PVLC Tại Gia Đình: Chúa Nhật Phục Sinh

print

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

VÀ RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG TẠI GIA ĐÌNH

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

12.04.2020

Mọi thành viên trong gia đình tụ họp trước bàn thờ Chúa.

Chủ sự: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Mọi người: Amen.

Hát (đọc) kinh Chúa Thánh Thần;

Đọc kinh: Tin, Cậy, Mến, Sấp mình.

Đọc kinh: Tôi Thú Nhận cùng Thiên Chúa toàn năng

Chủ sự: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

Mọi người: Amen.

Kinh Vinh Danh.

Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa.

Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời, là Chúa Cha toàn năng. Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô,

Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa là Con Ðức Chúa Cha.

Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con; Chúa xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn. Chúa ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, xin thương xót chúng con.

Vì, lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao, cùng Ðức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Ðức Chúa Cha. Amen.

Chủ sự: Chúng ta dâng lời cầu nguyện.

Lạy Cha từ ái, ngày hôm nay, Thánh Tử Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Này chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Cha ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

Mọi người: Amen.

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Bài Ðọc I                                                    Cv 10, 34a. 37-43

“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca:                                       Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.

Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Bài Ðọc II:                                                                Cl 3, 1-4

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

Các Kitô hữu hãy tiến dâng

lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.

Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:

Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.

Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,

tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.

Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe

bà đã thấy gì trên quãng đường đi?

Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống

và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,

Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.

Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!

Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

 Alleluia:                                                           1 Cr 5, 7b-8a

Alleluia, alleluia! – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.

 Phúc Âm:                                                             Ga 20, 1-9

“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm – một người đọc.

Bài Tin Mừng này được đọc vào buổi sáng Chúa nhật Phục sinh, khi tử thần Covid vẫn tác oai tác quái trên thế giới. Mỗi ngày hàng ngàn người chết, không đủ nhà xác và quan tài. Bao người phiền muộn vì mất mát người thân. Bao người âu lo vì thấy mạng sống mình bị đe dọa. 

Bà Maria Mácđala cũng đã trải qua những thời khắc kinh hoàng. Bà đã đứng gần thập giá của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chứng kiến Ngài gục đầu và trao sinh khí (Ga 19,30). Maria không thể nào quên được buổi chiều thứ sáu ấy. Hẳn bà cũng đã tham dự lễ mai táng của Thầy Giêsu. Ngôi mộ mới của Thầy nằm trong khu vườn mà bà biết rõ. Điều làm bà an ủi, đó là bà còn giữ được xác của Thầy. Đối với bà, xác của Thầy cũng quý như chính con người Thầy. Tất cả tập trung của bà dồn vào ngôi mộ, Bà chỉ mong ngày sa-bát mau kết thúc để bà có thể ra viếng mộ.

Buổi sáng tinh mơ ngày thứ nhất trong tuần, bà đã vội vã ra mộ. Điều bà không dám ngờ đã xảy ra: tảng đá che mộ bị dời đi, và xác Thầy cũng không còn ở đó nữa. Hốt hoảng, sợ hãi, hoang mang, bà chạy về báo cho Simôn và người môn đệ kia chuyện chẳng lành. “Họ đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,2). Đây không phải là tin mừng, nhưng là tin buồn. Hay đúng hơn, lời chứng của Maria lúc này chưa phải là lời chứng thật, có thể hiểu như một lời “vu khống”. Chưa biết rõ thực hư, bà đã loan tin và bà đang nghi ngờ ai đó: “họ đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu”. Họ là ai? vô danh! Có thể trong tâm trí bà nghĩ về ai đó, nhóm người nào đó mà bà chưa dám nói ra. Ít ra là như vậy.

Tuy nhiên, sau lời loan báo này đã thúc đẩy hai môn đệ lên đường. Phêrô và người môn đệ Chúa yêu cùng chạy. Tình hình quá căng thẳng, hai ông như đua nhau chạy cho mau. Đến nơi, Simôn Phêrô vào trong mộ, thấy những băng vải, cùng khăn che đầu được cuộn lại và xếp riêng ra một nơi (Ga 20,6-7). Còn người môn đệ Chúa thương, đứng ngoài, thấy những băng vải (Ga 20,5) và sau đó người môn đệ kia cũng vào mộ. Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8). 

Người tín hữu hôm nay cũng có lúc giống bà Maria. Hốt hoảng vì thấy mất Chúa, mất đi điều quý giá nhất của mình. Ai đã lấy Ngài đi, để lại ngôi mộ trống trơn lạnh lẽo? Trận dịch năm nay đem lại nhiều chết chóc đau thương. Bao nhiêu nấm mộ đã mọc lên vội vàng. Có hy vọng nào từ những nấm mộ không? Chúa Giêsu đã được phục sinh, nhưng sau nạn dịch này, thế giới có được phục sinh không? Sự tàn phá của vi rút trên mạng sống con người đòi chúng ta phải chung tay xây dựng một thế giới đầy tràn sự sống. Bảo vệ rừng, ngừng xây đập, không phí tiền chạy đua vũ trang, làm sạch lại bầu khí, làm xanh lại bầu trời, làm trong lại dòng sông. Cơn dịch này nhắc chúng ta về những giá trị bị lãng quên, đòi ta điều chỉnh lại tương quan giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên, và giữa con người với Đấng Tạo Hóa. Chúa phục sinh đã tặng cho ta ơn phục sinh, nhưng để hưởng ơn ấy, không phải là chuyện tự nhiên hay đương nhiên. Chúng ta sẽ chẳng nếm được niềm vui sống lại, nếu cứ loay hoay ở trong ngôi mộ của ích kỷ và khép kín. 

Phải tập nhìn vào ngôi mộ, tập để ý đến những chi tiết nhỏ. Tập đọc ra những dấu chỉ lờ mờ của hy vọng ngay giữa những đổ vỡ. Tập nhìn thấy những điểm sáng trong ngôi mộ tối tăm, và nhận ra bàn tay Thiên Chúa đang hoạt động cách kín đáo. Thật tiếc thương khi xác Thầy không còn, nhưng những băng vải quấn xác Thầy vẫn còn nằm ở đó, còn khăn che đầu thì được cuộn lại, xếp riêng (Ga 20,7-8). Điều đó cho thấy không phải có người ăn cắp xác và đem đi. Vì kẻ cắp không có thì giờ để làm việc đó. Từ từ ngôi mộ bừng sáng lên, và mang nhiều ý nghĩa. Nơi của chết chóc và mất mát lại trở nên vườn ươm sự sống.

Hãy hy vọng, Chúa đã phục sinh. Alleluia, Alleluia, Alleluia.

Thinh lặng giây lát cầu nguyện riêng

Kinh Tin Kính: Tôi Tin Kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng…

RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG

Chủ sự: Giờ đây, như Chúa Giêsu dạy, chúng ta cùng dâng lên Chúa lời kinh Lạy Cha.

Lạy Cha chúng con ở trên trời…

Đọc kinh Rước Lễ Thiêng Liêng – đọc chung

Lạy Thánh Tâm Chúa giàu Lòng Thương Xót, chúng con tin thật, thờ lạy, cảm tạ Chúa ngự trong bí tích Thánh Thể. Chúng con khát khao yêu mến, kết hợp với Chúa mỗi ngày một hơn. Xin Chúa ngự vào lòng chúng con cách thiêng liêng, và đốt lên trong chúng con ngọn lửa tin yêu nồng cháy. Xin Chúa nên tất cả cho chúng con, để chúng con thuộc trọn về Chúa, trong sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Amen.

Thinh lặng giây lát cầu nguyện riêng

KẾT THÚC

Chủ sự: Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã thương đổi mới Hội Thánh; xin Chúa cũng luôn luôn che chở giữ gìn, để Hội Thánh được thấy ngày sống lại vinh quang. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Mọi người: Amen.

Lời Nguyện Trong Cơn Dịch Bệnh Corona Virus – đọc chung

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng chúng con đang họp nhau cầu nguyện, tha thiết nài xin cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt.

Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót xin nhìn đến nỗi thống khổ của đoàn con trên khắp thế giới, đặc biệt tại những nơi dịch bệnh đang hoành hành.

Xin củng cố đức tin của chúng con, cho chúng con hoàn toàn tín thác vào tình yêu quan phòng của Cha.

Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, là vị lương y đầy quyền năng và lòng thương xót, xin thương cho các bệnh nhân sớm được chữa lành, và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách.

Xin cho lời chúng con khiêm tốn cầu nguyện, được chạm tới trái tim nhân lành của Chúa, xin giảm bớt gánh nặng khổ đau, và cho chúng con cảm nhận được bàn tay Chúa đang ân cần nâng đỡ chúng con.

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh tình yêu, xin soi sáng các vị hữu trách và những người có khả năng, giúp họ sớm tìm ra phương thuốc chữa trị dịch bệnh, xin ban cho các bác sĩ và nhân viên y tế sức mạnh của tình thương và lòng nhiệt thành quảng đại, luôn tận tâm tận lực phục vụ các bệnh nhân.

Chúng con xin trao vào đôi tay từ mẫu của Mẹ Maria, những lời khẩn nguyện trong cơn đại nạn, nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa nhận lời chúng con. Amen.

Chủ sự: Xin Thiên Chúa toàn năng ban phước lành cho tất cả chúng ta, xin Người che chở chúng ta khỏi mọi sự dữ, và dẫn đưa chúng ta tới cuộc sống muôn đời.

Mọi người: Amen.

Có thể hát kính Đức Mẹ, Đọc kinh Cám Ơn – Ba câu lạy.

  Lm Giuse Lê Ngọc Ngà