Nỗi Ưu Tư Và Cuộc Gặp Gỡ Của Kẻ “Tình Si”
Nghĩ thương Thầy chết tức tưởi trên thập giá, xác tẩm liệm sơ sài và vội vã quá, khi mặt trời chưa kịp nhô lên, giọt sương mai còn ghì cong ngọn cỏ ven đường, thoăn thắt đôi chân, cô thôn nữ ấy tiến về ngôi mộ mới, ước mong lần cuối xức dầu thơm lên xác Thầy. Trái tim của kẻ “Tình si” đã làm trí cô ra mờ tối. Phận nữ nhi, lấy đâu sức chuyển vần đá tảng chắn mộ phần? Gà đã gáy, chim non đã lứu lo tiếng hót gọi mẹ, nhưng với cô, không gian chừng như vẫn im phăng phắc. Trái tim cô đã cóng buốt rồi, kể từ khi phiến đá kia che khuất khuôn mặt Thầy kính mến!
Ai đã lấy mất xác Chúa tôi? Đời ơi! Sao đời nhiều cay đắng? “Người với người sống để yêu nhau” sao? Không! Mặt Thầy tôi sưng vếu, thân mình tan nát vì những vết roi da đính với xương cừu sắc nhọn. Thân xác Thầy tôi, chúng treo lên cây gỗ, khạc nhổ và khinh chê. Nơi mộ phần, đáng ra là chốn Thầy được nghỉ ngơi sau những quằn quại đớn đau, nhưng không, chúng chẳng để yên. Xác Thầy tôi, chúng đã cướp mất rồi.
Chỉ còn đây một ngôi mộ trống. Ngôi mộ trống làm lòng tôi rỗng cạn. Không còn Thầy, đến cả thân xác cũng không. Thầy chỉ còn là một ký ức trong tôi. Ký ức đẹp vì Thầy là Chân Thiện. Nhưng nghĩa lý gì khi Chân Thiện đã biến thành hư vô? Thầy đã chết, ngay cả xác cũng chẳng còn. Thế thì Đạo Lý Nước Trời Thầy giảng giải xưa kia, giờ còn nghĩa lý chi? Đời “buồn nôn” vì con người vẫn khổ. Đời bế tắc vì bao đời vẫn xoay vòng trong bất lực khi giáp mặt Tử Thần. Đời đông cứng vì thế giới này đang phải sợ hãi, cụm co. Thầy chết rồi, xác Thầy cũng không còn nữa. “Màn đêm” buông!
Quay lưng lại mộ phần trống rỗng, ngước mắt lên cao cô thấy trời xanh thăm thẳm. Mặt trời vẫn xoay vần chuyển vận và sưởi ấm nhân gian. Những tia sáng vẫn len lỏi vào từng góc cạnh của thế giới, nhóm lên niềm hy vọng. Cây non đương sức vươn lên đầy sinh lực. Đàn chim non đã biết theo mẹ chuyền cành. Không gian “tĩnh mịch” mà “sinh động” quá!
Cô thôn nữ thả mình trong nắng ấm, để gió vuốt ve, để sức sống thầm thì. Ngôi mộ trống sau lưng khoét hẫng con tim tinh tế của kẻ “si Tình.” Cô cảm nghiệm một năng động kỳ diệu ngay chính giữa tâm hồn. Có một tiếng gọi thân thương mà chỉ kẻ “Tình si” mới biết:
“Này Maria!” ……… “Ráp-bu-ni,” … Thầy ơi…!
Đaminh Phan Quỳnh S.J.