SCĐ Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

print

SCĐ Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

Chủ đề :

Tình yêu Thiên Chúa đối với loài người

Mục tử đi tìm con chiên lạc

(Lc 15,3-7)

Sợi chỉ đỏ :

– Bài đọc I (Êd 34,11-16) : Thiên Chúa âu yếm chăm sóc dân Ngài như người mục tử chăm sóc đoàn chiên.

– Đáp ca (Tv 22) : Chúa là mục tử.

– Tin Mừng (Lc 15,3-7) : Dụ ngôn người mục tử lặn lội đi tìm một con chiên lạc.

– Bài đọc II (Rm 5,5-15) : Vì yêu thương, Chúa Giêsu đã chịu chết vì chúng ta.

I. Dẫn vào Thánh lễ

Hôm nay chúng ta cử hành Lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Lễ này chỉ mới có trong Giáo Hội từ thế kỷ 17, sau sự kiện Chúa Giêsu hiện ra với Thánh nữ Magarita và tỏ cho thánh nữ thấy trái tim Ngài.

Ai cũng hiểu trái tim là biểu tượng của Tình yêu. Vì thế kính Trái tim Chúa chính là tôn kính Tình yêu của Ngài. Qua Trái tim Chúa Giêsu, chúng ta hiểu được mặc khải cốt yếu nhất của Tin Mừng “Thiên Chúa là Tình yêu”.

Chúng ta hãy suy gẫm mặc khải cốt yếu này, và cố gắng sao cho trái tim chúng ta ngày càng nên giống trái tim Chúa Giêsu hơn.

II. Gợi ý sám hối

– Thiên Chúa là mục tử yêu thương luôn ưu ái chúng ta là những con chiên của Ngài. Nhưng nhiều khi chúng ta muốn rời đoàn chiên để đi hoang.

– Tình yêu phải được đáp lại bằng Tình yêu. Thế nhưng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta vô cùng, mà chúng ta lại không yêu mến Ngài.

– Chúa muốn tình yêu của chúng ta trải rộng bao la, yêu thương hết mọi người. Nhưng chúng ta chỉ yêu thương một số ít người thân thiết với mình và lãnh đạm với mọi người khác.

III. Lời Chúa
  1. Bài đọc I (Êd 34,11-16)

Văn mạch : Chương 34 sách Êdêkiên bắt đầu bằng những lời Chúa khiển trách các mục tử Israel (các nhà lãnh đạo, các tư tế) đã không chu toàn nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên mà Ngài đã giao cho họ.

Tiếp theo, Thiên Chúa phán rằng Ngài sẽ lấy đoàn chiên lại và đích thân chăm sóc chúng. Tình thương của Ngài thể hiện :

– qua việc tập họp chúng lại từ những nơi chúng bị tản lạc.

– qua việc đưa chúng trở về đất của chúng (ám chỉ cuộc hồi hương từ chốn lưu đày)

– qua việc lo cho chúng có đầy đủ thức ăn, nước uống, chỗ nghỉ ngơi

– và qua việc chăm sóc đặc biệt cho những con chiên bị lạc, bị thương, ốm đau.

  1. Đáp ca (Tv 22)

Hình ảnh người mục tử trong Thánh vịnh này áp dụng rất đúng vào Chúa Giêsu : Ngài chăm sóc từng người chúng ta, Ngài rửa sạch chúng ta trong nước bí tích Thanh Tẩy, Ngài cho ta uống no nê những ân huệ của Ngài, Ngài cho chúng ta dự tiệc Thánh Thể, và Ngài dẫn chúng ta tới với Chúa Cha. Ở bên Ngài chúng ta không thiếu thốn gì cả và chúng ta có thể luôn an lòng.

  1. Tin Mừng (Lc 15,3-7)

Việc người mục tử bỏ 99 con chiên trong hoang địa để đi tìm một con chiên lạc xem ra không hợp với luận lý của việc làm ăn, nhưng rất hợp với luận lý của tình thương Thiên Chúa :

– Đối với Thiên Chúa, mỗi một con người, dù là tội lỗi xấu xa, cũng vẫn là một đối tượng để yêu thương.

– Con người càng yếu đuối tội lỗi thì càng được Thiên Chúa ưu ái hơn

– Thiên Chúa là Đấng cứu độ. Vì vậy mỗi khi cứu được một người, Thiên Chúa rất vui mừng.

  1. Bài đọc II (Rm 5,5-11)

Thánh Phaolô viết đoạn thư này nhằm an ủi và khuyến khích các tín hữu đang gặp thử thách gian truân. Họ sẽ cảm thấy an ủi nếu họ ý thức tình yêu Thiên Chúa dành cho họ lớn lao dường nào : mặc dù loài người tội lỗi lẽ ra rất đáng ghét, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương ; Ngài còn ban cho họ Người Con Một của Ngài, đổ máu ra chịu chết để chuộc tội loài người, nhờ đó loài người được giao hòa với Thiên Chúa và còn được thông phần vinh hiển của Thiên Chúa nữa.

IV. Gợi ý giảng
  1. Chúa là mục tử

Chúng ta thường xem Thiên Chúa như một vị thần uy nghi xa cách mà ta phải tôn thờ, hay một quan tòa thưởng phạt công minh mà ta phải sợ hãi…

Lời Chúa hôm nay cho ta một hình ảnh khác hẳn về Thiên Chúa : Ngài là một mục tử rất hiền từ và rất yêu thương các con chiên của Ngài.

Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta thấy các con chiên rất thảnh thơi, hồn nhiên, sung sướng… ngay cả khi chúng bệnh, chúng đi lạc thì chúng cũng sung sướng vì được người mục tử quan tâm lo lắng ân cần. Người cực khổ lại chính là người mục tử : lo cho từng con chiên, lặn lội, lo lắng, tìm kiếm…

Thiên Chúa muốn chúng ta thương Ngài chứ không phải sợ Ngài. Ngài muốn chúng ta tin tưởng trông cậy Ngài chứ không phải e ngại trốn tránh Ngài.

  1. Không cần đếm

Ở Phi châu, có một bộ tộc khá kì lạ. Họ không bao giờ đếm, không ai biết tí gì về toán học. Có người hỏi một người dân bản địa có bao nhiêu cừu. Anh đáp :

– Không biết.

– Vậy nếu lỡ mất một hai con, làm sao anh biết ?

Câu trả lời thật ý nhị : “Không phải tôi mất một con số, mà mất một bộ mặt.”

  1. Và Thiên Chúa đã làm nên trái tim

Nhiều lần ngạc nhiên tự hỏi, tại sao những bức tượng Thánh Tâm lại biểu lộ trái tim đặt bên ngoài lồng ngực. Một thắc mắc không yên nghỉ trong tôi. Tôi không rành về hội hoạ, điêu khắc, tôi không là bác sỹ, tôi là linh mục và tôi suy nghĩ theo cách thức của tôi. Với ba đề tài :

– Trái tim bằng thịt. Suy nghĩ từ hoạt động thể lý.

– Trái tim biểu lộ tâm hồn. Suy nghĩ từ hình ảnh trái tim đặt bên ngoài lồng ngực.

– Trái tim tình yêu. Suy nghĩ từ lưỡi đòng đâm thâu.

Trái tim, một công trình tạo dựng siêu bền. Rất nhỏ được đặt trong lồng ngực, nhưng hoạt động cách không thể ngờ : Mỗi ngày với 24 giờ, trái tim bơm và lọc được 20.000 lít máu. Thật bất ngờ khi biết được con số, điều bất ngờ không dừng ở đấy và tôi khám phá ra công việc bơm và lọc 20.000 lít máu của trái tim, cho tôi 24 giờ sống tinh tuyền nhất mặc dù rất nhiều bất toàn trong tôi. Tôi nhớ đến Lời Chúa nói qua tiên tri Êdêkien với toàn thể dân Do Thái : “Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới. Bên trong các ngươi Ta sẽ ban xuống một thần khí mới” (Ed 36, 26). Lời ấy như một Lời tái tạo con người cũ thành con người mới.

Như trái tim lọc những dòng máu dơ bẩn khi đi qua các ngõ ngách của cơ thể, để thay vào đó dòng máu tinh tuyền và mang sức sống nuôi dưỡng và làm phát triển toàn thân. Thiên Chúa đang từng giây phút thanh lọc tôi bằng Lời của Người qua dòng đời tôi đang sống. Lời đã sáng tạo và Lời hằng làm nên cái mới, Thiên Chúa đang làm nên những cái mới lưu chảy trong tim tôi. Từng phút giây, Người vẫn không ngừng đổ rót hồng ân Thánh Thần đổi mới cuộc sống trong tôi. Kìa cái cũ đang qua đi và cái mới đang thành sự.

Như công việc của trái tim, tôi không thấy cụ thể những điều trái tim đang làm việc, nhưng tôi biết trái tim vẫn không ngừng rung nhịp đập với trung bình 70 lần một phút trong tôi. Theo từng nhịp đập của trái tim ấy, Thiên Chúa đang hoạt động trong tôi, bởi vì tôi biết rằng Người đã dựng nên tôi cho tôi sự sống và sự sống ấy không ngừng lưu chuyển, cho đến khi tôi được yên nghỉ trong Người. Nếu một ngày kia trái tim này ngừng đập và tôi đã trở thành người của thiên cổ, nhưng trong lòng yêu thương của Thiên Chúa tôi đang an nghỉ. Hôm nay, lúc này, xin tạ ơn Chúa trái tim vẫn còn nhịp đập. Và như vậy là đang sống và như vậy là đang lặn ngụp trong tình yêu của Thiên Chúa. Khám phá ra điều này, tôi nhận thức rằng, mỗi ngày tôi có cả ngàn lý do để tạ ơn Chúa. Sự sống nào không phải là hồng ân Chúa ban tặng để tạ ơn Người luôn mãi.

Như chức năng lọc của trái tim, Thiên Chúa đang thanh luyện cuộc đời tôi bằng Thánh Thần của Người. Lọc những vị kỷ để còn vị tha, lọc hiềm thù để còn tha thứ, lọc giận dữ để còn hiền lành, lọc ghét bỏ để còn yêu thương, lọc những gì là ô uế để còn những gì tinh trong. Nếu trái tim không lọc rửa, dòng máu sẽ trở thành dòng sông đen và chết chóc. Nếu Thánh Thần không được ban xuống trong tôi, như trái tim không còn lọc tẩy, cuộc sống sẽ chết dần, chết mòn trong ô uế và tội lỗi. Thánh thần đang đổi mới cuộc đời tôi.

Như chức năng của máu là nuôi dưỡng những phần nhỏ nhất của cơ thể, Thiên Chúa Người đang tháp nhập toàn bộ cuộc sống này của tôi vào lòng yêu thương của Người bằng cách thẩm thấu. Nếu dòng máu bơm đi từ tim không tới được phần cơ thể nào, cơ thể ấy sẽ chết, và sớm cần được cắt rời khỏi thân thể. Thiên Chúa sống trong tôi và đó là điều tôi cảm nghiệm trong dòng máu lưu chuyển châu thân này, nên tôi biết trong thân thể mỏng dòn yếu đuối này, tôi cần có Chúa. Có Chúa để tôi được sống, có Chúa để tôi được tham dự vào sự sống của người.

Có một lần tại Huế, ghé thăm công viên điêu khắc, tôi chiêm ngưỡng một công trình mà tôi thấy là tuyệt. Trên một chu vi khoảng 2 mét chiều dài, 1 mét chiều rộng, như một tấm đan đặt trên ngôi mộ. Tác giả đặt những khối đá đứng như cõi hỗn mang, góc cạnh tấm đan một đôi giầy, giữa tấm đan là trái tim khắc nổi. Dưới chân khắc ghi 4 câu thơ :

“Hãy yêu như đang sống.

Hãy sống như đang yêu.

Yêu để sự sống tồn tại.

Sống để tình yêu có mặt”

Hình tượng cho tôi dòng suy nghĩ : Tình yêu làm hỗn mang trở nên màu nhiệm sự sống. Và cũng chính tình yêu ấy làm cho sự sống trường tồn bất diệt khi vượt qua sự chết. Thiên Chúa đã cởi giầy để bước vào mầu nhiệm con người bằng thân thể, bằng hình hài, và mang trái tim bằng thịt. Cuộc sống trở nên kỳ diệu khi Thiên Chúa biểu lộ bằng trái tim của nhân loại. Thiên Chúa, Người yêu thương tôi bằng trái tim con người và bằng trái tim của Thiên Chúa. Sự chết không thể chôn kín được tình yêu, bởi sức mạnh của tình yêu là làm cho sống.

Một trái tim bằng thịt, không phải là bằng kim khí hoạt động như chiếc động cơ do con người chế tạo. Bằng thịt nên trái tim dễ bị tổn thương, và trái tim được đặt vào lồng ngực được những hàng rào xương sườn che chắn. Người biết tôi mỏng dòn và là bình sành dễ vỡ nên Người yêu thương tôi, bao bọc tôi bằng ân sủng của Người. Và khiến đời tôi vẫn không ngừng tự hỏi : “Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm”. Người yêu thương tôi nhưng sao Người lại đặt trái tim của Người bên ngoài lồng ngực của Người ?

Lạy Chúa, hơi thở và sự sống này của con, ước gì đều trở thành lời tri ân Chúa. Vì cuộc sống này, Người vẫn không ngừng đổ rót. (Lm Giuse Hoàng Kim Toan, Vietcatholic)

  1. Chuyện minh họa

a/ Chúa không dám giết

Một người vô thần ngày nọ đứng giữa công trường, ngửa mặt thách Chúa trong 5 phút xem có dám giết ông không. 5 phút trôi qua, chẳng có chuyện gì xảy ra. Anh ngạo nghễ ăn nói xúc phạm đến Chúa. Chợt một bà già hỏi :

– Này ông, ông có đứa con nào không ?

– Ồ, sao bà lại hỏi thế ?

– Nếu một đứa con anh cầm con dao đưa cho anh bảo anh giết nó, anh có làm không ?

– Không, tôi thương chúng lắm.

– Chúa cũng vậy, Ngài thương anh lắm, đâu nỡ giết anh.

b/ Con tim rộng mở

Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ.

Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được 2 linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục : người gì mà để trái tim ra ngoài !

Tsukamoto là một nhà nho uyên bác có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vứt vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ : “đối ngoại hữu kỳ tâm – đối nội vô tâm giả”

Từ đó Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kín cẩn. Một hôm có ông bạn tên Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi :

– Thế nào,bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao ?

– Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rầt thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo. Để ông bạn coi : đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu Tâm”, còn với bản thân mình thì “Vô Tâm”. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài… Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời ; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp đời giúp người. Nội bức ảnh nầy tôi thấy đầy đủ hơn cả cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng thuật của Thần Đạo Nhật bản vậy. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của Thiên hạ vậy. Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ Đạo công giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận phép rửa tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục… (Trích “Phúc”)

c/ Chỉ cần mẹ

            Tai nạn xảy ra cho cô gái 16 tuổi buộc cô phải nằm nhiều tháng trong bịnh viện. Mẹ cô lại là người đàn bà ham vui, chẳng nghĩ đến chuyện ở lại bên con. Trong khi đang đi du lịch bên Italia, bà nhớ đến sinh nhật của con, liền gửi cho con gái chiếc bình cắm hoa rất đẹp. Cô y tá đem chiếc bình đến, nói rằng mẹ em đã cẩn thận gửi quà vào đúng ngày sinh nhật của con. Cô gái dửng dưng nhìn chiếc bình, rồi hét : “Vứt đi ! Dẹp đi ! Tôi không cần. Mẹ ơi, mẹ đừng gửi gì cho con nữa, đừng gửi sách vở, quà cáp, hình ảnh… Con chẳng cần những thứ đó. Con chỉ cần mẹ !”

            Đức Giêsu cũng thế, Ngài chẳng cần gì vật chất. Ngài chỉ cần con tim rộng mở của bạn, tình yêu chân thành của bạn, niềm tin phó thác của bạn. Và Ngài muốn nên một với bạn.

d/ Trái tim rộng mở

            Một nhà truyền giáo đến kiểm tra trình độ giáo lí một bà già 73 tuổi để được nhập đạo

– Đức Kitô là ai ?

– là người đã chết cho con.

– Người chết thế nào ?

– Con không biết.

– Ai là môn đệ đức Kitô ?

– Con không nhớ. Con không biết chữ.

– Bà có biết một cuốn sách Thánh Kinh nào không ?

– Thưa không. Với người mù chữ thì…

– Đức Kitô sống ở nước nào ?

Thinh lặng.

            Nhà truyền giáo dừng lại. Bà già tỏ vẻ đau khổ vô cùng. Người hướng dẫn cho bà nói : “Bà này là người rất vững tin, luôn có mặt trong các buổi phụng vụ, dù ở cách xa đó 3 dặm. Bà luôn sẵn lòng cho đi những gì có thể. Trước đây tính khí thất thường, nhưng từ ngày học đạo, bà trở nên hiền hoà và rộng lượng. Mọi người đều thấy thế.”

            Nhà truyền giáo nhìn bà. 73 tuổi. Bà chẳng còn sống bao lâu nữa, một năm cũng khó. Và ngài quyết định tiếp tục.

– Thiên Chúa là ai ?

– Thiên Chúa là Cha trên trời.

– Thiên Chúa ở đâu ?

– Con ở đâu, Ngài ở đó.

– Bà có hay thưa chuyện với Ngài ?

– Rất thường. Làm việc ngoài đồng hay làm bữa trong nhà, lúc vui cũng như lúc buồn, con đều thân thưa với Chúa. Lúc có nhiều chuyện, con nói lâu. Khi có ít, con nói vắn hơn. Có gì trong lòng, con đều trình bày với Ngài hết. Và lòng con thấy rộng mở.

e/ Trái tim Chúa Giêsu

Nhìn tượng Trái tim Chúa Giêsu, một người nói : “Có lẽ Chúa Giêsu là người duy nhất dám đưa trái tim bên trong của mình ra ngoài cho người ta thấy”. Người thứ hai góp ý : “Ngài là người độc nhất trong lịch sử không cần che dấu gì về mình cả”. (Onward)

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế : Anh chị em thân mến, khi chịu đóng đinh trên thập giá, từ cạnh sườn bị đâm thủng, Chúa Giêsu đã để cho máu cùng nước chảy ra hầu khơi nguồn các bí tích của Hội thánh. chúng ta cùng cảm tạ Người và dâng lời cầu xin :

  1. Hội thánh là hiện thân của Chúa Giêsu Kitô / Vị Mục tử nhân hậu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các giám mục và linh mục / luôn là những người cha đầy lòng nhân ái và yêu thương hết thảy mọi người.
  2. Trên thế giới ngày nay / tình yêu vẫn chưa thật sự ngự trị giữa cộng đồng nhân loại / vì người ta vẫn còn ghen ghét / kỳ thị / loại trừ nhau / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi người đang sống trên trái đất này / biết yêu thương và tôn trọng nhau.
  3. Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang xả thân phục vụ những người bất hạnh / tìm được niềm vui trong công việc phục vụ của mình.
  4. Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết / nhưng muốn họ ăn năn sám hối để được sống / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mỗi thành viên trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết ý thức thân phận tội lỗi của mình / và khiêm tốn thú nhận mọi lỗi lầm đã phạm / để được Chúa thứ tha và được sống dồi dào.

Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói : Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Xin Chúa cho chúng con biết lắng nghe lời Chúa dạy và cố gắng đem ra thực hành trong đời sống đức tin thường ngày. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh lễ

Kinh Tiền Tụng riêng của ngày lễ này.

Trước kinh Lạy Cha : Chúa Cha đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban Con Một yêu dấu của Ngài cho chúng ta, chết vì chúng ta và thay chúng ta. Chúng ta hãy dâng lên Ngài lời Kinh Lạy Cha với tất cả tâm tình yêu thương cảm tạ.

Trước lúc rước lễ : Chúa Giêsu là Con Chiên chịu chết để chuộc tội cho chúng ta. Bây giờ chúng ta lại sắp được kết hợp với Ngài. Chúng ta hãy kết hợp với Ngài với tâm tình yêu thương sốt sắng. “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”

VII. Giải tán

Chúng ta đã thấy Chúa yêu thương chúng ta và yêu thương tất cả mọi người, nhất là những người tội lỗi. Hãy ra đi đến với mọi người và làm chứng cho tình yêu bao la ấy của Thiên Chúa.