Sálvese Quien Pueda- Thân Ai Nấy Lo

print

           Sálvese Quien Pueda- Thân Ai Nấy Lo

               Trong thông điệp Fratelli Tutti, tôi đọc được tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Fancisco. Cụm từ “sálvese quien pueda” dịch từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là: “Thân ai nấy lo”. Xin chia sẻ cùng mọi người chút cảm nghiệm của tôi với cụm từ này trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19.

          Về mặt từ ngữ, ta không phân tích cách khoa học và giải thích về mặt chữ của cụm từ “Sálvese quien pueda- Thân ai nấy lo”. Phần tôi, tôi giật mình khi Đức Giáo Hoàng Fancisco đề cập đến một cộng đồng thuộc về và tình liên đới đoàn kết trong số 36 của thông điệp Fr.[1]. Như thế, hai vấn đề này hoàn toàn đối lập với cụm từ “Thân ai nấy lo” mà Đức Thánh Cha đề cập tới. Chúng ta đang sống trong một Giáo Hội mà nơi này ta thuộc về cộng đồng nhân loại rộng lớn, nơi này ta luôn tin rằng luôn có sự quan phòng của Thiên Chúa cho con người.

           Từ khi sinh ra, ta được sống trong một gia đình nhỏ, được sinh ra trong Đức tin vào Hội Thánh của Đức Ki-tô và được lớn lên trong một cộng đồng nhân loại mà nơi đó ta biết mình được thuộc về nơi mình đang sinh sống. Ý thức được như thế, ta biết rằng cuộc sống mình như thế nào: khó khăn, vui buồn sướng khổ, lúc an vui, khi tràn ngập tình thương… ta cần luôn sống tín thác trọn vẹn vào Chúa và nhất là theo sự hướng dẫn của Mẹ Giáo Hội. Nhờ ý thức về môi trường mình thuộc về này, ta cần phải liên đới đoàn kết để cống hiến thời gian, công sức và nguồn lực cho nhau. Vì con người không chỉ sống cho riêng cá nhân mình mà còn phải sống vì và sống cho người khác. Như vậy, con người không thể nào sống theo mẫu “sálvese quien pueda- Thân ai nấy lo” mà phải nỗ lực liên đới đoàn kết trong tình huynh đệ đại đồng.

          Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Giêrusalem cũng biểu lộ hai đặc trưng mà ta vừa nói đến[2]. Thật thế, cộng đoàn tiên khởi khi xưa là một cộng đoàn phụng vụ, bác ái và truyền giáo. Các tín hữu luôn chuyên cần đến Đền Thờ để cầu nguyện và tham dự lễ bẻ bánh nhờ đó có thể gặp gỡ được Thiên Chúa. Đồng thời, họ luôn chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy- đó là Hội Thánh của mình. Từ bước đầu, các tín hữu xây dựng một cộng đoàn sống liên đới với nhau, một cộng đoàn hiệp thông bác ái “để mọi sự làm của chung… chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (x. Cv 2, 44-45) để trong cộng đoàn không ai phải túng thiếu.

          Cộng đoàn khi xưa thì như thế, ngày nay Giáo Hội vẫn thiết tha mời gọi con cái mình sống liên đới trong thân thể Chúa Ki tô. Mỗi người là một chi thể, chắc chắn bộ phận này đau, thì những bộ phận khác cũng ảnh hưởng, người ảnh hưởng và đau đớn nhất chính là Mẹ Giáo Hội. Vì thế, đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội nhiều tình nguyện viên là những Linh Mục, Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và một số giáo dân đã dấn thân phục vụ các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại các bệnh viện dã chiến. Ngoài ra, nhiều anh chị em đã quảng đại giúp sức về tiền bạc vật chất, chắt chiu từng nắm gạo, gói mì, đến những cọng rau, quả trứng… Có những em thiếu nhi rất nhỏ cũng đã dùng hết tiền mình dành dụm trong con heo đất, đem đến nhà thờ gởi cha xứ để làm việc bác ái. Tất cả những việc làm đó, đều nói lên tinh thần liên đới của tất cả mọi người như chúng ta thuộc về một thân thể Chúa Giê-su Ki-tô.

          Bên cạnh những việc làm của các tâm hồn thiện chí ấy, rất nhiều người có điều kiện sống tốt đẹp, thậm chí hơn những người khác thật nhiều. Nhưng khi được mời gọi để giúp đỡ những người chung quanh mình, thì họ lại suy nghĩ thật đắn đo. Thật đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19, 24). Tôi nhớ hình ảnh cái rổ quyên góp tiền trong mỗi thánh lễ, không nói dâng tiền nhiều hay ít. Nhưng tất cả nói lên tấm lòng quảng đại cho đi của chúng ta. Khi còn nhỏ, tôi được ông nội cho tiền để đi lễ, bỏ vào rổ ấy. Chính lúc đó, ông đã dạy tôi một bài học về sự cho đi, với tấm lòng quảng đại. Thời gian gần đây, tôi được nghe nhiều câu chuyện, có những người ngồi quán Cafe mỗi ngày, hút thuốc một ngày vài gói nhưng bỏ rổ để dâng cho nhà thờ thì thật là hiếm. Dường như nhu cầu giải trí của những người đó cao hơn sự thiếu thốn tột cùng của người nghèo. Tôi nói về điều kiện mà Chúa ban cho mỗi người mỗi khác, tuỳ theo hoàn cảnh. Nhưng trước sự khốn khổ thiếu thốn của anh chị em chung quanh mình, tôi có rung cảm để rồi hành động không? Khoảng cách từ con tim đến đôi tay là bao xa? Chắc cũng còn xa, đúng không? Thêm vào đó, tôi thú thật với mọi người, tôi cũng nhìn thấy những người làm cha mẹ có thể ngồi trong tiệm trò chơi bắn cá hàng giờ, mà quên đi sự thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc cho những đứa con của mình. Đến nỗi, đứa con đó cứ bám lấy chân mẹ nó và nói: “Mẹ ơi, con đói quá mẹ ơi!”. Nhưng phản ứng của người mẹ vẫn thản nhiên trước cơn đói của con mình và tiếp tục say mê ngồi bắn cá như thế. Thật đúng là “Sálvese quien pueda- Thân ai nấy lo”…

          Liên hệ cá nhân tôi, tôi không thể nào sống riêng mình vì không ai là một hòn đảo tự tách biệt bản thân ra khỏi thế giới này. Tôi hằng gắn kết với Thiên Chúa trong đời sống thiêng liêng của mình qua các việc tham dự thánh lễ, nguyện gẫm, nguyện tắt, lần chuỗi, cùng các việc đạo đức để dâng lời cầu nguyện trong bối cảnh của cơn dịch bệnh hiện tại. Tôi cũng cộng tác với anh em trong công việc để giúp cho môi trường sống nơi mình đang ở được tốt hơn. Tôi cũng dành sự cảm thông, lời động viên, an ủi những người đau khổ và dâng lời cầu nguyện cho họ trong cuộc sống hiện tại này. Trong giây phút hiện tại, tôi biết mình vẫn còn phụ thuộc vào gia đình rất nhiều. Nhưng khi tôi có điều kiện, tôi sẵn sàng nhường điều kiện giải trí và giúp đỡ những người chung quanh, những người ở quê nhà hết sức, hết khả năng mà tôi có được, một vài thùng mì, vài ký gạo…

           Một chút suy tư và cảm nhận riêng trong thế giới quan của tôi về cuộc sống trong bối cảnh hiện tại qua tư tưởng của Đức Giáo Hoàng Fancisco: “Sálvese quien pueda- Thân ai nấy lo”. Xin ơn của Chúa trợ lực giúp sức để mỗi người ý thức mình sống trong một cộng đồng nơi đó có tình huynh đệ tương thân tương ái, sự sẻ chia cho đi mỗi ngày. Ta cũng có thể học từ chính Chúa Giê-su sự quảng đại, cho đi một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một điều kiện vật chất mà ta có thể cho được. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc ta được gặp lại chính bản thân mình[3].

[1]. Thông điệp Fratelli Tutti (03.10.2020), số 36, tr.83.

[2]. Cv 2, 42-47.

[3]. Kinh hoà bình, Thánh Phanxico Assisi.

                                                                                                                            Michael K23

   Đại Chủng Viện Thánh Quý Cần Thơ.