Niềm Hy Vọng Được Biến Đổi

CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM C

NIỀM HY VỌNG ĐƯỢC BIẾN ĐỔI

Lm. Giuse Nguyễn

Năm Thánh 2025 đã mở ra với chủ đề : “Những người hành hương của hy vọng” để mời gọi Kitô hữu lên đường trong Năm thánh này với niềm hy vọng đổi đời. Dĩ nhiên sự thay đổi ở đây là trong đời sống đức tin để ngày càng gắn bó hơn với Thiên Chúa hầu hướng về một viễn cảnh mới, viễn cảnh của Nước Trời, đích điểm của niềm hy vọng.

Phụng vụ lời Chúa của Chúa Nhật V Thường Niên năm C hướng đến một niềm hy vọng được biến đổi.

Bài Đọc I (Is 6, 1-8): Tiên Tri Isaia tường thuật lại ơn gọi của mình qua một thị kiến. Ông thấy mình đang ở trong đền thờ uy nghi rực rỡ, có Đức Chúa ngự ở đó. Khi đứng trước nhan Đức Chúa, ông thấy mình quá tội lỗi, quá bất xứng, đến nỗi ông phải thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất vì tôi là một người môi miệng ô uế” (Is 6, 4). Nhưng khi thần Xêraphim lấy than hồng đặt trên bàn thờ chạm vào miệng ông, thì ông đã được thanh tẩy: “Đây cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha tội” (Is 6, 7). Để rồi khi nghe Thiên Chúa muốn tìm một vị ngôn sứ: “Ta sẽ sai ai đây, ai sẽ đi cho chúng ta?” (Is 6, 8a) thì ông đã mạnh dạn lên tiếng: “Dạ con đây, xin sai con đi!” (Is 6, 8b).

Bài Đọc II (1Cr 15, 1-11): Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô, phản ứng trước dư luận của nhiều người cho rằng ông không xứng đáng là tông đồ vì ông có một quá khứ không mấy tốt đẹp, Phaolô đã cho họ biết rằng chính Đấng Phục Sinh đã chọn ông như là một đứa trẻ sinh non. Ông cũng nhìn nhận mình không xứng đáng, “là một người hèn mọn nhất trong các tông đồ” (1Cr 15, 9). Điều quan trọng là đức tin mà ông đã rao giảng và làm chứng cho dân chúng là tinh tuyền vì ông đã làm theo những gì Chúa chỉ dạy, và các tông đồ khác cũng rao giảng như vậy thôi, còn việc ông xứng đáng hay không chỉ có Chúa biết.

Tin Mừng (Lc 5, 1-11): Các môn đệ vất vả suốt đêm để đánh cá, nhưng không được con nào. Chính lúc đó CG đã đề nghị họ làm một việc mà nếu theo kinh nghiệm, theo thói quen thì không ai làm: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5, 4) giữa ban ngày. Nếu người khác đề nghị điều đó, thì có lẽ các môn đệ sẽ nói: “Đồ khùng!” vì kinh nghiệm của họ chỉ đánh được cá lúc ban đêm thôi. Nhưng bởi vì nể CG nên họ đã làm theo: “Vâng lời Thầy con thả lưới” (Lc 5, 5). Nhờ vâng lời CG mà họ đã được một mẻ cá lạ lùng. Từ đó họ nhận ra CG không phải là một người bình thường, mà là một Đấng siêu phàm. Khi nhận ra quyền năng của CG, cũng là lúc Phêrô thấy được thân phận hèn hạ, tội lỗi của mình: “Lạy Chúa xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5, 8). Chính lúc đó CG đã mời gọi họ làm môn đệ của Ngài, và “họ đã bỏ hết mọi sự mà theo Ngài” (Lc 5, 11).

Quả thật Thiên Chúa đã làm biến đổi mọi sự. Trước hết là ý thức hoán cải nơi Simon Phêrô khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng, ông đã sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5, 8). Kế đến là Đức Giêsu đã biến đổi hoàn cảnh chán nản của những người ngư phủ từ chỗ “vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả” (Lc 5, 5) đến tràn đầy niềm vui khi bắt được rất nhiều cá. Và biến đổi cả thân phận của các môn đệ từ những ngư phủ thành những kẻ “lưới người”.

Đức Giêsu là chính niềm hy vọng để được biến đổi cho chúng ta không chỉ cho Kitô hữu trong Năm Thánh này, mà còn cho toàn thể nhân loại ở mọi nơi mọi thời.

Giữa những ồn ào của tranh chấp, hơn thua quyền lực, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy phục vụ nhau, và chính Ngài đã làm gương phục vụ khi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhiều lần quỳ xuống hôn chân tù nhân hay đã khiến tất cả mọi người sửng sốt khi bất ngờ quỳ gối và hôn chân của lãnh đạo các phe phái đối lập ở Nam Sudan vào năm 2019. Đức Giêsu và Giáo hội Công giáo cho thấy hy vọng trong bạo lực chiến tranh hay mọi thứ bạo lực chỉ có khi biết từ bỏ lợi ích cá nhân để khiêm tốn phục vụ.

Giữa những náo động của công nghệ, của mạng xã hội, Đức Giêsu là tấm gương tìm về chốn bình an nơi Thiên Chúa Cha khi Ngài luôn dành ưu tiên cho việc cầu nguyện. Các môn đệ dễ dàng tìm kiếm Thầy Giêsu sau một ngày mệt nhọc vì các ông đã quen với nhịp sống của Thầy: Lên núi cầu nguyện một mình. Về vấn đề mạng xã hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên người trẻ nên tránh lối sống ngôi sao trên mạng xã hội, nghĩa là muốn khẳng định mình. Còn Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho trong một bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay năm 2023 đã nói: “…Trong thời kỹ thuật số ngày nay, mỗi chúng ta đều là chủ thể truyền thông, hoặc bằng cách đưa bài viết, tin tức, hình ảnh lên mạng; hoặc bằng cách phản hồi qua việc comment, like, share… Ở cả hai tư cách (người đưa tin và người nhận tin) chúng ta đều cần ý thức trách nhiệm của mình là người môn đệ Chúa Giêsu và tự hỏi xem: hành động của tôi có làm gia tăng sự hiệp thông và tình yêu thương trong Hội Thánh không, hay là gây chia rẽ và xung đột? Hành động của tôi có phục vụ cho sự thật hay lại cổ võ sự dối trá? Có gieo rắc cái đẹp của Phúc Âm không hay lại phá hủy vẻ đẹp đó?.

Niềm hy vọng mà Đức Giêsu mang lại cho chúng ta là sự từ bỏ cái tôi cá nhân, từ bỏ những hào nhoáng bên ngoài để tìm kiếm hạnh phúc qua việc gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ những giá trị Chân – Thiện – Mỹ và rắc gieo những điều tốt.

Tóm lại, để có thể trở thành môn đệ Đức Giêsu, để đạt được niềm hy vọng là sự đổi mới nơi bản thân và nơi từng cộng đoàn thì đòi hỏi chúng ta phải có sự từ bỏ như các môn đệ ngày xưa: “Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi  bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc 5, 11). Những từ bỏ hết sức cụ thể trong ngày hôm nay là từ bỏ quyền lực và từ bỏ những dính bén trên mạng xã hội theo gương Đức Giêsu qua việc khiêm tốn phục vụ và siêng năng cầu nguyện. Nhưng trước hết, hãy bắt chước thánh Phêrô để cúi đầu nhìn nhận thân phận yếu đuối tội lỗi của mình. Chính khi có ý thức hoán cải là lúc khởi đầu cho hành trình trở thành môn đệ Đức Giêsu.

Lạy Mẹ Maria là ánh Sao Mai Hy Vọng đời con. Xin Mẹ dẫ đường chỉ lối để con có thể trở thành môn đệ đích thực của Đức Kitô.

print