Phân định về ơn gọi hôn nhân

print

Phân định về ơn gọi hôn nhân

                                                Lm Tôma Vũ Quang Trung, S.J.

Thông thường, khi nói về ơn gọi, đa số chúng ta nghĩ ngay đến ơn gọi tu trì làm linh mục, tu sĩ hơn là ơn gọi đời sống hôn nhân gia đình. Vì thế, khi nói về việc phân định ơn gọi, đa phần người ta cũng nghĩ đơn giản rằng, chỉ có ơn gọi tu trì mới phải phân định. Còn hôn nhân là một con đường bình thường và tự nhiên của những người không có ơn gọi sống đời tu trì như các linh mục tu sĩ thì ta cứ thế mà đi tới, chẳng phải quan tâm phân định làm gì.

Tuy nhiên, trong thực tế, khi đến tuổi trưởng thành, nhiều bạn trẻ vẫn cảm thấy phân vân khi không thấy rõ mình phải chọn lựa hướng đi cho cuộc đời thế nào?  Nếu không cảm thấy thôi thúc hay bị cuốn hút vào đời sống tu trì liệu đó có phải là dấu hiệu đủ để tôi chọn lựa đời sống hôn nhân không? Có những bạn trẻ đã chuẩn bị mọi sự cho đời sống hôn nhân, đã làm lễ hỏi, đã in thiệp cưới thì thật bất ngờ, khi đi tĩnh tâm chuẩn bị cho ngày hôn lễ sắp đến, anh lại khám phá ra tiếng Chúa gọi vào đời sống linh mục, bỏ lại người bạn gái ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra cho người chồng tương lai của mình để anh đi đến một quyết định ngược chiều đột ngột như vậy. Lại có bạn trẻ khác chẳng thấy hướng chiều về đời sống tu trì, cũng chẳng cảm thấy xác tín về ơn gọi đời sống hôn nhân dù đã từng có người yêu; như vậy, liệu Chúa có gọi tôi vào một bậc sống nào khác chăng? Ví dụ, có thể là sống độc thân giữa đời để dấn thân phục vụ Giáo Hội như một giáo dân không lập gia đình mà cũng không phải là bậc độc thân thánh hiến giữa đời như đời sống của các thành viên tu hội?

Vì thế, cho dù là bậc sống nào đi nữa, việc phân định ơn gọi cũng là một điều hết sức cần thiết. Từ đó, tôi xác tín rằng chính Chúa đã gọi tôi vào lối sống này và tôi muốn đáp trả cách trọn vẹn tiếng gọi ấy từ trời cao đã dành cho tôi trong hành trình trần thế. Bài viết này như là một chia sẻ về việc phân định ơn gọi đời sống hôn nhân trong tương quan với ơn gọi đời sống độc thân vì Nước Trời.

Ý nghĩa của “ơn gọi”

Trước hết, đâu là ý nghĩa của từ ngữ “ơn gọi” (vocation). Hạn từ “vocation” đến từ nguyên ngữ la-tinh “vocare” là một động từ có nghĩa là “gọi”. Một “ơn gọi” có nghĩa là một “tiếng gọi”. Tiếng gọi ấy từ Chúa gởi đến mỗi người để tỏ lộ thánh ý Người muốn mời gọi họ vào một bậc sống nào đó. Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng mỗi Kitô hữu đều được gọi để nên thánh. Thế nhưng tiếng gọi nên thánh ấy lại được cụ thể hóa nơi một “ơn gọi”, nghĩa là một “bậc sống”. Có thể là bậc sống hôn nhân, có thể là bậc sống độc thân vì Nước Trời. Trong bậc sống độc thân vì Nước Trời lại còn có nhiều hình thức: ơn gọi độc thân linh mục, độc thân thánh hiến như các tu sĩ nam nữ và độc thân trong bậc giáo dân như một chọn lựa để sống tự do dấn thân phục vụ giữa đời. Cả hai bậc sống này đều phát xuất từ Chúa và quy hướng về Người.

Hôn nhân là một ơn gọi tự nhiên

Hôn nhân là một ơn gọi. Là tiếng Chúa gọi một người đi theo Chúa qua “bậc sống” gia đình. Giáo Hội khẳng định: “Vì Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ, nên ơn gọi hôn nhân được ghi khắc ngay trong bản tính của họ.” (Sách GLHTCG, số 1603). Như vậy, Giáo Hội xác nhận ơn gọi hôn nhân đã được Chúa khắc ghi cách thâm sâu trong bản tính của người nam và người nữ khi họ được tạo dựng. Như thế, là nam hay nữ, con người đã mang một khuynh hướng sâu xa với ước muốn rất tự nhiên mình sẽ trở thành một người cha hay người mẹ trong cuộc sống gia đình.  Theo cha Bryce Sybley, một chuyên viên về đời sống Hôn nhân và Gia đình thuộc Giáo Phận LaFayette, tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ, ơn gọi hôn nhân mang tính tự nhiên vì đã được Thiên Chúa khắc ghi cách sâu xa nơi bản tính con người, là nam hay nữ.

Ngài cho rằng một linh mục hay nữ tu, ngay cả Đức Giáo Hoàng, nơi bản tính con người của mình, đều được gọi đến đời sống hôn nhân. Xét về khía cạnh thần học, điều này càng được hiểu rõ ràng hơn ngang qua nền thần học về thân xác mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là “một thân xác quy hướng về ý nghĩa hôn nhân” (a spousal meaning of body). Điều này có nghĩa là nơi con người, một hợp thể xác-hồn (an ensouled body), như một quà tặng được ban cho chính mình theo ý nghĩa hướng đến hôn nhân. Như vậy, hôn nhân như một ơn gọi “mặc định” cho tất cả mọi người không trừ ai. Vì thế, ở mức độ nền tảng nhất, hôn nhân như một “ơn gọi tự nhiên” được ghi khắc ngay ở cơ cấu thâm sâu nhất của từng ADN nơi con người chúng ta.

Hiểu như thế thì ơn gọi hôn nhân gia đình không nhất thiết phải phân định, vì bạn là một người nam hay người nữ nên bạn đương nhiên được gọi đến ơn gọi hôn nhân này. Có bạn trẻ cho rằng mình cần phải có người yêu để phân định xem mình có ơn gọi sống đời hôn nhân gia đình không. Điều này không hẳn là đúng. Có lẽ chính xác hơn, bạn ấy nên nói, tôi cần có người yêu để tìm hiểu xem người ấy có hợp với tôi không, để tôi quyết định tiến đến hôn nhân với họ không chứ không phải để thử xem tôi có được gọi đến đời sống hôn nhân gia đình không. Ta có thể khẳng định như vậy dựa trên sự kiện trước hết bạn là một con người, nghĩa là bạn là nam hay nữ. Mà đã là người nam hay người nữ thì tự bản tính con người, bạn đã hướng đến ơn gọi hôn nhân một cách tự nhiên.

Các Kitô hữu đều tin rằng Chúa Kitô nhìn nhận ơn gọi hôn nhân mang tính tự nhiên và Người đã nâng ơn gọi này lên hàng bí tích. Công Đồng Vaticanô II xác định rằng tình yêu hôn nhân đích thực phản ánh tình yêu Thiên Chúa và được tình yêu này biến đổi. Trên bình diện thiêng liêng, tình yêu hôn nhân giữa vợ chồng là hình ảnh sống động của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh Người (x. Ep 5, 22-32). Điều này cho thấy một Kitô hữu đã được thánh hiến qua phép Rửa thì đời sống hôn nhân của họ sau này cũng sẽ được nâng lên hàng bí tích. Như vậy, đối với hôn nhân công giáo, hôn nhân tự nhiên đi liền với hôn nhân bí tích. Hôn nhân bí tích đặt nền tảng trên hôn nhân tự nhiên như một ơn gọi.

Vì hôn nhân như một ơn gọi tự nhiên đã được ghi khắc nơi bản tính con người nên điều này giúp ta phân biệt với đời sống độc thân thánh hiến như một ơn gọi. Khác với hôn nhân như một ơn gọi từ bên trong bản tính con người, ơn gọi độc thân thánh hiến là một ơn gọi đến từ bên ngoài bản tính này. Ơn gọi độc thân thánh hiến đến từ ân sủng của Thiên Chúa mời gọi một người từ bỏ ơn gọi hôn nhân tự nhiên để chọn ơn gọi độc thân thánh hiến vì Nước Trời (x. Mt 19, 12c).

Có bạn trẻ đặt câu hỏi rằng, nếu mình không cảm thấy bị lôi cuốn về đời sống hôn nhân gia đình để trở nên một người chồng, người cha thì liệu đó có phải là dấu chỉ mình có ơn gọi làm linh mục không? Cha Bryce Sybley đã trả lời hoàn toàn ngược lại. Ngài cho rằng một bạn trẻ thông thường vẫn cảm thấy được lôi cuốn về cả hai phía như nhau. Để chọn theo ơn gọi độc thân thánh hiến, bạn ấy phải chọn từ khước ơn gọi hôn nhân. Trong thực tế, nếu một bạn trẻ cảm thấy mình không bị lôi cuốn về ơn gọi hôn nhân thì bạn ấy cần phải suy nghĩ cẩn trọng hơn về ơn gọi độc thân linh mục. Nếu một bạn trẻ trong thẳm sâu tâm hồn không hề cảm thấy ước muốn trở nên một người cha trong gia đình thì hầu chắc bạn trẻ ấy không thể có ơn gọi sống bậc độc thân linh mục. Ước muốn thâm sâu trở nên một người cha người mẹ trong gia đình là dấu hiệu của một người lành mạnh và tự nhiên, vẫn không hề loại trừ khả năng họ có thể được gọi đến bậc sống độc thân thánh hiến vì Nước Trời. Điều này không có nghĩa ta loại bỏ hẳn hay xem thường các cảm giác này nhưng tiến trình phân định một ơn gọi vẫn cần đến những gì mang một sắc thái đặc biệt hơn.

Phân định ơn gọi

Như vậy, khi phân định về ơn gọi, một bạn trẻ không thể dựa trên cảm giác đơn thuần là không thấy mình bị cuốn hút về phía ơn gọi hôn nhân để đi đến quyết định là mình được gọi về phía ơn gọi linh mục. Cũng thế, khi cảm thấy mình bị cuốn hút vào ước muốn lập gia đình và mong có con cái cũng không hoàn toàn loại trừ khả năng mình không có ơn gọi sống bậc độc thân thánh hiến. Một quyết định hệ trọng để xác định hướng đi của cuộc đời không thể dựa trên cường độ dao động của các cảm xúc hay ước muốn được. Một bạn trẻ ở lứa tuổi “teen” khoảng 18-19 thì cường độ dao dộng của các cảm xúc tình dục có thể rất mạnh mẽ dễ hướng bạn trẻ ấy nghĩ đến ơn gọi hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, khi bước đến độ tuổi 24 – 28, có thể bạn trẻ này lại cảm thấy mình hướng chiều hơn về ơn gọi độc thân thánh hiến hay có ước ao mãnh liệt muốn trở thành một linh mục. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu khẳng định ơn gọi độc thân vì Nước Trời phải được đón nhận và sống nhờ ân sủng siêu nhiên (x. Mt 19, 11-12). Không có sự trợ giúp của ân sủng, người ta không thể sống độc thân thánh hiến giữa đời.

Sống độc thân không có nghĩa là chối bỏ giới tính. Một người sống độc thân vẫn hoàn toàn là một người nam hay người nữ cách trọn vẹn với những ước muốn và khuynh chiều tự nhiên về giới tính như những người bình thường khác. Sống độc thân là một quyết định từ bỏ đời sống hôn nhân được lập đi lập lại liên tục trong cuộc đời vì ước muốn sống đời hôn nhân không bao giờ chết hẳn vì nó được ghi khắc trong thẳm sâu của bản tính con người. Không ai có thể chối bỏ bản tính con người nơi chính mình. Vì thế, khi quyết định từ khước đời sống hôn nhân, người sống đời độc thân vì Nước Trời chia sẻ một phần thập giá với Chúa Kitô trong niềm vui thanh thoát nhờ sự nâng đỡ và trợ giúp của ân sủng Người.

Một linh mục sống độc thân vì Nước Trời được xem như đã lập một “hôn ước” với Hiền Thê là Giáo Hội. Đó là cộng đoàn tín hữu mà ngài được gọi để phục vụ, để hiến dâng sự sống của chính mình. Một người nữ sống đời khiết tịnh thánh hiến là đã kết hôn với Chúa Kitô để thuộc về một mình Người. Nghi thức thánh hiến trinh nữ hoặc tuyên khấn của các nữ tu bao trùm màu sắc của một lễ cưới. Đây là chính là ý nghĩa hôn nhân tròn đầy nhất về thân xác: một quà tặng trọn vẹn là chính mình được hiến dâng cho Chúa Kitô và Hội Thánh của Người. Qua quà tặng này, người sống độc thân thánh hiến sinh nhiều hoa trái thiêng liêng. Vị linh mục trở nên người cha thiêng liêng cho đoàn con cái mà ngài được sai đến để phục vụ. Chị nữ tu trở thành người mẹ thiêng liêng cho đoàn con mình có nhiệm vụ chăm sóc. Đó là ý nghĩa thật sự tròn đầy cho một ơn gọi sống độc thân thánh hiến vì Nước Trời.

Chúng ta biết rằng mọi người tự bản tính đều hướng đến đời sống hôn nhân. Đây là một “mặc định” căn bản nên trước hết, chúng ta không phân định ơn gọi hôn nhân. Vì thế, các bạn trẻ cần phân định xem mình có khả năng được gọi vào ơn gọi tu trì không dù vẫn không thể bỏ qua sự quan tâm về khuynh hướng tự nhiên nghiêng về đời sống hôn nhân của mình. Nếu sau khi phân định về ơn gọi độc thân thánh hiến hay độc thân giữa đời để dấn thân phục vụ mà bạn đi đến một xác tín luân lý rằng mình không được gọi vào bậc sống đó thì khi ấy, bạn có thể yên tâm loại trừ khả năng này để theo đuổi ơn gọi hôn nhân gia đình. Đó chính là ơn gọi tự nhiên mà Chúa đã khắc ghi trong bản tính con người khi Người tạo dựng chúng ta là người nam hay người nữ.

Phân định ơn gọi hôn nhân gia đình

Khi tạo dựng nên chúng ta là nam hay nữ, Chúa đã có một chương trình, một kế hoạch phù hợp cho mỗi người chúng ta nơi trần gian. Người ban cho chúng ta lý trí để suy xét và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để hướng dẫn, giúp chúng ta từ từ khám phá ra ý định của Người về hướng đi của đời mình. Việc phân định ơn gọi đòi chúng ta phải dành thì giờ để cầu nguyện, để lắng nghe tiếng Chúa, để nhận ra các thôi thúc của Chúa Thánh Thần. Đồng thời, chúng ta cũng cần bàn hỏi thêm với những vị đồng hành thiêng liêng có kinh nghiệm để được sự trợ giúp và hướng dẫn trong việc phân định tìm thánh ý Chúa trong hoàn cảnh cụ thể của mình.

Việc phân định ơn gọi hôn nhân có thể diễn tiến qua nhiều chặng khác nhau.

  • Trước hết, chặng đầu tiên là bạn hãy tìm hiểu xem liệu tôi có khả năng được Chúa gọi vào đời sống độc thân vì Nước Trời không? Việc phân định này có thể cần đến sự trợ giúp của các vị đồng hành thiêng liêng có kinh nghiệm, nhất là qua những lần tĩnh tâm để lắng nghe tiếng Chúa mời gọi qua hoàn cảnh cuộc đời mình.
  • Sau khi bạn đã loại trừ khả năng mình có thể được gọi vào ơn gọi độc thân vì Nước Trời qua bậc sống linh mục, tu sĩ hoặc giáo dân dấn thân phục vụ giữa đời, dù vẫn không hoàn toàn khép kín cánh cửa mở lối vào con đường này, bạn sẽ tiếp tục phân định xem liệu tôi có được Chúa gọi vào bậc sống hôn nhân gia đình không? Đây chính là câu hỏi căn bản mà bạn cần tìm ra lời giải đáp nơi việc tìm kiếm thánh ý Chúa qua việc suy xét, cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa, bàn hỏi trao đổi với vị đồng hành thiêng liêng.
  • Nếu bạn vội vã để các cảm xúc thúc đẩy, các khuynh chiều tự nhiên của thân xác lôi kéo, sự đẩy đưa của các thôi thúc tình dục, sự cuốn hút của các đam mê nóng bỏng, bạn sẽ rất khó nhận ra tiếng Chúa vang lên trong lòng bạn để có thể phân định tìm ra con đường Chúa muốn bạn chọn lựa cho đời mình. Vì vậy, thời điểm thích hợp và tốt hơn cả để làm việc phân định ơn gọi hôn nhân là khi bạn chưa đi vào một tương quan tình cảm riêng biệt nào với ai. Chính trong tình trạng thong dong này mà bạn dễ có được sự tự do nội tâm để phân định mà không sợ mình bị lôi kéo vào một gắn bó tình cảm hay một đam mê nào vốn có thể dẫn đến chỗ bị lệch lạc trong phán đoán. Có bạn đã đi vào một tương quan quá thắm thiết và gần gũi với người yêu mới tìm đến việc phân định xem mình có ơn gọi hôn nhân không thì lúc đó, bạn có rất ít tự do để làm công việc phân định ơn gọi vì đã gắn bó với một người. Lúc đó, việc phân định không còn là “liệu tôi có ơn gọi trong bậc hôn nhân hay không?” mà là “đây có phải là người mà tôi sẽ chọn để sống với họ suốt đời trong bậc sống hôn nhân không?” Khi ấy bạn trẻ này đã “mặc định” mình chọn bậc sống hôn nhân rồi. Việc phân định lúc đó đã đi qua chặng thứ hai: “Tôi có nên quyết định đi đến hôn nhân với người này không?”
  • Một vài câu hỏi có thể giúp bạn suy xét và phân định về ơn gọi trong bậc sống hôn nhân gia đình.
  • Hôn nhân là một tiến trình ra khỏi mình để không ngừng lớn lên trong thái độ mở ra để đi đến sự hiệp thông với một người mà mình cam kết gắn bó và yêu thương suốt đời. Vì vậy, tôi có thái độ sẵn sàng cởi mở để có khả năng chia sẻ mọi sự với một người khác không? Cụ thể là chia sẻ những suy nghĩ, quan niệm sống, cảm xúc, kinh nghiệm, điểm mạnh, điểm yếu, hướng sống, sở thích…, kể cả tiền bạc, của cải vật chất và những gì tôi có.
  • Hôn nhân là một tiến trình trao ban và dâng hiến chính bản thân mình cho người mình yêu thương. Vì vậy, tôi có khả năng hiến dâng chính con người mình cũng như mọi sự thuộc về mình cho người mình yêu không? Cụ thể tôi có khả năng từ bỏ những gì cản trở nơi chính mình để hai người được thực sự hiệp nhất nên một trong nhau và vĩnh viễn thuộc về nhau trong mọi sự không? Tôi có sẵn sàng hy sinh chính mình vì hạnh phúc cho người tôi yêu thương không?
  • Hôn nhân công giáo mang tính đơn hôn và bất khả phân ly nên tôi có sẵn sàng dấn thân vào cuộc sống chung với người tôi yêu và chung thủy với người ấy suốt hành trình cuộc đời, bất chấp những thăng trầm và đổi thay của cuộc sống không?
  • Tình yêu trong hôn nhân sẽ sinh hoa trái nên tôi có sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm làm cha mẹ để trong mọi hoàn cảnh, tôi vẫn chu toàn bổn phận nuôi dạy con cái nên người và giúp con cái lớn lên trong đức tin mà Chúa đã trao cho tôi nhiệm vụ bảo vệ và gìn giữ không? Trường hợp ngược lại, nếu tôi không thể sinh con cái, tôi có sẵn sàng đón nhận tình trạng này trong niềm vui và bình an để sống tình yêu vợ chồng cách trọn hảo không?
  • Trong tương quan đời sống vợ chồng, tôi có khả năng để khiêm tốn nói lời xin lỗi khi nhận ra mình sai lầm, khả năng tha thứ khi mình bị xúc phạm và khả năng lắng nghe người bạn đời để cảm thông và nâng đỡ nhau trong những phút giây gặp hoạn nạn, khổ đau, gian nan và thử thách của cuộc đời không?
  • Suy xét và cân nhắc các câu hỏi trên đây, bạn có cảm thấy bình an và nghe thấy tiếng Chúa mời gọi bạn dấn thân vào cuộc sống hôn nhân cụ thể này không? Bạn có cảm thấy điều gì có thể làm bạn ngại ngùng hoặc mất bình an không? Nếu có, đó là điều gì? Bạn có biết rõ nguyên nhân vì sao không?
  • Chặng cuối của tiến trình phân định này liên quan đến một con người cụ thể mà bạn phải phân định để đi đến một quyết định chọn lựa. Ai sẽ là người mà bạn chọn để kết hôn và đi với họ trong suốt hành trình cuộc đời? Đây là một điều khá riêng tư và là một phân định khá đặc biệt. Tuy nhiên, bạn có thể suy nghĩ theo một vài câu hỏi gợi ý sau đây:
  • Tôi là ai trong tương quan với con người này?
  • Có phải đây là người sẽ đem lại những gì tốt đẹp nhất cho cuộc sống hôn nhân của tôi không?
  • Có phải khi chung sống với nhau, cả hai sẽ có khả năng làm cho nhau trở nên những người tốt hơn và đem lại hạnh phúc cho nhau không?
  • Sự kết hợp giữa hai người với nhau có thật sự đem lại sự bổ túc hài hòa nhờ hòa hợp được với nhau và đưa đến chỗ đồng hiệp lực với nhau không?
  • Tính khí khác biệt giữa hai người có khả năng đi đến chỗ hòa hợp được với nhau không?
  • Hướng đi tương lai của hai người có khả năng gặp gỡ và hòa hợp được với nhau không?
  • Điểm quan trọng cuối cùng cần phân định là giữa hai người cùng có chung một cái nhìn về niềm tin tôn giáo và các thực hành về đời sống luân lý không? Nếu có sự khác biệt thì đây có thể là một thử thách lớn trong đời sống hôn nhân trong tiến trình tìm kiếm một sự hài hòa nơi đời sống tâm linh và sự chọn lựa các giá trị luân lý. Tuy nhiên, thách đố đó không phải là không thể vượt qua nếu thật sự cả hai đều có tình yêu chân thật dành cho nhau qua sự tôn trọng những khác biệt của nhau.

Một vài dấu hiệu của ơn gọi hôn nhân

Theo Cha Stefen Wang, một vài dấu hiệu có thể cho thấy bạn đang hướng về ơn gọi hôn nhân:

  • Ước muốn kết hôn: Ước muốn ấy xuất hiện ngay từ lúc bạn còn rất trẻ và theo bạn mãi đến bây giờ. Bạn mơ ước trở nên người vợ, ngưởi chồng. Bạn ước muốn yêu và được yêu. Khi nghĩ đến những điều ấy, bạn cảm thấy niềm vui và bình an. Bạn khao khát tìm người yêu và cũng khao khát được người đó yêu thương bạn. Ước muốn ấy dẫn dắt bạn hướng về ơn gọi hôn nhân trong tương lai.
  • Ước muốn có con cái: Điều này thật đơn giản. Bạn mong ước có một gia đình. Nơi đó, có những đứa con gọi bạn là cha, là mẹ. Dù có gặp khó khăn hay phải hy sinh thế nào đi nữa, bạn vẫn cảm thấy thật hạnh phúc trong việc nuôi dạy con cái. Hẳn nhiên, bạn phải luôn nhớ rằng, con cái là hồng ân Chúa ban tặng. Và không phải khi nào hồng ân này cũng được hoàn toàn bảo đảm trong đời sống hôn nhân.
  • Ngưỡng mộ những người sống đời hôn nhân mà bạn quen biết: Bạn đã tửng gặp nhiều người sống ơn gọi hôn nhân mà bạn rất ngưỡng mộ. Bạn ngưỡng mộ họ vì bạn thấy họ sống hạnh phúc, vì bạn thấy những nét đẹp trong đời hôn nhân của họ dù họ phải trải qua nhiều thử thách và khó khăn. Bạn khám phá ra nơi họ một cuộc sống tròn đầy trong yêu thương mà bạn hằng mơ ước. Đời sống của họ gợi lên nơi bạn một niềm hứng khởi về cách sống niềm tin Kitô giáo của bạn trong ơn gọi hôn nhân gia đình.
  • Những người chung quanh khích lệ bạn hướng về ơn gọi hôn nhân. Họ là những người sống gần gũi với bạn và biết rõ bạn. Họ thấy bạn hướng về cuộc sống hôn nhân như một điều hoàn toàn tự nhiên. Họ nghĩ bạn sẽ trở thành một người cha, người mẹ tốt lành trong gia đình. Họ thấy bạn hoàn toàn phù hợp với cuộc sống gia đình và bạn có khả năng kiến tạo một gia đình hạnh phúc.
  • Bạn gặp một người mà bạn muốn kết hôn với họ: Đó là lúc tình yêu đã trở nên hiện thân nơi một con người cụ thể mà bạn quyết định chọn lựa sống suốt đời với họ trong bậc hôn nhân gia đình. Dĩ nhiên có nhiều yếu tố khác bạn cần phải cân khắc khi phân định như đã trình bày trên đây để biết rõ mình có khả năng sống hòa hợp với người này không. Tuy nhiên, việc gặp gỡ một con người cụ thể cũng là một chất xúc tác giúp bạn hiểu rõ hơn về ước muốn sâu thẳm nhất mà Chúa đã đặt nơi con người bạn.
  • Không có một sự thôi thúc mạnh mẽ nào khác nơi bạn: Hẳn nhiên, không có một thôi thúc nào khác ngoài sự thúc đẩy hướng về đời sống hôn nhân vẫn chưa hẳn là bạn chỉ có ơn gọi hôn nhân và loại trừ các ơn gọi khác như đã nói. Tuy nhiên, nếu bạn không thấy nơi bạn có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy khả năng bạn có thể được gọi vào ơn gọi linh mục hay bậc độc thân thánh hiến hoặc độc thân giữa đời, thì bạn có thể xác tín rằng, hôn nhân gia đình chính là ơn gọi mà Chúa mời gọi bạn đảm nhận.

Trên đây chỉ là một chia sẻ tổng quát về việc phân định chung về ơn gọi bậc sống hôn nhân và gia đình. Trong từng trường hợp cụ thể, có thể cần thêm một số yếu tố khác trong tiến trình phân định mà bạn có thể tìm thấy sự trợ giúp nơi các vị đồng hành thiêng liêng hoặc các vị mục tử.

                                      Lm Tôma Vũ Quang Trung, S.J.