưa nói: Để có được một cái tâm đạo đức trong nghề nghiệp, hoặc để được giỏi giang trong chuyên môn, thì vị đó cần phải rèn luyện mài dũa khá lâu nữa, rất công phu, tốn mất nhiều năm, phải nghiên cứu thường xuyên qua sách vỡ, và qua những thao tác rèn luyện từng ca bệnh mỗi ngày, thì vị bác sĩ đó mới được nhiều người trân trọng, mới được nhiều người quí mến, và mới có thể thành một vị bác sĩ giỏi giang, nổi tiếng.

 

Thế nhưng, người linh mục thì khác:

Từ một người giáo dân rất bình thường, chỉ cần được vào Chủng Viện, chỉ  cần được học tập và đào tạo trong vòng 6, 7 năm, cũng chỉ tương đương với Đại Học thôi.

Nhưng được học một số môn chuyên biệt về “đạo”, cộng thêm một thời gian đi “giúp xứ”, nếu đạt được tiêu chuẩn của các đấng bề trên yêu cầu, thì đương sự sẽ được Đức Giám Mục phong chức linh mục cho.

Thế là, vừa khi được phong chức linh mục xong, thì người linh mục sẽ được mọi người giáo dân trân trọng và quí mến ngay.

Họ coi người linh mục như là một thần tượng của họ.

Họ coi linh mục như là một người đã thông suốt hết mọi sự, hiểu biết hết mọi chuyện trên trời dưới đất.

 

Bởi người giáo dân nghĩ:

Các linh mục đã từng học được những môn học rất là cao siêu, như là Kinh Thánh, như là Thần Học, như là Triết Học, vv…

Việc thần tượng hóa các linh mục như vậy, đã làm cho người linh mục quên rằng:

“Môi trường xã hội ngoài đời ngày nay”, đã là một lãnh vực rất là đa dạng, rất là mênh mông bao la, có thể nói là vô tận.

Và cuộc sống con người hôm nay, thì cũng rất là phong phú, muôn mầu, muôn vẻ, đổi thay hàng ngày, thay đổi với tốc độ đến chóng mặt.

Và thực tế cũng cho thấy, hiện nay có không biết bao người rất là tài giỏi, trong các lãnh vực thật chuyên môn.

Còn các linh mục, thì kiến thức của các ngài cũng chỉ giới hạn các trong một góc cạnh nào đó, rất nhỏ thôi, thuộc lãnh vực tôn giáo riêng của mình.

Rồi khởi đi từ những suy nghĩ và những quan niệm “thần tượng các linh mục” như hiện nay, thì người giáo dân thường coi linh mục là vị lãnh đạo tinh thần tuyệt hảo của họ, là người cha thiêng liêng, rất đáng kính trọng của họ.

Nhiều khi người linh mục lại được họ mời kiêm nhiệm thêm nhiều chức vụ rất khác nhau, hay có khi được họ mời để tư vấn trong những lãnh vực, mà người linh mục chẳng hề có một chút chuyên môn nào, và có khi cũng chẳng có bao nhiêu kinh nghiệm trong lãnh vực luật pháp, chính trị, kinh tế, tâm lý, xã hội, có khi cả trong lãnh vực xây dựng, chăn nuôi, trồng trọt nữa…

Những kiến thức đó có chăng thì cũng chỉ là những kiến thức có tính cách lý thuyết, và trên sách vở thôi.

Rồi, từ một người chuyên rao giảng lời Chúa và cử hành các bí tích, thì người linh mục có khi lại phải đứng ra lo chuyện hòa giải các vụ tranh chấp kiện tụng, giữa gia đình này với gia đình nọ, giữa con người này với con người kia, khi có tranh chấp đất đai, hay phân chia tài sản, vv… Mà những cuộc hòa giải và xử kiện này, thì lại miên man mông lung, thuộc đủ mọi lãnh vực, không hề có một ranh giới nào xác định.

Có khi linh mục cũng phải đứng ra làm kỹ sư, làm kiến trúc sư bất đắc dĩ, có khi kiêm nhiệm luôn chức đốc công các công trình xây dựng, có khi lại được mời làm quân sư về cung cách làm ăn này khác.

Những kiêm nhiệm này của các linh mục, nhiều khi rất là “đời”, không hề có một chút dính dáng gì với đạo, có khi chẳng liên quan gì với những môn học, mà các ngài đã học, hay đã được đào tạo ở trong chủng viện.

Người giáo dân lại cũng có thói quen, nhìn linh mục như một người thông suốt mọi sự, bởi “linh mục là người có nhiều ơn Chúa, là người đại diện cho Chúa”, nên độ tin cậy sẽ cao hẳn hơn mọi người.

Do đó, khi được dịp xúc tiếp với linh mục, hay được linh mục ghé thăm nhà, hoặc được linh mục nhận lời mời trong những dịp này khác, thì người giáo dân lại coi đó là một niềm vinh dự thật lớn lao.

Thế nhưng trong thực tế, vì những cái bẫy ngọt ngào này, mà người linh mục, có khi không còn sáng suốt đủ, để đánh giá chính mình cho đúng, cho chính xác. Cho nên, linh mục không còn biết mình là ai nữa.

Do đó, không thiếu những trường hợp các linh mục đã bị sụp hố thê thảm, đã bị xập bẫy thật đau thương, đã bị thua lỗ thật nặng nề, đã bị thất bại thật chua cay, thật thê thảm, thật đau đớn, mà khi kết cuộc, linh mục mới biết, thì mọi chuyện đã xong rồi, và không thể bắt đầu lại được nữa.

Việc kính trọng các linh mục là điều quý giá, là điều tốt. Nhưng, các cử chỉ thái quá, theo cái kiểu: “Con xin phép lạy cha a” (đã lạy Cha, mà còn phải xin phép trước), thì quả là một cái bẫy nguy hiểm.

Nguy hiểm ở chỗ, nó làm cho người linh mục quên đi cái thân phận bụi tro của mình, đã quên đi, những yếu kém, rất giới hạn của mình.

 

Và từ đó, linh mục cũng đã quên đi cái vai trò của mình: Mình chỉ là một dụng cụ tầm thường được Chúa dùng, để phục vụ phần rỗi đời đời cho nhân loại, cho mọi người.

Sự linh mục tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, là lương tâm của nhân loại, là người duy nhất đúng, thì sẽ dễ trở thành quan liêu, độc tài, độc ác, độc đoán, độc diễn.

Coi chừng, người linh mục đã đánh mất phương hướng, đã làm mất đi cái căn tính của linh mục.

Và như thế, rõ ràng là linh mục đã bị sụp bẫy do giáo dân bày ra. Đây quả là điều thật đáng tiếc.

Bởi, không phải chỉ thiệt hại cho giáo dân mà thôi, mà có khi còn thiệt hại cho chính linh mục nữa, cả đời này, lẫn đời sau.

Đúng ra, người linh mục phải luôn luôn cố gắng sống, như một ngọn đèn đang cháy sáng, phải luôn chấp nhận một sự hao mòn của ngọn đèn sáp đang tan chảy, để có thể cho ánh sáng tỏa khắp nơi, cho mọi giáo dân.

 

Ánh sáng thì chỉ có thể lung linh đẹp đẽ, khi cây đèn chấp nhận để cho chất sáp liên tục bị hao mòn, liên tục bị chảy tan ra.

Như thế, đời linh mục quả là một sự trộn lẫn, có ánh sáng và bóng tối, cũng như ngọn đèn, có những lúc rực rỡ lung linh, nhưng cũng có những lúc leo lét lu mờ, có thể vì những lo âu phiền muộn, có thể vì những bổn phận linh mục chưa chu toàn.

***

Nhưng, dù ngọn đèn có cho những ánh sáng lung linh rực rỡ, hay chỉ là những ánh sáng leo lét, thì xin đừng có ai đó quên rằng: Là ngọn đèn ấy cũng đã từng một thời, cho ta ít nhiều ánh sáng.

Dù ánh sáng đó, nhiều khi chưa đạt được như lòng ta mong ước, thì ta cũng phải biết trân trọng. Ta cũng phải biết tri ân, vì biết bao hao mòn, mới có được những ánh sáng đó.

Người ta thường nói: “Bạc là Dân, bất nhân là lính”, câu nói này không phải lúc nào cũng đúng, càng không phải là đúng cho mọi người.

 

Nhưng xin đừng có ai đối xử tệ bạc với các linh mục.

Xin cũng đừng có ai cư xử cách bất nhân đối với những ngọn đèn, đã ít nhiều soi sáng cho đời ta, cho gia đình ta, cho giáo xứ của ta, trong một thời gian nhất định nào đó.

Ta cũng đừng quên:

Thân phận con người là rất mỏng dòn, là rất yếu đuối, là rất là hạn chế.

Ai trong chúng ta cũng đều biết rõ điều đó. Và ai trong chúng ta cũng đã từng có ít nhiều kinh nghiệm đó.

Cho nên, chúng ta đừng có bắt ai phải là Thiên Thần, đang khi ta cũng chỉ là những con người tầm thường thôi.

Xin cũng đừng có ai đó quá xét nét, để rồi lôi các linh mục lên bàn cân, để mà cân đo, để so sánh, hoặc đặt các linh mục lên bàn mổ, để mổ xẻ, để phê bình, để chỉ trích, để kết án không thương tiếc.

Chúng ta hãy luôn cố gắng, mà sống quảng đại hơn với các linh mục, để biết cảm thông, để biết chấp nhận, để biết tha thứ, và nhất là để biết cầu nguyện nhiều hơn nữa cho các linh mục của Chúa.

Có một câu nói của cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã trở thành bất hủ. Ong nói:

“Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho bạn,

mà hãy hỏi bạn xem: Bạn đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”.

Câu nói này sẽ giúp ta có được có một tâm hồn bao dung hơn, rộng lượng hơn, hào hiệp hơn, cao thượng hơn, và quảng đại hơn.

Với câu nói này, ta cũng có thể nói:

“Đừng đòi hỏi linh mục đã làm gì cho bạn,

mà bạn hãy tự hỏi mình xem, bạn đã làm gì cho người linh mục hôm nay”.

 

Cụ thể hơn:

Là có bao giờ bạn đã nghĩ, là bạn cần phải tìm thời gian, để đi thăm viếng, để an ủi, để nâng đỡ tinh thần và giúp đỡ phần vật chất cho các linh mục đang hưu dưỡng tại các nhà hưu dưỡng chưa?

Chắc là chưa phải không?

Không lẽ bạn lại quên những ngọn đèn đã một thời chấp nhận hao mòn, cả tinh thần lẫn thể xác, để soi sáng cho bạn, cho gia đình bạn và cho giáo xứ của bạn.

Vậy bạn hãy sớm có một quyết định cụ thể và tích cực hơn đi. Và hãy sớm thực hiện đi.

Lạy Chúa, xin nhắc nhở mỗi người chúng con, về lòng tri ân hiếu thảo phải có, đối với các linh mục của Chúa. Amen.