SCĐ Chúa Nhật XIII TN C

print

 SCĐ Chúa Nhật XIII TN C

Chủ đề :

chọn lựa dứt khoát

“Hãy theo Ta” (Lc 9,59)

Sợi chỉ đỏ :

– Bài đọc I (1 V 19,16b.19-21) : Khi được gọi làm ngôn sứ, Êlisê đã dứt khoát bỏ tất cả (bò, cày, cha mẹ)

– Tin Mừng (Lc 9,51-62) : Chúa Giêsu đòi 3 người xin đi theo làm môn đệ Ngài phải dứt khoát từ bỏ tất cả.

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu cương quyết lên Giêrusalem mặc dù biết rõ lên đấy Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và bị giết chết. Qua chuyện này ta biết Chúa Giêsu trung thành đến mức nào đối với nhiệm vụ mà Chúa Cha giao cho Ngài. Nhiều khi lòng trung thành đòi hỏi phải hy sinh rất nhiều.

Chúng ta hãy bày tỏ lòng trung thành với Chúa, xin Ngài tha thứ cho những lần chúng ta đã bất trung, và xin Ngài giúp chúng ta thêm can đảm để luôn trung thành với Chúa cho dù phải hy sinh.

II. Gợi ý sám hối

– Xin Chúa tha thứ những lần chúng con bất trung với Chúa.

– Xin Chúa tha thứ những lần chúng con không dám từ bỏ những điều bất xứng với Chúa.

– Xin Chúa tha thứ những lần chúng con chọn tội lỗi mà bỏ Chúa.

III. Lời Chúa
  1. Bài đọc I (1 V 19,16b.19-21)

Bài tường thuật ơn gọi của Êlisê :

– Thiên Chúa bảo Êlia hãy chọn Êlisê làm ngôn sứ thay thế cho mình.

– Êlia đi tìm và gặp thấy Êlisê đang cày ruộng. Ông quăng chiếc áo choàng của mình (tượng trưng cho sứ mạng làm ngôn sứ) cho Êlisê. Êlisê hiểu ý, liền bỏ bò lại chạy theo Êlia, nhưng xin được phép về từ giã cha mẹ trước. Êlia đồng ý. Sau khi từ giã cha mẹ, Êlisê lấy chiếc cày làm củi đốt lên quay cặp bò làm thịt cho dân chúng ăn, rồi đi theo ngôn sứ Êlia.

  1. Đáp ca (Tv 15)

Tác giả Tv này đã nhất quyết chọn Chúa làm cơ nghiệp của mình nên bày tỏ sự phó thác trọn vẹn đời mình trong tay Chúa.

  1. Tin Mừng (Lc 9,51-62)

Đoạn Tin Mừng này gồm hai chuyện :

a/ Chuyện một làng Samaria không đón tiếp Chúa Giêsu : Trước sự việc trái ý này, Gioan và Giacôbê biểu lộ những thói xấu rất tầm thường của con người :

– Tính nóng nảy : hễ gặp chuyện không vừa ý là lập tức muốn trừng phạt.

– Óc bè phái : phân biệt bạn thù và hở một chút là muốn tiêu diệt kẻ thù.

– Lạm dụng quyền hành : ỷ mình là môn đệ Chúa Giêsu nên muốn dùng lửa trời để thỏa mãn tính nóng giận cá nhân.

Chúa Giêsu dạy hai bài học :

– Xác định ý hướng căn bản của sứ mệnh : Con Người đến không phải để giết chết mà để cứu sống.

– Nhường nhịn : làng này không tiếp mình thì sang làng khác.

b/ Chuyện 3 người muốn làm môn đệ Chúa Giêsu : Điều quan trọng trong những chuyện này không phải là những nhân vật (vì không chi tiết nào mô tả các nhân vật ra sao), mà là giáo huấn của Chúa Giêsu về những điều kiện để làm môn đệ Ngài.

– Người thứ nhất muốn đi theo Chúa Giêsu đến bất cứ nơi nào. Trường hợp này thường xảy ra trong xã hội thời đó : có những người vì ngưỡng mộ một rabbi nào đó nên bỏ gia đình và xin theo ở với rabbi đó trong một thời gian vài ba năm (xem Ga 1,37-49)

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không giống như các rabbi : cuộc sống của Ngài là cuộc sống lang thang rày đây mai đó, vì Ngài là một con người bị từ chối (xem chuyện trên, một làng Samaria không tiếp rước Ngài). Vậy điều kiện thứ nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu là phải giống Ngài ở chỗ chấp nhận một cuộc sống vật chất không ổn định, có thể bị từ chối và còn có thể bị giết chết nữa.

– Người thứ hai : không phải cha người này vừa chết, nhưng ông ta vẫn còn sống. Ý người này là tuy cũng muốn theo Chúa Giêsu, nhưng xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi rồi anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn một ưu tiên : ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo.

            Chúa Giêsu nói : “Mặc cho kẻ chết chôn người chết” : tiếng Pháp rõ nghĩa hơn “mặc cho les mortels chôn les morts” (nghĩa là mặc cho người phàm lo việc thế phàm. Hiểu ngầm người môn đệ Chúa Giêsu phải lo việc Nước Thiên Chúa). Điều kiện thứ hai là phải dành ưu tiên cho bổn phận đối với Nước Thiên Chúa, trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Không phải Chúa Giêsu coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình (x. Mt 15,3-9) nhưng Ngài dạy rằng trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.

– Lời xin của người thứ ba cũng giống lời xin của Êlisê (1.V 19,19-21). Lời đáp của Chúa Giêsu cũng khiến ta nhớ lúc đó Êlisê đang kéo cày “đầu ngoái lại sau” : còn luyến tiếc quá khứ. Như vậy điều kiện thứ ba là phải dứt khoát với quá khứ (của cải, địa vị vv…), hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi.

Theo văn mạch : Chúa Giêsu sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là chịu chết, sống lại và lên trời. Ngài muốn các môn đệ mình cũng phải đi cùng một hành trình như Ngài. Thế nhưng người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách : hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria ; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ.

  1. Bài đọc II (Gl 4,31b–5,1.13-18) (Chủ đề phụ)

Thánh Phaolô cho tín hữu Galata biết rằng họ đã được rửa tội nên đã trở thành những con người tự do. Sau đó Thánh Phaolô dạy cho họ biết phải sống thế nào như một người tự do : Người tự do là người sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần chứ không theo sự xúi dục của xác thịt

‑ Bởi đó đừng viện cớ mình tự do rồi buông tuồng theo những đòi hỏi của xác thịt.

– Hãy theo Thánh Thần soi sáng mà sống bác ái với anh chị em mình.

IV. Gợi ý giảng

* 1. Đời là những chọn lựa

Trong kho tàng chuyện ngụ ngôn có một câu chuyện dí dỏm như sau :

Một con khỉ cầm hai nắm đậu rồng, một hạt đậu rơi xuống đất. Nó tính nhặt hạt đậu đó lên, không ngờ vừa nhón tay lại rơi thêm hai mươi hạt nữa. Nó định nhặt hai mươi hạt đậu đó lên, ai ngờ vừa mở ngón tay, cả nắm đậu trong tay bị bung ra hết. Con khỉ hoảng hốt làm bung nốt nắm đậu ở trong tay kia, nó dùng cả tay lẫn chân vét đậu lại, nhưng càng khều thì đậu càng văng ra xa. Cuối cùng cả hai nắm đậu tản ra trên mặt đất như một đám khói.

Cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa. Và chọn lựa nào cũng phải chịu thiệt thòi mất mát. Kẻ bắt cá hai tay vẫn luôn là người thua thiệt nhiều nhất. Con khỉ vì tiếc một hạt đậu mà mất cả hai nắm đậu trên tay.

Người thứ nhất trong bài Tin Mừng hôm nay xin đi theo Chúa đến bất cứ nơi đâu, nhưng Người bắt anh phải chọn lựa : hoặc là được an toàn ổn định dưới một mái nhà, có chăn ấm nệm êm ; hoặc là phải bấp bênh phiêu bạt, không một mái nhà : “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu” (Lc 9, 58).

Người thứ hai xin đi theo Chúa, nhưng với điều kiện cho anh về chôn cất thân sinh trước đã. Chúa trả lời : “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa” (Lc 9, 54). Thế là anh phải đứng trước một chọn lựa giữa người thân và việc loan báo Tin Mừng.

Người thứ ba xin đi theo Chúa, nhưng xin phép về từ biệt gia đình. Chúa đòi anh phải chọn lựa dứt khoát : “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” ( Lc 9, 62).

Thực ra, Chúa Giêsu rất coi trọng việc hiếu kính cha mẹ. Người phán : “Thiên Chúa dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mi 15,4). Nhưng Người cũng dạy chúng ta phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, nghĩa là Người muốn chúng ta chọn lựa đâu là ưu tiên một, đâu là ưu tiên thứ yếu. Đối với người tín hữu Kitô, ưu tiên một chính là việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, nó quan trọng hơn cả cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa (x. Lc 14, 26).

Nếu cuộc đời con người là một chuỗi những chọn lựa, thì chính những chọn lựa ấy sẽ dệt nên cuộc đời riêng của mỗi người.

Nếu cuộc đời người tín hữu Kitô là một chọn lựa dứt khoát cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, thì đó chính là một chuỗi những lời đáp trả tiếng Chúa vang lên từng phút giây trong cuộc sống.

Nhìn lại những chọn lựa hằng ngày, chúng ta chợt giật mình, vì thấy chúng ta thường hay chọn mình : sở thích của mình, tự do của mình, hạnh phúc của mình, gia đình của mình… Chúng ta chọn tất cả những gì ít nhiều dính dáng đến bản thân. Nhưng Chúa Giêsu lại dạy : “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho” (Mi 6, 33). (TP)

* 2. Suy nghĩ về điều kiện thứ nhất : “Không có chỗ gối đầu”

“Chỗ gối đầu” là một nơi thoải mái mình muốn chọn làm nơi thường trú, là một nếp sống tiện nghi mình muốn được hưởng mãi. Ai mà không thích có một chỗ gối đầu như thế.

Tuy nhiên nếu là môn đệ Chúa Giêsu thì không được “mọc rễ” ở “chỗ gối đầu” đó. Một vài thí dụ :

– Cuộc sống của tôi đã thành nếp : ban ngày làm việc, tối về nhà nghỉ ngơi giải trí với gia đình, ngày Thứ bảy Chúa nhựt là thời gian hưởng thụ. Những lúc nghỉ ngơi, giải trí và hưởng thụ ấy chính là những “giờ thánh” của tôi, không ai được đụng đến. Nhưng tối nay, nhà hàng xóm có người hấp hối, người ta mời tôi sang cầu nguyện, phải bỏ mất một tập phim truyền hình đang hồi gay cấn ! Chúa nhựt tới, Cha Xứ mời tôi dự phiên họp các gia trưởng, mất toi một buổi nghỉ ngơi ! Nếu muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, tôi phải chấp nhận những mất mát đó.

– Từ trước tới nay tôi là một tín hữu bình thường, đọc kinh tối sáng hằng ngày, Chúa nhựt và lễ trọng đều đi dự lễ. Tôi thấy như vậy là đủ quá rồi. Bây giờ người ta mời tôi tham gia sinh hoạt đoàn thể trong Xứ đạo : nào là hội họp, nào là đi công tác tông đồ, nào là đóng góp quỹ này quỹ nọ… Nếp sống của tôi bị xáo trộn. Nếu muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, tôi phải chấp nhận những xáo trộn đó.

* 3. Suy nghĩ về điều kiện thứ hai : “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”

Có thể chia những việc làm thường ngày của chúng ta thành hai loại : những việc “của kẻ chết” là những việc lo cho đời sống vật chất như làm ăn kiếm tiền, nhà cửa, tiện nghi, giải trí, hưởng thụ, địa vị, thể diện v.v. Và những việc “hằng sống” như cầu nguyện, bác ái, tông đồ, truyền giáo…

Chúa dạy người môn đệ Ngài phải ưu tiên cho những việc sau, hoặc khi có mâu thuẫn giữa hai loại việc thì phải can đảm bỏ loại việc thứ nhất để chọn loại việc thứ hai.

Thực tế, hằng ngày chúng ta lo loại việc thứ nhất nhiều hơn loại việc thứ hai ; và khi phải chọn một bỏ một thì chúng ta chọn loại thứ nhất và không chút ngần ngại bỏ loại việc thứ hai.

  1. Óc phe nhóm

Bắc Ai Len là một đất nước mà những người tin lành và những người công giáo thường xuyên xung đột với nhau. Jackie Hewitt là chủ tịch một Cộng đồng Tin lành. Một hôm ông đang lái xe về thủ đô Belfast thì nghe Radio trên xe loan tin có một quả bom phát nổ ở Shankill (khu vực của người tin lành) làm cho 3 người chết. Ông nổi giận và nghĩ “Khốn kiếp, cần phải đặt một quả bom ở khu Falls Road (khi của người công giáo)”. Xe ông chạy gần tới Belfast thì Radio lại loan tin có thêm một quả bom phát nổ nữa và làm chết thêm 7 người. Ông hét lên : “Phải cài 2 quả bom bên khu người công giáo”. Cuối cùng xe của ông chạy tới nơi xảy ra vụ nổ. Ông thấy những người đồng đạo kẻ thì khóc, người thì la, đòi trả thù. Những lời la hét ấy cũng giống những lời của ông thôi, nhưng chúng làm ông phát sợ : “Khi tôi nghe người ta hét lên những điều chính tôi đang nghĩ trong đầu, tôi thật sự hoảng sợ”.

Vào thời Chúa Giêsu, những người Samaria và những người do thái là kẻ thù của nhau. Vì thế khi dân cư một làng Samaria nghe tin Chúa Giêsu muốn đi ngang làng họ để lên Giêrusalem thì họ không đón tiếp Ngài. Giacôbê và Gioan nổi giận, xin Chúa Giêsu cho họ khiến lửa từ trời xuống đốt rụi cả làng Samaria ấy.

Đây là một thí dụ điển hình của óc phe nhóm. Phe nhóm của tôi đúng hay sai gì thì cũng là phe nhóm của tôi nên tôi cương quyết bảo vệ, và chống lại phe nhóm khác. Óc phe nhóm của những người Samaria đã tệ, mà óc phe nhóm của hai môn đệ còn tệ hơn : theo họ nghĩ, ai mà chống lại phe nhóm của họ là chống chính Thiên Chúa cho nên phải bị Thiên Chúa trừng phạt.

Nhưng Chúa Giêsu không tán thành, Ngài quở mắng các ông và Thầy trò đi sang làng khác.

Trả thù thì dễ. Không trả thù mới khó, vì nó đòi hỏi ta can đảm hơn và có nghị lực nhiều hơn. Việc Chúa Giêsu không cho môn đệ trả thù và Thầy trò đi sang làng khác chứng tỏ Chúa Giêsu can đảm và rất nhiều nghị lực. Kẻ yếu thì nghĩ rằng mình phải thắng, còn người mạnh thì biết rằng mình không cần phải thắng trong mọi trường hợp.

Cần phải chống lại sự xấu, nhưng không phải bằng cách dùng một sự xấu khác, bởi vì sự xấu chỉ có thể được chế ngự bằng sự thiện mà thôi.

Bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta hiểu rằng muốn đi theo Chúa thì chúng ta phải theo con đường của Ngài, đó không phải là con đường báo thù, con đường bạo động, mà là con đường yêu thương, con đường cứu độ (FM)

  1. Không bỏ cuộc

Viktor Frankl bị giam cầm 3 năm trong những trại tập trung Auschwitz và Dachau của Quốc xã Đức. Ông kể lại câu chuyện sau :

Ông là một bác sĩ nên được giao trách nhiệm chăm sóc các tù nhân bị bệnh. Gần cuối cuộc chiến, ông và một bạn tù đã tìm được một cách để vượt ngục. Nhưng trước khi trốn đi, ông đi một vòng thăm các bệnh nhân. Một bệnh nhân sắp chết hỏi “Có phải ông sắp trốn ra không ?” Frankl chối. Nhưng câu hỏi ấy cứ ám ảnh ông, khiến ông có mặc cảm tội lỗi là ông đào nhiệm. Ông thấy mình có lỗi với các bệnh nhân. Cuối cùng ông bảo người bạn kia hãy trốn đi một mình, còn ông thì quyết định ở lại. Từ lúc đó ông thấy lòng mình rất thanh thản. Dù ông biết rằng tiếp tục ở lại trong trại tập trung thì sẽ gặp rất nhiều khổ sở, nhưng ông chấp nhận và cảm thấy rất bình an trong lòng.

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng câu “Chúa Giêsu nhất quyết lên Giêrusalem”. Ngài biết có rất nhiều gian khổ đang chờ Ngài ở Giêrusalem như bị từ chối, bị phản bội và bị giết chết. Nhưng sứ mạng Chúa Cha giao cho Ngài ở Giêrusalem thì Ngài phải hoàn thành, không thể quay lui được.

Đáp lại một người muốn đi theo làm môn đệ Ngài, Chúa Giêsu cũng nói “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Đã dấn thân theo một lý tưởng thì phải kiên trì cho đến cùng.

Điều này ban đầu thì dễ. Nhưng với tháng năm trôi dần, khó khăn tăng thêm thì kiên trì trở nên rất khó. Khi ấy, ta bị cám dỗ “ngoái lại đàng sau”.

Lời Chúa Giêsu nói với người muốn theo làm môn đệ Ngài cũng là nói với chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta theo Ngài không phải trong một thời gian mà theo suốt cả đời.

Xin Chúa giúp chúng ta kiên trì bước theo Ngài, không bao giờ “ngoái lại đàng sau” (FM)

  1. Vài mẫu chuyện minh họa cho việc trả thù

a/ Đem yêu thương vào nơi oán thù

Cha S. Hodden thấy một đại úy đến xin học đạo. Khi ngài hỏi lí do, ông trả lời như sau : “Trong đại đội tôi, có một binh nhì là Kitô-hữu. Đêm nọ, anh đi gác về, mình mẩy ướt nhẹp, nhưng trước khi ngủ, anh còn quì gối đọc kinh. Ngứa mắt, tôi đá cho anh một cú vào đầu, ngã lăn ra. Nhưng anh ngồi dậy, không nói gì và tiếp tục cầu nguyện.. Sáng hôm sau, tôi thấy đôi giầy mà tối qua tôi đá anh được đánh bóng láng và xếp ngay ngắn bên giường ngủ. Điều đó làm tôi sững sờ, hổ thẹn và vì thế tôi quyết tâm học đạo.”

b/ Không có kẻ thù

Một thầy giảng lên tiếng : Mọi người đều có kẻ thù. Ông mời bất kỳ một thính giả nào không có kẻ thù lên nói về chính mình.

Một sự thinh lặng đồng tình với lời xác quyết đó. Nhưng rồi một người già giơ tay và nói : “Tôi không có kẻ thù“.

Đương đầu với lời mời và gây sự chú ý của thính giả, ông nói : “Rất dễ. Tôi không quan tâm đến họ”.

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế : Anh chị em thân mến, trung thành theo Chúa đến cùng, bất chấp mọi thử thách gian nan, là lý tưởng của người Kitô hữu. Luôn tin tưởng vào ơn trợ giúp của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :

  1. Hội thánh có sứ mạng củng cố đức tin cho người Kitô hữu trên toàn thế giới / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / luôn tìm mọi phương thế thích hợp / để giúp các tín hữu sống trọn vẹn niềm tin của mình.
  2. Khuynh hướng thích báo thù / dùng bạo lực để giải quyết tranh chấp / gây ra biết bao thảm họa cho con người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho đức bác ái của Chúa Kitô / tác động đến mọi sinh hoạt trần thế / để mọi người biết yêu thương và tôn trọng nhau.
  3. Thánh Phaolô cho biết : / dấn thân theo Đức Kitô là sống bác ái yêu thương và phục vụ lẫn nhau / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết cố gắng thực hiện lời khuyên của vị tông đồ dân ngoại.
  4. Chúa Giêsu đã nói : / Ai yêu mến Thầy / sẽ giữ lời Thầy / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn sống theo Lời Chúa dạy trong Tin mừng.

Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, trong đời sống chứng nhân thường ngày, chúng con gặp biết bao là thử thách gian truân. Vì thế, để có thể trung kiên bước theo Chúa đến cùng, sức riêng của chúng con không thể thực hiện được. Vậy, xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con đi trọn cuộc lữ hành trần thế. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh Lễ

Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta hãy nhớ đến lời Chúa Giêsu quở trách hai môn đệ muốn sai lửa từ trời xuống thiêu đốt làng Samaria, và hãy sốt sắng khi đọc câu “xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”

VII. Giải tán

Cuộc sống là một chuỗi những chọn lựa. Chúng ta sắp trở lại cuộc sống. Hãy nhớ những gì Chúa đã dạy chúng ta trong Thánh lễ hôm nay và hãy can đảm chọn lựa những gì thuộc về Nước Thiên Chúa