Sống lòng thương xót Chúa giữa mùa đại dịch

print

Sống lòng thương xót Chúa giữa mùa đại dịch

Chúng ta đang sống trong Mùa Phục sinh, mùa của niềm vui cứu độ, thế mà, nhiều người vẫn còn đang sống trong cảnh lo sợ vì một con virus vô hình. Chúng ta đang sống trong thời đại của Lòng Thương Xót Chúa, thế mà, bao lời cầu của dân Chúa xem ra vẫn chưa chạm đến được trái tim vốn yêu thương của Ngài. Những sáng kiến cầu nguyện 24/24 và những lời kinh chân thành khấn thiết từ khắp nơi dâng lên Chúa sẽ đi về đâu ? Thiết tưởng, đây là cơ hội thuận tiện giúp chúng ta nhận ra thái độ nào là căn bản và thiết thực mà Chúa muốn chúng ta sống khi đối diện với những đau khổ phận người nói chung và trong cơn đại dịch này nói riêng.

Như chúng ta biết Chúa Giêsu đã nói rằng dù một sợi tóc trên đầu cũng được Chúa đếm cả, thế nhưng cái chết của cả hàng trăm ngàn người tử vong vì virus Corona, Chúa chẳng biết và không đếm được sao ? Có những người độc mồm độc miệng mà rủa rằng cho chúng chết đi vì đã làm hại thế giới. Hay như có người hả hê mà chúc dữ người khác: vì chúng đáng tội cho chúng chết…Chúa sẽ trả lời rằng: Các người đừng tưởng những người chết kia là vì tội của họ, nhưng nếu các người không sám hối thì các người cũng chết hết y như vậy. Chúa trả lời thế không có nghĩa là Chúa vui thích vì cái chết của bao sinh linh. Nhưng Chúa muốn mỗi người hãy trở về với Lòng Thương Xót Chúa.

Chúng ta cứ nghĩ rằng cách thể hiện lòng thương xót tuyệt vời nhất trong lúc này là Chúa hãy ra tay đuổi cơn dịch bệnh một cách ngoạn mục như Chúa đã thi ân giáng phúc trong thời Chúa xuống thế làm người. Nhưng chúng ta quên rằng Chúa đã làm gì khi bị người đời đóng đinh trên thập giá, Ngài đã làm gì khi bị họ thách thức Ngài xuống khỏi thập giá để họ tin, thế nhưng Ngài chẳng xuống ngay tức thì và giương oai tỏ uy quyền. Không ! Đó không phải là cách hành động của Chúa. Trái lại, Chúa Phục Sinh chỉ tỏ mình ra cho những người bạn nghĩa thiết của Ngài. Hiểu như thế, chúng ta cần soi chiếu chân lý ấy vào trong cơn đại dịch này thế nào ? Chúng ta đang trải qua những ngày “Tuần Thánh” (cũng có thể kéo dài cho đến khi chấm dứt cơn đại dịch này) và cần lợi dụng những ngày tháng này để sống đúng nghĩa niềm hy vọng của Kitô giáo là thái độ tỉnh thức trông chờ với một lòng khát khao và một con tim tinh tuyền để đến ngày “Phục Sinh”, chúng ta mới thực sự cảm nghiệm sự quan phòng yêu thương và sự quang tỏa của Lòng Thương Xót Chúa.       

Chúng ta vẫn đang ráo riết cầu nguyện cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt và lòng chúng ta lại như thách thức Chúa tỏ bày uy quyền. Trong lúc gặp cơn giông bão, chúng ta lo sợ, kêu gào, đánh thức Chúa mà chúng ta quên rằng Ngài đang nằm ở đầu mạn thuyền, nghĩa là nếu thuyền có ngập trong nước thì chính Ngài là người đầu tiên bị nước nhận chìm. Nói như thế để chúng ta hiểu rằng Chúa cũng đang đồng hành với chúng ta trong cơn đại dịch này, Ngài mang lấy những bệnh hoạn tật nguyền của ta. Việc chúng ta cầu nguyện để đánh thức Chúa dậy là một việc cần thiết, còn việc khi nào Ngài ra tay chặn đứng cơn sóng đại dịch hay tỏ bày một cách chữa lành nào đó là tùy ở kế hoạch của Ngài. Chỉ có một tâm tình cần thiết khi dâng lời nguyện cầu là luôn xác tín Chúa có một kế hoạch thịnh vượng cho nhân loại chứ không phải kế hoạch tai ương, nghĩa là Ngài có thể vẽ đường thẳng từ những đường cong là sai lầm của con người hầu mang ơn cứu độ cho những ai tin và đặt trọn niềm hy vọng vào Ngài.

Đôi khi chúng ta cứ sốt sắng cầu nguyện mà chưa thực sự hợp tác với Ngài để Lòng thương Xót sớm được tỏ bày trong lòng nhân loại. Chúa phán rằng: Phúc thay ai biết xót thương người thì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Bởi đó, mỗi người tùy ơn riêng Chúa ban hãy có những sáng kiến lòng thương xót, ít ra những người đang thực sự phải đối diện với dịch bệnh này cảm nghiệm phần nào lòng thương xót Chúa qua bàn tay chăm sóc của chúng ta.

Khi mọi sự tất cả dường như bị ngưng đọng như việc phong tỏa hay cách ly thì lòng thương xót cần hành động và thi thố. Có những con người nhỏ mọn lại có một trái tim lớn lao, đã sáng kiến gởi số điện thoại của mình cho những người già cô đơn để họ có thể gọi điện thoại và nói lên nhu cầu của mình ngõ hầu được phục vụ tận nơi. Đâu rồi những đơn đặt hàng online trong thời đại dịch, đâu rồi những người chuyển hàng nhanh chóng, họ chỉ vì tiền mới phục vụ và ngay khi còn trong thời điểm nguy hiểm, họ cũng lo bảo đảm sự sống còn thì đâu đó, có những con người can đảm đi vào vùng nguy hiểm nhằm phục vụ những con người phận nhỏ dễ bị lãng quên.

Hoặc có những người đã hy sinh công việc cá nhân để dành giờ thiết kế những chiếc khẩu trang lòng thương xót mặc dù rất đơn giản nhưng cũng đủ độ an toàn để phòng bệnh. Lại nữa, có những người đã tạo một video clips hướng dẫn miễn phí làm khẩu trang tại chỗ trong lúc hàng hóa khan hiếm hầu nhằm bảo vệ sự an toàn cho bản thân. Phải chăng khi có chút lòng trắc ẩn, lương tâm sẽ mách bảo họ thi thố lòng thương xót tùy nén bạc Chúa trao ?

Hay như một tin cảm động về một bà mẹ y sĩ đã hy sinh, chối từ không tham dự lễ cưới của con mình và viết thư xin lỗi vì mình đang phải chu toàn nhiệm vụ cao cả là phục vụ cho các nạn nhân. Cảm động hơn nữa, khi chúng ta nghe tin về một vị bác sĩ đã tình nguyện ở lại bệnh viện để phục vụ bệnh nhân mà không tham dự lễ an táng của chính mẹ mình. Và còn biết bao người chuyên môn trong các đội ngũ y tế đã can đảm đi vào tâm chấn của đại dịch mà phục vụ những người đang giành giựt từng giây phút để thở và để sống.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần ghi nhận những linh mục, tu sĩ tình nguyện đi đến những vùng bệnh dịch nguy hiểm để chữa lành thân xác bệnh nhân phần nào và an ủi họ bằng việc ban các bí tích cần thiết. Những nghĩa cử ấy là sáng kiến của lòng thương xót Chúa trong cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử này.

Và tôi đã rảo quanh trên khắp nẻo đường dương thế để tìm những tâm hồn có lòng thương xót. Tôi đã thấy một gã xe ôm gầy nhom đang chở một ả mua hương bán phấn trên đường X. Bỗng thình lình gặp một chàng thiếu niên bị tai nạn dọc đường, họ quyết định cứu giúp nạn nhân. Họ cho lên xe chở vào bệnh viện gần đó để cấp cứu. Vì máu ra quá nhiều, người phụ nữ này đã cởi áo mình ra để băng bó vết thương cho nạn nhân. Nàng đã cứu người bất chấp thân thể lõa lồ của mình. Đến bệnh viện, y tá nghi ngờ đây là một ca “có vấn đề”, cô chần chừ và e ngại. Một lát sau, cô đòi tiền tạm ứng để nhập viện, cả ông xe ôm và cô gái điếm móc tiền trong túi ra nhưng không đủ, buộc ông này phải đi cầm chiếc xe cũ kỹ tại một tiệm cầm đồ. Ông đã cứu người bất chấp sự an toàn là chiếc xe làm phương tiện nuôi sống bản thân và gia đình. Cả hai đang chờ tin tức mới thì được báo tin: nạn nhân cần tiếp máu trực tiếp vì máu ra quá nhiều. Một lần nữa cả hai lại xung phong xét nghiệm máu để có thể cứu sống nạn nhân. Họ bất chấp mọi nguy hiểm bản thân để cứu sống người khác… Tôi đã tìm thấy lòng cảm thương giữa một xã hội đua chen đi tìm thú vui hưởng thụ. Phải chăng chỉ có những con người bị xã hội coi thường vì làm những việc tay chân thấp kém hay bị xã hội sỉ nhục vì bán thân nuôi mình, những con người bị tổn thương ấy lại có một tấm lòng quảng đại ? Họ là niềm hy vọng cho những người thiện chí vì họ đã bất chấp thân thể, bất chấp sự nguy hiểm bản thân để thực thi lòng thương xót.

Với những con người vốn không được xã hội tôn trọng đúng mức lại còn biết thổ lộ lòng thương xót còn mỗi người chúng ta thì sao ?

Nói như thế, không phải rằng muốn thực thi lòng thương xót, chúng ta phải phá lệnh phong tỏa hay cách ly của các nhà lãnh đạo đề ra, nhưng cần ý thức như lời mời gọi của Đức Phanxicô rằng Giáo hội là bệnh viện dã chiến và chúng ta cần phải ra khỏi vùng ngoại biên, ra khỏi vùng ngoại biên ấy là ra khỏi bản thân mình nơi những gì tự coi là an toàn và bảo đảm mà hướng ra một thế giới đại đồng hơn. Đừng ngồi chờ xem Chúa mặc khải lòng thương xót ra cho toàn nhân loại thế nào mà hãy nhận lấy ánh sáng Đấng Phục Sinh được soi chiếu từ bên trong thúc đẩy chúng ta thi hành lòng thương xót.

Thật vậy, lòng thương xót là hoa trái của tình yêu mà Thiên Chúa đặt để trong lòng con người: không thể chết. Nó như một lớp than hồng đang tạm thời bị bao phủ bởi một lớp tro nào đó; lớp tro của nền văn hóa hưởng thụ, văn hóa sự chết hay một ý thức hệ nào đó…trong những lúc đang chịu cảnh “nhà cháy” như thế này, chúng ta sẽ đi tra tìm thủ phạm ai đã gây ra đại dịch này hay là tìm mọi cách để chạy vào nhà mà cứu vãn những gì còn có thể ? Chúng ta hãy chọn giải pháp hòa bình là chăm lo cho sức khỏe của cộng đồng và tiếp sức cho những người nguy tử hơn là tiếp tục chạy đua vũ trang để tìm một vị thế bá chủ trên xác chết của đồng loại. Đây không phải là lúc chúng ta đưa ra giả thiết virus là một thứ vũ khí sinh học mà là chung tay sống và lan tỏa lòng thương xót.

Lòng thương xót là mầm thiện mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng người; nó chỉ chết khi nào con người không còn tồn tại trên thế gian này. Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm cho mầm sống ấy đơm hoa kết trái trong cuộc đời để nỗi đau được vơi đi và niềm vui tăng trưởng mãi.

Con người sẽ sống ra sao nếu không còn lòng thương xót ? Tha nhân không là hỏa ngục nhưng một thế giới vắng bóng lòng thương xót là hỏa ngục trần gian. Đúng thế, Tha nhân là nạn nhân đang chờ ta thi thố lòng thương xót. Và nhờ đó, con người cảm nhận phần nào lòng Chúa xót thương.

Và tâm tình cuối cùng mà chúng ta có thể nhận ra qua gương sống của Đức Phanxicô khi có người hỏi: Đức Phanxicô là ai ? Ngài đã trả lời: “Tôi là một tội nhân”. Quả thật, chỉ khi ý thức mình là tội nhân, chúng ta mới có cơ hội tiếp xúc với lòng thương xót Chúa. Thay vì đổ tội cho người khác, mỗi người cần ý thức trách nhiệm cộng đồng, rằng tôi có lỗi một phần nào đó trong cơn đại dịch này và có thế, chúng ta sẽ dễ dàng đồng hành với từng khoảnh khắc đau thương hay chữa lành của nhân loại, và không ngừng cầu khẩn Lòng Thương Xót Chúa, đồng thời, hy vọng vào một Mùa Phục Sinh vĩnh hằng cho những nạn nhân đã qua đời. Hơn nữa, chúng ta mong đợi từ Trái Tim với máu và nước chảy ra sẽ thực hiện một cuộc chữa lành và thanh luyện, bồi bổ và thánh hóa đích thực cho toàn nhân loại.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.