Sống Đạo Là Tử Đạo
(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 200)
Có một đứa con gái độ mười tuổi hỏi mẹ nó như sau:
“Mẹ ơi! Nếu ba con chết trước mẹ, thì mẹ sẽ làm gì?”
Một câu hỏi quá bất ngờ, làm cho người mẹ lúng túng, nên tỏ vẻ khó chịu và lên giọng gắt gỏng đứa con gái:
Sao con hỏi gì, mà kỳ cục qúa vậy?
Sao con không đi, mà hỏi ba con xem.
Đứa bé nhanh miệng trả lời ngay:
“Con đã hỏi ba con rồi.
Ba con nói:
Nếu mẹ con chết trước ba, thì ba sẽ ở vậy nuôi con, giúp con nên người khôn lớn. Ba sẽ dạy dỗ con thành người tốt. Ba sẽ giúp con học hành cho giỏi, để sau này con sẽ làm việc giúp đời, con sẽ thành người hữu ích cho gia đình, cho xã hội, cho Giáo hội. Xong rồi, ba sẽ dành cuộc đời còn lại, để chuyên lo làm các việc từ thiện bác ái xã hội, và sẽ tích cực làm các việc thiện nguyện trong nhà thờ, giúp việc cho giáo xứ nữa.
Nghe nói thế, người mẹ liền dịu giọng, mỉm cười, nhìn đứa con gái rồi nói:
– Thì mẹ, cũng sẽ làm giống y như ba con thôi.
*
Bạn thân mến,
Câu hỏi của đứa bé vừa đặt ra cho ba mẹ nó, phải chăng, là do hình ảnh của những gia đình bị đổ vỡ, mà cha mẹ không còn sống chung với nhau, để rồi gây nên cho các con cái, là những bạn bè của nó, những cảnh sống rất bi đát, rất thê thảm, thiếu tình thương, thiếu đủ mọi chuyện, làm cho chúng mang nhiều mặc cảm với bạn bè, trông thật thảm hại vô chừng.
Cho nên, tuy bé hãy còn rất nhỏ, nhưng bé đã bắt đầu lo sợ cho tương lai của nó.
Nếu chẳng may, vì một lý do nào đó, mà chính nó không còn được diễm phúc sống chung trong một gia đình có đủ cha và mẹ.
Mối lo sợ đó của nhiều em bé hôm nay, là một điều có thật.
Bởi, chúng đã từng tận mắt chứng kiến bao cảnh thương tâm của các bạn bè chúng, do các cha mẹ đã ly dị nhau, không còn sống chung với nhau nữa. Cho nên chúng phải sống với ông bà, hoặc sống với cô bác chú dì, hay phải sống trong các viện mồ côi, với một tình thương không bình thường, mà kẻ này người nọ dành cho chúng.
Mà đáng buồn thật, và cũng đáng lo thật.
Bởi hằng ngày, chúng phải chứng kiến những cảnh cha mẹ chúng cải vả nhau, chửi bới nhau liên tục, chửi bới nhau không tiếc lời, với những lời lẽ nặng nề thật khó nghe, với những cử chỉ thô bạo khủng khiếp, làm cho chúng luôn sống trong sợ hãi, và luôn nôm nốp lo sợ một ngày nào đó, cha mẹ chúng cũng chia tay nhau.
– Bởi sau cuộc chia tay của cha mẹ chúng, cuộc đời cuộc đời của chúng sẽ ra sao?
– Chúng sẽ sống với ai?
– Ai sẽ lo cho chúng?
– Ai sẽ nuôi dưỡng chúng?
– Và chúng có còn được đi học như các bạn của chúng nữa không ?…
Mà cũng đáng buồn thật.
Bởi chúng hãy còn quá nhỏ, mà đã phải đối mặt với những vấn đề quá lớn của những người lớn.
Chúng luôn sống trong lo sợ, vì chúng luôn bị động, chúng không làm chủ được bản thân, chúng cũng không có cách nào để tự bảo vệ chính mình.
Nếu tình huống xấu xảy ra cho cha mẹ chúng, thì cuộc đời chúng sẽ thê thảm biết chừng nào !!
Và chúng có cơ sở để mà lo lắng thật sự.
Nhưng, các cha mẹ chúng có thấu biết được những suy nghĩ của những con cái mình không ?
Khi mà các cha mẹ đơn phương quyết định ly dị, không hề nghĩ gì đến con cái của mình?
Chúng ta nên biết điều này: Là cho dù cha hay mẹ, có thương con nhiều đến đâu đi nữa, có chăm sóc chu chu đáo đến mức nào đi nữa, mà thiếu vắng tình thương của cha hoặc mẹ, thì sự phát triển của chúng về thể xác, về tinh thần, về tính tình, về tâm lý, về đạo đức… vẫn là một sự phát triển khập khiễng, không quân bình, không bình thường.
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm này trước mặt Chúa, về sự không bình thường của chúng?
Chác chắn phải là cha mẹ của chúng thôi.
Bởi, có chạy đàng trời, cũng không khỏi nắng được đâu.
***
Nghĩ lại những ngày trước đây:
Chỉ vì chữ “tình”, mà người ta đã tìm đến với nhau, đã xích lại gần nhau, để yêu thương nhau, rồi lấy nhau thành một gia đình, và sinh con cái.
Nhưng hôm nay, lại cũng vì chữ tình, mà người ta dám can đảm nói với nhau là đã hết rồi, là đã chấm dứt rồi, để rồi lại có tình với người khác.
Thế là họ đành lòng, cất bước ra đi, quên hết mọi kỷ niệm, quên hết những ngày ái ân yêu thương, và quên hết cả đàn con vô tội, đang phải sống vất vưởng trong những hoàn cảnh thiếu thốn về mọi mặt, nhất là thiếu tình thương của cha, hoặc của mẹ.
Người cất bước ra đi, đúng là đã lỗi phạm với lời thề hứa hôn nhân đã đành, nhưng còn cho thấy, họ đã không còn tin tưởng vào Thiên Chúa nữa, họ khôn còn xác tín những điều Chúa dạy nữa. Họ cố tình nhắm mắt, để không nhìn thấy ánh mắt của Thiên Chúa đang chăm chú nhìn họ. Họ tự cho mình cái quyền làm theo luật đời, và chấp nhận đánh mất các giá trị của cuộc sống hôn nhân gia đình, để mong tìm cho mình một sự tự do mới. Họ sướng hay khổ, nào có ai biết, nhưng coi chừng “Cóc chết ba năm, cũng quay đầu về núi”.
Rồi hiện tại, họ vẫn còn đang khỏe mạnh, họ tưởng việc họ đang làm (lỗi lời thề hứa hôn nhân) là đúng, họ tưởng quyết định ly dị của họ là không sai.
Cho nên, họ kết án người bạn phối ngẫu của họ đủ thứ tội, với những lời lẽ thật nặng nề, thật gay gắt.
Họ rất vui sướng, họ rất hả dạ, khi thấy người bạn đời của họ phải đau khổ, phải ngậm đắng nuốt cay trong tuổi hờn.
Thế là họ xoa tay như một người vô tội, và rồi thanh thản cất bước ra đi, mà lương tâm không hề có một chút áy náy nào, mặc dầu ngày lãnh bí tích hôn phối, họ đã cam kết bao điều tốt đẹp trước mặt Chúa, cam kết rất mạnh dạn, cam kết rất dứt khoát, là
“Hứa sẽ giữ lòng chung thủy, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng nhau, suốt đời”
***
Đang khi đó, người bạn phối ngẫu của họ ở lại, chỉ vì muốn trung thành với những cam kết của hôn nhân, nên hằng ngày, họ phải đối diện với biết bao phải sống vất vưởng.
Có khi, vì những đau khổ chán chường đến cùng cực, đã có lúc làm cho người ở lại mất đi sự tin tưởng vào người khác và có khi mất đi cả niềm tin vào Thiên Chúa nữa.
Trong dân gian Việt nam có câu ca thán rất thâm thúy như sau, để nói lên sự cô đơn và đau khổ, vì bị người mà họ yêu thương, ruồng rẫy, phản bội.
“Người ta đi biển có đôi,
còn tôi vượt biển mồ côi một mình”.
Sự cô đơn, đã làm cho những người bị ly dị sống trong nước mắt, trong sầu khổ, trong mặc cảm, trong tuyệt vọng.
Nếu, họ không anh dũng giữ vững đức tin, nếu họ không can đảm giữ vững niềm trông cậy và tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, thì họ sẽ chết dần chết mòn trong đau khổ do sự ly dị ấy.
Họ đau khổ, vì bị người bạn đời bỏ rơi và quên lãng đã đành.
Mà họ đau khổ, vì phải gánh chịu cái trách nhiệm lo cho con cái có một mình, một trách nhiệm thật nặng nề.
Họ đau khổ, vì tiếng đời soi mói, mỉa mai, bàn tán.
Họ đau khổ, vì phải đối diện với thực tế hàng ngày rất đen bạc, rất phủ phàng.
Họ đau khổ, vì vết thương lòng, kéo dài suốt cả cuộc đời của họ.
Họ đau khổ, vì câu hỏi tại sao, sự việc lại xảy ra cho họ như vậy. Họ hỏi, nhưng không bao giờ có câu trả lời.
– Tại sắc đẹp ư?
– Do họ xấu xí hơn người mới ư?
– Do họ quê mùa, không biết ăn mặc, không biết chưng diện ư?
– Do họ béo mập, thân hình không còn thon thả gọn gàng như khi mới lấy nhau ư?…
Đó, đâu phải là những lỗi của họ. Đó là chưa kể, là vì phải lo toan gánh vác bao công việc của gia đình: Lo cho chồng, lo cho con, nên đã quên đi chính việc chăm só lo cho bản thân mình.
– Hay tại sức khỏe chăng?
Đây cũng đâu phải là những lỗi lầm của họ. Phải chăng, vì quá vất vả với công việc làm ăn, hay phải thức đêm thức hôm, để chăm sóc lo cho chồng, để lo cho con, nên sức khoẻ mới suy sụp, nay đau, mai ốm, và cuối cùng thân hình mới ra tiều tụy như thế này.
– Hay, tại cách ăn cách nói chăng?
Đây cũng chưa hẳn là lỗi của họ. Bởi, có thể những áp lực của việc làm nơi công sở, hay do công việc làm ăn thua lỗ, mà chẳng có ai tiếp sức, chia sẻ, gánh vác, cho nên khi về đến nhà, họ không có đủ kiên nhẫn, để trả lời những câu hỏi vô nghĩa, vớ vẩn của kẻ này người nọ.
Từ những suy nghĩ đó, nhiều người đã rơi vào những mặc cảm trầm trọng: Họ tự nhận hết các lỗi về phía của họ, họ tự trách họ, và họ cho mình là người có lỗi, đã gây cớ cho sự đổ vỡ.
Họ bắt đầu rút lui, tránh né, không muốn gặp ai.
Họ không muốn giao tiếp với ai.
Họ sống trong cảnh cô đơn và muốn tách biệt với thế giới bên ngoài.
Đang khi đó, họ quả là một người anh hùng, một người thật vĩ đại. Chỉ có Chúa biết được việc họ làm thôi.
Cũng có những người có đạo yếu đức tin, đã thầm trách Chúa, vì phải đối mặt với quá nhiều gian lao thử thách đau khổ. Họ đã rơi vào những hoàn cảnh hụt hẫng:
– Sao Chúa lại bỏ rơi con.
– Sao Chúa lại bảo con phải yêu kẻ thù.
– Sao con lại phải cầu nguyện cho kẻ ghét con.
– Sao con lại phải cầu nguyện cho kẻ làm hại cả cuộc đời của con.
– Sao Chúa không cho phép con làm theo cách của những người trần thế vẫn thường làm.
Thế nhưng, cũng có rất nhiều người có đạo có một đức tin thật vững mạnh, luôn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, tin một cách tuyệt đối.
Họ can đảm gánh vác trách nhiệm nuôi dạy con cái, một cách thật tuyệt hảo.
Họ tin tưởng, họ cậy trông phó thác vào ơn Chúa, mà không hề than phiền trách móc. Bởi họ xác tín rằng: Trách nhiệm của họ càng nặng, thì ơn Chúa ban xuống cho họ càng nhiều.
Họ can đảm đối diện với cuộc sống của chính họ một cách bình tĩnh, một cách can đảm, một cách anh dũng. Bởi họ tin tưởng Chúa luôn đồng hành với họ trong cuộc sống.
Và nhất là, họ coi đây là một hình thức “tu tại gia”:
– Họ quyết tâm theo Chúa, theo cho đến cùng.
– Họ quyết tâm giữ những điều Chúa dạy.
– Họ quyết tâm vác thánh giá cuộc đời mình, để cùng theo Chúa Giêsu lên đồi Calvê, để cùng chịu chết với Chúa, để hy vọng được cùng sống lại với Chúa trong ngày sau hết. Bởi họ đã tin tưởng Chúa đã chiến thắng sự chết.
Họ đã đặt tất cả hy vọng vào Lời Chúa hứa, là Chúa sẽ ban phần thưởng Nước Trời cho những kẻ tốt lành, và cho những người vượt qua được những gian lao thách, đã vượt qua được những đau khổ trên trần gian này. Nên họ đã bình tĩnh vô chừng trước mọi tình huống của cuộc sống.
Họ cố gắng chấp nhận chịu đựng những đau khổ trong hiện tại, để lập công, để đền tội, để xây dựng Nước Trời cho mình mai sau.
Họ cố gắng mở lòng mình ra, chứ không tự trói buộc mình trong những cô đơn, trong buồn tuổi.
Họ lắng nghe tâm sự của những người đồng cảnh ngộ, để cảm thông, để chia sẻ, để an ủi lẫn nhau, như là những việc đạo đức cần làm.
Họ cậy dựa vào ơn Chúa để hãnh diện, vì họ được Chúa kêu gọi để cộng tác vào một sứ vụ cao cả đặc biệt, đó là làm vinh danh Thiên Chúa.
Bởi họ nhận thức: Nếu không có ơn Chúa, thì người bình thường khó có thể vượt qua nổi cái tình huống khó khăn này.
Họ vẫn sống để làm chứng cho đức tin, mặc dù kẻ thù của họ là những đau khổ, luôn đè bẹp họ, luôn muốn họ phải chết đi.
Nhưng họ nhất quyết sống, sống để tạ ơn Chúa, Đấng đã giúp họ chiến thắng vượt qua được chính họ, đã giúp họ giữ vững đức tin.
Họ đã trở thành tấm gương sáng cho biết bao nhiêu người công giáo khác noi theo, bắt chước.
Họ đã khám phá ra những ơn Chúa đã ban, qua nhiều hình thức khác nhau, như nơi tha nhân, nơi bạn bè, nơi các bí tích, nơi các việc từ thiện bác ái xã hội.
Nhờ đó, họ đã thoát ra được những mặc cảm, thoát ra được những bóng đen u tối của cuộc đời, để tiếp tục những sinh hoạt bình thường như mọi người.
Họ yêu đời, vì đời cần họ, vì gia đình cần họ, vì con cái cần họ, vì mọi người cần họ, vì xã hội cần họ.
Nhất là khi nhìn xuống, họ đã thấy còn có biết bao người khác đang đau khổ còn hơn họ nhiều.
Lạy Chúa, con hết lời cảm phục và ngưỡng mộ những người, đã anh dũng giữ đạo, đã can đảm giữ luật Chúa, trong những hoàn cảnh thật lẻ loi cô đơn.
Họ đã là những tấm gương sáng cho con, cho những ai đang giữ luật đạo một cách hời hợt nguội lạnh, cho những ai đã lâu lắm rồi không chịu đến toà giải tội, đã lâu lắm rồi, hình như họ đã quên mất Đức Tin, quên cả Đức Cậy, quên cả mất Đức Mến, quên cả những việc đạo đức cần phải làm, như bổn phận hằng ngày, là lo kinh sáng kinh tối, bổn phận hằng tuần đi lễ Chúa Nhật, và bổn phận hằng tháng, hoặc 2-3 tháng, nhớ lo đi xưng tội, để rước lễ thật sốt sắng.
Xin Chúa cho mọi gia đình, cho cha mẹ, cho con cái được luôn sống yêu thương, hợp nhất với nhau, trong tư tưởng, trong lời nói, cũng như trong việc làm, nhờ những trợ lực của ơn Chúa.
Xin cho mọi người đang sống trong bậc gia đình, biết dùng tình yêu của thuở ban đầu, mà cư xử với nhau, luôn biết kính trọng nhau, luôn yêu thương nhau, và luôn biết tha thứ cho nhau. Để cứ dấu này mà thiên hạ nhận biết chúng con là con cái của Thiên Chúa.
Xin cho các bậc cha mẹ, biết dùng tình yêu làm chỗ dựa cho gia đình, biết chấp nhận những hy sinh, để làm gương sáng cho con cái.
Cuối cùng, xin cho những người đang phải sống trong cảnh đổ vỡ hôn nhân, được biết dâng hiến cuộc đời còn lại của mình, mà làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, như các thánh tử đạo Việt Nam xưa kia. Amen.