Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 12 TN Năm A

Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 12 TN Năm A

CHỦ ĐỀ :

VỮNG LÒNG TRÔNG CẬY CHÚA
DÙ ĐANG SỐNG GIỮA KHÓ KHĂN

“Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”(Mt 10,31)

Sợi chỉ đỏ : Các bài đọc hôm nay nêu lên ba tình huống khó khăn khác nhau :

– Ngôn sứ Giêrêmia bị dân do thái tìm cách làm hại (Bài đọc I – Gr 20,10-13) : “Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”

– Tác giả Tv 68 bị những người thân thích bài xích (Đáp ca – Tv 68) : “Chúa nghe những người cơ khổ”

– Các sứ giả Tin Mừng bị bách hại (Mt 10,26-33) : “Tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi”

Những vai chính trong 3 bài đọc trên đều vững lòng trông cậy nơi Chúa, với niềm xác tín được Chúa bảo vệ và giải thoát.

– Bài đọc II (Rm 5,12-15) (Chủ đề phụ) : “Do tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Đức Giêsu Kitô làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần”

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Cuộc sống của chúng ta trên dương thế này thường xuyên gặp phải biết bao khó khăn gian khổ. Nhưng Lời Chúa hôm nay xác quyết rằng nếu chúng ta trông cậy vào Chúa thì Ngài sẽ bảo vệ và giải thoát chúng ta.

Trong Thánh Lễ này, chúng ta hãy đặc biệt xin Chúa củng cố lòng trông cậy của chúng ta.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Nhiều khi gặp đau khổ, chúng ta đã bỏ đọc kinh cầu nguyện.

– Nhiều khi vì quá khổ, chúng ta phiền trách Chúa.

– Nhiều khi trong lúc khó khăn, chúng ta mê tín dị đoan.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Gr 20,10-13)

Giêrêmia là một ngôn sứ phải nhận lãnh một sứ mạng rất khó khăn và cay đắng, đó là vạch tội của dân và cảnh cáo rằng Chúa sẽ trừng phạt họ. Vì thế, dân chúng thù ghét ông và nhiều lần tìm cách hãm hại ông.

Nhưng giữa những khó khăn và khổ sở đó, Giêrêmia luôn trông cậy vào Chúa. Ông tin vững vàng rằng “Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”.

2. Đáp ca (Tv 68)

Thánh vịnh này là lời cầu nguyện của một người công chính đáng bị kẻ ác hãm hại, cùng một tâm tình với ngôn sứ Giêrêmia. Giữa những lúc khó khăn như thế, tác giả vẫn ngợi khen Chúa và tin chắc rằng Ngài sẽ nhậm lời.

3. Tin Mừng (Mt 10,26-33)

Đoạn Tin Mừng này tiếp nối những lời Đức Giêsu sai các môn đệ ra đi truyền giáo. Ngài khuyến cáo họ rằng có thể họ sẽ gặp nhiều khó khăn và cả bách hại nữa. Nhưng Ngài bảo họ “Đừng sợ”, bởi vì Chúa quan phòng luôn ở bên họ để che chở : “Tóc trên đầu chúng con đã được đếm cả rồi”

4. Bài đọc II (Rm 5,12-15) (Chủ đề phụ)

Văn mạch : Trong đoạn được trích đọc tuần trước, Phaolô đã bắt đầu luận đề người ta được công chính hóa không phải nhờ việc làm, mà là nhờ đức tin.

Trong đoạn thư hôm nay, Phaolô đưa ra lập luận thứ nhất để chứng minh luận đề ấy :

– Do tội của Ađam mà tất cả loài người phải gánh hậu quả là cái chết.

– Do công của Đức Giêsu Ađam mới mà tất cả loài người được ơn nghĩa dư đầy của Thiên Chúa.

Như thế, con người được ơn nghĩa của Thiên Chúa là nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Bàn về sự sợ

Con người có nhiều nỗi sợ : sợ khổ, sợ chết, sợ thất bại, sợ cô đơn, sợ dấn thân v.v.

Cái sợ làm tê liệt con người : không có sức làm việc, không suy nghĩ sáng suốt, không giải quyết được tình huống v.v.

Ngay cả những người làm việc tông đồ cũng không tránh khỏi nỗi sợ : sợ không đủ khả năng, sợ người ta không nghe mình, sợ bị chống đối bởi những người không có thiện cảm với Tin Mừng v.v. Vì sợ như thế nên có người không dám mạnh dạn rao giảng, có người trốn tránh sứ mạng.

Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu bảo “đừng sợ”. Ngài không chỉ cho chúng ta cách làm thế nào để khỏi sợ. Lý do duy nhất Ngài đưa ra là gương của Ngài :

– Chúng ta là môn đệ của Ngài. Vì thế việc chúng ta gặp khó khăn và bách hại không có gì lạ, vì Thầy của chúng ta cũng đã từng bị như thế và còn bị năng hơn chúng ta nhiều. Vì vậy, nếu là môn đệ Đức Giêsu thì đừng tìm cách trốn tránh khó khăn và bách hại.

– Hãy noi gương Đức Giêsu mà can đảm giữ vững lập trường của mình và tiếp tục sứ mạng của mình, không phải bận tâm về bất cứ điều gì khác : a/ không cần bận tâm đến mạng sống bởi vì ngay cả mạng sống một con chim sẻ nhỏ bé mà còn do Chúa định đoạt, huống chi mạng sống con người ; b/ không cần bận tâm đến sự chống đối của người đời, vì “Ai tuyền xưng Thầy trước mặt người đời thì Thầy sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Thầy”.

Cha Charles de Foucauld đã nói : “Cách làm chứng tốt nhất cho Chúa là chúng ta không bao giờ sợ gì cả”

2. Suy nghĩ về Chúa Quan Phòng

Nhiều người có một thái độ rất đặc biệt : gặp chuyện vui hay chuyện buồn, họ cũng đều nói “Đó là ý Chúa” ; thành công hay thất bại, họ cũng nói “đó là ý Chúa” ; trước mọi khó khăn, nguy hiểm, họ nói “Để Chúa lo”… Phải chăng thái độ đó là quá ngây thơ : đành rằng có Chúa đó, nhưng bản thân mình cũng phải xoay trở chứ ! “Hãy tự giúp mình trước, rồi Chúa sẽ giúp thêm” !

Nhưng suy cho cùng, thái độ tin tưởng phó thác vào Chúa quan phòng có những cơ sở rất vững vàng :

– Người phó thác vào Chúa quan phòng tin rằng Chúa luôn hiện diện bên cạnh con người trong mọi tình huống. Tin như thế là rất đúng, vì Thánh Kinh hằng lặp đi lặp lại biết bao lần chân lý ấy : “Ta hằng ở với con” (Gr 1,10), “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20)…

– Người phó thác vào Chúa cũng tin rằng Chúa có kế hoạch của Ngài và không điều gì xảy ra ngoài kế hoạch của Thiên Chúa. Tin như thế cũng rất đúng : “Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi” (bài Tin Mừng hôm nay)

– Người phó thác vào Chúa còn xác tín rằng Thiên Chúa là Cha và mình là con. Một người Cha toàn năng và hết sức yêu thương con như Thiên Chúa thì chắc chắn biết cách an bài cho con cái mình những điều tốt nhất : “Cha chúng con trên trời thừa biết chúng con cần gì” (Mt 632).

3. Im hay nói ?

Ngày nay, Kitô hữu nói về Thiên Chúa ít hơn xưa. Tuy nhiên Đức Giêsu yêu cầu ta “Hãy la lớn trên mái nhà” điều gì đã “thì thầm vào tai”. Lời chúc dữ của Người : “Ai từ chối Ta trước mặt người đời, Ta cũng sẽ từ chối họ trước mặt Cha Ta trên trời”.

Im hay nói ? Có nhiều loại im lặng. Im lặng sợ hãi, im lặng lãnh đạm, im lặng phản bội. Cũng có những im lặng mừng vui, im lặng sung mãn, im lặng yêu thương, im lặng dấu kín một bí mật. Những phút mãnh liệt nhất trong đời là những lúc “không còn lời lẽ”. Lúc ấy im lặng còn diễn tả hơn mọi lời lẽ : nó cho ta nghe điều không diễn tả được.

Làm sao trẻ em và giới trẻ biết được Đức Giêsu nếu ta cứ im lặng mãi ? Ta đề nghị niềm hy vọng nào nếu ta lặng thinh ? Im lặng cần có từ ngữ mới có sức mạnh : nếu không có bản giao hưởng, làm sao nghe được sự im lặng tràn ngập căn phòng sau hợp âm cuối cùng ?

Đức Giêsu đã chẳng nói đó sao : “Tất cả những gì che dấu sẽ được tỏ lộ. Tất cả những gì dấu diếm rồi mọi người sẽ biết”. Phải chăng ta không cần như thánh Phaolô, nói “vào lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” để rao giảng Phúc âm cho cả nhân loại qua mọi thế hệ ?

Cần phải loan báo thứ sứ điệp vượt quá mọi từ ngữ và mọi giáo thuyết. Nhà khôn ngoan lớn tuổi viết sách Giảng viên đã nói : “Có thời để nói, có thời để im lặng”. Những thời điểm này nối tiếp nhau trong cuộc đời con người cũng như trong Giáo Hội từ ngàn đời. Vì đôi khi ta nói quá nhiều, rồi sẽ tới ngày những từ ngữ biến nghĩa và chẳng còn “nói lên được điều gì nữa”. Chính sự sống và sự im lặng để làm chín muồi những lời lẽ mới mẻ và tươi trẻ.

Ta đang ở vào một mùa lịch sử mà nhiều từ ngữ không nói lên điều gì nữa : vì đôi khi trong quá khứ người ta đã dùng sai từ ngữ, và vì ta đã bước vào một lối hiện hữu mới nơi mọi người đang thay đổi lối sống, l61i suy nghĩ, diễn tả và truyền đạt.

Mong sao kitô hữu cố gắng mỗi ngày sống Phúc âm hơn. Thánh Thần của Đức Giêsu sẽ khơi dậy trong lòng họ sự im lặng hoặc từ ngữ. Lời đầu tiên của họ vẫn luôn luôn là sự sống của họ. Còn những lời khác sẽ không ngừng tái tạo, từ thời đại này qua thời đại khác, mà không bao giờ bị sa lầy trong những từ ngữ bị thói quen làm cho lu mờ. (G. Bessière, Dieu si proche, DDB, trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 211-212).

4. Chuyện minh họa

a/ Đức Giám mục Oscar Romero

Khi mới lên làm Tổng Giám Mục giáo phận San Salvador, Đức Cha Oscar Romero vẫn còn theo lập trường bảo thủ. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi nhìn thấy những bất công xã hội, ngài đã thay đổi. Mỗi ngày Chúa nhật, ngài giảng ở nhà thờ chánh tòa tố cáo những tội ác đã diễn ra mà đa số là do các viên chức chính phủ. Các bài giảng của ngài như một luồng điện mạnh chạm đến toàn xã hội. Khi ngài nói, hầu như mọi người đều ngưng việc để lắng nghe.

Ngài bị đặt vào tình trạng bị đe dọa thường xuyên. Một vài bạn bè thân thích của ngài đã bị giết chết. Nhưng ngài vẫn không im tiếng, cũng không lánh đi nơi khác an toàn hơn. Ngài nói : “Một mục tử chân chính khi thấy nguy hiểm không thể bỏ đoàn chiên để cứu lấy mạng sống mình. Tôi sẽ ở lại với dân tôi”. Và ngài đã bị chết dưới lằn đạn tháng ba năm 1980 đang lúc dâng Thánh Lễ.

b/ Trái tim chuột

Có một con chuột kia rất sợ mèo. Một vị thần tội nghiệp nó nên biến nó thành mèo. Thành mèo rồi nó lại sợ chó. Vị thần biến nó thành chó. Thành chó rồi nó lại sợ cọp. Vị thần cho nó thành cọp. Nhưng thành cọp rồi nó lại sợ người thợ săn. Vị thần đành chịu thua : “Ta có biến mi thành bất cứ thứ gì đi nữa thì cũng không giúp mi hết sợ, bởi vì trái tim của mi vẫn là trái tim chuột”.

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Tin tưởng mãnh liệt vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, và hân hoan sống trọn vẹn niềm tin đã lãnh nhận, phải là quyết tâm của từng người kitô hữu. Trông cậy vào ơn Chúa trợ giúp, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.

1- Đức Thánh Cha có sứ mạng củng cố đức tin của người tín hữu trên toàn thế giới / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ân cần chăm sóc giữ gìn Người / để nhờ Người / đức tin của mọi tín hữu luôn bền vững sắc son.

2- Ngày nay / nhiều kitô hữu / nhất là các kitô hữu trẻ / mất đức tin chỉ vì vốn liếng giáo lý không đủ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu biết tận dùng thời giờ Chúa ban / để học hỏi sâu rộng giáo lý của Chúa / nhờ đó đức tin của họ ngày càng vững chắc và trưởng thành hơn.

3- Nhiều tín hữu hiểu một cách đơn giản rằng / tin là giữ một số lề luật của Chúa và Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi kitô hữu hiểu rằng / tin là gắn bó cùng Chúa và dấn thân theo Người đến cùng.

4- Tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Chúa / và hiên ngang sống đức tin / phải là thái độ căn bản của mọi tín hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn khôn ngoan chỉ tin tưởng một mình Chúa / và mạnh dạn tuyên xưng đức tin trong đời sống thường ngày.

CT : Lạy Chúa, đức tin của chúng con còn rất yếu kém, chúng con dễ hoang mang giao động trước mọi thử th1ch trong cuộc sống. Vậy, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Chúng con cầu xin nhờ…

VI. TRONG THÁNH LỄ

Trước kinh Lạy Cha : Khi đọc lời “Xin tha nợ chúng con”, chúng ta hãy đặc biệt xin Chúa tha thứ cho những lần chúng ta không phó thác vào sự quan phòng của Chúa.

Sau kinh Lạy Cha : “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin giúp chúng con thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…”

VII. GIẢI TÁN

Thánh lễ đã hết, anh chị em hãy mạnh dạn ra đi làm chứng cho Chúa giữa đời.

print